Người suy thận nên ăn gì, kiêng gì: 21 thực phẩm tốt nhất

12/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Suy thận nên ăn gì, kiêng gì là băn khoăn của nhiều người bệnh khi xây dựng thực đơn hàng ngày. Bởi lẽ, nguồn dinh dưỡng không được chọn lọc và cân bằng có thể dẫn tới nhiều biến chứng như tăng huyết áp, tăng ure máu và nhiễm trùng đường tiểu,… Vậy người suy thận nên ăn gì để tránh các biến chứng trên và duy trì trạng thái khỏe mạnh? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Người bị suy thận nên ăn gì, kiêng gì? 21 thực phẩm tốt nhất

Người suy thận nên ăn gì tốt cho sức khỏe?

Vai trò của chế độ dinh dưỡng cho người suy thận

Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý đóng vai trò rất quan trọng đối với người suy thận, đặc biệt trong việc:

  • Tránh cho thận làm việc quá sức: Khi thận bị tổn thương, chức năng thanh lọc và đào thải không còn hiệu quả như trước. Lúc này, chế độ ăn được điều chỉnh phù hợp với khả năng của thận sẽ giúp cơ quan này hoạt động nhịp nhàng, không bị quá tải;
  • Tránh suy dinh dưỡng, duy trì sức khỏe: Ăn theo chế độ, đúng chất và đủ lượng, thay vì kiêng khem nghiêm ngặt sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe, tránh suy dinh dưỡng vì thiếu chất;
  • Cân bằng dinh dưỡng: Người suy thận cần hấp thụ đủ canxi, vitamin C, B…, đồng thời hạn chế kali, phốt pho, natri,.. Nếu không ăn theo chế độ, cơ thể rất dễ mất cân bằng dinh dưỡng, khiến bệnh tiến triển nhanh chóng;
  • Phòng ngừa tăng huyết áp, suy tim: Suy giảm chức năng thận khiến lượng muối thừa không được đào thải mà tích tụ trong cơ thể. Khi đó, natri trong muối sẽ làm tăng lượng nước trong máu, gây tăng huyết áp và suy tim. Chế độ ăn hạn chế muối sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng này;
  • Hạn chế tăng ure máu: Ure là sản phẩm của quá trình chuyển hoá chất đạm. Khi không được đào thải, hợp chất này sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến các biến chứng khó chịu, mệt mỏi, suy yếu hệ thần kinh, hệ tiêu hoá và thận. Lúc này, vai trò của chế độ dinh dưỡng là chọn lọc và kiểm soát lượng đạm hấp thụ, giảm thiểu ure sản sinh trong cơ thể.

Chế độ ăn dành cho người suy thận như thế nào?

Người suy thận nên ăn gì ít đạm, ít muối, đảm bảo đủ năng lượng và cân bằng điện giải. Đây là nguyên tắc hàng đầu khi xây dựng chế độ ăn cho người suy thận. Tuy nhiên, hàm lượng cụ thể các dưỡng chất cần được khuyến cáo dựa trên sức khỏe và tình trạng bệnh của mỗi người. Vì vậy, bạn hãy tham khảo các nguyên tắc dưới đây, kết hợp với ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn khoa học, hợp lý:

1. Giảm lượng đạm trong khẩu phần

Để giảm thiểu lượng ure tích tụ trong máu, người bệnh cần giảm hấp thụ đạm từ khẩu phần ăn. Lượng đạm khuyến cáo phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của mỗi người, cụ thể:

  • Đối với người bệnh thận mạn không lọc máu, lượng đạm mỗi ngày cần duy trì ở ngưỡng 0,8-1g/kg cân nặng.
  • Đối với người bệnh thận mạn có lọc máu, lượng đạm mỗi ngày cần duy trì ở ngưỡng 1,2-1,4g/kg cân nặng.
Chế độ ăn dành cho người suy thận như thế nào? ăn đúng và đủ đạm

Người bị suy thận (chưa chạy thận) cần cắt giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn của mình

Ngoài ra, do lượng đạm giảm, người bệnh nên ưu tiên nguồn đạm chất lượng cao từ ức gà, trứng, cá hồi, sữa tươi,… Đạm chất lượng cao hay đạm đủ là loại đạm chứa đủ 9 axit amin thiết yếu cho cơ thể, bao gồm:

  • Histidine: Củng cố khả năng phản ứng miễn dịch và chức năng hệ tiêu hoá;
  • Isoleucine: Chữa lành vết thương, điều chỉnh lượng đường trong máu;
  • Leucine: Hỗ trợ sản xuất hormone tăng trưởng, tái tạo và phát triển xương;
  • Lysine: Tổng hợp đạm, xây dựng cơ bắp và hấp thụ canxi, duy trì sức mạnh xương;
  • Methionine: Giúp phát triển mô và loại bỏ các kim loại nặng;
  • Phenylalanine: Hỗ trợ cơ thể sử dụng các axit amin khác;
  • Threonine: Cấu trúc collagen và elastin, giúp da săn chắc, răng khỏe mạnh;
  • Tryptophan: Điều hòa giấc ngủ, sự thèm ăn, tâm trạng và cảm giác đau đớn;
  • Valine: Hỗ trợ cơ hoạt động và tinh thần tập trung

2. Cung cấp đủ năng lượng, tránh suy dinh dưỡng

Mức năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động hàng ngày là 30 – 40 kcal/ kg cân nặng đối với bệnh nhân chưa lọc thận và 35 – 40 kcal/ kg với người đang lọc thận định kỳ. Trong đó, các dưỡng chất thiết yếu nên chiếm tỷ lệ như sau:

Dưỡng chất Trước lọc thận Lọc thận định kỳ
Chất đường bột 60 – 65% tổng năng lượng 55 – 60% tổng năng lượng
Chất béo 25 – 35% tổng năng lượng 25 – 30% tổng năng lượng

3. Ăn nhạt, hạn chế muối

Người suy thận nên ăn gì ít muối, đặc biệt là natri. Bởi lẽ, hàm lượng natri khuyến cáo cho đối tượng này nằm trong khoảng 1000 – 2000 mg/ ngày, tương đương với 2.5 – 5 g muối. Bạn có thể giảm thiểu lượng muối hấp thụ bằng cách nêm nhạt khi nấu ăn và hạn chế thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.

4. Đảm bảo cân bằng điện giải

Hàm lượng chất điện giải cần thiết cho người suy thận trước và trong quá trình chạy thận như sau:

Trước lọc thận Lọc thận định kỳ
Canxi 1300 mg/ ngày
Kali – 1000 – 1500 mg/ngày

– Hạn chế dưới 1000 khi tăng kali máu, phù và thiểu niệu

– 2000 – 2500 mg/ ngày

– Dưới 1500 mg/ ngày khi tăng kali máu, phù, tiểu ít

Phốt pho – Dưới 1000 mg/ ngày

– Hạn chế dưới 600 mg/ ngày khi suy thận giai đoạn 3 – 4

Dưới 1000 mg/ ngày
Nước – 1 lít / ngày

– Tham khảo ý kiến bác sĩ khi bị phù, thiểu niệu

Người suy thận nên ăn gì: 21 thực phẩm được khuyến khích

Để trả lời cho câu hỏi người bị suy thận nên ăn gì, bạn có thể tham khảo 21 loại thực phẩm có lợi cho thận dưới đây:

1. Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ sở hữu hàm lượng cao lycopene – một chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoids. Theo nghiên cứu, hợp chất này có khả năng ngăn ngừa sự tiến triển bệnh lý và giảm thiểu nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy thận mạn tính. Ngoài ra, ớt chuông đỏ cũng có tác dụng hỗ trợ duy trì trạng thái khỏe mạnh của thận và cơ thể. Trong đó:

  • Vitamin A và B6: Điều hoà lượng oxalat trong nước tiểu, giảm hình thành sỏi thận – nguyên nhân chính khiến chức năng thận suy giảm;
  • Folate (vitamin B9): Kiểm soát nồng độ homocysteine ở bệnh nhân suy thận, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
suy thận nên ăn gì, ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ chứa nhiều vitamin A, B6, B9 tốt cho người bệnh suy thận

2. Bắp cải

Bên cạnh hàm lượng thấp natri và kali, bắp cải cũng sở hữu nhiều hợp chất có lợi cho thận. Trong đó, các hợp chất phytochemicals như kaempferol ​​và apigenin có khả năng bảo vệ tế bào thận khỏi các tổn thương do gốc tự do và căng thẳng oxy hóa. Ngoài ra, nhóm hợp chất này cũng được chứng minh là có khả năng ngăn chặn ung thư biểu biểu mô tế bào thận – một biến chứng của suy thận mạn.

3. Súp lơ trắng

Súp lơ trắng rất giàu vitamin C, folate và chất xơ, có khả năng giúp thận và các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động hiệu quả, nhịp nhàng. Không những vậy, loại rau này còn sở hữu hàm lượng cao chất chống oxy hoá sulforaphane. Hợp chất này có thể bảo vệ thận khỏi hiện tượng tăng kali máu trong quá trình điều trị suy thận mạn.

4. Tỏi

Nghiên cứu chỉ rõ, allicin trong tỏi có tác dụng tuyệt vời trong việc hạ đường huyết, chống viêm nhiễm, căng thẳng oxy hóa và bảo vệ thận. Tác dụng của hoạt chất này lên đường huyết và thận có thể tương đương hoặc tốt hơn Losartan – một loại thuốc do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, trong khi Losartan có khả năng làm tăng nồng độ kali máu, hàm lượng khoáng chất này trong tỏi lại ở mức tương đối an toàn. Vì vậy, bổ sung tỏi sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho chế độ dinh dưỡng, giải đáp thắc mắc người suy thận nên gì.

5. Hành tây

Hành tây chứa nhiều các chất chống oxy hóa, đặc biệt là quercetin. Hợp chất này đã được chứng minh là có công dụng kiểm soát độc tố trong thận, bảo vệ thận khỏi tình trạng xơ hoá và sưng viêm. Ngoài ra, hành tây và tỏi cũng là hai gia vị thay thế muối ăn, giúp người bệnh giảm hấp thụ natri từ thực đơn hàng ngày.

6. Táo

Táo rất giàu chất xơ, giúp loại bỏ các độc tố ngay tại hệ tiêu hoá, giảm tải cho chức năng thận. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong táo như vitamin C, quercetin và catechin cũng có khả năng bảo vệ và chữa lành các tế bào thận khỏi tổn thương và viêm nhiễm. Vì vậy, đây là loại quả không thể thiếu trong danh sách người suy thận nên ăn gì, giúp bệnh nhân khỏe mạnh và phục hồi nhanh chóng.

người suy thận nên ăn gì, táo

Táo chứa nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ làm chậm tiến trình suy thận

7. Nam việt quất

Nam việt quất chứa một hợp chất chống oxy hoá đặc biệt – proanthocyanidins. Hợp chất này có khả năng ngăn chặn nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận bằng cách giảm lượng vi khuẩn trong nước tiểu. Vì vậy, nam việt quất trong chế độ ăn cho người suy thận sẽ giúp kiểm soát tốc độ suy yếu của chức năng thận và tránh các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nước, điện giải, phù phổi, tăng huyết áp,…

8. Việt quất

Bên cạnh quercetin, việt quất còn chứa anthocyanins – một nhóm chất chống oxy hoá có nhiều trong hoa quả màu tím, xanh và đỏ. Nhóm hợp chất này được chứng minh là có khả năng cải thiện chức năng thận, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận mạn do tiểu đường. Ngoài ra, hàm lượng protein, natri, kali, phốt pho trong việt quất cũng ở mức an toàn. Do đó, người bệnh có thể sử dụng loại quả này trong thực đơn ăn vặt hàng ngày.

9. Phúc bồn tử

Theo nghiên cứu, axit ellagic trong phúc bồn tử có khả năng ngăn chặn sự tiến triển của suy thận mạn bằng cách trung hòa gốc tự do và kháng viêm. Bên cạnh đó, loại quả này cũng sở hữu hàm lượng cao vitamin C, folate, chất xơ và mangan, giúp củng cố hệ tiêu hoá và giảm tải lên hoạt động của thận.

10. Dâu tây

Vitamin C, anthocyanins, axit caffeic, catechin và quercetin là các chất và nhóm chất chống oxy hoá được tìm thấy trong dâu tây. Những dưỡng chất này có tỷ lệ dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong 100 g dâu tây có thể lên tới 56 mg, tương đương 60% giá trị dinh dưỡng hàng ngày. Vì vậy, bổ sung dâu tây trong các bữa ăn sẽ làm tăng khả năng chữa lành tổn thương ở thận và đẩy nhanh quá trình phục hồi.

11. Quả anh đào

Tương tự dâu tây, quả anh đào cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, quercetin và anthocyanins. Do đó, tiêu thụ loại quả này thường xuyên có thể giúp kiểm soát và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Không những vậy, nghiên cứu cũng chỉ rõ, anh đào có khả năng đẩy lùi các triệu chứng của bệnh gout – một biến chứng phổ biến ở người suy thận mạn. Vì vậy, để trả lời câu hỏi người bị suy thận nên ăn gì, loại quả này sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời.

12. Nho đỏ

Nho đỏ rất giàu các chất chống oxy hóa, như quercetin, anthocyanins và resveratrol. Những dưỡng chất này có khả năng chống viêm, giúp thận chữa lành các tổn thương và cải thiện chức năng,… Do đó, bổ sung nho đỏ sẽ là một trong những gợi ý hữu ích cho danh sách thức ăn cho người suy thận.

người bị suy thận nên ăn gì, nho đỏ

Nho đỏ có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ duy trì chức năng thận

13. Lòng trắng trứng

Lòng trắng trứng là nguồn protein chất lượng cao với đủ 9 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Đối với người suy thận, thực phẩm này sẽ là lựa chọn hoàn hảo giúp bệnh nhân hấp thụ đủ axit amin, trong khi cắt giảm lượng protein tổng thể.

14. Các loại cá béo

Các loại cá béo như cá thu, cá trích, cá mòi, cá hồi,… rất giàu omega-3 – một axit béo có lợi cho thận và cơ thể. Theo nghiên cứu, omega 3 có thể cải thiện tình trạng viêm và chức năng thận chỉ trong một tháng bổ sung từ chế độ ăn. Dưỡng chất này cũng hỗ trợ kiểm soát các thông số tim mạch và hạn chế tình trạng ngứa, viêm da ở bệnh nhân chạy thận. Do đó, tăng cường hấp thụ omega 3, thay thế các chất béo xấu từ thịt đỏ, thức ăn chiên rán sẽ là giải pháp bảo vệ thận hiệu quả.

15. Dầu olive

Bên cạnh cá béo, dầu olive cũng là một nguồn omega-3 dồi dào, có tác dụng chống viêm, cải thiện chức năng thận hiệu quả. Ngoài ra, hàm lượng chất chất chống oxy hoá như polyphenols, axit oleic trong dầu olive cũng tương đối cao. Vì vậy, sử dụng loại dầu này trong chế độ dinh dưỡng có thể thúc đẩy quá trình phục hồi của thận.

16. Hạt tam giác mạch

Hạt tam giác mạch chứa hàm lượng cao vitamin B, magie, sắt và chất xơ, đồng thời cung cấp ít phốt pho, rất phù hợp cho người bệnh thận. Theo nghiên cứu, loại ngũ cốc này cũng có khả năng ngăn ngừa rối loạn chức năng thận và đẩy lùi suy thận ở bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt, do hạt tam giác mạch không chứa gluten, người bệnh mắc chứng celiac hoặc không dung nạp gluten vẫn có thể sử dụng trong thực đơn hàng ngày.

17. Gà bỏ da

Thịt gà cũng sở hữu nguồn protein chất lượng cao, cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, để giảm hấp thụ chất béo xấu và phốt pho, bạn nên lựa chọn phần thịt ức và lọc bỏ da cho thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, đối với thực phẩm giàu protein như thịt, cá, khẩu phần khuyến cáo dành cho người bị suy thận là 56 – 85 g/ ngày. Như vậy, tuy có lợi cho cơ thể, người bệnh vẫn cần ăn thịt gà đúng cách và đúng khẩu phần để không tạo áp lực lên thận.

thức ăn cho người suy thận, thịt gà bỏ da

Thịt gà bỏ da cung cấp nguồn protein chất lượng cao, ít chất béo bão hòa

18. Rau arugula

Suy giảm chức năng thận thường gây tích tụ phốt pho trong máu, khiến xương giòn, dễ gãy. Để duy trì sức khỏe xương khớp, người bị suy thận nên ăn gì chứa vitamin K, mangan và canxi. Rau arugula hay xà lách rocket lại có cả ba dưỡng chất trên. Ngoài ra, hàm lượng nitrat trong loại rau này cũng góp phần hạ huyết áp, tránh cho thận làm việc quá sức. Vì vậy, bổ sung rau arugula trong thực đơn sẽ giúp người bệnh bảo vệ thận và hệ xương hiệu quả.

19. Hạt mắc ca

Trong số các loại hạt, mắc sở hữu hàm lượng kali và phốt pho thấp nhất, phù hợp cho chế độ ăn của người suy thận. Đồng thời, loại hạt này cũng chứa các dưỡng chất có lợi có thận và cơ thể như canxi, mangan, đồng, sắt, magie, folate và omega-3. Với các dưỡng chất trên, ăn hạt mắc ca thường xuyên vừa có thể giúp thận hoạt động hiệu quả, vừa hỗ trợ hệ tiêu hoá và duy trì hệ xương chắc khỏe cho người bệnh.

20. Dứa

Hàm lượng natri, kali và phốt pho trong dứa tương đối thấp so với các loại quả như chuối, kiwi,… Do đó, đây có thể là món tráng miệng lý tưởng dành cho người suy thận. Ngoài ra, dứa cũng chứa bromelain – một loại enzyme có khả năng kháng viêm và chống oxy hoá. Bổ sung dứa trong thực đơn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành của thận.

21. Các loại củ cải

Củ cải rất giàu chất xơ, vitamin C, và folate, song lại chứa ít kali, phốt pho và natri. Vì vậy, đây là loại củ an toàn và có lợi cho bệnh nhân suy thận. Bên cạnh đó, nhờ vị ngọt tự nhiên, củ cải cũng có thể thay thế cho đường tinh luyện, giúp giảm nguy cơ tiểu đường ở người bệnh.

Người bị suy thận kiêng ăn gì?

Người suy thận kiêng ăn gì chứa nhiều natri, kali, phốt pho và các chất khiến thận gặp khó khăn khi xử lý, cụ thể:

1. Thịt chế biến sẵn

Thịt chế biến sẵn và đồ ăn đóng hộp nói chung chứa hàm lượng natri rất cao. Cụ thể, 85 g thịt đóng hộp có thể cung cấp tới 1117 mg natri, chiếm gần một nửa giá trị khuyến cáo natri hàng ngày. Trong khi đó, thịt lợn với khối lượng tương tự cũng chỉ chứa khoảng 27.3 mg khoáng chất này. Do chế độ ăn cho người suy thận cần ưu tiên thực phẩm nhạt, thịt chế biến sẵn chắc chắn không phải là sự lựa chọn phù hợp.

suy thận kiêng ăn gì, Thịt chế biến sẵn

Thịt chế biến sẵn chứa nhiều natri, dễ làm tăng huyết áp sau khi tiêu thụ

2. Đồ ăn liền, đóng hộp

Bên cạnh hàm lượng natri cao, đồ ăn liền, đóng hộp còn chứa các chất bảo quản có hại cho thận như:

  • Natri benzoat (E211): Natri benzoat thường được sử dụng để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và vi sinh vật khác trong thực phẩm. Tuy nhiên, hợp chất này có thể tăng lượng lipid peroxy – một gốc tự do rất nguy hiểm trong cơ thể. từ đó gây ra thêm các tổn thương cho thận;
  • Chất bảo quản sulfite (E220 đến E228): Chất bảo quản sulfite thường có tác dạng ngăn chặn quá trình oxy hóa và sự mất màu của thực phẩm. Song, một số người có thể bị dị ứng hoặc có phản ứng không mong muốn với sulfite. Điều này khiến thận phải làm việc quá sức để đào thải hợp chất này ra ngoài.

3. Hạt rang muối các loại

Các loại hạt rang muối chứa rất nhiều natri, kali và phốt pho – những khoáng chất cần phải hạn chế đối với người mắc suy thận mạn. Bên cạnh đó, hàm lượng lớn oxalat trong các loại hạt này cũng tiềm ẩn nguy cơ hình thành sỏi thận, khiến chức năng của thận suy giảm nhanh chóng.

4. Trái cây sấy khô

100 g nho khô chứa đến 65 g đường, trong khi hàm lượng này ở nho tươi chỉ khoảng 15 g. Tương tự, lượng đường trong 100 g xoài tươi và xoài sấy khô lần lượt là 14 g và 66 g. Với hàm lượng đường lớn, các loại trái cây khô rất dễ gây tăng huyết áp và tiểu đường cho bệnh nhân suy thận. Đây là hai trong các biến chứng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi của thận.

5. Rau củ ngâm chua

Rau củ ngâm chua chứa rất nhiều natri và kali. Hai khoáng chất này khi tích tụ quá mức trong cơ thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như phù nề, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong. Vì vậy, loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm ngâm chua ra khỏi chế độ dinh dưỡng sẽ là giải pháp tốt nhất để người suy thận kiểm soát tình hình bệnh lý.

6. Đồ uống có ga

Theo Bộ Y tế, đồ uống có ga làm nồng độ axit uric tăng nhanh trong cơ thể. Cụ thể, hàm lượng lớn fructose trong loại đồ uống này có khả năng cản trở nghiêm trọng quá trình chuyển hóa và phân hủy purin. Đây là nguyên nhân khiến axit uric tích tụ, làm suy thận mạn tính chuyển biến xấu, dẫn đến các biến chứng như rối loạn chuyển hóa, bệnh tiểu đường, tim mạch.

suy thận kiêng ăn gì, nước ngọt có ga

Nước ngọt có gas khiến axit uric tích tụ, thúc đẩy suy thận tiến triển

7. Hải sản

Người suy thận nên kiêng một số loại hải sản như cua, cá sú vàng, cá cơm, sò,… Bởi lẽ, hàm lượng kali và phốt pho trong các thực phẩm này tương đối cao. Đồng thời, chúng cũng chứa nhiều purin – một hợp chất tự nhiên có khả năng tạo axit uric trong cơ thể. Đối với người bệnh suy thận, hợp chất này cần được hạn chế để tránh tăng uric máu.

8. Nội tạng động vật

Hàm lượng dinh dưỡng chủ yếu trong nội tạng động vật là đạm và chất béo động vật. Việc ăn loại thực phẩm này có thể làm tăng uric máu, tích mỡ trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc tiểu đường, bệnh gout, bệnh tim mạch ở người suy thận mạn tính. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để bệnh nhân duy trì thể trạng khỏe mạnh là hạn chế nội tạng động vật trong thực đơn hàng ngày.

9. Nước mắm và một số loại gia vị

1 ml nước mắm đã chứa đến 79 mg natri. Con số này trong 1 g muối ăn thậm chí còn ở mức 388 mg. Do người bị suy thận cần ưu tiên thực phẩm nhạt, ít natri, nước mắm và một số gia vị mặn như hạt nêm, muối ăn, bột canh,… nên được hạn chế tối đa. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng tỏi, hành tây, thì là, quế, gừng, rau mùi,… để tăng thêm hương vị cho món ăn.

10. Thức uống có cồn

Thức uống có cồn chắc chắn chắn cần phải được loại bỏ hoàn toàn trong chế độ dinh dưỡng cho người suy thận. Bởi lẽ, methanol trong thức uống này chứa độc tính rất cao và có khả năng hủy hoại tế bào mạnh mẽ. Do đó, tiêu thụ rượu bia và các loại đồ uống tương tự sẽ cản trở quá trình phục hồi của thận, thậm chí khiến chức năng thận suy giảm trầm trọng.

suy thận kiêng ăn gì, thực phẩm chứa cồn, rượu bia

Người suy thận cần tuyệt đối tránh xa đồ uống có cồn

Nên làm gì để hỗ trợ quá trình điều trị suy thận?

Bên cạnh một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, người suy thận nên xây dựng một lối sống lành mạnh để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, cụ thể:

  • Thường xuyên vận động: Người bệnh có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, hoặc bơi lội mỗi ngày để duy trì thói quen vận động, giúp thận làm việc hiệu quả;
  • Kiểm soát huyết áp và đường huyết: Huyết áp và đường huyết là hai yếu tố tác động trực tiếp tới chức năng thận. Do đó, bệnh thận suy thận nên kiểm tra thường xuyên hai chỉ số này và có phương pháp điều chỉnh nếu chúng vượt mức an toàn;
  • Kiểm soát mỡ máu và béo phì: Tương tự, bạn cũng cần kiểm tra hàm lượng mỡ máu định kỳ và thường xuyên cập nhật các thông tin về người suy thận nên ăn gì để tránh tích mỡ.
  • Tránh hút thuốc: Thuốc lá có ảnh hưởng đến phần lớn các cơ quan trong cơ thể. Khi các cơ quan khác hoạt động không hiệu quả, thận sẽ phải làm việc quá tải, dẫn tới suy giảm chức năng nhanh chóng. Vì vậy, người bệnh nên kiêng hút thuốc để không ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh lý;
  • Chỉ sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng khi được kê đơn: sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng không theo chỉ định có thể gây áp lực lên hoạt động của thận. Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng những sản phẩm trên khi có sự cho phép và hướng dẫn từ bác sĩ.

Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi người suy thận nên ăn gì. Hy vọng, bạn đã tham khảo được một số thức ăn cho người suy thận để xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý.

Cải thiện chức năng thận và duy trì thể trạng khỏe mạnh là một quá trình dài, đòi hỏi sự cân bằng dinh dưỡng và ăn uống khoa học. Do đó, xây dựng chế độ ăn hợp lý, trả lời được câu hỏi suy thận nên ăn gì sẽ là giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Những loại thực phẩm nêu trên là những gợi ý từ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, giúp bạn có thêm ý tưởng khi tạo lập thực đơn cá nhân. Nếu mong muốn tìm hiểu thêm về người suy thận nên ăn gì, kiêng gì, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.

Rate this post
10:39 12/09/2023