Ăn gì bị thận: 8 thực phẩm hại thận bạn vẫn ăn hàng ngày

14/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết, luôn tồn tại danh sách những thực phẩm hại thận mà chúng ta có thể vô tình tiêu thụ hàng ngày, góp phần làm suy giảm chức năng của thận theo thời gian. Vậy, đâu là danh sách các nhóm thức ăn hại thận mà bạn cần hạn chế tiêu thụ? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

8 thực phẩm hại thận bạn nên tránh ăn hàng ngày - Ăn gì bị thận?

Đâu là thực phẩm hại thận mà bạn cần tránh tiêu thụ?

8 thực phẩm hại thận, không nên ăn nhiều

Thực phẩm hại thận là những món ăn có thể làm gia tăng gánh nặng lọc máu lên thận, gây rối loạn huyết áp, thúc đẩy các phản ứng viêm hoặc làm biến đổi thành phần nước tiểu, dẫn đến sỏi thận. Cụ thể, những thực phẩm hại thận bao gồm:

1. Ăn thực phẩm nhiều muối bị thận

Thận chịu trách nhiệm cân bằng nước và muối khoáng trong cơ thể. Ăn thực phẩm nhiều muối làm gia tăng hàm lượng natri trong máu, khiến thận phải làm việc khó khăn hơn để loại bỏ loại khoáng chất này ra khỏi huyết thanh. Kết quả là người ăn mặn thường có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, gây áp lực lên các mạch máu thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận và thúc đẩy bệnh thận mạn tính tiến triển.

Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu natri còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Do đó, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối là một phần quan trọng giúp bảo vệ thận và nâng cao sức khỏe toàn diện.

Dưới đây là danh sách một số thực phẩm nhiều muối natri mà bạn cần hạn chế tiêu thụ:

  • Thực phẩm đóng hộp: Hoa quả ngâm, thịt đóng hộp, cá ngâm dầu,…
  • Thực phẩm chế biến: Xúc xích, bò viên, thịt hun khói,…
  • Thức ăn nhanh: Hamburger, pizza, mì gói, gà rán,…
  • Thực phẩm tẩm ướp, muối: Dưa chua, cá muối, kim chi,…
  • Nước sốt và gia vị: Sốt cà chua, sốt mayonnaise, nước tương, nước mắm,…
  • Đồ uống có ga: Chứa sodium phosphate, một chất tạo vị chua được dùng nhiều trong thực phẩm đóng hộp;
  • Bánh mặn: Bánh quy mặn, khoai tây chiên, bánh tráng trộn,…
Ăn thực phẩm nhiều muối bị thận, hại thận

Bánh mặn, các loại sốt, thịt xông khói thường chứa nhiều natri, gây hại thận

2. Thực phẩm nhiều đường có thể gây hại thận

Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường có thể gây hại cho thận vì các nguy cơ sau:

  • Thừa cân – béo phì: Đường có thể gây tăng cân và béo phì, là tác nhân hàng đầu thúc đẩy đái tháo đường tuýp 2 tiến triển. Bệnh này làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, khiến thận mất dần chức năng lọc, gây suy thận.
  • Tăng huyết áp: Tiêu thụ nhiều đường ức chế cơ thể sản xuất oxit nitric (NO), một hợp chất kích thích thành mạch co giãn. Do đó, ăn nhiều đường thúc đẩy sự thu hẹp của mạch máu, gây tăng huyết áp và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển;
  • Sỏi thận: Tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là đường fructose, được chứng minh là có thể làm tăng lượng canxi và oxalate trong nước tiểu, tạo điều kiện cho tinh thể canxi oxalate hình thành, gây sỏi thận.
  • Tăng hấp thụ natri: Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều đường glucose làm tăng khả năng hấp thụ muối natri tại ruột non, khiến thận phải làm việc “cực nhọc” hơn để loại bỏ natri ra khỏi cơ thể.
Thực phẩm nhiều đường có thể gây hại thận

Đường là nhóm thực phẩm hại thận mà bạn cần nâng cao cảnh giác

Tóm lại, đường là thực phẩm hại thận. Hạn chế đường trong chế độ ăn uống là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe thận. Dưới đây là danh sách các nhóm thực phẩm chứa nhiều đường mà bạn cần hạn chế tiêu thụ:

  • Nước giải khát công nghiệp: Nước ngọt, trà sữa, nước trái cây đóng chai, các loại đồ uống có gas chứa đường,…
  • Thức ăn vặt: Bánh ngọt, socola, kẹo,…
  • Nước sốt và gia vị: Sốt cà chua, sốt BBQ, sốt dầu giấm salad chứa đường,…
  • Hoa quả và ngũ cốc sấy: Hoa quả sấy khô (mứt), granola sấy khô tẩm đường, yến mạch sấy khô tẩm đường,…

3. Nước ngọt có ga là thực phẩm hại thận

Nước ngọt có ga là thực phẩm hại thận hàng đầu được nhiều chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt có ga có thể gây hại đến thận vì làm tăng nguy cơ:

  • Suy thận mạn tính: Nghiên cứu cho thấy, uống 2 ly coca hoặc nhiều hơn các loại nước ngọt có ga mỗi ngày có thể gây tổn thương mạch máu thận; từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính lên 2.3 lần.
  • Hình thành sỏi thận: Nước ngọt có ga, đặc biệt là coca, thường chứa nhiều axit photphoric để tạo vị chua tự nhiên. Phốt pho từ axit photphoric có thể gây hại đối với người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn III, IV, V, khi thận không còn đủ khả năng đào thải phốt pho hiệu quả. Hấp thụ quá nhiều phốt pho gây tăng phốt pho huyết, tạo điều kiện cho sỏi thận canxi oxalate hình thành.

Tóm lại, việc tiêu thụ nước ngọt có ga, đặc biệt là coca, có thể gây hại cho thận thông qua các yếu tố như chứa axit photphoric và ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi thận.

4. Thịt và các sản phẩm từ sữa

Thịt và các sản phẩm từ sữa chứa nhiều protein, canxi, nari và chất béo bão hòa,… có thể gây hại cho thận khi tiêu thụ quá nhiều. Cụ thể:

  • Protein: Tiêu thụ protein quá mức từ thịt làm tăng nồng độ urê, axit uric, creatinin và các chất thải chứa nitơ khác trong máu. Điều này đòi hỏi thận phải hoạt động mạnh mẽ hơn để loại bỏ những độc tố này, làm tăng nguy cơ suy thận;
  • Canxi: Sữa và các chế phẩm từ sữa thường chứa nhiều canxi. Tiêu thụ hợp lý canxi giúp cải thiện sức khỏe ở người bị bệnh thận. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều canxi lại làm tăng nguy cơ hình thành tinh thể canxi oxalate, gây sỏi thận, viêm thận và làm tắc nghẽn đường tiểu.
  • Natri: Một số loại thịt chế biến sẵn (thịt đóng hộp, thịt xông khói,…) và sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai,…) có thể chứa hàm lượng natri cao, gây tăng huyết áp và thúc đẩy suy thận tiến triển;
  • Chất béo bão hòa: Cả thịt và sản phẩm từ sữa có thể chứa chất béo bão hòa từ động vật, gây tăng cholesterol trong máu, thúc đẩy viêm thận, nhiễm mỡ thận và làm giảm khả năng lọc của thận.

Tóm lại, thịt và các sản phẩm từ sữa là thực phẩm hại thận theo nhiều cơ chế khác nhau. Do đó, việc tiêu thụ các loại thực phẩm này cần được kiểm soát, đặc biệt đối với những người có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh thận, nhằm bảo vệ sức khỏe thận một cách toàn diện.

thực phẩm hại thận, Thịt và các sản phẩm từ sữa

Tiêu thụ quá nhiều thịt và các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

5. Thực phẩm giàu caffeine

Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương nổi tiếng, được tìm thấy nhiều trong cà phê, trà, đồ uống có ga và một số loại thuốc, có thể gây hại cho thận khi tiêu thụ quá nhiều. Đồ ăn giàu caffeine có thể là thực phẩm hại thận vì:

  • Gây tăng huyết áp: Caffeine làm tăng nhịp tim, gây tăng huyết áp, thúc đẩy tổn thương các mao mạch nhỏ li ti bên trong tiểu cầu thận và làm suy giảm chức năng lọc máu của chúng. Nếu tiếp tục tiêu thụ caffeine trong thời gian dài, bạn có nguy cơ cao bị suy thận mạn tính.
  • Mất cân bằng axit – bazo: Caffeine kích thích dạ dày tăng bài tiết axit, ảnh hưởng đến cân bằng acid-base của cơ thể, một quá trình mà thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì.
  • Tăng nồng độ khoáng chất trong nước tiểu: Nghiên cứu cho thấy, dung nạp caffeine có thể làm tăng lượng canxi, magiê và natri bài tiết trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalate và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển.

Đối với những người đang mắc bệnh thận, việc tiêu thụ quá mức caffeine có thể làm tồi tệ hơn tình trạng suy giảm chức năng thận hiện có; do đó, kiêng cữ hoàn toàn caffeine là điều cần thiết. Đối với người khỏe mạnh, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, bạn không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine, tương đương với 750ml – 1000ml cà phê mỗi ngày, để tránh các tác động tiêu cực đến thận có thể phát triển từ việc tiêu thụ caffeine quá nhiều.

6. Thực phẩm biến đổi gen gây hại thận

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) là những thực phẩm đã được chỉnh sửa DNA trong phòng thí nghiệm để cải thiện khả năng kháng bệnh, sinh sản nhằm gia tăng năng suất. Tuy nhiên, mối quan ngại về ảnh hưởng của thực phẩm GMO lên sức khỏe con người vẫn còn vì:

  • Nguy cơ hại thận: Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm biến đổi gen có thể gây tổn thương thận ở động vật thí nghiệm. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc GMO cũng có thể là thực phẩm hại thận trên cơ thể người.
  • Chứa dư lượng lớn thuốc trừ sâu: Thực phẩm GMO thường được “thiết kế” để có sức chịu đựng tốt trước các loại thuốc bảo vệ thực vật, có thể dẫn đến việc tồn dư một lượng lớn thuốc trừ sâu trên vỏ của thực phẩm mà bạn không nhìn được bằng mắt thường. Việc vô tình ăn phải những thực phẩm này có thể gây hại cho thận.
ăn gì bị thận, thực phẩm biến đổi gen

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) tiềm ẩn nguy cơ gây hại thận

Lưu ý: Mặc dù vẫn còn một số quan ngại về GMO, nhưng nhiều cơ quan quản lý sức khỏe trên thế giới đã xác định rằng hầu hết thực phẩm biến đổi gen là an toàn để ăn trong một mức tiêu thụ bình thường. Do đó, bạn không cần phải kiêng cữ hoàn toàn thực phẩm GMO mà chỉ cần hạn chế tiêu thụ chúng là được.

7. Thực phẩm chiên rán ngập dầu

Thực phẩm chiên rán ngập dầu có thể gây hại cho thận thông qua các cơ chế sau:

  • Thúc đẩy viêm thận: Thực phẩm chiên (rán) ngập dầu thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa và chất béo trung tính triglycerides,… có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu; từ đó, thúc đẩy các phản ứng viêm và làm suy giảm chức năng thận;
  • Thúc đẩy thừa cân – béo phì: Các món chiên (rán) thường nhiều calo. Tiêu thụ nhiều thực phẩm chiên rán làm tăng nguy cơ thừa cân – béo phì, thúc đẩy sự phát triển của bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, hai nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh suy thận mạn tính;
  • Chứa nhiều muối (natri): Để món ăn thêm giòn, thực phẩm chiên (rán) thường được tẩm ướp với nhiều muối natri. Điều này làm tăng nồng độ natri trong máu, gây áp lực lên thận và có thể dẫn đến suy thận mạn tính;
  • Nguy cơ gây ung thư: Quá trình chiên (rán) thực phẩm có thể sản sinh nhiều hợp chất amin dị vòng, như acrylamide, được biết đến có khả năng gây ung thư hệ tiêu hóa và tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư thận;

Tóm lại, đồ ăn chiên rán là nhóm thực phẩm hại thận theo nhiều cơ chế khác nhau. Vì thế, hạn chế thực phẩm chiên rán trong chế độ ăn uống chính là một nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng nếu bạn thực sự muốn cải thiện sức khỏe của thận.

8. Uống nhiều rượu bia gây hại thận

Rượu bia là nhóm thực phẩm hại thận được rất nhiều người tiêu thụ hiện nay. Uống nhiều rượu bia có thể gây hại cho thận vì:

  • Gây mất nước: Rượu bia có đặc tính lợi tiểu, kích thích cơ thể bài tiết chất lỏng nhiều hơn bình thường, khiến thận phải làm việc mạnh mẽ hơn để duy trì cân bằng nước và muối khoáng trong cơ thể. Do đó, tiêu thụ rượu bia quá mức (350ml rượu hoặc 1.400ml bia trong vòng 2 giờ) có thể gây suy thận cấp tính;
  • Nguy cơ sỏi thận: Rượu bia chứa một loại protein tên là purin. Vào cơ thể, purin sẽ được chuyển hóa thành axit uric. Do đó, tiêu thụ rượu bia có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ hình thành tinh thể axit uric ở thận, tạo nên sỏi thận axit uric.
  • Tăng huyết áp: Rượu bia có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương mạch máu, bao gồm cả những mạch nuôi dưỡng thận, ảnh hưởng đến khả năng lọc của thận;

Tóm lại, nếu đã có tiền sử mắc bệnh thận, bạn cần tuyệt đối tránh xa việc tiêu thụ rượu bia. Nếu bạn vẫn còn khỏe mạnh, việc hạn chế tiêu thụ rượu bia là điều nên làm để bảo vệ thận và sức khỏe tổng thể.

thức ăn hại thận, rượu bia

Tiêu thụ rượu bia quá mức làm tăng nguy cơ suy thận cấp và mạn tính

Những thói quen hại thận ít người chú ý

Lạm dụng thuốc, lười uống nước, ngồi cả ngày, ít vận động, thiếu ngủ, hút thuốc lá… chính là những thói quen gây hại thận phổ biến mà ít người chú ý. Cụ thể:

1. Lạm dụng thuốc và thực phẩm bổ sung

Theo các kết quả khảo sát, lạm dụng dược phẩm chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên 19% ca tổn thương thận cấp tính và 5% ca bệnh thận mãn tính mỗi năm trên toàn thế giới. Việc lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm gia tăng áp lực lên thận, buộc chúng phải làm việc “cực nhọc” hơn để lọc và loại bỏ các hợp chất hóa học từ thuốc, dẫn đến suy giảm chức năng thận.

Một số loại thuốc không kê đơn phổ biến, chẳng hạn như thuốc giảm đau – hạ sốt (paracetamol, aspirin,…), thuốc chống viêm không steroid (naproxen, ibuprofen,…), có thể gây hại thận khi uống quá liều. Do đó, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà chưa được nhận được sự tư vấn từ bác sĩ.

2. Uống không đủ nước

Uống thiếu nước có thể gây hại cho thận do nó làm tăng nồng độ các chất cặn trong nước tiểu. Điều này gây khó khăn cho thận trong việc lọc và loại bỏ độc tố, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Bên cạnh đó, mất nước làm sụt giảm lưu lượng máu chảy qua thận, có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận do thiếu máu. Do đó, uống nước đầy đủ là điều vô cùng quan trọng để thận hoạt động hiệu quả và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

3. Ngủ không đủ giấc

Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), chức năng thận được điều chỉnh thông qua chu kỳ ngủ – thức của não bộ. Hiểu đơn giản, thói quen sinh hoạt đúng giờ, bao gồm việc ngủ đủ giấc, chính là cơ sở giúp cơ thể phân phối khối lượng công việc cho thận trong 24 giờ một cách hiệu quả. Do đó, bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến thời lượng của giấc ngủ, đều có thể gián tiếp gây rối loạn nhịp sinh học và thúc đẩy bệnh thận tiến triển.

Nghiên cứu cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 hoặc 6 tiếng mỗi đêm có xu hướng bị suy giảm chức năng thận lần lượt nhanh hơn 79% và 31% so với nhóm người được ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng. Do đó, bạn nên lên kế hoạch đảm bảo cho cơ thể được ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm để bảo vệ sức khỏe thận một cách tối ưu.

4. Hút thuốc

Nghiên cứu cho thấy, những người đã hoặc đang hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn tính cao hơn từ 3.3 – 4.2 lần so với người chưa từng hút thuốc. Điều này là do khói thuốc chứa nhiều nicotine, một độc tố được chứng minh là có thể gây tăng huyết áp, làm giảm tốc độ lọc cầu thận và lưu lượng huyết tương qua thận, dẫn đến suy thận mạn tính.

thói quen hại thận, hút thuốc

Hút thuốc làm tăng huyết áp, thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển

5. Ngồi nhiều

Ngồi nhiều cả ngày có thể gây hại cho thận do thói quen này làm chậm quá trình lưu thông máu. Điều này làm giảm hiệu suất lọc của thận, dẫn đến tích tụ các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, ngồi nhiều cũng liên quan đến nguy cơ tăng cân và tiểu đường, hai nguy cơ hàng đầu thúc đẩy bệnh thận mạn tính triển.

6. Không tập thể dục thường xuyên

Không tập thể dục thường xuyên có thể gây hại cho thận bởi thói quen lười vận động làm tăng nguy cơ khởi phát béo phì và tiểu đường, đều là các tác nhân hàng đầu thúc đẩy bệnh thận mạn tính tiến triển. Mặt khác, thiếu vận động cũng làm giảm tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến khả năng lọc máu của thận, dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể và gây tổn thương thận vĩnh viễn. Ngược lại, tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu, điều hòa huyết áp và hỗ trợ thận hoạt động hiệu quả.

Trên đây là những thông tin quan trọng về các thói quen xấu, tiềm ẩn nguy cơ hại thận mà nhiều người thường ít quan tâm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được ăn gì bị thận yếu (thận suy) để có biện pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng một cách hiệu quả.

Tóm lại, hiểu rõ về các loại thực phẩm hại thận là bước đầu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe thận. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn hãy lựa chọn thực phẩm thông minh, tránh xa những thức ăn hại thận để giúp thận duy trì trạng thái hoạt động tối ưu. Bằng cách này, bạn không chỉ bảo vệ thận khỏi nguy cơ bệnh tật mà còn góp phần cải xây dựng được một lối sống lành mạnh và cân đối.

Rate this post
09:10 14/09/2023