Thực đơn cho người hóa trị ung thư nhanh phục hồi sức khỏe

13/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc xây dựng thực đơn cho người hóa trị ung thư là điều cần thiết. Hiện nay nhiều thông tin truyền miệng cho rằng người bệnh ung thư cần phải kiêng rất nhiều loại thực phẩm. Vậy, chuyên gia dinh dưỡng nhận định như thế nào về việc này? Người hóa trị ung thư cần xây dựng thực đơn như thế nào? Cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.

Thực đơn cho người hóa trị ung thư nhanh phục hồi sức khỏe

Xây dựng thực đơn cho người hóa trị ung thư như thế nào để giúp cải thiện sức khỏe?

Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người hóa trị?

Cần xây dựng thực đơn cho người hóa trị vì điều này có thể giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe và hỗ trợ làm gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư, giúp chữa khỏi hoặc kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh, từ đó kéo dài sự sống cho người bệnh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể. Trong đó, những triệu chứng thường gặp nhất là các rối loạn về ăn uống như chán ăn, buồn nôn, nôn ói, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột,…

Có thể thấy, hóa trị có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, khiến cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng và nhanh chóng suy kiệt. Vì vậy, người hóa trị ung thư cần ăn uống theo chế độ riêng để có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người hóa trị?

Xây dựng thực đơn cho người hóa trị cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người hóa trị

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người hóa trị cần tập trung cung cấp đủ dinh dưỡng để giúp người bệnh duy trì sức khỏe tốt, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị ung thư. Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng các loại thuốc phóng xạ để phá hủy tế bào ung thư. Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến các tế bào bình thường trong cơ thể người bệnh. Dưới đây là các nhóm chất dinh dưỡng không thể thiếu trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư, cụ thể:

1. Protein (chất đạm)

Protein là thành phần hình thành nên các tế bào quan trọng như tế bào máu, tế bào miễn dịch, hormone, enzyme,…. Đồng thời, protein còn có tác động giúp hình thành, sửa chữa mô và cơ bị tổn thương trong cơ thể.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dinh dưỡng & Chuyển hóa lâm sàng châu Âu (ESPEN), mỗi ngày lượng protein mà người bệnh ung thư cần cung cấp cho cơ thể cần đạt khoảng 1,2 g – 1,5 g / kg trọng lượng cơ thể. Như vậy, nếu một người nặng khoảng 70 kg thì cần nạp khoảng 84 g – 105 g protein. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh ung thư có tình trạng sụt cân không chủ ý, teo cơ có thể nạp nhiều hơn lượng protein được khuyến cáo từ ESPEN.

Hóa trị sẽ điều trị ung thư bằng sử dụng bức xạ để cách tiêu diệt tế bào ác tính. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh và sẽ khiến cho lượng protein trong cơ thể bị suy giảm đáng kể. Vì vậy thực đơn cho người hóa trị cần tập trung nạp nhiều thức ăn giàu đạm để bù đắp lượng protein mất đi do hóa trị.

2. Carbohydrate

Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể người. Trong quá trình hóa trị ung thư, cơ thể cần có đủ năng lượng để đáp ứng điều trị. Vì vậy, thực đơn cho người hóa trị cần đảm bảo cung cấp đủ lượng tinh bột tốt cho sức khỏe. Cụ thể, một người trưởng thành cần nạp đủ 290 g – 370 g carbohydrates / ngày. Tuy nhiên, người bệnh ung thư cần lưu ý rằng nên chọn sử dụng tinh bột phức hợp thay cho tinh bột trắng để hạn chế nguy cơ tích tụ chất béo có hại cho sức khỏe.

3. Chất béo tốt

Cơ thể không thể tự hình thành chất béo, vì vậy để có đủ lượng chất béo tốt cần thiết (khoảng 25 g – 35 g / ngày), người bệnh cần được bổ sung từ thực phẩm. Trong đó, chất béo tốt là chất béo không bão hòa và chất béo xấu là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chất béo không bão hòa như omega-3, 6, 9 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp màng bảo vệ tế bào và giúp bảo vệ cơ thể người bệnh trước các tác dụng phụ của hóa trị. Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, mọi người đặc biệt là người bệnh ung thư chỉ nên duy trì dưới 10% lượng chất béo bão hòa trong tổng năng lượng khẩu phần ăn hấp thụ vào cơ thể mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người hóa trị

Thực đơn cho người hóa trị cần thường xuyên thay đổi món ăn để kích thích sự thèm ăn của người bệnh

4. Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa

Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa sẽ giúp xây dựng hệ thống miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tổng thể cho người hóa trị ung thư. Cụ thể:

  • Vitamin: Các loại vitamin A, E, C, K, D chứa nhiều trong rau củ quả tươi có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công từ các gốc tự do. Từ đó, việc bổ sung đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể sẽ giúp hỗ trợ gia tăng hiệu quả hóa trị ung thư.
  • Khoáng chất: Các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, sắt, magie,… sẽ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, khi nhận đủ lượng khoáng chất, cơ thể nhanh chóng hồi phục sau quá trình hóa trị điều trị bệnh ung thư.
  • Chất chống oxy hóa: Giúp bảo vệ các tế bào và mô khỏi tác hại của sự oxy hóa từ các gốc tự do. Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp cơ thể gia tăng khả năng kháng viêm, bảo vệ các tế bào khỏe mạnh, ngăn ngừa sự khởi phát hoặc tái phát cũng như sự di căn của tế bào ung thư.

5. Dưỡng chất thực vật Phytonutrients

Dưỡng chất thực vật phytonutrients là nhóm hợp chất bổ dưỡng, lành mạnh cần được bổ sung vào thực đơn cho người hóa trị ung thư. Phytonutrients có nhiều trong các loại thực vật nhiều màu sắc, độ đậm màu cao và các trường hợp ngoại lệ như ngũ cốc nguyên hạt, hành tây, súp lơ, tỏi,…

Theo nghiên cứu, các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp hàng trăm dưỡng chất khác nhau. Trong đó, các chất dinh dưỡng thực vật phổ biến bao gồm các carotenoids, flavonoids, coumarin, lignans, organosulfur và sterol thực vật. Đây là những hợp chất thực vật chứa rất nhiều chất chống oxy hóa với khả năng bảo vệ DNA khỏe mạnh và phục hồi DNA bị tổn thương do tế bào ung thư gây ra trong cơ thể. Đồng thời, chất chống oxy hóa từ phytonutrients còn giúp trung hòa các gốc tự do, từ đó làm giảm đáng kể nguy cơ gây ung thư.

6. Nước

Trong quá trình hóa trị ung thư, cơ thể sẽ dễ bị mất nước bởi các tác dụng phụ như nôn ói, tiêu chảy, ăn uống kém, sốt cao, nhiễm trùng,… Ngoài việc chú trọng bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, người bệnh nên uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu tình trạng tiêu chảy, nôn ói kéo dài. Khi được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, cơ thể sẽ chủ động loại bỏ các chất độc hại ra ngoài và kiểm soát tốt nhịp tim. Từ đó, các cơ quan, khớp, mô trong cơ thể người bệnh sẽ được bảo vệ tối ưu và sớm hồi phục sau quá trình hóa trị.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người hóa trị, uống nhiều nước

Uống nhiều nước tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là người hóa trị ung thư

Các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người hóa trị

Các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người hóa trị cần đảm bảo đạt 5 tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cụ thể như sau:

  • Giữ sạch: Sạch sẽ là tiêu chí hàng đầu trong an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bước giữ sạch bao gồm:
    • Rửa tay trước, sau khi chế biến thức ăn;
    • Rửa tay sau khi đi vệ sinh;
    • Rửa sạch dụng cụ chế biến, lưu trữ thực phẩm;
    • Lau dọn sạch sẽ khu vực bếp.
  • Phân loại thực phẩm sống và thực phẩm chín: Để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm đã nấu chín, bạn cần để riêng biệt 2 loại thực phẩm này. Đồng thời, bạn cần sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt, hộp lưu trữ cho thực phẩm sống và chín.
  • Nấu kỹ thực phẩm: Nấu chín kỹ sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn có hại trong thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, thủy hải sản. Ngoài ra, cần đun sôi món ăn cũ trước khi sử dụng, bởi vì lúc này vi khuẩn gây hại vẫn có thể xâm nhập khiến thức ăn biến chất và sản sinh ra nhiều độc tố.
  • Bảo quản thực phẩm trong nhiệt độ an toàn: Nhiệt độ an toàn để bảo quản thực phẩm cụ thể như sau:
    • Bảo quản thực phẩm không quá 2 giờ trong nhiệt độ phòng;
    • Thức ăn chín hoặc dễ bị hỏng cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C;
    • Thức ăn đã nấu cần được giữ ở nhiệt độ khoảng 60 độ trước khi sử dụng;
    • Không rã đông thực phẩm (đặc biệt là các loại thịt) ở nhiệt độ phòng.
  • Ưu tiên sử dụng thực phẩm an toàn và nước sạch: Nguồn nước được sử dụng để nấu ăn cần được xử lý kỹ lưỡng, không lẫn tạp chất. Thực phẩm phải là loại tươi mới, không nhiễm chất độc hại và nên rửa thực phẩm trực tiếp dưới vòi nước sạch.

Thực đơn cho người hóa trị bao gồm những gì?

Ưu tiên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất đạm, vitamin, tinh bột phức hợp, chất béo không bão hòa, chất chống oxy hóa và hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, đồ uống có cồn, chính là lựa chọn hàng đầu trong thực đơn cho người hóa trị. Dưới đây là một số gợi ý giúp giải đáp thắc mắc ung thư nên ăn gì và không nên ăn gì trong quá trình hóa trị:

1. Thực phẩm nên ăn

Một số loại thực phẩm nên có mặt trong thực đơn cho người hóa trị, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu protein: Bao gồm các loại thịt (nạc heo, bò, thịt gà, vịt,…), cá, trứng, các loại đậu, sữa và chế phẩm từ sữa.
  • Đồ ăn vặt lành mạnh: Thay vì chọn các loại thức ăn nhiều cholesterol và ít chất dinh dưỡng, bạn nên chọn ăn thức ăn lành mạnh như trứng luộc, trái cây, các loại hạt, bánh làm từ bột mì nguyên cám và không đường,…
  • Thực phẩm giàu chất béo tốt: Nạp nhiều chất béo tốt bằng cách ưu tiên chọn các thực phẩm như các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá basa,…), trái bơ, dầu oliu, sữa chua,…
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ có nhiều trong các loại rau, củ, quả và các loại thực phẩm khác như đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Dựa vào gợi ý các loại thực phẩm giàu chất xơ này, bạn có thể thay đổi thực đơn với đa dạng các món ăn hơn để kích thích vị giác, đặc biệt là đối với những người không thích ăn nhiều rau củ.
Thực đơn cho người hóa trị bao gồm những gì?

Thực đơn cho người hóa trị cần ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm tươi mới

2. Thực phẩm nên hạn chế

Một số thực phẩm không tốt cho sức khỏe người hóa trị ung thư cần hạn chế, điển hình như:

  • Các món ăn không được nấu chín như sashimi, gỏi cá sống, tôm tái, hàu sống,…;
  • Thực phẩm có dấu hiệu bị hỏng hoặc đã quá hạn sử dụng;
  • Món ăn, nước uống chứa nhiều đường;
  • Thức ăn thừa đã lưu trữ trong tủ lạnh quá 3 ngày.

Trước khi hóa trị nên ăn gì?

Trước khi hóa trị người bệnh cần ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Theo đó, các loại thực phẩm như thịt cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây tươi,… nên có trong thực đơn cho người hóa trị hàng ngày. Đồng thời, người bệnh cần thường xuyên tập thể dụng, hạn chế bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng,… để chuẩn bị sức khỏe tốt giúp đáp ứng hiệu quả phương pháp hóa trị ung thư.

Trong khi hóa trị nên ăn gì?

Trong khi hóa trị người bệnh cần tiếp tục duy trì chế độ ăn đa dạng các loại thức ăn giàu dưỡng chất để thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể và giúp gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Dưới đây là gợi ý các loại thức ăn nên ăn trong khi hóa trị ung thư, cụ thể như sau:

  • Thức ăn dạng lỏng sệt: Hóa trị thường gây ra tình trạng khó nuốt, khô miệng, giảm cảm giác thèm ăn. Vì vậy, người bệnh nên ưu tiên ăn các món ăn được chế biến mềm, lỏng sệt như cháo, súp, các món hầm,… Đồng thời, việc ăn thức ăn lỏng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa, từ đó hạn chế tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy và quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng được tối ưu hơn.
  • Ưu tiên ăn nhiều củ quả tươi, rau xanh: Đây là nhóm thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa, khoáng chất, chất xơ tốt cho người đang hóa trị ung thư. Người bệnh ung thư nên ăn nhiều củ cà rốt vì chứa nhiều β – carotene. Chất này sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành dạng vitamin A – đây là vitamin sẽ tham gia vào quá trình tiêu diệt tế bào ung thư và giúp phòng tránh sự biến đổi của các tế bào khỏe mạnh còn lại trong cơ thể.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo đủ lượng nước cần thiết sẽ thúc đẩy quá trình loại bỏ thuốc hóa trị ra khỏi cơ thể. Người bệnh có thể bổ sung thêm nước cho cơ thể bằng cách uống nước ép, ăn thức ăn dạng lỏng,…
  • Bổ sung thực phẩm có tính kháng khuẩn: Các loại thực phẩm có tính kháng khuẩn cao sẽ có tác động giúp kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh, điển hình như hành tây, gừng, tỏi,…

Sau khi hóa trị nên ăn gì?

Sau khi hóa trị người bệnh nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng. Bởi vì lúc này người hóa trị ung thư có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như đau nhức cơ thể, mệt mỏi, chán ăn,… Dưới đây là một số gợi ý thực phẩm nên có trong thực đơn dành cho người sau khi hóa trị:

  • Thực phẩm giàu protein như thịt nạc, trứng, cá, sữa tách béo,…
  • Rau, củ, quả sẫm màu như cà rốt, súp lơ xanh, ớt chuông, cà chua, su hào,…
  • Nước dừa tươi: Thường xuyên uống nước dừa tươi sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch, lúa mì, gạo lứt, yến mạch, hạt kê,…

Tuy nhiên, mỗi người bệnh sẽ có thể trạng và tình trạng bệnh lý khác nhau. Vì vậy, để xây dựng được thực đơn cho người hóa trị ung thư, người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Sau khi hóa trị nên ăn gì?

Ưu tiên chọn những món ăn người hóa trị ung thư yêu thích để giúp họ ăn ngon miệng hơn

Ăn gì để giảm tác dụng phụ của hóa trị?

Việc sử dụng hóa chất để điều trị ung thư sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ liên quan đến quá trình ăn uống của người bệnh. Dưới đây là một số tác dụng phụ của hóa trị ung thư ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể và cách khắc phục chúng:

1. Chán ăn, ăn không ngon miệng

Để cải thiện tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Bổ sung thêm thức ăn giàu protein và calo vào thực đơn, đồng thời chia nhỏ bữa ăn trong ngày (từ 8 đến 10 bữa ăn / ngày);
  • Bữa ăn đầu tiên trong ngày nên ưu tiên ăn các món giàu protein để kích thích cảm giác thèm ăn;
  • Hạn chế uống nhiều nước trước bữa ăn để tránh gây cảm giác đầy bụng;
  • Ưu tiên ăn các món ăn hợp khẩu vị, có mùi thơm đặc trưng;
  • Thường xuyên hoạt động thể chất vừa sức để kích thích sự thèm ăn của cơ thể;
  • Thường xuyên đánh răng và súc miệng để hạn chế sự tồn đọng dư vị món đã ăn trước đó.

2. Buồn nôn

Buồn nôn là hiện tượng dễ xảy ra ở người hóa trị ung thư. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần lưu ý các vấn đề sau đây:

  • Thực đơn cho người hóa trị nên ưu tiên các món ăn hợp khẩu vị người bệnh;
  • Ưu tiên chọn ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng;
  • Ưu tiên uống nước ở nhiệt độ phòng và hạn chế uống nước quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Hạn chế ăn các món có mùi quá nồng;
  • Ăn uống chậm rãi, nhai kỹ để tránh cảm giác đầy hơi;
  • Súc miệng bằng nước nước muối sinh lý vào lúc trước và sau khi ăn;
  • Không nên bỏ bữa ăn chính vì dạ dày trống có thể khiến tình trạng buồn nôn của bạn trở nên tồi tệ hơn;
  • Ngồi dậy hoặc nằm với tư thế ngẩng cao đầu sau khi ăn để tránh tình trạng trào ngược dạ dày.
Ăn gì để giảm tác dụng phụ của hóa trị?

Buồn nôn do hóa trị ung thư có thể được cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng phù hợp

3. Đau miệng

Người hóa trị ung thư có thể thường xuyên bị đau miệng. Những lưu ý sau đây có thể giúp người bệnh cải thiện được tình trạng đau miệng do hóa trị, cụ thể:

  • Ăn thức ăn mềm dễ nhai hoặc lỏng sệt, chẳng hạn như sữa dinh dưỡng, súp, cháo,…;
  • Thỉnh thoảng bạn có thể ngậm nước đá để làm tê và dịu khoang miệng;
  • Hạn chế sử dụng đồ uống hoặc thức ăn quá nóng vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương miệng;
  • Ưu tiên uống nước bằng ống hút;
  • Không nên sử dụng các loại thực phẩm có tính axit cao như cam, chanh, giấm,…;
  • Không uống bia rượu, chất kích thích;
  • Không hút thuốc lá;
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý từ 3 đến 4 lần một ngày, không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn;
  • Thường xuyên kiểm tra khoang miệng mỗi ngày để tìm vết loét, mảng trắng hoặc vùng sưng tấy.

4. Khó nuốt

Những lưu ý dưới đây có thể giúp cải thiện được tình trạng đau họng và khó nuốt do hóa trị ung thư gây nên, cụ thể:

  • Làm mềm ẩm thức ăn trước khi dùng;
  • Chọn ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt như cháo yến mạch, sữa, bánh mềm,…;
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ uống, thức ăn có nguy cơ gây bỏng hoặc xước cổ họng như thực phẩm cay nóng, giòn cứng và có tính axit cao;
  • Không uống bia rượu, hút thuốc lá.

5. Sụt cân

Người bệnh ung thư rất dễ bị sụt cân, đặc biệt là khi sử dụng các phương pháp hóa trị và xạ trị. Để cải thiện hiện tượng sụt cân, khi xây dựng thực đơn cho người hóa trị cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nên ưu tiên chọn các món giàu dinh dưỡng cho các bữa ăn chính và các loại trái cây, sinh tố, các loại nước uống giàu vitamin cho bữa phụ;
  • Thiết lập thời gian ăn uống cụ thể: Duy trì thói quen ăn uống vào các khung giờ cố định sẽ giúp củng cố hoạt động của hệ tiêu hóa. Năng lượng được nạp vào cơ thể đều đặn có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng sụt cân ở người bệnh ung thư. Chẳng hạn, ăn sáng lúc 7h, ăn trưa lúc 11h, ăn tối lúc 18h; bổ sung các bữa phụ lần lượt vào lúc 9h, 15h và 21h.
  • Uống nhiều nước lọc để quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, đồng thời giúp thận đào thải bớt thuốc hóa trị còn sót lại;
  • Cung cấp thực phẩm giàu omega-3 cho bữa ăn hàng ngày. Đây là chất béo thiết yếu giúp tăng cường khả năng hấp thụ vitamin A, D, E, K trong cơ thể.

 6. Táo bón

Để khắc phục hiện tượng táo bón ở người hóa trị ung thư hiệu quả cần lưu ý những điều sau:

  • Tăng cường chất xơ vào thực đơn hàng ngày qua các thực phẩm như hoa quả tươi, ngũ cốc, rau xanh,…;
  • Tăng cường chất lỏng trong khẩu phần ăn bằng cách uống nhiều nước lọc; bổ sung thêm các loại nước ép, uống nước ấm vào buổi sáng; ăn các loại thức ăn mềm ẩm, lỏng sệt thay cho thức ăn khô cứng.

Nếu tình trạng táo bón không được cải thiện, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Ăn gì để giảm táo bón khi hóa trị ung thư

Người hóa trị ung thư nên ưu tiên ăn thức ăn mềm, lỏng, giàu vitamin, chất xơ,… để hạn chế các tác dụng phụ

7. Mất vị giác

Để cải thiện tình trạng mất vị giác, ăn uống không ngon miệng người hóa trị ung thư cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Tẩm ướp thực phẩm bằng các loại củ có hương vị hấp dẫn đặc trưng, giàu chất chống oxy hóa và chứa ít calo để kích thích vị giác người bệnh ung thư bị mất vị giác do hóa trị, chẳng hạn như: gừng, nghệ, tỏi,…
  • Ngậm kẹo để cải thiện tình trạng đắng miệng
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý và vệ sinh răng miệng thường xuyên
  • Ăn chậm, nhai kỹ để cảm nhận hương vị món ăn
  • Trong trường hợp người bệnh không thể ăn uống do mất vị giác, nên sử dụng bổ sung các loại sữa dinh dưỡng có mùi thơm đặc trưng để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể

8. Khô miệng

Để khắc phục tình trạng khô miệng vì hóa trị ung thư bạn cần:

  • Ưu tiên ăn thức ăn dễ nhai, nuốt;
  • Ăn hoặc uống thức ăn có vị chua để kích thích khoang miệng tiết nhiều nước bọt hơn;
  • Nhai kẹo cao su không đường;
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý sau mỗi 1 – 2 giờ và không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn;
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nước bọt nhân tạo nhằm làm ẩm miệng và cổ họng;
  • Giữ ẩm cho môi bằng son dưỡng môi.

9. Tiêu chảy

Để kiểm soát tốt tình trạng tiêu chảy do hóa trị ung thư, bạn cần:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày;
  • Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều kali trong thực đơn cho người hóa trị, điển hình như khoai tây, chuối, đào,… Vì cơ thể rất dễ bị hao hụt kali trong quá trình tiêu chảy;
  • Bổ sung thực phẩm chứa lợi khuẩn đường ruột (probiotic) để cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa;
  • Hạn chế ăn thức ăn quá chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc uống thức uống chứa cồn, nước có gas,….

10. Tăng cân do dùng corticoid

Corticoid được sử dụng trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ và có tác động giúp làm giảm các triệu chứng của hóa trị ung thư. Tuy nhiên corticoid có thể sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, trong đó phổ biến nhất là hiện tượng tăng cân. Để cải thiện tình trạng tăng cân do dùng corticoid, bạn cần:

  • Bổ sung nhiều vitamin, chất xơ từ trái cây, rau củ, ngũ cốc,…;
  • Hạn chế chất béo xấu bằng cách tránh ăn các loại món ăn nhiều dầu mỡ, thịt mỡ,…;
  • Ưu tiên ăn các món ăn được chế biến bằng phương pháp hấp, luộc và sử dụng ít gia vị để hạn chế tình trạng tích nước;
  • Kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày, tránh tình trạng dư thừa năng lượng;
  • Uống nhiều nước để hỗ trợ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Ăn gì để giảm tăng cân do dùng corticoid sau hóa trị ung thư

Ăn nhiều thực phẩm chế biến từ cà rốt có tác dụng giúp giải độc sau hóa trị ung thư

Công thức món ăn cho bệnh nhân hóa trị

Sau đây là những công thức chế biến những món ăn nên có trong thực đơn cho người hóa trị, cụ thể:

1. Súp gà ngô nấm

Để nấu món súp gà ngô nấm thơm ngon, bổ dưỡng bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây:

  • 200 g đùi gà;
  • 70 g nấm đùi gà;
  • 1 trái bắp mỹ;
  • ½ củ cà rốt;
  • 1 ít hành lá, hành phi;
  • 2 quả trứng gà;
  • ½ chén nước bột năng pha loãng;
  • Gia vị: hạt nêm, muối, tiêu xay.

Các bước chế biến món súp gà ngô nấm cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần sơ chế các nguyên liệu trên. Cụ thể, xẻ đôi đùi gà và thái nhỏ các loại rau củ, hành lá, trứng gà cho ra chén đánh đều;
  • Kế tiếp, luộc đùi gà trong 30 phút, sau đó để nguội và xé nhỏ thịt gà;
  • Tận dụng nước luộc đùi gà để tiếp tục nấu chín các nguyên liệu còn lại, lần lượt là cà rốt, bắp mỹ, nấm đùi gà;
  • Sau đó, cho phần thịt gà đã xé nhỏ vào nồi và nấu thêm khoảng 5 phút;
  • Lúc này, bạn có thể nêm nếm 1 muỗng hạt nêm và rây trứng gà đã đánh đều vào nồi súp đang sôi;
  • Khi trứng đã chín, tiếp tục cho từ từ bột năng pha loãng đến khi đạt độ sệt như ý thì tắt bếp;
  • Cuối cùng, bạn có thể trang trí món ăn với một ít hành lá và tiêu xay.

2. Cháo đậu đỏ tôm tươi

Cháo đậu đỏ tôm tươi là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ chế biến, dễ tiêu hóa. Để nấu thành công món ăn thơm ngon này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • 60 g gạo tẻ;
  • 50 g tôm tươi;
  • 30 g đậu đỏ;
  • Hành khô;
  • Gia vị: nước mắm, dầu ăn.

Các bước nấu món cháo đậu đỏ tôm tươi cụ thể như sau:

  • Đậu đỏ sau khi rửa sạch cần được ngâm mềm trong vài giờ đồng hồ và để tiết kiệm thời gian bạn nên ngâm đậu đỏ vào đêm hôm trước;
  • Sau đó, tiếp tục sơ chế và băm nhuyễn tôm tươi, hành khô, gạo vo sạch và bắt đầu nấu cháo;
  • Lúc này, chuẩn bị nồi nhỏ và phi thơm hành khô với dầu nóng;
  • Kế tiếp, cho tôm vào nồi xào nhanh tay với ½ muỗng nước mắm;
  • Đậu đỏ sau khi ngâm mềm cần được hấp chín và tán nhuyễn;
  • Cuối cùng, nấu sôi lại nồi cháo và cho hỗn hợp đậu đỏ nhuyễn mịn và tôm đã xào chín vào, nêm nếm lại để vừa khẩu vị của người ăn và tắt bếp.

Như vậy, bạn đã hoàn thành món cháo đậu đỏ tôm tươi giàu dinh dưỡng, thơm ngon, kích thích vị giác cho người hóa trị ung thư.

thực đơn cho người hóa trị, cháo đậu đỏ tôm tươi

Cháo đậu đỏ tôm tươi là món ăn nên có trong thực đơn cho người hóa trị

3. Canh khoai sọ hầm xương

Trong thực đơn cho người hóa trị không thể thiếu các món canh hầm vì món ăn này rất giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, điển hình như món canh khoai sọ hầm xương. Để chế biến món ăn này cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây:

  • 700 g khoai sọ;
  • 500 g xương heo;
  • 1 ít hành lá, rau om;
  • Gia vị: hạt nêm, tiêu, bột canh, đường.

Canh khoai sọ hầm xương là món ăn dân dã, dễ làm với các bước thực hiện đơn giản như sau:

  • Đầu tiên, sơ chế và cắt nhỏ các nguyên liệu khoai sọ, xương heo, hành lá, rau om;
  • Xương heo trước khi nấu canh cần được luộc sơ để loại bỏ cặn bẩn, sau đó cho thêm khoảng 1,5 lít nước vào hầm từ 40 phút đến 1 tiếng;
  • Sau đó, cho khoai sọ vào nước hầm xương heo, tiếp tục nấu đến khi khoai chín mềm;
  • Kế tiếp, nêm vào món canh ½ muỗng đường, ½ muỗng hạt nêm, 1 xíu muối;
  • Cuối cùng cho hành lá, rau om cắt nhỏ và 1 ít tiêu xay vào nồi và tắt bếp.

Như vậy bạn đã hoàn thành món canh khoai sọ hầm xương giàu protein, thơm ngon giúp phục hồi sức khỏe cho người hóa trị ung thư.

4. Cháo yến mạch thịt bò

Cháo yến mạch thịt bò là món ngon được rất nhiều người yêu thích. Đây là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên có trong thực đơn cho người hóa trị. Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món ăn này bao gồm:

  • 70 g yến mạch;
  • 100 g thịt bò xay;
  • 1 củ cà rốt nhỏ;
  • 50 g bông cải xanh;
  • 2 muỗng cafe tỏi và hành tím xay;
  • 1 viên phô mai con bò cười;
  • 2 muỗng dầu oliu;
  • 500 ml nước dùng (từ xương gà, xương heo hoặc rau củ);
  • 1 ít hành lá, ngò rí;
  • Gia vị: hạt nêm, đường, tiêu xay, bột ngọt.

Các bước chế biến món cháo yến mạch thịt bò cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, sơ chế và cắt nhỏ cà rốt và bông cải xanh;
  • Tiếp theo, ướp thịt bò xay với ½ muỗng hạt nêm, 1 muỗng dầu oliu, ½ muỗng bột ngọt trong 10 phút;
  • Sau đó, đun sôi 800 ml nước dùng và cho lần lượt cà rốt, bông cải, yến mạch vào nấu chín;
  • Phi thơm tỏi, hành tím xay với dầu nóng, cho thịt bò vào xào nhanh, thịt chín thì cho vào nồi cháo yến mạch tiếp tục nấu trong khoảng 5 phút;
  • Cuối cùng, cho thêm hành ngò, tiêu xay vào nồi cháo yến mạch thịt bò và tắt bếp. Khi ăn bạn cho phô mai lên trên, thêm 1 chút ớt cắt nhỏ nếu thích, món ăn này sẽ hấp dẫn hơn khi dùng nóng.
thực đơn cho người hóa trị ung thư, cháo yến mạch thịt bò

Cháo yến mạch thịt bò lạ miệng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

5. Cháo cá hồi đậu xanh

Cá hồi và đậu xanh là 2 nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Cháo cá hồi đậu xanh là món ăn thơm ngon dễ thực hiện nên có mặt trong thực đơn cho người hóa trị, các nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • 200 g cá hồi phi lê;
  • 100 g gạo tẻ;
  • 20 g gạo nếp;
  • 70 g đậu xanh;
  • 1 củ gừng;
  • 1 ít hành lá, ngò rí, hành tím;
  • Gia vị: đường, dầu ăn, hạt nêm, tiêu, bột ngọt.

Để nấu cháo cá hồi đậu xanh, bạn cần thực hiện các bước cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, ngâm mềm đậu xanh trong nước khoảng vài giờ đồng hồ, gạo nếp ngâm khoảng 20 phút;
  • Tiếp theo, ướp cá hồi với ½ muỗng hạt nêm, ½ muỗng hành tím băm nhuyễn trong 15 phút;
  • Sau đó, cho gạo và đậu xanh vào nồi để nấu cháo. Cùng lúc đó, đun nóng dầu ăn trên chảo và cho cá hồi xào chín;
  • Khi cháo đậu xanh chín nhừ, bạn cho phần cá hồi vào khuấy đều tay, nêm nếm thêm gia vị và tắt bếp.

Cháo cá hồi đậu xanh nên được thưởng thức khi còn nóng, để người ăn cảm nhận trọn vẹn hương vị bùi béo của đậu xanh và cá hồi.

6. Cháo tôm bông cải xanh phô mai

Cháo tôm bông cải xanh phô mai là món ăn quen thuộc dành cho trẻ em và người bệnh ung thư ăn uống kém cần được bồi bổ. Các nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món ăn này bao gồm:

  • 45 g gạo tẻ;
  • 100 g tôm tươi;
  • 50 g bông cải xanh;
  • 10 g hành tây;
  • 1 lát phô mai;
  • ½ muỗng cafe muối;
  • ½ muỗng cafe đường.

Các bước nấu món cháo tôm bông cải xanh phô mai cụ thể như sau:

  • Sơ chế và cắt nhỏ các nguyên liệu tôm tươi, bông cải xanh, hành tây, gạo vo sạch;
  • Sau đó, cho gạo vào nồi với tỷ lệ 1 phần gạo 2 phần nước và bắt đầu nấu cháo;
  • Tiếp theo, phi thơm hành tây trên chảo nóng sau đó cho tôm băm nhuyễn vào xào chín;
  • Khi cháo đã chín nhừ, cho bông cải xanh cắt nhỏ vào cùng với ½ muỗng cafe đường, ½ muỗng cafe muối.
  • Cuối cùng trước khi tắt bếp bạn cho thêm 1 lát phô mai lên trên.

Để giữ trọn hương vị bạn nên khi cháo còn nóng và chỉ nên nấu 1 lượng vừa đủ ăn trong ngày, không nên bảo quản món ăn qua đêm.

7. Cháo cua bông cải xanh

Đây là món ăn thơm ngon, giàu chất xơ, protein giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Để thực hiện món ăn này, cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây:

  • 50 g gạo tẻ;
  • 50 g thịt cua băm nhuyễn;
  • 50 g bông cải;
  • Gia vị: hạt nêm, dầu ăn, tiêu.

Món ăn này rất dễ chế biến, các bước thực hiện như sau:

  • Đầu tiên, nấu cháo với 1 phần gạo và 2 phần nước đến khi chín nhừ;
  • Tiếp theo, cho bông cải đã chần sơ cắt nhuyễn vào cháo khuấy đều;
  • Sau đó, tiếp tục cho phần thịt cua cùng với ½ muỗng hạt nêm, 1 muỗng nhỏ dầu ăn vào;
  • Cuối cùng, tắt bếp và rắc thêm tiêu xay lên trên.

Như vậy, bạn đã hoàn thành món cháo cua bông cải xanh bổ dưỡng cho thực đơn cho người hóa trị.

thực đơn cho người hóa trị liệu, cháo cua bông cải xanh

Sự kết hợp hoàn hảo giữa cua và bông cải xanh sẽ kích thích vị giác lẫn khứu giác của người bệnh ung thư

8. Sinh tố bơ chuối protein

Sinh tố bơ chuối protein là sự kết hợp hài hòa giữa 2 loại trái cây dễ tìm và giàu dinh dưỡng. Trong 1 ly sinh tố bơ chuối có chứa các chất tốt cho sức khỏe như vitamin C, vitamin A, kẽm, sắt, canxi, chất xơ, lipid, natri, kali, protein, magie,… Nguyên liệu để thực hiện thức uống này bao gồm:

  • 1 trái chuối;
  • 1 trái bơ sáp;
  • 50 ml sữa tươi không đường;
  • 30 ml sữa đặc;
  • 1 muỗng cafe mật ong;
  • Đá bào.

Sinh tố bơ chuối protein rất dễ làm, bạn chỉ cần thực hiện 2 bước đơn giản như sau:

  • Đầu tiên, cho phần chuối và bơ đã cắt nhỏ vào máy xay sinh tố cùng với sữa tươi không đường, sữa đặc, mật ong;
  • Sau đó, cho đá bào vào tiếp tục xay đến khi có được hỗn hợp nhuyễn mịn.

Như vậy, bạn đã hoàn thành món sinh tố bơ chuối giàu protein giúp người bệnh ung thư mau chóng hồi phục sức khỏe.

9. Sữa hạnh nhân, óc chó, hạt sen

Hạnh nhân, óc chó và hạt sen là 3 loại hạt giàu dinh dưỡng quen thuộc trong cuộc sống. Để nấu thành công món sữa hạnh nhân, óc chó, hạt sen thơm ngon bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • 100 g hạt hạnh nhân;
  • 100 g hạt óc chó;
  • 30 g đường phèn;
  • 3 lá dứa.

Các bước nấu sữa hạnh nhân, óc chó, hạt sen cụ thể như sau:

  • Đầu tiên bạn cần ngâm các loại hạt trong nước với thời gian cụ thể như sau:
    • Hạt hạnh nhân từ 12 giờ đến 24 giờ, thay nước ngâm 4 giờ / lần;
    • Hạt óc chó và hạt sen trong 4 giờ, thay nước ngâm 2 giờ / lần.
  • Sau đó, xay mịn tất cả 3 loại hạt đã ngâm với 1 lít nước lọc và lọc hỗn hợp thu được qua rây để lấy phần nước cốt.
  • Cuối cùng, cho nước cốt vào nồi, thêm lá dứa, đường phèn nấu với lửa nhỏ trong 10 phút.

Như vậy bạn đã có món sữa hạt thơm ngon, giàu dinh dưỡng để bổ sung vào thực đơn cho người hóa trị.

thực đơn cho người hóa trị, Sữa hạnh nhân, óc chó, hạt sen

Một ly sữa hạnh nhân, óc chó, hạt sen sẽ là bữa phụ lý tưởng dành cho người hóa trị ung thư

10. Sữa hạt bí xanh yến mạch

Sữa hạt bí xanh yến mạch là thức uống giàu chất dinh dưỡng yêu thích của nhiều người. Để nấu sữa hạt bí xanh yến mạch, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • 50 g hạt bí xanh;
  • 50 g yến mạch loại cán dẹt;
  • 1 ít muối;
  • 600 ml nước.

Sữa hạt bí xanh yến mạch là món ngon dễ làm, các bước thực hiện cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần ngâm hạt bí xanh qua đêm và ngân yến mạch trong 15 phút để 2 nguyên liệu này đủ độ mềm cần thiết.
  • Tiếp theo, xay mịn hạt bí và yến mạch với 600 ml nước và lọc hỗn hợp qua rây để thu được phần nước cốt;
  • Sau cùng, đun nước cốt với 1 ít đường phèn, vani (tùy khẩu vị) trên lửa nhỏ trong 10 phút và tắt bếp.

Như vậy, món sữa hạt bí xanh yến mạch đã hoàn thành, bạn có thể tùy thích dùng nóng hoặc lạnh.

Gợi ý thực đơn cho người hóa trị ung thư

Thực đơn cho người hóa trị cần đa dạng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Dưới đây là thực đơn cho bệnh nhân ung thư đang trải qua tiến trình hóa trị liệu gợi ý:

  Bữa sáng

(7h00)

Bữa phụ 1

(9h00)

Bữa trưa

(11h00)

Bữa phụ 2

(14h00)

Bữa chiều

(5h00)

Bữa phụ 3

(20h00)

Món ăn Phở bò (140 g bánh phở và 70 g thịt bò) 180 ml sinh tố bơ chuối protein

 

– 2 bát nhỏ cơm lứt

– 100 g Cá trắm cỏ kho

– 70 g Đậu hũ sốt cà

– 100 g Rau luộc

– 2 miếng dưa hấu

180 ml sữa tươi không đường – 2 bát nhỏ cơm lứt

– 1 quả trứng gà ốp la

– 100 g thịt kho

– 100 g bắp cải luộc

– 1 hộp sữa chua

150 ml sữa hạt sen mè đen
Cơ cấu khẩu phần
  • Năng lượng: 1747 kcal
  • Đạm: 90 g
  • Đường bột: 295 g
  • Béo: 23 g

Địa chỉ thiết kế thực đơn cho người hóa trị ung thư

Cải thiện sức khỏe cho người hóa trị ung thư là quá trình dài hạn, cần sự kiên nhẫn và khoa học. Thực đơn cho người hóa trị cần đảm bảo cân bằng giữa các nhóm chất khác nhau. Do đó, nếu bạn cần được tư vấn về dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người bệnh ung thư, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Tại đây, người bệnh ung thư sẽ được thăm khám, chẩn đoán chi tiết về tình trạng bệnh và nhận được đánh giá dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu hiện tại của cơ thể. Từ đó, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn và xây dựng chế độ ăn uống tối ưu cho người hóa trị ung thư.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thực đơn cho người hóa trị hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn đã trang bị đủ kiến thức để xây dựng cho mình chế độ ăn uống khoa học và phù hợp. Nếu có thêm thắc mắc nào liên quan đến chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư, hãy liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)
10:15 19/08/2023