Ung thư tuyến giáp: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

14/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến (đứng hàng thứ 6) ở nữ giới. Trung bình, cứ mỗi 100.000 người Việt Nam lại có 5.8 nữ giới và 1.8 nam giới mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được tầm soát và thăm khám kịp thời. Vậy, dấu hiệu ung thư tuyến giáp giúp bạn nhận biết sớm được bệnh là gì? Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp và phương pháp điều trị ra sao ? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Ung thư tuyến giáp: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn gấp 3 lần nam giới

Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất các hormone tuyến giáp, có vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương; kiểm soát tim, cơ, chức năng tiêu hóa, cân nặng cũng như tốc độ trao đổi chất của cơ thể.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp (thyroid cancer), hay còn gọi là u tuyến giáp ác tính hoặc bệnh K tuyến giáp, là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào trong tuyến giáp – một cơ quan nhỏ hình cánh bướm nằm ở phía trước cổ. Trong đó, hai bên cánh bướm chính là nơi chứa thùy giáp; còn phần giữa (nối hai bên cánh bướm) được gọi là eo giáp.

Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, có đến 91 – 98% ung thư tuyến giáp khởi phát ở thùy giáp; còn lại, chỉ có 2 – 9% khối u nằm ở eo giáp. Tuy nhiên, ung thư nằm ở eo giáp cho thấy nguy cơ di căn cao hơn so với ung thư nằm ở thùy giáp (83% so với 66%).

Ung thư tuyến giáp cũng là loại ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 1 – 3% tổng số ca ung thư mới được phát hiện mỗi năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư tuyến giáp là:

  • Loại ung thư phổ biến thứ 7 trên toàn thế giới với hơn 500.000 người mắc bệnh mỗi năm;
  • Là nguyên nhân ung thư gây tử vong cao thứ 24 trên toàn thế giới với tiên lượng sống sau 5 năm được ước tính là 5%.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp là một loại ung thư tương đối phổ biến xếp trong top 10 ung thư phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh là 0.9 trên 100.000 người, tương đương với khoảng hơn 5400 ca ung thư tuyến giáp mới được phát hiện mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng số ca ung thư được chẩn đoán.

Các báo cáo sức khỏe tại Việt Nam cũng cho thấy, phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn gấp 3 lần so với nam giới, đặc biệt là sau tuổi dậy thì và trong những năm sinh sản. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở Việt Nam ngày càng gia tăng theo thời gian, điều này có thể do sự tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán hoặc do sự xuống cấp của các yếu tố môi trường.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một cơ quan hình cánh bướm ngay phía trước cổ họng

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Các triệu chứng ung thư tuyến giáp thường không dễ được nhận biết khi bệnh mới chỉ khởi phát ở giai đoạn đầu. Ngược lại, khi bệnh tiến triển, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu ung thư tuyến giáp xuất hiện rõ ràng hơn với các triệu chứng như:

  • Sờ thấy khối u ở cổ: Khối u (nốt sần) ở cổ là biểu hiện ung thư tuyến giáp phổ biến nhất. Nếu bạn thấy có một khối u sưng tấy nằm ở phía trước cổ, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được tầm soát ung thư tuyến giáp.
  • Cảm thấy khó nuốt: Khi khối u lớn dần bên trong cổ, nó có thể chèn ép thực quản và gây ra chứng khó nuốt.
  • Cảm giác khó thở: Khối u lớn có thể gây áp lực lên khí quản, gây ra chứng khó thở.
  • Đau cổ và đau tai: Một số người có thể cảm thấy đau ở cổ hoặc tận sâu trong tai do khối u chèn ép các dây thần kinh khu vực vùng đầu – cổ.
  • Thay đổi giọng nói: Ung thư tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến dây thanh quản, làm giọng nói bị biến đổi âm sắc, trầm ồm hoặc khàn đặc.
  • Sưng hạch ở cổ: Hạch bạch huyết ở cổ có thể sưng lên do ung thư tuyến giáp.
  • Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân cũng là dấu hiệu ung thư tuyến giáp mà bạn dễ bỏ qua.
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Khi khối u có thể được nhận biết bằng mắt thường là tình trạng ung thư đã tiến triển nặng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó bao gồm: bệnh lý tuyến giáp, bức xạ, di truyền, tuổi tác và giới tính. Cụ thể:

  • Bệnh lý tuyến giáp: Những người có bệnh lý tuyến giáp như viêm tuyến giáp, suy giáp có nguy cơ mắc ung thư giáp cao hơn người bình thường;
  • Tuổi tác và giới tính: Ung thư giáp thường xảy ra ở người từ 30 đến 60 tuổi và phụ nữ có nguy cơ cao hơn gấp 3 lần so với nam giới. Ở phụ nữ, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao nhất là trong thời kỳ sinh sản. Tuy nhiên, trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Những người tiếp xúc với các tia phóng xạ, nhất là trẻ em, có nguy cơ mắc ung thư giáp cao hơn. Ví dụ, những người đã phải điều trị bằng tia X cho vùng đầu, cổ, ngực và ngực như xạ trị ung thư vú, xạ trị ung thư hạch bạch huyết,… hoặc đã tiếp xúc với phóng xạ sau các thảm họa hạt nhân.
  • Di truyền: Một số bệnh di truyền có thể tăng nguy cơ mắc ung thư giáp, như hội chứng đa u tuyến nội tiết tuýp 2 (hội chứng MEN 2), bệnh Cowden (hội chứng đa u lành tính) và hội chứng phức hợp Carney (hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể liên quan đến sắc tố da và bệnh nội tiết).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp

Chế độ ăn thiếu i-ốt là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tuyến giáp

Phân loại ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp được phân thành 5 loại khác nhau, bao gồm:

Số thứ tự Phân loại ung thư tuyến giáp Mức độ phổ biến
1

 

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (papillary thyroid carcinoma – PTC) 70 – 80%
2

 

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang (follicular thyroid carcinoma – FTC) 10 – 15%
3 Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (medullary thyroid carcinoma – MTC) 4%
4 Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic thyroid carcinoma – ATC) 1%
5 Ung thư tuyến giáp các loại khác (OTC)  1%

1. Ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC)

Ung thư tuyến giáp thể nhú (Papillary Thyroid Carcinoma – PTC) rất phổ biến, chiếm tỷ lệ hơn 70% trong tổng số ca ung thư tuyến giáp được chẩn đoán. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào nhú (papillary) của tuyến giáp, chịu trách nhiệm cho việc sản xuất hormon giáp. PTC thường phát triển chậm và chỉ ảnh hưởng đến một phần của tuyến giáp. Triệu chứng chính của bệnh thường gây nên một khối u ở cổ.

Dù có khả năng lan truyền tới các hạch bạch huyết gần đó nhưng tỷ lệ sống còn sau 5 năm của người bệnh vẫn rất cao, lên đến hơn 99.5% nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị chính thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ phần tuyến giáp bị ảnh hưởng và kết hợp điều trị i-ốt phóng xạ.

Phân loại ung thư tuyến giáp, Ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC)

Ung thư tuyến giáp thể nhú thường có hình dạng là nhiều vòng tròn đồng tâm

2. Ung thư tuyến giáp thể nang (FTC)

Ung thư tuyến giáp thể nang (Follicular Thyroid Carcinoma – FTC) là loại ung thư tuyến giáp phổ biến thứ hai, chiếm khoảng 10-15% trên tổng số ca ung thư tuyến giáp. Loại ung thư này bắt nguồn từ các tế bào nang của tuyến giáp – nơi tạo ra và lưu trữ hormon tuyến giáp.

Dù phát triển chậm, loại ung thư này có thể lan ra khỏi tuyến giáp và di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác như phổi và xương; từ đó làm giảm tiên lượng sống cho người bệnh. Cách điều trị FTC tương tự như PTC, vẫn cần sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp với điều trị i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật.

Phân loại ung thư tuyến giáp, Ung thư tuyến giáp thể nang (FTC)

Mặt cắt minh họa tế bào ung thư tuyến giáp thể nang

3. Ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC)

Ung thư tuyến giáp thể tủy (Medullary Thyroid Carcinoma – MTC) chiếm khoảng 3 – 4% số trường hợp ung thư tuyến giáp. MTC thường bắt nguồn từ các tế bào C (tế bào cận nang) trong tuyến giáp, nơi chịu trách nhiệm sản xuất hormon calcitonin, giúp kiểm soát lưu lượng canxi trong máu. MTC thường gây nên những triệu chứng phổ biến như: khối u ở cổ, khó nuốt, đau cổ và thay đổi giọng nói.

Một trong những đặc điểm đặc biệt của ung thư tuyến giáp thể tủy là nó có thể di truyền. Cụ thể, khoảng 25% trường hợp MTC có liên quan đến một bệnh lý di truyền mang tên đa u tuyến nội tiết týp 2, còn gọi là hội chứng MEN 2.

Ung thư tuyến giáp thể tủy thường khó điều trị hơn so với các loại ung thư tuyến giáp khác vì nó có thể di căn ngoại vi và tái phát sau điều trị. Phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến giáp thể tủy là phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ tuyến giáp. Đặc biệt, điều trị bằng i-ốt phóng xạ không hiệu quả với loại ung thư này. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn sau 5 năm của người bệnh vẫn khá cao (>99%), nhất là khi bệnh được phát hiện sớm.

Phân loại ung thư tuyến giáp, Ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC)

Minh họa kết cấu tế bào ung thư tuyến giáp thể tủy (bên phải) so với tế bào tuyến giáp khỏe mạnh (bên trái)

4. Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa

Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic thyroid carcinoma – ATC) là dạng ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng số ca ung thư tuyến giáp. ATC xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân cao tuổi và thường gặp ở phụ nữ. Khối u được đặc trưng bởi sự to lên nhanh chóng ở tuyến giáp, gây sưng đau.

Nhìn chung, không có liệu pháp điều trị nào thực sự hiệu quả để kiểm soát ATC nếu bệnh đã theo hệ bạch huyết di căn đến gan, xương và phổi. Do đó, có khoảng 80% bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán ATC. Ngược lại, ở một số ít bệnh nhân có khối u ATC nhỏ hơn, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sau đó xạ trị bằng tia i-ốt tỏ ra hiệu quả.

Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa

Minh họa mặt cắt khối u tuyến giáp không biệt hóa

5. Các loại ung thư tuyến giáp khác

Ngoài ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (PTC), thể nang (FTC), thể tủy (MTC) và biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (ATC), còn có những loại ung thư hiếm gặp khác có thể xảy ra ở tuyến giáp, chẳng hạn như:

  • Ung thư lympho tuyến giáp: Bắt nguồn từ các tế bào lympho, một loại tế bào của hệ thống miễn dịch có trong tuyến giáp.
  • Ung thư sarcoma tuyến giáp: Bắt nguồn từ các tế bào mô liên kết trong tuyến giáp. Ung thư sarcoma thường mạnh mẽ và phát triển nhanh, có khả năng lan rộng và tấn công các mô và cơ quan xung quanh.

Các giai đoạn ung thư tuyến giáp phát triển ra sao?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và ủy ban Kiểm soát Ung thư Quốc tế (AJCC/UICC), các giai đoạn của ung thư tuyến giáp thường được phân loại theo Hệ thống TNM (Tumor, Node, Metastasis). Trong đó:

  • T: Mô tả về kích thước của khối u gốc;
  • N: Diễn tả sự lan rộng đến các hạch bạch huyết;
  • M: đề cập đến sự di căn đến các cơ quan khác.

Theo Hệ thống TNM, các giai đoạn của ung thư tuyến giáp được phân thành:

  • Giai đoạn I:
    • Với người bệnh <55 tuổi: Ung thư nhỏ, nằm trong tuyến giáp, không di căn đến hạch bạch huyết hay các cơ quan khác.
    • Với người bệnh >=55 tuổi: Là giai đoạn ung thư chưa di căn xa, không có bằng chứng di căn hạch vùng với kích thước khối u gốc =<4cm nằm cục bộ trong tuyến giáp.
  • Giai đoạn II:
    • Với người bệnh <55 tuổi: Là giai đoạn ung thư đã có dấu hiệu di căn xa với kích thước (T) bất kỳ, di căn đến vùng hạch (N) bất kỳ;
    • Với người bệnh >=55 tuổi: Là giai đoạn ung thư chưa di căn xa với:
      • Kích thước =< 4cm và có dấu hiệu di căn sang hạch vùng;
      • Hoặc kích thước >4cm và có thể có hoặc không có dấu hiệu di căn sang hạch vùng.
  • Giai đoạn III: Ung thư không di căn xa nhưng có dấu hiệu xâm lấn sang phần mô mềm dưới cổ (thanh quản, khí quản, thực quản, thần kinh hồi thanh quản) với bất kỳ kích thước nào.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan rộng hơn, đến các hạch bạch huyết xa hơn hoặc đến các cơ quan khác như phổi và xương.
Các giai đoạn ung thư tuyến giáp phát triển ra sao?

Ung thư tuyến giáp thường tiến triển chậm 4 giai đoạn

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Ung thư tuyến giáp NGUY HIỂM vì bệnh dễ dàng gây tử vong nếu không được tầm soát và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm với vòng đời của khối u kéo dài trung bình từ 15 – 20 năm. Do đó, mức độ nguy hiểm của ung thư tuyến giáp ở mỗi người bệnh là không giống nhau và còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: loại ung thư, giai đoạn phát triển và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Cụ thể:

  • Loại ung thư: Một số loại ung thư tuyến giáp, như ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (PTC) và thể nang (FTC), thường có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các loại khác như ung thư tuyến giáp không biệt hóa (ATC) và ung thư thể tủy (MTC).
  • Giai đoạn phát triển: Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường có tỷ lệ sống còn cao, nhưng nếu phát hiện muộn hoặc đã di căn tới các cơ quan khác, tỷ lệ sống còn giảm đi đáng kể.
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể: Người bệnh có sức khỏe tổng thể tốt thường có khả năng đáp ứng xạ trị tốt hơn.

Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Hầu hết ung thư tuyến giáp KHÔNG DI TRUYỀN. Tuy nhiên, vẫn có tồn tại một số loại ung thư tuyến giáp hiếm gặp, có khả năng di truyền, chẳng hạn như một số trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) và thể nhú (PTC). Cụ thể:

  • MTC: MTC có khả năng di truyền khi bệnh là kết quả của hội chứng đa u tuyến nội tiết týp 2 (hội chứng MEN 2) – một tình trạng di truyền hiếm gặp có thể gây nên các khối u ở tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận;
  • PTC: PTC có khả năng di truyền khi bệnh là kết quả của các hội chứng có khả năng di truyền như Hội chứng Cowden hoặc Hội chứng Gardner. Trong đó:
    • Hội chứng Cowden: Thường gây tổn thương da bất thường, xuất hiện khối u ở hạch bạch huyết và vị trí khác ngoài tuyến giáp.
    • Hội chứng Gardner: Thường liên quan đến sự phát triển bất thường của các polyp trong đường tiêu hóa và ung thư khác ngoài tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Hầu hết bệnh ung thư tuyến giáp đều không di truyền nên bạn không cần phải lo lắng

Bệnh ung thư tuyến giáp có lây không?

Bệnh ung thư tuyến giáp KHÔNG LÂY LAN. Ung thư tuyến giáp không phải là một loại bệnh truyền nhiễm và tế bào ung thư không thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc, không khí, thức ăn, nước uống, hay bất kỳ hình thức giao tiếp nào khác. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp không cần cách ly mà vẫn có thể sinh hoạt bình thường với người thân xung quanh.

Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, các bác sĩ thường áp dụng các phương pháp như siêu âm, chụp xạ hình, chụp CT, MRI hoặc sinh thiết mô tuyến giáp. Cụ thể:

1. Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, có độ tin cậy cao, thường được nhiều bác sĩ ưu tiên chỉ định để nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh lý của tuyến giáp.

Ưu điểm:

  • Chi phí thấp, không gây hại, an toàn và hiệu quả cao;
  • Không cần chuẩn bị trước khi siêu âm hoặc phải nghỉ dưỡng sau khi siêu âm;
  • Có khả năng quan sát, đánh giá chính xác được tính chất của khối u (đặc hay nang), dung tích và khối lượng của khối u.

Nhược điểm:

  • Độ chính xác của siêu âm phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng và kinh nghiệm của người thực hiện. Một người không có đủ kỹ năng hoặc kinh nghiệm có thể bỏ sót hoặc sai lầm trong việc nhận dạng các dấu hiệu bất thường.
  • Siêu âm không thể phát hiện chính xác sự lan rộng của bệnh tại một số vị trí, ví dụ như đằng sau quả phổi hoặc trong các hạch bạch huyết sâu.
  • Siêu âm không thể xác định khối u là lành tính hay ác tính. Điều này thường yêu cầu người bệnh thực hiện thủ tục chọc hút (sinh thiết) mô tuyến giáp để xét nghiệm chi tiết hơn.

Khi nhận kết quả siêu âm, một số dấu hiệu cảnh báo ung thư ác tính bao gồm: sự phát triển mạnh của mạch máu ở trung tâm tuyến giáp, khối u giảm âm hoặc phản xạ âm (có vệt mờ trên phim chụp), bờ không đều và có dấu hiệu vôi hóa bên trong.

Chẩn đoán ung thư tuyến giáp, siêu âm tuyến giáp

Siêu âm là phương pháp hiệu quả, tiết kiệm và an toàn để chẩn đoán khối u tuyến giáp

2. Chụp xạ hình tuyến giáp

Chụp xạ hình tuyến giáp, còn gọi là bức ảnh hoạt động tuyến giáp, là một phương pháp chẩn đoán sử dụng hạt phóng xạ như iodine hoặc technetium để tạo ra hình ảnh chi tiết của tuyến giáp. Trong quy trình này, bệnh nhân uống hoặc tiêm hạt phóng xạ, sau đó chụp ảnh bằng máy xạ hình để theo dõi hạt phóng xạ tích tụ ở đâu trong tuyến giáp.

Ưu điểm:

  • Cho thấy sự hiện diện của khối u rõ ràng hơn kết quả siêu âm;
  • Cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của tuyến giáp, giúp phát hiện các vùng hoạt động thấp hoặc vùng không hoạt động.

Nhược điểm:

  • Không phân biệt được giữa khối u lành tính và ác tính;
  • Một số loại ung thư tuyến giáp, như ung thư tuyến giáp thể nhú, thường khó tích tụ hạt phóng xạ; do đó, khó thể phát hiện bằng phương pháp này;
  • Sử dụng hạt phóng xạ đặt ra nhiều vấn đề về an toàn phóng xạ và biến chứng tiềm ẩn.

3. Chụp CT và chụp MRI tuyến giáp

Chụp CT (Computed Tomography) và MRI (Magnetic Resonance Imaging) đều là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, giúp cung cấp hình ảnh chi tiết về tuyến giáp và các cấu trúc xung quanh. Trong đó:

  • Chụp CT: Sử dụng chùm tia X phóng xạ để tạo ra hình ảnh mặt cắt chi tiết vùng tuyến giáp trong cơ thể. Nó có thể giúp bác sĩ xác định kích thước, vị trí của khối u, đồng thời phát hiện sự lan rộng của bệnh đến các mô xung quanh hoặc các hạch bạch huyết. Tuy nhiên, chụp CT sử dụng tia X, có thể gây hại nếu phơi nhiều.
  • MRI: Sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh của cơ thể. Nó cung cấp hình ảnh chi tiết, đặc biệt là các mô mềm, giúp xác định rõ ràng hơn về việc bệnh có lan rộng ra ngoài tuyến giáp hay không. Nhược điểm là thời gian chụp lâu hơn, có thể gây khó chịu cho bệnh nhân, và có thể không phù hợp với những người có thiết bị kim loại trong cơ thể.

4. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA)

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA – Fine Needle Aspiration Biopsy) là một phương pháp chẩn đoán sử dụng một đầu kim nhỏ để lấy mẫu tế bào từ khối u hoặc hạch bạch huyết trong tuyến giáp. Mẫu tế bào sau đó được đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định có dấu hiệu của bệnh lý hay không.

Ưu điểm:

  • Phân biệt được giữa khối u lành tính và khối u ác tính.
  • Có thể thực hiện ngay tại phòng khám, thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân có thể ra về ngay trong ngày.

Nhược điểm:

  • Là một thủ thuật có xâm lấn, gây đau nhẹ, cần bạn chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng;
  • Đôi khi kết quả sinh thiết không rõ ràng, dẫn đến việc người bệnh phải đến bệnh viện nhiều lần để được lấy mẫu và thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác;
  • Kết quả sinh thiết phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và kinh nghiệm của người lấy mẫu.
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Sinh thiết tuyến giáp thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của đầu dò siêu âm

5. Giải phẫu bệnh (sinh thiết)

Giải phẫu bệnh (GPB) là một lĩnh vực y học liên quan đến việc nghiên cứu và phân tích các tiêu bản bệnh học (mô bệnh phẩm) được thu thập trực tiếp từ cơ quan cần chẩn đoán bệnh lý trong quá trình giải phẫu, nội soi hoặc sinh thiết. Trong công tác chẩn đoán ung thư tuyến giáp, để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, các bác sĩ sẽ thực hiện thủ tục chọc hút bằng kim nhỏ (Fine Needle Aspiration – FNA) dưới sự định hướng của đầu dò siêu âm.

Các chuyên gia sau đó sẽ kiểm tra mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của tế bào ung thư, chẳng hạn như sự thay đổi về kích thước, hình dạng và kết cấu tổ chức của tế bào tuyến giáp. Các kết quả từ GPB giúp các bác sĩ xác định liệu bệnh nhân có mắc ung thư tuyến giáp hay không; và nếu có, thì đó là kiểu hình ung thư nào (thể nang, thể nhú, thể tủy hay thể không biệt hóa) và mức độ tiến triển của bệnh hiện tại ra sao.

6. Một số xét nghiệm khác

Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, các xét nghiệm sau có thể được thực hiện:

  • Xét nghiệm hormon tuyến giáp: Đo lượng các hormon LT3, LT4 và TSH. Thông thường, kết quả sẽ trong phạm vi bình thường.
  • Xác định mức độ thyroglobulin: Thyroglobulin là một loại protein được sản xuất bởi phần lớn tế bào ung thư ở tuyến giáp. Do đó, nồng độ thyroglobulin cao chính là chỉ báo chính xác nhất của bệnh ung thư tuyến giáp. Sau phẫu thuật, việc theo dõi mức độ thyroglobulin cũng giúp kiểm tra xem liệu bệnh có tái phát hay không và đánh giá sự di căn của bệnh.
  • Chụp X-quang: X-quang giúp cung cấp hình ảnh về khối u, có thể xác định xem khối u có đang gây ép lên khí quản và thực quản hay không. Nó cũng cho thấy liệu khối u có lan rộng vào trung thất của tuyến giáp và có sự di căn đến phổi hay không.

Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp đều CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC nếu được phát hiện kịp thời. So với các loại ung thư khác, tế bào ung thư tuyến giáp thường đáp ứng rất tốt với quá trình điều trị. Tuy nhiên,

Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Hầu hết người bệnh ung thư tuyến giáp đều có thể sống được ít nhất 5 năm sau phẫu thuật. Theo số liệu thống kê từ những trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp từ năm 2012 đến 2018 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống còn 5 năm cho ung thư tuyến giáp rất cao, trung bình đạt trên 92%.

Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống còn có thể còn cao hơn, có thể lên đến hơn 99%. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn sẽ giảm dần nếu bệnh đã lan rộng ra ngoài tuyến giáp hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể. Cụ thể:

Loại ung thư tuyến giáp Tỉ lệ sống sau 5 năm theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Cục bộ Di căn khu vực lân cận Di căn xa (xương, phổi,…)
Ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC) >99.5% 99% 74%
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang (FTC) >99.5% 98% 67%
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC) >99.5% 92% 43%
Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (ATC) 39% 11% 4%

Mặc dù những con số này mang lại nhiều hy vọng, nhưng mỗi người bệnh khác nhau sẽ có tiên lượng sống khác nhau. Do đó, bạn cần thảo luận chi tiết với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và thời gian sống của mình.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp: Còn gọi là tiểu phẫu tuyến giáp hoặc toàn phẫu tuyến giáp. Đây thường là phương pháp mà bác sĩ điều trị ưu tiên đầu tiên bởi thời gian điều trị nhanh, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.
  • Kết hợp xạ trị và hóa trị: Nếu bệnh đã lan rộng, điều trị có thể bao gồm liệu pháp yếu hạch (xạ trị với iốt phóng xạ), xạ trị ngoại vi, hoặc hóa trị (đặt thuốc chẹn tuyến giáp).
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp được nhiều bác sĩ ưu tiên

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư tuyến giáp

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục và duy trì sức khỏe tổng thể với những người đang điều trị ung thư tuyến giáp. Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng mà người bệnh ung thư tuyến giáp không nên bỏ lỡ:

  • Hạn chế thực phẩm giàu iốt: Iốt là yếu tố quan trọng để tuyến giáp sản xuất hormone. Nếu bạn đã bị mất tuyến giáp do phẫu thuật và đang sử dụng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp, iốt không còn là yếu tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nếu bạn đang được xạ trị với iốt phóng xạ, bạn có thể cần hạn chế iốt trước và trong quá trình điều trị.
  • Ưu tiên thực phẩm lành mạnh: Hãy chú trọng đến việc ăn nhiều hoa quả, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu cũng như loại thực phẩm chứa nhiều protein như cá, thủy hải sản, trứng, sữa tách béo và nạc gia cầm bỏ da.
  • Ăn nhiều chất xơ: Nếu bạn đang được bổ sung hormone tuyến giáp, bạn có thể dễ bị táo bón. Vì thế, việc ăn nhiều chất xơ từ hoa quả, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu có thể giúp cải thiện triệu chứng táo bón.
  • Hạn chế thực phẩm xấu: Người bệnh ung thư tuyến giáp cần hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thực phẩm ủ muối, lên men, đồ tươi sống hoặc những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, đường và muối để ngăn ngừa ung thư tái phát và rút ngắn thời gian hồi phục sau điều trị.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn: Người bệnh ung thư tuyến giáp thường bị đau vùng họng và gây nên chứng khó nuốt. Do đó, người bệnh cần chia nhỏ khẩu phần ăn ra thành 8 – 10 cữ / ngày, đồng thời ưu tiên ăn những món dễ nuốt, ít gia vị như cháo / canh / súp / món hầm / luộc / hấp.
  • Giữ đủ nước: Việc uống đủ nước 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp cơ thể không bị mất nước, duy trì chức năng miễn dịch và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư tuyến giáp

Trong thời gian xạ trị ung thư tuyến giáp, người bệnh cần hạn chế ăn thực phẩm giàu i-ốt

Có thể tầm soát ung thư tuyến giáp không?

Ung thư tuyến giáp hoàn toàn CÓ THỂ được tầm soát. Hiện nay, có 2 phương pháp chính để tầm soát ung thư tuyến giáp, đó là:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Các bác sĩ sẽ sờ nắn cổ của bạn khi khám sức khỏe tổng quát; qua đó, có thể phát hiện sớm những nốt sần (khối u) ở tuyến giáp (nếu có). Tuy nhiên, cách này thường không thể phát hiện được những khối u có đường kính nhỏ hơn 1 cm.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Thông qua các phương pháp chụp chiếu hiện đại (siêu âm, chụp CT, MRI,…), các bác sĩ có thể quan sát và xác định được cả những khối u không thể nhìn thấy bằng mắt thường, đặc biệt là những khối hơn 1 cm nằm sâu trong tuyến giáp.

Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Mặc dù không có bất kỳ cách nào có thể giúp bạn phòng ngừa triệt để bệnh ung thư tuyến giáp, nhưng vẫn có một số biện pháp nhất định giúp bạn hạ thấp nguy cơ mắc phải căn bệnh này, chẳng hạn như:

  • Tránh tiếp xúc với phóng xạ: Phơi nhiễm phóng xạ, đặc biệt là với trẻ nhỏ, có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Vì thế, nếu bạn phải tiếp xúc với phóng xạ (ví dụ như phải xạ trị, chụp X-quang hoặc CT quá nhiều), hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu tối đa nguy cơ ung thư tuyến giáp.
  • Kiểm tra tiền sử gia đình: Nếu có người trong gia đình mắc ung thư tuyến giáp hoặc các hội chứng di truyền liên quan, bạn hãy chủ động tầm soát ung thư tuyến giáp trong những đợt khám sức khỏe định kỳ để ngăn ngừa và nhận biết bệnh từ sớm.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh, giàu hạt, trái cây, rau và chất xơ có thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ ung thư tuyến giáp.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Càng sớm phát hiện ung thư tuyến giáp, khả năng điều trị thành công càng cao. Định kỳ khám sức khỏe và lắng nghe cơ thể bạn là cách tốt nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.
Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Chế biến thực phẩm bằng muối i-ốt là một trong những cách phòng bệnh ung thư tuyến giáp hiệu quả

Nghi mắc ung thư tuyến giáp: Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn hãy chủ động đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Có cục cứng hoặc sưng ở phần trước cổ, gần vùng trái cổ;
  • Khó thở hoặc khó nuốt;
  • Đau cổ hoặc tai mà không rõ nguyên nhân;
  • Giọng nói theo thời gian bị biến sắc, trầm ồm, khàn đặc hoặc rè;
  • Các triệu chứng khác liên quan đến tuyến giáp như mệt mỏi, dễ tăng / giảm cân, cảm giác lạnh hoặc nóng không rõ nguyên nhân.

Lưu ý, những triệu chứng ung thư tuyến giáp kể trên thường là dấu hiệu điển hình ở người bệnh đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Do đó, nếu bạn nhận thấy bản thân mắc phải một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, điều đó không có nghĩa là bạn đã bị ung thư tuyến giáp. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân mắc ung thư tuyến giáp, tốt nhất là bạn nên chủ động đặt lịch hẹn với bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám kịp thời.

Trong việc điều trị ung thư tuyến giáp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là cơ sở y tế hàng đầu có chuyên khoa Ung bướu hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như hệ thống máy siêu âm tổng quát cao cấp Acuson Sequoia (Siemens, Đức),… các bác sĩ có thể giúp bạn nhận biết sớm những khối u tuyến giáp; từ đó, đưa ra phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả và kịp thời.

Để đặt lịch thăm khám ung thư tuyến giáp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858 024 3872 3872 (Hà Nội).

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về bệnh ung thư tuyến giáp mà bạn cần quan tâm. Hy vọng sau bài viết, bạn đã hiểu rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp là gì, dấu hiệu ung thư tuyến giáp ra sao để có biện pháp phòng ngừa và nhận biết sớm tình trạng bệnh. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
10:34 14/08/2023