Ăn gì hại thận: 9 thực phẩm không tốt cho thận ít ai biết

11/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Thận là một cơ quan ít được quan tâm nên nhiều người thường không nhận ra chế độ ăn uống hàng ngày có thể chứa những thực phẩm không tốt cho thận. Tuy nhiên, hiểu biết rõ về việc ăn gì hại thận đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với người mắc bệnh thận. Bởi lẽ, vô tình ăn phải những thức ăn không tốt cho thận có thể khiến cơ quan này suy yếu nhanh chóng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vậy, đâu là danh sách những thực phẩm hại thận được chuyên gia khuyến cáo hạn chế tiêu thụ? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

9 thực phẩm không tốt cho thận ít ai biết - Ăn gì gây hại thận?

Đâu là danh sách các loại thực phẩm không tốt cho thận bạn nên hạn chế tiêu thụ?

Ăn gì hại thận?

Thực phẩm hại thận thường là nhóm thực phẩm chứa nhiều natri / protein / axit oxalic / kali / phốt pho. Bởi lẽ, tiêu thụ nhóm thực phẩm này có thể khiến bạn tăng huyết áp, mất cân bằng điện giải, thay đổi thành phần nước tiểu và thúc đẩy sỏi thận tiến triển. Bên cạnh đó, thói quen uống nước sai cách cũng là một trong những tác nhân phổ biến có thể gây hại cho thận. Cụ thể:

1. Đồ ăn chứa nhiều muối và natri không tốt cho thận

Đồ ăn chứa nhiều muối chính là nhóm thực phẩm không tốt cho thận được nhiều chuyên gia cảnh báo vì chúng chứa nhiều natri. Vào cơ thể, natri kích thích tế bào “ngậm” nước, làm tăng trữ lượng chất lỏng trong hệ tuần hoàn, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Điều này dẫn đến tăng huyết áp, gây tổn thương lên các mao mạch thận, làm giảm khả năng lọc máu của tiểu cầu thận và thúc đẩy suy thận tiến triển.

2. Ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein không tốt cho thận

Khi bạn tiêu thụ protein, hệ tiêu hóa sẽ phân giải chúng thành các amino axit. Các amino axit dư thừa sau cùng sẽ được cơ thể chuyển hóa thành urê. Thận có trách nhiệm lọc urê ra khỏi máu, đưa chúng vào nước tiểu để loại bỏ khỏi cơ thể. Do đó, ăn quá nhiều protein (thịt động vật, trứng, sữa,..) làm gia tăng nồng độ urê tại thận, khiến thận bị “quá tải” và dẫn đến suy thận

Không những thế, nghiên cứu còn cho thấy, tiêu thụ một chế độ ăn nhiều protein có thể gây tăng huyết áp trong tiểu cầu thận, gây tổn thương cầu thận và làm giảm tỷ lệ lọc máu. Do đó, ăn nhiều protein so với nhu cầu của cơ thể trong suốt một khoảng thời gian dài hoàn toàn có thể thúc đẩy bệnh suy thận mạn tính (chronic kidney disease – CKD) tiến triển.

3. Thường xuyên ăn thực phẩm nhiều acid oxalic có thể gây sỏi thận

Axit oxalic trong thực phẩm khi được tiêu thụ quá mức có thể kết hợp với canxi trong máu tạo thành canxi oxalate. Các tinh thể canxi oxalate có thể kết tủa trong thận, hình thành sỏi thận. Sỏi thận gây đau, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và cản trở quá trình lọc máu. Điều này có thể gây tổn thương thận và làm suy giảm chức năng thận trong thời gian dài.

Thường xuyên ăn thực phẩm nhiều acid oxalic có thể gây sỏi thận

Oxalate thường chứa nhiều trong các loại rau lá xanh

4. Uống nước quá nhiều có hại cho thận

Uống nước quá nhiều trong thời gian ngắn có thể gây áp lực lên thận bằng cách buộc chúng phải lọc một lượng lớn chất lỏng. Điều này vừa làm suy yếu chức năng thận, vừa làm loãng nồng độ các khoáng chất quan trọng trong máu, như natri, canxi,… dẫn đến tình trạng tuột natri huyết và hạ canxi huyết. Khi nồng độ natri và canxi trong máu hạ thấp, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, đau đầu, chuột rút, co giật và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

5. Người bị thận nên ăn ít thực phẩm giàu phốt pho, kali

Người bị bệnh thận nên hạn chế thực phẩm giàu phốt pho và kali vì thận suy yếu không thể lọc các khoáng chất này hiệu quả, dẫn đến hiện tượng:

  • Tăng phốt pho huyết: Phốt pho dư thừa có thể tích tụ trong máu, thúc đẩy cơ thể phân giải canxi từ xương để cân bằng lại tỉ lệ canxi / phốt pho. Điều này có thể dẫn đến loãng xương và các vấn đề về răng / cơ / khớp.
  • Tăng kali huyết: Kali giúp điều chỉnh nhịp tim. Nồng độ kali cao trong máu có thể làm rối loạn nhịp tim, thúc đẩy suy thận cấp tính hoặc thậm chí tử vong.

Tóm lại, kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng phốt pho và kali trong chế độ ăn của người bị bệnh thận là điều cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh suy thận không nên ăn quá 3000 mg kali và 800mg phốt pho mỗi ngày nhằm bảo vệ thận và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

9 thực phẩm không tốt cho thận bạn cần biết

Dưới đây là danh sách 9 thực phẩm không tốt cho thận được nhiều chuyên gia khuyến nghị hạn chế tiêu thụ:

1. Thịt chế biến sẵn

Thịt chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích,… thường chứa nhiều muối natri, phốt pho. Trong đó:

  • Natri: Là thành phần chính của muối ăn. Sự gia tăng natri trong thực phẩm chế biến có thể làm tăng huyết áp và buộc thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ muối khoáng, gây nên tổn thương thận dài hạn.
  • Phốt pho: Thịt chế biến sẵn còn chứa nhiều chất phụ gia giàu phốt pho, một khoáng chất khó lọc khi thận bị suy yếu. Trong đó, điển hình nhất là natri photphat – một chất “độn” làm dày, tạo kết cấu tươi ngon, được dùng nhiều trong thực phẩm công nghiệp. Khi tích tụ trong máu quá nhiều, natri photphat có thể làm tăng tăng canxi huyết, gây đau đầu, nôn mửa và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
thực phẩm không tốt cho thận, Thịt chế biến sẵn

Thịt chế biến sẵn chứa nhiều natri và phốt pho, không tốt cho thận

2. Nội tạng động vật

Nội tạng động vật, như gan, thận, và tim gia súc / gia cầm, thường chứa hàm lượng purin cao. Tiêu thụ nhóm thực phẩm này quá nhiều có thể làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu, tạo điều kiện lý tưởng để hình thành sỏi thận.

Không những thế, nội tạng động vật còn cung cấp một hàm lượng vitamin A nhiều gấp 7 – 8 lần nhu cầu khuyến nghị hàng ngày dành cho người trưởng thành. Điều này là đặc biệt nguy hiểm với người có tiền sử suy thận vì hấp thụ vitamin A quá mức ở nhóm đối tượng này được chứng minh là có thể gây tăng canxi huyết, khiến người bệnh chóng mặt, buồn nôn và thậm chí tử vong.

3. Đồ ăn đóng hộp, ăn liền

Ngoài việc chứa nhiều natri / kali / phốt pho, ba loại khoáng chất mà người bệnh thận cần cẩn trọng tiêu thụ, đồ ăn đóng hộp còn chứa nhiều:

  • Chất béo trans và chất béo bão hòa: Tiêu thụ hai nhóm chất béo không lành mạnh này góp phần gây tăng lượng mỡ trong máu, thúc đẩy các phản ứng viêm trong thận, dẫn đến suy thận.
  • Đường: Sự gia tăng hàm lượng đường trong thực phẩm đóng hộp làm tăng nguy cơ rối loạn insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường – tác nhân hàng đầu gây nên 44% cơ suy thận mạn tính mỗi năm theo ước tính của Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ.

Tóm lại, đồ ăn đóng hộp không chỉ là nhóm thực phẩm không tốt cho thận mà còn kém lành mạnh cho sức khỏe tổng thể. Để ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến thận, bạn nên hạn chế tối đa hoặc dừng hẳn việc tiêu thụ nhóm thực phẩm này.

4. Đồ ăn vặt có muối

Đồ ăn vặt tẩm muối là nhóm thực phẩm không tốt cho thận vì chúng chứa nhiều natri. Loại khoáng chất này khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc và điều chỉnh cân bằng nồng độ natri trong cơ thể, khiến thận bị “quá tải” và gây tổn thương thận lâu dài. Quả thực, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, lượng muối ăn vào có thể thúc đẩy tình trạng suy thận tiến triển nhanh hơn bình thường.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, nguy cơ suy thận tăng lên đến 29% ở nhóm ăn 11.2 ± 3.4g muối / ngày so với nhóm chỉ ăn 10.6 ± 3.4 g/ngày. Do đó, hạn chế đồ ăn vặt chứa muối, chẳng hạn như bánh quy mặn, khoai tây chiên, hải sản khô,… giúp ngăn ngừa tình trạng suy thận tiến triển.

ăn gì hại thận, Đồ ăn vặt có muối

Đồ ăn vặt chứa muối thúc đẩy tình trạng suy thận tiến triển nhanh

5. Trái cây sấy khô

Trái cây sấy khô thường chứa hàm lượng đường fructose cao hơn hoa quả tươi thông thường, thường chiếm từ 10 – 25% khối lượng. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ đường fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu và trong máu lên thêm 10% ngay sau khi ăn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và bệnh gút khi ăn trái cây sấy khô quá nhiều.

6. Hải sản

Hải sản, đặc biệt là các loại cá có kích thước lớn (cá ngừ, cá kiếm, cá thu,…) thường chứa nhiều thủy ngân. Phơi nhiễm thủy ngân quá mức ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh, tim và thận. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy, thận là cơ quan giữ lại nhiều thủy ngân hơn bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể, nhưng chỉ có một phần nhỏ thủy ngân được bài tiết qua nước tiểu. Do đó, ăn hải sản quá nhiều rất dễ dẫn đến tổn thương thận do ngộ độc thủy ngân.

Bên cạnh đó, một số loại hải sản như sò điệp và mực, thường chứa rất nhiều purin, Hấp thụ nhiều purin làm tăng nồng độ axit uric tăng trong máu, thúc đẩy hình thành sỏi thận. Do đó, hải sản là nhóm thực phẩm không tốt cho thận. Nếu đang mắc bệnh thận, bạn nên hạn chế tiêu thụ nhóm thực phẩm này.

7. Nước mắm, nước tương và các loại nước sốt

Nước mắm, nước tương và các loại nước sốt là thành phần xuất hiện phổ biến trong hầu hết các món ăn Việt Nam. Chúng giúp gia tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn nên gần như là nguyên liệu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt. Tuy nhiên, vị mặn đặc trưng của các loại nước chấm / nước sốt này đều đến từ muối natri. Điều này khiến cho nồng độ natri trong các loại gia vị này rất cao:

Loại gia vị Hàm lượng natri (mg) trong 100g gia vị Phần trăm so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày Nhu cầu khuyến nghị natri lành mạnh hàng ngày
Nước mắm 7851 mg 392% 2000 mg
Nước tương 5493 mg 274%
Các loại nước sốt 2000 – 5000 mg 100 – 250%

Việc tiêu thụ quá mức các loại nước chấm này có thể khiến thận phải hoạt động “vất vả” hơn để lọc và loại bỏ natri ra khỏi máu, khiến thận bị “quá tải” và thúc đẩy bệnh suy thận mạn tính tiến triển.

8. Thực phẩm ngâm chua

Thực phẩm ngâm chua thường được để lâu nhiều ngày để quá trình lên men tự nhiên diễn ra trọn vẹn. Trong khoảng thời gian này, để thực phẩm không bị ôi / thiu / móc / hỏng, muối natri thường được thêm vào dung dịch ngâm, đóng vai trò như chất bảo quản để ức chế vi khuẩn sinh sôi và kiểm soát không cho thực phẩm lên men quá mức. Do vậy, hàm lượng natri trong thực phẩm ngâm chua thường rất cao, tiềm ẩn nguy cơ hại thận.

Bên cạnh natri, việc ngâm chua thường tạo ra môi trường axit, ảnh hưởng đến cân bằng pH trong cơ thể, gây khó khăn cho thận trong việc duy trì cân bằng acid-bazơ của máu. Tóm lại, đồ ăn ngâm chua như rau củ muối chua, dưa chua, nem chua,… là nhóm thực phẩm không tốt cho thận mà bạn nên cẩn trọng khi tiêu thụ.

thực phẩm hại thận, Thực phẩm ngâm chua

Thực phẩm ngâm chua chứa nhiều natri và có môi trường axit cao

9. Nước ngọt sẫm màu

Nước ngọt sẫm màu chứa nhiều phốt pho, tồn tại dưới dạng muối natri photphat, được sử dụng để ngăn chặn sự đổi màu, kéo dài thời hạn sử dụng và cân bằng vị chua cho thực phẩm. Thận khỏe mạnh có thể dễ dàng loại bỏ lượng phốt pho dư thừa trong máu của bạn, nhưng điều này hoàn toàn không đúng khi bạn bị bệnh thận. Khi suy yếu, thận giảm bài tiết phốt pho, thúc đẩy gia tăng nồng độ phốt pho trong máu.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy, có đến 80% – 90% lượng phốt pho đến từ thực phẩm được tái hấp thu hàng ngày ở ống thận. Do đó, liên tục tiêu thụ nước ngọt sẫm màu khiến thận “quá tải”, gián tiếp làm nồng độ phốt pho trong máu tăng cao, thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương hoặc thậm chí tử vong.

10. Rượu bia

Rượu bia là nhóm thực phẩm không tốt cho thận vì chúng chứa nhiều cồn. Cồn có thể gây hại cho thận theo nhiều cơ chế khác nhau. Cụ thể:

  • Gây áp lực cho thận: Cồn ức chế hóc môn chống bài niệu (ADH), khiến thận phải lọc nhiều nước hơn;
  • Gây tăng huyết áp: Cồn làm tăng huyết áp bằng cách gia tăng nồng độ hormone renin trong máu, khiến các mạch máu co lại. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy bệnh suy thận mạn tính;
  • Tăng nguy cơ sỏi thận: Việc tiêu thụ rượu bia có thể khiến bể thận và niệu quản mất nước, kích thích tăng cường hình thành các tinh thể muối oxalat trong nước tiểu, gây nên sỏi thận.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu: Rượu còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm suy giảm khả năng của cơ thể chống lại vi khuẩn, gây nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Nhìn chung, tiêu thụ rượu bia vừa phải (dưới 700ml bia và 150ml rượu mỗi giờ) sẽ không gây hại cho thận. Tuy nhiên, nếu bạn đã có tiền sử mắc bệnh thận, việc từ bỏ hoàn toàn thói quen tiêu thụ rượu bia là điều cần làm càng sớm càng tốt.

những thức ăn không tốt cho thận, rượu bia

Rượu bia chính là “kẻ thù số một” của thận

Những thói quen xấu gây hại thận nên tránh

Hiểu rõ về những thói quen xấu gây hại thận có thể giúp bạn phòng tránh và bảo vệ sức khỏe thận trong tương lai. Những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt và vận động có thể gây hại cho thận bao gồm:

  • Uống thiếu nước: Uống không đủ 1 – 2 lít nước mỗi ngày làm cho nước tiểu trở nên cô đặc, gây áp lực lên thận và tăng nguy cơ sỏi thận;
  • Thích ăn mặn và tiêu thụ rượu bia: Cả hai thói quen này đều làm tăng huyết áp, gây áp lực lên thận và thúc đẩy bệnh suy thận mạn tính;
  • Thích uống nước giải khát chứa đường: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và tiểu đường, kích thích viêm thận và tác động tiêu cực đến thận;
  • Ăn nhiều protein: Có thể làm tăng lượng axit uric trong nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận axit uric hình thành;
  • Hút thuốc lá: Hợp chất nicotine trong thuốc lá làm hẹp mạch máu và làm giảm lưu lượng máu tới thận, thúc đẩy suy thận cấp tính;
  • Lạm dụng thuốc: Việc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, hạ sốt không chứa steroid như panadol, paracetamol,… có thể gây tổn thương thận;
  • Vận động quá nhiều hoặc quá ít: Tập luyện thể dục quá mức gây dị hóa cơ bắp (rhabdomyolysis), kích thích giải phóng axit uric vào nước tiểu, làm tăng nguy cơ sỏi thận. Trong khi đó, vận động quá ít làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường, là yếu tố hàng đầu thúc đẩy suy thận mạn tính.
  • Chế độ ăn thiếu lành mạnh: Ăn uống thiếu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ làm suy giảm hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể, khiến thận không đủ sức đề kháng để phục hồi và chống chọi với bệnh tật nên suy yếu nhanh hơn.
Những thói quen xấu gây hại thận nên tránh

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn là thói quen hại thận phổ biến

Trên đây là những thói quen xấu có thể gây hại cho thận mà bạn nên lưu tâm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được ăn gì hại thận để xây dựng được một thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học.

Tóm lại, chăm sóc thận là một quá trình không chỉ đòi hỏi việc xây dựng thói quen sinh hoạt và vận động lành mạnh, mà còn cần lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp. Việc hiểu rõ về danh sách những thức ăn không tốt cho thận giúp bạn bảo vệ chức năng thận khỏi những tổn thương tiềm ẩn và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết nên ăn ít hay kiêng hoàn toàn những thực phẩm không tốt cho thận, hãy nhanh chóng liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn chi tiết hơn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
16:38 11/09/2023