Dấu hiệu thận yếu: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

13/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Hệ tiết niệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thận bị suy giảm chức năng. Trong nhiều trường hợp, người mắc chứng thận yếu có thể phải đối mặt với các biến chứng như viêm thận, suy thận cấp, suy thận mạn, thậm chí tử vong. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu thận yếu và kịp thời điều trị là điều cần thiết đối với mọi đối tượng. Vậy, triệu chứng thận yếu là gì? Người mắc bệnh thận yếu có chữa được không? Mời bạn cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khám phá ngay trong bài viết dưới đây.

Dấu hiệu thận yếu là gì? Nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh

Dấu hiệu thận yếu là gì? Thận yếu có nguy hiểm không?

Thận yếu là gì?

Thận yếu, hay còn gọi là thận hư, là hiện tượng cơ quan thận không thể đảm bảo tốt chức năng chính của mình, bao gồm lọc máu; cân bằng điện giải, axit-bazơ; điều hòa thể tích máu và huyết áp. Sự suy yếu chức năng thận có thể xảy ra ở mọi đối tượng, trong đó người cao tuổi có nguy cơ mắc phải cao hơn người trẻ tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến bệnh suy thận mạn tính, thậm chí gây tử vong.

Dấu hiệu thận yếu

Dưới đây là 15 dấu hiệu thận yếu mà bạn cần lưu ý để sớm nhận biết và điều trị bệnh kịp thời:

1. Tiểu đêm nhiều lần là dấu hiệu thận yếu

Tiểu đêm nhiều lần là một trong những dấu hiệu thường gặp khi thận yếu. Chức năng thận suy giảm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất nước tiểu. Cụ thể, khi chức năng thận suy giảm, tỷ lệ tái hấp thu chất lỏng ở thận giảm sút gây tiểu đêm nhiều lần vì thận không có xu hướng giữ lại chất lỏng để lọc. Khi đó, người bệnh có thể bị thay đổi thói quen tiểu tiện, đặc biệt là tiểu đêm nhiều hơn (3 – 5 lần / đêm), gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi vì chất lượng giấc ngủ suy giảm.

dấu hiệu thận yếu, tiểu đêm

Thường xuyên tiểu đêm có thể là biểu hiệu thận yếu

2. Suy nhược cơ thể là triệu chứng thận yếu

Ở trạng thái bình thường, thận sẽ sản sinh lượng vừa đủ hormone erythropoietin, giúp sản xuất đủ lượng hồng cầu để cung cấp oxy cho cơ thể. Khi thận suy yếu, lượng hormone erythropoietin sụt giảm gây ra tình trạng thiếu máu, mệt mỏi và lâu dần dẫn đến suy nhược cơ thể.

3. Biểu hiện thận yếu là chức năng sinh lý suy giảm

Khi chức năng thận suy giảm làm mất cân bằng quá trình sản xuất hormone sinh dục (androgen và estrogen), gây giảm ham muốn và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng sinh lý, đặc biệt là sinh lý ở nam giới. Do đó, người bị suy giảm chức năng thận thường không có nhiều hứng thú trong việc “giường chiếu”. Cụ thể, nữ giới thường bị giảm ham muốn tình dục, hay còn gọi là lãnh cảm, trong khi nam giới xuất hiện tình trạng xuất tinh sớm, rối loạn cương dương,….

4. Thận yếu gây đau lưng mỏi gối

Thận có vị trí nằm gần vùng lưng, do đó thận không khỏe có thể gây đau lưng. Bên cạnh đó, chứng thận hư còn làm tăng nồng độ axit uric trong máu khiến cho axit uric bám vào khớp gây đau cơ mỏi khớp. Đau lưng và mỏi gối do thận yếu thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp.

Khi thận suy yếu, người bệnh thường cảm thấy đau nhức vùng thắt lưng, bàn chân, gót chân, đầu gối. Các bệnh lý về thận thường phát triển âm thầm nên các triệu chứng này thường không biểu hiện rõ ràng. Do đó, người bệnh thường chủ quan bỏ qua dấu hiệu thận yếu này.

triệu chứng thận yếu, Thận yếu gây đau lưng mỏi gối

Để phân biệt đau lưng do thận yếu hay do các vấn đề về xương khớp người bệnh cần sớm đến bệnh viện thăm khám

5. Thận yếu có thể gây rối loạn tiêu hóa

Chứng thận hư làm tăng ure máu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này đã tạo ra các chất có xu hướng làm giữ nước trong ruột, gây rối loạn hàng rào biểu mô bảo vệ ruột và sự di chuyển của hệ vi sinh vật đường ruột vào cơ thể, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Do đó, khi chức năng thận suy yếu có thể gây cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như táo bón, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu,…

Người bệnh rất khó phân biệt được tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường với rối loạn tiêu hóa do thận yếu. Vì vậy, ngay khi cảm thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám để sớm phát hiện và kịp thời điều trị bệnh thận.

6. Phù nề là biểu hiện của thận yếu

Thận suy yếu gây cản trở chức năng lọc natri, thúc đẩy cơ thể tích trữ nước trong huyết thanh và dẫn đến phù nề. Thông thường, phù nề do thận hư thường xảy ra ở mắt cá chân, cổ chân kèm theo triệu chứng lạnh tay và chân. Phù nề là dạng sưng phù, khi dùng tay ấn vào sẽ cảm thấy có vết lõm rõ rệt trên da.

biểu hiện thận yếu, phù nề

Phù nề là dấu hiệu thận yếu dễ nhận biết

7. Hoa mắt, chóng mặt là dấu hiệu cảnh báo thận yếu

Nhiều người mắc bệnh thận cho biết, họ thường xuyên cảm thấy chóng mặt, đi đứng loạng choạng kèm theo hiện tượng buồn nôn, ù tai. Chức năng thận suy giảm thường gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể. Khi đó, quá trình cung cấp oxy lên não sẽ bị gián đoạn gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung. Do đó, thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt cũng là một trong những dấu hiệu thận yếu mà bạn cần quan tâm.

8. Chán ăn, ăn không ngon có thể là dấu hiệu của thận yếu

Chức năng thận suy yếu khiến cho các độc tố như ure, creatinine, axit uric không được đào thải khỏi cơ thể và dẫn đến hiện tượng thay đổi vị giác và hôi miệng. Lúc này, người bệnh thận luôn cảm thấy mùi khó chịu ở khoang miệng nên thường bị chán ăn.

9. Buồn nôn, nôn

Tình trạng thiếu máu do thận yếu thường khiến cho hoạt động của não bộ bị suy nhược. Đồng thời, hơi thở của người bị chứng thận hư còn có thể xuất hiện mùi vị như kim loại hoặc mùi amoniac giống như nước tiểu. Chính những điều này đã gây ra cảm giác buồn nôn và nôn ói ở người mắc chứng thận hư.

10. Thận yếu có thể gây thiếu máu

Thận đảm nhiệm vai trò lọc máu và sản xuất hormone kích thích tủy xương tạo ra hồng cầu (hormone erythropoietin). Do đó, khi thận suy giảm chức năng có thể khiến cho quá trình sản xuất hồng cầu bị gián đoạn, cơ thể không nhận đủ lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động của các bộ phận khác.

dấu hiệu của thận yếu, thiếu máu

Tình trạng thiếu máu do thận yếu sẽ tiến triển nặng dần theo giai đoạn của bệnh

11. Nước tiểu có bọt hoặc lẫn máu

Nước tiểu có bọt thường xảy ra do áp lực tiểu mạnh hoặc chức năng thận suy yếu. Bởi vì, khi thận yếu thường gây ra tình trạng rò rỉ protein và tế bào hồng cầu vào nước tiểu, thay vì được giữ lại trong máu. Do đó, người bị chứng thận hư thường gặp phải hiện tượng nước tiểu có bọt hoặc lẫn máu trong thời gian dài.

12. Da khô, ngứa da

Làn da thường xuyên gặp phải tình trạng khô rát và ngứa râm ran có thể là dấu hiệu của sự suy giảm chức năng thận. Bởi vì, quá trình lọc bỏ độc tố khỏi cơ thể sẽ bị giảm hiệu suất do thận yếu. Lúc này, độc tố tích tụ trong cơ thể nhiều hơn và gây ra hiện tượng khô và ngứa da.

13. Khó thở

Người bị thận yếu có thể bị khó thở, hụt hơi sau khi vận động thể chất theo 2 cơ chế.

  • Cơ chế đầu tiên: Sự suy giảm chức năng thận khiến quá trình thải lọc kém hiệu quả, gây ứ đọng dịch trong cơ thể.
  • Cơ chế thứ 2: Khả năng lọc máu kém hiệu quả ở thận sẽ khiến hồng cầu trong máu bị thất thoát vào nước tiểu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cung cấp oxy nuôi cơ thể, dẫn đến chứng khó thở.

14. Thận yếu có thể gây huyết áp cao

Điều hòa huyết áp trong cơ thể là một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan thận. Khi thận yếu quá trình lọc máu và natri kém hiệu quả khiến cơ thể tích trữ nhiều nước gây áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp. Như vậy, tăng huyết áp có thể là dấu hiệu nhận biết chứng thận yếu.

dấu hiệu thận yếu, huyết áp cao

Khi bị hen suyễn, người bệnh nên thăm khám thêm chức năng thận để sớm phát hiện bệnh thận

Nguyên nhân thận yếu

Dưới đây là 7 nguyên nhân thận yếu phổ biến mà bạn cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe tối ưu, cụ thể:

1. Giảm lưu lượng máu tới thận

Lưu lượng máu cung cấp đến thận cần được duy trì ổn định để đảm bảo tốt quá trình lọc máu và đào thải độc tố trong cơ thể. Mọi yếu tố làm giảm lưu lượng máu đến thận đều khiến cho chức năng hoạt động của cơ quan này bị suy giảm. Một số nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu tới thận bao gồm: bệnh lý về tim mạch, nhiễm trùng máu, cơ thể bị mất nước….

2. Bất thường trong việc bài xuất nước tiểu

Mọi bất thường trong quá trình dung nạp chất lỏng và bài tiết nước tiểu đều gây áp lực cho thận. Một số nguyên nhân gây nên sự bất thường trong sự bài xuất nước tiểu điển hình như: uống quá nhiều rượu bia, không uống đủ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, khối u ung thư làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu (ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt, trực tràng),.

3. Lạm dụng thuốc tây

Lạm dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến thận hoặc thuốc dễ bị lắng đọng do thải trừ kém cung gây tác động xấu đến sức khỏe của cơ quan này. Một số loại thuốc gây suy giảm chức năng thận nếu lạm dụng, điển hình như:

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) có thể làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho thận nếu lạm dụng, điển hình như ibuprofen, naproxen, aspirin….
  • Thuốc ức chế bơm proton: Đây là thuốc chữa đau dạ dày và trào ngược thực quản. Lạm dụng các loại thuốc nhóm này có thể làm hạ magie huyết gây rối loạn chức năng nội mô, tăng huyết áp, căng thẳng oxy hóa; từ đó làm suy giảm chức năng thận và gia tăng nguy cơ tổn thương thận cấp tính, mạn tính. Các loại thuốc ức chế bơm proton bao gồm esomeprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole….
  • Các loại thuốc khác: Nguy cơ mắc chứng thận yếu có thể gia tăng khi bạn lạm dụng một số loại thuốc khác như: thuốc kháng axit, kháng nấm, kháng virus, thuốc điều trị cholesterol cao,…
nguyên nhân thận yếu, lạm dụng thuốc tây

Lạm dụng các loại thuốc giảm đau, ức chế bơm proton, thuốc kháng virus…. gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của thận

4. Do thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì có mối liên hệ chặt chẽ với các bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ làm tổn thương thận như tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol và axit uric trong máu…. Theo nghiên cứu, nếu không cải thiện tình trạng thừa cân, béo phì kịp thời người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ suy thận mạn tính.

Khi thừa cân, thận buộc phải tăng cường hoạt động gấp nhiều lần để đáp ứng được nhu cầu lọc máu và đào thải độc tố của cơ thể. Như vậy, những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc chứng thận hư cao hơn người bình thường.

5. Do các bệnh lý

Một số bệnh lý có thể làm chức năng thận suy yếu điển hình như:

  • Bệnh tiểu đường: Khi bị tiểu đường, mạch máu trong thận của người bệnh sẽ bị thu hẹp gây cản trở lưu lượng máu cung cấp đến cơ quan này. Nếu không được điều trị, người mắc bệnh tiểu đường có thể phải đối mặt với chứng thận yếu.
  • Bệnh sỏi niệu quản, sỏi thận: Sỏi gây cản trở quá trình đào thải nước tiểu, khiến độc tố bị tích tụ và làm giảm chức năng thận.
  • Bệnh viêm bàng quang: Bệnh lý này sẽ gây ứ đọng nước trong thận, dẫn đến tình trạng tổn thương đài bể thận. Do đó, người mắc bệnh viêm bàng quang thường bị thận yếu, làm tăng nguy cơ mắc suy thận mạn tính.

6. Chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh

Chế độ ăn uống, sinh hoạt kém khoa học ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Cụ thể:

  • Lạm dụng rượu, bia, chất kích thích: Uống nhiều bia rượu sẽ gây áp lực cho thận. Bởi vì lúc này, thận cần phải gia tăng năng suất hoạt động để có thể lọc bỏ uxit uric, một phụ phẩm từ quá trình phân giải purine chứa nhiều trong rượu bia. Về lâu dài, người lạm dụng bia rượu có thể mắc chứng thận yếu, thậm chí là suy thận nếu không có biện pháp cải thiện kịp thời.
  • Thói quen lười uống nước: Khi không cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần sẽ gây áp lực lớn cho thận và làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Thói quen nhịn tiểu tiện: Nhịn tiểu tiện sẽ gây áp lực lớn cho thận, lâu dần sẽ dẫn đến chứng thận hư.
  • Thói quen ăn mặn: Thường xuyên ăn mặn gây tăng huyết áp, dẫn đến tổn thương mạch máu và cơ quan lọc trong thận. Điều này đã làm hạn chế lưu lượng chất lỏng chảy qua thận khiến cơ chế lọc máu giảm hiệu quả gây ra chứng thận yếu và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như sỏi thận, thận nhiễm mỡ, suy thận….
Chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân gây thận yếu

Người duy trì chế độ ăn uống kém khoa học thường có nguy cơ mắc chứng thận yếu cao hơn người khác

7. Lão hóa

Quá trình lão hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thận. Cụ thể, kích thước thận sẽ giảm dần theo độ tuổi, dẫn đến sự thay đổi chức năng nội tiết cũng như bài tiết nước tiểu. Sau 50 tuổi, lưu lượng máu đến thận càng suy yếu khiến cho chức năng hoạt động của cơ quan này giảm thiểu đáng kể; kéo theo đó là nhiều bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm cầu thận, xơ hóa mạch máu thận, suy thận.

Cách nhận biết thận khỏe hay yếu là gì?

Để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của thận, ngoài quá trình thăm khám lâm sàng với bác sĩ, bạn cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác, cụ thể:

1. Xét nghiệm máu

Để đánh giá chức năng thận, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm sinh hóa máu, bao gồm:

  • Xét nghiệm creatinine huyết thanh: Creatinine được đào thải qua đường nước tiểu từ quá trình chuyển hóa ở cơ bắp. Do đó, nồng độ creatinine trong máu cao chính là chỉ báo chính xác phản ánh tình trạng thận yếu. Ở người khỏe mạnh, chỉ số creatinine rơi vào khoảng 0.5 – 1.1 mg / dL ở nữ giới và 0.6 – 1.2 mg / dL ở nam giới.
  • Xét nghiệm Ure máu: Ure là phụ phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể, được thận lọc và đào thải qua đường nước tiểu. Chỉ số ure máu ở người bình thường rơi vào khoảng 2.5 – 7.5 mmol / Chỉ số này càng tăng cao thì chức năng hoạt động của thận càng kém đi.
  • Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan: Xét nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra chức năng thận. Người bình thường có pH máu đạt khoảng 7.37 – 7.43. Tuy nhiên, ở người thận yếu, pH máu thường thấp hơn 5.0 do nồng độ axit tăng cao.
  • Xét nghiệm axit uric máu: Ở người bình thường, axit uric máu đạt khoảng 180 – 420 mmol/l ở nam và 150 – 360 mmol/l ở nữ. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm chức năng thận, nồng độ này sẽ tăng cao.

Ngoài các thủ tục y tế kể trên, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một loạt các xét nghiệm khác như: tổng phân tích tế bào máu, chẩn đoán nồng độ albumin huyết thanh, xác định protein toàn phần huyết tương,… để có thêm cơ sở để chẩn đoán tình trạng thận yếu.

Chẩn đoán thận yếu, xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra chức năng thận bao gồm xét nghiệm creatinin huyết thanh, ure máu, axit uric máu…

2. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng thận bao gồm:

  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: Ở trạng thái khỏe mạnh, tỷ trọng của nước tiểu thường đạt mức 1.01 – 1.020 nhưng ở người bị thận yếu tỷ trọng này thường thấp hơn do nước tiểu bị giảm độ đặc.
  • Xét nghiệm chỉ số protein niệu 24h: Ở người bình thường, chỉ số protein niệu đạt khoảng 0.2 g/ lít / 24h. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm chức năng thận thì chỉ số protein niệu thường trên mức 0.3g / lít / 24h.

3. Sinh thiết thận

Sinh thiết là thủ thuật bóc tách mô trực tiếp ở thận và mô sinh thiết này sẽ được bác sĩ xét nghiệm dưới kính hiển vi. Qua kết quả sinh thiết thận, bác sĩ sẽ xác định được chính xác nguyên nhân gây ra chứng thận hư. Kỹ thuật này đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ kiểm tra các chất lắng đọng trong mô thận và xác định dấu hiệu nhiễm trùng, viêm thận hay xơ sẹo ở mô thận nếu có.

4. Chẩn đoán hình ảnh

Cùng với xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra chức năng thận toàn diện. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán tình trạng thận yếu bao gồm:

  • Siêu âm bụng: Kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra được kích thước và vị trí của thận. Đồng thời, kết quả siêu âm là cơ sở để bác sĩ xác định tổn thương, khối u hoặc vị trí tắc nghẽn ở mạch máu trong thận hoặc ở đường nước tiểu.
  • Chụp CT Scan: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại này sẽ phản ánh chi tiết tình trạng hệ tiết niệu. Dựa vào kết quả chụp CT Scan, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về chức năng thận của người bệnh.
  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng được áp dụng phổ biến để kiểm tra tình trạng suy giảm chức năng thận do sỏi. Dựa vào hình ảnh chụp X-quang thận, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
  • Xạ hình thận: Xạ hình thận bằng đồng vị phóng xạ sẽ thể hiện rõ nét chức năng lọc máu, phần trăm tưới máu của cơ quan thận. Nhờ vào kết quả xạ hình, bác sĩ có thể đánh giá mức độ tắc nghẽn niệu quản ở hai bên thận một cách chính xác.
Chấn đoán thận yếu, Chẩn đoán hình ảnh

Kết quả siêu âm bụng, chụp CT Scan, chụp X-quang, xạ hình thận giúp bác sĩ có đủ cơ sở để đưa ra chẩn đoán thận yếu

5. Xét nghiệm khác

Để có đủ cơ sở đưa ra chẩn đoán tình trạng thận yếu, người bệnh có thể cần phải thực thêm các xét nghiệm như:

  • Đo nồng độ kali huyết: Kết quả nồng độ kali trong máu tăng cao phản ánh chức năng thận bị suy giảm. Nếu người bệnh không kịp thời điều trị có thể dẫn đến tình trạng suy tim và đe dọa đến tính mạng.
  • Ước tính mức độ lọc thận (eGFR): Tỷ lệ lọc tiểu cầu thận eGFR là giá trị đánh giá mức độ lọc chất thải khỏi máu của thận và giúp xác định mức độ tổn thương thận. Dựa vào kết quả ước tính tốc độ lọc và lượng máu đi qua cầu thận, bác sĩ có thể xác định được tình trạng tổn thương ở thận.

Thận yếu có nguy hiểm không?

Thận yếu CÓ THỂ gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không sớm phát hiện và cải thiện kịp thời. Tình trạng suy giảm chức năng thận không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn đe dọa tính mạng của người bệnh. Trước khi xuất hiện triệu chứng rõ ràng, chứng thận hư thường đã được hình thành trong thời gian dài và gây nên nhiều tổn thương ở thận. Do đó, tình trạng này cần được phát hiện kịp thời để sớm cải thiện chức năng thận và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh thận như viêm thận, sỏi thận, suy thận cấp và mạn tính….

Thận yếu có chữa được không?

Thận yếu CÓ THỂ CHỮA KHỎI nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Bởi vì lúc này, tình trạng suy giảm chức năng thận chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (từ vài giờ đến vài ngày). Khi đó, nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc của bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh thì chức năng thận bị suy yếu có thể được hồi phục hoàn toàn.

Thận yếu có chữa được không?

Khi nghi ngờ có dấu hiệu thận yếu bạn nên sớm đến bệnh viện thăm khám để kịp thời điều trị bệnh ở giai đoạn sớm

Làm thế nào để chữa bệnh thận yếu?

Để chữa bệnh thận yếu, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị theo Tây y và Đông y. Cụ thể như sau:

1. Dùng thuốc chữa thận yếu

  • Thuốc lợi tiểu: Các loại thuốc lợi tiểu như furosemid, thiazid có thể giúp thúc đẩy sự đào thải độc tố qua đường nước tiểu. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc này để cải thiện chức năng thận bị suy yếu ở người mắc chứng thận hư.
  • Thuốc chống thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng thường gặp ở người mắc chứng thận yếu. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc Peginesatide, thuốc Alpha Epoietin, thuốc Alpha Darbepoetin, viên bổ sung sắt, axit folic, vitamin B12, chất kích thích hồng cầu….
  • Thuốc chống tăng huyết áp: Ổn định huyết áp là một trong những chức năng hoạt động chính của thận. Do đó, khi thận yếu, người bệnh thường bị tăng huyết áp một cách đột ngột. Một số loại thuốc chống tăng huyết áp phổ biến bao gồm Atenolol, Calci Phospho, Amlodipin, Quinapril….
  • Thuốc chống rối loạn canxi và phốt pho: Khi chức năng thận suy yếu, quá trình hấp thụ canxi và phốt pho trong cơ thể có thể bị rối loạn. Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc chứng thận hư, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc chống rối loạn canxi và phốt pho để bảo vệ hệ xương và các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Thuốc cân bằng axit uric: Ở trạng thái khỏe mạnh, axit uric sẽ được thận đào thải qua đường nước tiểu nhưng khi thận yếu chất này có thể sẽ được giữ lại trong máu, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh thận và bệnh gout. Một số loại thuốc giúp cân bằng axit uric trong máu mà bác sĩ thường chỉ định người bị chứng thận hư sử dụng điển hình như colchicin, allopurinol….

2. Cách trị thận yếu tại nhà bằng chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng phù hợp đóng vai trò quan trọng góp phần gia tăng hiệu quả chữa trị chứng thận hư. Để hỗ trợ điều trị chứng thận yếu, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng dựa vào các nguyên tắc như sau:

  • Hạn chế dung nạp muối: Người mắc chứng thận hư chỉ nên tiêu thụ dưới 5 g muối / ngày để phòng tránh tình trạng phù nề do có thể bị tích nước quá mức. Đồng thời, hạn chế nạp muối cũng giúp thận có thể kiểm soát huyết áp tối ưu.
  • Hạn chế kali: Khi thận suy giảm chức năng sẽ không thể lọc bỏ kali hiệu quả. Dung nạp dưới mức 3000 mg / ngày giúp người bị thận yếu hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng suy tim do kali huyết tăng cao.
  • Giảm lượng phốt pho: Thận yếu không thể lọc bỏ hoàn toàn lượng phốt pho trong máu. Do đó, lượng phốt pho trong chế độ dinh dưỡng của người mắc chứng thận hư nên dưới 800 – 1000 mg / ngày. Điều này có thể giúp người bệnh hạn chế các biến chứng như rối loạn nhịp tim, loãng xương, nhồi máu cơ tim….
  • Giảm lượng protein: Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa kỳ), người bệnh nên duy trì cung cấp khoảng 0.55 – 0.6 g protein / kg cơ thể / ngày có thể làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận.
  • Cân bằng năng lượng: Để cung cấp đủ năng lượng mà cơ thể cần, mỗi ngày người mắc chứng thận hư cần đảm bảo bổ sung từ 25 – 35 calo / kg cơ thể.
  • Uống đủ nước: Để hạn chế nguy cơ dẫn đến suy thận, người bị thận yếu không nên uống quá nhiều hoặc quá ít nước, lượng nước được khuyến nghị ở khoảng 1.0 – 1.2 lít / ngày.

Mỗi người bệnh cần chế độ dinh dưỡng chuyên biệt phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh của bản thân. Do đó, người bị thận yếu cần tham vấn ý kiến chuyên môn từ bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp, giúp gia tăng hiệu quả chữa bệnh.

Cách trị thận yếu tại nhà bằng chế độ dinh dưỡng

Người bệnh thận yếu cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, uống nhiều nước, hạn chế dung nạp muối, phốt pho, kali, canxi, axit uric….

3. Phương pháp ngoại khoa

Khi chức năng thận suy yếu hoàn toàn, các phương pháp điều trị nội khoa thường không cải thiện được tình trạng bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị ngoại khoa để hỗ trợ thận tiếp tục thực hiện các chức năng lọc máu, đào thải độc tố qua nước tiểu, ổn định huyết áp, điều hòa điện giải… Các phương pháp điều trị ngoại khoa bệnh thận yếu bao gồm: ghép thận, lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo,…

Các phòng tránh thận yếu

Các chuyên gia thận – tiết niệu cho biết, phòng tránh thận yếu là điều cần thiết với mọi đối tượng. Để hạn chế nguy cơ mắc phải chứng thận hư, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học, cụ thể:

  • Lối sống lành mạnh: Duy trì thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày (ít nhất 30 phút / ngày với tần suất 3 lần / tuần), thường xuyên kiểm tra huyết áp (duy trì huyết áp dưới 140/90mm Hg), duy trì nồng độ cholesterol (dưới 200 mg/dL) và lượng đường trong máu (lúc đói dưới 99mg/dL) luôn ở mức ổn định, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng, thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng / lần,…
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Đảm bảo uống đủ từ 1.5 lít đến 2 lít nước mỗi ngày; khẩu phần ăn cần ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và hạn chế thực phẩm nhiều muối, đường, chất đạm từ động vật, chất béo bão hòa; không uống bia rượu hoặc sử dụng chất kích thích,…
Các phòng tránh thận yếu

Chức năng thận mất đi sẽ không thể phục hồi như ban đầu, mọi người cần sớm có biện pháp phòng tránh chứng thận yếu

Cần làm gì khi xuất hiện các dấu hiệu thận yếu?

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu thận yếu như tiểu đêm, suy nhược cơ thể, phù nề, đau lưng mỏi gối, da khô, ngứa da… bạn cần sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Lưu ý rằng, bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh thận nào khi chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ. Bởi vì, việc lạm dụng thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nói chung và chức năng thận nói riêng.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản về dấu hiệu bệnh thận yếu. Thông qua bài viết này, hy vọng rằng bạn đã trang bị cho mình đầy đủ kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe thận tối ưu. Ngoài ra, để quá trình thăm khám và chữa trị chứng thận hư an toàn, hiệu quả người bệnh cần chọn bệnh viện uy tín.

Rate this post
16:44 13/09/2023