Người bị ung thư kiêng ăn gì: 13 nhóm thực phẩm cần tránh

12/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư kiêng ăn gì là một trong những câu hỏi cần bạn trả lời khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng chi tiết cho người bệnh. Bởi lẽ, tình trạng bệnh lý và quá trình điều trị thường khiến bệnh nhân suy nhược thể chất nghiêm trọng. Lúc này, việc ăn uống không đúng cách có thể khiến bệnh nhân chậm hồi phục và tăng nguy cơ tái phát ung thư. Vậy, người bệnh ung thư không nên ăn gì trong suốt quá trình điều trị bệnh? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết sau.

Người bị ung thư kiêng ăn gì: 13 nhóm thực phẩm cần tránh

Người bệnh ung thư kiêng ăn gì để nhanh chóng hồi phục?

Tại sao người bệnh ung thư cần kiêng một số thực phẩm?

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư cần kiêng một số thực phẩm nhất định để làm giảm tác động của các triệu chứng bệnh lý, giảm tác dụng phụ sau khi điều trị, hỗ trợ điều trị bệnh và ngăn ngừa ung thư tiến triển, tái phát hoặc di căn. Cụ thể:

  • Hỗ trợ điều trị bệnh: Việc kiêng những món ăn có hại sẽ giúp đảm bảo quá trình điều trị được tiến hành một cách hiệu quả và an toàn. Ví dụ, kiêng ăn thực phẩm giàu i-ốt có thể làm tăng hiệu quả xạ trị ung thư tuyến giáp; kiêng hút thuốc có thể hỗ trợ quá trình điều trị ung thư phổi diễn ra hiệu quả hơn.
  • Giảm tác dụng phụ và triệu chứng bệnh lý: Song song với quá trình điều trị, sức khoẻ của người bệnh có thể suy giảm. Lúc này, nếu hấp thụ thực phẩm không tốt có sức khoẻ như thức ăn dầu mỡ, nhiều gia vị, đồ uống có cồn, bệnh nhân sẽ rất dễ gặp phải tình trạng khó tiêu, thậm chí là nôn, tiêu chảy, ảnh hưởng tới thể trạng;
  • Giảm nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh: Một số thực phẩm chứa quá nhiều muối, đường và chứa chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ tái phát hoặc di căn tế bào ung thư bằng cách kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể. Vì vậy, loại bỏ những thực phẩm kém lành mạnh ra khỏi thực đơn sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm kể trên.

Ung thư kiêng ăn gì?

Trên thực tế, việc quyết định người bị ung thư kiêng ăn gì thường phụ thuộc vào đặc điểm bệnh lý, thể trạng và tính chất của từng nhóm thực phẩm cụ thể. Do đó, nhìn chung, thực đơn cho bệnh nhân ung thư thường không có mẫu số chung. Mỗi ca bệnh ung thư cần được xem xét kỹ nhiều yếu tố để quyết định đâu là thực phẩm nên tránh. Cụ thể:

1. Kiêng theo loại bệnh ung thư

Hiện nay, y học đã xác định được hơn 100 loại ung thư ở con người. Mỗi loại lại có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Vì vậy, việc ăn hay kiêng gì cũng phụ thuộc vào loại bệnh mà bạn mắc phải. Ví dụ:

  • Người bệnh ung thư tuyến giáp trước xạ trị cần kiêng ăn thực phẩm giàu i-ốt;
  • Người bệnh ung thư gan cần kiêng tuyệt đối rượu bia;
  • Người bệnh ung thư hệ tiêu hóa cần tránh ăn thực phẩm chua, cay hoặc có kết cấu cứng.

Tóm lại, trong mọi tình huống, cách tốt nhất để quyết định người bị ung thư kiêng ăn gì là cần tuân theo mọi tư vấn và chỉ định từ bác sĩ.

Ung thư kiêng ăn gì? Tùy theo loại bệnh ung thư

Mỗi loại bệnh ung thư khác nhau đòi hỏi một kế hoạch kiêng cữ khác nhau

2. Kiêng theo thể trạng người bệnh

Mỗi người đều sở hữu một thể trạng riêng. Do đó, tác động của ung thư tới cơ thể cũng khác nhau. Vì vậy, khi quyết định người ung thư kiêng ăn gì, bạn cần xem xét yếu tố thể trạng của bệnh nhân:

  • Đối với người bệnh có thể trạng yếu: Kiêng các món ăn dầu mỡ, đậm đà nhiều gia vị để tránh tình trạng khó tiêu, khiến cơ thể khó chịu, tình trạng bệnh lý thêm trầm trọng;
  • Đối với người thể hàn (dáng người gầy, sợ lạnh): Người bệnh thể hàn nên tránh ăn các thực phẩm sống, lạnh như trái cây và thức uống đông lạnh, cũng như các loại hải sản có tính hàn. Bởi lẽ, những thực phẩm này sẽ gây lạnh bụng, tiêu hoá kém, dẫn đến tiêu chảy, ảnh hưởng tới sức khoẻ bệnh nhân;
  • Đối với người thể nhiệt (dáng người đầy đặn, sợ nóng): Trái ngược với người thể hàn, người thể nhiệt nên kiêng các món ăn cay nóng, có tính kích thích như gừng, hành, tỏi, ớt, rượu, các món hun nướng, thịt dê,. để tránh gây kích ứng hệ tiêu hóa, viêm loét dạ dày và phát ban;
  • Đối với người bệnh có thể trạng cường tráng: Nhóm thể trạng này nên kiêng thực phẩm có hàm lượng mỡ cao để tránh gây tăng cân, nóng trong người và làm nặng thêm các triệu chứng nhiệt miệng sau hóa trị và xạ trị.

3. Kiêng theo giai đoạn của bệnh

Những giai đoạn bệnh lý khác nhau có thể đòi hỏi các quy tắc ăn uống khác nhau để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và hỗ trợ tối đa quá trình điều trị. Cụ thể:

  • Trước khi điều trị: Mục tiêu chính ở giai đoạn này là duy trì hoặc tăng cân, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng trước khi bắt đầu điều trị. Theo đó, bạn nên:
    • Tăng cường lượng protein và calo trong chế độ ăn để giữ cơ thể khỏe mạnh;
    • Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo xấu, đường và muối;
    • Tránh thức ăn không được chế biến đúng cách để tránh nhiễm khuẩn.
  • Trong khi điều trị: Mục tiêu chính là giữ cho cân nặng ổn định, giữ cơ thể được nuôi dưỡng và giúp cơ thể phục hồi sau mỗi liệu pháp. Nhu cầu dinh dưỡng có thể tăng lên do cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để chiến đấu chống lại bệnh tật và hồi phục từ điều trị. Ở giai đoạn này, bạn nên tập trung vào việc ăn đủ protein, vitamin, và khoáng chất. Đồng thời hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, nước ngọt có ga.;
  • Sau khi điều trị: Mục tiêu ở giai đoạn này là hồi phục sức khỏe, tiếp tục duy trì cân nặng ổn định và ngăn ngừa tái phát bệnh. Bạn nên tiếp tục chế độ ăn nhiều protein, các loại rau xanh, trái cây, hạt, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, muối và từ bỏ rượu bia, hút thuốc.

Trên đây chỉ là một số lời khuyên chung, và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Điều quan trọng nhất là bạn cần thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp để tư vấn dựa trên tình trạng sức khỏe và nhu cầu cụ thể.

bị ung thư kiêng ăn gì, tùy theo giai đoạn bệnh

Trước, trong và sau điều trị, người bệnh ung thư cần kiêng cữ theo chỉ định của bác sĩ

4. Kiêng tùy món

Ngoài những món ăn kiêng theo giai đoạn, loại bệnh,… một số thực phẩm không tốt cho sức khoẻ nên được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn cho người ung thư. Thức ăn chế biến sẵn, đồ uống có cồn/ ga, thực phẩm quá hạn sử dụng… về cơ bản không tốt cho cả người khoẻ mạnh. Vì vậy, nếu hấp thụ những loại thực phẩm này, thể trạng người bệnh ung thư rất dễ bị tổn thương và ảnh hưởng.

Ung thư không nên ăn gì?

Người bệnh ung thư nên kiêng hoặc hạn chế các loại thực phẩm sau: món ăn chiên rán, chế biến sẵn; thức ăn cứng, chua, cay, khó tiêu hóa; thức ăn chứa nhiều cồn, gia vị, muối, đường, chất béo bão hòa, nấm mốc; thức ăn lên men, tái sống, chưa được tiệt trùng, ủ muối để qua đêm hoặc tẩm ướp thêm đường. Cụ thể:

1. Đồ nướng, đồ cháy không tốt cho bệnh nhân ung thư

Các loại thịt khi được nướng trực tiếp với lửa than ở nhiệt độ trên 200°C có khả năng phát sinh ra các hợp chất amin dị vòng và các hydrocacbon thơm đa vòng. Theo Bộ Y tế, các hợp chất này khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ phát triển và tái phát ung thư. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế ăn các món nướng, đặc biệt là các thực phẩm nướng cháy.

Nếu muốn ăn các món ăn này, bạn nên lưu ý:

  • Không nướng trực tiếp thực phẩm trên lửa/ bề mặt kim loại: Việc nướng thịt trực tiếp trên lửa hoặc bề mặt kim loại sẽ tạo cơ hội để các hợp chất nói trên được sản sinh. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng nồi chiên không dầu và trải một lớp giấy nến (giấy bạc) để đảm bảo thịt không tiếp xúc trực tiếp với vỉ nướng kim loại;
  • Không ăn phần thịt bị cháy đen: Phần thịt cháy đen do các hydrocacbon thơm đa vòng tiếp xúc với bề mặt thịt tạo thành. Vì vậy, người bệnh ung thư nên gạt sạch phần thịt này trước khi ăn; đồng thời, chú ý lau sạch nồi sau mỗi lần nướng, tránh để vụn thịt cháy bám vào bề mặt nồi.

2. Ung thư kiêng ăn thực phẩm hun khói

Thực phẩm hun khói chứa benzopyrene – một trong những hợp chất đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư cho con người. Vì vậy, việc hấp thụ các loại thức ăn này, đối với bệnh nhân ung thư, sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển và tái phát của bệnh, cản trở quá trình điều trị.

3. Ung thư không nên ăn thực phẩm chiên, rán

Thực phẩm chiên rán thường chứa hàm lượng lớn chất béo không lành mạnh, đặc biệt là chất béo chuyển hóa. Theo nghiên cứu, việc hấp thụ nhiều loại chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư. Ngoài ra, thức ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao cũng sản sinh ra acrylamide – một hợp chất được chứng minh là có khả năng thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Vì vậy, đồ ăn chiên rán cần được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

Ung thư không nên ăn thực phẩm chiên, rán

Thực phẩm chiên rán là kẻ thù số một của người bệnh ung thư

4. Bệnh ung thư kiêng ăn thực phẩm bị nấm mốc

Thực phẩm quá hạn sử dụng, có dấu hiệu nấm mốc thường chứa nhiều aflatoxin và mycotoxin, hai loại độc tố có thể gây hại cho gan và hệ tiêu hoá. Mặt khác, thực phẩm chứa nhiều nấm mốc thường còn tiềm ẩn nguy cơ chứa thêm cả vi khuẩn Salmonella hoặc E. coli, hai loại khuẩn phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, buồn nôn và nhiễm trùng máu. Do đó, bệnh nhân ung thư, người vốn có hệ miễn dịch suy yếu, càng không nên ăn các loại thực phẩm này để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.

5. Người bệnh ung thư nên kiêng rượu bia

Người bị ung thư kiêng ăn gì Chắc chắn, rượu bia và thức uống có cồn sẽ đứng đầu danh sách các thực phẩm cần loại bỏ đối với bệnh nhân ung thư. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, việc tiêu thụ rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát và tái phát các bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư đầu – cổ, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Vì vậy, người bệnh ung thư nên kiêng hoàn toàn rượu bia và thức uống có cồn.

6. Tránh thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường

Tiêu thụ thực phẩm quá ngọt cũng dẫn tới tiểu đường, kháng insulin, đường huyết cao, khiến tình trạng ung thư, tạo điều kiện thuận lợi để tế bào ung thư phát triển, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

7. Tránh ăn các món nhiều gia vị cay nóng

Món ăn nhiều gia vị cay nóng có khả năng kích thích niêm mạc dạ dày, gây ra các hiện tượng ợ nóng, đau dạ dày,… Vì vậy, tiêu thụ các thực phẩm này, người bệnh ung thư rất dễ gặp vấn đề về đường tiêu hoá, dẫn tới chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, gặp khó khăn trong việc hấp thụ dưỡng chất.

8. Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối

Hấp thụ quá nhiều muối ăn làm tăng nguy cơ cao huyết áp, mắc các bệnh lý tim mạch và làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều muối như: thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, hải sản ướp muối phơi khô và các loại rau củ muối chua ủ qua đêm.

9. Ung thư không nên ăn nhiều thịt đỏ

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiêu thụ nhiều hơn 510g thịt đỏ (thịt bò, lợn, dê, cừu,…) mỗi tuần có khả năng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, thịt đỏ thường chứa hàm lượng cao chất béo bão hoà, gây áp lực do hệ tiêu hóa, kích thích viêm và làm tăng nguy cơ tái phát ung thư.

Ung thư không nên ăn nhiều thịt đỏ

Người bệnh ung thư không nên ăn nhiều hơn 510g thịt đỏ mỗi tuần

10. Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp

Thức ăn nhanh được chiên rán ngập dầu thường có nhiều chất béo chuyển hóa; trong khi đó, đồ ăn đóng hộp lại sở hữu nhiều chất phụ gia và chất bảo quản. Các hợp chất này đều có hại cho ruột và gan, khiến bệnh nhân dễ bị đầu bụng, khó chịu, tiêu chảy, táo bón hoặc buồn nôn,…

11. Thực phẩm tái, sống không tốt cho người bệnh ung thư

Thực phẩm tái, sống thường tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ngộ độc thực phẩm vì chứa nhiều vi khuẩn, trong đó bao gồm:

  • Khuẩn Listeria: Gây rối loạn tiêu hoá, viêm màng não, nhiễm trùng tử cung,…
  • Khuẩn Salmonella: Gây sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng,…
  • Khuẩn Norovirus: Gây đau thắt dạ dày, mệt mỏi, đau đầu,….

Tất cả đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh ung thư. Do đó, kiêng ăn thực phẩm tái sống sẽ giúp bạn ngăn ngừa sớm những biến chứng sức khỏe không đáng có.

12. Các sản phẩm sữa, phô mai chưa tiệt trùng

Sữa, phô mai chưa được tiệt trùng thường chứa nhiều Campylobacter, một loại vi khuẩn từ bò cái có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày, hành sốt hoặc thậm chí là tiêu chảy ra máu kèm nôn mửa dữ dội. Đây là loại vi khuẩn vô cùng nguy hiểm đối với các đối tượng có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người bệnh ung thư.

13. Thức ăn cứng

Trong thời gian điều trị bệnh ung thư, bạn có thể gặp tình trạng khô miệng, khó nuốt, nhất là sau thời điểm hóa trị liệu. Vì vậy, các món ăn cứng, giòn sẽ không phải là lựa chọn phù hợp. Không những vậy, khi những món ăn này đi vào cơ thể, hệ tiêu hoá sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý, từ đó dẫn tới hiện tượng đau dạ dày, táo bón, khiến người bệnh khó chịu.

Bệnh ung thư kiêng những gì để tránh nặng hơn?

Bên cạnh một thực đơn khoa học và hợp lý, người bệnh ung thư cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách từ bỏ hoặc hạn chế việc nhịn đói, thức khuya, vận động mạnh, hút thuốc, lạm dụng thuốc và tránh xa các tác nhân gây căng thẳng tâm lý quá mức. Cụ thể:

1. Nhịn ăn, bỏ đói khối u

Nhiều người thường có quan điểm sai lầm rằng việc nhịn ăn, ngừng cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể sẽ cản trở sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi bạn nhịn ăn, các tế bào ung thư vẫn tiếp tục phát triển. Nghiêm trọng hơn, việc ngừng hấp thụ dinh dưỡng thậm chí còn khiến người bệnh nhanh chóng suy nhược và không có đủ sức khoẻ cho quá trình điều trị.

Vì thế, thay vì nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư, bạn cần ưu tiên ăn uống đầy đủ; đồng thời, tăng cường bổ sung nhiều dưỡng chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư, chẳng hạn như: curcumin (trong nghệ), resveratrol (trong nho), EGCG (trong trà xanh), sulforaphane (trong cải bắp, súp sơ),…

Bệnh ung thư kiêng những gì để tránh nặng hơn? nhịn ăn, bỏ đói khối u

Người bệnh ung thư nên ăn uống đa dạng và cân đối thay vì nhịn đói

2. Bồi bổ quá mức

Việc bồi bổ vô tội vạ có thể gây áp lực lên quá trình tiêu hóa, khiến bệnh nhân gặp phải các tình trạng khó tiêu, táo bón, rối loạn tiêu hoá do hấp thụ quá nhiều dưỡng chất. Thậm chí, nếu bồi bổ không đúng cách, người bệnh còn có thể bị béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường – tất cả đều là các tác nhân hàng đầu khiến tình trạng ung thư chuyển biến xấu, đặc biệt là ở những người bệnh ung thư dạ dày, ung thư thực quản, gan và thận.

3. Stress, căng thẳng

Quá trình điều trị ung thư và ảnh hưởng của các tác dụng phụ có thể khiến người bệnh thường xuyên căng thẳng. Theo nghiên cứu, stress có thể tăng tốc độ di căn của tế bào ung thư, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư buồng trứng, vú, ung thư đại trực tràng. Vì vậy, việc duy trì tâm trạng thoải mái và tích cực đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Để cải thiện tâm trạng, bạn nên tích cực kết nối để tìm kiếm sự giúp đỡ và sẻ chia từ bạn bè, gia đình; hoặc cũng có thể thực hành thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc,…

4. Hút thuốc

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư, tạo điều kiện khởi phát các loại ung thư mới hoặc thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, người bệnh nên bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc để giúp các liệu pháp điều trị đạt hiệu quả và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi chữa bệnh.

5. Thức khuya

Khi ngủ sâu giấc, cơ thể sẽ tiết ra các hormone kích thích tăng trưởng và tổng hợp collagen, hỗ trợ tái tạo và sản sinh tế bào mới. Vì vậy, một giấc ngủ sâu và đủ 8 tiếng đều đặn sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng sau quá trình điều trị. Việc thức khuya thường xuyên có thể cản trở quá trình chữa lành tế bào, khiến bạn mệt mỏi, suy nhược.

6. Uống thuốc, thực phẩm chức năng không được bác sĩ kê đơn

Tương tự với bồi bổ quá mức, việc người bệnh tự ý uống thuốc và các thực phẩm chức năng không được bác sĩ kê đơn có thể tạo áp lực cho hệ tiêu hoá, dẫn tới các tình trạng táo bón, rối loạn tiêu hoá, suy giảm chức năng gan,… Ngoài ra, các loại thuốc và thực phẩm chức năng này còn có khả năng ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Do đó, để tránh gặp phải các trường hợp trên, bệnh nhân ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc và thực phẩm chức năng nào, bao gồm cả Đông y, Tây y, thuốc Nam hoặc vitamin tổng hợp.

Ung thư không nên uống thuốc, thực phẩm chức năng không được bác sĩ kê đơn

Trong công tác điều trị ung thư, người bệnh tuyệt đối không nên tiêu thụ dược phẩm chưa được bác sĩ chỉ định

7. Tập luyện, lao động nặng

Người bị ung thư thường có thể trạng yếu do quá trình điều trị và tác động của bệnh lý. Việc tập luyện và lao động nặng có thể tạo áp lực tới cơ thể, gây kiệt sức và mệt mỏi. Đối với người bệnh muốn duy trì thói quen thể dục, bạn có thể dành 30 – 50 phút mỗi ngày cho các bài tập cường độ nhẹ như tập thở, giãn cơ, bài tập thăng bằng, đi bộ,…

8. Tiếp xúc với tia cực tím quá mức

Tiếp xúc với tia cực tím quá mức có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người bệnh ung thư. Bởi lẽ, bức xạ này có thể ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch, kích thích viêm và dẫn tới ung thư da.

Một số lưu ý cho người bị ung thư

Bên cạnh việc trả lời câu hỏi bệnh nhân ung thư kiêng ăn gì, bạn cũng cần ghi nhớ một số nguyên tắc sau khi chăm sóc người bệnh ung thư:

  • Chia nhỏ 8 – 10 bữa một ngày: Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp tình trạng chán ăn, buồn nôn, khó tiêu,… Việc chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân đảm bảo hấp thụ đủ dưỡng chất mà không tạo áp lực khi ăn uống. Lưu ý, khi chia nhỏ bữa ăn, bạn nên tuân thủ theo thực đơn và giờ ăn hàng ngày, không nên để đến khi đói mới ăn;
  • Ưu tiên thực phẩm hữu cơ tươi sạch: Thực phẩm hữu cơ là lựa chọn tốt nhất cho câu hỏi người bệnh ung thư nên ăn gì, bởi hàm lượng hóa chất nuôi trồng trong loại thực phẩm này gần như bằng không. Ngoài ra, nếu được sử dụng tươi trong ngày, chúng sẽ cung cấp giá trị dinh dưỡng tương đối cao;
  • Đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm: Các bước đảm bảo vệ sinh chế biến thực phẩm bao gồm rửa tay và dụng cụ trước và sau khi chế biến, sử dụng đồ bếp riêng cho thức ăn sống và chín, bảo quản thực phẩm trong tủ đông dưới 4 độ C,…;
  • Ưu tiên các món hấp / luộc: Đồ nướng, chiên rán luôn đứng đầu trong danh sách người bệnh ung thư không nên ăn gì; do đó, các món luộc/ hấp sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Lưu ý, bạn nên luộc/ hấp cho đồ ăn chín mềm để bệnh nhân có thể dễ dàng nhai, nuốt;
Một số lưu ý cho người bị ung thư và người chăm sóc

Những món ăn mềm, ít gia vị, dễ tiêu hóa là sự lựa chọn hàng đầu cho chế độ ăn của người bệnh ung thư

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc người bệnh ung thư kiêng ăn gì. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức để xây dựng chế độ ăn khoa học, hợp lý cho bệnh nhân ung thư.

Trong mọi tình huống, việc xác định rõ ung thư kiêng ăn gì cần được căn cứ trên đặc điểm bệnh lý và thể trạng cụ thể của người bệnh. Do đó, nếu bạn vẫn còn nhiều băn khoăn, không biết người bệnh ung thư kiêng ăn gì, hãy liên hệ tới Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn và giải đáp chi tiết. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.

Rate this post
08:05 12/08/2023