Chế độ ăn cho người sỏi thận giúp ngăn ngừa hình thành sỏi

15/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Sỏi thận là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam. Trong quá trình điều trị bệnh, chế độ ăn cho người sỏi thận không chỉ hỗ trợ làm chậm sự tiến triển những tinh thể sỏi cũ mà còn góp phần ngăn ngừa sỏi mới tái phát. Bằng việc hiểu rõ những thực phẩm nên ăn và nên tránh, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ thận khỏi nguy cơ sỏi thận và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy, chế độ ăn của người sỏi thận cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng nào? Xây dựng chế độ ăn cho người bị sỏi thận cần lưu ý những gì? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Chế độ ăn cho người sỏi thận giúp ngăn ngừa hình thành sỏi

Xây dựng chế độ ăn cho người sỏi thận cần đáp ứng những nguyên tắc nào?

Sỏi thận là các tinh thể cứng kết tủa ở thận hoặc niệu quản, hình thành do sự tích tụ quá mức muối khoáng, chất thải và độc tố trong nước tiểu. Nguyên nhân gây nên sỏi thận phần lớn đều đến từ chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn như:

Nguyên nhân dinh dưỡng Loại sỏi thận hình thành
Tiêu thụ quá mức thực phẩm giàu canxi, oxalate hoặc / và thực phẩm chứa ít chất xơ; Canxi oxalate
Tiêu thụ quá mức thực phẩm giàu canxi, phosphat hoặc axit phosphoric; Canxi phosphat
Uống ít nước, lạm dụng thuốc hoặc tiêu thụ quá mức thực phẩm giàu purine Axit uric
Tiêu thụ quá mức thực phẩm chứa nhiều methionine Cystine

Không những thế, thói quen uống ít nước, thích ăn thực phẩm quá mặn hoặc ngọt đều có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho khoa học, đảm bảo khẩu phần ăn sao cho cân đối cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch điều trị sỏi thận mà người bệnh cần tuần thủ.

Vai trò của chế độ ăn cho người sỏi thận

Việc xây dựng chế độ ăn cho người sỏi thận đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và giảm nguy cơ tái phát bệnh. Nguyên nhân là vì thông qua dinh dưỡng, người bệnh có thể:

  • Kiểm soát hàm lượng muối khoáng: Nếu một người đã từng mắc bệnh sỏi thận, họ cũng có nguy cơ cao bị tái phát bệnh trong tương lai. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách kiểm soát hàm lượng muối khoáng chứa canxi / oxalate / photphat / purine / methionine có thể góp phần làm giảm nguy cơ hình thành sỏi mới;
  • Giảm độ đậm đặc của nước tiểu: Bằng cách gia tăng lượng nước tiêu thụ, thận sẽ bài tiết nước tiểu thường xuyên, giúp làm sạch hệ tiết niệu và ngăn chặn sự hình thành của các tinh thể sỏi mới;
  • Ức chế sự hình thành sỏi: Sỏi thận có thể dễ dàng hình thành khi thận bị suy giảm chức năng lọc máu do tăng huyết áp, viêm nhiễm hoặc khi môi trường nước tiểu có độ pH thấp. Lúc này, việc điều chỉnh chế độ ăn cho người sỏi thận giúp ổn định độ pH của nước tiểu, kháng viêm, hỗ trợ duy trì chức năng thận; qua đó, ức chế sự hình thành sỏi thận.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Một chế độ ăn uống phù hợp giúp giảm các triệu chứng gây sưng viêm, đau buốt hoặc bỏng rát niệu quản khi bị sỏi thận chèn ép; từ đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sỏi thận.
  • Hỗ trợ sức khỏe tổng thể: Bên cạnh việc phòng ngừa sỏi thận, một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh cũng hỗ trợ sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý có thể góp phần thúc đẩy sỏi thận tiến triển như như tiểu đường, béo phì và bệnh tim mạch;

Tóm lại, xây dựng chế độ ăn cho người sỏi thận là một phần quan trọng trong chiến lược điều trị bệnh toàn diện, được nhiều bác sĩ khoa Thận học – Tiết niệu cũng như chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

Vai trò của chế độ ăn cho người sỏi thận

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng giúp người sỏi thận ngăn ngừa bệnh tái phát

Khuyến nghị chế độ ăn cho người sỏi thận

Chế độ ăn cho người sỏi thận được khuyến nghị tuân thủ theo 8 nguyên tắc quan trọng sau:

1. Uống nhiều nước (2 – 3 lít / ngày)

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), người bệnh sỏi thận cần dung nạp ít nhất 2 – 3 lít nước mỗi ngày để đảm bảo thải ra khoảng 2 – 2.5 lít nước tiểu sau mỗi 24 giờ. Uống nước theo khuyến nghị này không những giúp làm loãng nước tiểu, ngăn ngừa quá trình hình thành sỏi mới mà còn giúp người bệnh tiểu tiện thường xuyên hơn; qua đó, liên tục làm sạch hệ tiết niệu và hỗ trợ đào thải sỏi thận hiệu quả.

2. Hạn chế thực phẩm có hàm lượng oxalat cao

Tiêu thụ quá mức thực phẩm giàu oxalat làm tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi để oxalate kết tủa với canxi, hình thành tinh thể canxi oxalate gây sỏi thận. Do đó, người bệnh sỏi thận cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng oxalate cao, chẳng hạn như: cải bó xôi, rau dền, củ cải đường, đậu nành, đậu phộng, khoai lang, bông cải xanh cùng các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt khác.

Tuy thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận nhưng người bệnh không nhất thiết phải kiêng cữ hoàn toàn nhóm thực phẩm này. Bởi lẽ, bên cạnh oxalate, các loại thực phẩm kể trên cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe tổng thể.

Nếu trong chế độ ăn cho người sỏi thận có chứa thực phẩm giàu oxalate, người bệnh cần ưu tiên tiêu thụ chúng cùng thời điểm với những món ăn giàu canxi, chẳng hạn như: thủy hải sản, trứng, sữa, các loại hạt và đậu. Bởi lẽ, canxi từ thực phẩm giúp “giữ chặt” oxalate ở ruột, thay vì để chúng đi đến thận và tạo sỏi; nhờ đó, bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ hình thành sỏi mới khi ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat.

Theo Hướng dẫn về chế độ ăn ít oxalate cho người bị sỏi thận của các chuyên gia dinh dưỡng đến từ Đại học Michigan (Hoa Kỳ), người bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ quá 40 – 50 mg oxalate / ngày. Để thực hiện mục tiêu này, trong mỗi khẩu phần ăn, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm nào chứa nhiều hơn 10mg oxalate.

Hạn chế thực phẩm có hàm lượng oxalat cao

Người bệnh sỏi thận oxalate cần hạn chế tiêu thụ các loại đậu, hạt và ngũ cốc

3. Ăn uống đủ chất canxi

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn cho người sỏi thận dù chứa quá ít hay quá nhiều canxi đều làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Nguyên nhân là vì:

  • Quá ít canxi: Tạo điều kiện để oxalate từ thực phẩm thấm qua ruột non, đi đến thận và kết tủa trong thận;
  • Quá nhiều canxi: Làm tăng nồng độ ion canxi trong nước tiểu và thúc đẩy sự hình thành canxi oxalate và canxi phosphat, hai loại sỏi thận phổ biến, chiếm gần 90% tổng số ca sỏi tiết niệu hiện nay;

Do đó, cân bằng canxi trong chế độ ăn cho người bị sỏi thận chính là “chìa khóa vàng” hỗ trợ kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), người bệnh sỏi thận chỉ nên tiêu thụ canxi ở mức vừa phải, từ 1000 – 1200 mg / ngày.

Để thực hiện khuyến nghị này, chế độ ăn cho người sỏi thận hàng ngày cần được tăng cường bổ sung 3 khẩu phần sữa và các chế phẩm từ sữa. Trong đó, 1 khẩu phần sữa và các chế phẩm từ sữa tương đương với: 125ml sữa tươi / 125 ml sữa bột tách béo / 120ml sữa đặc không đường / 40g phô mai cứng (cheddar) / 200g sữa chua.

4. Tránh ăn nhiều muối

Muối ăn chứa nhiều natri. Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều hơn 6 mg natri mỗi ngày có thể làm tăng 40 mg canxi trong nước tiểu. Vì thế, ăn thực phẩm giàu natri hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Không những thế, chế độ ăn cho người sỏi thận còn cần hạn chế muối vì chúng có thể:

  • Làm đặc nước tiểu: Muối khiến cơ thể ưu tiên trữ nước trong máu thay vì tăng cường bài tiết qua thận. Điều này khiến nước tiểu có xu hướng trở nên đậm đặc hơn, thúc đẩy sỏi thận hình thành;
  • Giảm hấp thụ citrate: Muối có thể làm giảm sự hấp thụ citrate từ thận, một hợp chất giúp ngăn chặn sự kết tủa của canxi trong nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi;
  • Tăng huyết áp: Muối làm tăng lưu lượng nước trong huyết thanh, gây tăng huyết áp, thúc đẩy bệnh tim mạch và bệnh suy thận mạn tính tiến triển.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa & Thận (Hoa Kỳ), người bệnh sỏi thận nên tiêu thụ dưới 2300mg natri / ngày, tức không quá 2 muỗng cà phê hoặc 5 gam muối ăn trong chế độ ăn hàng ngày. Để thực hiện khuyến nghị này, chế độ ăn cho người sỏi thận cần hạn chế:

  • Thực phẩm muối chua: Kim chi, dưa muối, củ kiệu,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Pate, thịt xông khói, các loại khô sấy (mực khô, bò khô,…), mì gói, lạp xưởng, xúc xích, bánh quy mặn, nước giải khát đóng chai,…
  • Gia vị / nước sốt phức tạp: Nước mắm, nước tương, muối ăn, các loại mắm, nước sốt BBQ, sốt cà chua, sốt mayonnaise,…
chế độ ăn cho người sỏi thận, tránh ăn nhiều múi

Người bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ quá 5g muối ăn mỗi ngày

5. Tránh tự ý bổ sung thêm canxi bằng đường uống

Bổ sung thực phẩm chức năng chứa canxi theo hàm lượng khuyến cáo không làm tăng nguy cơ gây sỏi thận. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều canxi (trên 1200mg / ngày) có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Thật vậy, một nghiên cứu được tiến hành trên những phụ nữ có tiền sử sỏi thận cho thấy, bổ sung 500mg canxi và 2000 IU vitamin D3 theo liều 2 lần / ngày có thể làm tăng 17% nguy cơ tái phát sỏi thận.

Do đó, nếu đang điều trị sỏi thận, bạn không nên tự ý bổ sung canxi khi chưa nhận được chỉ định từ bác sĩ. Trong trường hợp nhận được chỉ định bổ sung canxi từ chuyên gia, bạn hãy tham khảo thêm hướng dẫn sau để làm giảm nguy cơ hình thành sỏi:

  • Ưu tiên bổ sung canxi trong bữa ăn: Uống bổ sung canxi trong bữa ăn có thể giúp giảm lượng oxalate hấp thụ qua ruột non, từ đó làm giảm nguy cơ sỏi thận;
  • Chia nhỏ lượng canxi nạp vào: Thay vì uống hết thuốc canxi cùng một lúc, hãy cố gắng chia thuốc thành những liều nhỏ hơn trong ngày để hạn chế làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu;
  • Tránh bổ sung canxi khi bụng đói: Bổ sung canxi khi bụng đói, đặc biệt là trước khi đi ngủ, có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate.

6. Ăn một lượng protein vừa phải

Chế độ ăn cho người sỏi thận không nên chứa nhiều protein mà chỉ nên tiêu thụ chúng ở một hàm lượng vừa phải. Nguyên nhân là vì:

  • Thứ nhất: Protein sau khi được tiêu hóa có thể sản sinh ra một lượng lớn axit, kích thích cơ thể gia tăng bài tiết canxi và oxalate; từ đó, thúc đẩy hình thành sỏi canxi oxalate;
  • Thứ hai: Hàm lượng cao các axit amin chứa lưu huỳnh trong protein động vật làm giảm độ pH và hàm lượng citrate trong nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi để sỏi thận hình thành.

Theo Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ), lượng protein khuyến nghị dành cho chế độ ăn của người sỏi thận nên nằm trong khoảng từ 0.8 – 1g protein / kg cơ thể / ngày. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ rõ, việc hạn chế protein ở mức 0.8 g / kg cơ thể / ngày có thể hỗ trợ làm giảm lượng canxi và axit uric trong nước tiểu; thúc đẩy gia tăng bài tiết citrate, từ đó hỗ trợ ức chế sự hình thành sỏi thận.

7. Chế độ ăn nhiều rau và trái cây

Nghiên cứu cho thấy, việc ưu tiên bổ sung rau và trái cây vào chế độ ăn cho người sỏi thận có thể góp phần làm tăng nồng độ pH và hàm lượng citrate trong nước tiểu, đồng thời làm giảm độ bão hòa của oxalate và axit uric; qua đó, tạo môi trường bất lợi để ức chế quá trình kết tủa của các tinh thể sỏi.

chế độ ăn cho người bị sỏi thận, ăn nhiều rau và trái cây

Tiêu thụ nhiều rau củ quả giúp kiềm hóa nước tiểu, hạn chế sỏi thận hình thành

8. Tránh bổ sung vitamin C liều cao

Chế độ ăn uống cho người sỏi thận cần hạn chế bổ sung vitamin C liều cao. Bởi lẽ, lượng vitamin C dư thừa sẽ được cơ thể chuyển hóa thành oxalate, góp phần làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate. Theo đó, nghiên cứu cho thấy, bổ sung vitamin C (ascorbic acid) ở mức 1000 mg / ngày có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ sỏi thận. Vì thế, người bệnh sỏi thận tuyệt đối không nên tự ý bổ sung thực phẩm chức năng chứa nhiều vitamin C khi chưa có chỉ định từ bác sĩ để bảo vệ sức khỏe thận một cách toàn diện.

Chế độ ăn cho người sỏi thận dựa trên thành phần sỏi

Bên cạnh việc tuân thủ 8 nguyên tắc dinh dưỡng kể trên, chế độ ăn người bị sỏi thận vẫn cần được linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm bệnh lý và tính chất của từng loại sỏi. Cụ thể:

1. Sỏi canxi

Sỏi canxi, bao gồm sỏi canxi oxalate và canxi phosphate, là hai loại sỏi thận phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% tổng số ca sỏi thận trên thế giới hiện nay. Trong chế độ ăn uống cho người bị sỏi thận canxi, bạn cần chú ý:

  • Khi có dấu hiệu tăng canxi niệu: Tức khi hàm lượng canxi trong nước tiểu cao hơn 4mg / kg cơ thể / ngày, người bệnh cần chủ động cắt giảm lượng canxi tiêu thụ còn 500mg / ngày và duy trì lượng đạm ở mức 1g / kg cơ thể / ngày;
  • Khi có dấu hiệu tăng oxalat niệu: Tức khi hàm lượng oxalat trong nước tiểu cao hơn 0.7mg / kg cơ thể / ngày, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu oxalat, chẳng hạn như: cải bó xôi, rau dền, củ cải đường, đậu nành, đậu phộng, khoai lang, bông cải xanh cùng các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt;
  • Khi có dấu hiệu tăng photphat niệu: Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu phosphat, chẳng hạn như: sữa, các chế phẩm từ sữa, các loại đậu, hạt, hải sản, ngũ cốc, gia cầm, thịt đỏ,…
  • Khi có dấu hiệu hạ citrate niệu: Người bệnh cần uống thêm dung dịch kali citrate định kỳ theo chỉ định từ bác sĩ.
chế độ ăn uống cho người sỏi thận

Người bệnh sỏi thận canxi cần linh hoạt điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ định của bác sĩ

2. Sỏi axit uric

Sỏi axit uric chiếm 5 – 10% tổng số ca sỏi thận trên toàn thế giới. Loại sỏi này thường gặp ở những người uống ít nước, tiêu thụ quá mức thuốc và thực phẩm giàu tính axit, chẳng hạn như lạm dụng aspirin, probenecid hoặc ăn quá nhiều protein động vật. Trong chế độ ăn cho người bị sỏi thận axit uric, bạn cần tăng cường bổ sung thực phẩm giàu tính kiềm để “trung hòa” axit dư thừa trong nước tiểu, chẳng hạn như:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa;
  • Tất cả các loại rau lá xanh, đậu, hạt và ngũ cốc (trừ ngô và đậu lăng);
  • Tất cả các loại trái cây ngoại trừ nhóm các loại quả mọng (việt quất, mận, nho, dâu tây,…).

Bên cạnh đó, người bệnh cần chủ động loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm có nguy cơ cao làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu, chẳng hạn như: nước thịt hầm, giò hầm, hải sản có vỏ, thịt xông khói, trà đặc, cà phê, ca cao, sô cô la, rượu bia,…

3. Sỏi cystin

Sỏi cystin là loại sỏi được hình thành do tình trạng ống thận kém hấp thụ cystine, một loại axit amin không thiết yếu thường có mặt trong cơ thể người. Dù hầu hết các trường hợp mắc phải sỏi cystin đều là do bệnh lý di truyền; tuy nhiên, cystine cũng có thể được tạo ra trong cơ thể từ methionine, một loại axit amin chứa nhiều trong thực phẩm giàu protein động vật. Do đó, tiêu thụ một chế độ ăn ít đạm động vật có thể giúp làm giảm lượng cystine đi qua thận và hỗ trợ ngăn ngừa hình thành sỏi cystin hiệu quả.

Không những thế, nghiên cứu còn cho thấy, tiêu thụ thêm 3g L-methionine mỗi ngày còn có khả năng làm tăng đáng kể sự bài tiết canxi trong nước tiểu lên thêm 1 mmol canxi / ngày, từ đó thúc đẩy sự hình thành sỏi thận canxi. Vì thế, trong chế độ ăn uống cho người bị sỏi thận cystin, bạn cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thực phẩm giàu methionine, chẳng hạn như: thịt, xúc xích, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa.

chế độ ăn uống cho người bị sỏi thận

Chế độ ăn cho người sỏi thận cystine cần hạn chế đạm động vật

Trên đây là những nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng mà bạn cần lưu ý khi xây dựng chế độ ăn uống cho người sỏi thận. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được cách thức điều chỉnh khẩu phần ăn sao cho an toàn, phù hợp với kiểu hình của từng loại sỏi cũng như đặc điểm thể trạng của bản thân.

Trên hành trình thiết kế một thực đơn ăn uống khoa học cho người sỏi thận, điều quan trọng là bạn không chỉ cần biết về những thực phẩm cần tránh, mà còn phải hiểu rằng ăn uống đa dạng và cân đối mới chính là “chìa khóa vàng” hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận hình thành. Nếu vẫn còn thắc mắc xoay quanh chủ đề chế độ ăn cho người sỏi thận, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Trân trọng kính chào!

Rate this post
10:34 15/09/2023