Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến và hiệu quả nhất

13/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Vì thế, việc tìm kiếm các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu trong cộng đồng y học. Trong thập kỷ vừa qua, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các phương pháp mới nhằm đối phó với ung thư. Ngay trong bài viết sau, bạn sẽ được tìm hiểu sâu hơn về các cách điều trị bệnh ung thư phổ biến nhất, từ các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, đến những cách tiếp cận mới như liệu pháp miễn dịch. Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ biết được đâu là cách chữa ung thư phù hợp nhất với điều kiện sức khỏe, tài chính và nguyện vọng của bản thân mình.

Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến và hiệu quả nhất

Đâu là phương pháp điều trị ung thư phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay?

Ung thư có chữa được không?

Ung thư CÓ THỂ chữa được. Tuy nhiên, tỷ lệ khỏi bệnh, tiên lượng sống sau mỗi đợt điều trị cũng như tỷ lệ sống còn của bệnh nhân sau 5 năm là các chỉ số thống kê có sự khác biệt rõ ràng ở mỗi người bệnh. Cụ thể, các chỉ số thống kê này hoàn toàn phụ thuộc vào:

  • Đặc điểm của khối u: Bao gồm kích thước, vị trí, kiểu hình gen, mức độ tiến triển, xâm lấn và kháng thuốc của khối u,…
  • Thời gian phát hiện bệnh: Phát hiện ung thư càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi và tiên lượng sống càng cao;
  • Phương pháp điều trị: Bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc các liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu.
  • Đặc điểm của người bệnh: Bao gồm tuổi tác, giới tính, lịch sử bệnh lý di truyền, tiền sử bệnh lý cá nhân, sức khỏe tổng thể, khả năng tiếp cận đến các phương pháp điều trị hiện đại của người bệnh,…
  • Các yếu tố khác: Bao gồm môi trường sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động và trạng thái tâm lý.

Dưới đây là bảng thống kê một số bệnh ung thư phổ biến có tiên lượng sống và khả năng chữa lành cao mà bạn nên tham khảo:

Loại ung thư Giai đoạn phát hiện / đặc điểm bệnh Tỉ lệ sống còn sau 5 năm (%)
0 & 1 99 – 100%
Tuyến tiền liệt 1 & 2 99%
Tinh hoàn Khối u cục bộ 99%
Khối u đã lan đến mô và hạch bạch huyết 96%
Tuyến giáp 1 & 2 98 – 100%
Khối u da ác tính 1 99%
Ung thư cổ tử cung Tất cả các giai đoạn mà khối u chỉ lây lan cục bộ 92%
U lympho Hodgkin 1 & 2 92 – 95%

Điều trị ung thư là gì?

Điều trị ung thư là quá trình can thiệp y tế nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư trong cơ thể. Mục đích của quá trình điều trị ung thư có thể là chữa khỏi bệnh, kiểm soát sự phát triển của bệnh, hoặc làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. (1)

Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay

Hiện nay, y học có nhiều phương pháp điều trị ung thư khác nhau (2). Trong đó, phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Cụ thể:

1. Phẫu thuật trị ung thư

Phẫu thuật là cách điều trị bệnh ung thư nhằm loại bỏ toàn bộ hoặc một phần khối u bằng cách sử dụng phương pháp cắt cơ học (mổ xẻ) có xâm lấn . Mục đích thường là loại bỏ hoàn toàn khối u để chữa khỏi bệnh hoặc ngăn ngừa sự lan rộng của tế bào ung thư.

Ưu điểm:

  • Hiệu quả cao: Phẫu thuật có khả năng loại bỏ khối u nhanh, hiệu quả, đặc biệt khi bệnh ở giai đoạn sớm;
  • Ít tác dụng phụ: Phẫu thuật không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít đến các tế bào khỏe mạnh.

Nhược điểm:

  • Rủi ro hậu phẫu: Người bệnh phải đối mặt với nhiều rủi ro sau phẫu thuật như nhiễm trùng, mất máu, xuất huyết vết thương;
  • Nghỉ dưỡng lâu: Phẫu thuật đòi hỏi người bệnh phải nghỉ làm từ hàng tuần đến hàng tháng để hồi phục sau mổ;
  • Chi phí cao: Chi phí phẫu thuật phải trả một lần khá cao, đặc biệt là với những ca mổ khối u vùng đầu – cổ hoặc mổ ở bệnh viện tư nhân, có yếu tố nước ngoài;
  • Giảm hiệu quả với khối u đã di căn: Trong trường hợp ung thư đã lan rộng, phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả tế bào ung thư và có thể cần kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị.
Phẫu thuật trị ung thư, điều trị ung thư

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư được nhiều bác sĩ ưa chuộng

2. Xạ trị ung thư

Xạ trị ung thư là một phương pháp điều trị sử dụng các tia bức xạ như tia X hoặc tia gamma để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp khác như hóa trị hay phẫu thuật.

Ưu điểm:

  • Không xâm lấn: Có thể tiêu diệt tế bào ung thư mà không cần mổ xẻ;
  • Không cần nghỉ dưỡng lâu: Sau xạ trị, người bệnh chỉ cần nghỉ dưỡng vài tuần để theo dõi và kiểm soát các tác dụng phụ.
  • Chi phí hợp lý: Chi phí xạ trị ngắn hạn (1 – 3 lần) có thể rẻ hơn chi phí phẫu thuật 1 lần.
  • Hỗ trợ phẫu thuật: Giúp giảm kích thước khối u trước hoặc sau phẫu thuật, hỗ trợ các phương pháp điều trị khác diễn ra hiệu quả hơn.

Nhược điểm:

  • Nhiều tác dụng phụ: Viêm, đỏ và rát ở vùng da tiếp xúc bức xạ; giảm tiết nước bọt, khô miệng và ảnh hưởng vị giác; dễ cảm giác mệt mỏi; dễ gây tác động không mong muốn lên các tế bào khỏe mạnh lân cận
Xạ trị ung thư, cách điều trị bệnh ung thư

Minh họa một bệnh nhân đang được xạ trị ung thư vú

3. Hóa trị ung thư

Hóa trịcách điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với xạ trị và phẫu thuật.

Ưu điểm:

  • Hiệu quả trên diện rộng: Nhờ lan truyền theo đường máu, thuốc hóa trị có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư ở nhiều vị trí trong cơ thể trong cùng một thời điểm, đặc biệt là ở những vị trí mà phẫu thuật hay xạ trị không thể chạm đến (thần kinh đệm vỏ não, tủy xương) hoặc khi khối u đã lan rộng và di căn ra nhiều nơi.
  • Chi phí hợp lý: Chi phí hóa trị một lần nhìn chung rẻ hơn chi phí phẫu thuật một lần và xạ trị một lần.

Nhược điểm:

  • Gây suy nhược thể chất: Rụng tóc, buồn nôn, nôn mửa, viêm tuyến nhầy, suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh.
  • Thời gian hóa trị liệu dài: Một liệu trình hóa trị liệu thường kéo dài ít nhất là 3 tháng, và hầu hết đều kéo dài từ 6 – 12 tháng. Điều này có thể gây đảo lộn cuộc của người bệnh và cả gia đình.
  • Không phù hợp với nhiều người: Nếu người bệnh có sức đề kháng, sức chịu đựng và sức khỏe tổng thể quá kém, hóa trị liệu không phải là một lựa chọn phù hợp.
các phương pháp điều trị ung thư, Hóa trị ung thư

Hóa trị ung thư thường được áp dụng phổ biến ở những bệnh nhân ung thư máu

4. Liệu pháp hormone chữa ung thư

Liệu pháp nội tiết là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để điều chỉnh hệ thống nội tiết tố (hormone) của cơ thể, nhằm kiểm soát sự phát triển của những tế bào ung thư phụ thuộc vào hormone, chẳng hạn như ung thư vú hay ung thư tiền liệt tuyến.

Ưu điểm của phương pháp này là khả năng hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của một số loại ung thư nhất định và có ít tác dụng phụ so với hóa trị truyền thống. Nhược điểm có thể bao gồm: suy giảm mật độ xương, tăng cân, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng chức năng sinh sản và tác động tiêu cực tới tâm trạng người bệnh.

5. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là cách chữa ung thư sử dụng các loại thuốc chuyên dụng để kích thích hoặc hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn. Mục đích của liệu pháp miễn dịch là tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tận dụng sức mạnh của hệ thống miễn dịch; qua đó gia tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.

Liệu pháp miễn dịch hiện nay được chia thành 5 phương pháp chính, bao gồm:

  • Liệu pháp kháng thể đơn dòng (checkpoint inhibitor);
  • Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu (cytokine immunotherapy);
  • Liệu pháp virus biến đổi gen (virus oncolytic);
  • Liệu pháp tế bào CAR-T;
  • Liệu pháp vaccine ung thư.

5.1. Liệu pháp kháng thể đơn dòng (checkpoint inhibitor)

Liệu pháp kháng thể đơn dòng (checkpoint inhibitors) là một dạng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, sử dụng kháng thể đặc biệt nhằm ức chế các trạm protein (checkpoints) trên kháng thể, giúp tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch.

Ưu điểm của phương pháp này là khả năng điều trị hiệu quả cho các loại ung thư khó chữa trị (ung thư da, ung thư phổi) và có thể mang lại kết quả lâu dài. Nhược điểm bao gồm chi phí cao và các tác dụng phụ liên quan đến viêm, khi hệ thống miễn dịch tấn công tế bào khỏe mạnh.

5.2. Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu (cytokine immunotherapy)

Mục đích của liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu (cytokine immunotherapy) là kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào ung thư, giúp kiểm soát hoặc ức chế sự tiến triển của khối u. Khi áp dụng liệu pháp điều trị này, người bệnh sẽ được tiêm tĩnh mạch hoặc truyền (nhỏ giọt) vào cơ thể các cytokine – một nhóm các protein giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Hai loại cytokine thường được đưa vào cơ thể người bệnh là interferon và interleukin. Đây cũng chính là 2 loại cytokine tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể. Trong đó:

  • Interferon: Interferon hỗ trợ hệ miễn dịch làm chậm quá trình tăng trưởng của tế bào ác tính. Các tác động không mong muốn khi điều trị bằng interferon có thể bao gồm: xuất hiện các dấu hiệu tương tự cảm lạnh, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng, ban đỏ và rụng tóc.
  • Interleukin: Interleukin hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc tạo ra tế bào chuyên dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại này được dùng trong việc chữa trị ung thư thận và da. Các tác dụng phụ của interleukin là khiến người bệnh dễ tăng cân, hạ huyết áp và khởi phát nhiều triệu chứng giống cảm lạnh.
Liệu pháp miễn dịch, Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu, điều trị ung thư

Người bệnh thường được tiêm hoặc truyền interleukin vào cơ thể để tăng cường miễn dịch

5.3. Liệu pháp virus oncolytic

Liệu pháp virus oncolytic sử dụng các virus đã được chỉnh sửa gen để tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư. Các virus này có khả năng nhân lên trong tế bào ung thư và gây ra sự hủy diệt của chúng.

Ưu điểm của phương pháp này là khả năng tận dụng virus để mục tiêu riêng vào tế bào ung thư, giảm thiểu tác động đến tế bào khỏe mạnh. Nhược điểm bao gồm các phản ứng viêm nhiễm tiềm ẩn, hoặc virus có thể bị hệ miễn dịch tấn công trước khi chúng tiêu diệt tế bào ung thư.

5.4. Liệu pháp tế bào CAR-T

Liệu pháp tế bào CAR-T, hay còn gọi là liệu pháp tế bào T sửa đổi, là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách thu thập tế bào miễn dịch lympho T (tế bào bạch cầu) sẵn có trong cơ thể bệnh nhân, đem chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm để tăng cường khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Sau đó, tế bào T sau chỉnh sửa gen – được gọi là tế bào CAR-T, sẽ được truyền trở lại vào cơ thể bệnh nhân để thực hiện nhiệm vụ loại bỏ khối u.

Ưu điểm của liệu pháp này là khả năng tiêu diệt hiệu quả tế bào ung thư, đặc biệt là trong trường hợp các loại bệnh lý ung thư máu có liên quan đến bạch cầu. Nhược điểm của liệu pháp này là chi phí cao, có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như kích thích hệ miễn dịch quá mức, gây viêm và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

5.5. Vaccin ung thư

Liệu pháp vaccine là cách điều trị ung thư sử dụng vaccine – một chế phẩm sinh học được truyền vào cơ thể thông qua đường tiêm, nhằm kích thích hệ thống miễn dịch nhận diện, ghi nhớ và tấn công tế bào ung thư khi cần thiết. Có 2 loại vaccine ung thư chính, đó là:

  • Vaccine phòng ngừa: Giúp hệ miễn dịch ghi nhớ mầm bệnh và ngăn ngừa ung thư phát triển về sau.
  • Vaccine điều trị: Hay còn gọi là vaccine kháng nguyên khối u, có khả năng tấn công vào tế bào ung thư đã tồn tại.

Ưu điểm của liệu pháp vaccine ung thư là khả năng tận dụng và tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Nhờ đó, liệu pháp này ít gây tác dụng phụ, và có thể kết hợp dễ dàng với các phương pháp khác. Nhược điểm của liệu pháp này là chi phí cao và không phải tất cả loại ung thư đều phản ứng với vaccine.

Liệu pháp miễn dịch, Vaccin ung thư, cách chữa ung thư

Minh họa vaccine HPV có thể giúp người bệnh ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

6. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích (targeted therapy) là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các thuốc có khả năng nhắm vào các protein kiểm soát cách các tế bào ung thư phát triển, phân chia và lây lan; qua đó tiêu diệt chúng mà không gây tổn hại nhiều đến tế bào khỏe mạnh. Điều này khác với phương pháp điều trị truyền thống như hóa trị hay xạ trị, gây tác động lên tất cả các tế bào trong cơ thể.

Ưu điểm:

  • Tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ so với phương pháp truyền thống;
  • Cho phép tùy chỉnh và cá nhân hóa điều trị cho từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền và tính chất sinh hóa của khối u.
  • Mang lại kết quả nhanh chóng, có thể ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của khối u.

Nhược điểm:

  • Một số tế bào ung thư có thể kháng thuốc sau một thời gian áp dụng;
  • Liệu pháp này chỉ áp dụng được đối với một số loại ung thư nhất định;
  • Chi phí của các loại liệu pháp nhắm trúng đích thường cao hơn so với phương pháp điều trị truyền thống.

7. Tế bào gốc chữa bệnh ung thư

Liệu pháp tế bào gốc (ghép tủy xương) trong điều trị ung thư là một phương pháp sử dụng tế bào gốc được sản xuất ở tủy xương để điều trị hoặc hỗ trợ trong việc chữa trị ung thư. Tế bào gốc có khả năng tự tái tạo và biến đổi thành các loại tế bào khác nhau; do đó, chúng có tiềm năng để thay thế các tế bào ung thư và phục hồi các mô bị tổn thương do ung thư xâm lấn. Liệu pháp tế bào gốc thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh bạch cầu và bệnh ung thư đa tủy xương tái phát.

Ưu điểm của liệu pháp tế bào gốc trong điều trị ung thư là rút ngắn thời gian phục hồi và giảm thiểu tối đa tác dụng phụ so với các phương pháp phẫu thuật truyền thống. Bên cạnh đó, tế bào gốc, nếu được thu thập từ chính bản thân bệnh nhân, có thể giúp giảm nguy cơ đào thải miễn dịch và làm tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao vì quá trình thu thập, xử lý và lưu trữ tế bào gốc đòi hỏi một hệ thống trang thiết bị hiện đại với đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

8. Liệu pháp gen

Liệu pháp gen trong điều trị ung thư là một phương pháp sử dụng các công nghệ hiện đại trong phòng thí nghiệm để thay đổi (điều chỉnh) các đoạn mã DNA trong tế bào ung thư. Phương pháp này có thể bao gồm việc gắn thêm, loại bỏ hoặc chỉnh sửa gen để kiểm soát sự phát triển và phân chia tế bào ung thư.

Ưu điểm của liệu pháp gen trong điều trị ung thư là khả năng tiếp cận và điều chỉnh trực tiếp các mã gen kích thích sự phát triển của ung thư. Điều này có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u, làm giảm kích thước khối u hoặc ngăn chặn sự lan rộng của ung thư.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí quá cao. Bởi lẽ quá trình điều chỉnh gen là một thách thức kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, khả năng thay đổi gen có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh gần khu vực điều trị, gây tác dụng phụ không mong muốn.

Liệu pháp gen, cách điều trị ung thư

Liệu pháp gen đem lại hy vọng cứu chữa ung thư cho nhiều người bệnh

Điều trị ung thư với nhiều mục đích

Mục đích chính trong việc điều trị ung thư là phải loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn khối u, các bác sĩ vẫn có thể cân nhắc tiếp tục điều trị ung thư với các mục đích khác như:

  • Loại bỏ khối u một phần;
  • Kéo dài thời gian sống;
  • Giảm thiểu triệu chứng, tác dụng phụ và các biến chứng liên quan.

Thông qua các phương pháp điều trị khác nhau, mặc dù có thể không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tật, các bác sĩ vẫn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và gia tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Cụ thể:

1. Điều trị ban đầu (điều trị chính)

Mục đích của quá trình điều trị ban đầu (điều trị chính) là để loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần các tế bào ung thư. Trong phác đồ điều trị chính, phẫu thuật là phương pháp điều trị được nhiều bác sĩ ưa chuộng. Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư có phản ứng tốt với xạ trị hoặc hóa trị, người bệnh vẫn có thể được bác sĩ chỉ định kết hợp phẫu thuật với xạ trị hoặc hóa trị để tối ưu hiệu quả điều trị.

2. Điều trị bổ trợ

Điều trị bổ trợ (ĐTBT) của thể diễn ra trước hoặc sau quá trình điều trị chính (ĐTC). Trong trường hợp:

  • ĐTBT diễn ra TRƯỚC ĐTC: Lúc này, mục đích chính của quá trình ĐTBT là nhằm thu nhỏ khối u, kích thích khối u nhạy cảm hơn với phương pháp điều trị sau đó; từ đó gián tiếp làm gia tăng hiệu quả của phương pháp ĐTC.
  • ĐTBT diễn ra SAU ĐTC: Lúc này, mục đích chính của quá trình ĐTBT là nhằm tiêu diệt tế bào ung thư còn sót sau lần điều trị ban đầu và ngăn ngừa ung thư tái phát.

ĐTBT có thể vẫn có thể được bác sĩ áp dụng hóa trị, xạ trị hoặc các liệu pháp khác hệt như ĐTC.

3. Điều trị giảm nhẹ

Điều trị giảm nhẹ là quá trình điều trị nhằm mục đích làm giảm tác dụng phụ hoặc triệu chứng do ung thư gây ra. Ví dụ, xạ trị và hóa trị thường khiến người bệnh khô miệng, chán ăn, khó nuốt, buồn nôn và nôn mửa. Lúc này, tiến hành điều trị giảm nhẹ bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, ưu tiên cho người bệnh ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, kết hợp dùng thêm thuốc chống buồn nôn,… sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu sau điều trị.

Điều trị ung thư với nhiều mục đích, Điều trị giảm nhẹ

Điều trị giảm nhẹ liên quan đến việc cải thiện tâm lý và dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

Tác dụng phụ của điều trị ung thư

Tác dụng phụ của điều trị ung thư phụ thuộc nhiều đặc điểm bệnh lý, phương pháp điều trị và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhìn chung, mỗi phương pháp điều trị ung thư khác nhau đều khởi phát những triệu chứng khác nhau (3). Cụ thể:

  • Phẫu thuật: Đau và sưng ở vùng phẫu thuật, nhiễm trùng, mất máu và tổn thương mô xung quanh, rối loạn chức năng của cơ quan hoặc vùng cắt bỏ, sẹo và biến chứng hậu phẫu.
  • Hóa trị: Mất tóc, nôn mửa, buồn nôn, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm trùng, loét miệng, khô da, móng giòn (dễ gãy), suy giảm chức năng gan hoặc thận.
  • Xạ trị: Mệt mỏi; kích ứng da, sưng đỏ hoặc khô rát ở vùng xạ trị; rụng tóc ở khu vực xạ trị; nôn mửa; rối loạn tiêu hóa ở khu vực gần vùng xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phản ứng dị ứng, viêm, đôi khi ảnh hưởng đến cơ quan như phổi, tiêu hóa hoặc tuyến giáp; mẩn ngứa hoặc phát ban; mệt mỏi; tăng cân hoặc giảm cân bất thường, suy giảm chức năng của tuyến giáp,…

Chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ tác dụng phụ của điều trị ung thư

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư bao gồm một loạt các hoạt động hỗ trợ cần thiết giúp giảm nhẹ các triệu chứng cả về mặt thể chất và tinh thần cho người bệnh. Mục đích chính của quá trình này nhằm đảm bảo rằng bệnh nhân không chỉ được điều trị bệnh tật mà còn được chăm sóc toàn diện để cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số hoạt động quan trọng khi chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư:

  • Quản lý triệu chứng: Công tác chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo bệnh nhân có đủ thuốc để giảm các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và trầm cảm.
  • Cải thiện dinh dưỡng: Cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng giúp người bệnh duy trì sức khỏe tổng thể, cải thiện các dấu hiệu suy nhược và tăng cường sức đề kháng. Điều này bao gồm việc tư vấn về chế độ ăn và cách lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp.
  • Chăm sóc da: Người bệnh sau hóa trị và xạ trị thường bị khô da. Do đó, công tác chăm sóc giảm nhẹ cần chú ý luôn dưỡng ẩm da cho người bệnh bằng các sản phẩm làm dịu da; đồng thời, duy trì vệ sinh cá nhân (tắm gội, rửa sạch tay chân định kỳ) để tránh nhiễm trùng.
  • Hỗ trợ tinh thần: Cung cấp hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư bằng cách tư vấn, động viên, tạo điều kiện để nói chuyện và lắng nghe, giúp bệnh nhân đối mặt với cuộc sống và giảm căng thẳng tinh thần.
  • Hoạt động thể chất: Khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hoạt động thể chất nhẹ như đi bộ, tập yoga hoặc bơi lội để cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao sức đề kháng, cải thiện sự tập trung và giảm mệt mỏi.
  • Kết nối xã hội: Đảm bảo bệnh nhân có mạng lưới hỗ trợ tương tác xã hội bằng cách kết nối với gia đình, bạn bè hoặc các nhóm bệnh nhân cùng sinh hoạt chung để lan tỏa tình yêu, tinh thần lạc quan và sự khích lệ cần thiết.
Chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ tác dụng phụ của điều trị ung thư

Ăn uống khoa học là phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư tự nhiên được nhiều bác sĩ khuyến nghị

Tiêu chí lựa chọn và quyết định phương pháp điều trị ung thư

Khi quyết định phương pháp điều trị ung thư, có nhiều yếu tố cần xem xét để lựa chọn ra phương pháp tối ưu cho từng bệnh nhân. Dưới đây là một số tiêu chí quan trọng giúp bác sĩ đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp:

  • Đặc điểm và giai đoạn ung thư: Đặc điểm (kích thước, vị trí, mức độ di căn,…) và giai đoạn tiến triển của khối u là 2 yếu tố đầu tiên các bác sĩ cần xem xét trước khi đưa ra quyết định về phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ, ung thư giai đoạn sớm (0 và 1), nằm ở vị trí dễ tiếp cận thì phẫu thuật là ưu tiên hàng đầu để loại bỏ dứt điểm khối u. Trong khi đó, ung thư giai đoạn 2, 3, 4 thường được bác sĩ ưu tiên kết hợp phẫu thuật với xạ trị hoặc/và hóa trị.
  • Tình trạng sức khỏe tổng quát: Sức khỏe tổng quát, bệnh lý nền và sức chịu đựng của bệnh nhân cũng được cân nhắc để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ, người có hệ miễn dịch suy yếu, dễ suy nhược thể chất hoặc có kết quả sinh thiết tế bào ung thư cho thấy mức độ kháng thuốc cao, sẽ không được chỉ định phương pháp hóa trị.
  • Mục tiêu điều trị: Mục tiêu điều trị có thể là để chữa lành, bổ trợ hoặc chỉ để làm giảm triệu chứng. Ví dụ, trong trường hợp ung thư giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ (palliative) có thể được sử dụng để làm giảm đau.
  • Tuổi và mong muốn của bệnh nhân: Tuổi và mong muốn của bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng để bác sĩ cân nhắc về phương pháp điều trị. Ví dụ, người trẻ có thể dễ dàng được cân nhắc áp dụng các phương pháp điều trị có nhiều tác dụng phụ; trong khi người cao tuổi cần ưu tiên chọn các phương pháp nương nhẹ, tập trung vào việc hạn chế suy giảm chất lượng cuộc sống.
  • Điều kiện tài chính của người bệnh: Mỗi phương pháp điều trị phẫu thuật đều có chi phí khởi điểm khác nhau. Do đó, nếu điều kiện tài chính của người bệnh không cho phép theo đuổi một phác đồ xạ trị / hóa trị lâu dài, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để giảm tải gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
  • Khả năng tiếp cận y tế: Mỗi bệnh viện hay quốc gia sẽ có điều kiện y tế khác nhau. Điều này gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định điều trị của bác sĩ. Ví dụ, trong khu vực ít tiện nghi, lựa chọn phương pháp điều trị ung thư bằng xạ trị có thể không khả thi do thiếu trang thiết bị.
Tiêu chí lựa chọn và quyết định phương pháp điều trị ung thư

Bác sĩ cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau để quyết định phương pháp điều trị ung thư phù hợp

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư bằng phương pháp tự nhiên

Cải thiện chế độ ăn cho bệnh nhân ung thưphương pháp điều trị ung thư tự nhiên được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Theo đó, bạn cần ưu tiên chọn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin và khoáng chất; đồng thời tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể:

1. Chế độ ăn uống có nhiều chất chống oxy hoá

Ung thư phát triển khi có sự thay đổi bất thường (đột biến) trong DNA. May mắn thay, khi tiêu thụ một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa từ thực phẩm như rau lá xanh, hoa quả, hạt, đậu, ngũ cốc,…chúng giúp ngăn chặn và sửa chữa tổn thương DNA, giảm viêm; từ đó ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

2. Rau quả có màu xanh đậm, vàng hoặc đỏ

Rau và quả có màu xanh đậm, vàng, hoặc đỏ chứa nhiều các chất chống oxy hóa carotenoids và flavonoids. Cụ thể:

  • Carotenoids: Chẳng hạn như beta-carotene và lycopene (chứa nhiều trong cà rốt, bí đỏ, cà chua, đào, xoài, dưa lưới, dây tây,…) có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do , giúp ngăn ngừa sự biến đổi của DNA có thể dẫn đến phát triển của ung thư.
  • Flavonoids: Chẳng hạn như quercetin và ellagic acid (chứa nhiều trong bông cải xanh, ớt chuông, cải xoăn, hành tây, cải bó xôi, việt quất,…) có khả năng ức chế sự tăng sinh và di căn của tế bào ung thư.

Do đó, việc tiêu thụ rau quả có màu sắc xanh đậm hoặc sáng màu (đỏ, vàng, cam) là một phần của lối sống lành mạnh, hỗ trợ người bệnh rất nhiều trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả.

3. Ngũ cốc và các loại hạt toàn phần

Ngũ cốc và hạt toàn phần chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa:

  • Chất xơ: Giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và loại bỏ chất thải, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Vitamin và khoáng chất: Hỗ trợ chức năng miễn dịch, còn chất chống oxy hóa giúp bảo vệ DNA và tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do.
  • Chất chống oxy hóa: Các nhóm chất chống oxy hóa mạnh chứa nhiều trong ngũ cốc và các loại hạt là lignans và phytoestrogen:
    • Lignans: Vào cơ thể, lignans có thể ức chế sự hình thành mạch máu mới và ngăn ung thư tiến triển.
    • Phytoestrogen: Các hợp chất phytoestrogen có thể tương tác với hormone và giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư có liên quan đến hormone như ung thư vú và tiền liệt tuyến.

Do đó, bổ sung ngũ cốc và các loại hạt vào chế độ ăn có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư tái phát hiệu quả.

Hỗ trợ chữa ung thư bằng phương pháp tự nhiên

Ngũ cốc và các loại hạt chứa nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả

4. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư

Khi đang điều trị ung thư, cơ thể cần tập trung nguồn lực để chiến đấu chống lại tế bào ung thư và cố gắng hồi phục. Tiếp xúc với yếu tố gây ung thư (thuốc lá, rượu bia, tia UV từ nắng mặt trời, hóa chất độc hại từ thực phẩm và môi trường) có thể gây tổn thương tế bào, làm giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị, tăng rủi ro tái phát và làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Do đó, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố này có thể hỗ trợ điều trị ung thư một cách hiệu quả hơn.

Tóm lại, việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phù hợp và kịp thời là yếu tố then chốt trong việc đối phó với căn bệnh này. Các phương pháp điều trị ung thư đã được đề cập trong bài viết không chỉ mang đến hy vọng về việc loại bỏ và kiểm soát bệnh tật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với người bệnh ung thư, việc tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và cân nhắc cẩn thận các lựa chọn điều trị là bước thiết yếu trong hành trình chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Rate this post
09:59 16/08/2023