Thực đơn cho người bị sỏi thận đủ chất, ăn ngon và sống khỏe

15/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh sỏi thận. Do đó, việc xây dựng thực đơn cho người bị sỏi thận là điều vô cùng cần thiết. Để thực đơn cho người sỏi thận cung cấp đủ các nhóm chất cần thiết, đồng thời hạn chế tối đa các loại thực phẩm gây hại, người bệnh cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ dinh dưỡng. Ngay sau đây, các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ gợi ý đến bạn thực đơn và công thức món ăn cho người bị sỏi thận một cách cụ thể và chi tiết.

Thực đơn cho người bị sỏi thận đủ chất, ăn ngon và sống khỏe

Người bệnh sỏi thận cần xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để tối ưu hiệu quả điều trị

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị sỏi thận

Cùng với các phương pháp điều trị y khoa, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng góp phần gia tăng hiệu quả điều trị sỏi thận. Khi bị sỏi thận, người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy bữa ăn hàng ngày cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để duy trì thể trạng tốt.

Duy trì chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như ăn mặn, dung nạp nhiều món ăn chứa axit oxalic, thói quen ít uống nước…. sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các khoáng chất, độc tố tích tụ và hình thành nên sỏi thận. Do đó, thực đơn cho người bị sỏi thận cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc dinh dưỡng sau đây:

  • Hạn chế dung nạp nhiều muối và đường trong bữa ăn hàng ngày;
  • Hạn chế nạp dư thừa các loại thực phẩm chứa nhiều kali, đạm động vật;
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi; chất xơ, vitamin (A, B6, D);
  • Uống nhiều nước, đặc biệt khi thời tiết oi bức hoặc sau khi vận động cường độ mạnh. Lưu ý, nên chia nhỏ lượng nước để uống dài trải trong ngày để tránh hiện tượng ngộ độc nước. Ngộ độc nước xảy ra khi lượng nước nạp vào vượt mức mà cơ thể có thể hấp thụ gây hạ natri trong máu và tăng hydrat đột ngột làm mất cân bằng điện giải; khiến cho chức năng não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị sỏi thận

Thực đơn cho người bị sỏi thận nên ưu tiên món nước, món canh, súp…. để bổ sung thêm lượng chất lỏng cần thiết

Thực đơn cho người sỏi thận bao gồm những thực phẩm nào?

Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm nên và không nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận:

1. Các loại thực phẩm nên ăn

Một số thực phẩm tốt cho người bị sỏi thận điển hình như:

  • Nước: Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng các chất tạo thành sỏi, khiến chúng không có cơ hội kết tinh với nhau. Theo khuyến nghị, mỗi ngày người mắc bệnh sỏi thận cần uống từ 2.5 đến 3 lít nước để gia tăng lượng nước tiểu, từ đó giúp sỏi dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể khi tiểu tiện.
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin A: Vitamin A đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ điều hòa cơ chế bài tiết nước tiểu, từ đó giảm thiểu sự tích tụ khoáng chất, hạn chế nguy cơ sỏi thận. Thực phẩm giàu vitamin A điển hình như bông cải xanh, bí đỏ, cà chua, ớt chuông….
  • Thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D: Cơ thể cần canxi để cân bằng nồng độ oxalat; vitamin D để hấp thụ và chuyển hóa canxi. Như vậy, người bị sỏi thận cần bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa chua, rau xanh đậm màu, các loại hạt…. cùng với thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, lòng đỏ trứng, sữa….
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6: Cơ thể không thể chủ động sản xuất vitamin B6. Trong khi đó, chất này có thể làm giảm oxalat đáng kể, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận. Người bị sỏi thận có thể bổ sung vitamin B6 từ đậu đỏ, đậu nành, cà rốt, bông cải….
  • Thực phẩm cung cấp chất xơ: Cơ thể cần chất xơ để tối ưu quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Các loại thực phẩm giàu chất xơ mà người bệnh sỏi thận nên ăn bao gồm rau cần tây, yến mạch, hạt diêm mạch, bắp cải, cải xoăn….
  • Trái cây họ cam, quýt: Bao gồm cam, quýt, chanh, quất… rất giàu citrate, chất này có tác động giúp gia tăng tính kiềm của nước tiểu (ít axit trong nước tiểu). Bởi vì, axit trong nước tiểu tăng cao là môi trường thuận lợi cho sỏi axit uric hình thành và phát triển. Do đó, bổ sung các loại trái cây này vào thực đơn ăn uống hàng ngày có thể giúp làm tan sỏi thận hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, duy trì uống nước chanh pha loãng có thể giúp tỷ lệ tạo sỏi trong một năm ở người bệnh từ 1 viên xuống chỉ còn 0.13 viên.
Thực đơn cho người sỏi thận bao gồm những thực phẩm nào?

Người bị sỏi thận nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin A, B6, D….

2. Các loại thực phẩm nên tránh

Để bảo vệ sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị bệnh, trong thực đơn cho người bị sỏi thận cần hạn chế một số thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm nhiều muối: Natri trong muối có thể làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu đáng kể. Khi đó, canxi trong nước tiểu sẽ dễ bị lắng đọng và kết tinh với oxalat, photsphat để tạo thành sỏi. Do đó, trong thực đơn dinh dưỡng, người bị sỏi thận cần hạn chế các loại thực phẩm nhiều muối như dưa muối, xúc xích, cá khô, thịt hộp….
  • Thực phẩm giàu đạm: Chế độ dinh dưỡng dư thừa chất đạm động vật có thể gây tích tụ axit uric trong máu, khiến cho các tinh thể muối urat hình thành, kết tinh ở thận và dẫn đến hình thành sỏi thận. Mỗi người chỉ nên ăn tối đa 200 g đạm động vật (thịt, cá, hải sản…) mỗi ngày.
  • Thực phẩm giàu kali (chuối, bơ, khoai tây): Dư thừa kali trong máu sẽ gây áp lực cho thận làm giảm khả năng đào thải độc tố của cơ quan này, dẫn đến gia tăng nguy cơ sỏi thận.
  • Thực phẩm gốc oxalat (củ cải đường, rau muống, cải bó xôi…): Ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat sẽ làm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển sỏi thận. Do đó, người bệnh cần hạn chế chọn các loại thực phẩm này cho bữa ăn hàng ngày.
  • Cà phê, nước ngọt có gas: Đây là 2 loại thực phẩm chứa lượng lớn photspho. Do đó, dung nạp nhiều cà phê, nước ngọt có gas sẽ gây làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ngoài ra, nước ngọt có gas còn chứa nhiều đường fructose và sucrose – một trong những yếu tố nguy cơ gây hình thành sỏi thận.
  • Bia, rượu, đồ uống có cồn khác: Lạm dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn sẽ gây áp lực làm suy yếu chức năng thận. Khi đó, khả năng thải lọc của thận sẽ bị giảm sút, dẫn đến tích tụ nhiều độc tố, từ đó làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C: Sau khi được cơ thể hấp thụ, vitamin C dư thừa có thể được chuyển hóa thành oxalat. Trong khi đó, người bị sỏi thận cần hạn chế dung nạp chất này để ngăn chặn sự phát triển cũng như triệt tiêu nguy cơ hình thành thêm sỏi mới. Vì vậy, người bệnh sỏi thận không nên tự ý bổ sung thêm vitamin C khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thực phẩm chức năng bổ sung canxi: Canxi được cung cấp từ thực phẩm thường không gây ra tình trạng dư thừa canxi trong nước tiểu. Tuy nhiên, nếu người bệnh tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi có thể làm nồng độ canxi trong nước tiểu gia tăng đáng kể. Do đó, để tối ưu hiệu quả chữa trị, người bị sỏi thận cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm bổ sung canxi.
thực đơn cho người sỏi thận tránh thức ăn nhanh

Người bị sỏi thận cần tránh thức ăn nhanh, cà phê, nước có ga, đồ uống có cồn….

Thực đơn món ăn cho người bị sỏi thận

Dưới đây là một số món ăn tốt cho người bị sỏi thận được gợi ý từ các chuyên gia dinh dưỡng:

1. Các món súp, cháo tốt cho người sỏi thận

Dựa vào danh sách những loại thực phẩm trị sỏi thận, người bệnh có thể chế biến đa dạng các món súp, cháo, chẳng hạn như:

  • Súp gà rau củ;
  • Súp bí đỏ;
  • Súp mì gà;
  • Súp đậu đen;
  • Cháo cá lóc rau đắng;
  • Cháo vừng;
  • Cháo củ sen.

2. Các món canh, rau tốt cho bệnh sỏi thận

Để cung cấp đủ lượng chất xơ, vitamin cần thiết trong các bữa chính, người bệnh sỏi thận có thể tham khảo các món canh, rau sau đây:

  • Canh chua rau ngổ;
  • Canh cua rau bợ;
  • Canh gà lá giang;
  • Canh tôm nha đam;
  • Canh bí đao nấu sườn.
Các món canh, rau tốt cho bệnh sỏi thận

Các món canh, súp sẽ giúp cung cấp thêm chất lỏng cho cơ thể người bị sỏi thận

3. Các món chính tốt cho người bị sỏi thận

Dưới đây là gợi ý các món chính nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận, điển hình như:

  • Cơm diêm mạch trứng ốp la;
  • Trứng omelet bỏ lò;
  • Cá hồi thảo mộc và cải thìa;
  • Cà ri gà;
  • Gà nấu chậm kiểu Thái;
  • Lasagna rau và 3 loại phô mai.

4. Các món tráng miệng tốt cho người bị sỏi thận

Bên cạnh các món chính, món tráng miệng cũng góp phần quan trọng giúp cải thiện vị giác, cung cấp thêm dưỡng chất cần thiết cho người bệnh sỏi thận. Dưới đây là gợi ý các món tráng miệng tốt cho người bị sỏi thận mà bạn có thể tham khảo:

  • Đá xay dâu đào;
  • Nước dưa hấu hương thảo;
  • Nước chanh và dưa chuột giải nhiệt;
  • Smoothie chanh việt quất;
  • Parfait đào và sữa chua;
  • Bánh táo yến mạch.

Công thức món ăn cho cho người bị sỏi thận

Sau đây là những công thức chế biến các món ăn với nguyên liệu chính từ rau xanh, các loại đậu, hoa quả, yến mạch…. hạn chế muối, đường, thực phẩm giàu kali, oxalat…. Các món ăn bổ dưỡng được các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khuyên dùng trong thực đơn cho người bị sỏi thận.

1. Đá xay dâu đào

Đào và dâu tây là 2 loại quả chứa nhiều chất xơ, rất ít chất đạm và quả đào rất giàu vitamin A tốt cho người bị sỏi thận. Đá xay dâu đào là thức uống mát lạnh, vị chua ngọt kích thích vị giác người bệnh. Để chế biến món đá xay dâu đào, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Dâu tây: 50 g;
  • Đào: 50 g;
  • Đường ăn kiêng: 10 g;
  • Đá viên: 1 chén.

Các bước thực hiện món đá xay dâu đào cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, thái nhỏ và cho dâu tây vào máy để ép lấy phần nước; hòa tan đường ăn kiêng với nước ép dâu tây;
  • Kế tiếp, xay đào với đá viên theo định lượng 1 phần đào và 3 phần đá;
  • Cuối cùng, cho phần đào đá xay ra ly và rót nước ép dâu tây lên trên; trang trí bằng vài lát dâu tây tươi và thưởng thức.
món ăn cho cho người bị sỏi thận, đá xay dâu đào

Đá xay dâu đào mát lạnh rất tốt cho sức khỏe người bị sỏi thận

2. Nước dưa hấu hương thảo

Dưa hấu chứa rất ít chất đạm và có đến 91% thành phần là nước. Đồng thời, beta carotene trong loại quả này sau khi hấp thụ vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy hương thảo là loại dược liệu có tác dụng giúp lợi tiểu hữu hiệu. Như vậy, trong thực đơn cho người bị sỏi thận nên có nước dưa hấu hương thảo.

Để bắt tay vào thực hiện thức uống nước dưa hấu hương thảo, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Nước lọc: 1 lít;
  • Dưa hấu: 300 g;
  • Đá viên: 1 chén;
  • Hương thảo: 4 nhánh nhỏ.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bạn đã có ngay thức uống thơm ngon, bổ dưỡng:

  • Đầu tiên, thái dưa hấu thành từng miếng nhỏ; rửa sạch hương thảo;
  • Kế tiếp, xếp dưa hấu và hương thảo vào bình thủy tinh; cho 1 lít nước lọc vào;
  • Cuối cùng, bạn rót nước dưa hấu ra ly, cho thêm đá viên vào và thưởng thức.

3. Nước chanh và dưa chuột giải nhiệt

Dưa chuột là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin A, canxi, magie cho cơ thể. Bên cạnh đó, quả chanh rất giàu citrate, chất này có tác động giúp gia tăng tính kiềm của nước tiểu. Do đó, thức uống giải nhiệt với thành phần chính là nước chanh và dưa chuột có thể hỗ trợ “tán” sỏi thận hiệu quả.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị để chế biến thức uống giải nhiệt này bao gồm:

  • Dưa leo: 100 g;
  • Nước cốt chanh: 50 ml;
  • Nước đường: 10 ml.

Các bước chế biến món nước chanh và dưa chuột giải nhiệt cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ dưa leo;
  • Sau đó, sử dụng máy ép để lấy phần nước cốt dưa leo;
  • Kế tiếp, cho nước đường đã chuẩn bị vào nước ép dưa leo và khuấy đều;
  • Cuối cùng, rót nước ép dưa leo ra ly, cho thêm nước cốt chanh và trang trí với vài lát dưa leo tươi.
món ăn cho người bị sỏi thận, Nước chanh và dưa chuột

Nước chanh và dưa chuột không chỉ giải nhiệt còn cung cấp các dưỡng chất tốt cho người bị sỏi thận

4. Cơm diêm mạch trứng ốp la

Hạt diêm mạch cung cấp chất xơ, đạm thực vật cho cơ thể và chứa rất ít đường; trứng gà giúp bổ sung vitamin A, D, magie, canxi…. Như vậy, người bị sỏi thận nên bổ sung 2 loại thực phẩm này vào thực đơn dinh dưỡng để hỗ trợ “đánh tan” sỏi thận và bảo vệ sức khỏe tối ưu. Bạn có thể vào bếp và chế biến món cơm diêm mạch trứng ốp la thơm ngon, bổ dưỡng.

Để cơm diêm mạch trứng ốp la, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Hạt diêm mạch: 180 g;
  • Trứng gà: 2 quả;
  • Dầu ăn: 5ml;
  • Nước lọc: 400 ml.

Các bước nấu cơm diêm mạch trứng ốp la cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, vo sơ hạt diêm mạch và cho vào nồi cơm điện; thêm 400 ml nước vào ấn nút khởi động để bắt đầu nấu cơm;
  • Kế tiếp, đun nóng dầu ăn và ốp la 2 quả trứng gà;
  • Sau đó, xới đều cơm diêm mạch đã nấu chín;
  • Cuối cùng, xới cơm ra đĩa và cho trứng ốp la lên trên. Món ăn này có thể dùng kèm với một chút nước tương, tương ớt nếu thích.

5. Trứng omelet bỏ lò

Trứng omelet bỏ lò là món ngon giàu dinh dưỡng, dễ thực hiện. Đồng thời, món ăn này cũng sử dụng các nguyên liệu giàu chất xơ, vitamin A như bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt. Do đó, trứng omelet bỏ lò được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận.

Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món trứng omelet bỏ lò bao gồm:

  • Trứng gà: 4 quả;
  • Bông cải xanh: 70 g;
  • Ớt chuông: 50 g;
  • Cà rốt: 50 g;
  • Tiêu xay: ½ muỗng;
  • Nước tương thanh dịu: 1 muỗng;
  • Hành lá: 10 g;
  • Dầu ăn: 10 ml;
  • Khuôn bánh bằng giấy bạc: 8 cái.

Các bước để chế biến món ăn này cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, thái nhỏ bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, hành lá; cho trứng vào tô và đánh đều;
  • Kế tiếp, trộn đều hỗn hợp trứng cùng các nguyên liệu bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, hành lá với nước tương;
  • Sau đó, phết dầu ăn lên khuôn bánh giấy bạc và cho hỗn hợp trứng vào từng khuôn bánh;
  • Tiếp tục, làm nóng lò nướng với nhiệt độ 180 độ C trong 10 phút, sau đó cho khuôn trứng vào nướng 200 độ C trong 10 phút;
  • Cuối cùng, cho các khuôn trứng đã nướng chín ra khỏi lò, để nguội trong khoảng 5 phút và thưởng thức cùng cơm nóng hoặc bánh mì.
món ăn cho người sỏi thận, Trứng omelet bỏ lò

Trứng omelet bỏ lò thơm ngon sẽ cung cấp chất xơ, vitamin A cho người bị sỏi thận

6. Smoothie chanh việt quất

Việt quất cung cấp chất xơ, vitamin A và nước cốt chanh giàu citrate là 2 nguyên liệu chính của món smoothie chanh việt quất. Đây là món smoothie nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận.

Để làm smoothie chanh việt quất, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Việt quất: 100 g;
  • Nước cốt chanh: 10 ml;
  • Sữa tươi có đường: 20 ml.

Cách làm smoothie rất đơn giản, cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, việt quất rửa sạch và cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh trong ít nhất 3 giờ;
  • Sau đó, cho việt quất, sữa tươi, nước cốt chanh vào máy xay mịn;
  • Cuối cùng, rót smoothie ra ly và thưởng thức.

7. Parfait đào và sữa chua

Quả đào cung cấp vitamin A, chất xơ; sữa chua cung cấp canxi, magie cho cơ thể. Parfait đào và sữa chua là món ngon giàu dinh dưỡng đồng thời hỗ trợ “tán” sỏi thận hiệu quả. Với món ăn này, bạn không chế biến cầu kỳ, tất cả chỉ gói gọn trong 2 bước thao tác:

  • Đầu tiên, thái nhỏ đào thành những miếng nhỏ vừa ăn;
  • Sau đó, xếp xen kẽ đào với sữa chua cho đến khi đầy ly và thưởng thức;
  • Lưu ý, món ăn này chỉ nên dùng trong 1 ngày để đảm bảo bảo toàn tối đa hàm lượng chất dinh dưỡng của nguyên liệu.

8. Bánh táo yến mạch

Yến mạch là thực phẩm cung cấp năng lượng dồi dào, không chứa đường và rất giàu chất xơ. Bên cạnh đó, táo ngoài việc cung cấp chất xơ còn là loại trái cây giàu canxi. Do đó, táo và yến mạch là 2 loại thực phẩm nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận. Bạn có thể kết hợp 2 nguyên liệu này trong cùng một món ăn, chẳng hạn như món bánh táo yến mạch.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị để chế biến món bánh táo yến mạch bao gồm:

  • Táo: 100 g;
  • Yến mạch cán dẹt: 70 g;
  • Mật ong: 10 ml;
  • Dầu oliu: 10 ml;
  • Baking soda (hay còn gọi là muối nở): 1 muỗng cà phê;
  • Baking powder (hay còn gọi là bột nở): 1 muỗng cà phê;
  • Muối: ½ muỗng cà phê;
  • Khuôn nướng bánh đường kính khoảng 18 cm.

Các bước chế biến món bánh táo yến mạch cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ táo thành những khối vuông nhỏ;
  • Kế tiếp, xay nhuyễn các nguyên liệu bao gồm táo, trứng gà, mật ong, dầu oliu cùng với baking soda và baking powder trong khoảng 1 phút 30 giây;
  • Sau đó, cho từ từ yến mạch vào máy và tiếp tục xay khoảng 2 phút để các nguyên liệu hòa quyện với nhau;
  • Tiếp tục, làm nóng lò ở nhiệt độ 170 độ C trong khoảng 10 phút; Trong lúc đó, cho hỗn hợp vừa xay nhuyễn vào khuôn bánh (khuôn bánh được đã phết dầu ăn);
  • Khi lò đã đủ độ nóng, cho khuôn bánh vào nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 40 phút;
  • Cuối cùng, lấy bánh ra khỏi lò, chờ nguội và thưởng thức.
món ăn cho người bị sỏi thận, Bánh táo yến mạch

Bánh táo yến mạch là món ăn giàu chất xơ và rất dễ chế biến

9. Yến mạch qua đêm

Yến mạch qua đêm là món ăn bổ dưỡng, tiết kiệm thời gian rất phù hợp cho những ngày bận rộn. Như đã đề cập trước đó, yến mạch rất giàu chất xơ và là nguồn cung cấp năng lượng tốt cho sức khỏe của người bị sỏi thận. Với món yến mạch qua đêm, người bệnh có thể tùy thích bổ sung thêm các loại trái cây như cam, quýt, xoài, đào….

Các nguyên liệu bạn cần chuẩn bị để hoàn thành món yến mạch qua đêm bao gồm:

  • Yến mạch: 50 g;
  • Sữa chua / sữa tươi / sữa hạt: 50 ml;
  • Trái cây tùy thích, nên ưu tiên các loại trái cây chứa vitamin A, D, B6, magie, canxi;
  • Các loại hạt sấy khô.

Các bước làm yến mạch qua đêm cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, chuẩn bị 1 hũ thủy tinh có nắp đậy; thái nhỏ trái cây;
  • Kế tiếp, xếp lần lượt các nguyên liệu vào hũ sao cho xen kẽ với nhau;
  • Cuối cùng, đậy kín nắp và cho thành phẩm vào tủ lạnh để qua đêm. Như vậy, sáng hôm sau bạn đã có ngay món yến mạch qua đêm bổ dưỡng cho bữa sáng.

10. Lasagna rau và 3 loại phô mai

Trong phô mai chứa lượng canxi dồi dào rất tốt cho sức khỏe. Món Lasgna rau và 3 loại phô mai còn cung cấp chất xơ cho cơ thể qua 2 nguyên liệu là rau cải xoăn (giàu vitamin A, B6, K) và bông cải xanh (cung cấp vitamin A, K). Do đó, món ăn này nên có mặt trong thực đơn cho người bị sỏi thận.

Để thực hiện món Lasagna rau và 3 loại phô mai, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Phô mai Thụy Sĩ ít béo: 10 g;
  • Phô mai Parmesan: 10;
  • Phô mai Ricotta không béo: 10;
  • Cải xoăn: 50 g;
  • Bông cải xanh: 50 g;
  • Hành tây: ½ củ;
  • Dầu oliu: 15 ml;
  • Bí đỏ: 50 g;
  • Bột mì: 10 g;
  • Mì lá lasagna: 1 hộp;
  • Sữa tách béo: 30 ml;
  • Tỏi băm: 5 g;
  • Giấy bạc.

Các bước chế biến món Lasagna rau và 3 loại phô mai cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu rau củ;
  • Sau đó, xào hành tây, bí với dầu oliu cho đến khi chín mềm; sau đó, cho tỏi băm, bông cải xanh và cải xoăn vào đảo nhanh và tắt bếp;
  • Kế tiếp, trộn đều 3 loại phô mai vào hỗn hợp rau củ đã xào chín cho đến khi tất cả hòa quyện với nhau;
  • Lúc này, bạn làm nóng lò ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 10 phút;
  • Bắt đầu làm nước sốt, trộn đều hỗn hợp bột mì và sữa tách béo; đun hỗn hợp này trên bếp khoảng 8 phút đến khi có độ đặc vừa phải;
  • Sau đó, phết dầu ăn lên khay nướng, xếp lần lượt các nguyên liệu vào khay với thứ tự như sau nước sốt – mì lá lasagna – hỗn hợp rau củ; xếp lần lượt sao cho lớp trên cùng là mì lá lasagna;
  • Để cố định lasagna, bạn cần bọc món ăn với giấy bạc và bắt đầu nướng ở nhiệt độ 180 độ trong 40 phút;
  • Cuối cùng, bỏ phần giấy bạc và nướng thêm khoảng 10 phút. Như vậy, món Lasagna rau và 3 loại phô mai đã hoàn thành.
món ăn cho người sỏi thận, Lasagna rau và 3 loại phô mai

Lasagna rau và 3 loại phô mai thơm ngon sẽ giúp kích thích vị giác của người bệnh sỏi thận

11. Súp mì gà

Để chế biến món súp mì gà, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Bơ tách muối: 10 g;
  • Nước dùng gà: 100 ml;
  • Ức gà không da: 50 g;
  • Hành tây: 50 g;
  • Rau thì là: 20 g;
  • Cà rốt: 50 g;
  • Rau cần tây: 30 g;
  • Tiêu xay: 5 g;
  • Hạt nêm: 1 muỗng;
  • Mì trứng: 30 g.

Các bước nấu súp mì gà bao gồm:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu rau, củ; luộc chín và xé nhỏ phần thịt ức gà;
  • Kế tiếp, xào hành tây với bơ; sau đó, cho cà rốt vào xào đến khi chín mềm;
  • Tiếp tục, cho thêm nước dùng gà vào nấu với lửa vừa khoảng 20 phút; nêm vào nước dùng 1 muỗng hạt nêm; luộc mì trứng và để ráo nước;
  • Sau đó, xếp mì trứng và thịt ức gà xé nhỏ vào tô, chan nước dùng và rắc tiêu xay và thưởng thức.

12. Súp đậu đen

Đậu đen là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin K, magie tốt cho sức khỏe của người bệnh sỏi thận. Do đó, bạn có thể bổ sung món súp đậu đen vào thực đơn cho người bị sỏi thận.

Để nấu súp đậu đen, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Đậu đen: 50 g;
  • Ức gà không da: 50 g;
  • Nước dùng gà: 100 ml;
  • Dầu oliu: 15 ml;
  • Hành boa rô: 10 g;
  • Lá xô thơm: 5 g.

Các bước để nấu súp đậu đen cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, ngâm đậu đen ít nhất 4 giờ (hoặc để qua đêm);
  • Kế tiếp, xào hành boa rô với dầu oliu trong khoảng 3 phút; sau đó, cho lá xô thơm vào đảo đều;
  • Tiếp tục, cho nước dùng gà và thịt ức gà vào đun với lửa vừa trong 10 phút; sau đó, cho đậu đen vào nấu trong khoảng 20 phút đến khi đậu chín mềm;
  • Cuối cùng, cho súp đậu đen ra tô, rắc thêm một ít tiêu xay và thưởng thức.
món ăn cho người bị sỏi thận, Súp đậu đen

Súp đậu đen rất thích hợp cho bữa sáng hoặc bữa phụ giúp người bệnh sỏi thận tăng cường sức khỏe

13. Cá hồi thảo mộc và cải thìa

Cá hồi thảo mộc và cải thìa sẽ là món chính lý tưởng nên có trong thực đơn cho người bị sỏi thận. Ngoài cung cấp năng lượng, món ăn này còn bổ sung chất béo tốt, chất xơ, canxi cho người bệnh.

Để nấu cá hồi thảo mộc và cải thìa, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Cá hồi phi lê: 200 g;
  • Cả thìa: 100 g;
  • Dầu oliu: 15 ml;
  • Lá hương thảo: 10 g;
  • Chanh tươi: 1 quả;
  • Hạt nêm: 1 muỗng cà phê;
  • Rượu trắng: 20 ml;
  • Giấy bạc.

Để nấu cá hồi thảo mộc và cải thìa, bạn cần thực hiện các bước chế biến như sau:

  • Đầu tiên, làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong 10 phút; rửa cá hồi với rượu trắng để khử mùi; sau đó, ướp cá hồi với 1 thìa nước cốt chanh, chanh tươi cắt lát, hạt nêm, hương thảo, dầu oliu;
  • Sau đó, dùng giấy bạc để gói miếng cá hồi đã tẩm ướp và cho vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong 20 phút;
  • Cùng lúc đó, luộc cải thìa vừa chín tới; sau đó, trụng cải qua nước lạnh và để ráo;
  • Cuối cùng, cho cá hồi đã nướng chín ra đĩa, ăn kèm với cải thìa. Trước khi thưởng thức, bạn có thể vắt thêm 1 ít chanh lên trên món ăn.

14. Cà ri gà

Để nấu cà ri gà bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Thịt đùi gà lóc xương: 300 g;
  • Khoai lang: 50 g;
  • Cà rốt: 50 g;
  • Hành tây: 1 củ;
  • Tỏi: 10 g;
  • Hành tím: 2 củ;
  • Dầu ăn: 20 ml;
  • Bột cà ri: 1 gói;
  • Sả cây: 2 nhánh;
  • Nước cốt dừa: 50 ml;
  • Sữa tươi không đường: 70 ml;
  • Nước dừa tươi: 70 ml;
  • Gia vị: đường, hạt nêm, màu dầu điều, muối.

Để nấu món cà ri gà, bạn cần thực hiện các bước chế biến như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ cà rốt, khoai lang thành từng khối vuông vừa ăn; hành tây thái miếng; băm nhuyễn hành tím, tỏi; đập dập sả cây;
  • Kế tiếp, rửa sạch và ướp thịt gà với bột cà ri, 1 muỗng hạt nêm, ½ muỗng muối, 1 muỗng đường, 2 muỗng màu dầu điều;
  • Tiếp tục, chiên sơ khoai lang và vớt ra để ráo dầu. Thao tác này sẽ giúp khoai lang không bị nát khi nấu;
  • Sau đó, phi thơm hành tím, tỏi, sả cây đập dập và cho thịt gà đã ướp vào đảo đều;
  • Lúc này, thêm nước dừa tươi vào đun khoảng 10 phút thì tiếp tục cho cà rốt, khoai lang vào nồi;
  • Sau khi nấu được 15 phút, cho thêm sữa tươi và nước cốt dừa vào nấu thêm khoảng 20 phút;
  • Cuối cùng, nêm nếp lại sao cho vừa khẩu vị và tắt bếp.
thực đơn cho người bị sỏi thận, Cà ri gà

Cà ri gà sẽ là một gợi ý lý tưởng khi người bệnh sỏi thận chán ăn

15. Gà nấu chậm kiểu Thái

Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây để chế biến món gà nấu chậm kiểu Thái:

  • Nước cốt dừa: 50 ml;
  • Ức gà không da: 300 g;
  • Hành tây: 1 củ;
  • Bông cải xanh: 50 g;
  • Cà rốt: 50 g;
  • Bột cà ri đỏ kiểu Thái: 7 muỗng cà phê;
  • Tỏi băm: 5 g;
  • Gừng băm: 5 g;
  • Bơ tách muối: 10 g;
  • Ngò rí: 1 ít.

Các bước nấu món ăn này cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái thịt gà thành từng miếng vừa ăn; ướp thịt gà với 2 muỗng cà phê bột cà ri đỏ kiểu Thái;
  • Cùng lúc đó, rửa sạch và thái nhỏ bông cải xanh, cà rốt, hành tây;
  • Sau đó, cho vào nồi nấu chậm 1 lít nước, nước cốt dừa và 4 muỗng cà phê bột cà ri đỏ kiểu Thái, tỏi, gừng, 1 muỗng muối; tiếp tục, cho thịt gà đã ướp cùng các loại rau củ đã sơ chế vào và bắt đầu nấu chậm;
  • Khi đã đủ thời gian, bạn cho thêm bơ tách muối vào nồi cà ri để gia tăng độ ngậy cho món ăn;
  • Cuối cùng, tắt bếp, cho cà ri gà ra tô và trình bày món ăn với một ít ngò rí.

Gợi ý thực đơn cho người bị sỏi thận

Dưới đây là thực đơn cho người bị sỏi thận mà Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome gợi ý đến bạn:

Bữa sáng

(7h00)

Bữa trưa

(11h00)

Bữa phụ 1

(15h00)

Bữa chiều

(17h00)

Bữa phụ 2

(20h00)

Món ăn Súp mì gà (100 g mì và 35 g thịt gà không da) – 2 bát nhỏ cơm

– 50 g Trứng omelet bỏ lò

– 30 g Đậu hũ luộc

– 100 g Bắp cải luộc

– 2 miếng cam tươi

100 g Súp đậu đen – 2 bát nhỏ cơm

– 70 g Cá hồi thảo mộc và cải thìa

– 100 g canh cà chua trứng

– 100 g bông cải xanh luộc

– 100 ml Nước dưa hấu hương thảo

70 g Bánh táo yến mạch
Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1551 kcal

– Đạm: 62 g

– Đường bột: 238 g

– Béo: 39 g

Địa chỉ thiết kế thực đơn dinh dưỡng cho người bị sỏi thận cá nhân hóa

Để tối ưu hiệu quả điều trị bệnh, thực đơn cho người bị sỏi thận cần ưu tiên chọn thực phẩm cung cấp vitamin A, B6, D, K, magie…. và hạn chế dung nạp các loại thực phẩm gốc oxalat, giàu kali, chất đạm động vật, chứa nhiều muối…. Nếu như bạn có nhu cầu được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn về dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng dành riêng cho người bệnh sỏi thận, hãy liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Khi đến với Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán về tình trạng bệnh và có thể đánh giá nhu cầu dinh dưỡng hiện tại của cơ thể. Nhờ đó, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng sẽ thiết lập chế độ dinh dưỡng chi tiết và tư vấn cụ thể cho người bệnh.

Trên đây là những thông tin liên quan đến thực đơn cho người bị sỏi thận, hy vọng rằng bạn đã có thể trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu như có thêm bất kỳ thắc mắc về dinh dưỡng cho người bị sỏi thận, bạn có thể liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn chi tiết.

Rate this post
11:49 15/09/2023