Thực đơn cho người xạ trị ung thư nhanh phục hồi sức khỏe

13/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, song cũng gây nhiều tác dụng phụ tới cuộc sống và việc ăn uống của bệnh nhân. Sau xạ trị, thực đơn cho người xạ trị phải vừa cung cấp đủ dinh dưỡng để người bệnh duy trì sức khoẻ, vừa tạo điều kiện để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Vậy người xạ trị nên ăn gì và kiêng gì? Đâu là cách tối ưu khi xây dựng thực đơn cho người xạ trị? Trong bài viết dưới đây, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ giải đáp các thắc mắc trên của bạn.

Thực đơn cho người xạ trị ung thư nhanh phục hồi sức khỏe

Xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư sao cho đúng?

Xạ trị ảnh hưởng đến việc ăn uống ra sao?

Hầu hết bệnh nhân trong quá trình xạ trị đều trải qua các tình trạng điển hình như chán ăn, buồn nôn, nôn và kém hấp thụ dưỡng chất,… Tuy nhiên, mức độ xạ trị ảnh hưởng đến việc ăn uống ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng tia xạ, vị trí và kích thước khu vực chiếu xạ.

Những tia phóng xạ như tia X-quang, tia Gamma,… sở hữu tính đâm xuyên và phá huỷ rất mạnh mẽ. Trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư, chúng sẽ ít nhiều gây tổn thương tới các vùng tế bào khỏe mạnh và ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá của người bệnh. Một số hiện tượng cụ thể của quá trình tiêu hoá mà bạn sẽ phải đối mặt khi xạ trị bao gồm:

Vùng xạ trị Ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá
Vùng não Nôn và buồn nôn
Vùng cổ hoặc đầu Đau miệng, khó nuốt, mất vị giác, khô miệng, đau rát họng, nước bọt đặc quánh
Vùng ngực (phổi, thực quản, vú) Khó nuốt, ợ nóng, mệt mỏi và chán ăn
Vùng bụng (ruột non, tuyến tiền liệt, tử cung, cổ tử cung, tuyến tụy,…) Nôn, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, chướng bụng, tiêu chảy

Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người xạ trị?

Xây dựng thực đơn cho người xạ trị đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì trạng thái khỏe mạnh của bệnh nhân, đồng thời tạo điều kiện để quá trình điều trị đạt hiệu quả, cụ thể:

  • Duy trì trạng thái khỏe mạnh: Theo các chuyên gia, có đến 57% bệnh nhân ung thư bị sụt cân trước khi xạ trị. Những người này tiếp tục có nguy cơ cao bị giảm trọng lượng cơ thể trong thời gian xạ trị. Như vậy, bản thân bệnh lý và việc điều trị vốn dễ gây suy nhược thể chất, khiến bệnh nhân, nếu muốn duy trì trạng thái tích cực, phải tăng cường hấp thụ dưỡng chất. Lúc này, việc xây dựng thực đơn cho người xạ trị sẽ cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết để bạn sống khỏe;
  • Tối ưu hoá hiệu quả của xạ trị: Một số dưỡng chất rất có lợi cho quá trình xạ trị như protein (giúp cơ thể xây dựng tế bào mới), chất xơ (hỗ trợ hệ tiêu hoá trong khi xạ trị), omega-3 (giúp giảm các tác dụng phụ liên quan tới tim mạch),… Ăn uống khoa học theo thực đơn sẽ giúp người bệnh hấp thụ được tối đa nguồn dưỡng chất này, khiến quá trình xạ trị đạt hiệu quả tối ưu.

Do đó, dù chán ăn hay gặp các tác dụng phụ trong khi xạ trị, người bệnh cũng không thể ăn uống thất thường, thiếu khoa học hay bỏ bữa. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng lên thực đơn khoa học mỗi ngày và thay đổi khẩu phần ăn thường xuyên.

Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người xạ trị?

Thực đơn dinh dưỡng cân đối giúp người bệnh ung thư nhanh hồi phục sau xạ trị

Chế độ ăn uống có thể thay đổi như thế nào trong quá trình xạ trị?

So với chế độ ăn của người khoẻ mạnh, chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư cần tăng cường năng lượng, các vitamin và khoáng chất cần thiết, đồng thời, ưu tiên các loại thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu, cụ thể:

1. Ăn nhiều năng lượng hơn

Quá trình xạ trị tiêu hao năng lượng đáng kể từ bệnh nhân, khiến nhiều người có nguy cơ giảm cân không chủ ý. Ăn nhiều năng lượng hơn sẽ đảm bảo người bệnh có đủ lượng năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động hàng ngày và hỗ trợ quá trình hồi phục, tránh các tình trạng suy dinh dưỡng, mất cân nặng và suy kiệt. Theo khuyến cáo, người xạ trị nên hấp thụ khoảng 25 – 40 kcal/ kg cân nặng mỗi ngày. Như vậy, một người bệnh với số cân nặng khoảng 60 kg cần ăn đủ lượng năng lượng hàng ngày khoảng 1500 – 2400 kcal.

2. Tăng cường protein

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tăng cường protein đóng vai trò rất quan trọng sau mỗi liệu trình xạ trị. Bởi lẽ, dưỡng chất này có thể phân giải thành các axit amin, giúp sửa chữa tế bào bị tổn thương và sản sinh tế bào mới cho cơ thể. Nhờ vậy, các tác dụng phụ của quá trình xạ trị sẽ được giảm thiểu và người bệnh có khả năng phục hồi nhanh chóng. Lượng protein cần thiết để người xạ trị hấp thụ hàng ngày khoảng 45 – 60 g.

3. Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất

Người xạ trị nên hấp thụ đủ các vitamin và khoáng chất từ thực đơn hàng ngày, trong đó:

  • Vitamin B: Nhóm vitamin B, bao gồm B1, B2, B3, B6, B12 và axit folic, đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, giúp bệnh nhân hấp thụ tốt hơn năng lượng và các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn;
  • Vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp phục hồi tế bào. Dưỡng chất này cũng có tác dụng chống oxy hóa và hỗ trợ quá trình lành vết thương;
  • Vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì sức khỏe của xương, đồng thời, điều chỉnh hệ miễn dịch và giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm. Dưỡng chất này sẽ giúp người bệnh duy trì thể trạng khỏe mạnh xuyên suốt quá trình xạ trị;
  • Vitamin E và các chất chống oxy hóa khác: Vitamin E và các chất chống oxy hóa khác như selen và beta-carotene giúp bảo vệ tế bào và hỗ trợ người bệnh phục hồi nhanh chóng;
  • Khoáng chất: Một số khoáng chất quan trọng đối với người xạ trị bao gồm canxi, magie, kẽm và sắt. Canxi giúp duy trì sức khỏe xương, magie hỗ trợ chức năng cơ bắp và thần kinh, kẽm tăng cường hệ miễn dịch và sắt cung cấp oxy cho cơ thể. Hấp thụ đủ các khoáng chất này sẽ giúp người bệnh đủ sức khoẻ để chống lại các tác dụng phụ của xạ trị.
Chế độ ăn uống có thể thay đổi như thế nào trong quá trình xạ trị?

Rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh ung thư

4. Ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa

Một số tác dụng phụ của quá trình xạ trị (gây buồn nôn, nôn, khó nuốt, chướng bụng,…) có thể làm cho hệ tiêu hóa nhạy cảm và yếu hơn. Lúc này, để quá trình tiêu hoá diễn ra thuận lợi, người bệnh nên ưu tiên lựa chọn các món ăn mềm, dễ tiêu hoá như: súp nấu nhuyễn, cháo, bún, phở,… hay các loại trái cây chín mềm như xoài, chuối, đu đủ,…

Cách xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư tốt nhất

Tăng cường calo, protein hay đáp ứng đủ vitamin và khoáng chất đều là những nguyên tắc chung trong xây dựng thực đơn cho người xạ trị. Tuy nhiên, trên thực tế, làm thế nào để lựa chọn và kết hợp các món ăn cụ thể một cách khoa học lại không hề dễ dàng. Dưới đây là một số gợi ý cách xây dựng thực đơn cho người xạ trị tốt nhất mà bạn có thể tham khảo:

1. Lắng nghe cơ thể của bạn

Người bệnh ung thư nên ăn gì? Đâu là những loại thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân xạ trị? Trước khi tìm lời giải đáp cho thắc mắc trên, bạn cần lưu ý rằng loại thực phẩm tốt nhất phải là loại thực phẩm phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý và những vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Ví dụ, một bệnh nhân ung thư gan, trong quá trình xạ trị, xuất hiện các hiện tượng đầy hơi, khó tiêu. Bệnh nhân đó nên tìm kiếm các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp chữa lành tế bào gan; đồng thời, chứa các enzyme tiêu hoá và chất xơ để giải quyết vấn đề đầy hơi, khó tiêu. Ghi nhớ điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng bồi bổ “vô tội vạ”, gây áp lực cho hệ tiêu hoá.

2. Lập kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các thực phẩm lành mạnh

Một kế hoạch ăn uống chi tiết, bao gồm các thực phẩm lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng dưỡng chất hấp thụ và tránh ăn các loại thực phẩm có hại trong quá trình xạ trị. Để xây dựng một kế hoạch hợp lý, bạn cần đảm bảo đầy đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết:

Dưỡng chất Hàm lượng cần thiết trong ngày

(…/ngày)

Năng lượng 25 – 40 kcal / kg
Protein 60 – 70 g
Tinh bột 290 – 370 g
Chất xơ 21 – 38 g
Chất béo 25 – 35 g

Bên cạnh đó, bạn nên ưu tiên hấp thụ protein chất lượng cao từ các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, đậu xanh, đậu hà lan, hay các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, hạt điều, hạt hướng dương,… Đồng thời, việc tiêu thụ axit béo tốt omega-3 trong cá thu, cá trích, cá mòi, cá hồi… thay cho chất béo từ các loại thịt đỏ cũng góp phần giúp thực đơn cho người xạ trị thêm lành mạnh.

Cách xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư tốt nhất

Thực đơn cho người xạ trị ung thư cần cung cấp đầy đủ calo, đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất

3. Ăn những bữa ăn nhiều dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng ở người xạ trị tương đối cao so với bình thường. Vì vậy, những bữa ăn nhiều dinh dưỡng sẽ là yếu tố không thể thiếu khi xây dựng thực đơn cho người xạ trị. Trong mỗi bữa ăn, bạn hãy đảm bảo hấp thu đủ các loại thực phẩm sau:

3.1. Các loại rau và trái cây

Bổ sung rau củ quả vào thực đơn chính là cách tốt nhất để cơ thể bạn hấp thụ chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Những loại dưỡng chất này đều có công dụng tuyệt vời trong việc chữa lành các tổn thương trong cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hoá, làm mềm phân, giúp bạn duy trì sức khỏe trong quá trình xạ trị.

Một số loại rau và trái cây nên có trong thực đơn cho người xạ trị bao gồm: rau cải bó xôi, rau mồng tơi, bắp cải, bông cải xanh, khoai tây, cà rốt, khoai tây, đậu đỏ, đậu nành, táo, nho, dâu, cam, chanh, lựu,… Lưu ý, nếu gặp khó khăn trong quá trình tiêu hoá, bạn nên ưu tiên luộc mềm các loại rau củ và lựa chọn các loại trái cây chín mềm.

3.2. Sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo (1%)

Sữa và các phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo là nguồn dinh dưỡng dồi dào, bao gồm protein (chữa lành và sản sinh tế bào), canxi và vitamin D (hạn chế loãng xương, chảy máu chân răng khi xạ trị), vitamin B (giúp cơ thể hấp thụ năng lượng và phát triển tế bào). Do đó, xây dựng thực đơn cho người xạ trị, bạn có thể lựa chọn bổ sung sữa bò tiệt trùng tách béo, sữa đậu nành, sữa hạt điều, sữa chua, sữa chua Hy Lạp,…

3.3. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo lứt, bún lứt, bánh mì đen, bánh mì nguyên cám. Đây là loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin (đặc biệt là vitamin B), khoáng chất (kẽm, sắt, magie, mangan), đạm và các chất chống oxy hoá. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là có khả năng giảm nguy cơ tử vong do ung thư lên tới 12%, đặc biệt đối với ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy và ung thư thực quản.

3.4. Protein

Protein đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình sản sinh tế bào mới của cơ thể. Dưỡng chất này có khả năng phân giải ra các loại axit amin là thành phần trong cấu trúc tạo nên khung tế bào. Do đó, tiêu thụ đủ lượng protein cần thiết sẽ giúp bạn đẩy nhanh quá trình phục hồi sau xạ trị. Một số nguồn protein chất lượng bao gồm: trứng, hạnh nhân, yến mạch, diêm mạch, đậu lăng, cá ngừ, tôm, đậu phộng,…

thực đơn cho người xạ trị, Protein

Protein hỗ trợ cơ thể tăng sinh tế bào khỏe mạnh sau xạ trị ung thư

4. Chế độ ăn uống khi điều trị xạ trị nên chia làm nhiều bữa nhỏ

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày sẽ giúp hệ tiêu hoá làm việc dễ dàng và hiệu quả hơn, khi người bệnh phải chịu các tác dụng phụ do quá trình xạ trị. Thay vì 3 bữa lớn, bạn có thể ăn 8 – 10 bữa nhỏ hàng ngày. Mỗi bữa cần đảm bảo năng lượng, chất đạm, đường bột và chất béo tốt.

5. Uống nhiều chất lỏng

Cung cấp đủ độ ẩm cho cơ thể cũng góp phần giúp bạn duy trì sức khỏe trong quá trình xạ trị, đặc biệt đối với những ai gặp phải tình trạng tiêu chảy. Mỗi ngày, bạn nên hấp thụ khoảng 1.5 – 2 lít nước. Hãy luôn giữ một chai nước lọc ở bên cạnh và uống thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng có thể hấp thụ nước thông qua các món ăn như súp, canh, bún, phở nước,…

Người đang xạ trị ung thư không nên ăn gì?

Người xạ trị ung thư nên tuân thủ một chế độ ăn uống cân đối và đa dạng nhằm hỗ trợ sức khỏe và quá trình phục hồi. Trong đó, một số thực phẩm bạn cần tránh bao gồm:

1. Thực phẩm nặng mùi

Một trong những tác dụng phụ của xạ trị là nôn và buồn nôn. Lúc này, bệnh nhân sẽ đặc biệt nhạy cảm với thực phẩm nặng mùi như sầu riêng, tỏi, mù tạt, mắm tôm,… Việc ngửi và tiếp xúc với chúng sẽ khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, khó chịu và dẫn tới nôn mửa. Vì vậy, trong quá trình xạ trị, bạn nên hạn chế các thực phẩm nặng mùi và thậm chí, hạn chế tạo mùi cho các món ăn. Để tránh mùi gây khó chịu, người bệnh cũng có thể sử dụng khi món đã nguội bớt.

2. Thực phẩm khô, cứng

Khi xạ trị ở vùng cổ, đầu hoặc ngực, bệnh nhân thường dễ gặp tình trạng khô miệng, khó nuốt, đau khi nuốt. Lúc này, thực phẩm khô, cứng chính là “kẻ thù số một” khiến bạn không thể hấp thụ tối ưu dưỡng chất, lâu dần dẫn tới chán ăn. Thay vào đó, người bệnh nên ưu tiên các món ăn dễ ăn và dễ tiêu như bún, miến, phở, súp, cháo,…

3. Thực phẩm có cồn và chất kích thích

Trong quá trình xạ trị và điều trị ung thư nói chung, người bệnh cần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm có cồn và chất kích thích. Bởi lẽ, đây chính là tác nhân hàng đầu làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý của bạn. Cụ thể, cồn hay ethanol trong rượu bia có khả năng phân tách thành acetaldehyde – hợp chất làm hỏng DNA và cản trở các tế bào phục hồi. Vì vậy, để quá trình xạ trị đạt hiệu quả, rượu bia và các chất kích thức nên được tuyệt đối tránh xa.

Người đang xạ trị ung thư không nên ăn gì?

Người bệnh sau xạ trị ung thư tuyệt đối không nên tiêu thụ rượu bia

4. Thực phẩm cay nóng

Thực phẩm cay nóng có khả năng kích thích niêm mạc miệng, dạ dày và ruột, từ đó dễ gây các triệu chứng rối loạn tiêu hoá như trào ngược thực quản, ợ chua, táo bón hay loét miệng. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những tác dụng của quá trình xạ trị tới hệ tiêu hoá, khiến người bệnh khó chịu, chán ăn,…

5. Thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp thường không có giá trị dinh dưỡng cao, lại chứa nhiều chất bảo quản và gia vị có hại sức khỏe. Ngoài ra, những sản phẩm này cũng có hàm lượng dầu lớn – một trong những tác nhân hàng đầu gây khó tiêu, đầy bụng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, thực đơn cho người xạ trị nên ưu tiên các loại thực phẩm tươi và sử dụng trong ngày.

6. Nước ngọt có ga

Bệnh nhân ung thư nên hạn chế uống các loại đồ uống có ga trong thời gian xạ trị, bởi những loại nước này sở hữu hàm lượng đường và các chất phụ gia khá cao, trong khí giá trị dinh dưỡng đem lại tương đối thấp. Để đảm bảo hấp thụ đủ nước và dưỡng chất trong ngày, bạn nên lựa chọn các loại nước ép từ rau củ quả tươi như nước cam, nước dưa hấu, nước ép cần tây, nước ép rau má,…

Ăn gì để giảm tác dụng phụ của xạ trị?

Trong nhiều trường hợp, thực đơn đã đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng, song người bệnh vẫn không thể ăn được do ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ. Vậy đâu là những món ăn cụ thể giúp giảm các tác dụng này? Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể tham khảo:

1. Chán ăn

Để tạo cảm giác ngon miệng, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và ăn các loại thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, trứng, các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan,…), các loại hạt (hạt điều, hạt chia, hạt lanh, hạt hạnh nhân,…) Ngoài ra, nếu bạn không gặp phải tình trạng buồn nôn và nôn, hãy thử tăng thêm hương vị cho món ăn hấp dẫn hơn.

2. Buồn nôn và nôn

Đối với hiện tượng buồn nôn và nôn, bệnh nhân nên ăn các món ăn ít gia vị như bánh mì sandwich, bánh quy mềm, mì sợi, cơm,…, đồng thời bổ sung thêm protein từ các loại hạt, đậu như đậu nành, đậu đen, đậu Hà Lan, hạt điều,… và chất xơ từ các loại rau củ quả như rau muống, rau dền, chuối, táo, lê,…

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đảm bảo hấp thụ đủ nước, bởi cung cấp độ ẩm cho cơ thể sẽ làm giảm cảm giác buồn nôn. Bạn hãy lựa chọn nước lọc hay nước ép từ hoa quả tươi thay vì các loại nước ngọt có ga; đồng thời, uống nước giữa các bữa ăn thay vì vừa ăn vừa uống để tránh làm gián đoạn quá trình tiêu hoá.

củ quả tươi như nước cam, nước dưa hấu, nước ép cần tây, nước ép rau má,... Ăn gì để giảm tác dụng phụ của xạ trị?

Sau xạ trị, người bệnh nên ăn những món mềm, chứa nhiều nước và chất xơ

3. Đau miệng/cổ họng

Lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này là các món ăn mềm, ẩm và dễ nuốt như súp, cháo, mì nước, rau luộc, cơm nấu mềm, trái cây chín,… Người bệnh cần hạn chế các loại rau sống, trái cây xanh và các món ăn cứng như khoai tây chiên, bánh quy, bánh mì nướng giòn,… Đồng thời, thức ăn nhiều gia vị (mặn, cay, hoặc chua) đều cần được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn cho người xạ trị.

4. Khô miệng

Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp người bệnh hạn chế tình trạng khô miệng trong quá trình xạ trị. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ưu tiên các món ăn dạng nước hoặc có nước sốt như súp, cháo, canh rau, đậu sốt cà chua, mỳ Ý,… Ngoài ra, một cách mà bạn có thể thực hiện để khắc phục tình trạng khô miệng là nhai kẹo cao su không đường. Các loại kẹo này có bị ngọt tự nhiên, không gây hại cho răng, sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt trong miệng khi nhai.

5. Hương vị và mùi thay đổi

Sau xạ trị, bệnh nhân có thể gặp nhiều tình trạng khác nhau. Nếu bạn trở nên nhạy cảm với mùi và hương vị các món ăn, hãy hạn chế thêm gia vị và ưu tiên ăn các món ở nhiệt độ phòng. Mặt khác, nếu cảm nhận được vị mặn hoặc đắng trong miệng, bạn nên thêm mật ong, mứt khi chế biến hoặc ăn kèm với các món ăn khác. Tương tự, bệnh nhân có thể tăng một ít vị mặn hoặc chua của thực phẩm nếu cảm thấy quá ngọt. Tuy nhiên, cách này có thể ảnh hưởng tới tình trạng đau miệng và cổ họng, nên bạn cần hết sức lưu ý trước khi thực hiện.

6. Đầy hơi

Trong trường hợp này, người bệnh cần tránh các thực phẩm gây đầy hơi như đậu, lạc, hành, tỏi, cải, cà rốt, cà chua, cà phê, các loại bia, soda và các loại đồ uống có ga. Thay vào đó, hãy tăng cường chất xơ từ các loại rau củ quả như rau muống, rau dền, bông cải xanh, cải bó xôi, nấm, táo, dâu, nho, chuối, lê,… Đặc biệt, bên cạnh chất xơ, rau xanh và hoa quả cũng chứa vitamin C và các chất kháng viêm (zingibain trong gừng hoặc anethole, fenchone và estragole trong rau thì là,…), có khả năng giúp giảm thiểu tình trạng đầy hơi ở người xạ trị.

7. Táo bón

Người bệnh nên tăng cường hấp thụ chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và hạt. Bởi lẽ, chất xơ sẽ giúp kích thích chuyển động ruột, làm mềm phần, từ đó giảm táo bón. Một số loại thực phẩm giúp người xạ trị khắc phục tình trạng này bao gồm lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, lạc, hạt lanh, hạt chia, táo, lê, cam, dứa, chuối,… Bên cạnh đó, duy trì độ ẩm cho cơ thể bằng cách uống đủ nước cũng hỗ trợ quá trình tiêu hoá và bài tiết, tránh táo bón.

Ăn gì để giảm tác dụng phụ của xạ trị?, rau củ quả

Trái cây là nguồn cung cấp chất xơ không thể thiếu trong thực đơn cho người xạ trị ung thư

8. Tiêu chảy

Gừng, nghệ và bạc hà có tác dụng ngăn chặn các vi khuẩn độc hại gây tiêu chảy và hạn chế chất lỏng tích tụ trong ruột. Vì vậy, đây là các thực phẩm tốt giúp người bệnh tránh tình trạng tiêu chảy do xạ trị. Ngoài ra, tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và mất chất điện giải. Do đó, bên cạnh việc bổ sung đầy đủ nước, người bệnh cũng cần ăn các loại thực phẩm giàu chất khoáng như chuối, cam, nước dừa, nước ép trái cây nhằm phục hồi cân bằng khoáng chất cho cơ thể.

9. Mệt mỏi

Đối với tình trạng mệt mỏi do xạ trị, người bệnh cần bổ sung thực phẩm giàu năng lượng như thịt gà, cá, trứng, hạt, đậu và ngũ cốc. Bên cạnh đó, khi mắc ung thư, các khối u ác tính cũng tác động đến tủy xương, làm giảm khả năng sản sinh tế bào máu mới, dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi ở người bệnh. Vì vậy, bạn cũng nên tăng cường hấp thụ sắt từ thịt đỏ, gan, hạt hướng dương, các loại đậu để khắc phục tình trạng mệt mỏi.

Mẹo giúp ăn uống đủ năng lượng và dinh dưỡng khi xạ trị

Người bệnh ung thư luôn cần đảm hấp thụ đủ calo và dinh dưỡng. Song, những tác dụng phụ trong quá trình xạ trị có thể khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn ăn uống dễ dàng mà vẫn đảm bảo đủ hàm lượng calo và dinh dưỡng cần thiết:

  • Nhai chậm: Song song với việc chia nhỏ bữa ăn, người bệnh cũng cần học cách nhai chậm trong mỗi bữa. Cách ăn này sẽ giúp thức ăn được nghiền nhuyễn và tiêu hoá hiệu quả, đồng thời, kích thích tiết nước bọt, khắc phục tình trạng khô miệng;
  • Đa dạng món ăn và đa dạng dưỡng chất: Bạn nên thử các món ăn mới và đa dạng thực đơn để tránh cảm giác nhàm chán. Đặc biệt, với mỗi món ăn trong thực đơn hàng ngày, hãy kết hợp với nhiều đồ ăn kèm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng. Ví dụ, bạn có thể ăn cháo yến mạch cùng với trái việt quất, bánh mì sandwich ăn kèm với mứt dâu,…;
  • Lựa chọn các thức uống giàu calo và lành mạnh: Duy trì độ ẩm cho cơ thể sẽ giúp ổn định và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Bên cạnh uống nước lọc, người bệnh nên kết hợp lựa chọn các thức uống lành mạnh và giàu calo như sữa đậu nành, sữa hạt điều, sữa hạt sen, sữa bí đỏ,… để đồng thời hấp thụ đủ năng lượng và dinh dưỡng;
  • Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè: Ngoài nỗ lực đa dạng thực đơn và ăn uống khoa học, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể tạo cảm hứng, giúp người bệnh tận hưởng các bữa ăn một cách ngon miệng, vui vẻ, giảm cảm giác chán ăn và hỗ trợ quá trình tiêu hoá.
Mẹo giúp ăn uống đủ năng lượng và dinh dưỡng khi xạ trị

Nhai chậm giúp người bệnh hấp thụ dưỡng chất tốt hơn

Công thức món ăn cho bệnh nhân xạ trị

Dưới đây là một vài công thức món ăn bạn có thể tham khảo để xây dựng thực đơn dành cho người xạ trị:

1. Sinh tố chuối và yến mạch

Nguyên liệu: 21 g yến mạch, 1 quả chuối đông lạnh, 240 ml sữa hạnh nhân không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo, 2 g bột quế, 5 g protein hương vani.

Cách làm:

  • Bước 1: Chuối cắt khúc nhỏ;
  • Bước 2: Cho hết các nguyên liệu, gồm yến mạch, chuối đã cắt khúc nhỏ, sữa, bột quế, protein hương vani;
  • Bước 3: Nhấn nút khởi động để xay thật nhuyễn hỗn hợp, sau đó đổ ra cốc và thưởng thức.

2. Sinh tố nho và việt quất

Nguyên liệu: 120 g việt quất, 150 g nho không hạt, 5 g bột protein hương vani, 180 ml sữa hạnh nhân không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo, 5 ml dầu hạt lanh.

Cách làm:

  • Bước 1: Rửa sạch việt quất và nho rồi để ráo;
  • Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay sinh tố, gồm việt quất, nho không hạt, bột protein hương vani, sữa, dầu hạt lanh;
  • Bước 3: Xay nhuyễn và đổ ra cốc để thưởng thức.

3. Sinh tố chuối, bơ đậu phộng và sữa đậu nành

Nguyên liệu: 1 quả chuối đông lạnh, 2 g bơ đậu phộng, 200 ml sữa đậu nành.

Cách làm:

  • Bước 1: Lột vỏ và cắt chuối thành các khúc nhỏ;
  • Bước 2: Cho chuối đã cắt vào cối xay, thêm bơ đậu phộng và sữa đậu nành;
  • Bước 3: Xay cho các nguyên liệu thật nhuyễn, sánh mịn.

4. Sinh tố chuối, ca cao

Nguyên liệu: 1 quả chuối chín đông lạnh, 5 g cà phê bột cacao, 2 g bơ đậu phộng, 250 ml sữa hạnh nhân không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo.

Cách làm:

  • Bước 1: Chuối lột vỏ và cắt khúc;
  • Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay sinh tố, gồm chuối, bột cacao, bơ đậu phộng, sữa;
  • Bước 3: Xay cho đến khi thấy hỗn hợp nhuyễn mịn rồi đổ ra cốc và thưởng thức.

5. Súp gà ngô non

Nguyên liệu: 300 g ức gà, 1 bắp ngô, 100 g đậu cove, 1 củ cà rốt, 100 g nấm hương, 1 quả trứng gà, 5 g bột năng, tiêu, bột nêm, hành lá, rau thơm.

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc gà, sau đó xé nhỏ;
  • Bước 2: Rửa ngô, đậu cove, cà rốt, nấm hương và để ráo. Ngô tẽ hạt. Nấm hương và cà rốt thái hạt lựu;
  • Bước 3: Đun phần nước luộc gà. Nêm nếm thêm bột nêm, rồi đổ thịt gà, nấm, ngô, cà rốt vào nấu cho sôi;
  • Bước 4: Hoà bột năng vào 20 ml nước và đổ vào nồi súp. Khuấy đến khi súp đặc lại;
  • Bước 5: Đổ súp ra bát, thêm ít rau thơm và tiêu và thưởng thức.
thực đơn cho người xạ trị, Súp gà ngô non

Súp gà ngô non cung cấp nhiều đạm và vitamin A tốt cho người bệnh

6. Súp bí đỏ thịt bò

Nguyên liệu: 300 g bí đỏ 300, 150 g thịt bò, 1/2 củ hành tây, 1 g tỏi băm, 3 g bơ thực vật, 5 ml dầu ăn, 50 ml sữa tươi không đường, 5 g bột năng, muối/ hạt nêm.

Cách làm:

  • Bước 1: Bí đỏ cắt thành các miếng vừa ăn. Thịt bò xát muối xung quanh và rửa lại với nước sạch, để ráo, sau đó, băm nhỏ. Hành tây lột vỏ và cắt hạt lựu;
  • Bước 2: Ướp thịt bò cùng 2 ml dầu ăn và 2 g hạt nêm trong khoảng 10 phút; cho thịt thấm đều gia vị;
  • Bước 3: Bắc nồi lên bếp, phi thơm tỏi với 3 ml dầu ăn và 3 g bơ thực vật. Khi tỏi vàng thơm, cho hành tây vào. Đảo đều tay thêm 2 phút nữa thì cho thịt bò vào, xào đều khoảng 4 phút cho thịt bò săn lại;
  • Bước 4: Khi thịt bò săn lại, cho vào nồi bí đỏ đã cắt nhỏ và khoảng 300ml nước. Sau đó, nấu với lửa nhỏ khoảng 15 phút cho bí đỏ mềm thì nêm thêm 3 g hạt nêm;
  • Bước 5: Hoà bột năng với 20 ml nước và đổ vào nồi súp. Sau đó, khuấy cho đến khi súp đặc.

7. Súp tôm rau củ

Nguyên liệu: 200 g tôm, 650 g ngô tách hạt, 100 g hành tím, 100 g nấm rơm, ngò rí, hành lá, 2 quả trứng gà, 15 quả trứng cút, 50 g bột bắp, hạt nêm, đường, tiêu.

Cách làm:

  • Bước 1: Tôm rửa sạch, bỏ vỏ và chỉ lưng, rồi cắt nhỏ và ướp với hạt nên và tiêu. Hành lá và ngò rí rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm rơm rửa sạch, thái lát. Hành tím lột vỏ rửa sạch, chia làm 2 nửa, một nửa băm nhuyễn, một nửa cắt lát mỏng;
  • Bước 2: Trứng cút rửa sạch, cho vào trong nồi nước, luộc cho đến khi trứng chín thì lột vỏ;
  • Bước 3: Bắc chảo lên bếp, phi phần hành tím băm với dầu ăn cho vàng thơm. Sau đó, cho nấm rơm và tôm vào, đảo đều đến khi tôm săn lại thì tắt bếp;
  • Bước 4: Cho 200 ml nước vào nồi khác và đun sôi. Bỏ phần hạt và cùi bắp vào nồi nước, đun ở lửa vừa. Sau đó vớt phần cùi bắp ra, cho phần tôm và nấm đã xào vào, tiếp tục nấu cho nước sôi lên lại, nấu thêm 5 phút nữa thì nêm nếm với gia vị cho vừa ăn;
  • Bước 5: Hoà bột năng với 20 ml nước và đổ vào nồi súp sau đó khuấy đều cho đến khi súp đặc.
thực đơn cho người xạ trị, Súp tôm rau củ

Súp tôm rau củ cung cấp nhiều chất xơ, đạm, vitamin và omega-3

8. Cháo gà hạt sen đậu xanh

Nguyên liệu: 200 g đùi gà, 100 g gạo tẻ, 100 g hạt sen, 50 g đậu xanh, 1/4 củ cà rốt, 4 củ hành tím, rau mùi, hành lá, 10 ml dầu ăn, muối, hạt nêm.

Cách làm:

  • Bước 1: Thịt gà chà xát với muối, sau đó rửa kỹ lại với nước và để ráo. Tách da gà và luộc với nước sôi ở lửa lớn khoảng 15 phút. Khi gà chín hoàn toàn thì tách thịt, bỏ xương;
  • Bước 2: Bắc nồi nước lên bếp, đun phần nước luộc gà cùng gạo tẻ và đậu xanh, ninh nhừ khoảng 15 phút đến khi cháo nở bông;
  • Bước 3: Cho hạt sen, cà rốt vào nồi ninh thêm 15 phút, nêm đường, hạt nêm vào, đảo đều và nấu sôi khoảng 5 phút nữa. Cuối cùng, thêm thịt gà đã xé và hành lá lên trên.

9. Cháo cá hồi khoai tây

Nguyên liệu: 50 g cá hồi, 25 g bí đỏ, 25 g khoai tây, 150 g gạo tẻ, 2 củ hành củ, sữa tươi không đường, 2 ml dầu ăn, bột canh, hạt nêm,…

Cách làm:

  • Bước 1: Cá hồi rửa sạch bằng nước muối rồi tráng lại bằng nước cho sạch. Sau đó, ngâm cá hồi sữa tươi không đường khoảng 15 – 20 phút để cá hồi mất đi vị tanh. Cuối cùng, rửa lại cá hồi với nước, vớt cá ra cho ráo nước và thái nhỏ;
  • Bước 2: Gạo vo sạch cho vào nồi rồi đổ nước theo tỉ lệ là 1 gạo và 5 nước. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch và bằm nhuyễn. Cà rốt và khoai tây cạo sạch vỏ, rửa sạch và cắt hạt lựu;
  • Bước 3: Cho dầu vào chảo đợi dầu nóng cho hành củ vào phi thơm, đợi chảo nóng hành đã lên màu bạn cho cá vào xào chín. Sau đó, nêm nếm thêm muối cho vừa ăn;
  • Bước 4: Cà rốt và khoai tây luộc bằng nước cho sôi hoặc có thể hấp. Sau khi chín thì nghiền cho nhuyễn;
  • Bước 5: Gạo vo sạch cho vào nồi ninh nhừ. Khuấy đều để cháo không bị dính nồi;
  • Bước 6: Khi cháo chín, bạn cho toàn bộ hỗn hợp cá hồi, khoai tây và cà rốt và trộn cùng với cháo. Sau đó, nêm nếm cho vừa khẩu vị rồi đun khoảng 3 – 5 phút thì tắt bếp.

10. Cháo đậu hũ rau ngót

Nguyên liệu: 150 g gạo tẻ, 50g đậu phụ, 30 g rau ngót, 450 ml nước.

Cách làm:

  • Bước 1: Cho 450 ml nước lọc vào nồi, thêm 150 g gạo và ninh nhừ khoảng 15 – 20 phút để cháo nhừ. Khi cháo nhừ, tắt bếp và đậy vung khoảng 5 -10 phút để cháo có thời gian ngấm thêm nước;
  • Bước 2: Bật bếp, mở vung và tiếp tục khuấy đều đun sôi cháo, cháo sẽ nhừ nhuyễn và sánh hơn;
  • Bước 3: Đậu phụ tán nhuyễn. Rau ngót nhặt lấy phần lá, rửa sạch và rồi cho vào máy xay xay nhỏ;
  • Bước 4: Cho lần lượt cho đậu phụ và rau ngót đã xay vào khuấy đều. Nấu sôi bùng lên để rau chín, sau đó tắt bếp.
thực đơn cho người xạ trị, Cháo đậu hũ rau ngót

Cháo đậu hũ rau ngót giàu canxi, sắt và vitamin nhóm B

Gợi ý thực đơn cho người xạ trị ung thư

Dưới đây là một gợi ý về thực đơn cho người xạ trị ung thư. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng mỗi người có nhu cầu dinh dưỡng riêng. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân:

Bữa sáng

(7h00)

Bữa phụ 1

(9h00)

Bữa trưa

(11h00)

Bữa phụ 2
(14h00)
Bữa tối

(17h00)

Bữa phụ 3

(20h00)

Món ăn 4 lát bánh mì sandwich nâu + 2 quả trứng luộc + 150ml nước ép cam

 

200ml sữa đậu nành 1.5 chén cơm gạo lứt + 100g cá áp chảo dầu ô-liu (cá mòi/cá hồi/cá thu/cá ngừ) + 1/2 chén canh cải bó xôi 150g salad rau củ –      200 g cháo yến mạch

–      250 g rau củ hấp thập cẩm (súp lơ xanh + bí đỏ + cà rốt)

–      100 g đu đủ chín mềm

–      200 ml sữa công thức / sữa bò tiệt trùng tách béo
Cơ cấu khẩu phần
  • Năng lượng: 1580 kcal
  • Đạm: 65 g
  • Đường bột: 285 g
  • Béo: 20 g

Mục tiêu dinh dưỡng sau xạ trị ung thư là gì?

Mục tiêu dinh dưỡng sau xạ trị ung thư là giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, duy trì cân nặng và ngăn ngừa ung thư tái phát. Để thực hiện mục tiêu này, chế độ ăn cần phải chứa đầy đủ năng lượng, đạm, đường, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất bằng cách bổ sung:

  • Nguồn đạm chất lượng cao: Thủy hải sản, cá béo, trứng, sữa, nạc gia cầm bỏ da và các loại đậu;
  • Nguồn đường bột, chất xơ, vitamin & khoáng chất: Rau lá xanh, các loại khoai, củ, hạt, đậu, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt;
  • Nguồn chất béo lành mạnh: Quả bơ, mỡ cá béo, bơ thực vật, dầu các loại đậu và hạt.

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thức ăn chứa nhiều chất béo xấu (mỡ gia súc, gia cầm, chất béo công nghiệp), quá ngọt hoặc quá mặn.

Địa chỉ thiết kế thực đơn cho người xạ trị ung thư

Xây dựng thực đơn cho người xạ trị ung thư là một quá trình dài đòi đòi sự tìm hiểu và cân bằng giữa các dưỡng chất. Theo đó, các món ăn hàng ngày cho người xạ trị cần cung cấp đủ dưỡng chất cho người bệnh, đồng thời, tạo điều kiện để quá trình xạ trị đạt hiệu quả và thúc đẩy cơ thể phục hồi nhanh chóng.

Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng đúng cách, bạn hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn về dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư và người xạ trị.

Tại đây, bạn sẽ được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn chi tiết về mức độ thiếu hụt vi chất so với nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Từ đó, các chuyên gia sẽ giúp bạn xây dựng một thực đơn ăn uống phù hợp với thể trạng và tình hình bệnh lý, giúp bạn điều trị và phục hồi hiệu quả.

Thiết kế thực đơn cho người xạ trị

Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome là địa chỉ tư vấn thực đơn dinh dưỡng uy tín dành cho bạn

Trên đây là những thông tin cơ bản về thực đơn cho người xạ trị giúp quá trình điều trị và hồi phục đạt hiệu quả cao. Hy vọng, bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức để xây dựng một chế độ ăn phù hợp và khoa học.

Thực đơn cho người xạ trị cần cung cấp đảm bảo đáp ứng đầy đủ dưỡng chất có lợi và giải quyết các tác dụng phụ mà xạ trị gây ra. Cám ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình xây dựng thực đơn cho người xạ trị, hãy liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)
21:27 13/08/2023