Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hỗ trợ điều trị

10/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là một vấn đề không thể không quan tâm khi nói đến quá trình chữa trị và hồi phục sức khỏe ở những người bệnh có tế bào khối u khởi phát trong cơ thể. Bởi lẽ, khẩu phần ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy, chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư có yêu cầu gì khác biệt so với chế độ ăn của người bình thường? Đâu là những loại thực phẩm cần có trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết sau.

chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư có yêu cầu gì đặc biệt?

Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là giúp:

  • Ngăn ngừa ung thư tiến triển: Ung thư là sự tăng sinh tế bào mất kiểm soát do đột biến gen. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều rau củ quả chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh, có thể ức chế sự sinh sôi quá mức của tế bào ung thư, hạn chế tình trạng di căn của khối u sang các cơ quan khỏe mạnh khác và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh.
  • Nâng cao sức khỏe toàn diện: Khi cơ thể đang chiến đấu chống lại bệnh tật, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng tăng lên. Cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất, chẳng hạn như vitamin A, C, E, D, K, sắt, kẽm, đồng, magiê sẽ giúp cơ thể duy trì chức năng miễn dịch, hỗ trợ quá trình hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.
  • Giảm thiểu tác dụng phụ: Điều trị ung thư thường gây ra tác dụng phụ như mất khả năng ngửi, mất vị giác, khó nuốt, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và nôn trớ, khiến việc duy trì cân nặng và cung cấp đủ dinh dưỡng trở nên khó khăn. Một chế độ ăn uống tốt, chẳng hạn như tăng cường tiêu thụ thực phẩm nhiều kẽm, vitamin C và K,…có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tóm lại, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Chế độ dinh dưỡng đúng cách giúp người bệnh ung thư nhanh chóng hồi phục sau điều trị

Ung thư ảnh hưởng gì đến chế độ dinh dưỡng của người bệnh?

Ung thư gây ra tình trạng rối loạn trao đổi chất, làm suy yếu hệ miễn dịch và quá trình điều trị ung thư có thể làm khởi phát nhiều triệu chứng hoặc tác dụng phụ liên quan. Do đó, khác với người bình thường, bệnh nhân ung thư thực sự cần một chế độ ăn của người bị ung thư – tức một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt dành riêng cho việc hỗ trợ điều trị bệnh.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, ung thư tác động đến chế độ dinh dưỡng của người bệnh theo 3 con đường sau:

Tác nhân hoặc triệu chứng Tác động đến cơ thể Ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng
Khối u tăng trưởng nhanh Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để chữa lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi trước / trong / sau khi phẫu thuật / xạ trị / hóa trị khối u. Tăng nhu cầu năng lượng (calo) trong khẩu phần ăn
Rối loạn cơ, tiêu hóa và hấp thụ Gây giảm hấp thu và tăng cường thất thoát dinh dưỡng do chứng khó nuốt, nhạt miệng, tiêu chảy, nhu động ruột kém,… Làm giảm khối lượng khẩu phần ăn mỗi bữa
Trầm cảm, lo lắng và căng thẳng tâm lý Làm tăng nồng độ hormone cortisol, khiến gan dễ tích mỡ. Nếu không được kiểm soát thành phần dinh dưỡng, người bệnh ung thư sẽ dễ mắc thêm bệnh gan nhiễm mỡ và viêm gan. Hạn chế đường, chất béo bão hòa và tinh bột nhanh

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư nghĩa là bạn cần phải biết chính xác người bệnh ung thư nên ăn gì và kiêng ăn gì. Theo các chuyên gia, người bệnh ung thư nên tiêu thụ thực phẩm theo 4 nguyên tắc dinh dưỡng sau:

1. Ăn uống đa dạng, cân đối

Ăn uống đa dạng, cân đối là cần thiết cho bệnh nhân ung thư vì nó cung cấp một lượng đa dạng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, từ chất đạm (protein), chất đường bột, chất béo, vitamin, khoáng chất cho đến chất xơ. Các thành phần này hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường sức khỏe toàn diện.

2. Chia khẩu phần ăn thành 8 – 10 bữa nhỏ

Điều trị ung thư thường gây ra tác dụng phụ như nhạt miệng, chán ăn, buồn nôn, khó nuốt,… Không những thế, một trong những triệu chứng thứ cấp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 94% bệnh nhân ung thư, là tình trạng “ăn nhanh no”. Do đó, bệnh nhân nên chia khẩu phần ăn thành từ 8 – 10 bữa / ngày. Điều này giúp người bệnh ăn uống, tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Khẩu phần của bệnh nhân ung thư nên được chia nhỏ đủ để ăn 8 – 10 cữ trong ngày

3. Tuyệt đối không kiêng khem quá mức

Người bệnh ung thư không nên ăn uống kiêng khem quá mức vì khi bị ung thư tấn công, cơ thể cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn để chiến đấu với bệnh tật, hỗ trợ quá trình hồi phục và duy trì chức năng miễn dịch. Việc ăn uống kiêng khem quá mức có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất, gây suy nhược cơ thể, giảm khả năng phục hồi và tăng nguy cơ biến chứng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

4. Bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều cách

Khi tình trạng ăn uống theo phương pháp truyền thống của bệnh nhân ung thư diễn tiến quá khó khăn, các bác sĩ có thể chỉ định bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

  • Uống sữa: Sữa, dù là sữa bò hay sữa công thức, đều là nguồn thực phẩm hoàn hảo dành cho chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư. Bởi lẽ, việc hấp thụ sữa không làm tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Đặc biệt, trong sữa còn chứa đầy đủ cả nguyên tố dinh dưỡng đa lượng (đạm, đường bột, béo) và nguyên tố vi lượng (12 vitamin và 9 khoáng chất), giúp cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cơ thể.
  • Dùng thực phẩm chức năng: Thực phẩm chức năng có thể được chỉ định khi người bệnh ung thư đang bị thiếu hụt một vài vi chất nhất định, hoặc khi không thể ăn được một vài loại thực phẩm do dị ứng, sở thích, di truyền hoặc do mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp,…
  • Truyền dinh dưỡng: Là phương pháp truyền dung dịch dinh dưỡng trực tiếp vào cơ thể bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc đặt ống truyền thức ăn vào đường thực quản. Phương pháp này thường chỉ được áp dụng với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, sau hóa trị, khi cơ thể suy nhược đến mức không thể tự sinh hoạt cá nhân và ăn uống.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư bao gồm những gì?

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đòi hỏi người bệnh phải tiêu thụ đầy đủ chất đường bột, chất đạm và chất xơ hệt như người bình thường. Đồng thời, người bệnh cũng nên hạn chế rượu bia, chất béo, đường, thịt đỏ và muối ăn. Cụ thể:

1. Chế độ ăn chất đường bột cho người bệnh ung thư

Người bệnh ung thư vẫn được khuyến cáo tiêu thụ chất đường bột với hàm lượng tương đương như người khỏe mạnh. Tuy nhiên, bệnh nhân nên ưu tiên tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa nhiều tinh bột phức hợp và chất xơ, chẳng hạn như:

  • Các loại rau lá xanh: Cải bó xôi, cải xoăn, rau muống, cần tây, bắp cải, v.vv…
  • Củ: Bí ngô, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí ngòi, v.vv…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, lúa mì, yến mạch, lúa mạch
  • Hoa quả tươi ít đường: Lê, táo, dưa hấu, việt quất, dâu tây, v.vv…
Chế độ ăn chất đường bột cho người bệnh ung thư

Ngũ cốc, các loại hạt, đậu và rau củ quả chính là nguồn tinh bột lý tưởng cho người bệnh ung thư

Cụ thể, hàm lượng tinh bột cho người bệnh ung thư được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo như sau:

  Nhu cầu khuyến nghị chất đường bột (g)
Độ tuổi Nam Nữ
0 – 5 tháng 80 – 90 75 – 80
6 – 8 tháng 90 -100 85 – 95
9 – 11 tháng 100 – 110 95 – 105
1 – 2 tuổi 140 – 150 135 – 145
3 – 5 tuổi 190 – 200 175 -190
6 – 7 tuổi 210 – 230 200 – 220
8 – 9 tuổi 250 – 270 230 – 250
10 – 11 tuổi 290 – 320 230 – 260
12 – 14 tuổi 300 – 340 280 – 300
15 – 19 tuổi 400 – 440 330 – 370
20 – 29 tuổi 370 – 400 320 – 360
30 – 49 tuổi 330 – 360 290 – 320
50 – 69 tuổi 320 – 350 280 -310
>= 70 tuổi 300 – 320 250 – 280

Lưu ý: Trong hàm lượng chất đường bột kể trên đã bao gồm khuyến nghị tiêu thụ 30 – 38g chất xơ / ngày (đối với nam) và 21 – 26g chất xơ / ngày (đối với nữ).

2. Chế độ ăn giàu chất đạm

Người bệnh ung thư vẫn cần tiêu thụ chất đạm (protein) đầy đủ giống như người trưởng thành, tức khoảng 1.1 – 1. 5g protein / kg trọng lượng / ngày vì:

  • Nâng cao sức khỏe: Khi vào cơ thể, protein sẽ được phân giải thành các axit amin cần thiết để tạo ra và sửa chữa tế bào, bao gồm cả tế bào miễn dịch và mô cơ. Nhờ đó, ăn đầy đủ chất đạm hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật.
  • Ngăn ngừa dị hóa cơ: Trong quá trình chống chọi với ung thư, cơ thể thường trải qua quá trình dị hóa cơ bắp, khiến tay chân teo đét, thể chất suy nhược và gây khó khăn trong sinh hoạt. May mắn thay, bổ sung protein giúp giảm ức chế quá trình mất cơ, đồng thời cung cấp đầy đủ năng lượng và hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Tuy nhiên, khi tiêu thụ chất đạm, người bệnh cần cân nhắc lựa chọn nguồn đạm chất lượng cao thay vì chọn các loại thịt đỏ như bò, dê, lợn, cừu. Nguồn đạm chất lượng cao bao gồm: thịt nạc gia cầm bỏ da, thủy hải sản giáp xác (tôm, mực, v.vv…), cá béo nguyên da (cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu, v.vv…), sữa tách béo, lòng trắng trứng và các loại đậu, v.vv…

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư bao gồm những gì? giàu đạm

Cá hồi, trứng, thịt gia cầm bỏ da và các loại đậu là nguồn protein lành mạnh cho người bệnh ung thư

3. Chế độ ăn cân bằng chất béo

Chất béo không những giúp tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn giúp cơ thể hòa tan và hấp thụ các loại vitamin thiết yếu như vitamin A, E, D, K. Do đó, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vẫn cần có đầy đủ chất béo với tỉ lệ chiếm từ 15 – 30% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể:

  • Chất béo lành mạnh (25 – 35g / ngày): Chất béo lành mạnh là những chất béo không bão hòa (omega 3, 6, 9) chứa trong quả bơ, quả hạch, các loại hạt, dầu thực vật và mỡ cá béo vùng biển lạnh (cá hồi, cá trích, cá thu, v.vv…). Bệnh nhân ung thư có thể tiêu thụ 25 – 35g chất béo không bão hòa / ngày, tương đương với 30 – 40ml / ngày.
  • Chất béo bão hòa (tối đa 13g / ngày): Theo nghiên cứu, cứ mỗi 5% lượng chất béo bão hòa ăn vào cơ thể sẽ làm tăng thêm 4% nguy cơ tử vong do ung thư. Do đó, trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị cắt giảm chất béo bão hòa và chỉ để nhóm chất béo này chiếm tối đa từ 5% đến 6% tổng lượng calo hàng ngày (thay vì 10% như người bình thường) – tức không quá 13g chất béo bão hòa / ngày.
Mẹo hạn chế chất béo không lành mạnh Mẹo tăng lượng chất béo lành mạnh
– Ăn giới hạn thịt đỏ không quá 510g / tuần. Đồng thời, chọn những miếng thịt nạc và cắt bỏ phần mỡ màu trắng có thể nhìn thấy.

– Với thịt gia cầm, nhớ bỏ phần da.

– Chọn cách hấp / luộc / hầm thay vì chiên / xào để giảm lượng dầu mỡ tiêu thụ.

– Chọn sữa ít béo hoặc sữa tách béo thay vì sữa nguyên kem/

– Sử dụng ít nước sốt hoặc nước sốt ít chất béo trong món salad.

– Hạn chế tối đa việc ăn lạp xưởng / xúc xích / thịt xông khói / giò chả / nem chua / tré

– Đo dầu ăn bằng muỗng canh thay vì đổ trực tiếp từ chai. Mỗi ngày không nên ăn quá 3 muỗng canh (45ml) dầu ăn.

– Không dùng dầu cọ hoặc dầu dừa để chiên / xào.

– Ăn nhiều mỡ cá béo hơn, như mỡ cá hồi, cá ngừ, cá mòi vì chúng chứa nhiều chất béo omega-3.

– Nấu ăn với các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu dầu ô-liu, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương.

– Tự làm nước sốt salad với dầu ô liu thay vì sốt mayonnaise.

 

4. Ăn một chế độ ăn giàu chất xơ

Tương tự như người khỏe mạnh, bệnh nhân ung thư vẫn cần ít nhất 30 – 38g chất xơ / ngày (đối với nam)21 – 26g chất xơ / ngày (đối với nữ). Người bệnh ung thư cần tiêu thụ chất xơ vì nó giúp duy trì hệ tiêu hóa lành mạnh, giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ quá trình hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Ngoài ra, chất xơ cũng có khả năng giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, từ đó nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư giàu chất xơ

Người bệnh ung thư nên tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất xơ từ các loại rau lá xanh và củ quả

Mẹo tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn
– Ăn nhiều loại trái cây và rau củ;

– Chọn ngũ cốc nguyên hạt hơn bột mì trắng tinh chế;

– Ăn khoai tây nướng còn nguyên vỏ thay vì khoai tây nghiền;

– Ăn sáng với ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, lúa mạch, yến mạch);

– Ăn vặt trong bữa phụ với yến mạch hoặc gạo lứt thường xuyên hơn.

5. Hạn chế thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một chế độ ăn uống tiêu thụ ít hơn 25g đường mỗi ngày – tức ít hơn 5% tổng năng lượng hàng ngày từ khẩu phần ăn của bạn. Tiêu thụ nhiều đường chưa được chứng minh là nguyên nhân trực tiếp gây nên ung thư. Tuy nhiên, đường – cụ thể là đường fructose, đã được chứng minh là nguyên nhân gây suy yếu hệ miễn dịch, từ đó tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Do đó, việc hạn chế đường cũng góp phần hỗ trợ tiến trình điều trị bệnh.

Mẹo hạn chế đường trong khẩu phần ăn
– Ưu tiên uống nước hoặc nước ép trái cây không đường;

– Tuyệt đi không uống trà sữa, trà trái cây hay nước giải khát được bày bán ngoài hàng quán;

– Giảm dần lượng đường bạn uống trong cà phê hoặc trà;

– Ăn một miếng trái cây khi bạn thèm đồ ngọt;

– Chọn ngũ cốc ăn sáng nguyên hạt không phủ đường/mật ong;

– Ăn một lát dưa hoặc quả mọng tươi với sữa chua ít béo thay vì bánh quy.

6. Hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến

Người bệnh ung thư cần hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến vì chúng có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe. Cụ thể:

  • Thịt đã qua chế biến (xúc xích, thịt muối, thịt xông khói,…): Thường chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bảo quản, nitrat (NO3) và nitrit (NO2). Vào cơ thể, nitrat và nitrit có thể phản ứng với các amin và amit để tạo thành N-nitroso (NOC) – một hợp chất được chứng minh là có thể gây ung thư ở động vật có vú, bao gồm cả cơ thể người.
  • Thịt đỏ (thịt bò, lợn và cừu): Có thể chứa nhiều chất béo bão hòa, khiến cơ thể nhanh tích mỡ. Trong cơ thể, các tế bào mỡ có thể giải phóng ra nhiều protein gây viêm gọi là adipokine. Khi tình trạng viêm diễn ra quá mức, chúng có thể làm hỏng DNA và cuối cùng gây ra ung thư.

Đối với việc tiêu thụ thịt đỏ như thịt heo, bò, cừu, dê, v.vv…, Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa kỳ khuyến cáo, chế độ ăn của bệnh nhân ung thư không nên chứa nhiều hơn 510g thịt đỏ / tuần, đồng thời mỗi bữa không nên chứa quá 85g thịt đỏ để tránh làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh ung thư mới hoặc tái phát bệnh ung thư cũ.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung hạn chế thịt đỏ

Người bệnh ung thư không nên ăn quá 510g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần

7. Hạn chế muối trong chế độ ăn của người ung thư

Người bệnh ung thư cần hạn chế tiêu thụ muối vì sự gia tăng nồng độ natri đến từ muối ăn có thể kích hoạt tế bào ung thư phát triển thông qua các cơ chế như tăng huyết áp, gây viêm nhiễm và tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển. Cụ thể:

  • Một nghiên cứu được công bố trên Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (ncbi.com) cho thấy ăn muối cùng nhiều thì nguy cơ ung thư dạ dày càng cao.
  • Một nghiên cứu khác cho thấy, giảm lượng muối ăn vào cũng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú và nhiều bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như tim mạch và tăng huyết áp.

Do đó, việc giảm tiêu thụ muối xuống dưới mức 5g / ngày (nhưng không ít hơn 3g muối / ngày) được xem là nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của người bị ung thư.

8. Hạn chế rượu trong chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư

Khi uống rượu bia, cơ thể chúng ta phân giải nó thành acetaldehyde – một chất hóa học có thể gây đột biến cho DNA, ngăn chặn khả năng sửa chữa tổn thương của cơ thể, khiến tế bào bắt đầu phát triển không kiểm soát và hình thành nên ung thư​.

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (Hoa Kỳ), việc tiêu thụ rượu bia hoàn toàn có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư vùng đầu và cổ, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Do đó, người bệnh ung thư tuyệt đối nên tránh xa rượu bia để phòng ngừa khối u tiến triển nặng hoặc khởi phát khối u mới tại cơ quan khác trên cơ thể.

Tháp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

Tháp chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (World Cancer Research Fund) và Viên Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research)

Tháp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

Theo nghiên cứu từ Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (World Cancer Research Fund) và Viên Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research), tháp dinh dưỡng hàng ngày dành cho bệnh nhân ung thư gồm có 7 tầng:

Tầng Tổng hàm lượng tiêu thụ trong 1 ngày Số khẩu phần chia đều trong 1 ngày
1. Nước 1.5 – 2 lít nước 1
2. Rau củ quả – 200g rau củ

– 80 rau salad các loại

– 150g trái cây tươi

1
3. Ngũ cốc chứa nhiều tinh bột phức hợp – 150g bánh mì nguyên cám

– 240g gạo lứt hoặc mì ống

3
4. Chất béo 20 – 30 ml dầu ô-liu nguyên chất 1
5. Vitamin & khoáng chất – 30g các loại hạt

– 125ml sữa chua

1
6. Đạm – 150g phi lê cá

– 100g các loại đậu tươi hoặc 30g đậu sấy khô

 

4
– 120g trứng

– 200g phô mai tươi

– 200g thịt trắng

2
7. Thực phẩm nên hạn chế – 100g thịt đỏ

– 50g thịt chế biến sẵn

 

Chỉ ăn 1 lần / tuần
– 100g bánh kẹo ngọt Chỉ ăn 2 – 3 tuần / lần

Trên đây là những thông tin chi tiết về khối lượng thực phẩm mà bệnh nhân ung thư nên tiêu thụ hàng ngày. Để biết rõ hơn đâu là danh sách những loại thực phẩm mà người bệnh ung thư nên ăn và nên tránh, mời bạn tham khảo thêm bảng chú thích sau:

bệnh nhân ung thư ăn gì kiêng gì

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trước, trong và sau điều trị

Mỗi giai đoạn bệnh ung thư đều đòi hỏi một nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt. Việc hiểu rõ các đặc thù trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trước, trong và sau khi điều trị bệnh có thể giúp bạn cải thiện kết quả và tăng tốc độ phục hồi sau điều trị. Cụ thể:

1. Trước khi điều trị

Trước khi điều trị ung thư là giai đoạn mà người bệnh cần tập trung tối ưu sức khỏe thể chất để sẵn sàng cho quá trình phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị sắp diễn ra. Lúc này, người bệnh cần:

  • Ăn uống đủ chất: Ưu tiên ăn một chế độ dinh dưỡng đa dạng, chứa đủ chất đạm, chất đường bột, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Ăn có chọn lọc: Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, đường và tinh bột nhanh để bảo vệ cơ quan nội tạng và hệ miễn dịch.
  • Uống đầy đủ nước : Uống đủ 1.5 – 2 lít nước hàng ngày để giữ cho quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi.
  • Dự phòng thực phẩm: Hãy lấp đầy tủ lạnh của bạn bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những thực phẩm cần rất ít (hoặc không cần) nấu nướng, bao gồm: các loại hạt / đậu sấy, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt. Điều này giúp bạn có thể nhanh chóng bổ sung năng lượng bất cứ khi nào thấy đói trong và sau quá trình điều trị ung thư.
  • Nâng cao cân nặng: Nếu bạn đang gặp vấn đề về cân nặng hoặc suy dinh dưỡng, hãy cố gắng uống thêm sữa giàu calo để tăng cân theo chỉ định của bác sĩ nhằm đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cơ bản về điều kiện sức khỏe trước khi bước vào quá trình điều trị ung thư.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trước điều trị

Trước khi điều trị ung thư, người bệnh cần tập trung ăn đầy đủ dinh dưỡng để tối ưu sức khỏe thể chất

2. Trong quá trình điều trị

Trong quá trình điều trị ung thư, hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể của người bệnh suy yếu toàn diện. Do đó, bệnh nhân ung thư cần:

  • Ưu tiên thức ăn mềm: Trong quá trình điều trị ung thư, bạn thường bị khó tiêu, nhạt miệng, khó nuốt, tiêu chảy, nôn mửa và kém hấp thu. Do đó, bạn hãy ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm vừa mềm, vừa giàu dinh dưỡng để tiêu thụ, chẳng hạn như: sữa, canh rau lá xanh, cháo thịt cá xay nhuyễn, trứng hấp, rau củ nghiền và các loại súp hầm (ninh nhừ) trong nhiều giờ để rau củ trở nên mềm hơn.
  • Ăn nhiều đạm: Protein giúp cơ thể sửa chữa tế bào và mô, cũng như hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Do đó, trong giai đoạn này, hãy ưu tiên tiêu thụ thịt, cá, đậu nành, đậu phộng, hạt và bổ sung các sản phẩm từ sữa vào chế độ ăn của bạn.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch. Do đó người bệnh nên chú trọng ăn nhiều rau lá xanh, hoa quả tươi, các loại củ quả sáng màu hoặc uống thêm sữa để bổ sung đầy đủ vi chất cho cơ thể.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không ăn thịt sống, thủy hải sản sống, rau sống, trứng lòng đào hay những đồ uống chưa được tiệt trùng.
  • Uống nhiều nước: Cấp nước cho cơ thể tối thiểu 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp khôi phục lại tốc độ trao đổi chất cho cơ thể.
  • Duy trì cân nặng: Cố gắng duy trì cân nặng của bạn trong quá trình điều trị để tránh bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, khiến cơ thể suy nhược và chậm phục hồi.

3. Sau điều trị

Sau điều trị, mục tiêu hàng đầu là giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và nâng cao sức khỏe toàn diện. Do đó, bệnh nhân nên tiếp tục ăn theo một chế độ ăn uống cân đối, đa dạng với nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạt, protein từ thực vật và thịt ít chất béo.

Nhìn chung, dù ở giai đoạn nào, bệnh nhân ung thư cũng nên tránh tiêu thụ rượu bia, các loại thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa (trans fat), thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm lên men, thức ăn sống hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng mỗi người đều có cơ địa khác nhau. Do đó, quan trọng nhất là bạn cần thảo luận trực tiếp với bác sĩ để xây dựng được một kế hoạch ăn uống phù hợp với từng giai đoạn bệnh.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sau điều trị

Sau điều trị, người bệnh nên ưu tiên ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa

Những lưu ý trong chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng việc hạn chế tiêu thụ đường, chất béo, thịt đỏ và ăn thuần chay có thể “bỏ đói” tế bào ung thư, giúp bạn mau chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, tế bào ung thư không thể bị “bỏ đói” một cách độc lập bởi trong cơ thể, tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh cùng tồn tại song song nhau.

Điều đó có nghĩa là “bỏ đói” để “ép chết” tế bào ung thư cũng đồng nghĩa với việc làm suy yếu chức năng của các tế bào khỏe mạnh. Do đó, thay vì kiêng khem quá cực đoan, bạn nên ăn uống cân bằng và tuân thủ theo những lưu ý quan trọng sau:

  • Ăn uống cân bằng: Tích cực tiêu thụ thực phẩm chất lượng, dồi dào dinh dưỡng, cao về năng lượng cùng protein. Ngoài ra, người bệnh ung thư nên thêm vào chế độ ăn sữa công thức hoặc sữa tách béo để giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa mà vẫn giúp cơ thể nhận được đầy đủ dưỡng chất.
  • Quản lý khẩu phần ăn: Người bệnh ung thư nên ăn 8 – 10 bữa / ngày. Do đó, khẩu phần 1 cữ của bệnh nhân ung thư thường chỉ tương đương 50 – 60% khẩu phần ăn của người bình thường.
  • Uống nước đúng lúc: Bạn nên uống nước trước hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút. Cố gắng không uống nước trong quá trình ăn vì có thể làm loãng dịch dạ dày, gây khó tiêu.
  • Tập phong cách sống mới: Hãy xây dựng cho mình những thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, góp phần hỗ trợ tiến trình điều trị ung thư như:
    • Tránh thức ăn chứa đường, đồ uống có gas, rượu bia, thuốc lá hay thực phẩm chứa chất béo cao.
    • Đa dạng hóa cách nấu nướng cũng như màu sắc của món ăn nhằm tạo sự kích thích.
    • Hạn chế hít thở mùi của thức ăn bốc lên trong quá trình nấu.
    • Chăm sóc răng và vệ sinh miệng đúng cách.
    • Khi gặp chứng khó nuốt, cần chuyển qua loại thức ăn nhẹ, mềm và dễ tiêu hóa như cháo, súp…

Xem thêm:

Bệnh nhân ung thư nên ăn gì để chống lại tế bào ung thư?

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được người bệnh ung thư nên ăn gì, nên kiêng gì và đưa ra được những sự lựa chọn thực phẩm phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chế độ ăn của người ung thư, bạn hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và nhanh chóng khỏi bệnh!

5/5 - (1 bình chọn)
11:44 17/07/2023