Chế độ ăn cho người suy thận và lưu ý về dinh dưỡng

12/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Xây dựng chế độ ăn cho người suy thận không chỉ là một yêu cầu bắt buộc của quá trình điều trị, mà còn là một giải pháp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày cho người bệnh. Việc cân nhắc lựa chọn thực phẩm và hiểu rõ tác động của chúng đối với sức khỏe thận chính là “chìa khóa vàng” giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả. Vậy, vai trò của chế độ ăn uống cho người suy thận là gì? Khi xây dựng chế độ ăn người suy thận cần tuân theo những nguyên tắc dinh dưỡng nào? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Chế độ ăn cho người suy thận và lưu ý về dinh dưỡng

Chế độ ăn cho người suy thận cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng nào?

Vai trò của chế độ ăn cho người suy thận

Chế độ dinh dưỡng cho người suy thận đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, không chỉ giúp kiểm soát triệu chứng mà còn góp phần làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số vai trò cụ thể của chế độ dinh dưỡng trong việc quản lý suy thận:

  • Cân bằng điện giải: Bệnh suy thận làm giảm khả năng cơ thể lọc và loại bỏ các chất điện giải như kali, natri và phốt-pho. Một chế độ ăn kiêng hạn chế tiêu thụ các chất điện giải này có thể giúp ngăn chặn các biến chứng liên quan đến tăng kali / natri / phốt pho huyết, bao gồm: suy tim, đau đầu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và thúc đẩy suy thận tiến triển.
  • Giảm tải cho thận: Protein là một trong những chất gây áp lực lên thận, nên việc giảm lượng protein trong chế độ ăn có thể giúp bảo vệ thận. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ lượng protein tối thiểu mà cơ thể cần.
  • Ngừa tiểu đường và tăng huyết áp: Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa & Thận (Hoa Kỳ), tiểu đường và tăng huyết áp lần lượt là hai nguyên nhân gây nên 38% và 26% tổng số ca suy thận mạn tính hiện nay. Một chế độ ăn lành mạnh, giàu rau củ quả, hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp kiểm soát huyết áp và đường huyết, làm chậm tốc độ suy thận.
  • Giảm lượng nước: Suy thận cũng ảnh hưởng đến khả năng cơ thể loại bỏ nước dư thừa. Việc kiểm soát lượng chất lỏng tiêu thụ và thức ăn giàu nước có thể làm giảm nguy cơ phù nề (tích nước) do suy thận.
  • Kiểm soát cân nặng: Người bị suy thận thường gặp vấn đề về việc sụt cân mất kiểm soát do kém dung nạp dinh dưỡng, đặc biệt là protein. Việc duy trì cân nặng lành mạnh thông qua chế độ ăn uống cân đối có thể hỗ trợ quản lý bệnh tốt hơn.
  • Hỗ trợ điều trị: Chế độ dinh dưỡng đúng đắn có thể làm tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị khác, như hỗ trợ cho liệu pháp thay thế thận.
  • Cải thiện cuộc sống: Việc kiểm soát triệu chứng và biến chứng thông qua chế độ dinh dưỡng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và hồi phục thể chất nhanh hơn.

Tóm lại, chế độ ăn cho người suy thận đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, để xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận lành mạnh, khoa học và an toàn, việc hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia dinh dưỡng là cần thiết.

Vai trò của chế độ ăn cho người suy thận

Ăn uống khoa học giúp làm chậm sự tiến triển của tình trạng suy thận

Hướng dẫn xây dựng chế độ ăn cho người suy thận

Xây dựng chế độ ăn cho người suy thận đúng cách, hỗ trợ tốt quá trình điều trị bệnh là một việc làm tương đối khó. Hiểu được điều này, các chuyên gia tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome đã chia sẻ 9 nguyên tắc quan trọng khi xây dựng chế độ ăn cho người suy thận, giúp bạn dễ dàng chinh phục mục tiêu sức khỏe của mình. Cụ thể:

1. Đủ năng lượng

Kiểm soát đúng mức năng lượng từ khẩu phần ăn dung nạp vào cơ thể là điều rất quan trọng ở bệnh nhân mắc bệnh suy thận. Bởi vì:

  • Nguy cơ suy dinh dưỡng: Người bệnh suy thận rất dễ bị suy dinh dưỡng do hiện tượng kém hấp thụ năng lượng – protein (The prevalence of protein energy wasting – PEW). Theo ước tính, PEW là hiện tượng rối loạn dinh dưỡng phổ biến, có thể xảy ra với 76.1% người bệnh suy thận.
  • Nguy cơ thừa cân – béo phì: Trong một diễn tiến khác, việc cung cấp thừa năng lượng sẽ thúc đẩy nguy cơ thừa cân – béo phì, gián tiếp gia tăng áp lực lên thận và thúc đẩy suy giảm chức năng thận tiến triển nhanh hơn.

Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), để hạn chế được những rủi ro kể trên, chế độ ăn cho người suy thận cần cung cấp đầy đủ từ 25 – 35 calo / kg cơ thể / ngày cho người bệnh.

2. Ăn đúng lượng và đúng loại protein

Chế độ ăn cho người suy thận cần cung cấp đúng lượng và đúng loại protein. Cụ thể:

2.1. Ăn đúng lượng protein

Hấp thụ protein quá mức sẽ làm tăng nồng độ urea tại thận, gây ra hiện tượng gọi là siêu lọc (hyperfiltration), khiến thận phải làm việc “vất vả” hơn để loại bỏ urea ra khỏi máu và thúc đẩy suy thận tiến triển. Trong khi đó, tiêu thụ quá ít protein sẽ gây teo cơ, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và gián tiếp làm suy giảm chức năng thận.

Do đó, ăn đúng lượng chính là “chìa khóa vàng” để hỗ trợ sức khỏe của người bệnh suy thận. Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), đối với người suy thận:

  • Chưa lọc máu nhân tạo: Chế độ ăn suy thận cần cung cấp từ 0.55 – 0.6g protein / kg cơ thể / ngày để làm chậm sự tiến triển của bệnh.
  • Có lọc máu nhân tạo: Chế độ ăn cần cung cấp từ 1 – 1.4g protein / kg cơ thể / ngày tùy vào tần suất chạy thận. Cụ thể:
    • Lọc máu 1 lần / tuần: Cần bổ sung 1g protein / kg cơ thể / ngày;
    • Lọc máu 2 lần / tuần: Cần bổ sung 1.2g protein / kg cơ thể / ngày;
    • Lọc máu 3 lần / tuần: Cần bổ sung 1.4g protein / kg cơ thể / ngày.
Hướng dẫn xây dựng chế độ ăn cho người suy thận, protein chất lượng cao

Người bệnh suy thận sau lọc máu cần tiêu thụ đạm nhiều hơn trước khi lọc máu

2.2. Ăn đúng loại protein

Protein động vật thường cung cấp đầy đủ 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Mặc dù một số thực vật cũng chứa toàn bộ các axit amin thiết yếu, nhưng protein từ nguồn thực vật thường thiếu một hoặc vài loại axit amin, đòi hỏi việc kết hợp giữa nhiều loại thực phẩm để đạt được sự cân đối. Do đó, chế độ ăn cho người suy thận nên ưu tiên chứa một số loại đạm động vật chất lượng cao, điển hình như: lòng trắng trứng, sữa tách béo, thịt gà bỏ da, phi lê cá, thịt nạc gia súc / gia cầm,…

3. Bổ sung chất béo tốt

Người bệnh suy thận cần bổ sung chất béo tốt vì chất béo giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thụ vitamin A, D, E, K,… và là thành phần cần thiết của màng tế bào. Không những thế, chất béo tốt giúp cơ thể kháng viêm, kiểm soát tốt cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Điều này rất hữu ích với người bệnh suy thận, do họ thường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 10 – 30 lần so với người bình thường.

Trong chế độ ăn cho người suy thận, việc giảm lượng protein để bảo vệ thận khiến nhu cầu về năng lượng từ chất béo tăng lên. Theo Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ, chế độ cho người suy thận lọc máu nên chứa ít nhất 25 – 35% tổng lượng calo đến từ chất béo. Trong đó:

  • Chất béo bão hòa: Nên chiếm ít hơn 7% tổng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Chất béo chuyển hóa: Nên chiếm ít hơn 1% tổng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Chất béo không bão hòa đơn: Có thể chiếm tới 20% tổng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Chất béo không bão hòa đa: Có thể chiếm tới 10% tổng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Một số nguồn thực phẩm giàu chất béo tốt cần có trong chế độ ăn cho người suy thận là: các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…), hạt (hạt óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương,…), quả bơ và dầu thực vật.

chế độ ăn của người suy thận, chất béo tốt, omega 3

Chất béo omega-3 có tác dụng kháng viêm, tốt cho thận

4. Đảm bảo lượng chất bột đường và chất xơ

Chất đường bột (carbohydrates) là nguồn cung cấp năng lượng chính cho mọi hoạt động sống của cơ thể. Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), mỗi bữa ăn chính / phụ của người suy thận cần chứa lần lượt là 3 – 6 hoặc 1 – 3 khẩu phần chất đường bột. Trong đó, 1 khẩu phần chất đường bột được quy ước là 15g carbohydrates, tức người bệnh cần ăn đủ 200 – 275 g carbohydrates / ngày.

Trung bình 1 khẩu phần đường bột (15g) tương đương với:

  • ⅓ chén cơm trắng, 1 lát bánh mì, 1 chén trái cây tươi, ¾ chén ngũ cốc khô, ½ chén ngũ cốc nóng;
  • ½ chén khoai tây nghiền, ½ chén ngô, ½ chén mì ống, 1 chiếc bánh quy vừa;
  • ½ chén kem không sữa, 118ml nước trái cây hoặc soda thông thường, 6 viên kẹo cứng.

5. Hạn chế muối/natri trong khẩu phần ăn

Người bệnh suy thận nên kiêng ăn muối vì thận là cơ quan chính giúp cân bằng natri trong cơ thể. Khi thận suy yếu, khả năng lọc natri giảm, dẫn đến tích tụ natri và nước trong cơ thể. Điều này gây tăng huyết áp, phù nề và làm tăng gánh nặng lên các thận đã bị tổn thương.

Việc hạn chế muối giúp kiểm soát lượng natri trong chế độ ăn, hỗ trợ quản lý triệu chứng và bảo vệ chức năng thận còn lại. Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), chế độ ăn cho người suy thận không nên cung cấp quá 2000mg natri, tương đương với 5g muối / ngày.

Lưu ý:

  • Việc hạn chế tiêu thụ muối chỉ hỗ trợ quá trình điều trị suy thận và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm; chứ không giúp cải thiện tỷ lệ lọc cầu thận (eGFR) hay giảm tỷ lệ tử vong. [1]
  • Đối với người bệnh suy thận có tiền sử tăng huyết áp, lượng muối tiêu thụ tối ưu nên từ 2.93 – 4.03 g / ngày [2].

6. Ăn hạn chế thực phẩm nhiều kali

Người bệnh suy thận cần kiêng ăn thực phẩm nhiều kali vì thận bị suy yếu không thể lọc kali hiệu quả, khiến nồng độ kali trong máu tăng lên. Mức kali cao trong máu có thể gây suy tim, thậm chí đe dọa tính mạng. Việc giới hạn hàm lượng kali hấp thụ xuống dưới mức 3000 mg / ngày giúp kiểm soát nồng độ kali trong máu, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến hệ thống tim mạch.

chế độ ăn người suy thận, thực phẩm giàu kali

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận nên kiểm soát chặt chẽ hàm lượng kali

6. Đảm bảo cân bằng canxi và phosphate

Người bệnh suy thận cần cân bằng canxi và phốt pho trong chế độ ăn của mình vì:

  • Nguy cơ tăng phốt pho huyết: Thận yếu không thể lọc phốt pho ra khỏi máu hiệu quả. Phốt pho tích tụ trong cơ thể quá mức gây rối loạn cân bằng canxi – phốt pho, dẫn đến loãng xương, xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Nguy cơ thiếu canxi: Chế độ ăn cho người suy thận chứa ít canxi có thể kích thích cơ thể sản xuất hóc-môn tuyến cận giáp (PTH), thúc đẩy nồng độ phốt pho trong máu tăng cao hơn nữa.

Do đó, kiểm soát nghiêm ngặt tỷ lệ cân bằng giữa canxi và phốt pho trong chế độ ăn giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, cơ xương khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy thận. Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), chế độ ăn cho người suy thận chỉ nên cung cấp từ 800 – 1000 mg phốt pho và 800 – 1000mg canxi mỗi ngày.

7. Kiểm soát lượng chất lỏng đưa vào cơ thể

Người bệnh suy thận cần kiểm soát lượng chất lỏng tiêu thụ vì thận suy yếu không thể lọc và loại bỏ chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể hiệu quả. Tích tụ chất lỏng có thể dẫn đến phù nề, gây áp lực lên tim, làm tăng huyết áp và thúc đẩy suy thận tiến triển nặng. Theo Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ, người bệnh suy thận trong giai đoạn lọc máu định kỳ chỉ nên tiêu thụ 1 lít nước / ngày, còn bệnh nhân chưa cần lọc máu có thể bổ sung 1 – 1.5 lít nước / ngày hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ.

8. Đảm bảo vitamin và khoáng chất cần thiết

Suy thận thường đi kèm với rối loạn hấp thu, gây thiếu hụt vi chất. Do đó, chế độ ăn cho người suy thận cần đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể và bảo vệ phần thận khỏe mạnh còn lại, chẳng hạn như:

  • Vitamin D: Thận giúp chuyển đổi vitamin D thành hình thức có hoạt tính sinh học cao, hỗ trợ hấp thụ canxi và phốt pho hiệu quả. Suy thận làm giảm khả năng chuyển hóa vitamin D, có thể dẫn đến loãng xương và rối loạn nội tiết tố. Do đó, bổ sung vitamin D có thể giúp cơ thể cân bằng lại tình trạng thiếu hụt do thận suy yếu.
  • Vitamin nhóm B và sắt: Người bệnh suy thận có lọc máu thường bị hao hụt một lượng nhỏ sắt và vitamin nhóm B sau quá trình lọc máu (chạy thận nhân tạo, thẩm phân màng bụng,…), gây ra bệnh thiếu máu. Việc bổ sung sắt và vitamin nhóm B giúp bạn cân bằng lại lượng dưỡng chất bị hao hụt, bảo vệ sức khỏe tổng thể.
chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận, đủ vitamin và khoáng chất

Lọc máu khiến người bệnh mất nhiều vi chất nên cần bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm để bù đắp sự thiếu hụt

Bệnh nhân suy thận nên ăn gì và kiêng gì?

Bệnh nhân suy thận nên ăn gì chứa ít protein / natri / kali / phốt pho / nước; ưu tiên tiêu thục thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh. Đồng thời, chế độ ăn cho người suy thận nên kiêng khem tất cả những món ăn tiềm ẩn nguy cơ gây tăng huyết áp; rối loạn đường huyết, nhịp tim và thúc đẩy tình trạng thừa cân – béo phì tiến triển. Cụ thể:

1. Thực phẩm tốt cho người bị suy thận

Nhóm thực phẩm Loại thực phẩm
Rau quả Ớt chuông, hành tây, dưa leo, tỏi, cà tím, củ cải trắng,…
Rau lá xanh Bông cải xanh, bắp cải, cải thìa, cải chíp, cải thảo,…
Trái cây Táo, lê, dứa, mâm xôi, dâu, việt quất, nho,…
Thịt & Hải sản Nạc gia cầm bỏ da, trứng, sữa, nạc và mỡ cá béo,…
Các loại hạt Hạt bí, hạt mắc ca, hạt phỉ, hạt hướng dương, hạt óc chó, hạt điều,…
Các loại ngũ cốc tinh chế Gạo trắng, bún, miến, phở, bánh mì trắng,…
Dầu & Chất béo – Dầu thực vật (dầu ô-liu, dầu hạt lanh, dầu hướng dương, dầu hạt bơ);

– Dầu từ các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…)

Nguồn đạm thực vật Đậu nành, đậu phụ, sữa đậu nành, đậu Hà Lan, đậu que,…

2. Người suy thận hạn chế ăn một số thực phẩm

Nhóm thực phẩm Loại thực phẩm
Rau giàu kali Chuối, cam, khoai lang, dưa hấu, cải bó xôi, cà chua, khoai tây,…
Đậu & hạt giàu phốt pho Đậu Phộng, hạt bí, hạt mè, đậu đen, đậu lăng
Thịt & hải sản chế biến sẵn Lạp xưởng, thịt xông khói, khô hải sản, giò lụa, patê, thức ăn nhanh,…
Sản phẩm từ sữa động vật chưa tách béo Sữa bò nguyên kem, phô mai, sữa chua, bơ động vật, sữa có đường, sữa đặc,…
Thức uống có gas / caffeine / cồn Nước ngọt có ga, bia, sô đa, nước tăng lực, nước quả đóng hộp, nước ép trái cây bỏ thêm đường,…
Thực phẩm chứa nhiều muối Mì gói, bánh mì, xúc xích, hải sản đóng hộp, mì chính, nước mắm, nước tương, hạt nêm,…
Dầu & chất béo không lành mạnh Mỡ gia súc / gia cầm, dầu dừa, dầu cọ, dầu ăn công nghiệp,…

Gợi ý thực đơn cho người bị suy thận

Dưới đây là thực đơn 5 cữ / ngày dành cho người bị suy thận, được chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khuyến nghị:

Bữa sáng

(7h00)

– 135g miến xào gà xé (80g miến, 50g bò, 5ml dầu ô-liu);

– 80g bắp cải luộc bào nhuyễn (ăn kèm miến).

Bữa trưa

(11h00)

– 1.5 bát cơm trắng;

– 95g đậu hũ dồn thịt hấp nấm mèo;

– 100g đậu que xào với 5g dầu olive;

– 60g canh bông cải xanh.

Bữa phụ chiều

(14h30)

– Lê thái lát: 100g
Bữa tối

(17h30)

– 1.5 bát cơm trắng;

– 100g cá trắm hấp hành và gừng;

– 85g canh khoai tây dưa leo củ cải;

– 100g đu đủ

Bữa phụ tối

(20h00)

90 – 125ml sữa công thức ít natri / kali / phốt pho, chẳng hạn như sữa Lean Max Rena Gold 2.

Chế độ ăn của người suy thận có thể thay đổi không?

Chế độ ăn cho người suy thận hoàn toàn CÓ THỂ THAY ĐỔI để phù hợp với mức độ suy giảm chức năng thận, phân loại bệnh (cấp tính hay mạn tính), phương pháp điều trị (có chạy thận nhân tạo hay không); cũng như những nhu cầu và hạn chế dinh dưỡng riêng biệt của mỗi cá thể. Trên thực tế, bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng sẽ là người trực tiếp tư vấn và điều chỉnh chế độ ăn của người suy thận sao cho phù hợp với thể trạng của từng người.

Chế độ ăn của người suy thận có thể thay đổi không?

Chế độ ăn cho người suy thận hoàn toàn có thể được “cá nhân hóa” để phù hợp với thể trạng

Kết hợp thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng tốt cho người suy thận

Ngoài việc tuân thủ theo những nguyên tắc dinh dưỡng kể trên, người bệnh suy thận cần chú ý điều chỉnh thêm thói quen sinh hoạt, vận động và ăn uống để hỗ trợ tốt quá trình điều trị suy thận. Cụ thể:

  • Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ổn định giúp bạn ngăn ngừa sụt cân hoặc béo phì. Cả hai tình trạng đều có thể làm gia tăng áp lực lên thận, thúc đẩy suy thận tiến triển;
  • Vận động đều đặn: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga có thể giúp tăng cường miễn dịch, kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ duy trì sức khỏe tổng thể, tốt cho chức năng thận.
  • Ngừng hút thuốc: Hợp chất nicotine trong khói thuốc có thể góp phần gây tổn thương mao mạch thận, khiến bệnh suy thận tiến triển nặng. Do đó, ngừng hút thuốc lá giúp bảo vệ những mô thận còn khỏe mạnh.
  • Tránh lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc không kê đơn phổ biến có thể gây hại cho thận, chẳng hạn như panadol, paracetamol và các thuốc kháng viêm không chứa steroid khác. Do đó, trong mọi tình huống, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên: Nếu bạn có tiền sử tiểu đường hoặc tăng huyết áp, việc tự đo huyết áp và chỉ số đường huyết tại nhà giúp bạn quản lý tốt những nguy cơ gây hại thận, ngăn ngừa sớm các biến chứng nguy hiểm.
  • Tái khám định kỳ: Người bệnh nên tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn đã được bác sĩ chỉ định. Trường hợp có lọc máu, bạn cũng nên tuân thủ đúng lịch lọc máu để đảm bảo sức khỏe thận và tiên lượng sống.
Kết hợp thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng tốt cho người suy thận

Người bệnh suy thận cần tái khám đúng hẹn theo chỉ định của bác sĩ

Trên đây là những lưu ý quan trọng giúp người bệnh suy thận làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được chế độ ăn của người suy thận cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng nào để có kế hoạch xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.

Tìm kiếm một chế độ ăn cho người suy thận phù hợp với sở thích ăn uống cá nhân không phải là một hành trình dễ dàng. Do đó, nếu bạn vẫn chưa biết được đâu là chế độ ăn uống tối ưu nhất dành cho bản thân mình, hãy liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số điện thoại 1900 633 599 để được tư vấn chi tiết hơn. Chúc bạn sớm tìm được một chế độ ăn uống như ý, tốt cho thận và duy trì được sức khỏe tổng thể!

5/5 - (2 bình chọn)
10:43 12/09/2023