6 thực phẩm gây sỏi thận nếu ăn quá nhiều cần lưu tâm

15/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến nhưng vẫn còn nhiều người không biết rằng “thủ phạm” hàng đầu gây sỏi thận chính là thực phẩm. Vì thế, hiểu rõ về danh sách những thực phẩm gây sỏi thận sẽ giúp bạn cẩn trọng hơn trong việc ăn uống, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Vậy, thực phẩm gây sỏi thận thông qua cơ chế nào? Đâu là danh sách những thức ăn gây sỏi thận mà bạn cần chú ý? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

6 thực phẩm gây sỏi thận nếu ăn quá nhiều cần lưu tâm

Đây là danh sách những thực phẩm gây sỏi thận khi ăn quá nhiều?

Những thực phẩm gây sỏi thận cần chú ý

Những thực phẩm gây sỏi thận thường là nhóm thức ăn chứa nhiều oxalat, purin, natri, caffeine, đường và cồn (rượu, bia,…). Cụ thể:

1. Thực phẩm chứa nhiều oxalat

Oxalate là nhóm thực phẩm gây sỏi thận nguy hiểm mà bạn nên cẩn trọng bởi hợp chất này thường xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vào cơ thể, oxalate và canxi có xu hướng liên kết với nhau trong ruột và được bài tiết ra khỏi cơ thể thông qua phân. Tuy nhiên, nếu cơ thể không hấp thụ đủ canxi thì lượng oxalate dư thừa trong ruột sẽ được ruột non hấp thụ, vận chuyển vào nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận oxalate ở niệu quản.

Do đó, ăn quá nhiều thực phẩm chứa oxalate có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi khi bạn không hấp thụ canxi đầy đủ. Dưới đây là danh sách 20 loại thực phẩm chứa nhiều oxalate có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận mà bạn nên cẩn trọng khi tiêu thụ:

Nhóm thực phẩm Tên thực phẩm
Rau củ Cải bó xôi, rau dền, củ cải đỏ, bắp cải Brussels, cà chua, khoai lang, củ cải trắng,…
Hoa quả Dâu, lựu, dứa, cam, chanh, việt quất,…
Hạt và đậu Hầu hết các loại hạt và đậu đều có chứa một hàm lượng oxalate nhất định
Ngũ cốc Lúa mạch, gạo nâu, cám gạo, kiều mạch, yến mạch,…
Đồ uống Cà phê, rượu vang đỏ, trà đen, bia
Thực phẩm khác Sô cô la, dưa ngâm chua, bột cacao, mì ống, bánh quy,…

Lưu ý:

Để phòng ngừa sỏi thận, bạn không nhất thiết phải kiêng ăn hoàn toàn các loại thực phẩm giàu oxalate. Trên thực tế, một số thực phẩm giàu oxalate lại là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, và chất xơ quan trọng cho cơ thể. Tuy nhiên, việc kiểm soát lượng oxalate trong chế độ ăn uống có thể cần thiết cho những người có nguy cơ cao bị sỏi thận hoặc đang điều trị sỏi thận.

2. Thực phẩm nhiều purin

Axit uric là một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa purin, một loại protein tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác nhau. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều purin có thể gây sỏi thận thông qua một số cơ chế sau:

  • Tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu: Ăn quá nhiều thực phẩm giàu axit uric làm tăng lượng axit uric trong máu, từ đó tăng lượng axit uric trong nước tiểu. Nếu nồng độ axit uric trong nước tiểu quá cao, nó có thể tạo thành cục và kết tủa, dẫn đến hình thành sỏi thận.
  • Làm giảm pH nước tiểu: Axit uric có thể làm giảm pH của nước tiểu. Môi trường axit trong nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi cho axit uric kết tủa và hình thành sỏi.
  • Giảm khả năng lọc của thận: Sự tích tụ quá mức axit uric còn có thể làm tổn thương cấu trúc lọc của thận, làm giảm khả năng lọc và tăng nguy cơ kết tủa các chất trong nước tiểu, gây sỏi thận.
thực phẩm gây sỏi thận, thực phẩm chứa nhiều purin

Nồng độ axit uric tăng cao sau khi tiêu thụ thực phẩm giàu purin

Tóm lại, thức ăn chứa nhiều purin là nhóm thực phẩm gây sỏi thận axit uric một cách trực tiếp. Để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận axit uric, bạn hãy cân nhắc giảm lượng thực phẩm giàu purin trong chế độ ăn uống. Dưới đây là danh sách các nhóm thực phẩm chứa nhiều purin mà bạn cần hạn chế tiêu thụ quá mức:

Nhóm thực phẩm Tên thực phẩm
Thịt đỏ Bò, cừu, lợn, dê, thỏ,…
Hải sản Cá hồi, sò điệp, mực, cá ngừ, tôm
Các loại gia cầm Gà, vịt, gà tây, cút, gà điều
Đồ uống có cồn Bia, rượu vang, rượu mạnh, rượu sâm banh, whisky
Nội tạng động vật Gan lợn, gan gà, tim gà, lưỡi bò, não lợn,…
Một số loại rau và đậu Đậu nành, cải bó xôi, măng tây, đậu đỏ,…
Nấm và một số loại nấm Nấm hương, nấm đùi gà, nấm mỡ, nấm kim châm,…

3. Thực phẩm chứa nhiều natri

Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều natri có thể gây sỏi thận vì các lý do sau:

  • Tăng nồng độ canxi trong nước tiểu: Tiêu thụ thực phẩm giàu natri có thể làm tăng lượng canxi được bài tiết trong nước tiểu. Bạn có thể tưởng tượng natri như một chất kết dính mạnh mẽ trong nước tiểu, thu hút các hợp chất khác và tạo điều kiện cho chúng kết hợp lại với nhau. Do đó, khi có nhiều canxi trong nước tiểu, chúng có thể kết hợp với các chất khác (như oxalate) để tạo thành những tinh thể rắn, gọi là sỏi thận.
  • Gây cô đặc nước tiểu: Natri kích thích cơ thể giữ nước trong máu. Khi bạn ăn nhiều natri, cơ thể cố gắng thải natri qua thận; đồng thời hạn chế thải nước qua việc hình thành nước tiểu. Do đó, nước tiểu sẽ có xu hướng trở nên cô đặc hơn, làm tăng nguy cơ kết tủa và hình thành sỏi thận.
  • Tăng huyết áp: Ăn nhiều natri gây tăng huyết áp do tăng lưu lượng nước tích trữ trong cơ thể, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển.
những thức ăn gây sỏi thận, thực phẩm chứa nhiều muối

Thực phẩm chứa nhiều natri làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận

Tóm lại, thức ăn chứa nhiều natri là nhóm thực phẩm gây sỏi thận theo cơ chế gián tiếp. Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK), một người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 2300mg natri mỗi ngày để hạn chế những biến chứng thúc đẩy sỏi thận tiến triển.

Nếu muốn kiểm soát hàm lượng natri tiêu thụ, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần giá trị dinh dưỡng in trên vỏ bao bì thực phẩm, hoặc nên tìm hiểu kỹ về hàm lượng natri chứa trong mỗi loại thực phẩm để tính toán hàm lượng tiêu thụ phù hợp. Dưới đây là danh sách các nhóm thực phẩm chứa nhiều natri mà bạn cần lưu tâm:

Nhóm thực phẩm Tên thực phẩm
Đồ hộp Hầu hết thực phẩm đóng hộp đều chứa hàm lượng natri cao để gia tăng thời hạn bảo quản.
Thực phẩm chế biến sẵn Mì ăn liền, bánh quy mặn, lạp xưởng, xúc xích, thịt xông khói,…
Đồ Ăn Nhanh Hamburger, Pizza, Khoai tây chiên, Hotdog, Sandwich
Phô mai Phô mai nước, Phô mai cheddar, Phô mai mozzarella,…
Thủy hải sản tươi / khô Tôm, cua, cá, mực, sò,…. loại tươi sống hoặc được ướp muối rồi sấy khô đều chứa nhiều natri
Sốt và gia vị phức tạp Nước tương, nước mắm, sốt cà chua, sốt Teriyaki, sốt mayonnaise, sốt mù tạt, các loại mắm,…
Đồ uống có gas Nước ngọt, nước tăng lực, soda, nước hoa quả đóng hộp,…
Rau củ muối chua Hầu hết tất cả các loại rau củ muối chua đều chứa nhiều natri
Rau củ quả Cần tây, củ dền, cải bó xôi, atiso, xà lách, khoai lang, cải xoăn, măng tây,…
Thực phẩm khác Bất kể thực phẩm nào có vị mặn đều chứa nhiều natri, chẳng hạn như: Bánh mì, xôi mặn, bánh tráng trộn muối, gà chấm muối,…

Lưu ý: Trên đây chỉ là danh sách những thực phẩm chứa nhiều natri, tiềm ẩn nguy cơ gây sỏi thận khi tiêu thụ quá nhiều. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn có thể ăn được những thực phẩm kể trên một cách bình thường, miễn là tiêu thụ chúng với hàm lượng vừa phải.

4. Thực phẩm giàu caffeine

Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh được tìm thấy nhiều trong cà phê, trà, nước tăng lực và một số loại thuốc giảm đau phổ biến (panadol, paracetamol,…). Thuộc danh sách những thực phẩm gây sỏi thận, caffeine có thể thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thông qua một số cơ chế sau:

  • Tăng nồng độ canxi trong nước tiểu: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dung nạp caffeine có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu trong ít nhất 3 giờ sau khi tiêu thụ, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalate.
  • Gây tăng huyết áp: Quá nhiều caffeine có thể khiến nhịp tim tăng nhanh, gây tăng huyết áp, điều này có thể ảnh hưởng đến cách thận lọc và bài tiết các chất, tăng nguy cơ sỏi thận.
  • Kích thích hệ thống thần kinh trung ương: Caffeine kích thích hệ thống thần kinh trung ương, có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều chỉnh nước và các ion trong cơ thể, góp phần tạo điều kiện cho sỏi thận hình thành.
những thực phẩm gây sỏi thận, thực phẩm giàu caffein

Caffeine làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, thúc đẩy hình thành sỏi canxi oxalate

Để giảm thiểu nguy cơ sỏi thận, bạn hãy cân nhắc giới hạn lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới mức 400 mg / ngày theo khuyến nghị của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); đồng thời, uống đủ nước để “pha” loãng, giữ cho nước tiểu luôn trong suốt.

5. Bánh ngọt và đồ uống có đường

Bánh ngọt và đồ uống có đường là nhóm thực phẩm gây sỏi thận thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo, đều có thể làm tăng nguy cơ gây sỏi thận lên lần lượt là 23% và 33%. Nguyên nhân là vì đường có thể:

  • Làm tăng nồng độ canxi và oxalate: Theo nghiên cứu, hấp thụ fructose (một loại được tìm thấy trong nhiều đồ uống đóng hộp), có thể làm tăng nồng độ canxi và oxalate trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalate;
  • Làm tăng nồng độ axit uric: Fructose là loại đường duy nhất được phát hiện có khả năng tạo ra axit uric trong quá trình chuyển hóa của nó. Do đó, tiêu thụ đường fructose làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi axit uric;
  • Làm tăng nguy cơ thừa cân – tiểu đường: Bên cạnh fructose, bánh kẹo và đồ uống có đường còn chứa nhiều sucrose. Cả hai loại đường này đều được chứng minh là có khả năng kích thích cơ thể tích tụ mỡ nhiều hơn gấp 2 lần bình thường, gây thừa cân, béo phì, tiểu đường,… ảnh hưởng đến cách thận hoạt động và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tóm lại, hạn chế bánh và đồ uống có đường, kết hợp với việc duy trì một lượng nước đủ trong cơ thể, là cách giúp bạn làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận hiệu quả.

6. Rượu bia

Rượu bia là nhóm thực phẩm gây sỏi thận được nhiều chuyên gia khuyến cáo bạn nên hạn chế tiêu thụ. Uống rượu bia có thể gây sỏi thận thông qua một số cơ chế sau:

  • Tăng lượng axit uric: Bia và rượu chứa nhiều purin, một loại protein sẽ được cơ thể chuyển hóa thành axit uric. Do đó, tiêu thụ rượu bia quá mức, trong suốt một thời gian dài, có thể làm tăng lượng axit uric trong nước tiểu và thúc đẩy hình thành sỏi axit uric.
  • Thay đổi pH nước tiểu: Uống rượu có thể làm thay đổi pH của nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi thận từ các hợp chất khác như oxalate và phosphate.
  • Thúc đẩy suy giảm chức năng thận: Lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây tổn thương thận, làm giảm khả năng lọc và cân bằng các chất trong cơ thể. Điều này cũng có thể tăng nguy cơ sỏi thận.
thức ăn gây sỏi thận, rượu bia

Rượu bia làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận do sự tích tụ axit uric quá mức

Thói quen hàng ngày dễ gây bệnh sỏi thận

Lười uống nước, ít vận động, nhịn tiểu và bổ sung thực phẩm chức năng quá liều chính là những thói quen hàng ngày làm tăng nguy cơ sỏi thận. Cụ thể:

1. Lười uống nước

Lười uống nước gây nên tình trạng mất nước. Khi cơ thể không duy trì đủ lưu lượng chất lỏng chảy qua thận, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn. Điều này làm tăng nồng độ các chất như canxi, oxalate và axit uric; khiến chúng kết tủa, hình thành sỏi thận. Ngược lại, uống đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp bạn “pha loãng” nước tiểu, giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi và hỗ trợ thận làm việc hiệu quả hơn.

2. Lười vận động

Lười vận động không trực tiếp gây ra sỏi thận, nhưng thói quen này có thể trực tiếp thúc đẩy các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận thông qua các cơ chế sau:

  • Thứ nhất: Khi bạn ít vận động, cơ thể không có “nhu cầu” để duy trì mật độ canxi cao tại xương, góp phần làm tăng lượng canxi được thải ra trong nước tiểu. Canxi này có thể kết hợp với các chất khác trong nước tiểu để hình thành sỏi.
  • Thứ hai: Thiếu vận động cũng góp phần gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và tiểu đường. Tất cả đều là các yếu tố thúc đẩy suy giảm chức năng thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Thứ ba: Lười vận động làm giảm cường độ lưu thông của nước tiểu trong hệ thống niệu đạo, tạo điều kiện để các chất kết tủa và hình thành sỏi.

Tóm lại, tăng cường vận động và duy trì lối sống năng động có thể góp phần nâng cao sức khỏe toàn diện và giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

3. Thói quen nhịn tiểu

Khi nước tiểu được giữ lại trong bàng quang quá lâu, các hợp chất muối khoáng và axit có thể kết tủa dễ dàng hơn, hình thành nên sỏi thận. Nhìn chung, nhịn tiểu càng lâu, nước tiểu càng đặc thì nguy cơ hình thành sỏi thận càng cao.

Bên cạnh đó, nhịn tiểu còn làm gia tăng áp lực lên thận, gây ra hiện tượng trào ngược niệu quản, khiến thận bị tổn thương, suy giảm chức năng và góp phần hình thành sỏi mới. Do đó, để phòng ngừa sỏi thận, điều quan trọng là bạn không nên nhịn tiểu, mà nên xử lý ngay khi có nhu cầu.

Thói quen hàng ngày dễ gây bệnh sỏi thận, nhịn tiểu

Nhịn tiểu là thói quen xấu thúc đẩy sỏi thận hình thành

4. Uống bổ sung canxi và vitamin C không đúng cách

Uống bổ sung canxi và vitamin C không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận vì:

  • Canxi: Uống quá nhiều canxi có thể làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu. Canxi này có thể kết hợp với các chất khác như oxalate để hình thành sỏi canxi oxalate, loại sỏi thận phổ biến nhất hiện nay.
  • Vitamin C: Vitamin C dư thừa trong cơ thể thường được cơ thể chuyển hóa thành oxalate. Việc uống quá nhiều bổ sung vitamin C làm tăng nồng độ oxalate trong nước tiểu, từ đó tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate.

Do đó, để tránh nguy cơ hình thành sỏi thận từ việc bổ sung canxi và vitamin C sai cách, điều quan trọng là bạn không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Biện pháp nào giúp giảm nguy cơ sỏi thận?

Để giảm nguy cơ sỏi thận, bạn có thể tiến hành điều chỉnh chế độ ăn uống, giữ cân nặng khỏe mạnh và khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định từ bác sĩ. Cụ thể:

1. Chế độ ăn cân bằng, nhiều rau củ quả

Có nhiều loại sỏi thận khác nhau và chúng có thể được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau như canxi, oxalat, axit uric và photphat. Việc duy trì một chế độ ăn cân đối, giàu rau củ quả có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận bằng cách:

  • Kiểm soát canxi và oxalate: Một số rau củ quả chứa nhiều canxi (cải bó xôi, cải rổ, cải xoăn, đậu bắp,…) có thể giúp bạn hấp thụ oxalate từ các loại hạt, đậu, ngũ cốc,… để tạo thành tinh thể canxi oxalate ngay trong ruột non; nhờ đó, hạn chế lượng oxalat thâm nhập vào nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat trong thận.
  • Kiểm soát axit uric: Rau củ quả chứa nhiều chất xơ. Nghiên cứu cho thấy, chất xơ ức chế quá trình tiêu hóa và hấp thu purin, một loại protein chứa nhiều trong thực phẩm giàu đạm mà sau đó, sẽ được cơ thể chuyển hóa thành axit uric. Nhờ vậy, ăn nhiều rau củ quả giúp là giảm nguy cơ hình thành sỏi axit uric.
  • Cân bằng photphat: Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều rau củ quả giúp giảm tải lượng photphat trong nước tiểu, hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi thận canxi photphat.
  • Cung cấp kali: Kali chứa nhiều trong các loại rau củ quả giúp cơ thể tăng cường loại bỏ natri / canxi qua nước tiểu, cân bằng lượng nồng độ hai khoáng chất này và giảm nguy cơ hình thành sỏi.
  • Giảm natri: Một chế độ ăn nhiều rau củ quả thường không đòi hỏi bạn phải sử dụng nhiều muối trong quá trình chế biến, giúp kiểm soát lượng natri dung nạp vào cơ thể hàng ngày. Natri có thể tăng lượng canxi trong nước tiểu, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, ăn nhiều rau củ quả cũng gián tiếp giúp bạn cắt giảm lượng muối natri một cách tự nhiên.
  • Tăng lượng nước tiểu: Rau củ quả giàu nước, giúp gia tăng lưu lượng nước tiểu, làm loãng các chất có thể hình thành sỏi và giúp chúng không dễ dàng kết dính lại với nhau.

Tóm lại, tiêu thụ một chế độ ăn cân bằng với nhiều rau củ quả giúp bạn giảm thiểu đáng kể nguy cơ hình thành sỏi thận.

Biện pháp nào giúp giảm nguy cơ sỏi thận?

Tiêu thụ nhiều rau củ quả chính là “chìa khóa vàng” hỗ trợ phòng ngừa sỏi thận hiệu quả

2. Giữ cân nặng khỏe mạnh

Nhìn chung, mức độ thừa cân – béo phì càng cao thì nguy cơ hình thành sỏi thận càng lớn. Cụ thể, theo ước tính, có đến 53.1% số ca mắc phải sỏi axit uric và 42.7% trường hợp hình thành sỏi canxi oxalate đến từ người béo phì. Do đó, duy trì cân nặng khỏe mạnh chính là một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ sỏi thận hiệu quả.

3. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ sỏi thận. Qua các thủ tục thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu hình thành sỏi hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ gây sỏi thận, chẳng hạn như tăng canxi / axit uric / oxalate trong nước tiểu; từ đó, xây dựng phác đồ điều trị kịp thời.

Tổng kết lại, việc hiểu rõ danh sách những thức ăn gây sỏi thận chính là bước đầu quan trọng giúp bạn bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả. Trong mọi tình huống, bạn cần kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng tiêu thụ 7 nhóm thức ăn gây sỏi thận kể trên để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề thực phẩm gây sỏi thận, bạn đừng ngần ngại liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn sớm xây dựng được một chế độ ăn an toàn, hỗ trợ phòng ngừa sỏi thận hiệu quả!

Rate this post
14:53 15/09/2023