Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả hiện nay

14/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Với những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực y học, việc điều trị ung thư tuyến giáp hiện nay cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nhờ vào sự phối hợp linh hoạt giữa nhiều cách trị ung thư tuyến giáp với nhau, người bệnh giờ đây đã có thể dễ dàng được bác sĩ tư vấn một phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp tối ưu, phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng cá thể.

Vậy, đâu là danh sách những cách chữa ung thư tuyến giáp hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị? Người bệnh cần làm gì sau điều trị để nhanh chóng hồi phục sức khỏe tuyến giáp? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả hiện nay

Đâu là cách điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả, an toàn và khoa học?

Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm?

Ung thư tuyến giáp CÓ THỂ CHỮA KHỎI nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, cụm từ “chữa khỏi” ở đây chỉ có nghĩa là chúng ta có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư và làm cho nồng độ hóc-môn giáp trong cơ thể trở lại mức bình thường, chứ không bao gồm hàm ý phải bảo vệ được tính toàn vẹn của tuyến giáp. Bởi lẽ, trong quá trình điều trị ung thư, rất nhiều trường hợp bác sĩ buộc phải cắt đi một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp để giúp người bệnh “thoát khỏi” mầm bệnh.

Tuy ung thư tuyến giáp là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng di căn sang những cơ quan khỏe mạnh nằm bên ngoài tuyến giáp, nhưng nhìn chung, tỷ lệ chữa khỏi ung thư tuyến giáp cũng như tiên lượng sống của người bệnh trong vòng 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh là rất cao. Cụ thể:

Loại ung thư Mức độ di căn Tỷ lệ sống còn sau 5 năm
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (papillary thyroid carcinoma – PTC) Cục bộ >99.5%
Di căn khu vực 99%
Di căn xa 74%
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang (follicular thyroid carcinoma – FTC) Cục bộ >99.5%
Di căn khu vực 98%
Di căn xa 67%
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (medullary thyroid carcinoma – MTC) Cục bộ >99.5%
Di căn khu vực 92%
Di căn xa 43%
Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic thyroid carcinoma – ATC) Cục bộ 39%
Di căn khu vực 11%
Di căn xa 4%

Chú thích về mức độ di căn của bệnh ung thư tuyến giáp:

  • Cục bộ: Tế bào ung thư chỉ được tìm thấy ở tuyến giáp;
  • Di căn khu vực: Khối u được tìm thấy ở cả tuyến giáp và hạch bạch huyết;
  • Di căn xa: Khối u không chỉ được tìm thấy ở tuyến giáp, hạch bạch huyết mà còn ở xương, phổi, gan hoặc những cơ quan khác.

Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp

Nguyên tắc của điều trị ung thư tuyến giáp là phải tiêu diệt hoàn toàn sự tồn tại của khối u, trong khi vẫn đảm bảo nồng độ hóc-môn tuyến giáp luôn được duy trì ở trạng thái bình thường. Để thực hiện hiện được mục tiêu này, người bệnh thường được chỉ định phẫu thuật, xạ trị; kết hợp với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt và tuân thủ nghiêm ngặt theo một liệu trình uống thuốc bổ sung hóc-môn giáp trọn đời.

Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp

Mục đích của điều trị ung thư tuyến giáp là phải tiêu diệt hoàn toàn sự tồn tại của khối u

Cách điều trị ung thư tuyến giáp khoa học

Hiện nay, có 5 cách điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến là:

STT Cách điều trị Vai trò
1 Phẫu thuật – Giúp loại bỏ hầu hết khối u tuyến giáp.
2 Xạ trị I-131 (phóng xạ i-ốt) – Bổ trợ sau phẫu thuật.

– Giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.

3 Điều trị nội tiết – Bù đắp hoặc thay thế lượng hóc-môn giáp bị thiếu hụt sau phẫu thuật.
4 Xạ trị chiếu ngoài – Giúp tiêu diệt tế bào ung thư ở vị trí khó phẫu thuật hoặc không đáp ứng với I-131

– Thường được áp dụng với ung thư tuyến giáp không biệt hóa, hoặc ung thư biệt hóa ở giai đoạn muộn.

5 Điều trị nội khoa (dùng thuốc) – Giúp tiêu diệt tế bào ung thư ở giai đoạn muộn.

1. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là cách điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến nhất, được áp dụng trong hầu hết trường hợp ung thư, dù là ung thư đã di căn hoặc chưa di căn. Mục đích chính của quá trình phẫu thuật là để loại bỏ tế bào ung thư ra khỏi tuyến giáp một cách tối đa, dù đôi lúc phải cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp hoặc những mô xung quanh. Tuy nhiên, tùy vào từng loại kiểu hình ung thư mà chỉ định phẫu thuật cũng có sự khác biệt nhất định. Cụ thể:

1.1. Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang

Đối với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, người bệnh thường được chỉ định thực hiện các loại hình phẫu thuật sau:

STT Loại phẫu thuật Chỉ định
1 Cắt bỏ một bên tuyến giáp (thùy giáp trái hoặc phải) và eo giáp (phần mô nằm giữa, nối hai bên tuyến giáp) Chưa có chỉ định cụ thể nhưng thường được áp dụng khi tế bào ung thư chỉ xuất hiện một bên của tuyến giáp
2 Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp; Chỉ định cho đa số trường hợp ung thư tuyến giáp có khối u nằm ở cả 2 bên thùy giáp
3 Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp kết hợp nạo vét hạch cổ: Ung thư đã di căn sang hạch cổ

1.2. Ung thư tuyến giáp thể tủy

Với ung thư tuyến giáp thể tủy, phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là chỉ định bắt buộc trong tất cả trường hợp. Khi ung thư có dấu hiệu di căn, người bệnh thường được chỉ định xạ trị chùm tia ngoài hoặc sử dụng thêm liệu pháp nhắm mục tiêu, bởi xạ trị với chùm tia I-131 không cho thấy hiệu quả với tế bào ung thư tuyến giáp thể tủy.

Cách điều trị ung thư tuyến giáp khoa học, phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Minh họa mô ung thư tuyến giáp thể tủy (bên phải) so với tế bào tuyến giáp khỏe mạnh (bên trái)

1.3. Ung thư tuyến giáp không biệt hóa

Ung thư tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic thyroid carcinoma – ATC) tuy chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư tuyến giáp, nhưng bệnh thường đặc trưng bởi những khối u sưng to, gây đau nhức dữ dội, đồng thời phát triển và di căn với tốc độ rất nhanh. Do đó, phương pháp điều trị chính thường được áp dụng cho hầu hết trường hợp ATC là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, nạo vét hạch cổ; sau đó, kết hợp xạ trị chùm tia ngoài và hóa trị liệu.

2. Điều trị I-131 (Radioactive iodine – RAI)

I-131 là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các loại thuốc chứa đồng vị phóng xạ i-ốt 131 để tiêu diệt khối u. Trong cơ thể con người, tuyến giáp là cơ quan rất “nhạy cảm” với i-ốt. Do đó, khi sử dụng I-131 trong điều trị, các tế bào tuyến giáp, đặc biệt là tế bào ung thư, sẽ hấp thụ bức xạ từ I-131 và bị tiêu diệt hoàn toàn.

Điều trị I-131 thường được chỉ định trong 2 trường hợp sau:

  • Điều trị chính: I-131 có thể được áp dụng để tiêu diệt diệt tế bào ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú cho thấy mức độ đáp ứng tốt với tia phóng xạ từ i-ốt;
  • Điều trị sau phẫu thuật: Uống viên nang chứa I-131 giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại ở những vùng mà phẫu thuật không thể can thiệp.

3. Điều trị nội tiết

Điều trị nội tiết là phương pháp sử dụng hóc-môn tuyến giáp tổng hợp, thường là levothyroxine, để giúp cơ thể điều hòa lại nồng độ hóc-môn kích thích tuyến giáp TSH; từ đó, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Mục đích chính của điều trị nội tiết là:

  • Thay thế hormone tuyến giáp: Tuyến giáp là cơ quan sản xuất hóc-môn thyroxine (T4) để điều chỉnh nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khi một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp đã bị loại bỏ sau phẫu thuật ung thư, cơ thể sẽ bị thiếu hụt hóc-môn T4. Lúc này, việc sử dụng levothyroxine giúp bù đắp lượng hóc-môn đã mất và đảm bảo mọi hoạt động trong cơ thể diễn ra bình thường.
  • Ngăn chặn ung thư tái phát: Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) do tuyến yên tiết ra có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến giáp. Việc bổ sung levothyroxine giúp ức chế sự bài tiết TSH quá mức của tuyến yên; từ đó ngăn chặn nguy cơ tái phát của các tế bào ung thư.
cách chữa ung thư tuyến giáp, điều trị nội tiết

Levothyroxine là thuốc điều trị nội tiết phổ biến được dùng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp

4. Xạ trị chiếu ngoài

Xạ trị chiếu ngoài là phương pháp sử dụng năng lượng từ các chùm tia phóng xạ (tia X hoặc tia gamma) để “bắn phá” tế bào ung thư từ bên ngoài cơ thể. Trên thực tế, đây là phương pháp hiếm khi được áp dụng trong việc điều trị khối u tuyến giáp bởi các tế bào khu vực này thường không nhạy cảm với chùm tia phóng xạ đến từ những nguồn không chứa i-ốt. Xạ trị chiếu ngoài có thể được chỉ định trong những trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, thể tủy, thể không biệt hóa,… đặc biệt là khi tế bào ung thư nằm ở vị trí khó phẫu thuật.

5. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)

Điều trị nội khoa là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách truyền các loại thuốc chống ung thư trực tiếp vào cơ thể người bệnh. Điều trị nội khoa được chia thành hóa trị liệu và điều trị nhắm mục tiêu. Cụ thể:

5.1. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư đặc biệt, chẳng hạn như doxorubicin, paclitaxel, cisplatin,… để ức chế quá trình sao chép DNA của tế bào ung thư; từ đó ngăn chặn quá trình phát triển và di căn của chúng. Đây là phương pháp hiếm khi được áp dụng để điều trị ung thư tuyến giáp bởi các loại thuốc hóa trị thường gây nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.

5.2. Điều trị nhắm mục tiêu

Điều trị nhắm mục tiêu, hay còn gọi là điều trị đích (targeted therapy), là phương pháp sử dụng các loại thuốc đặc biệt để “nhắm” mục tiêu vào các gen và protein cụ thể của các tế bào ung thư; từ đó, tập trung tiêu diệt khối u mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tế bào khỏe mạnh. Phương pháp này thường được chỉ định trong 2 trường hợp:

  • Khi người bệnh đã thất bại với phương pháp xạ trị I-131;
  • Khi người bệnh không còn khả năng cứu chữa nhưng có mong muốn giảm thiểu triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp theo loại và giai đoạn

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp theo loại và giai đoạn bệnh được trình bày chi tiết trong bảng sau:

Loại ung thư Điều trị chính Điều trị bổ trợ Điều trị khi tái phát
Ung thư tuyến giáp thể nhú – Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp

– Nạo vét hạch cổ nếu ung thư có dấu hiệu di căn sang hạch bạch huyết

– Giai đoạn 1, 2: Điều trị nội tiết sau phẫu thuật.


– Giai đoạn 3, 4:
Điều trị nội tiết và xạ trị I-131 sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại

– Cân nhắc tái phẫu thuật và xạ trị I-131.

– Xạ trị chùm tia ngoài khi khối u không đáp ứng I-131.

– Dùng liệu pháp nhắm mục tiêu với thuốc khi khối u đã di căn nhiều nơi và không đáp ứng I-131.

Ung thư tuyến giáp thể nang – Điều trị nội tiết sau phẫu thuật

– Xạ trị I-131 khi ung thư có dấu hiệu di căn trước khi phẫu thuật

– Xạ trị chùm tia ngoài nếu khối u tuyến giáp không đáp ứng với I-131

– Dùng thuốc nhắm mục tiêu nếu khối u đã di căn đến phổi và gan.

Ung thư tuyến giáp thể tủy – Sàng lọc để loại trừ khả năng mắc Hội chứng MEN 2

– Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ dù ở bất kỳ giai đoạn nào.

– Giai đoạn 1, 2: Điều trị nội tiết.

– Giai đoạn 3, 4: Điều trị nội tiết kết hợp với xạ trị chùm tia ngoài.

– Cân nhắc tái phẫu thuật, xạ trị chùm tia ngoài hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu với thuốc vandetanib hoặc cabozantinib.
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa – Xạ trị chùm tia ngoài kết hợp hóa trị liệu

– Điều trị nhắm mục tiêu khi tế bào ung thư có biến đổi gen

– Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ

– Điều trị nội tiết

Chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ tác dụng phụ của điều trị ung thư tuyến giáp

Chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ là một quy trình y khoa chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và cải thiện các triệu chứng do bệnh ung thư tuyến giáp cũng như tác dụng phụ từ quá trình điều trị gây nên. Mục tiêu của quá trình này là giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc kéo dài thời gian sống sau điều trị.

Chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ tác dụng phụ của điều trị ung thư tuyến giáp

Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm đau và cải thiện chất lượng sống

Chăm sóc giảm nhẹ thường bắt đầu ngay khi người bệnh nhận được chỉ định điều trị đầu tiên từ bác sĩ. Các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ dành cho người bệnh ung thư tuyến giáp thường bao gồm:

  • Giảm nhẹ triệu chứng: Sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh thường được chỉ định uống thuốc giảm đau, thuốc chống buồn nôn, thuốc nhuận tràng để cải thiện một loạt các tác dụng phụ sau điều trị.
  • Cải thiện dinh dưỡng: Chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp cần phải đảm bảo tuân thủ theo một số nguyên tắc y khoa quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa ung thư tái phát. Ví dụ:
    • Trước khi xạ trị I-131: Người bệnh nên kiêng hoàn toàn thực phẩm giàu i-ốt để làm tăng độ “nhạy” của tế bào ung thư trước phóng xạ từ I-131, nâng cao hiệu quả điều trị.
    • Sau phẫu thuật hoặc hóa trị: Người bệnh thường bị khô miệng, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa nên việc ưu tiên ăn thực phẩm mềm, giàu đạm, vitamin và chất xơ để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, thúc đẩy cơ thể nhanh phục hồi là điều cần thiết.
  • Cải thiện tâm lý: Giữ tâm lý thoải mái, giảm căng thẳng cũng là một cách hỗ trợ điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả. Sau phẫu thuật, người bệnh nên tham gia vào các hoạt động giải trí nhẹ nhàng khác nhau để thư giãn đầu óc, chẳng hạn như: thiền, yoga, đi bộ, nghe nhạc, đọc sách,…

Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp bao nhiêu tiền?

Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp dao động trong khoảng từ 50.000.000 đến 180.000.000 đồng, trong đó có thể bao gồm các loại chi phí sau:

STT Loại chi phí Loại hình thực hiện Chi phí Số lần thực hiện
1 Chi phí phẫu thuật Mổ nội soi 10 – 30 triệu / lần 1 – 2 lần
Mổ thường 4 – 20 triệu / lần
2

 

Chi phí xạ trị I-131 Xạ trị trong (I-131) Liều thấp: 3 – 5 triệu / lần

Liều cao: 10 triệu / lần

4 – 6 lần
Xạ trị ngoài 3 – 5 triệu / lần 4 – 20 lần
3 Chi phí hóa trị liệu hoặc điều trị nhắm mục tiêu 0.2 – 0.5 triệu / lần 4 – 10 lần
4 Chi phí nội trú 0.2 – 3 triệu / ngày Tùy vào chỉ định từ bác sĩ
5 Chi phí thuốc men Thuốc điều trị nội tiết 40.000 – 50.000 / hộp / 30v Tùy vào chỉ định từ bác sĩ
Thuốc bổ trợ (chống nôn, giảm đau, kháng viêm, kháng sinh,…) Tùy nhu cầu của người bệnh và chỉ định từ bác sĩ
Thực phẩm chức năng bổ trợ Tùy nhu cầu của người bệnh và chỉ định từ bác sĩ
6 Chi phí đi lại và sinh hoạt  

Tùy vào phương tiện, xăng xe, đồ dùng sinh hoạt, nhu cầu tiêu thụ và địa điểm nghỉ dưỡng.

7 Chi phí tái khám Tùy vào phương thức chẩn đoán, bao gồm một hoặc nhiều chi phí như: siêu âm, sinh thiết, chụp X-quang,..

Lưu ý, trên đây chỉ là bảng chi phí điều trị ung thư tuyến giáp mang tính tham khảo bởi trên thực tế, việc người bệnh có thể phải chi trả ít hơn hoặc nhiều hơn, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như:

  • Loại hình bảo hiểm: Người bệnh tham gia bảo hiểm càng nhiều thì chi phí điều trị ung thư tuyến giáp càng thấp;
  • Địa điểm thăm khám: Bệnh viện công thường có chi phí thấp hơn bệnh viện tư nhân và bệnh viện có yếu tố nước ngoài;
  • Đặc điểm thể trạng: Người bệnh có sức khỏe càng yếu, bệnh lý nền càng nhiều, mức độ đáp ứng thuốc càng kém thì chi phí điều trị ung thư tuyến giáp càng cao.
cách trị ung thư tuyến giáp

Chi phí thăm khám và điều trị ung thư tuyến giáp ở mỗi người bệnh là hoàn toàn khác nhau

Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp

Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, bạn cần thực hiện một số hoạt động theo dõi sức khỏe để đảm bảo rằng không có dấu hiệu tái phát ung thư, cũng như để kiểm soát tác dụng phụ và biến chứng. Các hoạt động theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp có thể bao gồm:

  • Tái khám định kỳ: Bạn cần gặp bác sĩ định kỳ sau phẫu thuật để cắt chỉ vết mổ, đánh giá sức khỏe tổng thể và tình trạng của tuyến giáp.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ của hóc-môn giáp thyroxine T4 và thyroglobulin, một loại protein mà tuyến giáp sản xuất. Một sự tăng vọt trong nồng độ thyroglobulin có thể là dấu hiệu của sự tái phát của tế bào ung thư.
  • Siêu âm, chụp CT hoặc MRI: Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể được sử dụng để giúp bác sĩ tầm soát tất cả dấu hiệu bất thường xảy ra trên tuyến giáp; từ đó, can thiệp kịp thời để ngăn bệnh tái phát.
  • Quản lý thuốc và tác dụng phụ: Nếu bạn đang dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp Levothyroxine sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ theo dõi bạn để đảm bảo rằng bạn đang nhận đủ hormone, không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào khó chịu và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
  • Tư vấn và hỗ trợ tâm lý: Đối mặt với ung thư và quá trình hậu phẫu có thể là một trải nghiệm căng thẳng. Tư vấn và hỗ trợ tâm lý có thể giúp người bệnh điều hòa cảm xúc và nâng cao chất lượng sống.

Trên hành trình điều trị ung thư tuyến giáp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là cơ sở y tế hàng đầu có chuyên khoa Ung bướu hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như hệ thống máy siêu âm tổng quát cao cấp Acuson Sequoia (Siemens, Đức),… các bác sĩ có thể giúp bạn phân loại chính xác kiểu hình khối u; từ đó, đưa ra phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp tối ưu.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị ung thư tuyến giáp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội). Chúc bạn mau chóng tìm được cách điều trị bệnh ung thư tuyến giáp phù hợp và nhanh chóng khỏi bệnh.

Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề điều trị ung thư tuyến giáp mà người bệnh cần quan tâm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được ưu nhược điểm của mỗi cách chữa ung thư tuyến giáp, cũng như biết được những nguyên tắc để chăm sóc bản thân tốt hơn sau mỗi liệu trình điều trị.

5/5 - (1 bình chọn)
14:53 14/08/2023