14 cách phòng chống ung thư đơn giản và hiệu quả nhất

12/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư là tình trạng tế bào tăng sinh mất kiểm soát, hình thành nên những khối u ác tính và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu rõ về các cách phòng chống ung thư khoa học sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, cũng như cho gia đình và người thân. Vậy, đâu là những cách phòng tránh ung thư hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

14 cách phòng chống ung thư đơn giản và hiệu quả nhất

Đâu là cách phòng chống ung thư hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị?

Những con số báo động về bệnh ung thư tại Việt Nam và thế giới

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam lần lượt đứng hàng thứ 90 và 50 trong tổng số 185 quốc gia trên toàn thế giới; lần lượt tăng 9 bậc và 7 bậc so với kết quả thống kê vào năm 2018.

Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 305.000 người phải “sống chung” với ung thư. Chi tiết hơn, trong năm 2020:

  • Tại Việt Nam: Có 182 563 ca ung thư mới được chẩn đoán và 122 690 ca tử vong do ung thư, lần lượt chiếm 0.18% và 0.12% dân số cả nước. Theo báo cáo GLOBOCAN 2020 của WHO, danh sách 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam gồm:
    • Ung thư gan: Chiếm 14.5% – tương đương với 26 418 ca;
    • Ung thư phổi: Chiếm 14.4% – tương đương với 26 262 ca;
    • Ung thư vú: Chiếm 11.8% – tương đương với 21 555 ca;
    • Ung thư dạ dày: Chiếm 9.8% – tương đương với 17 906 ca;
    • Ung thư trực tràng: Chiếm 9% – tương đương với 16 426 ca.
  • Trên toàn thế giới: Có 19 292 789 ca ung thư mới được chẩn đoán và 9 958 133 ca tử vong do ung thư, lần lượt chiếm 0.24% và 0.12% dân số trên toàn thế giới. Trong đó, danh sách 5 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới gồm:
    • Ung thư vú: Chiếm 11.7% – tương đương với 2.261.419 ca;
    • Ung thư phổi: Chiếm 11.4% – tương đương với 2.206.771 ca;
    • Ung thư trực tràng: Chiếm 10% – tương đương với 1.931.590 ca;
    • Ung thư tuyến tiền liệt: Chiếm 7.3% – tương đương với 1.414.259;
    • Ung thư dạ dày: Chiếm 5.6% – tương đương với 1.089.103.

Đây thực sự là những con số “biết nói”, cho thấy tình trạng ung thư tại Việt Nam đang tăng tiến triển nhanh đến mức báo động; đồng thời phản ánh gánh nặng mà bệnh ung thư gây ra cho sức khỏe cộng đồng là rất lớn.

Những con số báo động về bệnh ung thư tại Việt Nam và thế giới

Tình trạng ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao do lối sống và dinh dưỡng kém lành mạnh

Vì sao ngày càng nhiều người mắc ung thư?

Dù xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống con người không ngừng được nâng cao, nhưng ngày càng có nhiều người bệnh mắc ung thư vì:

1. Nguyên nhân chủ quan

  • Lối sống kém lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, tiêu thụ một chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, sinh hoạt bất thường và tăng cân mất kiểm soát đều là những nguy cơ thúc đẩy ung thư tiến triển.
  • Môi trường ô nhiễm: Sự tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường, như khí thải từ xe cộ, hóa chất công nghiệp, hoặc phóng xạ, cũng có thể tăng rủi ro mắc ung thư.

2. Nguyên nhân khách quan

  • Sự tăng trưởng dân số: Tỷ lệ ung thư trên thế giới luôn dao động trong khoảng từ 0.07% (Nigeria) đến 0.33% (Đan Mạch) dân số. Do đó, việc tổng dân số trên thế giới không ngừng tăng lên cũng tạo ra một số lượng lớn hơn các trường hợp ung thư.
  • Tuổi tác: Lão hóa là một trong những tác nhân gây ung thư tự nhiên. Với việc tuổi thọ trung bình của con người tăng lên nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ vào việc cải thiện chất lượng sống, thì số lượng người mắc bệnh ung thư cũng tăng theo.
  • Phát hiện bệnh sớm: Các công nghệ y tế hiện đại đã cho phép chúng ta phát hiện và chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng số lượng trường hợp ung thư được ghi nhận.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mặc dù số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ sống sót sau khi mắc bệnh cũng đã tăng lên đáng kể nhờ việc áp dụng các tiến bộ y học kỹ thuật và phương pháp điều trị mới .

Có thể ngăn ngừa ung thư không?

Ung thư KHÔNG THỂ ĐƯỢC NGĂN NGỪA hoàn toàn bởi đây là một bệnh lý đa tác nhân. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể LÀM GIẢM NGUY CƠ ung thư của bản thân xuống đáng kể bằng cách kết hợp thực hiện 9 thói quen sống lành mạnh sau:

  • Tiêm phòng vắc-xin chống ung thư đầy đủ;
  • Hiểu rõ tiền sử bệnh lý của gia đình;
  • Thường xuyên vận động thể chất;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư từ sớm;
  • Ăn uống khoa học;
  • Duy trì cân nặng cân đối;
  • Tránh xa rượu bia;
  • Từ bỏ thuốc lá;
  • Bôi kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30 – 50% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng 9 biện pháp kể trên. Do đó, xây dựng lối sống lành mạnh chính là một cách phòng chống ung thư quan trọng, không thể thiếu trong kế hoạch phòng bệnh toàn diện của bạn.

Có thể ngăn ngừa ung thư không?

Duy trì một lối sống lành mạnh giúp làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư xuống 30 – 50%

Cách phòng chống ung thư từ 14 thói quen đơn giản

Bạn đang phân vân không biết đâu là cách phòng chống ung thư hiệu quả? Dưới đây là danh sách 14 cách phòng chống ung thư hữu hiệu được nhiều chuyên gia khuyến nghị:

1. Tiêm phòng vắc xin

Tiêm phòng vắc-xin là một cách phòng chống ung thư khoa học nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học đặc hiệu, giúp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể tạo ra phản ứng chống lại tế bào ung thư. Tiêm phòng vắc-xin cho hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa ung thư từ sớm. Trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như viêm gan siêu vi B, một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan. Việc tiêm ngừa vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa được đến 99% nguy cơ mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Trong khi đó, đối với bệnh ung thư cổ tử cung, vắc-xin HPV giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh này xuống tới 90%.

Trên thực tế, tiêm vắc-xin ung thư không chỉ được ứng dụng trong việc phòng ngừa viêm gan siêu vi B và ung thư cổ tử cung, mà còn có thể được áp dụng để ngăn ngừa nhiều loại ung thư khác, bao gồm: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang và các khối u ác tính khác do virus gây ra.

2. Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ không những là cách phòng chống ung thư chủ động dành cho người chưa mắc bệnh, mà còn góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở những người đã mắc bệnh. Bởi lẽ, bệnh ung thư dễ điều trị nhất khi được phát hiện sớm, và khám sức khỏe định kỳ chính là cách tốt nhất để thực hiện điều đó.

Ví dụ, theo các chuyên gia tại Đại học Texas, tầm soát ung thư vú và ung thư ruột kết giúp làm giảm lần lượt là 20% và 50% số ca tử vong khi mắc phải hai căn bệnh này. Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của nền y học; mọi người đều có thể tầm soát ung thư với kết quả chính xác và chi phí vô cùng hợp lý. Do đó, bạn hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tầm soát ung thư càng sớm càng tốt.

Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp nhận biết ung thư từ sớm

3. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa ung thư

Tiêu thụ một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu và hạt, có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Bởi lẽ, những thực phẩm này cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ DNA và ngăn chặn sự phát triển của khối u ác tính. Mặt khác, một số thực phẩm cũng chứa nhiều chất xơ và men vi sinh, có thể góp phần làm giảm nguy cơ ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày và đại trực tràng.

4. Tích cực luyện tập thể dục thể thao

Luyện tập thể dục thể thao có thể giúp ngăn ngừa ung thư thông qua 4 cơ chế sau:

  • Thứ nhất: Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ béo phì, một yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ của nhiều loại ung thư.
  • Thứ hai: Tập thể dục có thể cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Thứ ba: Tập thể dục giúp cơ thể điều hòa nồng độ các mức độ hormone như insulin và estrogen, điều này cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư liên quan đến 2 loại hóc-môn này, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thứ tư: Cuối cùng, tập thể dục có thể giúp cải thiện chức năng ruột, giảm thời gian tiếp xúc giữa phân với niêm mạc đại tràng; từ đó làm giảm nguy cơ gây ung thư đại tràng.

5. Kiểm soát cân nặng lý tưởng, tránh béo phì

Kiểm soát cân nặng và tránh béo phì giúp ngăn ngừa ung thư bởi vì béo phì có thể gây ra nhiều rối loạn tiêu cực trong cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư:

  • Thứ nhất: Béo phì khiến cơ thể tăng cường sản xuất một số hormone, như insulin và estrogen; điều này có thể kích thích sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thứ hai: Béo phì có thể gây ra gan nhiễm mỡ hoặc máu nhiễm mỡ, kích hoạt hàng loạt các phản ứng viêm trong cơ thể, gây tổn thương DNA và làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Thứ ba: Béo phì có thể làm suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư của cơ thể.

Do đó, kiểm soát cân nặng lý tưởng và tránh béo phì chính là “chìa khóa vàng” giúp bạn ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

Kiểm soát cân nặng lý tưởng, tránh béo phì giúp phòng chống ung thư

Kiểm soát cân nặng giúp ngăn ngừa nhiều nguy cơ ung thư do tình trạng thừa cân – béo phì gây ra

6. Bảo vệ cơ thể trước ánh nắng mặt trời

Bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời giúp ngăn ngừa ung thư da, bởi vì ánh nắng mặt trời chứa tia cực tím (UVB và UVC) có thể gây đột biến DNA và khởi phát ung thư. Ung thư tế bào hắc tố da (melanoma) và ung thư da biểu mô tế bào vảy là hai dạng ung thư phổ biến, thường xuất hiện trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Việc sử dụng kem chống nắng, đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay, và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

7. Không hút thuốc giúp phòng chống ung thư

Thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học khác nhau, trong đó có khoảng 70 hợp chất đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư. Khi hít phải khói thuốc, những chất này có thể gây hại cho mô và tế bào trong cơ thể, làm thay đổi DNA, dẫn đến đột biến và kích thích tế bào ung thư phát triển. Do đó, việc hạn chế hút thuốc giúp ngăn chặn sự tiếp xúc với những độc chất hóa học, giúp làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như: ung thư phổi, họng, miệng, thực quản, bàng quang và thậm chí cả ung thư dạ dày và cổ tử cung.

8. Tránh xa rượu bia để phòng ngừa ung thư

Rượu bia khi tiêu thụ, được cơ thể chuyển hóa thành một chất gây độc tế bào, gọi là acetaldehyde. Chất này có thể gây đột biến nhiễm sắc thể và phá hủy các sợi liên kết protein giữa các mô; từ đó làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Ngoài ra, rượu cũng làm tăng mức độ estrogen trong máu, gây nguy cơ cao hơn về ung thư vú ở phụ nữ. Việc tránh xa rượu bia giúp loại bỏ acetaldehyde ra khỏi cơ thể; từ đó giúp ngăn ngừa ung thư.

9. Tránh những hoạt động có nguy cơ gây ung thư

Tránh các hoạt động có nguy cơ gây ung thư giúp ngăn chặn sự tiếp xúc của cơ thể với các hóa chất độc hại; từ đó bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa ung thư toàn diện. Một số hoạt động có nguy cơ cao gây ung thư bao gồm: hút thuốc, tiêu thụ rượu bia quá mức, tiếp xúc với chất gây ung thư ở nơi làm việc (như amiang từ khoáng chất trong vật liệu xây dựng, thuốc sơn, hóa chất công nghiệp), tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, tiêu thụ thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chế biến sẵn hoặc được chế biến ở nhiệt độ cao.

Tránh những hoạt động có nguy cơ gây ung thư

Thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi và khí thải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư

10. Tránh tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp và công nghiệp

Các hóa chất nông nghiệp và công nghiệp, như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, và các chất phụ gia có trong thực phẩm, có thể chứa các chất gây ung thư. Việc hấp thụ hay tiếp xúc với các chất này có thể gây rối loạn quá trình tăng trưởng bình thường của tế bào và kích hoạt ung thư.

Ví dụ, các chất như amiang, benzene, vinyl chloride và những chất tạo ra trong quá trình sản xuất cao su, thuốc nhuộm, hay mực in, đều đã được xác định là có nguy cơ gây ung thư. Việc tránh tiếp xúc với những hóa chất này giúp bạn đảm bảo an toàn sức khỏe và giảm thiểu rủi ro phát triển ung thư một cách đáng kể.

11. Tránh tiếp xúc với các tia bức xạ có hại

Bức xạ là chùm tia phóng xạ mang năng lượng cao, tập trung, có thể phá hủy DNA trong tế bào kích thích khối u tăng sinh mất kiểm soát. Một số nguồn bức xạ nguy hiểm bao gồm tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, tia bức xạ từ các thiết bị y tế như máy chụp X-quang, máy chụp quang phổ cắt lớp mà các máy xạ trị ung thư. Việc tránh tiếp xúc với các nguồn bức xạ này, như hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian cao điểm, sử dụng kem chống nắng, và chỉ tiếp xúc với bức xạ y tế khi thực sự cần thiết, có thể bạn giúp ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

12. Không thức khuya là một cách giúp phòng ngừa ung thư

Việc thức khuya có thể gây rối loạn cho chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể và kích thích ung thư tiến triển theo 3 cơ chế sau:

  • Thứ nhất: Thức khuya làm cơ thể căng thẳng, tăng sản xuất cortisol, một loại hormone có thể gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Thứ hai: Thiếu ngủ dễ khiến bạn nhanh đói, uể oải, thèm ăn và dẫn đến béo phì; từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Thứ ba: Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc thức khuya và làm việc theo ca đêm có thể làm giảm sản xuất melatonin, một hormone có vai trò trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Do đó, không thức khuya, ngủ đúng giờ cũng là một cách phòng chống ung thư hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện.

Không thức khuya là một cách giúp phòng ngừa ung thư

Ngủ đúng giờ giúp ngăn ngừa ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau

13. Giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng khí

Việc giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng khí giúp ngăn ngừa ung thư bởi vì nó giảm tiếp xúc với các chất độc hại, có nguy cơ cao gây ung thư như bụi, mốc, nấm, khói từ việc nấu nướng và các chất gây dị ứng khác. Việc thường xuyên tiếp xúc với các chất này có thể gây kích ứng, khiến cơ thể bị viêm nhiễm và thúc đẩy ung thư tiến triển.

Bên cạnh đó, việc giữ nhà cửa sạch sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống lại các bệnh tật. Bạn có thể giữ cho nhà cửa sạch sẽ và thoáng khí bằng cách dùng máy hút mùi cho nhà bếp, mở máy lọc không khí, mở cửa sổ cho nhà cửa thoáng đãng và thường xuyên lau chùi nhà cửa định kỳ để bảo vệ sức khỏe toàn diện.

14. Giữ tâm trạng tốt là một cách phòng chống ung thư lâu dài

Căng thẳng khiến cơ thể tiết ra nhiều cortisol, một loại hormone có thể kích thích tế bào sản xuất ra nhiều cytokine gây viêm, làm suy yếu các phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Ngược lại, việc duy trì tâm trạng tốt và giữ tư duy lạc quan giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tổng thể, và tăng khả năng của cơ thể trong việc chống lại bệnh tật, bao gồm cả ung thư.

Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư?

Nếu nghi ngờ mắc bệnh ung thư, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Nhận biết triệu chứng: Một số dấu hiệu phổ biến của ung thư có thể bao gồm: giảm cân không rõ nguyên nhân; sốt, mệt mỏi, uể oải; rối loạn tiêu hóa; khó khăn trong việc nuốt, đi tiêu, chuyển động cơ thể và sinh hoạt; thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc của một số cơ quan; cảm giác đau nhói không thuyên giảm ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể; ho khan hoặc khó thở kéo dài; có sự thay đổi trong giọng nói;…
  • Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt: Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường kể trên, bạn hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu gần nhất để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
  • Xét nghiệm chi tiết: Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện nhiều xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu; chụp X-quang, siêu âm, MRI hoặc sinh thiết để xác định vị trí, tính chất và mức độ của khối u.
  • Điều trị theo chỉ định: Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một phác đồ điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hoặc liệu pháp miễn dịch để loại bỏ tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.
  • Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng: Đây là một phần quan trọng của quá trình điều trị ung thư, giúp giảm đau, cải thiện các tác dụng phụ phổ biến sau điều trị và tăng cường chất lượng cuộc sống.
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư?

Gặp bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường

Trên đây là những thông tin quan trọng về 14 cách phòng tránh ung thư hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết cách phối hợp cùng lúc nhiều cách phòng chống ung thư với nhau để tăng cường hiệu quả ngăn ngừa bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến công tác phòng ngừa ung thư, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đến chuyên khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh để được tư vấn sớm nhất.

Tóm lại, tầm soát ung thư định kỳ chính là một trong nhiều cách phòng chống ung thư hiệu quả. Để đặt lịch khám sàng lọc ung thư tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội). Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
20:49 12/08/2023