Bệnh tuyến giáp: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

14/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh tuyến giáp thuộc nhóm bệnh lý ít phổ biến nên nhiều người thường lơ là trong việc chăm sóc và giữ gìn sức khỏe cho tuyến giáp của mình. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng mọi vấn đề liên quan đến tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Không những thế, biểu hiện của bệnh tuyến giáp thường khá mơ hồ trong giai đoạn đầu, dẫn đến việc chẩn đoán sớm các tình trạng rối loạn tuyến giáp là vô cùng khó khăn. Bằng cách hiểu rõ về nguyên nhân, đặc điểm cũng như dấu hiệu bệnh tuyến giáp, chúng ta có thể xây dựng được cho một kế hoạch ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh khoa học, an toàn và hiệu quả.

Bệnh tuyến giáp: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh tuyến giáp là gì? Biểu hiện của bệnh tuyến giáp ra sao?

Bệnh tuyến giáp là gì?

Bệnh tuyến giáp là tình trạng rối loạn hoạt động ở tuyến giáp – một cơ quan nhỏ hình cánh bướm nằm ở cổ, có nhiệm vụ sản xuất hóc-môn để điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khi gặp phải bệnh lý, tuyến giáp thường dễ bị viêm, suy nhược, phình to, hình thành bướu, khởi phát ung thư hoặc trở nên hoạt động quá mức; từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Các bệnh tuyến giáp thường gặp

Bệnh tuyến giáp được chia thành 6 nhóm thường gặp, trong đó bao gồm: cường giáp, suy giáp, bướu cổ, bệnh nhân tuyến giáp, viêm tuyến giáp và ung thư tuyến giáp. Cụ thể:

1. Cường giáp

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết, sản xuất ra quá nhiều hormone giáp, làm tăng tốc độ của các phản ứng trao đổi chất trong cơ thể; từ đó, gây thở dốc, tim đập nhanh, dễ tăng cân; đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, thừa cân – béo phì, tăng huyết áp,…

2. Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết so với nhu cầu của cơ thể. Hormone giáp có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tốc độ trao đổi chất và kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Vì thế, khi tuyến giáp bị suy yếu, nhiều chức năng của cơ thể có thể chậm lại; khiến người bệnh dễ bị suy nhược thể chất, trầm cảm, sụt cân, chuột rút, co giật và loãng xương.

3. Bướu cổ

Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp phình to bất thường vì nhiều nguyên nhân. Hầu hết bướu cổ thường không nguy hiểm, trừ khi nguyên nhân gây phì đại tuyến giáp là do tế bào ung thư. Dựa trên đặc điểm về hình dạng và nguyên nhân khởi phát mà bướu cổ được chia thành 4 loại khác nhau, bao gồm:

  • Bướu cổ đơn thuần (simple goiter): Còn được gọi là bướu giáp không độc (nontoxic goiter), hoặc bướu cổ lành tính. Loại bướu cổ này xảy ra khi toàn bộ tuyến giáp của bạn sưng lên một cách đồng đều. Sờ vào bướu cổ đơn thuần, bạn có thể cảm thấy bề mặt bướu khá mịn màng.
  • Bướu cổ đơn nhân (nodules goiter): Loại bướu cổ này xảy ra bên trong tuyến giáp xuất hiện một khối u rắn hoặc chứa đầy chất lỏng. Sờ vào bướu cổ dạng nốt, bạn có thể cảm thấy bề mặt bướu sần sùi.
  • Bướu cổ đa nhân (multinodular goiter): Còn gọi là bệnh phình giáp đa hạt. Đây là tình trạng tuyến giáp trương phình lên vì chứa nhiều nốt sần (cục nhỏ hoặc khối tròn nhỏ). Các nốt sần này có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, sờ thấy bằng tay hoặc chỉ có thể được phát hiện thông qua phương pháp siêu âm. Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá từng nốt sần để kiểm tra xem có sự hiện diện của ung thư hay không.
  • Bướu giáp dưới xương ức (substernal goiter): Đây là sự mở rộng quá mức của tuyến giáp, có thể kéo dài bên dưới xương ức và lan đến ở giữa hai lá phổi.
Các bệnh tuyến giáp thường gặp, bướu cổ

Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp phình to, gây khó khăn trong sinh hoạt

4. Nhân tuyến giáp

Nhân tuyến giáp là các khối rắn hoặc nang mềm chứa đầy một chất lỏng gọi là keo tuyến giáp, khởi phát do sự tăng sinh bất thường của mô giáp khỏe mạnh. Nhân tuyến giáp là một bệnh tuyến giáp tương đối phổ biến. Có khoảng 6% phụ nữ và 1 – 2% nam giới được ước tính có nhân tuyến giáp. May mắn thay, hơn 95% các trường hợp mắc bệnh nhân tuyến giáp được chẩn đoán là lành tính (không phải ung thư). Tuy nhiên, việc xét nghiệm chi tiết là cần thiết để các bác sĩ có thể biết rõ một nhân tuyến giáp có chứa tế bào ung thư hay không.

5. Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng các tế bào giáp bị kích thích sưng, đau, có thể do nhiễm trùng hoặc không rõ nguyên nhân. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ từ tuổi trưởng thành đến tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Viêm tuyến giáp gây rối loạn chức năng sinh học của cơ quan này, khiến tuyến giáp bị suy yếu (suy giáp) hoặc hoạt động quá mức (cường giáp).

Có 4 loại viêm tuyến giáp khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Đây là một bệnh rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch tự tấn công và hủy hoại tuyến giáp, dẫn đến bệnh suy giáp.
  • Viêm tuyến giáp De Quervain: Một tình trạng viêm tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, gây đau, sưng tấy, suy giáp, có đi kèm trạng thái xuất huyết nhân giáp, thường gặp sau cúm hoặc nhiễm trùng hô hấp.
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: Trạng thái viêm giáp không rõ nguyên nhân, thường gặp 3 – 8% sản phụ sau sinh. Bệnh thường gây cường giáp và có thể kéo dài suốt 18 tháng sau sinh.
  • Viêm tuyến giáp cấp tính: Là tình trạng hiếm gặp, thường xảy ra sau phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp, do nhiễm khuẩn, gây sưng, đau và khiến người bệnh khó nuốt.

6. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào tăng sinh mất kiểm soát, hình thành khối u ác tính, gây rối loạn chức năng tuyến giáp; đồng thời xâm lấn và tấn công sang các mô khỏe mạnh xung quanh. Ung thư tuyến giáp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể khiến người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, và buộc phải dùng thuốc bổ sung hormone giáp đến suốt cuộc đời.

Các bệnh tuyến giáp thường gặp, Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp có thể khiến người bệnh phải cắt bỏ tuyến giáp

Dấu hiệu bệnh tuyến giáp điển hình nhất

Dấu hiệu bệnh tuyến giáp có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh tuyến giáp điển hình mà bạn có thể dễ dàng nhận biết tại nhà:

  • Bệnh cường giáp: Khiến người bệnh thường xuyên căng thẳng hoặc lo lắng, tăng cân nhanh, nhịp tim đập dồn dập, dễ cảm thấy nóng, toát mồ hôi nhiều, mệt mỏi, run tay và rối loạn giấc ngủ.
  • Bệnh suy giáp: Gây mệt mỏi, sụt cân, da khô, lạnh, tóc yếu và rụng, khó tập trung, tiếng nói khàn hoặc chậm, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí gây mất kinh ở phụ nữ.
  • Bệnh bướu cổ lành tính: Cổ sưng to, có cảm giác áp lực ở cổ, gây khó thở, khó nuốt, khó nói hoặc ho khan.
  • Bệnh nhân tuyến giáp: Không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi các nhân tuyến giáp trở nên quá lớn, gây áp lực lên các cấu trúc xung quanh.
  • Bệnh viêm tuyến giáp: Gây sốt cao (nhiệt độ từ 40 – 41 độ C), tăng nhịp tim (trên 140 nhịp / phút); khiến người bệnh dễ cảm thấy kích động, cáu kỉnh, lo lắng hoặc thậm chí mê sảng.
  • Ung thư tuyến giáp: Thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Khi khối u phát triển, bạn có thể cảm thấy sự xuất hiện của nó bằng cách dùng tay sờ và cảm nhận thấy có nốt sần cứng trong tuyến giáp, gây khó nuốt, ho khan và đau vùng cổ họng.

Nguyên nhân bệnh tuyến giáp là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh tuyến giáp rất đa dạng. Dưới đây là 6 nguyên nhân bệnh tuyến giáp phổ biến:

  • Chế độ ăn thiếu i-ốt: I-ốt là một khoáng chất cần thiết để cơ thể sản xuất hóc môn tuyến giáp. Thiếu i-ốt có thể dẫn đến bướu cổ, suy giáp hoặc ung thư tuyến giáp.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là nguyên nhân bệnh tuyến giáp thường gặp sau khi người bệnh bị viêm đường hô hấp, khởi phát bệnh viêm tuyến giáp De Quervain và có thể dẫn đến suy giáp.
  • Tiếp xúc với chất độc từ môi trường: Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với các độc tố như perchlorate (chứa trong nhiên liệu xăng dầu); polychlorinated biphenyls (chứa trong thiết bị điện tử); biphenyl polyhalogen và oxit biphenyl polyhalogen (chứa trong hóa chất công nghiệp);… có thể làm tăng nguy cơ suy giáp, bướu cổ và ung thư tuyến giáp.
  • Tương tác thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như amiodarone – thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, hoặc lithium – thuốc chống trầm cảm, có thể thúc đẩy nguy cơ gây rối loạn tuyến giáp.
  • Bệnh tự miễn: Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp, gây suy giáp (trong trường hợp người bệnh mắc chứng viêm giáp Hashimoto) hoặc cường giáp (khi người bệnh mắc hội chứng Graves).
  • Gen di truyền: Nghiên cứu cho thấy, có đến 67% nồng độ hormone tuyến giáp lưu hành được xác định là do gen di truyền. Vì thế, càng nhiều thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh tuyến giáp, thì nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp của bạn càng cao.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp tăng cao với những người đã tiếp xúc với phóng xạ, chẳng hạn như phải xạ trị ung thư hoặc chụp X-quang quá nhiều, đặc biệt là ở vùng đầu và cổ.
Nguyên nhân bệnh tuyến giáp là gì?

Chế độ ăn thiếu i-ốt là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tuyến giáp

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp là:

  • Nữ giới: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới nhiều lần trong việc mắc phải các loại bệnh tuyến giáp, bao gồm cả bệnh Hashimoto, bệnh Graves và ung thư tuyến giáp. Ví dụ, nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.
  • Người cao tuổi: Mặc dù bệnh tuyến giáp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tăng lên với tuổi tác, đặc biệt đối với những người trên 60 tuổi.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp: Những người có gia đình mắc bệnh tuyến giáp có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn người bình thường.
  • Người mắc bệnh tự miễn: Những người mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 1, bệnh vảy nến, lupus ban đỏ, bệnh Hashimoto, bệnh Graves,… có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp.
  • Người bị rối loạn di truyền: Một số tình trạng rối loạn di truyền, chẳng hạn như Hội chứng Turner (tình trạng nữ giới bị thiếu hụt 1 nhiễm sắc thể X), có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp cao hơn phụ nữ khỏe mạnh.
  • Người đang dùng thuốc: Những người dùng đang dùng các loại thuốc sau có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn người bình thường:
    • Thuốc amiodarone: Dùng để điều trị rối loạn nhịp tim;
    • Thuốc lithium: Dùng để chống trầm cảm;
    • Thuốc interferon (IFN): Dùng để điều trị viêm gan C;
    • Thuốc ức chế tyrosine kinase (TKIs): Dùng trong điều trị ung thư phổi; có đến 30 – 50% người bệnh dùng thuốc TKIs bị suy giáp;
    • Thuốc alemtuzumab: Dùng để điều trị bệnh bạch cầu và đa xơ cứng;
    • Thuốc và tác nhân có chứa i-ốt: Ở bệnh nhân bướu cổ, dùng thuốc bổ sung i-ốt để ngăn ngừa bướu cổ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp.
  • Người tiếp xúc nhiều với hóa chất: Công nhân tiếp xúc nhiều với hóa chất công nghiệp, nhiên liệu xăng dầu, linh kiện điện tử và khoáng chất từ các hầm mỏ khoáng sản,… có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn người bình thường,…
  • Người phơi nhiễm phóng xạ: Những người đã tiếp xúc với phóng xạ, đặc biệt là trong khu vực cổ và đầu, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh, bao gồm ung thư tuyến giáp.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao

Nữ giới có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới

Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?

Bệnh tuyến giáp RẤT NGUY HIỂM. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Về ngắn hạn: Bệnh gây mệt mỏi, mất kiểm soát cân nặng, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, khó thở, nhạy cảm với nhiệt độ, tê bì chân tay.
  • Trong dài hạn: Bệnh tuyến giáp làm tăng nguy cơ gây rối loạn tim mạch, rối loạn nội tiết, tiểu đường, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng (trong trường hợp suy giáp), thừa cân – béo phì (trong trường hợp cường giáp), suy thận, loãng xương, co giật, lác mắt, mê sảng hoặc thậm chí gây tổn thương não.

Bệnh tuyến giáp có di truyền không?

Bệnh tuyến giáp CÓ THỂ DI TRUYỀN. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp mắc bệnh lý tuyến giáp nào cũng đến từ nguyên nhân di truyền. Cụ thể, trong cơ thể người tồn tại một số gen được cho là có liên quan đến bệnh tuyến giáp, bao gồm gen HLA (human leukocyte antigen) và gen TSHR (thyrotropin receptor). Những gen này chỉ khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp, chứ không chắc chắn rằng cơ thể sẽ phát bệnh.

Trên thực tế, hầu hết trường hợp mắc bệnh tuyến giáp được cho là xảy ra khi có sự kết hợp đầy đủ giữa nhiều yếu tố môi trường với yếu tố di truyền. Nói cách khác, bệnh tuyến giáp được xem là một bệnh đa tác nhân, và yếu tố di truyền chỉ đóng vai trò một phần trong cơ chế tiến triển của bệnh tuyến giáp.

Bệnh tuyến giáp có lây không?

Bệnh tuyến giáp KHÔNG LÂY từ người này sang người khác. Do đó, nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình mắc bệnh tuyến giáp, bạn không cần phải cách ly người bệnh hay lo lắng về khả năng lây nhiễm chéo. Ngược lại, bạn hoàn toàn có thể tiếp xúc, ăn uống, hô hấp và sinh hoạt chung với người bệnh tuyến giáp mà không gặp bất cứ rủi ro sức khỏe nào.

Bệnh tuyến giáp có lây không?

Bệnh tuyến giáp không lây nên người bệnh không cần cách ly

Chẩn đoán bệnh tuyến giáp

Quy trình chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp thường bao gồm 6 bước sau:

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bạn, bao gồm cả các triệu chứng liên quan đến tuyến giáp, tiền sử gia đình về bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tự miễn và các bệnh nội tiết khác.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tuyến giáp, bao gồm kiểm tra tuyến giáp bằng tay, hay quan sát bằng mắt để xem trên cổ có xuất hiện nốt sần hoặc khối u nào hay không; đồng thời, bác sĩ cũng xem xét đồng tử mắt để phát hiện các biến chứng như lác mắt (nếu có).
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đo lường nồng độ hormon tuyến giáp (calcitonin, T3, T4), hormon kích thích tuyến giáp (TSH) và các kháng thể liên quan đến tuyến giáp (kháng thể kháng TPO và kháng thể TSHR).
  • Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm tuyến giáp sẽ được sử dụng để đánh giá kích thước, hình dạng và cấu trúc của tuyến giáp, nhằm phát hiện sự hiện diện của các khối u hoặc các nang giáp bất thường.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: Trong một số trường hợp, các phương pháp hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn về tuyến giáp.
  • Xét nghiệm bổ sung: Nếu thấy cần thiết, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các thủ tục xét nghiệm chuyên sâu khác như: nội soi tuyến giáp hoặc thủ tục sinh thiết tuyến giáp để chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh.

Dựa trên kết quả của các bước trên, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về bệnh lý tuyến giáp và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp như sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, phẫu thuật hoặc xạ trị i-ốt (trong các trường hợp mắc bệnh tuyến giáp nghiêm trọng).

Chẩn đoán bệnh tuyến giáp

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp phổ biến và hiệu quả

Bệnh tuyến giáp có chữa được không?

Bệnh tuyến giáp CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC. Hầu hết bệnh nhân suy giáp, cường giáp, bướu cổ và ung thư tuyến giáp đều có thể được chữa khỏi thông qua phẫu thuật, bổ sung hormone, dùng thuốc kháng viêm và điều trị i-ốt phóng xạ nhằm khôi phục nồng độ hóc-môn tuyến giáp về trạng thái bình thường.

Cách trị bệnh tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp, tùy vào từng loại rối loạn mà có cách điều trị riêng biệt. Dưới đây là cách điều trị phổ biến cho từng trường hợp bệnh lý tuyến giáp:

  • Suy giáp: Người bệnh suy giáp thường được điều trị bằng cách bổ sung thuốc hormone giáp qua đường uống đến suốt đời. Thuốc Levothyroxine 100mg thường là liệu pháp thay thế hormone giáp thyroxine (T4) được nhiều bác sĩ chỉ định.
  • Cường giáp: Người bệnh cường giáp thường được chỉ định các phương pháp điều trị như:
    • Dùng thuốc kháng giáp: Methimazole và propylthiouracil là những loại thuốc có khả năng ức chế sự sản xuất hormone quá mức trong bệnh cường giáp.
    • Xạ trị i-ốt I-131: Sử dụng một liều xạ trị i-ốt I-131 qua đường uống để làm suy yếu một phần tuyến giáp.
    • Phẫu thuật: Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
  • Bướu cổ: Người bệnh bướu cổ thường được chỉ định cách trị bệnh tuyến giáp như:
    • Theo dõi theo thời gian: Nếu bướu cổ nhỏ và không gây khó chịu, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bướu cổ bằng cách kiểm tra định kỳ mà chưa cần uống thuốc hay phẫu thuật.
    • Thuốc điều trị: Nếu bướu cổ gây suy giáp, người bệnh có thể được chỉ định bổ sung Levothyroxine để cân bằng nồng độ hormone giáp trong cơ thể. Ngược lại, nếu bướu cổ gây cường giáp, người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc ức chế giáp Methimazole hoặc propylthiouracil.
    • Phẫu thuật: Nếu bướu cổ lớn, gây khó chịu, cường giáp hoặc có nguy cơ ung thư, phẫu thuật loại bỏ bướu cổ có thể được thực hiện để dứt điểm tình trạng bệnh.
  • Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp thường được điều trị bằng thuốc kháng viêm như corticosteroid.
  • Nhân tuyến giáp (thyroid nodules): Đối với nhân tuyến giáp, điều trị phụ thuộc vào tính chất và nguyên nhân hình thành của nhân tuyến giáp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật và xạ trị i-ốt.
  • Ung thư tuyến giáp: Đối với ung thư tuyến giáp, phương pháp điều trị thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp; sử dụng thuốc xạ trị i-ốt I-131 để tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra, thuốc bổ sung hoặc ức chế hormone tuyến giáp có thể được sử dụng sau phẫu thuật để điều chỉnh mức độ hormone trong cơ thể.
Cách trị bệnh tuyến giáp

Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh cường giáp, bướu cổ và ung thư tuyến giáp

Cách phòng ngừa và chữa bệnh tuyến giáp tại nhà

Mặc dù việc chữa bệnh tuyến giáp đòi hỏi sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa, nhưng có một số thay đổi trong chế độ ăn uống, vận động và sinh hoạt mà bạn có thể thực hiện tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra tốt hơn. Cụ thể:

1. Chế độ ăn uống

  • Ưu tiên ăn đa dạng thực phẩm: Đảm bảo ăn đủ tinh bột phức hợp, đạm, chất xơ, chất béo tốt cùng vitamin và khoáng chất để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách ưu tiên ăn đa dạng thực phẩm như: cá, thủy hải sản, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại rau củ quả, đậu và hạt.
  • Hạn chế ăn thực phẩm kém lành mạnh: Thực phẩm kém lành mạnh làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp, chẳng hạn như: rượu bia, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên (rán); đồ chế biến sẵn, ngâm chua; thức ăn cay, nóng, ướp quá nhiều đường hoặc muối

2. Vận động

  • Thực hiện các hoạt động thể dục đều đặn, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc tham gia các lớp thể dục nhẹ nhàng giúp duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
  • Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ tập luyện mới nào để đảm bảo không tập luyện quá sức.

3. Ngủ nghỉ

  • Đảm bảo giấc ngủ đủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm để tăng cường tốc độ hồi phục sau phẫu thuật và xạ trị tuyến giáp;
  • Thực hiện các biện pháp để tạo môi trường ngủ tốt, như tắt đèn, giảm tiếng ồn, tạo môi trường sạch sẽ và thoáng khí.

4. Sinh hoạt

  • Giảm căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày bằng cách thực hiện kỹ thuật thư giãn, như yoga, thiền và không làm việc tăng ca hay quá khuya.
  • Dành thời gian để theo đuổi sở thích cá nhân, giúp thư giãn và tăng cường trạng thái tinh thần tích cực, lạc quan.
  • Tránh xa việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất công nghiệp độc hại, khí thải từ các chất đốt có nguồn gốc dầu mỏ và khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tuyến giáp.

Lưu ý, trên đây chỉ là những lời khuyên tổng quát và không thể thay thế được cho sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ. Trong mọi tình huống, bạn cần thảo luận với bác sĩ về chế độ sinh hoạt để xây dựng được một phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng sức khỏe.

nguyên nhân bệnh tuyến giáp, môi trường ô nhiễm

Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm thúc đẩy bệnh tuyến giáp tiến triển

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng sauL

  • Kiểm soát tốt thực phẩm giàu i-ốt: Tiêu thụ quá ít hay quá nhiều i-ốt đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp. Do đó, người bệnh cần chú ý hỏi ý kiến bác sĩ về hàm lượng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu i-ốt như thủy hải sản, rong biển và muối iốt.
  • Kiểm soát calo trong chế độ ăn uống: Người bị suy giáp thường dễ tăng cân, trong khi người bệnh viêm tuyến giáp, ung thư và cường giáp thường dễ sụt cân. Vì thế, việc kiểm soát cân nặng và duy trì chế độ ăn uống cân đối là quan trọng để rút ngắn thời gian điều trị bệnh tuyến giáp.
  • Hạn chế thực phẩm chứa goitrogen: Goitrogens là những chất làm gián đoạn việc sản xuất hormone tuyến giáp. Điều này kích hoạt tuyến yên giải phóng hormone kích thích tuyến giáp, sau đó thúc đẩy sự phát triển của mô tuyến giáp, cuối cùng dẫn đến bướu cổ. Các loại thực phẩm giàu goitrogen mà bạn cần tránh gồm: bông cải, cải bắp, rau cải xoăn, củ cải, củ sắn và khoai lang.
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ DNA, kháng viêm và ngăn ngừa tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: rau xanh, hoa quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tiêu thụ đủ chất béo tốt (omega-3): Chất béo là một trong những “nguyên liệu” cơ bản để tuyến giáp tổng hợp nên hóc-môn T4. Không những thế, chất béo tốt như omega-3 còn có đặc tính kháng viêm, giúp bảo vệ tế bào tuyến giáp khỏe mạnh, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý tuyến giáp hiệu quả. Bạn có thể bổ sung chất béo tốt bằng cách ăn nhiều mỡ cá béo, dầu thực vật, các loại hạt và đậu.
  • Tiêu thụ đủ vitamin D và selen: Thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ mắc các bệnh suy giáp tự miễn. Trong khi đó, selen giúp bảo vệ DNA bằng cách loại bỏ các gốc tự do được tạo ra trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Nhờ đó, bổ sung đầy đủ vitamin D và selen giúp bạn nâng cao sức khỏe tuyến giáp toàn diện. Các thực phẩm giàu vitamin D và selen bao gồm: sữa, trứng, thủy hải sản, quả bơ, các loại hạt và đậu.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tăng cường chức năng thận và giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Đặc biệt, người bệnh tuyến giáp nên ưu tiên uống nước cất vì nồng độ clo, florua, i-ốt và brom trong nước cất rất thấp, sẽ không gây ảnh hưởng đến hiệu quả của phác đồ điều trị tuyến giáp hiện tại.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp

Người bệnh tuyến giáp cần kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ thực phẩm giàu i-ốt theo chỉ định của bác sĩ

Nghi mắc bệnh tuyến giáp: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mắc bệnh tuyến giáp, hãy đi khám bác sĩ khi bạn gặp những triệu chứng hoặc dấu hiệu sau đây:

  • Thay đổi về cân nặng không rõ nguyên nhân;
  • Mệt mỏi và suy giảm năng lượng;
  • Thay đổi tâm trạng, dễ lo lắng, căng thẳng hoặc trầm cảm;
  • Gặp khó khăn trong việc ngủ, dễ thức giấc vào ban đêm hoặc cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc;
  • Da khô, tóc mỏng, móng dễ gãy và thay đổi màu sắc;
  • Nhịp tim đập dồn dập hoặc đập bất thường;
  • Bạn có cảm giác nóng, lạnh thất thường; đổ mồ hôi nhiều, giảm ham muốn tình dục hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa.

Trên đây là những dấu hiệu bệnh tuyến giáp nguy hiểm cần bạn liên hệ bác sĩ càng sớm càng tốt. Nutrihome hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được triệu chứng bệnh tuyến giáp là gì, nguyên nhân bệnh tuyến giáp đến từ đâu để có thể xây dựng được một kế hoạch ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tuyến giáp hiệu quả.

Trong việc thăm khám để tầm soát sớm các bệnh tuyến giáp thường gặp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là cơ sở y tế hàng đầu có chuyên khoa Nội tiết hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như máy xét nghiệm sinh hóa Roche Cobas 6000,… các bác sĩ có thể phát hiện sớm sự bất thường trong nồng độ của 4 loại hóc-môn T3, T4, TSH và calcitonin; từ đó, đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh tuyến giáp mà bạn đang gặp phải và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Để đặt lịch thăm khám các bệnh tuyến giáp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội). Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
09:56 14/08/2023