Tuyến giáp: Cấu tạo, vị trí và chức năng của tuyến giáp

14/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tuyến giáp là một cơ quan vô cùng quan trọng, chi phối hàng loạt hoạt động sinh lý trong cơ thể. Chức năng của tuyến giáp, một khi bị rối loạn, có thể khiến người bệnh bị đảo lộn cuộc sống, phải dùng thuốc điều trị đến suốt đời. Vậy, tuyến giáp là gì? Chức năng của tuyến giáp ra sao? Làm thế nào để bảo vệ, phục hồi và tăng cường chức năng tuyến giáp? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Tuyến giáp: Cấu tạo, vị trí và chức năng của tuyến giáp

Hiểu rõ về tuyến giáp sẽ giúp bạn ngăn ngừa sớm các bệnh lý rối loạn chức năng nguy hiểm tại cơ quan này

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp (tên tiếng anh là thyroid hoặc thyroid gland) là một tuyến nhỏ trực thuộc hệ thống nội tiết, nằm ngay ở mặt trước cổ họng, dưới lớp da cổ, bên cạnh khí quản và liền sát bên dưới yết hầu (trái khế cổ) của bạn.

Cấu tạo giải phẫu tuyến giáp

Tuyến giáp có hình dạng giống một cánh bướm, với phần hai bên cánh được gọi là thùy giáp; riêng phần giữa hai cánh được nối với nhau bởi một mô nhỏ, bắt qua mặt trước của khí quản, được gọi là eo giáp.

Mỗi cánh tuyến giáp là một cấu trúc dẹp có dạng hình dáng gần giống như một hình bán nguyệt, kéo dài từ trên cổ họng đến vị trí của thực quản. Trong đó, thùy giáp phải thường to hơn thùy giáp trái.

Ở cấp độ tế bào, tuyến giáp được chia thành những đơn vị nhỏ hơn, bao gồm:

  • Nang giáp: Là nơi các tế bào tuyến giáp trực tiếp sản xuất và lưu trữ hóc-môn. Trong mỗi nang giáp thường chứa đầy một loại dịch nhầy, có kết cấu giống dạng gel, còn được gọi là chất keo tuyến giáp (colloid). Trong chất keo tuyến giáp lại chứa nhiều thyroglobulin – một loại protein cần thiết để tạo ra hóc-môn giáp thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3).
  • Tế bào cận nang: Còn được gọi là tế bào C hoặc tế bào parafollicular, nằm ở cận nang giáp trong tuyến giáp, có nhiệm vụ sản xuất calcitonin – một loại hóc-môn giúp hạ thấp nồng độ canxi trong máu.
  • Hệ thống mạch và dây thần kinh: Hệ thống mạch máu và dây thần kinh phức tạp giúp kết nối tuyến giáp với phần còn lại của cơ thể, cho phép nó nhận thông tin và chỉ đạo từ hệ thống nội tiết ở tuyến yên và gan để phóng thích kịp thời một số loại hóc-môn quan trọng vào máu.
Cấu tạo giải phẫu tuyến giáp

Minh họa mặt cắt tuyến giáp trong vùng cổ

Vai trò và chức năng của tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp có vai trò điều chỉnh hoạt động trao đổi chất của cơ thể thông qua việc sản xuất và phóng thích hóc-môn vào hệ bạch huyết. Những hóc-môn này bao gồm:

  • Thyroxine (T4): Đây là hóc-môn chính được sản xuất và tiết ra từ tuyến giáp. T4 có chức năng điều chỉnh năng lượng và sự tăng trưởng của cơ thể.
  • Triiodothyronine (T3): Mặc dù T3 được sản xuất ít hơn T4, nhưng nó hoạt động mạnh hơn và là hình thức hoạt động chính của hóc-môn giáp. T3 cũng có vai trò trong việc điều chỉnh năng lượng và sự tăng trưởng của cơ thể.
  • Calcitonin: Giúp cơ thể kiểm soát, không để nồng độ canxi trong máu tăng lên quá cao.

Khi tuyến giáp không hoạt động đúng cách, nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về rối loạn chức năng, bao gồm cả tình trạng hoạt động quá mức (gọi là cường giáp) hoặc suy yếu quá mức (gọi là suy giáp) và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ cơ thể.

chức năng của tuyến giáp

Sơ đồ nội tiết tố tuyến giáp

Những rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp

Có 2 dạng rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp là suy giáp và cường giáp. Cụ thể:

1. Suy giảm chức năng tuyến giáp (Suy giáp)

Suy giáp là trạng thái tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hóc-môn giáp mà cơ thể cần. Những hóc-môn này đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, khi bị suy giáp, bạn có thể gặp nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Mệt mỏi: Là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy giáp. Hormone giáp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì năng lượng. Vì vậy, khi mắc bệnh suy giáp, bạn có thể bị suy nhược thể chất, thiếu năng lượng nên dễ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
  • Da khô và tóc yếu: Hormone giáp giúp duy trì độ ẩm của da và sức khỏe của tóc. Khi cơ thể bạn không có đủ hóc-môn giáp, da có thể trở nên khô và tóc có thể trở nên yếu, chẻ ngọn và dễ gãy rụng.
  • Tăng cân: Suy giáp có thể làm chậm tốc độ trao đổi chất của bạn, tăng khả năng tích trữ năng lượng từ thực phẩm và dẫn đến tăng cân.
  • Cảm lạnh: Suy giáp giới hạn mức năng lượng mà cơ thể hấp thu; từ đó, làm giảm khả năng giữ nhiệt, khiến người bệnh thường xuyên thấy lạnh.
  • Rối loạn cơ bắp: rối loạn chức năng tuyến giáp làm thay đổi hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Điều đó dẫn đến làm sụt giảm khối cơ, gây nên hiện tượng đau mỏi và cứng cơ
  • Xuất hiện dị cảm: sự thiếu hụt các hormone tuyến giáp khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác tê bì chân tay, châm chích hoặc lúc nóng lúc lạnh,…
  • Tâm trạng thay đổi: Thiếu hụt hóc-môn giáp có thể làm chậm các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, bao gồm cả những hoạt động liên quan đến não bộ. Điều này làm tăng cảm giác uể oải, buồn chán, lo âu, thiếu tập trung – những dấu hiệu của chứng trầm cảm.
  • Chu kỳ kinh không đều: Hormone giáp có thể tác động đến mức độ và chu kỳ phóng thích của hóc-môn sinh sản, bao gồm estrogen và progesterone – hai loại hóc-môn chủ chốt quản lý chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng trễ kinh hoặc mất kinh.
Những rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp, suy giáp

Suy giáp thường gây mệt mỏi và sa sút thể chất

2. Cường chức năng tuyến giáp (Cường giáp)

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hóc-môn giáp và kích thích quá trình trao đổi chất diễn ra quá mức cần thiết. Các triệu chứng của bệnh cường giáp rất đa dạng, phụ thuộc vào mức độ tăng hóc-môn giáp và thời gian mà tình trạng này kéo dài. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:

  • Dễ sụt cân: Dù ăn nhiều hơn, người bị cường giáp vẫn có thể bị giảm cân do gia tăng tốc độ trao đổi chất, gây nên thâm hụt calo trong cơ thể.
  • Tim đập nhanh: Cường giáp có thể làm tăng tốc độ nhịp tim, gây cảm giác tim đập dồn dập, thở dốc hoặc đôi lúc khiến tim đập không đều (lúc nhanh lúc chậm)
  • Thay đổi tâm trạng: Cường giáp có thể gây ra các triệu chứng tâm lý như căng thẳng, lo lắng, mất khả năng tập trung, mệt mỏi và đau đầu do tăng huyết áp.
  • Chu kỳ kinh cường hóa: Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể ảnh hưởng đến hóc-môn estrogen, kích thích chu kỳ kinh nguyệt diễn ra với tần suất thường xuyên và mức độ nghiêm trọng hơn bình thường.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ: Trong thời tiết bình thường, người bị cường giáp thường cảm thấy nóng và dễ đổ mồ hôi nhiều hơn so với người bình thường.
  • Tiêu chảy hoặc đại tiện thường xuyên: Cường giáp có thể làm tăng tốc độ di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa, gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc đại tiện nhiều hơn 1 lần mỗi ngày.
  • Gặp vấn đề với mắt: Trong một số trường hợp, bệnh cường giáp có thể làm cho mắt sưng lên, đỏ rát và cảm thấy khó chịu.
Những rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp, cường giáp

Cường giáp kéo dài có thể khiến tuyến giáp sưng to

Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp là gì?

Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những yếu tố khách quan (không thể can thiệp) và chủ quan (có thể được can thiệp). Cụ thể:

1. Nguyên nhân khách quan

  • Tuổi và giới tính: Nhìn chung, những bệnh lý về tuyến giáp có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất là với những đối tượng trong độ tuổi từ 20 đến 40. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh về tuyến giáp cao hơn nam giới nhiều lần, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
  • Yếu tố di truyền: Các yếu tố gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp. Nếu có người trong gia đình bạn mắc bệnh về tuyến giáp, rủi ro của bạn cũng cao hơn.
  • Yếu tố môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất công nghiệp, thuốc lá, rượu bia hoặc hóa chất từ khoáng sản có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp của bạn lên nhiều lần.
  • Bệnh lý tự miễn: Bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow) và bệnh viêm giáp Hashimoto là hai bệnh lý rối loạn miễn dịch hiếm gặp có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp. Trong cả hai trường hợp này, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp, dẫn đến bệnh cường giáp (Basedow-Graves) hoặc suy giáp (Hashimoto).

2. Nguyên nhân chủ quan

  • Rối loạn dinh dưỡng: I-ốt là nguyên liệu chính để sản xuất hóc-môn giáp. Nếu không tiêu thụ đủ i-ốt, tuyến giáp không thể sản xuất đủ hóc-môn và gây suy giáp. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, cơ thể hấp thụ quá nhiều i-ốt trong suốt một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Do đó, cả hai tình trạng thiếu hụt hoặc tiêu thụ quá mức i-ốt đều có thể gây ra rối loạn tuyến giáp.
  • Bất ổn tâm lý: Khi bị căng thẳng, cơ thể bạn sẽ giải phóng hóc-môn cortisol. Quá nhiều cortisol có thể ảnh h quá trình sản xuất hóc-môn tuyến giáp. Khi chức năng tuyến giáp bị ức chế, nồng độ hóc-môn triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) sẽ thay đổi thất thường và gây nên các triệu chứng của các rối loạn tuyến giáp.
  • Bệnh lý tuyến giáp: Một số bệnh lý phổ biến như viêm tuyến giáp sau sinh, tuyến giáp bất hoạt bẩm sinh có thể gây suy giáp. Trong khi đó, những bệnh lý có liên quan đến các nhân tuyến giáp (thyroid nodule) có thể làm tăng nguy cơ cường giáp.
  • Bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng của tuyến giáp, bao gồm: bệnh thiếu máu ác tính, tiểu đường, suy tuyến thượng thận, lupus ban đỏ, thấp khớp, hội chứng Sjögren và hội chứng Turner,…
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp là gì?

Tiêu thụ ít thực phẩm chứa i-ốt làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp

Các dấu hiệu cảnh báo bạn cần kiểm tra tuyến giáp

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình, có thể là chỉ báo quan trọng cảnh báo các bệnh lý về tuyến giáp mà bạn cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám kịp thời:

  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân với tần suất ngày càng tăng;
  • Cổ nổi hạch, phình to, đau ở phần trước của cổ hoặc có cảm giác mắc nghẹn khi nuốt (khó nuốt);
  • Tăng cân hoặc giảm cân mà không có lý do rõ ràng;
  • Giọng nói thay đổi bất thường (trầm ồm, khàn đặc, rè tiếng…) kéo dài hơn 1 tháng chưa khỏi;
  • Da ngày càng khô; tóc dần trở nên yếu hoặc mỏng; da tay hoặc da chân thường xuyên bị tê, châm chích; cơ thể dễ nóng hoặc thường xuyên có cảm giác ớn lạnh,…
  • Dễ cảm thấy trầm cảm, lo âu vô cớ và khó tập trung;
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, mất kinh hoặc rong kinh nhiều hơn bình thường;
  • Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, hoặc lúc nhanh lúc chậm dù bạn không vận đồng nhiều.

Lưu ý, việc bạn có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn bị rối loạn tuyến giáp. Để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất vì tình trạng sức khỏe tuyến giáp của bạn, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo bạn cần kiểm tra tuyến giáp

Thường xuyên mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tuyến giáp

Rối loạn tuyến giáp được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán rối loạn tuyến giáp, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các kiểm tra và thủ tục bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phỏng vấn chi tiết về triệu chứng, lịch sử bệnh lý của cá nhân và gia đình bạn; đồng thời, tiến hành kiểm tra cổ của bạn để xem tuyến giáp có to hơn bình thường hay không.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện các thủ tục xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của 2 loại hóc-môn quan trọng, gồm hóc-môn giáp (thyroxine – T4) và hóc-môn kích thích tuyến giáp (TSH). Nếu mức TSH cao và mức T4 thấp, đó là dấu hiệu của suy giáp. Ngược lại, nếu mức TSH thấp và mức T4 cao, đó là dấu hiệu của cường giáp.
  • Siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp CT : Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xem được cấu trúc mô học của tuyến giáp và xác định xem có sự hiện diện của tế bào ung thư nào hay không.
  • Thăm dò chức năng tuyến giáp (Scintigraphy): Trong thủ tục này, bạn sẽ uống hoặc tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ, sau đó bác sĩ sẽ sử dụng máy dò phóng xạ để xem chất phóng xạ được phân phối như thế nào trong tuyến giáp. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định được vùng nào của tuyến giáp đang gặp vấn đề, cũng như phát hiện sớm bất kỳ tế bào ung thư nào có thể tồn tại.

Lưu ý, việc áp dụng các phương pháp chẩn đoán tuyến giáp kể trên có thể được thay đổi linh hoạt tùy theo triệu chứng, tình trạng sức khỏe tổng thể và lịch sử y tế của người bệnh. Trong mọi tình huống, bạn cần tuân thủ theo phác đồ chẩn đoán của bác sĩ để đạt được kết quả thăm khám chính xác nhất.

Rối loạn tuyến giáp được chẩn đoán như thế nào?

Xét nghiệm đo lường nồng độ hóc-môn T3, T4 và TSH giúp chẩn đoán rối loạn tuyến giáp hiệu quả

Rối loạn tuyến giáp có chữa được không?

Rối loạn tuyến giáp CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC. Tuy nhiên, phương pháp điều trị rối loạn tuyến giáp sẽ phụ thuộc vào từng loại rối loạn cụ thể. Chi tiết như sau:

  • Suy giáp: Cách điều trị chính cho bệnh suy giáp là phải giúp người bệnh bổ sung thyroxine – một loại hóc-môn mà tuyến giáp không thể sản xuất đầy đủ cho cơ thể. Việc uống bổ sung các loại thuốc thay thế hóc-môn giáp, chẳng hạn như levothyroxine, thường phải được người bệnh tiến hành mỗi ngày, cho đến suốt phần đời còn lại. Liều lượng uống thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên kết quả kiểm tra nồng độ hóc-môn giáp của bạn.
  • Cường giáp: Có 3 phương pháp điều trị khác nhau cho cường giáp, bao gồm:
    • Dùng thuốc đường uống để làm giảm sản xuất hóc-môn giáp, chẳng hạn như thuốc methimazole hoặc propylthiouracil.
    • Điều trị bằng I-131, một loại thuốc chứa đồng vị i-ốt phóng xạ, có khả năng làm giảm hoạt động quá mức của tuyến giáp.
    • Trong một số trường hợp nhất định, phẫu thuật để loại bỏ một phần tuyến giáp cũng được xem xét là một phương án chữa trị hiệu quả bệnh cường giáp.

Trong cả hai trường hợp rối loạn tuyến giáp, mục tiêu của việc điều trị là làm cho mức hóc-môn giáp trong cơ thể trở lại mức bình thường; đồng thời, giảm thiểu tối đa các triệu chứng và tác dụng phụ liên quan. Trên thực tế, tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng sức khỏe tổng thể và phản ứng của bạn với các liệu pháp điều trị mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất.

Rối loạn tuyến giáp có chữa được không?

Bổ sung Levothyroxine là phương pháp điều trị suy giáp phổ biến

Có thể sống mà không có tuyến giáp không?

Một người hoàn toàn CÓ THỂ SỐNG mà không cần có tuyến giáp. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc bổ sung hóc-môn thyroxine hàng ngày, cho đến suốt đời để đảm bảo mọi hoạt động trao đổi chất của cơ thể diễn ra bình thường.

Biện pháp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng tuyến giáp

1. Chế độ ăn lành mạnh

Người bệnh rối loạn tuyến giáp nên tuân theo một chế độ ăn lành mạnh, cân đối và đa dạng dưỡng chất. Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng giúp người bệnh rối loạn tuyến giáp nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh:

  • Ăn uống đa dạng: Ăn đầy đủ các loại thực phẩm khác nhau, bao gồm thịt nạc, thủy hải sản, trứng, sữa, ngũ cốc, trái cây, rau củ và chất béo lành mạnh.
  • Kiểm soát calo và lượng protein:
    • Với người bệnh cường giáp: Tình trạng này làm tăng tốc độ trao đổi chất, khiến nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng cao. Do đó, người bệnh cường giáp cần ăn đầy đủ calo và protein để tránh bị sụt cân hoặc dị hóa cơ (teo cơ).
    • Với người bệnh suy giáp: Cần ăn uống vừa phải, cân đối để vừa bổ sung đầy đủ i-ốt cho cơ thể, vừa không làm tăng cân.
  • Kiểm soát thực phẩm giàu iốt:
    • Với người bệnh cường giáp: Hạn chế lượng muối i-ốt tiêu thụ để tránh dư thừa i-ốt, làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
    • Với người bệnh suy giáp: Cần tăng cường bổ sung iốt thông qua chế độ ăn hàng ngày bằng cách tiêu thụ nhiều thủy hải sản và muối iốt hóa.
  • Chế độ ăn hạn chế gluten: Có từ 2 – 5% số bệnh nhân bị rối loạn tuyến giáp do mắc phải bệnh lý Basedow (một dạng cường giáp) hoặc Hashimoto (một dạng suy giáp) bị mắc thêm hội chứng không dung nạp gluten (bệnh celiac) và gặp phải kích ứng nghiêm trọng khi ăn phải các loại thực phẩm có chứa hợp chất này. Nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở những bệnh nhân không mắc bệnh celiac, gluten cũng có khả năng thúc đẩy quá trình viêm, kích thích hệ thống miễn dịch quá mức và gây ngộ độc cho tế bào sống. Do đó, người bệnh rối loạn tuyến giáp cần hạn chế tối đa tiêu thụ các loại thực phẩm giàu gluten như mì ý, bánh quy, mì ramen, mì udon, ngũ cốc và granola,… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
  • Ưu tiên tiêu thụ thực phẩm giàu selen và kẽm: Thực phẩm giàu selen và kẽm có thể giúp cân bằng lượng hóc-môn tuyến giáp (trong trường hợp suy giáp) và bảo vệ tuyến giáp của bạn khỏi bệnh tật (đối với cả 2 trường hợp suy giáp và cường giáp). Do đó, nhìn chung, người bệnh rối loạn tuyến giáp (không phân biệt suy giáp hay cường giáp) đều nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu selen và kẽm để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Thực phẩm giàu selen và kẽm bao gồm thủy hải sản, nạc gia cầm, trứng, các loại hạt, đậu và ngũ cốc.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp cơ thể cân bằng mức độ trao đổi chất, củng cố hệ thống miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể (bao gồm cả sức khỏe tuyến giáp).
Biện pháp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng tuyến giáp, chế độ ăn chứa i-ốt

Người bệnh rối loạn tuyến giáp nên kiểm soát việc tiêu thụ thực phẩm giàu i-ốt theo chỉ định của bác sĩ

2. Cảnh giác với một số loại thực phẩm

Người bệnh rối loạn tuyến giáp cần tránh tiêu thụ:

  • Rượu và bia: Rượu và bia làm hoại tử tế bào gan, làm suy yếu lên chức năng gan. Trong khi đó, gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa hóc-môn giáp T4 thành T3. Vì thế, rượu và bia có thể ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của các hóc-môn giáp; từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp.
  • Thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa là mỡ gia cầm, gia súc hoặc dầu ăn công nghiệp. Những món ăn giàu chất béo bão hòa có thể gây ra tăng cân, một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh suy giáp. Chất béo bão hòa cũng có thể làm tăng mức cholesterol, điều này cũng có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, đặc biệt nếu bạn đã mắc bệnh tuyến giáp. Nhìn chung, bên cạnh việc kiêng cữ rượu bia và thực phẩm giàu chất béo bão hòa như chế độ ăn cho người bình thường, người bệnh tuyến giáp cần kiêng cữ thêm một số thực phẩm khác, tùy vào từng loại rối loạn mà họ đang gặp phải. Cụ thể:
  • Với người bệnh cường giáp: Tránh tiêu thụ các thức uống chứa caffein vì chúng có thể kích thích tim đập nhanh, gây quá tải cho hoạt động trao đổi chất của cơ thể.
  • Với người bệnh suy giáp: Hạn chế tiêu thụ quá mức thực phẩm chứa nhiều xơ như ngũ cốc toàn phần, rau xanh, các loại đậu và hạt. Bởi lẽ, theo nghiên cứu, chất xơ có thể hạn chế cơ thể hấp thụ hóc-môn giáp thyroxine (T4) từ thuốc.

3. Nói chuyện với bác sĩ về các chất bổ sung

Người bệnh rối loạn tuyến giáp cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tự ý bổ sung thực phẩm chức năng, đặc biệt là việc tiêu thụ một số chất như selen, vitamin D, men vi sinh và i-ốt vì:

  • Liều lượng: Mỗi người bệnh rối loạn tuyến giáp cần có một liều lượng tiêu thụ dinh dưỡng khác nhau nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu từ các chất bổ sung mà không gây ra tác dụng phụ. Ví dụ: Người bệnh suy giáp có thể cần bổ sung thêm i-ốt, trong khi người bệnh cường giáp cần hạn chế nó. Do đó, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn liều lượng thích hợp dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
  • Tránh tương tác thuốc: Một số chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, có thể làm giảm hiệu quả của chúng hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ: Thực phẩm bổ sung chất xơ có thể làm giảm mức độ hấp thu của ruột đối với thuốc hormone T4 dùng trong chữa trị suy giáp.
  • Tránh tác dụng phụ: Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách để ngăn chặn hoặc quản lý chúng. Ví dụ:
    • Trong ngắn hạn: Bổ sung quá nhiều i-ốt (vài gam) có thể gây ra các vấn đề như bỏng niêm mạc miệng, cổ họng và dạ dày; sốt; đau bụng; buồn nôn; nôn mửa; bệnh tiêu chảy; mạch yếu; và hôn mê.
    • Trong dài hạn: Tiêu thụ một lượng i-ốt cao cũng có thể gây viêm tuyến giáp và ung thư tuyến giáp.

Vì những lý do trên, việc thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình bổ sung nào là rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người bị rối loạn tuyến giáp.

Nói chuyện với bác sĩ về các chất bổ sung

Thường xuyên nói chuyện với bác sĩ để biết chính xác liều lượng bổ sung vi chất phù hợp

4. Tránh stress và ngủ đủ giấc

Stress có thể làm tăng mức cortisol trong cơ thể. Hormone này được sản xuất bởi tuyến thượng thận và thường tăng lên khi cơ thể đối mặt với trạng thái tâm lý căng thẳng. Nồng độ cortisol liên tục tăng cao, trong suốt một thời gian dài có thể ức chế hóc-môn giáp T4 chuyển hóa thành hóc-môn T3 và thúc đẩy rối loạn tuyến giáp. Do đó, việc giảm stress thông qua các phương pháp như thiền, yoga, tập thể dục hoặc ngủ đủ giấc có thể giúp bảo vệ và cải thiện chức năng tuyến giáp hiệu quả.

5. Tránh các chất độc từ môi trường

Môi trường có thể chứa nhiều độc tố gián tiếp gây rối loạn tuyến giáp bằng cách làm hạn chế khả năng hấp thụ i-ốt của cơ thể, hoặc cũng có thể kích thích viêm và gây rối loạn tuyến giáp một cách trực tiếp. Dưới đây là một số chất độc từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp:

  • Perchlorate: Đây là một chất phụ gia dùng trong sản xuất thuốc nổ và pháo hoa.
  • Hợp chất brominated: Chúng thường được tìm thấy trong chất chống cháy và một số loại đồ điện tử.
  • Dioxin và polychlorinated biphenyls (PCBs): Đây là những chất ô nhiễm tồn tại lâu trong môi trường, thường xuất hiện trong thực phẩm chúng ta ăn, đặc biệt là cá và thịt của gia súc, gia cầm sống ở gần nguồn nước ô nhiễm.
  • Hợp chất perfluorinated (PFCs): Chúng thường được tìm thấy trong các sản phẩm chống thấm như chất chống thấm nước, chất chống dính và màng bọc thực phẩm kém chất lượng.

Vì vậy, hạn chế tiếp xúc với những chất độc này có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ rối loạn tuyến giáp.

6. Bỏ thuốc lá

Thuốc lá chứa nhiều xyanua. Khi vào cơ thể, xyanua sẽ được chuyển hóa thành thiocyanate – một chất độc có thể gây cản trở tuyến giáp hấp thụ i-ốt và dẫn đến suy giáp. Bên cạnh đó, hút thuốc còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp tự miễn – một tình trạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tấn công vào tuyến giáp của bạn. Do đó, bỏ thuốc lá giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và làm giảm nguy cơ phát triển cả suy giáp lẫn cường giáp.

Biện pháp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng tuyến giáp

Bỏ thuốc lá giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị rối loạn tuyến giáp hiệu quả

7. Luyện tập thể dục đều đặn

Luyện tập thể dục giúp cải thiện chức năng tuyến giáp bằng cách tăng cường tổng thể sức khỏe và hệ thống miễn dịch. Mặt khác, vận động thể chất còn giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường quá trình chuyển hóa hóc-môn giáp và làm giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tuyến giáp như mệt mỏi và tăng cân.

8. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là một phần quan trọng của việc quản lý sức khỏe tuyến giáp vì:

  • Phát hiện sớm dấu hiệu bất thường: Khi khám sức khỏe định kỳ, bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp T3, T4 và TSH, giúp phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh rối loạn tuyến giáp.
  • Điều chỉnh điều trị: Với những người đã biết mình có rối loạn tuyến giáp, khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi hiệu quả của điều trị và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần. Mức độ hormone tuyến giáp có thể liên tục biến đổi và nhu cầu về thuốc có thể linh hoạt thay đổi theo thời gian.
  • Giảm nguy cơ biến chứng: Rối loạn tuyến giáp không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm các vấn đề tim mạch, loãng xương và căng thẳng tâm lý. Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn ngăn ngừa sớm những biến chứng này bằng cách cải thiện dinh dưỡng, lối sống và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về tuyến giáp mà bạn cần lưu tâm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được chức năng của tuyến giáp là gì, vai trò của tuyến giáp ra sao, cũng như các biện pháp bảo vệ, phục hồi và tăng cường chức năng tuyến giáp được nhiều chuyên gia khuyến nghị.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc thăm khám, điều trị hoặc tư vấn tăng cường sức khỏe tuyến giáp, bạn hãy nhanh chóng liên hệ ngay đến chuyên khoa Nội tiết – Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh để được tư vấn kịp thời.

Trong việc thăm khám để ngăn ngừa và điều trị bệnh về tuyến giáp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là cơ sở y tế hàng đầu có chuyên khoa Nội tiết hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như máy xét nghiệm sinh hóa Roche Cobas 6000,… các bác sĩ có thể giúp bạn nhận biết sớm những bất thường của nồng độ hormone giáp trong máu; từ đó, đưa ra phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả và kịp thời.

Để đặt lịch thăm khám bệnh về tuyến giáp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội). Hẹn gặp bạn tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ở cơ sở gần nhất!

Rate this post
10:56 14/08/2023