Thực đơn cho bệnh nhân ung thư dinh dưỡng, cải thiện vị giác

12/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư và các liệu pháp điều trị có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn uống của người bệnh. Với mỗi tình trạng sức khỏe, người bệnh sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Do đó, để cải thiện tình trạng này, cần có chế độ ăn uống chuyên biệt cho từng người bệnh. Vậy, xây dựng thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần dựa trên những nguyên tắc nào? Tất cả sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp qua bài viết sau đây.

Thực đơn cho bệnh nhân ung thư dinh dưỡng, cải thiện vị giác

Xây dựng thực đơn cho bệnh nhân ung thư như thế nào để cải thiện sức khỏe hiệu quả?

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người ung thư

Theo chuyên gia dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn cho người ung thư cần tuân theo 7 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng sau đây:

1. Cung cấp đủ năng lượng

Ngoài việc duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, người bệnh ung thư cần cung cấp đủ năng lượng để chống chọi với tế bào ác tính, cũng như duy trì sức khỏe ổn định để đáp ứng các liệu pháp điều trị chuyên sâu như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Do đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở người bệnh ung thư có thể cao hơn người khác.

Theo nghiên cứu, trung bình một bệnh nhân ung thư cần khoảng 35 Kcal / kg / ngày, một số trường hợp đặc biệt có thể cần đến khoảng 50 Kcal / kg / ngày. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở mỗi người bệnh không giống nhau. Vì vậy, để biết chính xác năng lượng cần nạp vào cơ thể là bao nhiêu, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng.

2. Thực đơn cung cấp đủ chất dinh dưỡng

Ngoài việc cung cấp đủ năng lượng cần thiết, thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo có đủ các nhóm chất dinh dưỡng như đạm, tinh bột, chất béo tốt, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Cụ thể:

  • Chất đạm: Người bệnh ung thư cần duy trì cung cấp khoảng 12% – 20% chất đạm trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Nhiều thông tin truyền miệng cho rằng cần loại bỏ thịt (đặc biệt là thịt bỏ) khỏi thực đơn hàng ngày cho bệnh nhân ung thư, tuy nhiên điều này là không có cơ sở. Trên thực tế, người bệnh cần đảm bảo khẩu phần ăn cân đối giữa đạm thực vật và động vật. Trong đó, đạm từ động vật cần chiếm khoảng 30% – 50% trên tổng chất đạm.
  • Tinh bột: Tinh bột cung cấp năng lượng bền vững giúp người bệnh duy trì sức khỏe ổn định để chống chọi với ung thư. Cụ thể, người bệnh cần đảm bảo cung cấp từ 60% – 70% tinh bột trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, cần ưu tiên tiêu thụ tinh bột phức hợp và hạn chế tinh bột trắng để nâng cao giá trị dinh dưỡng cho thực đơn cho người bệnh ung thư.
  • Chất béo: Cùng với tinh bột, chất béo cũng là nguồn cung cấp năng lượng bền vững cho cơ thể. Mỗi ngày, người bệnh cần cung cấp từ 18% – 25% chất béo trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Trong đó, cần có 1/3 là chất béo không bão hòa đơn thể và 1/3 là chất béo không bão hòa đa thể (chủ yếu là omega-3 và omega-6). Nhờ vào khả năng làm giảm cholesterol hiệu quả, chế độ ăn giàu 2 nhóm chất béo không bão hòa này sẽ giúp người bệnh đủ sức “chiến đấu” với các tế bào ung thư.
  • Chất xơ: Người mắc bệnh ung thư cần cung cấp đủ lượng chất xơ cần thiết để hoàn thiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Cụ thể, thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo cung cấp ít nhất 30 g – 38 g chất xơ / ngày (nam giới) và 21 g – 26 g chất xơ / ngày (nữ giới) để tối ưu quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể và giảm nguy cơ táo bón.
  • Vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành kháng thể. Từ đó, giúp gia tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể trước các tế bào ung thư. Các loại vitamin và khoáng chất cần có trong thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư bao gồm vitamin A, B, C, D, E, kẽm, canxi, selen, magie, carotenoids, flavonoids,…
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người ung thư

Thực đơn hàng ngày cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

3. Ăn nhạt

Ăn nhạt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người bệnh ung thư. Xây dựng thực đơn dành cho bệnh nhân ung thư cần ưu tiên các món ăn ít gia vị, giảm lượng muối nạp vào cơ thể. Khi nồng độ natri từ muối ăn gia tăng có thể kích hoạt sự phát triển tế bào ung thư thông qua cơ chế viêm nhiễm, tăng huyết áp. Do đó, nạp dưới 5 g muối / ngày được xem là nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cho người mắc bệnh ung thư.

Để chế độ ăn nhạt không nhàm chán, bạn có thể gia tăng hương vị cho các món ăn trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư bằng cách sử dụng vị mặn từ tảo biển hoặc bổ sung thêm bột tỏi, bột thì là, quế, rau mùi,…

4. Ăn nhiều bữa nhỏ

Người bệnh ung thư thường bị chán ăn, kém hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể. Do đó, để đảm bảo cơ thể nhận được đủ dưỡng chất cần thiết, thực đơn cho người mắc bệnh ung thư cần bổ sung thêm ít nhất 2 bữa phụ xen kẽ 3 bữa chính. Khi chia nhỏ bữa ăn, người bệnh có thể dễ dàng ăn hết một khẩu phần ăn và hạn chế đáng kể tình trạng đầy bụng.

thực đơn cho người bệnh ung thư, ăn nhiều bữa nhỏ

Chia nhỏ bữa ăn giúp kích thích vị giác và hỗ trợ cơ thể hấp thu dưỡng chất

5. Uống đủ nước

Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể là điều cần thiết với mọi người, đặc biệt là người mắc bệnh ung thư. Cơ thể cần nước để duy trì hoạt động trao đổi chất, củng cố hàng rào bảo vệ sức khỏe. Do đó, nếu xảy ra tình trạng mất nước, người bệnh ung thư sẽ nhanh chóng bị suy kiệt.

Mỗi ngày, người bệnh ung thư cần nạp từ 1,5 lít – 2 lít nước cho cơ thể, nếu có hiện tượng nôn ói, tiêu chảy cần uống nhiều nước hơn. Ngoài uống nước lọc, bạn có thể gia tăng lượng nước nạp vào cơ thể bằng cách bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng các món ăn lỏng, sinh tố, trái cây mọng nước,…

6. Đa dạng món ăn cho người bệnh ung thư, tránh nhàm chán

Khẩu phần ăn trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần thường xuyên đổi món để kích thích vị giác của người bệnh. Người bệnh ung thư thường mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến ăn uống kém; kéo dài tình trạng này sẽ khiến cho cơ thể nhanh chóng bị suy dinh dưỡng.

Để tránh gây nhàm chán, mỗi khẩu phần ăn của người bệnh ung thư cần đa dạng, thường xuyên thay đổi các loại thực phẩm trong cùng nhóm chất, biến tấu nhiều cách chế biến và trang trí món ăn. Ngoài ra, khi xây dựng thực đơn dành cho bệnh nhân ung thư, bạn cần hạn chế sự trùng lặp các món ăn trong tuần.

7. Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần phù hợp với tình trạng thể chất

Mỗi người bệnh ung thư sẽ có đặc điểm bệnh lý và thể trạng khác nhau. Do đó, thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần phù hợp với từng tình trạng thể chất của người bệnh.

Chẳng hạn như, người mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư dạ dày, vòm họng, ruột non, thực quản,… thường gặp phải các triệu chứng như chán ăn, táo bón / tiêu chảy, khô miệng, lở loét khoang miệng / hầu họng, thay đổi khẩu vị,… Ở trường hợp này, khi xây dựng thực đơn nên ưu tiên các món hợp khẩu vị người bệnh, dễ tiêu hóa và tránh thức ăn khô cứng, dễ gây đầy bụng như đậu, rau họ cải, nước có ga,….

Trường hợp khác, thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đại trực tràng có đặt hậu môn giả cần hạn chế kẹo cao su, nước ngọt, các loại thực phẩm có mùi tanh nồng như tỏi, hành, măng, trứng, cá,… Đồng thời, để hạn chế tổn thương hệ tiêu hóa, người bệnh ung thư đại trực tràng nên ưu tiên uống nước bằng ống hút.

Như vậy, từng loại ung thư sẽ có những lưu ý riêng biệt. Vì vậy, để thiết lập thực đơn cho bệnh nhân ung thư bạn cần tham vấn ý kiến chuyên môn của bác sĩ dinh dưỡng.

Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần phù hợp với tình trạng thể chất

Mỗi người bệnh ung thư có thực đơn ăn uống chuyên biệt

Lựa chọn thực phẩm trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư

Việc lựa chọn thực phẩm trong thực đơn cho người bệnh ung thư là điều vô cùng quan trọng. Ngoài vấn đề đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, các món ăn trong thực đơn cho người mắc bệnh ung thư cần đa dạng về nguyên liệu và cách chế biến. Do đó, việc nắm rõ bệnh ung thư nên ăn gì và kiêng gì là điều cốt lõi giúp bạn xây dựng thực đơn an toàn, hiệu quả.

1. Người bệnh ung thư nên ăn gì?

Người bệnh ung thư nên ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm sau đây:

  • Các loại thịt, cá, cua, tôm tươi sống;
  • Gạo, các loại khoai, mì, bún, miến;
  • Dầu chưa tinh chế như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành,…;
  • Các loại đậu, rau xanh, trái cây trồng hữu cơ;
  • Thực phẩm giàu omega-3 như oliu, cá hồi, hạt lanh, ngũ cốc,…;
  • Thực phẩm giàu vitamin A, C, E, selen như giá đỗ, rau ngót, cà rốt, rau muống,….

2. Người bệnh ung thư hạn chế ăn gì?

Mặc dù không nhất thiết phải loại bỏ khỏi thực đơn hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh ung thư nên kiêng ăn các loại thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo xấu: thịt mỡ, khoai tây chiên, bánh ngọt, sữa béo, thịt gia cầm có da, bơ ca cao,…;
  • Thực phẩm chế biến sẵn: thịt xông khói, các loại đồ hộp, thực phẩm đông lạnh,…;
  • Uống nước trà vào ban đêm: Người bệnh vẫn có thể uống nước trà, tuy nhiên nên uống vào ban ngày để tránh mất ngủ và hạn chế nguy cơ gây hại cho gan, thận.

3. Người bệnh ung thư không nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm người bệnh ung thư không nên ăn để bảo vệ sức khỏe, điển hình như:

  • Thực phẩm được chế biến bằng cách chiên rán bằng dầu ăn đã tái sử dụng nhiều lần;
  • Thực phẩm để lâu ngày có dấu hiệu bị nấm mốc;
  • Chất gây nghiện, chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu.

Thực đơn món ăn cho người ung thư

Thực đơn món ăn cho người bệnh ung thư có thể được thay đổi trong quá trình điều trị, tùy thuộc vào từng loại bệnh và yếu tố cơ địa. Ngoài bữa chính, thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần được bổ sung thêm các bữa phụ. Dưới đây là gợi ý các món ăn cho bữa chính và bữa phụ của người bệnh ung thư, cụ thể như sau:

1. Thực đơn món ăn sáng cho bệnh nhân ung thư

Bữa sáng là bữa ăn chính quan trọng, vì đây là thời điểm cơ thể cần được cung cấp năng lượng bền vững để khởi đầu ngày mới hiệu quả. Người bệnh ung thư có thể tham khảo các món ăn sáng bổ dưỡng sau đây:

  • Cháo thịt bò bằm;
  • Cháo yến mạch trứng gà;
  • Bánh canh cá lóc;
  • Mì Ý sốt kem nấm;
  • Bún ngan;
  • Cháo đậu xanh thịt băm;
  • Cháo cá hồi bông cải xanh.
Thực đơn món ăn cho người ung thư, món ăn sáng

Bữa sáng nên chọn các món ăn bổ dưỡng và thơm ngon để người bệnh ung thư khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng

2. Thực đơn món ăn trưa cho người bệnh ung thư

Để tránh sự nhàm chán, bữa trưa của người bệnh ung thư nên đa dạng món ăn và cách chế biến. Dưới đây là gợi ý các món ăn dành cho bữa trưa của người bệnh ung thư:

  • Cơm gạo tẻ hoặc cơm gạo lứt;
  • Canh đu đủ nấu sườn;
  • Canh mướp nấu tôm;
  • Canh mồng tơi nấu mướp;
  • Các loại rau luộc;
  • Cà tím hấp thịt băm;
  • Sườn hầm rau củ;
  • Cá nục hấp;
  • Cá thu sốt cà;
  • Cá diêu hồng hấp Hongkong;
  • Trứng hấp;
  • Thịt bò xào bông cải;
  • Thịt kho trứng cút.

3. Thực đơn món ăn tối cho người mắc bệnh ung thư

Nhằm giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, người bệnh ung thư không nên ăn quá no vào buổi tối. Thực đơn bữa tối cần ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, điển hình như:

  • Cơm gạo tẻ hoặc cơm gạo lứt;
  • Canh rau ngót;
  • Canh cải ngọt thịt băm;
  • Canh súp lơ xanh đậu hũ non;
  • Đậu hũ nhồi thịt sốt cà;
  • Nui nấu sườn và rau củ (khoai tây, su su, cà rốt);
  • Cá hồi sốt cà chua;
  • Cá diêu hồng sốt chanh dây;
  • Rau củ luộc;
  • Trứng đúc thịt.

4. Thực đơn món tráng miệng

Dưới đây là gợi ý một số món tráng miệng tốt cho sức khỏe người bệnh ung thư, điển hình như:

  • Salad rau xanh và trái cây;
  • Pudding hạt chia, chanh leo;
  • Trái cây tươi như quả táo, cam, dưa hấu, nho, kiwi, chuối, dâu tây…;
  • Các loại smoothie trái cây.

5. Thực đơn bữa phụ cho người bệnh ung thư

Bữa phụ cung cấp thêm chất dinh dưỡng, kích thích sự thèm ăn và giúp hệ tiêu hóa của người bệnh ung thư hoạt động hiệu quả. Dưới đây là gợi ý các món ăn bữa phụ trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư:

  • Các loại sữa hạt: Sữa hạt sen, hạnh nhân, óc chó, đậu xanh, đậu phộng, đậu nành,…;
  • Sữa tươi không đường;
  • Các loại bánh tốt cho sức khỏe: bánh chuối yến mạch không đường, bánh mì nguyên cám kèm trái cây tươi, waffle yến mạch, bánh biscotti,…;
  • Sữa chua trái cây không đường hoặc ít đường, sữa chua hy lạp;
  • Sinh tố trái cây, sinh tố rau xanh với trái cây, sinh tố yến mạch.
Thực đơn bữa phụ cho người bệnh ung thư

Bữa phụ trong thực đơn cho người bệnh ung thư nên chọn các món ăn giàu dễ tiêu hóa

Công thức món ăn cho người bệnh ung thư

Sau đây là những công thức món ăn với nguyên liệu chính là rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đạm tốt như cá, thịt trắng, trứng sữa, đạm thực vật,… hạn chế nội tạng, mỡ động vật,… Các món ăn này rất giàu dinh dưỡng, được các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khuyên dùng trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

1. Sữa hạnh nhân óc chó đậu nành

Nguyên liệu – Đậu nành: 200 g;

– Hạt óc chó: 200 g;

– Hạnh nhân: 100 g.

Bước 1

Sơ chế các loại hạt

– Ngâm đậu nành trong nước khoảng 8 giờ, sau đó đãi sạch vỏ;

– Ngâm hạnh nhân trong nước khoảng 2 giờ, bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài;

– Hạt óc chó bỏ vỏ, lấy phần nhân.

Bước 2

Xay nhuyễn nguyên liệu

– Rửa sạch hạnh nhân, óc chó, đậu nành;

– Cho 3 loại hạt này vào máy xay, thêm khoảng 1 lít nước và xay nhuyễn mịn.

Bước 3

Lọc sữa

– Sau khi xay, bạn có được hỗn hợp với phần bã lắng đọng ở dưới đáy;

– Bạn cần lọc bỏ phần bã bằng cách sử dụng túi lọc hoặc rây để thu được phần nước.

Bước 4

Hoàn thiện thành phẩm

– Để có được món sữa hạt thơm ngon, bạn cần đun phần nước vừa được chắt lọc với lửa nhỏ.

– Khi sữa sôi được 5 phút, bạn có thể tắt bếp và cho thành phẩm ra ly để thưởng thức.

Sữa hạnh nhân, óc chó, đậu nành là thức uống bổ dưỡng nên có trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Người bệnh có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy vào sở thích.

2. Súp đậu Hà Lan

Các món súp dễ chế biến, dễ ăn, nhiều dưỡng chất luôn có mặt trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Trong đó, không thể thiếu món súp đậu Hà Lan giàu protein.

Nguyên liệu – Đậu Hà Lan: 450 g;

– Củ hành tây: ½ củ;

– Nước dùng rau củ: 700 ml;

– Sữa tươi: 50 ml;

– Kem tươi: 50 ml;

– Mùi tây: 1 nhánh;

– Hạt nêm: 2 muỗng cà phê;

– Muối, tiêu: 1/3 muỗng cà phê;

– Dầu oliu: 2 muỗng cà phê.

Bước 1

Sơ chế nguyên liệu

– Hành tây băm nhuyễn;

– Đậu Hà Lan rửa sạch, luộc khoảng 20 phút cho chín nhừ, sau đó để nguội.

Bước 2

Chế biến

– Xay nhuyễn đậu Hà Lan đã luộc chín;

– Chuẩn bị chảo nóng, xào hành tây băm nhuyễn với 2 muỗng dầu oliu;

– Cho đậu Hà Lan đã xay cùng với nước dùng rau củ vào nấu sôi;

– Tiếp tục cho sữa tươi, kem tươi vào hỗn hợp đậu, hành tây;

– Nêm nếm gia vị như hạt nêm, muối, tiêu vào nồi súp đậu;

– Cho nhánh mùi tây vào nồi súp và tắt bếp.

Súp đậu Hà Lan là món ăn với nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến đơn giản. Món ăn này thích hợp dùng để bồi bổ cho những người ăn uống kém, đặc biệt là người bệnh ung thư.

Công thức món ăn cho người bệnh ung thư, Súp đậu Hà Lan

Súp đậu Hà Lan rất giàu chất đạm, chất xơ, tinh bột, vitamin và khoáng chất cần thiết cho người bệnh ung thư

3. Canh súp lơ xanh đậu hũ non

Canh súp lơ xanh đậu hũ non là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt. Đây là món ăn giàu chất xơ, vitamin và protein nên có trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

Nguyên liệu – Súp lơ xanh: 200 g;

– Cà rốt: 100 g;

– Củ cải trắng: 100 g;

– Ngô: 1 trái;

– Đậu hũ non: 1 hộp;

– Ngò rí, hành lá thái nhỏ: ½ chén;

– Hành tím: 2 củ nhỏ;

– Gia vị: hạt nêm, tiêu xay.

Bước 1

Sơ chế nguyên liệu

– Cà rốt, củ cải trắng: Rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ thành từng miếng vừa ăn;

– Ngô: Lột vỏ, rửa sạch và cắt thành từng khúc khoảng 3 cm;

– Súp lơ xanh: Rửa sạch và ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó cắt miếng vừa ăn như cà rốt và củ cải trắng;

– Đậu hũ non: Cắt nhỏ thành từng khối vuông;

– Hành tím: Rửa sạch, lột vỏ, cắt đôi.

Bước 2

Chế biến món ăn

– Đun sôi nước, sau đó cho hành tím cắt đôi vào;

– Kế tiếp, cho ngô vào nồi nước nấu chín trong khoảng 10 phút;

– Tiếp tục, cho củ cải trắng, cà rốt vào nấu thêm 15 phút;

– Sau đó, cho súp lơ xanh và đậu hũ non vào nồi canh nếu thêm khoảng 3 phút;

– Nêm nếm gia vị như hạt nêm, tiêu xay vào nồi canh và tắt bếp.

Cuối cùng, để món canh súp lơ xanh đậu hũ non đẹp mắt hơn bạn có thể trang trí lên trên một ít ngò rí và hành lá.

4. Sinh tố dâu chuối

Dây tây và chuối là 2 loại trái cây thơm ngon, được rất nhiều người yêu thích. Nếu như việc ăn trực tiếp khiến bạn nhàm chán, hãy thử chế biến 2 nguyên liệu này thành món sinh tố mát lạnh.


Nguyên liệu
– Dâu tây tươi: 200 g;

– Chuối: 150 g;

– Sữa tươi: 200 ml;

– Sữa chua: 1 hộp 100 ml;

– Mật ong: 1 muỗng.


Bước 1
Rửa sạch và thái nhỏ dây tây và chuối;

Bước 2
Xay nhuyễn nguyên liệu dâu tây, chuối với sữa tươi và sữa chua;

Bước 3
Cho từ từ đá viên, mật ong vào, tiếp tục xay đến khi có được hỗn hợp nhuyễn mịn;

Bước 4
Cuối cùng, cho hỗn hợp ra ly và thưởng thức.
món ăn cho người bệnh ung thư, Sinh tố dâu chuối

Một cốc sinh tố dâu chuối sẽ giúp người bệnh ung thư kịp thời nạp thêm năng lượng cần thiết cho cơ thể

5. Cháo yến mạch trứng gà

Cháo yến mạch trứng gà không chỉ phù hợp cho bé ăn dặm, mà mọi đối tượng đều có thể dùng để bồi bổ cho cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nên bổ sung cháo yến mạch trứng gà vào thực đơn cho bệnh nhân ung thư.


Nguyên liệu
– Trứng gà: 2 lòng đỏ;

– Yến mạch: 70 g;

– Dầu oliu: 2 muỗng;

– Gia vị: hạt nêm, tiêu xay.


Bước 1
Ngâm mềm yến mạch trong khoảng 30 phút;

Bước 2
Nấu yến mạch với 1 chén nước trong khoảng 7 phút;

Bước 3
Sau đó, cho 2 lòng đỏ trứng gà đã khuấy tan vào cháo yến mạch nếu thêm khoảng 3 phút;

Bước 4
Cho dầu oliu vào khuấy đều và tắt bếp.

6. Cá hồi sốt cà chua

Cá hồi là thực phẩm giàu protein, omega-3 tốt cho sức khỏe. Nếu nhàm chán với món cá hồi áp chảo thông thường, bạn hãy thử chế biến món cá hồi sốt cà chua thơm ngon. Vị chua ngọt của sốt cà chua có thể trung hòa vị béo ngậy của cá hồi, món ăn này vừa thơm ngon lại bổ dưỡng rất phù hợp trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư.


Nguyên liệu
– Cá hồi phi lê: 350 g;

– Dầu ăn: 3 muỗng;

– Đường (nên dùng đường ăn kiêng): 2 muỗng;

– Cà chua: 2 quả;

– Hành tím băm: ½ muỗng;

– Tỏi băm: 1 muỗng;

– Tiêu xay: ½ muỗng;

– Nước mắm: ½ muỗng;

– Hạt nêm: 1 muỗng


Bước 1
Rửa sạch cá hồi, sau đó dùng khăn ăn thấm khô miếng cá và cắt thành khúc vừa ăn; Cắt nhỏ 2 quả cà chua;

Bước 2
Áp chảo cá với lửa lớn, nên áp chảo phần da cá chín kỹ. Sau đó, cho cá hồi ra đĩa;

Bước 3
Tiếp tục, cho tỏi băm, hành tím băm vào chảo phi thơm;

Bước 4
Kế tiếp, cho cà chua vào chảo xào chín với lửa vừa;

Bước 5
Nêm nếm gia vị như hạt nêm, đường, nước mắm vào phần sốt cà chua;

Bước 6
Cho cá hồi vào phần sốt, nấu thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp.
món ăn cho người bệnh ung thư, Cá hồi sốt cà chua

Cá hồi sốt cà chua thơm béo giúp kích thích sự thèm ăn và cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh ung thư

7. Sinh tố protein chuối và yến mạch

Sinh tố protein chuối và yến mạch là món ngon giàu dinh dưỡng, thích hợp bổ sung vào thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

Nguyên liệu – Yến mạch: 60 g;

– Chuối để đông lạnh: 2 quả;

– Sữa tươi hoặc sữa hạt không đường: 200 ml;

– Bột quế: ½ muỗng cà phê;

– Protein hương vani: 1 muỗng.

Bước 1 Cho lần lượt các nguyên liệu chuối đông lạnh, yến mạch, sữa, bột quế, protein vào máy xay nhuyễn mịn;
Bước 2 Cho hỗn hợp sinh tố ra cốc, trang trí với một ít bột quế và 1 lát chuối tươi lên trên và thưởng thức.

8. Mì Ý sốt kem nấm

Nguyên liệu – Mì Ý: 300 g;

– Nấm mỡ tươi: 200 g;

– Hành tây: ½ củ;

– Dầu oliu: 3 muỗng;

– Tỏi: 3 tép;

– Rau húng tây: 1 ít;

– Whipping cream: 150 ml;

– Phô mai bào sợi loại Parmesan: 7 g;

– Gia vị: tiêu xay, muối.

Bước 1

Sơ chế nguyên liệu

– Rửa sạch và cắt hạt lựu nguyên liệu nấm và hành tây;

– Băm nhỏ tỏi, rau húng tây.

Bước 2 Luộc mì Ý
– Đun sôi nồi nước với 1 muỗng nhỏ muối cùng với 2 muỗng dầu ăn;

– Cho mì Ý vào luộc trong khoảng thời gian từ 8 phút đến 10 phút;

– Sau đó vớt mì ra ngoài, cho thêm 2 muỗng dầu oliu vào mì và trộn đều.

Bước 3 Nấu sốt kem nấm
– Chuẩn bị chảo nóng, phi thơm tỏi băm và cho hành tây vào xào với lửa lớn;

– Tiếp tục, cho nấm mỡ vào xào khoảng 5 phút;

– Lúc này, bạn cho thêm húng tây, tiêu và muối vào chảo đảo đều;

– Tiếp tục, cho vào chảo khoảng ½ chén nước cùng với 150 ml whipping cream;

– Đun nhỏ lửa khoảng 4 phút, bạn quan sát thấy nước sốt đã đạt độ sệt mong muốn thì tắt bếp.

– Cuối cùng, bạn cho phần sốt kem nấm lên trên đĩa mì Ý, trộn đều và thưởng thức.

Mì Ý sốt kem nấm, món ăn cho người bệnh ung thư

Mì Ý sốt kem nấm là gợi ý lý tưởng khi người bệnh ung thư nhàm chán với các món cơm truyền thống

9. Bánh canh cá lóc

Bánh canh cá lóc là món ăn thơm ngon, giàu năng lượng nên có trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

Nguyên liệu – Bánh canh bột gạo: 100 g;

– Xương heo: 500 g;

– Cá lóc: 1 kg;

– Rễ ngò rí: 5 cái;

– Ớt, tỏi, hành tím băm nhỏ: ½ chén;

– Củ nén: 2 củ;

– Hành lá thái nhỏ: ½ chén

– Gia vị: Nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu, dầu ăn, dầu điều.

Bước 1

Hầm xương heo

– Rửa xương heo với nước muối loãng, để khử mùi tanh của xương bạn nên luộc sơ khoảng 3 phút;

– Bắt đầu hầm xương với nồi nước mới, trong nồi bạn cho thêm 4 củ hành tím đập dập cùng với 5 phần rễ ngò rí;

– Hầm xương với lửa vừa trong khoảng 40 phút đến 50 phút, thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong hơn.

Bước 2

Xử lý nguyên liệu cá lóc

– Để khử mùi tanh, bạn có thể dùng rượu trắng và muối để rửa cá;

– Sau đó, bạn dùng dao rọc dọc theo phần xương cá để lọc lấy phần phi lê. Để chắc chắn xương không lẫn vào thịt, bạn nên dùng nhíp để lấy hết xương còn sót lại;

– Cắt xương cá thành 2 đoạn và phần phi lê cá thành từng miếng vừa ăn;

– Ướp thịt cá trong 20 phút với các gia vị như sau 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1 muỗng hạt nêm, ½ muỗng củ nén băm nhuyễn, ½ muỗng tiêu xay, 1 muỗng tỏi băm, 1 muỗng ớt băm, 2 muỗng dầu điều.

Bước 3

Nấu nước lèo

– Trong nồi nước hầm xương, bạn nêm vào các gia vị như 1 muỗng đường, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng hạt nêm;

– Kế tiếp, cho phần xương cá vào nồi nước hầm xương và tiếp tục nấu trong khoảng 30 phút.

Bước 4

Chế biến phần thịt cá lóc

– Chuẩn bị chảo, phi thơm củ nén, tỏi, hành tím, ớt trong khoảng 1 phút;

– Sau đó, cho phần phi lê cá lóc đã tẩm ướp vào xào săn;

– Tiếp tục, cho khoảng 200 ml nước vào chảo cá và hạ lửa nhỏ, đến khi nước trên chảo cô đặc đạt độ sệt như mong muốn thì tắt bếp.

Bước 5

Nấu bánh canh

– Quay trở lại nồi nước lèo, bạn cho vào đó lượng bánh canh vừa đủ khẩu phần ăn và nấu trong khoảng 7 phút;

– Cuối cùng, cho bánh canh, nước lèo, phi lê cá lóc ra tô và thưởng thức. Bạn có thể trang trí món ăn với hành lá, tiêu xay, ớt tùy thích.

10. Há cảo hấp nhân tôm thịt

Nguyên liệu – Thịt heo xay: 200 g;

– Tôm tươi xay: 250 g;

– Tinh bột mì: 110 g;

– Bột năng: 20 g;

– Củ sắn: 50 g;

– Hành lá: 3 nhánh;

– Gia vị: dầu mè, đường, hạt nêm, tiêu xay.

Bước 1

Sơ chế nguyên liệu

– Củ sắn: rửa sạch, gọt vỏ và cắt hình hạt lựu;

– Hành lá: rửa sạch và cắt nhỏ.

Bước 2

Làm nhân tôm thịt

– Cho thịt xay, tôm xay, củ sắn cắt hạt lựu, hành lá cắt nhỏ vào tô;

– Nêm vào hỗn hợp trên các loại gia vị như 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng tiêu xay;

– Trộn đều hỗn hợp tôm, thịt và ướp trong khoảng 15 phút.

Bước 3

Làm vỏ há cảo

– Chuẩn bị tô lớn, cho 110 g tinh bột mì và 20 g bột năng vào tô trộn đều;

– Lúc này, bạn cho từ từ 170 ml nước sôi vào phần bột;

– Bạn sử dụng phới lồng để quánh dẻo đến khi bột tạo thành 1 khối thì bọc kín miệng tô bằng màng bọc thực phẩm;

– Ủ bột trong tô khoảng 5 đến 7 phút;

– Sau đó, nhào bột nhiều lần để có được khối bột dẻo mịn, không dính tay;

– Chia nhỏ bột thành từng khối khoảng 2 đốt ngón tay.

Bước 4

Tạo hình há cảo

– Cán mỏng các khối bột nhỏ để tạo thành vỏ bánh;

– Sau đó, cho 1 muỗng nhỏ nhân tôm thịt vào giữa vỏ bánh;

– Cuối cùng, khéo léo gắp mép bột và tạo hình há cảo theo sở thích.

Bước 5

Hấp há cảo

– Sau khi đã tạo hình, bạn xếp há cảo vào xửng hấp;

– Hấp há cảo trong khoảng 15 phút, đến khi vỏ há cảo trong và tỏa hương thơm.

Như vậy, bạn đã chế biến thành công món há cảo nhân tôm thịt có thể dùng cho bữa sáng hoặc bữa phụ trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư.

Há cảo hấp nhân tôm thịt, thực đơn dành cho bệnh nhân ung thư

Há cảo tôm thịt giàu protein, tinh bột, chất béo tốt là món ăn nên có trong thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Gợi ý thực đơn cho người ung thư

Dưới đây là thực đơn cho người ung thư được các bác sĩ dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome gợi ý đến bạn:

Năng lượng: 1900 kcal – 2000 kcal. Trong đó có: 12% – 20% chất đạm, 18% – 25% chất béo, 60% – 70% tinh bột;

Tổng hợp các loại thực phẩm sử dụng trong ngày:

  • Gạo: 250 g;
  • Bánh phở: 200 g;
  • Cá, thịt: 180 g;
  • Đậu hũ: ½ miếng (khoảng 35 g);
  • Rau củ tươi: 500 g;
  • Dầu ăn: 25 g;
  • Muối ăn: 5 g;
  • Đường: 10 g;
  • Hoa quả: 400 g.

Gợi ý mẫu thực đơn cho bệnh nhân ung thư:

Bữa sáng Bữa trưa Bữa tối
Phở bò:

– Bánh phở: 200 g;

– Thịt bò: 35 g (khoảng 7 miếng);

– Dầu ăn: 5 g (khoảng 1 muỗng);

– Hành lá, rau thơm.

Cơm gạo tẻ:

– Cơm: 130 g (2 chén cơm);

– Thịt kho nhạt: 50 g;

– Thịt gà luộc: 35 g;

– Củ cải trắng xào: 25 g;

– Dầu ăn: 10 g.

Cơm gạo tẻ:

– Cơm: 110 g (1 chén rưỡi cơm)

– Cá trắm kho nghệ: 60 g;

– Đậu hũ luộc: ½ bìa;

– Rau bắp cải xào: 250 g;

– Dầu ăn: 10 g.

Bữa phụ sáng (9h00)

Táo tây: 150 g (1 quả)

Bữa phụ chiều (15h00)

Nước cam ép:

– 1 quả cam to khoảng 250 g

– 10 g đường (nếu cam đủ ngọt thì không cần thêm đường).

Thực phẩm có thể dùng để thay thế tương đương

Thực phẩm nhóm chất đạm Thực phẩm nhóm chất bột đường Thực phẩm nhóm chất béo Muối
100 g thịt bò 100 g gạo tẻ 1 muỗng dầu ăn (5 ml) 1 g muối
100 g thịt nạc heo;

100 g thịt gà;

100 g thịt tôm tươi;

100 g phi lê cá;

2 quả trứng vịt;

3 quả trứng gà;

200 g đậu hũ;

8 quả trứng cút.

100 g bột mì;

170 g bánh mì;

100 g bánh quy;

100 g miến;

100 g bún khô hoặc phở khô;

250 g bánh phở tươi;

300 g bún tươi;

400 g khoai các loại.

8 g đậu phộng;

8 g hạt vừng.

5 ml nước mắm;

7 ml hạt nêm cô đặc.

Bạn có thể thay đổi các thực phẩm cùng nhóm chất với nhau, để đa dạng thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Lưu ý rằng, khi chọn thực phẩm thay thế bạn nên sử dụng lượng tương đương để đảm bảo không làm thay đổi tổng năng lượng nạp vào cơ thể.

Địa chỉ thiết kế thực đơn cho bệnh nhân ung thư cá nhân hóa

Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ung thư là một quá trình dài hạn. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể người bệnh. Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần có sự cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. Nhằm bảo vệ tối ưu sức khỏe cho người bệnh ung thư, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome với dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng sẽ giúp bạn hoàn thiện chế độ dinh dưỡng một cách tối ưu.

Đến với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, người bệnh ung thư sẽ được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chi tiết về tình trạng bệnh cùng với đánh giá dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Qua đó, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng tại đây sẽ xây dựng chế độ ăn uống chi tiết cho người bệnh ung thư.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thực đơn cho bệnh nhân ung thư giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Thông qua bài viết này, hy vọng rằng bạn đã có thể trang bị cho mình chế độ ăn uống phù hợp. Nếu như có thêm thắc mắc nào liên quan đến chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh ung thư, bạn hãy sớm liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)
21:19 12/08/2023