Ung thư: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

10/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nhiều người tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ung thư, dù là ở độ tuổi, giới tính nào. Việc chữa trị ung thư cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn muộn, bệnh thường có tiên lượng xấu. Do đó, mọi người cần biết rõ ung thư là gì, nguyên nhân nào gây bệnh để có thể chủ động ngăn ngừa, tầm soát từ sớm.

Ung thư: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ung thư vô cùng nguy hiểm, mọi người cần biết nguyên nhân gây bệnh để chủ động phòng ngừa

Ung thư là gì?

Ung thư là nhóm các bệnh lý liên quan đến việc tế bào tăng sinh mất kiểm soát, có khả năng xâm lấn vào những mô khác thông qua cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hay di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể (di căn). Không phải khối u nào cũng là khối u ác tính (ung thư). Một số khối u thuộc nhóm lành tính, tức là khối u không xâm lấn vào những bộ phận khác trong cơ thể, không có quá trình tiến triển ác tính.

Bệnh K là cách gọi khác của bệnh ung thư. Trong tiếng Anh, căn bệnh này được viết là “cancer”. Phiên âm của từ “cancer” là /’kansər/, âm k đứng đầu trong cách phát âm thay vì âm c. Vì thế, tại các bệnh viện, bác sĩ có thể gọi ung thư là K.

Ước tính thế giới có khoảng 90.5 triệu người mắc bệnh ung thư vào năm 2015. Tính đến năm 2018, thế giới ghi nhận thêm 18,1 triệu ca mắc mới. Năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận 182.563 ca mắc ung thư mới trong năm 2020. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư chuẩn hóa theo tuổi là 159.7 trên 100.000 dân năm 2020, đứng thứ 95 trên tổng số 185 quốc gia.

ung thư là gì, u ác tính, bệnh K, Cancer

Ung thư liên quan đến việc tế bào tăng sinh mất kiểm soát, xâm lấn vào các mô lân cận hay di chuyển đến những cơ quan khác

Dấu hiệu ung thư

Khi mới xuất hiện, ung thư thường không gây ra triệu chứng gì. Các dấu hiệu ung thư bắt đầu xuất hiện khi khối u bị loét hoặc lớn dần. Dưới đây là những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh ung thư:

1. Triệu chứng cục bộ

Triệu chứng cục bộ có thể xuất hiện do khối u hay tình trạng loét của khối u gây ra. Một số ví dụ về triệu chứng cục bộ phải kể đến gồm có:

  • Triệu chứng cục bộ do khối u phổi: Khối u ung thư phổi có thể chèn vào phế quản khiến người bệnh bị viêm phổi, ho.
  • Triệu chứng cục bộ do khối u thực quản: Ung thư thực quản có thể khiến thực quản bị hẹp, khiến người bệnh cảm thấy đau, gặp khó khăn khi nuốt.
  • Triệu chứng cục bộ do khối u đại trực tràng: Ung thư đại trực tràng có thể làm ruột bị hẹp, tắc nghẽn khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện.
  • Triệu chứng cục bộ do khối u vú/tinh hoàn: Ung thư vú/tinh hoàn có thể tạo ra những cục u quan sát được dễ dàng bằng mắt thường,…
  • Triệu chứng cục bộ do vết loét: Vết loét có thể chảy máu dẫn đến các triệu chứng như:
  • Chảy máu âm đạo bất thường (ung thư cổ tử cung/nội mạc tử cung).
  • Chảy máu ruột hoặc thiếu máu (ung thư ruột kết).
  • Ho ra máu (ung thư phổi),…

Triệu chứng đau cục bộ có thể biểu hiện ở giai đoạn sau của bệnh ung thư. Một số loại ung thư có thể dẫn đến tình trạng tích dịch trong bụng hoặc ngực.

2. Triệu chứng toàn thân

Triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện do phản ứng của cơ thể với ung thư, điển hình là giảm cân không chủ ý, mệt mỏi, xuất hiện các thay đổi trên da,… Một vài loại bệnh ung thư có thể gây viêm toàn thân, dẫn đến tình trạng mất, yếu cơ liên tục (cachexia – hội chứng suy kiệt). Sốt dai dẳng có thể là triệu chứng toàn thân của bệnh ung thư gan, thận, u lympho Hodgkin,…

Người bệnh ung thư có thể gặp một số triệu chứng toàn thân do nội tiết tố hoặc những phân tử khác tạo ra bởi khối u, còn được gọi là hội chứng cận ung thư. Các hội chứng phổ biến gồm có tăng canxi huyết làm thay đổi tinh thần, mất nước, táo bón hoặc hạ natri huyết khiến tâm trạng thay đổi, gây co giật, đau đầu, nôn mửa,…

3. Di căn

Dấu hiệu ung thư di căn phụ thuộc vào vị trí của khối u. Điển hình như lá lách hoặc gan phình to (có thể cảm nhận được tại vùng bụng), hạch bạch huyết sưng (thường cứng, có thể chạm hay nhìn thấy dưới da), gãy hoặc đau ở các xương bị ảnh hưởng (với loại ung thư liên quan đến xương) và những triệu chứng thần kinh.

Dấu hiệu ung thư

Ho dai dẳng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ung thư

Các triệu chứng lâm sàng cảnh báo ung thư sớm

Phát hiện bệnh ung thư từ sớm sẽ giúp việc chữa trị diễn ra thuận lợi hơn. Do đó, chúng ta không được chủ quan trước những triệu chứng lâm sàng cảnh báo ung thư, cụ thể gồm có:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Trong quá trình mắc ung thư, hầu hết người bệnh sẽ bị sụt cân tại một thời điểm nào đó. Sụt cân không rõ lý do từ 5 kg trở lên có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh ung thư thực quản, dạ dày, tụy, phổi,…
  • Sốt: Sốt là dấu hiệu ung thư phổ biến nhưng thường diễn ra khi khối u đã di căn hoặc xuất hiện ở loại bệnh ung thư có biểu hiện toàn thân. Hầu hết người bệnh ung thư sẽ bị sốt vào một thời điểm nào đó, đặc biệt là trong trường hợp ung thư hoặc những liệu pháp chữa trị tác động lên hệ thống miễn dịch (khiến khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng của cơ thể yếu đi). Ít gặp hơn, sốt có thể là triệu chứng sớm của bệnh ung thư máu, u lympho,…
  • Mệt mỏi, chán ăn: Tình trạng mệt mỏi nhiều không cải thiện ngay cả khi đã nghỉ ngơi có thể là triệu chứng quan trọng cảnh báo bệnh ung thư đang phát triển. Dấu hiệu này có thể xảy ra sớm hơn ở một số loại bệnh ung thư, ví dụ như ung thư máu. Bệnh ung thư dạ dày hay đại tràng có thể gây mất máu dần dần, diễn ra mạn tính khiến cơ thể mệt mỏi.
  • Đau: Đau có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư tinh hoàn hay ung thư xương. Tình trạng đau đầu không thuyên giảm hay biến mất sau điều trị có thể là triệu chứng cảnh báo khối u ở não. Đau lưng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư trực tràng, đại tràng, buồng trứng,… Hay gặp hơn cả là tình trạng đau do khối u đã di căn đến cơ quan khác.
  • Những thay đổi ở da: Bên cạnh ung thư da, một số loại bệnh ung thư khác cũng có thể khiến da bị biến đổi. Triệu chứng điển hình phải kể đến gồm có ngứa, nổi ban đỏ, sạm đen, vàng da, bong da quá mức,…
Các triệu chứng lâm sàng cảnh báo ung thư sớm

Sốt có thể là triệu chứng lâm sàng cảnh báo bệnh ung thư từ sớm

Nguyên nhân gây ung thư là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh ung thư phát sinh từ sự biến đổi của tế bào bình thường thành tế bào khối u và diễn ra trong một quá trình gồm có nhiều giai đoạn. Bệnh thường tiến triển từ tổn thương tiền ung thư trở thành khối u ác tính. Các thay đổi này là kết quả từ sự tương tác giữa những yếu tố di truyền của người bệnh với ba loại tác nhân bên ngoài, cụ thể gồm có:

1. Tác nhân vật lý

Tác nhân vật lý có thể là nguyên nhân gây ung thư, điển hình bao gồm bức xạ ion hóa và bức xạ cực tím:

  • Bức xạ ion hóa: Loại bức xạ này có nguồn gốc từ chất phóng xạ tự nhiên hoặc nhân tạo, được dùng trong lĩnh vực khoa học, y học. Các vật chất sẽ ion hóa nếu bị chiếu xạ. Nhiều bộ phận trong cơ thể xảy ra ung thư khi bị chiếu xạ. Thế nhưng nguyên nhân gây ung thư này chỉ có tỷ lệ khá nhỏ, chiếm từ 2 – 3%, chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư máu, phổi, tuyến giáp.
  • Bức xạ cực tím: Đây là loại bức xạ có trong ánh nắng mặt trời. Nơi càng gần xích đạo thì sẽ có tia cực tím càng mạnh. Tác nhân này chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư về da. Người làm việc ngoài trời thường xuyên như nông dân, thợ xây,… sẽ có nguy cơ bị ung thư tế bào vảy tại các vị trí da hở (đầu, cổ, gáy) cao hơn. Tại vùng khí hậu nhiệt đới, người da trắng có nguy cơ mắc bệnh ung thư về da cao hơn người da màu.

2. Tác nhân hóa học

Một vài chất hóa học có thể dẫn đến các loại ung thư cụ thể nếu người bệnh bị phơi nhiễm. Dưới đây là những tác nhân hóa học điển hình gây ra bệnh ung thư:

  • Thuốc lá: Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân gây ung thư phế quản, dạ dày, gan, thực quản, miệng, thanh quản, vòng họng,… Khói thuốc lá có chứa nhiều chất hydrocarbon thơm. Trong đó có 3,4 benzopyrene – đây là chất gây ung thư trên thực nghiệm.
  • Dinh dưỡng: Dinh dưỡng có thể là tác nhân gây bệnh ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản, gan,… Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và ung thư chủ yếu thể hiện qua hai khía cạnh. Đầu tiên là các thực phẩm chứa một số chất có thể dẫn đến bệnh ung thư. Thứ hai là thức ăn có những hoạt chất giữ vai trò quan trọng trong việc khiến khả năng miễn dịch suy giảm. Các chất như aflatoxin, asen,… là tác nhân hóa học gây ung thư điển hình có trong thực phẩm, nguồn nước.
Nguyên nhân gây ung thư

Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân gây ung thư vòm họng, thanh quản, phổi,…

3. Các tác nhân sinh học

Tác nhân sinh học gây ung thư có thể là những loại virus, ký sinh trùng,… Người nhiễm phải sẽ đối mặt với nguy cơ bị một số loại bệnh ung thư khác nhau, điển hình gồm có:

Tác nhân virus

  • Virus Epstein – Barr: Loại virus này lần đầu tiên được tìm thấy ở một đứa trẻ tại Uganda, có thể dẫn đến bệnh ung thư hàm dưới. Sau này, các nhà khoa học còn tìm thấy virus Epstein – Barr trong tế bào ung thư vòm mũi họng. Căn bệnh này diễn ra phổ biến ở những quốc gia ven biển Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam.
  • Virus viêm gan B (HBV): Đây là nguyên nhân gây ung thư ở Việt Nam được biết đến rộng rãi. Cụ thể, virus HBV là tác nhân có thể dẫn đến bệnh ung thư gan nguyên phát. Loại virus này thường xuất hiện ở các quốc gia châu Á, châu Phi. Virus HBV sẽ gây viêm gan cấp khi xâm nhập vào cơ thể. Bệnh viêm gan B mạn tính có nguy cơ chuyển sang xơ gan, ung thư
  • Virus HPV: Đây là loại virus gây u nhú ở người lây qua đường sinh dục. Virus HPV có quan hệ mật thiết với bệnh ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung,…
  • Virus HTLV 1: Loại virus này có mối liên quan với bệnh bạch cầu tế bào T, thường xuất hiện ở Nhật Bản và các quốc gia vùng Caribe.

Ký sinh trùng

Schistosoma là loại sán bị xem là nguyên nhân gây ung thư. Schistosoma có thể xuất hiện ở người mắc bệnh ung thư bàng quang (phổ biến) và ung thư niệu quản (hiếm gặp).

Sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường

Tế bào ung thư và tế bào bình thường có nhiều điểm khác biệt về khả năng phát triển, xâm lấn, cách hoạt động,… Bạn đọc hãy tham khảo bảng dưới đây để tìm hiểu thông tin cụ thể hơn:

Khía cạnh khác biệt Tế bào ung thư Tế bào bình thường
Sự phát triển theo tín hiệu Tế bào ung thư vẫn phát triển trong trường hợp không có tín hiệu yêu cầu phát triển. Tế bào bình thường chỉ phát triển khi nhận được tín hiệu.
Sự tuân thủ tín hiệu yêu cầu tế bào ngừng phân chia hoặc chết Bỏ qua những tín hiệu yêu cầu tế bào ngừng phân chia hoặc chết đi (chết tế bào được lập trình hay chết theo chương trình). Vẫn tuân thủ tín hiệu yêu cầu tế bào ngừng phân chia hoặc chết đi.
Sự xâm lấn, di chuyển Tế bào ung thư phát triển xâm nhập vào những khu vực lân cận và lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tế bào bình thường sẽ không phát triển tiếp khi gặp những tế bào khác. Đa phần các tế bào bình thường không di chuyển khắp nơi trong cơ thể.
Khả năng tác động, ảnh hưởng đến mạch máu Tế bào ung thư ảnh hưởng và khiến các mạch máu phải phát triển về phía khối u. Những mạch máu này sẽ cung cấp cho khối u dưỡng chất và oxy cũng như giúp loại bỏ chất thải. Không có khả năng này.
Phản ứng trước hệ thống miễn dịch Tế bào ung thư có thể không bị hệ thống miễn dịch phát hiện. Thậm chí loại tế bào này còn có thể đánh lừa hệ thống miễn dịch để giúp chúng sống và tiếp tục phát triển. Hệ thống miễn dịch sẽ loại bỏ những tế bào thông thường đã bị hư hỏng hoặc xuất hiện điểm bất thường.
Số lượng nhiễm sắc thể Tế bào ung thư tích lũy nhiều thay đổi trong nhiễm sắc thể, điển hình như xóa và sao chép các phần của nhiễm sắc thể. Số lượng nhiễm sắc thể của loại tế bào này có thể nhiều gấp đôi so với bình thường. Số lượng nhiễm sắc thể ít hơn tế bào ung thư.
Tốc độ phát triển Tế bào ung thư có tốc độ phát triển nhanh hơn tế bào bình thường. Tốc độ phát triển của tế bào bình thường chậm hơn tế bào ung thư.

Phân loại ung thư

Bạn đọc chắc hẳn đã nghe nói về các loại ung thư như bệnh ung thư não, phổi, dạ dày,… Đó chính là cách phân loại theo cơ quan hay vị trí hình thành khối u. Ngoài ra, bệnh ung thư còn được phân loại theo tế bào khởi phát. Vì việc phân loại theo vị trí/cơ quan đã dễ hiểu và trực quan, nên bài viết này sẽ đề cập đến cách phân loại theo tế bào khởi phát, cụ thể gồm có:

1. Ung thư biểu mô (Carcinoma)

Ung thư biểu mô là loại bệnh ung thư phổ biến hơn cả. Khối u sẽ hình thành từ những tế bào biểu mô. Biểu mô là các tế bào bao phủ bề mặt bên ngoài và trong cơ thể. Tế bào biểu mô có nhiều dạng, thường thấy dưới dạng hình trụ khi quan sát bằng kính hiển vi. Mỗi loại bệnh ung thư biểu mô khởi phát từ những loại tế bào biểu mô khác nhau sẽ có tên khác nhau, bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): Loại bệnh ung thư này sẽ hình thành từ những tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy hay dịch. Các tế bào kể trên sẽ tạo ra mô tuyến. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đại trực tràng, vú,… đều thuộc dạng ung thư biểu mô tuyến.
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma): Loại bệnh ung thư này khởi phát từ lớp đáy của biểu bì.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma): Đây là loại ung thư hình thành từ tế bào vảy. Tế bào vảy phổ biến hơn cả là các tế bào biểu mô nằm dưới lớp da. Tế bào vảy cũng lót tại bề mặt trong các cơ quan khác như thận, bàng quang, phổi, ruột, dạ dày.
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (Transitional cell carcinoma): Đây là một dạng ung thư tế bào biểu mô. Biểu mô tế bào chuyển tiếp sẽ được tạo thành từ nhiều lớp tế bào biểu mô. Những lớp tế bào này có thể nhỏ hoặc lớn hơn lớp tế bào biểu bì. Bệnh ung thư thận, tử cung, bàng quang,… thuộc loại ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.
Phân loại ung thư

Bệnh ung thư vú thuộc loại ung thư biểu mô tuyến

2. Ung thư mô liên kết (Sarcoma)

Ung thư mô liên kết là loại bệnh ung thư hình thành trong xương và mô mềm (bao gồm mạch lympho, mạch máu, tế bào mỡ, cơ và mô tế bào sợi như dây chằng, gân,…). Bệnh ung thư mô liên kết xương là loại ung thư xương phổ biến hơn cả. Trong khi đó, bệnh ung thư mô mỡ, cơ,… là loại ung thư mô liên kết mềm phổ biến.

3. Ung thư máu (Leukemia)

Ung thư bắt nguồn từ mô tạo máu tại tủy xương còn được gọi là bệnh ung thư máu. Khối u rắn không hình thành từ loại bệnh ung thư này. Thay vào đó, trong tủy xương và máu sẽ xuất hiện một lượng lớn tế bào bạch cầu lấn át những tế bào máu bình thường. Hậu quả là dẫn đến tình trạng dễ chảy máu, thiếu máu, suy giảm khả năng miễn dịch.

Bệnh ung thư máu gồm có 4 loại phổ biến, được phân nhóm dựa trên tốc độ phát triển và nguồn khởi phát từ tế bào (dòng tủy hay lympho). Trong đó, phổ biến hơn cả là bệnh ung thư máu do bạch cầu. Thế nhưng tiểu cầu (tế bào làm đông máu) và hồng cầu (tế bào mang oxy từ phổi đến những phần còn lại trong cơ thể) cũng có thể trở thành ung thư.

4. Ung thư bạch huyết (Lymphoma)

Lymphoma là loại bệnh ung thư của hệ bạch huyết. Hệ thống bạch huyết là một mạng lưới phức tạp của các tuyến (hạch bạch huyết), ống (mạch bạch huyết) và những cơ quan khác như tuyến ức và lá lách. Các hạch bạch huyết được tìm thấy ở bụng, ngực, háng, nách, cổ và xương chậu. Mạch và hạch bạch huyết có chứa chất lỏng gọi là bạch huyết và những loại tế bào đặc biệt (lympho) giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Ung thư bạch huyết xuất hiện khi một số tế bào lympho phát triển mất kiểm soát. Các tế bào bất thường có thể bắt nguồn từ bên trong hạch bạch huyết, lá lách, tủy xương hoặc ở những nơi khác.

5. Đa u tủy xương

Đa u tủy xương là loại ung thư khởi phát từ tương bào (plasma cells) – một dạng tế bào miễn dịch. Những tương bào phát triển bất thường sẽ được gọi là các tế bào myeloma. Loại tế bào này sẽ hình thành nên các khối u bên trong xương ở khắp cơ thể. Căn bệnh ung thư này còn được gọi là bệnh Kahler hoặc myeloma tương bào.

6. Ung thư sắc tố bào (Melanoma)

Ung thư sắc tố bào là loại bệnh ung thư bắt nguồn từ những tế bào sản xuất sắc tố melanin. Đây là loại sắc tố làm nên màu da. Ung thư sắc tố bào đa phần sẽ hình thành trên da nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ở các mô sắc tố khác, điển hình là mắt.

Phân loại ung thư, Ung thư sắc tố bào (Melanoma)

Ung thư sắc tố bào thường xuất hiện trên da bắt nguồn từ những tế bào sản xuất sắc tố melanin

7. U não và tủy sống

Khối u não và tủy sống có nhiều loại khác nhau. Tên của khối u được đặt dựa trên loại tế bào và nơi khối u bắt nguồn trong hệ thống thần kinh trung ương. Khối u não có thể là ác tính (ung thư) hoặc lành tính (không phải bệnh ung thư).

8. Các loại khối u khác

Dưới đây là một số loại khối u khác mà người bệnh cần chú ý:

  • U tế bào sinh dục: Đây là loại khối u bắt nguồn từ các tế bào sinh ra trứng hoặc tinh trùng. Các khối u này hầu như có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong cơ thể. U tế bào sinh dục có thể là ác tính hoặc lành tính.
  • U nội tiết thần kinh: Bệnh lý này được tạo thành từ những tế bào sản sinh nội tiết tố vào máu nhằm đáp ứng lại các tín hiệu của hệ thần kinh.
  • U carcinoid: Đây là loại khối u nội tiết thần kinh, phát triển với tốc độ chậm và thường được tìm thấy bên trong hệ tiêu hóa (ruột non, trực tràng,…). U carcinoid có thể lan đến gan hoặc những mạng lưới khác trong cơ thể, tiết ra các chất như prostaglandin/serotonin gây ra hội chứng carcinoid.

Các loại ung thư thường gặp

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ung thư dù là nam hay nữ. Dưới đây là một số loại ung thư thường gặp ở nam giới và nữ giới:

1. Ung thư thường gặp ở nam giới

Nam giới thường đối mặt với các loại bệnh ung thư dưới đây:

  • Ung thư phổi: Đây là căn bệnh ung thư diễn ra phổ biến ở phái mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hút thuốc lá (cụ thể là tiếp xúc với khói thuốc lá), ô nhiễm môi trường,…
  • Ung thư tuyến tiền liệt: Ở nam giới, đây là loại bệnh ung thư xuất hiện nhiều hơn cả. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ gen di truyền, chế độ dinh dưỡng và bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi tác,…
  • Ung thư trực tràng: Đây là loại bệnh ung thư nguy hiểm, khó chữa. Vì khối u dễ phân chia, lây lan. Uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn quá nhiều thịt đỏ, đột biến gen di truyền,… có thể là yếu tố khiến nguy cơ bị ung thư trực tràng gia tăng.
  • Ung thư bàng quang: Căn bệnh ung thư này có quá trình phát triển phức tạp. Những tế bào ung thư có thể lây lan qua lớp niêm mạc, tiến vào từng cơ quan trong cơ thể. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh là hút thuốc lá, không uống đủ nước, dùng nước uống có hóa chất,…
  • Ung thư da: Căn bệnh này có liên quan chủ yếu đến việc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từng bị cháy nắng. Nam giới có nốt ruồi không điển hình, làm việc ngoài trời hoặc ở nơi cao,… phải đặc biệt lưu ý.
Ung thư thường gặp ở nam giới

Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh ung thư diễn ra phổ biến ở nam giới

2. Ung thư thường gặp ở nữ giới

Một số căn bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới gồm có:

  • Ung thư vú: Căn bệnh này thường gặp ở phái nữ và có tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh có thể đến từ các nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, di truyền, không sinh con hoặc sinh con muộn,…
  • Ung thư tuyến giáp: Loại ung thư này xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn phái mạnh, với tỷ lệ xấp xỉ là 3:1. Nguyên nhân có thể đến từ yếu tố di truyền, tiếp xúc với bức xạ ion hóa, dung nạp lượng iod quá thấp hoặc quá cao,…
  • Ung thư trực tràng: Không chỉ riêng nam giới mà phái nữ cũng có thể mắc bệnh ung thư trực tràng. Ban đầu, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như ở bệnh tiêu hóa thông thường. Thế nhưng càng về sau thì bệnh càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
  • Ung thư cổ tử cung: Đây là loại bệnh ung thư mà phái nữ có nguy cơ mắc phải rất cao chỉ sau ung thư vú. Nguyên nhân có thể là do dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài, mắc bệnh đường tình dục, sinh đẻ nhiều lần,…
  • Ung thư dạ dày: Phụ nữ hiện đại ăn uống kém lành mạnh có nguy cơ bị ung thư dạ dày. Người bị nhiễm trùng do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày,… càng phải lưu ý phòng ngừa.

Ung thư phát triển và lây lan như thế nào?

Bệnh ung thư bắt đầu xuất hiện khi một hoặc một số gen đột biến tạo thành những tế bào ung thư. Các tế bào này sẽ tạo ra khối u hoặc những cụm ung thư. Tế bào ung thư có thể tách rời khỏi khối u, thông qua dòng máu hoặc hệ thống mạch huyết để di chuyển đến các vùng khác trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là di căn. Những tế bào kể trên có thể tạo ra bệnh ung thư thứ phát ở cơ quan khác, khiến cơ thể không hoạt động bình thường làm người bệnh tử vong sớm.

Ung thư phát triển và lây lan như thế nào?

Tế bào ung thư có tách rời khỏi khối u di chuyển đến các vùng khác trong cơ thể thông qua dòng máu

Ung thư có mấy giai đoạn?

Hầu hết bệnh ung thư sẽ được chia thành 4 giai đoạn. Các giai đoạn sẽ được xác định dựa trên một số yếu tố như vị trí, kích thước,… của khối u, cụ thể gồm có:

  • Giai đoạn I: Khối u có kích thước nhỏ và còn nằm trong cơ quan khởi phát. Nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn I, người bệnh sẽ có tiên lượng tốt hơn, kéo dài được tuổi thọ, thậm chí là chữa khỏi.
  • Giai đoạn II: Kích thước của khối u đã lớn hơn ở giai đoạn I nhưng vẫn chưa di căn đến các cơ quan, mô khác. Tuy nhiên với một số loại bệnh ung thư, giai đoạn II là để chỉ khối u đã xâm lấn đến hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn III: Khối u có kích thước lớn hơn, bắt đầu lan sang các mô xung quanh và hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn IV: Ở giai đoạn IV, tế bào ung thư đã di căn đến những cơ quan xa hơn trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là bệnh ung thư di căn/thứ phát. Gần như sẽ không thể loại bỏ được hết khối u ở giai đoạn IV.

Ung thư được phân chia phổ biến thành giai đoạn I, II, III, IV. Thế nhưng cũng có lúc chia thêm giai đoạn 0. Giai đoạn này mô tả bệnh ung thư vẫn đang khu trú tại khu vực bắt đầu khởi phát. Việc điều trị ở giai đoạn 0 sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Hầu hết bác sĩ xem đây là giai đoạn tiền ung thư.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Bệnh ung thư rất nguy hiểm, do đó bạn cần tìm hiểu về những yếu tố nguy cơ để có thể chủ động phòng ngừa. Nếu một người có các yếu tố dưới đây sẽ đối mặt với nguy cơ mắc ung thư cao hơn, bao gồm:

1. Tuổi tác

Ung thư có thể phát triển trong nhiều thập kỷ. Đó là lý do vì sao hầu hết người bệnh ung thư đều được chẩn đoán khi đã từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù căn bệnh này diễn ra phổ biến hơn ở người lớn tuổi thế nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải.

2. Thói quen xấu

Quan hệ tình dục không an toàn, béo phì, thường xuyên bị bỏng nắng, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, hút thuốc, uống rượu (phụ nữ dùng hơn 1 ly/ngày, nam giới sử dụng hơn 2 ly/ngày),… có thể làm nguy cơ mắc một số loại ung thư gia tăng. Mọi người nên thay đổi các thói quen xấu để hạn chế nguy cơ bị bệnh ung thư.

3. Bệnh sử gia đình

Nếu nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh ung thư thì có thể những đột biến gen đã di truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Bạn nên đến cơ sở y tế làm xét nghiệm di truyền để tầm soát xem bản thân có mang đột biến gen khiến nguy cơ mắc ung thư gia tăng hay không. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng trong trường hợp có mang gen đột biến di truyền thì cũng không chắc chắn sẽ bị ung thư.

4. Các tình trạng sức khỏe khác

Một số vấn đề sức khỏe mạn tính như viêm loét đại tràng, xơ gan,… có thể làm nguy cơ phát triển bệnh ung thư gia tăng đáng kể. Người mắc bệnh mạn tính tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang ung thư nên thăm khám định kỳ để bác sĩ hỗ trợ tầm soát, ngăn ngừa từ sớm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị ung thư cao hơn

5. Môi trường sống

Các hóa chất độc hại xuất hiện trong môi trường sống có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngay cả khi bạn không hút thuốc thì vẫn có thể hít phải khói thuốc thụ động. Những hóa chất ở nơi làm việc, trong nhà như benzen, amiăng cũng có liên quan đến việc làm gia tăng nguy cơ bị ung thư.

Di chứng của bệnh ung thư

Người bệnh ung thư thường cảm thấy mệt mỏi, bị giảm cân bất thường,… và đối mặt với các di chứng khó chịu, nguy hiểm. Những di chứng của ung thư phải kể đến gồm có:

  • Đau: Người bị bệnh ung thư di căn cảm thấy đau thường là do di căn xương, xâm lấn vào dây thần kinh, những đám rối thần kinh hay gặp tình trạng tràn dịch,… Trong quá trình điều trị ung thư và giúp người bệnh duy trì chất lượng cuộc sống, bác sĩ rất quan tâm đến việc quản lý cơn đau.
  • Tràn dịch màng phổi: Người bệnh ung thư gặp di chứng tràn dịch màng phổi nên được chữa trị bằng cách chọc hút dịch (nếu có triệu chứng) và phải theo dõi tình trạng tái phát.
  • Tủy sống có thể bị chèn ép: Khi xương sống bị tổ chức ung thư chèn ép, xâm lấn thì cần tiến hành xạ trị hoặc phẫu thuật ngay. Hội chứng chèn ép tủy gây ra các triệu chứng như liệt hai chi dưới, đau cột sống, rối loạn cơ tròn bàng quang,…
  • Huyết khối tĩnh mạch: Tình trạng có cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới gây nhồi máu phổi thường xuất hiện ở người bị ung thư tụy, phổi,… Các khối u sẽ tạo ra chất đông máu ví dụ như yếu tố mô làm cục máu đông dư thừa hình thành. Vấn đề này gặp phổ biến hơn ở người bệnh đang phẫu thuật.
  • Các rối loạn miễn dịch và chuyển hóa: Những rối loạn điển hình gồm có tăng sản xuất ACTH, tăng acid uric máu, tăng canxi huyết, thiếu máu tan máu, rối loạn chức năng thần kinh,…

Ung thư có di truyền không?

Một số loại bệnh ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Ngày nay, khoảng hơn 20 loại ung thư được công bố là có tính di truyền, điển hình phải kể đến bao gồm bệnh ung thư vú, tuyến giáp thể tủy, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, buồng trứng,… Các đột biến di truyền (đột biến germline, đột biến dòng mầm) thường phát sinh từ tế bào trứng/tinh trùng. Sau quá trình biệt hóa, phân chia, đột biến này sẽ tồn tại ở mọi tế bào, trong các cơ quan của cơ thể và cũng có khả năng di truyền cho thế hệ sau (xác suất khoảng 50%).

Ung thư có lây không?

Đáp án là bệnh ung thư không thể lây truyền. Vì thế, không có lý do gì để tránh tiếp xúc với người mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số gen gây ung thư lại có tính di truyền. Điều này khiến vài thành viên trong gia đình có thể cùng mắc một loại bệnh ung thư. Bên cạnh đó, tác nhân dẫn đến ung thư như virus HPV (gây ra khoảng 90% ca bệnh ung thư cổ tử cung) cũng có khả năng lây truyền thông qua đường tình dục.

Ung thư có lây không?

Virus HPV (tác nhân dẫn đến 90% ca bệnh ung thư cổ tử cung) có thể lây truyền qua đường tình dục

Chẩn đoán ung thư

Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn khám sức khỏe toàn diện để chẩn đoán ung thư. Người bệnh cần cung cấp một số thông tin về tiền sử gia đình, triệu chứng đang gặp phải,… Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các hình thức xét nghiệm dưới đây:

1. Xét nghiệm máu

Các phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Hình thức xét nghiệm này được thực hiện nhằm mục đích đo, đếm các tế bào máu.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u: Chất chỉ điểm khối u là các chất do tế bào ung thư giải phóng hoặc được tạo ra từ tế bào bình thường để đáp ứng với tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm protein trong máu: Bác sĩ sẽ dùng quy trình điện di để đo hàm lượng globulin miễn dịch. Vì hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các globulin miễn dịch để đáp ứng với một số bệnh ung thư.
  • Xét nghiệm tế bào khối u lưu hành: Khối u có thể làm bong các tế bào. Theo dõi tế bào khối u sẽ giúp bác sĩ theo dõi diễn biến của ung thư.

2. Chẩn đoán hình ảnh

Một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể được áp dụng để tầm soát, theo dõi ung thư bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể giúp bác sĩ kiểm tra vị trí của khối u cũng như xem xét tác động của bệnh ung thư đến xương và những cơ quan khác.
  • Chụp x quang: Đây là phương pháp dùng lượng phóng xạ an toàn để tạo ra hình ảnh của mô mềm và xương, giúp bác sĩ phát hiện bất thường (nếu có) để chẩn đoán bệnh.
  • Quét kiểm tra phát xạ positron (PET): Quét PET sẽ tạo hình ảnh về các mô và cơ quan của bạn. Bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm này để tầm soát, phát hiện dấu hiệu ung thư từ sớm.
  • Siêu âm: Siêu âm là phương pháp dùng sóng âm thanh cường độ cao để ghi lại hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp chụp MRI sẽ dùng một nam châm lớn, máy tính và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc/cơ quan trong cơ thể.
  • Iodine metaiodobenzylguanidine (MIGB): Đây là kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh hạt nhân, giúp bác sĩ phát hiện ung thư, bao gồm u nguyên bào thần kinh và u carcinoid.
Chẩn đoán ung thư

Siêu âm có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán ung thư

3. Sinh thiết

Sinh thiết là phương pháp lấy các mô, tế bào, chất lỏng hay khối u mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Dưới đây là một số hình thức sinh thiết điển hình:

  • Sinh thiết kim: Kỹ thuật này còn được gọi là sinh thiết kim nhỏ hoặc chọc hút kim nhỏ. Bác sĩ sẽ dùng kim, ống tiêm mỏng, rỗng để lấy dịch, tế bào hoặc mô từ khối u đáng ngờ. Sinh thiết kim thường được áp dụng để chẩn đoán ung thư vú, hạch bạch huyết, tuyến giáp.
  • Sinh thiết da: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ của người bệnh để kiểm tra nhằm mục đích chẩn đoán ung thư
  • Sinh thiết tủy xương: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tủy xương nhỏ để kiểm tra xem có dấu hiệu của bệnh lý hay không, bao gồm cả bệnh ung thư trong tủy xương.
  • Sinh thiết nội soi: Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra tổn thương bên trong các cơ quan đồng thời tiến hành lấy mẫu sinh thiết để làm giải phẫu mô bệnh học.
  • Sinh thiết cắt/rạch: Bác sĩ sẽ tiến hành làm thủ thuật xâm lấn để lấy toàn bộ khối u (sinh thiết cắt bỏ) hoặc chỉ lấy một phần khối u (sinh thiết rạch) mang đi kiểm tra.
  • Sinh thiết chu phẫu: Phương pháp này còn được gọi là sinh thiết phần đông lạnh. Hình thức sinh thiết chu phẫu thường được thực hiện khi người bệnh đang trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ lấy mô mang đi xét nghiệm ngay và nhanh chóng cho ra kết quả. Nếu cần chữa trị, bác sĩ sẽ bắt đầu thực hiện ngay lập tức.

4. Xét nghiệm ung thư di truyền

Ung thư có thể xảy ra khi một gen đơn lẻ hoặc một số gen hoạt động cùng nhau bị đột biến. Hiện có khoảng 400 gen liên quan đến sự phát triển bệnh ung thư. Người thừa hưởng loại gen này từ bố mẹ ruột có thể sẽ khiến nguy cơ phát triển ung thư gia tăng.

Do đó, phương pháp xét nghiệm di truyền có thể được bác sĩ chỉ định nếu bạn mắc phải một dạng bệnh ung thư di truyền. Hình thức xét nghiệm này cũng được áp dụng để hỗ trợ cho việc thực hiện liệu pháp nhắm vào các gen ung thư cụ thể. Kết quả xét nghiệm cũng hỗ trợ bác sĩ phát triển chẩn đoán.

Bệnh ung thư có chữa được không?

Bệnh ung thư có thể chữa khỏi. Ước tính trên 80% bệnh ung thư ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi. Người đã chữa ung thư thành công và không tái lại trong vòng 5 năm được xem là điều trị khỏi, vì nguy cơ tái phát của bệnh là rất thấp. Khả năng chữa khỏi ung thư sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố là loại bệnh, giai đoạn và tình trạng đáp ứng điều trị.

Bệnh ung thư có chữa được không?

Bệnh ung thư ở giai đoạn sớm có thể được điều trị khỏi

Phương pháp điều trị ung thư

Bệnh ung thư có thể được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Việc chọn lựa cách điều trị nào sẽ còn phụ thuộc vào phân độ (grade), vị trí khối u, giai đoạn bệnh và tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ có thể chọn một biện pháp hoặc kết hợp nhiều cách chữa trị khác nhau dựa trên tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị ung thư có thể được áp dụng bao gồm:

  • Hóa trị: Đây là phương pháp chữa trị bệnh ung thư phổ biến. Những loại thuốc mạnh sẽ được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư. Người bệnh có thể được hóa trị dưới dạng tiêm tĩnh mạch hoặc dùng thuốc viên. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị liệu đến khu vực cụ thể bị khối u tác động. Hiệu quả của phương pháp hóa trị thường bị hạn chế do độc tính từ hóa chất ảnh hưởng đến các mô lành.
  • Xạ trị: Biện pháp chữa trị này sẽ tiêu diệt những tế bào ung thư bằng lượng phóng xạ cao. Xạ trị sẽ tiêu diệt các mô ung thư thông qua cách làm hỏng DNA của nó. Bác sĩ có thể kết hợp hóa trị và xạ trị để chữa bệnh ung thư. Đôi khi phương pháp này sẽ được dùng đơn lẻ, ví dụ như lúc chữa ung thư đầu, cổ ở giai đoạn sớm.
  • Phẫu thuật: Những khối u chưa lan rộng có thể được loại bỏ thông qua phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ có thể kết hợp cách xạ trị/hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc tiêu diệt những tế bào còn sót lại hậu phẫu.
  • Liệu pháp nội tiết tố: Đôi khi, bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh dùng các hormone giúp ngăn chặn những hormone khác gây ung thư.
  • Liệu pháp điều chỉnh phản ứng sinh học: Cách điều trị này kích thích và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Vì liệu pháp điều chỉnh phản ứng sinh học sẽ thay đổi những quá trình tự nhiên của cơ thể.
  • Liệu pháp miễn dịch cho bệnh ung thư: Đây là phương pháp chữa trị dùng hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại ung thư.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu cho bệnh ung thư: Cách chữa trị này sẽ nhắm vào những thay đổi hay đột biến gen khiến tế bào khỏe mạnh chuyển thành tế bào ung thư.
  • Ghép tủy xương: Cách điều trị này giúp thay thế những tế bào gốc đã hư hỏng bằng các tế bào mạnh khỏe. Nếu cấy ghép tự thân thì bác sĩ sẽ dùng nguồn tế bào gốc mạnh khỏe của người bệnh. Với trường hợp cấy ghép đồng loại, bác sĩ sẽ sử dụng nguồn tế bào gốc được người khác hiến tặng.

Phương pháp điều trị ung thư

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư

Chế độ ăn cho người mắc ung thư cần được xây dựng một cách khoa học, hợp lý để góp phần cải thiện triệu chứng, nâng cao sức khỏe, hạn chế làm bệnh thêm nặng. Cụ thể, người bị ung thư cần lưu ý những vấn đề dưới đây khi xây dựng khẩu phần dinh dưỡng:

  • Thực phẩm chứa protein nạc: Người bệnh nên bổ sung protein nạc thông qua các loại đậu, cá, sữa chua Hy Lạp,… Protein sẽ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe, sửa chữa tế bào tổn thương, tăng cường năng lượng,…
  • Rau củ: Cải thìa, bông cải xanh, cà rốt, cà chua, măng tây,… có hàm lượng anthocyanin, vitamin A, C, E,… dồi dào, giúp chống lại tác hại của các gốc tự do, nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Trái cây: Đu đủ, cam, quýt, mâm xôi, việt quất, dâu tây, kiwi,… đều là những loại trái cây dồi chất chống oxy hóa như lycopene, flavonoids, vitamin C, E,… góp phần cải thiện triệu chứng của bệnh ung thư, tăng cường sức đề kháng.
  • Thực phẩm giàu acid béo omega-3: Người bị ung thư có thể ăn hạt chia, quả óc chó, cá thu, cá trích, cá hồi,… để bổ sung acid béo omega-3. Dưỡng chất này sẽ góp phần làm chậm sự phát triển của bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại trực tràng,… Bên cạnh đó, theo nghiên cứu, bổ sung acid béo omega-3 sẽ góp phần làm gia tăng khả năng đáp ứng hóa trị liệu ở người bị ung thư.
  • Thực phẩm cần kiêng: Người bệnh ung thư cần tránh ăn món chiên, rán nhiều dầu mỡ, hun khói, chế biến bị cháy,… Bên cạnh đó, người bệnh không nên ăn lạc, ngô, đậu,… ẩm mốc. Rượu bia cũng là thức uống gây hại cho sức khỏe mà người bị ung thư cần kiêng dùng.
  • Uống nước: Người bệnh ung thư nên uống khoảng 1.5 – 2 lít nước/ngày. Nếu bạn gặp tình trạng sưng phù, cổ trướng thì có thể cần giảm lượng nước. Nước cần thiết cho quá trình hoạt động của cơ thể, đặc biệt là khi phải phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Vì các phương pháp chữa trị này có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn,… khiến người bệnh bị mất nước.

Ung thư sống được bao lâu?

Người bị ung thư sống được bao lâu sẽ còn tùy vào loại bệnh, giai đoạn, phương pháp điều trị, độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Tiên lượng thời gian sống của người bệnh sẽ ít đi nhiều nếu khối u đã di căn. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, 67% người mắc bất kỳ loại ung thư nào vẫn sống được thêm 5 năm kể từ lúc biết bản thân bị bệnh. Người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tiên lượng.

Ung thư sống được bao lâu?

Người bị ung thư nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tiên lượng

Có thể tầm soát ung thư không?

Bác sĩ có thể giúp người bệnh tầm soát ung thư. Tầm soát có thể phát hiện ra ung thư khi bệnh đã hình thành trước khi xuất hiện triệu chứng đáng chú ý. Để thực hiện điều này, một số phương pháp thường được ứng dụng như xét nghiệm máu/nước tiểu, khám sức khỏe, chẩn đoán hình ảnh,… Tuy nhiên, không phải loại bệnh ung thư nào cũng có thể tầm soát được. Hình thức tầm soát diện rộng hoặc sàng lọc hàng loạt sẽ thực hiện ở tất cả mọi người. Tầm soát chọn lọc sẽ được tiến hành ở người bệnh có nguy cơ cao hơn.

Cách phòng ngừa ung thư

Ung thư vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, mọi người cần chủ động ngăn ngừa. Dưới đây là một số phương pháp giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh ung thư, cụ thể bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc thì cần từ bỏ ngay. Người chưa hút thuốc thì nên tránh sử dụng. Vì hút thuốc có liên quan đến một số căn bệnh ung thư như ung thư phổi, vòm họng,…
  • Tránh tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời: Tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời làm gia tăng nguy cơ bị ung thư Do đó, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng cách dùng kem chống nắng, mặc quần áo bảo hộ, ở trong bóng râm.
  • Ăn uống lành mạnh: Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau quả, trái cây, hạn chế dùng những loại thịt đã qua chế biến sẵn. Bạn nên đưa protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt vào khẩu phần của mình.
  • Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục sẽ góp phần làm giảm nguy cơ bị ung thư. Bạn nên đặt mục tiêu tập thể dục tối thiểu 30 phút ở hầu hết các ngày trong tuần.
  • Duy trì mức cân nặng khỏe mạnh: Béo phì, thừa cân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì thế, bạn hãy duy trì mức cân nặng khỏe mạnh thông qua cách kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng lành mạnh với việc luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Khám tầm soát ung thư: Bạn nên đến cơ sở y tế khám tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt là khi bản thân có các yếu tố nguy cơ. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp.
  • Chủng ngừa: Một số loại virus có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Do đó, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế tiêm ngừa. Điển hình là tiêm vắc xin phòng chống virus HBV, HPV,…
  • Hạn chế uống rượu: Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nam giới chỉ nên uống tối đa 2 ly rượu/ngày, phụ nữ chỉ nên dùng tối đa 1 ly rượu/ngày. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn không nên sử dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe, góp phần ngăn ngừa ung thư.
Cách phòng ngừa ung thư

Mọi người nên áp dụng khẩu phần dinh dưỡng khoa học, lành mạnh để góp phần ngăn ngừa ung thư

Nghi mắc ung thư: Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám, sàng lọc ung thư nếu đối mặt với các dấu hiệu đáng ngờ. Đặc biệt là trong trường hợp triệu chứng đã xuất hiện dai dẳng, không thuyên giảm khi áp dụng cách chữa trị thông thường, ví dụ như: Sốt từ 38 ℃ trở lên, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, khó thở, ho dai dẳng, sụt cân đột ngột không rõ lý do, xuất hiện vết loét ở miệng/môi/lưỡi, nôn quá mức (3 lần/giờ và kéo dài khoảng 3 giờ trở lên), có máu trong phân/nước tiểu, bầm tím hay chảy máu quá nhiều.

Hiểu rõ về nguyên nhân gây ung thư sẽ góp phần giúp mọi người chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Bạn nên tuân theo một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, khoa học để ngăn ngừa ung thư và đến cơ sở y tế tầm soát định kỳ, đặc biệt là khi bản thân có yếu tố nguy cơ. Nếu có câu hỏi khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua hotline 1900 633 599.

Rate this post
10:11 17/07/2023