31 loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư bạn nên ăn mỗi ngày

12/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Lựa chọn đúng thực phẩm ngăn ngừa ung thư trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp bạn chống lại sự tấn công của căn bệnh nguy hiểm này. Ngay trong bài viết sau, các chuyên gia tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ giới thiệu đến bạn các loại thực phẩm ngừa ung thư, thường được xem là những “liều thuốc” phòng chống ung thư hiệu quả đến từ tự nhiên. Các loại thực phẩm này không chỉ ngon miệng, giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và dưỡng chất quan trọng khác; mà còn giúp bạn phòng tránh ung thư và tăng cường sức khỏe toàn diện.

31 loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư bạn nên ăn mỗi ngày

Đâu là danh sách các loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư hiệu quả được chuyên gia khuyên dùng?

Chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ ung thư không?

Chế độ ăn uống HOÀN TOÀN CÓ THỂ làm giảm nguy cơ ung thư. Cụ thể, ăn uống lành mạnh giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư theo 3 cơ chế khác nhau:

  • Thứ nhất: Tiêu thụ thức ăn giàu chất chống oxy hóa (rau củ quả, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, thủy hải sản) giúp cơ thể ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do, giảm viêm và sửa chữa những thương tổn của DNA – nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư.
  • Thứ hai: Tiêu thụ thực phẩm một cách có chọn lọc giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân – béo phì; từ đó, giúp bạn phòng tránh 13 loại ung thư khác nhau có liên quan đến tình trạng tăng cân mất kiểm soát, bao gồm: ung thư vú, ruột, thận, gan, nội mạc tử cung, buồng trứng, dạ dày, tuyến giáp, thực quản, túi mật, tuyến tụy, đa u tủy và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thứ ba: Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ giúp cải thiện vi khuẩn đường ruột, từ đó bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, đặc biệt là ung thư có liên quan đến hệ tiêu hóa.

Ăn gì để tránh ung thư?

Để tránh ung thư, bạn cần ăn nhiều rau củ, trái cây và chất béo lành mạnh; đồng thời, kiểm soát lượng đường, muối và hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia. Cụ thể:

1. Ăn nhiều trái cây và rau củ

Trái cây và rau củ được xem là thực phẩm ngăn ngừa ung thư hàng đầu vì chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ. Cụ thể:

  • Các chất chống oxy hóa: Chẳng hạn như vitamin A, C, E, carotenoids, axit phenolics, flavonoids, glucosinolates,… giúp ngăn chặn tác động của các gốc tự do trong cơ thể, bảo vệ DNA và giảm thiểu nguy cơ ung thư.
  • Chất xơ: Giúp hạn chế hấp thụ chất béo, cải thiện lợi khuẩn đường ruột; từ đó, giảm nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến dạ dày, ruột non và đại trực tràng.

2. Kiểm soát lượng đường bổ sung

Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ thúc đẩy cơ thể khởi phát hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: thừa cân – béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… Tất cả đều là những tác nhân hàng đầu kích thích ung thư tiến triển. Trong đó:

  • Thừa cân – béo phì: Đã được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổ biến trên toàn thế giới, khiến bạn tăng nguy cơ đối mặt với 13 loại ung thư khác nhau, trong đó bao gồm: ung thư vú sau mãn kinh, đại trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, tụy, thận, gan, dạ dày, túi mật, buồng trứng, tuyến giáp, đa u tủy và u màng não.
  • Đái tháo đường: Làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, tuyến tụy, nội mạc tử cung, ruột kết, trực tràng, vú và bàng quang.
  • Gan nhiễm mỡ: Làm tăng nguy cơ ung thư gan và đại trực tràng;
  • Máu nhiễm mỡ: Làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết, trực tràng, tuyến tiền liệt và tinh hoàn.

Do đó, kiểm soát lượng đường trong thực phẩm (tiêu thụ dưới 25g đường / ngày) là điều cần thiết để giúp bạn duy trì một sức khỏe tối ưu, hạn chế nhiều rủi ro thúc đẩy ung thư khởi phát.

Ăn gì để tránh ung thư? Tránh thực phẩm chứa đường bổ sung

Giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày hỗ trợ ngăn ngừa ung thư hiệu quả

3. Cân nhắc bổ sung vitamin D

Theo nghiên cứu, có nhiều hơn 1000 bằng chứng cho thấy bổ sung vitamin D có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc các loại ung thư khác nhau, bao gồm: ung thư ruột kết, vú, tuyến tiền liệt và buồng trứng. Vì thế, trong khẩu phần ăn hàng ngày, bạn nên lưu ý bổ sung đủ thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như: sữa tách béo, các loại hạt và mỡ cá béo.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một người Việt Nam trưởng thành nên tiêu thụ từ 15 – 20 mcg vitamin D / ngày, tức tương đương với hàm lượng 600 – 800 IU vitamin D / ngày. Bổ sung vitamin D đúng như hàm lượng khuyến cáo giúp bạn duy trì một thể chất khỏe mạnh và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

4. Ăn nhiều chất xơ

Ăn nhiều chất xơ có thể giúp bạn chống lại ung thư vì chất xơ có đặc tính:

  • Nhuận tràng: Tiêu thụ chất xơ giúp cơ thể loại bỏ chất độc hại (phân) ra khỏi cơ thể dễ dàng; từ đó, giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả.
  • Hạn chế hấp thụ chất béo: Chất xơ hòa tan pectin chứa nhiều trong rau củ quả, có khả năng tạo thành một lớp màng nhầy bám trên thành ruột, hạn chế cơ thể hấp thụ quá nhiều calo, đặc biệt là các loại chất béo xấu như trans fat và cholesterol. Từ đó, tiêu thụ nhiều chất xơ có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng và phòng ngừa 13 loại ung thư khác nhau có liên quan đến tình trạng thừa cân – béo phì.
  • Ổn định đường huyết: Chất xơ giúp điều hòa đường huyết, ngăn chặn bệnh tiểu đường – một trong những tác nhân hàng đầu kích hoạt hàng loạt các mầm bệnh ung thư khác nhau trong cơ thể.

Do đó, bạn nên bổ sung vào khẩu phần ăn của mình các loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư giàu chất xơ, chẳng hạn như: rau lá xanh, các loại củ, hoa quả tươi, hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

5. Cắt giảm rượu bia

Rượu bia chứa nhiều cồn. Vào hệ tiêu hóa, cồn sẽ được chuyển hóa thành axit acetic để cơ thể bài tiết ra bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuyển cồn thành axit axetic có thể làm gia tăng căng thẳng oxy hóa, gây đột biến DNA và dẫn đến nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư gan, ruột kết, đại trực tràng, miệng và hầu họng. Vì thế, bằng cách cắt giảm hoặc tránh tiêu thụ rượu bia, bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ ung thư và bảo vệ sức khỏe của mình.

6. Ăn ít muối

Kết quả của nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng, tiêu thụ một chế độ ăn mặn, chứa nhiều thực phẩm ngâm muối có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, mũi và họng. Mặt khác, tiêu thụ một hàm lượng muối cao (nhiều hơn 5g / ngày) còn là một tác nhân làm gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư vú, phổi, thực quản, cổ họng, thanh quản, ruột già, trực tràng và bàng quang.

7. Ăn chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh là những axit không bão hòa đơn (MUFA) và axit béo không bão hòa đa (PUFA). Các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy rằng các loại axit béo kể trên hoàn toàn có thể giúp cơ thể kháng viêm; từ đó hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, ruột kết, trực tràng, miệng – hầu họng một cách hiệu quả. Chất béo lành mạnh thường chứa nhiều trong dầu thực vật, quả bơ, các loại hạt, đậu và mỡ cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, v.vv…).

Ăn chất béo lành mạnh giúp ngăn ngừa ung thư

Chất béo lành mạnh thường chứa nhiều trong dầu thực vật, quả bơ, các loại hạt, đậu và mỡ cá béo

31 loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư hàng đầu

Dưới đây là danh sách 31 thực phẩm ngăn ngừa ung thư hàng đầu mà bạn không nên bỏ lỡ:

1. Bông cải (súp lơ)

Trong bông cải, đặc biệt là bông cải xanh, chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa sulforaphane. Nghiên cứu cho thấy, hợp chất sulforaphane trong bông cải có thể hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị các bệnh ung thư khác nhau như: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư ruột kết, da, bàng quang tiết niệu và ung thư miệng.

2. Cà rốt

Phần lớn công dụng ngừa ung thư của cà rốt đều đến từ hợp chất chống oxy hóa beta-carotene và hàm lượng chất xơ dồi dào chứa trong loại củ này. Theo nghiên cứu, những người ăn nhiều hơn 32g cà rốt sống mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 17% so với cho những người không ăn cà rốt sống. Khẩu phần này tương đương với việc bạn chỉ cần ăn từ 2 – 4 củ cà rốt sống mỗi tuần là đã đủ để có thể nhận được tác dụng phòng chống ung thư rõ rệt từ chúng.

3. Các loại đậu

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng,…) đều chứa nhiều chất xơ, tinh bột kháng và các hợp chất chống oxy hóa phenolics. Nhờ đó, tiêu thụ các loại đậu giúp tăng cường sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả. Đặc biệt, đậu còn chứa nhiều folate (vitamin B9), giúp ức chế các gen thúc đẩy ung thư và bảo vệ tế bào cơ thể khỏe mạnh.

4. Quả mọng

Các loại quả mọng (việt quất, mâm xôi, dâu tây, cherry,…) là thành phần không thể thiếu trong danh sách các thực phẩm ngăn ngừa ung thư của chúng ta hôm nay, bởi chúng chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa polyphenols và anthocyanin. Nghiên cứu cho thấy, những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương tế bào có thể dẫn đến ung thư da, ung thư bàng quang, ruột kế, phổi, vú và thực quản.

5. Quế

Quế, đặc biệt là phần vỏ quế, chứa nhiều hợp chất phenolics được chứng minh là có tác dụng phòng chống ung thư thông qua việc ảnh hưởng đến nhiều con đường liên quan đến quá trình tự hủy (chết theo chu trình) của tế bào khối u. Mặt khác, tiêu thụ quế còn hỗ trợ cơ thể kháng viêm, chống nhiễm khuẩn và ngừa nguy cơ tiểu đường – tất cả đều là những tác nhân có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong cơ thể.

thực phẩm ngăn ngừa ung thư, quế

Vỏ cây quế là thực phẩm ngăn ngừa ung thư chứa nhiều chất chống oxy hóa

6. Các loại hạt

Các loại hạt (hạt óc chó, hạt vừng, hạt hạnh nhân,….) chứa nhiều chất xơ, folate và các hợp chất chống oxy hóa polyphenols. Báo cáo từ hơn 33 nghiên cứu khác nhau cho thấy, bổ sung thêm 20g các loại hạt bất kỳ vào khẩu ăn mỗi ngày có thể giúp bạn giảm thiểu được 10% nguy cơ khởi phát các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, dạ dày và tuyến tụy.

7. Dầu ô liu

Dầu ô-liu chứa nhiều hydroxytyrosol – một hợp chất chống oxy hóa có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tế bào khối u, ngăn chặn chúng nhân lên và lan rộng khắp cơ thể. Nhờ đó, tiêu thụ dầu ô liu được chứng minh là có tác dụng làm giảm đến 54% nguy cơ ung thư đường tiết niệu, 33% nguy cơ ung thư vú, 23% nguy cơ ung thư dạ dày – ruột non và 26% nguy cơ ung thư đường tiêu hóa trên (bao gồm mũi, cổ họng, thanh quản, khí quản, phổi và ống nuốt).

8. Nghệ

Nghệ chứa nhiều curcumin – một hợp chất được chứng minh là có tác dụng chống ung thư trong các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Tác dụng chống ung thư của curcumin bao gồm ức chế quá trình sinh ung thư, ức chế sự hình thành mạch máu mới ở tế bào khối u; từ đó ngăn ngừa ung thư di căn mất kiểm soát. Không những thế, cucurmin còn làm tăng hiệu quả của hóa trị / xạ trị, giúp giảm thiểu tác dụng phụ sau điều trị và góp phần gia tăng tiên lượng sống cho người bệnh.

9. Cam quýt

Cam quýt, đặc biệt là phần vỏ, chứa nhiều hợp chất flavonoids, được chứng minh là khả năng can thiệp vào quá trình tăng sinh tế bào, điều hòa chu kỳ sống và chết theo chu trình của tế bào; từ đó ngăn ngừa ung thư khởi phát và di căn. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ cam quýt hàng ngày giúp bạn giảm được 11% nguy cơ ung thư tổng thể, đặc biệt là giảm đến 49.38% nguy cơ ung thư tuyến tụy và 49.37% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

10. Hạt lanh

Hạt lanh là một thực phẩm phòng tránh ung thư mà bạn không nên bỏ qua bởi chúng chứa nhiều lignans – một hóa chất thực vật có cấu trúc tương tự như hóc môn estrogen trong cơ thể người. Nhờ đó, tiêu thụ hạt lanh giúp cân bằng sự ảnh hưởng tiêu cực của việc dư thừa estrogen trong cơ thể – là tác nhân hàng đầu gây ung thư vú ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ 25 gam hạt lanh mỗi ngày trong vòng 7 – 16 tuần được chứng minh là có thể làm giảm sự phát triển khối u trong ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

thực phẩm ngừa ung thư, hạt lanh

Hạt lanh chứa nhiều chất chống oxy hóa lignans, giúp ngừa ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt

11. Cà chua

Cà chua chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa lycopene. Nghiên cứu cho thấy, lycopene chống ung thư bằng cách can thiệp vào sự di chuyển, xâm lấn, hình thành mạch máu, điều hòa môi trường nội bào khối u bằng cách tăng cường quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư. Theo các thử nghiệm lâm sàng, lycopene trong cà chua hoàn toàn có thể ức chế được sự phát triển tế bào ung thư ở gan, phổi, tuyến tiền liệt, vú và ruột kết.

12. Tỏi

Tỏi chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ mang tên allicin. Trong các nghiên cứu học phân tử, tác động của allicin đã được đánh giá là có khả năng kích thích chu trình chết của các tế bào ung thư ác tính diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là ung thư có liên quan đến hệ tiêu hóa. Có thể nói, tỏi xứng đáng là một thực phẩm ngăn ngừa ung thư “quốc dân” bởi giá thành rẻ, dễ được tìm mua, trong khi tác dụng ngăn ngừa ung thư rõ rệt đã được nhiều nghiên cứu uy tín bảo chứng.

13. Cá béo

Cá béo là những loại cá sống ở vùng biển lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,… Trong cá béo chứa nhiều omega-3 – một loại loại axit béo lành mạnh có đặc tính kháng viêm tế bào, từ đó hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa ung thư tái phát. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, hàm lượng EPA và DHA cao trong omega-3 có thể làm giảm đến 25% nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú. Do đó, có thể nói, cá béo là nhóm thực phẩm ngăn ngừa ung thư quan trọng, không thể thiếu trong khẩu phần ăn của mọi người, đặc biệt là nữ giới.

14. Trà xanh

Trà xanh chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa polyphenols và catechins, trong đó nổi bật nhất là hợp chất EGCG. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ 1200ml trà xanh mỗi ngày có thể làm chậm (trì hoãn) quá trình phát triển ung thư xuống 7.3 năm ở nữ và 3.2 năm ở nam; từ đó hỗ trợ cơ thể ngăn ngừa ung thư nguyên phát. Đặc biệt, uống trà xanh tự nhiên, khi kết hợp dùng thêm viên uống chứa chiết xuất trà xanh (GTE), cho thấy hiệu quả làm giảm 51.6% nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân cắt polyp.

15. Cải Kale

Cải xoăn (kale) có chứa nhiều vitamin A, C, E, carotenoids, polyphenols, sulfides và glucosinolates – một nhóm các hợp chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các gốc tự do làm tổn thương tế bào, gây đột biến DNA và khởi phát các bệnh ung thư. Nhờ đó, bổ sung cải xoăn vào khẩu phần ăn được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa ung thư vúung thư nguyên bào thần kinh hiệu quả.

ăn gì để tránh ung thư, cải xoăn

Cải xoăn chứa nhiều vitamin A, C, E, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa ung thư phát triển

16. Táo

Táo chứa nhiều hợp chất phenolics (flavonoid và phenolic acid), có tác dụng điều chỉnh chu trình sinh – diệt của tế bào, kháng viêm, bảo vệ DNA; từ đó hỗ trợ ngăn ngừa nhiều loại ung thư khác nhau. Theo nghiên cứu, bổ sung táo vào khẩu phần ăn hoàn toàn có thể giúp bạn ngăn ngừa được các loại ung thư như: ung thư đại trực tràng, khoang miệng, hầu họng, thực quản, thanh quản, buồng trứng, thận, tuyến tiền liệt, vú, phổi và tuyến tụy.

17. Yến mạch

Yến mạch là thực phẩm phòng ngừa ung thư chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như polyphenols, flavonoids và saponins. Nghiên cứu cho thấy, bổ sung yến mạch vào khẩu phần ăn có thể giúp bạn giảm 10% nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó bao gồm: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, vú và nội mạc tử cung.

18. Nho

Nho chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như resveratrol, anthocyanins, catechins, procyanidins, phenolic acids và flavonoids. Mỗi 100g nho tươi chứa khoảng 63 – 182 mg các thành phần này. Nhờ đó, tiêu thụ nho giúp cơ thể chống oxy hóa, ngăn ngừa đột biến DNA, thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của tế bào ung thư và ngăn chặn khối u di căn​.

Nghiên cứu cho thấy, nho còn có thể tác động lên các thụ thể estrogen (ER), giúp ngăn chặn sự phát triển của các loại ung thư liên quan đến sự hoạt động quá mức của loại hóc-môn này, chẳng hạn như ung thư vú ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam.

19. Lúa mạch

Lúa mạch giúp ngăn ngừa ung thư bằng cách tăng cường sản xuất các gốc tự do oxy hóa (ROS) trong tế bào ung thư và rút ngắn vòng đời của chúng. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy, lúa mạch có khả năng ức chế sự tiến triển (di căn) của khối u, đặc biệt là trong ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.

20. Cherry

Cherry giúp ngăn ngừa ung thư nhờ chứa nhiều axit phenolic và anthocyanin – “bộ đôi” hợp chất chống oxy hóa có khả năng giảm viêm và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách thúc đẩy quá trình tự hủy của chúng. Trong khi đó, hợp chất melatonin trong cherry lại giúp cơ thể sửa chữa DNA, hỗ trợ ngăn ngừa sớm ung thư đường tiêu hóa nói chung, bao gồm: ung thư miệng, hầu họng – thanh quản; thực quản; phổi; dạ dày và đại trực tràng.

các thực phẩm ngăn ngừa ung thư, cherry

Cherry chứa nhiều axit phenolic và anthocyanin, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh ung thư đường tiêu hóa

21. Cà phê

Cà phê được biết đến là loại thực phẩm phòng tránh ung thư hiệu quả nhờ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa thuộc nhóm polyphenols, bao gồm: caffein, cafestol, kahweol và axit chlorogenic. Các hợp chất này đã được chứng minh có khả năng giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, ngăn chặn tổn thương tế bào, sửa chữa DNA; từ đó, hỗ trợ cơ thể ức chế sự khởi phát của 10 loại bệnh ung thư khác nhau, bao gồm: ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày, tuyến tụy, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, vú, buồng trứng và nội mạc tử cung.

22. Hạt óc chó

Quả óc chó là một nguồn giàu chất chống oxy hóa, bao gồm melatonin, gamma-tocopherol (vitamin E) và carotenoids. Quả óc chó cũng chứa nhiều phytosterol khác nhau, đặc biệt là beta-sitosterol, polyphenols bao gồm ellagitannin và chất xơ. Kết hợp lại với nhau, trong các thí nghiệm lâm sàng, tiêu thụ quả óc chó đã cho thấy khả năng làm giảm đáng kể sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, tuyến tụy và ung thư ruột kết.

23. Hạt chia

Hạt chia có thể giúp ngăn ngừa ung thư thông qua 3 cơ chế:

  • Thứ nhất: Hạt chia giàu axit béo omega-3, có khả năng chống viêm và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Thứ hai: Hạt chia chứa chất chống oxy hóa như polyphenol và lignan, giúp ngăn chặn tổn thương gốc tự do và giảm nguy cơ ung thư.
  • Thứ ba: Hạt chia cũng chứa chất xơ cao, giúp tăng cường chức năng ruột và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tóm lại, hạt chia là một thực phẩm ngăn ngừa ung thư lý tưởng mà bạn không nên bỏ qua nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết ăn gì để tránh ung thư hiệu quả.

24. Gạo lứt

Gạo lứt là một thực phẩm ngăn ngừa ung thư hiệu quả nhờ chứa nhiều chất xơ, vitamin, selen và các hợp chất chống oxy hóa mạnh như tricin, axit caffeic, axit ferulic và gamma-oryzanol. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ăn 3 khẩu phần gạo lứt mỗi ngày (350 gam / ngày) có khả năng ít bị ung thư vú hơn 33% so với những phụ nữ ăn 1 khẩu phần gạo lứt trở xuống mỗi ngày. Trong danh sách các thực phẩm ngăn ngừa ung thư hiệu quả, gạo lứt thuộc nhóm nguyên liệu có giá thành rẻ nên hoàn toàn thích hợp để bạn tiêu thụ hàng ngày.

thực phẩm phòng ngừa ung thư, gạo lứt

Gạo lứt hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú khi tiêu thụ với khẩu phần 350g mỗi ngày

25. Sữa

Sữa có thể giúp ngăn ngừa ung thư nhờ chứa nhiều canxi, protein và vitamin D. Cụ thể:

  • Canxi: Giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào và ngăn ngừa sự biến đổi tế bào khối u.
  • Protein: Giúp cung cấp các axit amin cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa tế bào.
  • Vitamin D: Giúp củng cố hệ thống miễn dịch; từ đó gián tiếp hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, sữa còn chứa hơn 11 loại vitamin và 7 khoáng chất khác nhau, giúp cơ thể kháng viêm, chống oxy hóa và nâng cao sức khỏe toàn diện.

26. Sữa chua

Được làm từ sữa lên men nên sữa chua cũng là một nguồn thực phẩm giàu canxi, protein và vitamin D. Các chất này có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phục hồi tế bào. Ngoài ra, sữa chua còn chứa các loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột, như Lactobacillus và Bifidobacterium; giúp tăng cường hệ miễn dịch, duy trì cân bằng lợi khuẩn đường ruột và ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

27. Các thức ăn làm từ đậu nành

Đậu nành và các sản phẩm là từ đậu nành (đậu hũ, sữa đậu nành, mì căn,…) là một phần không thể thiếu trong danh sách các thực phẩm phòng ngừa ung thư hữu hiệu. Bởi lẽ, trong đậu nành chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa isoflavone, genistein, daidzein. Nhờ đó, tiêu thụ các thức ăn làm từ đậu nành giúp cơ thể kháng viêm, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do; từ đó, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

28. Atiso

Atiso giúp cơ thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách kiểm soát chu trình sinh – diệt và ngộ độc tế bào. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy, sự hiện diện của các hợp chất chống oxy hóa mạnh như cynarin, silymarin, polyphenols, flavonoids, axit béo và inulin góp phần gây ngộ độc tế bào ung thư, đặc biệt là đối với các tế bào ung thư da, vú, cổ tử cung, máu và ung thư biểu mô tế bào gan.

29. Quả bơ

Một nghiên cứu tiến hành với 45 289 người đàn ông cho thấy việc tiêu thụ ít nhất 1 phần bơ mỗi tuần có thể giảm 15% rủi ro mắc bệnh ung thư tổng thể, 29% nguy cơ ung thư đại tràng / phổi và 28% nguy cơ ung thư bàng quang. Nhờ chứa nhiều vitamin E, axit béo omega-3 và các hợp chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoids, tiêu thụ bơ giúp ngăn chặn chu kỳ phân chia tế của bào ung thư; từ đó, ức chế sự phát triển và gây ra quá trình đột tử của các dòng tế bào tiền ung thư.

thực phẩm phòng tránh ung thư, quả bơ

Tiêu thụ ít nhất 1 quả bơ mỗi tuần hỗ trợ giảm 10% nguy cơ ung thư tổng thể

30. Khoai lang

Theo nghiên cứu, một số hợp chất có tên octadecyl coumarate, 7-hydroxycoumarin và 6-methoxy-7-hydroxycoumarin tồn tại trong vỏ khoai lang đã cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư ở nhiều vị trí như vú, ruột, buồng trứng, phổi, và vùng đầu – cổ trên cơ thể người. Mặt khác, với giá thành rẻ, khoai lang xứng đáng thực phẩm ngăn ngừa ung thư “quốc dân”, không thể thiếu trong danh sách các thực phẩm ngừa ung thư dành cho mọi người.

31. Gừng

Nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất kháng viêm (gingerol và shogaol), gừng được chứng minh là có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách kích thích chu trình chết tự nhiên của chúng. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật cho thấy, gừng có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư da, buồng trứng, ruột kết, vú, cổ tử cung, miệng, thận, tuyến tiền liệt, dạ dày, tuyến tụy, gan và thậm chí là ung thư não.

Có thể làm gì để ngừa ung thư?

Hiện nay, không có bất kỳ phương pháp, liều thuốc hay bất kỳ loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư nào có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư một cách triệt để. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp việc cải thiện lối sống với một chương trình vận động, ăn uống và sinh hoạt hợp lý, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư xuống mức thấp nhất. Cụ thể:

1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Cân nặng khỏe mạnh được định nghĩa là khi lấy trọng lượng (theo đơn vị kilogram) của bạn chia cho bình phương của chiều cao (theo đơn vị mét), kết quả tính được phải nằm trong khoảng từ 19 – 23. Nếu thương số chia ra nhỏ hơn 19, bạn có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu thương số lớn hơn 23, bạn có nguy cơ cao bị thừa cân – béo phì.

Song, dù là suy dinh dưỡng hay thừa cân – béo phì, bạn đều phải đối mặt với nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường. Nguyên nhân là vì:

  • Suy dinh dưỡng: Sự thiếu hụt năng lượng, vitamin và khoáng chất làm cơ thể suy nhược, không đủ sức đề kháng để chống lại sự tấn công của các gốc tự do, độc tố và vi khuẩn gây ung thư; từ đó, làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Thừa cân – béo phì: Lượng mỡ dư thừa khiến cơ thể tăng sản xuất hormone, gây viêm và làm tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư khác nhau.

Do đó, duy trì cân nặng bằng cách ăn uống có chọn lọc, ngủ đủ giấc và tăng cường vận động sẽ giúp bạn phòng ngừa ung thư hiệu quả.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp ngăn ngừa ung thư

Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp bạn ngăn ngừa nhiều nhóm bệnh ung thư do tình trạng thừa cân – béo phì gây nên

2. Hoạt động thể chất

Vận động thể chất còn giúp bạn kiểm soát hormone, tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng; từ đó, giúp cơ thể ức chế sự khởi phát của tế bào ung thư. Tuy nhiên, để nhận được đầy đủ lợi ích sức khỏe từ những hoạt động thể chất, bạn nên tập thể dục với cường độ vừa phải (chạy bộ, đạp xe,…) ít nhất 150 phút / tuần hoặc vận động nặng (tập tạ) ít nhất 75 phút / tuần. Đặc biệt, bạn cũng không nên tập luyện quá sức (nhiều hơn 540 phút / tuần) hoặc tập liên tục mà không có ngày nghỉ để cơ thể hồi phục.

3. Tránh thuốc lá và phơi nắng quá mức

Tránh thuốc lá và phơi nắng giúp ngăn ngừa ung thư vì cả hai đều gây hại cho DNA. Thuốc lá chứa hàng trăm hóa chất độc hại, trong đó có đến 70 chất được chứng minh là có khả năng gây ung thư và làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Mặt khác, phơi nắng quá mức, đặc biệt là không bảo vệ da khỏi tia UV, có thể gây tổn thương DNA trong tế bào da, dẫn đến sự khởi phát ung thư da. Do đó, tránh thuốc lá và hạn chế phơi nắng là những cách hiệu quả bạn hạ thấp nguy cơ mắc ung thư của mình.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về các biện pháp phòng ngừa ung thư mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được đâu là thực phẩm ngừa ung thư hiệu quả để kịp thời bổ sung vào khẩu phần ăn của mình. Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết cách đưa các loại thực phẩm ngăn ngừa ung thư vào thực đơn dinh dưỡng sao cho đúng, bạn hãy chủ động liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
20:48 12/08/2023