Chạy thận nhân tạo: Chỉ định, quy trình, ưu và nhược điểm

12/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 33.000 ca suy thận mạn tính giai đoạn cuối được chỉ định chạy thận nhân tạo. Nhờ có phương pháp lọc máu hiện đại này mà giờ đây, người bệnh suy thận mạn đã có thể kéo dài sự sống của mình lên đến hơn 20 năm, cùng với chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Vậy, chạy thận nhân tạo là gì? Quy trình chạy thận nhân tạo ra sao? Người bệnh khi lọc thận nhân tạo cần lưu ý những gì? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Chạy thận nhân tạo: Chỉ định, quy trình, ưu và nhược điểm

Chạy thận nhân tạo là gì? Quy trình lọc máu ra sao?

Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo (hemodialysis), hay còn gọi là lọc thận nhân tạo, là quá trình sử dụng hệ thống máy móc và thiết bị y khoa chuyên dụng để thay thận thực hiện chức năng lọc máu, đào thải độc tố dư thừa (ure, creatinin, axit uric,…) và điều chỉnh cân bằng pH nội môi trong cơ thể, khi thận không còn đủ khả năng để hoạt động hiệu quả.

Chỉ định chạy thận nhân tạo khi nào?

Chạy thận nhân tạo thường được chỉ định cho 3 nhóm đối tượng sau:

  • Người suy thận cấp tính: Là những người bị mất chức năng thận nhanh chóng, gây mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể;
  • Người mắc bệnh thận mạn tính (CKD) giai đoạn 5: Người bệnh CKD bước sang giai đoạn 5, tức giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phát triển của bệnh CKD, thường được chỉ định lọc máu. Lúc này, chỉ số lọc cầu thận của người bệnh giảm xuống dưới mức <15mL / phút, chức năng thận đã bị suy giảm 85% so với hiệu suất hoạt động bình thường, nên đây cũng là thời điểm người bệnh CKD chính thức trở thành người bệnh suy thận mạn tính.
  • Người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 3, 4: Nhóm đối tượng này có thể được chỉ định chạy thận nhân tạo sớm hơn dự kiến khi cơ thể có dấu hiệu:
    • Tổn thương thận cấp tính;
    • Tăng ure huyết ảnh hưởng trí não và thần kinh ngoại biên;
    • Viêm màng ngoài tim;
    • Tăng kali máu gây suy tim, đe dọa tính mạng;
    • Độ pH máu giảm quá mức (nhiễm toan kháng trị);
    • Tăng thể tích tuần hoàn gây phù nề gan, phổi, thận,…
    • Các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa.

Nhìn chung, nếu không được chạy thận nhân tạo kịp thời sau khi nhận được chỉ định từ bác sĩ, thời gian sống còn lại của bệnh nhân chỉ có thể kéo dài từ vài ngày đến tối đa vài tuần.

Chống chỉ định chạy thận nhân tạo

Chống chỉ định chạy thận nhân tạo là các trường hợp mà việc chạy thận nhân tạo không được khuyến nghị vì có thể gây hại đến sức khỏe người bệnh. Các tình huống chống chỉ định chạy thận nhân tạo có thể bao gồm:

  • Người bệnh có tiền sử huyết áp thấp;
  • Người có dấu hiệu sốc phản vệ khi chạy thận;
  • Người cao tuổi, thể trạng quá yếu;
  • Người có có tiền sử suy tim, tràn dịch màng tim;
  • Người bệnh xơ gan, ung thư;
  • Người bệnh có tiền sử rối loạn đông máu.
Chống chỉ định chạy thận nhân tạo

Người bệnh suy thận có tiền sử huyết áp thấp thường không được chỉ định chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo hoạt động như thế nào?

Chạy thận nhân tạo hoạt động bằng cách kết nối hệ tuần hoàn của bạn vào hệ thống máy lọc máu chuyên dụng để tiến hành thẩm tách máu. Trong buồng thẩm tách máu (dialyzer), máu của bạn sẽ được tiếp xúc gián tiếp với một dung dịch thẩm tán (dialysate) thông qua một tấm màng lọc bán thấm. Trong đó:

  • Màng lọc bán thấm: Là một lõi lọc một chiều, chỉ cho phép nước và chất thải từ máu xuyên qua màng, nhưng không cho phép các tế bào máu đi qua hoặc các chất thải thấm ngược vào máu.
  • Dung dịch thẩm tán: Là một dung dịch gồm nước tinh khiết và muối khoáng ở nồng độ thấp, chẳng hạn như muối bicacbonat và natri.

Cơ chế lọc máu

Máy thẩm tách tiến hành lọc máu của người bệnh thông qua cơ chế khuếch tán (hay còn gọi là hiện tượng nhược trương). Trong phương pháp này, máu của bệnh nhân chạy thận nhân tạo đóng vai trò là dung dịch có nồng độ điện giải cao; trong khi đó, dung dịch thẩm tán lại có nồng độ điện giải thấp.

Nhờ sự chênh lệch về nồng độ chất tan, độc tố trong máu sẽ di chuyển từ nơi có nồng độ cao (máu) đến nơi có nồng độ thấp (dung dịch thẩm tán) để tạo ra một sự cân bằng khoáng chất ở hai bên màng bán thấm. Thông qua cơ chế này, dung dịch thẩm tán có thể loại bỏ muối khoáng (natri, kali, phốt pho,…), độc tố và lượng nước dư thừa ra khỏi máu một cách dễ dàng.

Chạy thận nhân tạo hoạt động như thế nào?

Minh họa cơ chế hoạt động của máy lọc thận nhân tạo

Mỗi lần chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài bao lâu?

Mỗi buổi chạy thận nhân tạo thường mất từ 3 – 5 giờ để hoàn thành việc lọc máu, phổ biến nhất là kéo dài khoảng 4 giờ nếu người bệnh lọc máu với tần suất 3 lần / tuần. Trường hợp người bệnh có máy lọc máu tại nhà, có thể tiến hành lọc máu mỗi ngày thì thời gian mỗi lần chạy thận có thể rút ngắn, chỉ còn khoảng 1.5 – 2 giờ.

Lợi ích của phương pháp chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo mang lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân suy thận cấp tính hoặc người mắc bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Các lợi ích này bao gồm:

  • Thay thế chức năng thận: Chạy thận nhân tạo giúp thay thế chức năng lọc máu tự nhiên của thận, hỗ trợ cơ thể loại bỏ cặn bã, độc tố và lượng nước dư thừa.
  • Cân bằng điện giải & cải thiện chất lượng sống: Chạy thận nhân tạo giúp cơ thể kiểm soát cân bằng natri, kali và phốt pho; từ đó, hỗ trợ ngăn chặn các triệu chứng liên quan đến rối loạn điện giải, chẳng hạn như: mệt mỏi, nôn mửa, đau đầu, loãng xương, rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng;
  • Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Có đến 40% bệnh nhân suy thận tử vong do mắc các biến chứng liên quan đến tim. Tuy nhiên, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xuyên hơn có thể giảm 17% số lần nhập viện liên quan đến tim so với những người chỉ lọc máu 3 lần / tuần;
  • Kéo dài thời gian sống còn: Một khi bị suy thận, người bệnh chỉ có thể sống thêm được từ vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo giúp người bệnh thay thế chức năng thận, giúp kéo dài thời gian sống còn lại của người bệnh thêm ít nhất từ 5 – 10 năm. Cá biệt, trong một số ít trường hợp, người bệnh suy thận có thể sống từ 10 – 30 năm khi được chạy thận nhân tạo thường xuyên.
  • Cầu nối đến ghép thận: Đối với một số bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo có thể là cầu nối quan trọng giúp người bệnh duy trì sự sống trong khi chờ ghép thận – một giải pháp điều trị suy thận mang lại hiệu quả lâu dài hơn.
Lợi ích của phương pháp chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo giúp người bệnh duy trì sự sống trước tìm được thận cấy ghép phù hợp

Tác dụng phụ và biến chứng khi chạy thận nhân tạo

Do can thiệp trực tiếp vào hệ thống tuần hoàn nên quá trình chạy thận có thể làm tăng rủi ro khởi phát nhiều biến chứng nguy hiểm như: hạ huyết áp, chuột rút, nhiễm trùng, suy tim và suy nhược thể chất. Cụ thể:

  • Huyết áp thấp: Việc loại bỏ nước từ cơ thể quá nhanh có thể gây huyết áp thấp, dẫn đến chóng mặt và mệt mỏi;
  • Chuột rút: Sự thay đổi nhanh chóng về nồng độ canxi trong máu có thể gây co thắt cơ lưng, đùi, bụng, bắp tay; nặng hơn, người bệnh có thể bị co giật toàn thân;
  • Nhiễm trùng: Nếu thiết bị lọc máu không được vệ sinh đúng cách, có thể gây nhiễm trùng tại vị trí cắm ống dẫn máu và nạp máu;
  • Suy tim: Việc loại bỏ quá nhiều dịch cơ thể trong thời gian ngắn có thể làm chậm nhịp tim tạm thời, gây suy tim;
  • Thiếu máu: Lọc máu thường xuyên dễ làm thất thoát hàm lượng sắt trong cơ thể người bệnh, là nguyên nhân chính gây nên bệnh thiếu máu do thiếu sắt, khiến người bệnh dễ bị đau đầu, mất tập trung và suy nhược thể chất;
  • Mệt mỏi: Sau khi lọc máu, người bệnh thường mất nhiều vitamin nhóm B và protein huyết thanh. Do đó, bệnh nhân thường dễ cảm thấy mệt mỏi sau nhiều giờ điều trị, đôi lúc hiện tượng này có thể kéo dài nhiều ngày.

Vì chạy thận nhân tạo tiềm ẩn nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nên trong mỗi ca lọc máu, đội ngũ y tá sẽ thường xuyên túc trực bên bạn để liên tục theo dõi và đảm bảo các hoạt động sinh hóa diễn ra bình thường.

Tác dụng phụ và biến chứng khi chạy thận nhân tạo

Sau chạy thận, người bệnh thường dễ bị chán ăn và mệt mỏi

Quy trình chạy thận nhân tạo

Quá trình chạy thận thường bao gồm 5 bước sau:

1. Chuẩn bị người bệnh

Công tác chuẩn bị cho người bệnh chạy thận nhân tạo thường bắt đầu vài tuần đến vài tháng trước buổi lọc máu đầu tiên. Để tạo điều kiện cho máy lọc máu dễ dàng tiếp cận đến hệ tuần hoàn của người bệnh, bác sĩ cần thực hiện một cuộc tiểu phẫu để tạo lối tắt vào mạch máu. Vết thương sau phẫu thuật cần thời gian ít nhất vài tuần để hồi phục trước khi người bệnh thực sự sẵn sàng để bắt đầu buổi điều trị đầu tiên.

2. Khởi động máy

Trước khi bắt đầu buổi lọc máu, bác sĩ sẽ tiến hành khởi động máy chạy thận nhân tạo, đồng thời kiểm tra và đảm bảo:

  • Không còn bất kỳ phần nước ứ đọng nào trong máy từ ca lọc máu trước;
  • Kiểm tra độ dẫn điện của dung dịch thẩm tán;
  • Kiểm tra lưu lượng và dòng chảy của hệ thống chất lỏng, đảm bảo máy có thể lọc máu tốt dù chạy ở công suất tối thiểu (20 ml máu / phút) hoặc tối đa (600 ml máu / phút);
  • Kiểm tra những báo động an toàn khác của máy.
Quy trình chạy thận nhân tạo

Minh họa chuyên viên y tế đang kiểm tra và khởi động máy lọc máu

3. Kiểm tra người bệnh trước khi lọc máu

Sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ kiểm tra máy, các bác sĩ hoặc y tá sẽ tiến hành kiểm tra cân nặng, huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của bạn. Đồng thời, vùng da nơi sắp nối tắt đường dẫn máu vào máy lọc cũng sẽ được khử trùng hoàn toàn bằng cồn y tế.

4. Nối vòng tuần hoàn ngoài cơ thể

4.1. Lấy máu

Sau khi da được khử trùng, hai kim tiêm sạch sẽ được đưa vào cánh tay của bạn thông qua vị trí tiếp cận đã được đánh dấu từ cuộc phẫu thuật trước đó; tiếp đến, y tá sẽ dán cố định kim tiêm để giữ an toàn trong quá trình lọc máu. Lúc này, mỗi kim được gắn vào một ống nhựa dẻo nối với máy thẩm tách:

  • Ống dẫn thứ nhất: Có nhiệm vụ dẫn máu vào máy lọc;
  • Ống dẫn thứ hai: Có nhiệm vụ dẫn máu đã được lọc vào hệ tuần hoàn.

4.2. Lọc máu

Thông qua ống dẫn máu thứ nhất, máu được đưa vào một bộ lọc chuyên dụng, còn gọi là bộ phẩm thẩm tách (dialyzer). Sau khi lọc, máu sẽ được cân bằng điện giải, loại bỏ độc tố dư thừa và đưa trở lại cơ thể bạn qua ống dẫn thứ hai.

Trong quá trình điều trị, bạn có thể ngồi ngả lưng trên ghế trong khi máu chảy qua máy lọc. Bạn cũng có thể “giết” thời gian bằng cách xem TV, đọc sách, hoặc nói chuyện với người thân trong lúc chạy thận. Nếu buổi lọc máu của bạn diễn ra vào ban đêm, bạn có thể an tâm ngủ ngon trong suốt quá trình này.

Quy trình chạy thận nhân tạo, Nối vòng tuần hoàn ngoài cơ thể

Trong lúc chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể xem TV hoặc đọc sách tùy thíchTrong lúc chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể xem TV hoặc đọc sách tùy thích

5. Hoàn tất

Khi quá trình chạy thận nhân tạo hoàn tất, bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Lấy kim tiêm ra khỏi da của bạn;
  • Dán băng keo cá nhân để ngăn chảy máu;
  • Kiểm tra lại cân nặng, huyết áp và nhịp tim của bạn để đối chiếu với các thông số trước và sau khi chạy thận.

Sau buổi lọc máu, bạn có thể ra về ngay và tự do sinh hoạt cho đến đợt điều trị tiếp theo.

Những lưu ý cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Dưới đây là những lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trước, trong và sau khi lọc máu:

Thời điểm Lưu ý
Trước khi chạy thận – Kiểm tra sức khỏe định kỳ;

– Thực hiện phẫu thuật mở cổng / đặt ống dẫn mạch máu ở cổ tay;

– Kiểm soát nghiêm ngặt natri / kali / phốt pho, lượng nước và protein trong chế độ ăn;

– Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ;

– Tìm hiểu rõ về quy trình lọc máu và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng.

Trong khi chạy thận – Đảm bảo đến đúng lịch trình điều trị;

– Tuyệt đối không mặc quần áo bó sát để tránh làm ảnh hưởng đến áp lực máu;

– Tránh mang vòng vàng / trang sức nặng có thể gây khó khăn cho việc lấy máu;

– Không đưa trẻ nhỏ hay vật nuôi đi cùng;

– Bảo vệ cánh tay có đường mạch máu chạy thận: không nằm tì đè lên cánh tay, không ấn vào cổ tay, không để bất kỳ ai lấy máu ra khỏi cánh tay trong lúc máy lọc máu đang chạy;

– Để tay xuôi theo chiều tự nhiên của cơ thể, không để tay ngược chiều trọng lực;

– Khi có chảy máu bất thường với hàm lượng ít từ vị trí kim tiêm, người bệnh nên dùng băng gạc để thấm máu. Nếu máu không đông lại sau 30 phút, người bệnh nên gọi ngay bác sĩ.

Sau khi chạy thận – Rút kim tiêm và dán băng cá nhân;

– Y tá tiến hành đo lại huyết áp, cân nặng và nhịp tim của bạn;

– Đôi khi bạn sẽ được trích lấy một mẫu máu nhỏ để đem đi xét nghiệm tỷ lệ giảm urê máu. Chỉ số này cho phép các biết sĩ được hiệu quả lọc máu và tần suất lọc máu hiện tại của bạn đã phù hợp hay chưa để kịp thời điều chỉnh.

Lưu ý, mỗi bệnh nhân lọc máu có thể cần sự chăm sóc và hướng dẫn khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tần suất chạy thận. Do đó, việc thường xuyên trao đổi với bác sĩ là điều rất quan trọng để đảm bảo rằng bạn đang tuân thủ tất cả các yêu cầu và hướng dẫn cần thiết.

Những lưu ý cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Khi chạy thận, người bệnh nên mặc quần áo thoải mái để tránh ảnh hưởng đến tuần hoàn máu

Nên làm gì giữa các đợt chạy thận nhân tạo?

Giữa các đợt chạy thận nhân tạo, việc duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ theo các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sau điều trị là rất quan trọng. Dưới đây là một số điều bạn nên làm giữa các đợt chạy thận:

  • Ăn kiêng khoa học: Tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt việc tiêu thụ natri / kali / phốt pho trong chế độ ăn; đồng thời tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin, sắt, protein theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời bù đắp những dưỡng chất bị mất đi sau quá trình lọc máu;
  • Kiểm tra sức khỏe: Kiểm tra cân nặng / huyết áp / nhịp tim hàng ngày và báo cáo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường;
  • Quản lý dược phẩm: Dùng các loại thuốc được kê đơn và thực phẩm bổ sung một cách chính xác; đồng thời, thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào;
  • Rèn luyện thể chất: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ (đi bộ, yoga,…), để tăng cường miễn dịch, tuần hoàn máu và duy trì cơ bắp;
  • Tránh rượu và thuốc lá: Hạn chế hoặc tránh rượu bia và thuốc lá vì chúng có thể thúc đẩy chức năng thận suy giảm nhanh hơn;
  • Giữ gìn vệ sinh: Rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những nguồn không đảm bảo vệ sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng vùng da cổ tay, nơi lấy máu.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày tạo điều kiện để giảm áp lực lên thận và hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể;
  • Sinh hoạt điều độ: Thực hiện nếp sống sinh hoạt đúng giờ để duy trì nhịp sinh học, ổn định hệ thống nội tiết tố, tạo điều kiện cho cơ thể nhanh phục hồi sau khi lọc máu;
  • Tuân thủ lịch hẹn: Luôn có mặt đầy đủ trong các buổi lọc thận và các cuộc hẹn khám sức khỏe khác;
  • Hỗ trợ tinh thần và xã hội: Duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè và tham gia các nhóm hỗ trợ để giữ tâm trạng tích cực, lạc quan.

Tóm lại, việc tuân thủ theo những nguyên tắc kể trên, giữa các đợt chạy thận nhân tạo, sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe và làm cho quá trình lọc máu diễn ra suôn sẻ hơn.

Nên làm gì giữa các đợt chạy thận nhân tạo?

Người bệnh sau chạy thận nên ăn giàu đạm và tiêu thụ thực phẩm ít natri / kali / phốt pho

Chi phí chạy thận nhân tạo

Chi phí chạy thận nhân tạo thường dao động trong khoảng từ 650.000 – 1.000.000 VNĐ / lần. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh suy thận đều cần lọc máu ít nhất 12 lần / tháng; như vậy, chi phí chạy thận tối thiểu mà người bệnh cần chi trả là từ 7.800.000 – 12.000.000 VNĐ / tháng. Trong đó:

  • Bệnh nhân suy thận cấp tính: Thường phải chi trả trung bình khoảng 1.000.000 VNĐ cho lần đầu tiên lọc máu vì người bệnh còn phải thực hiện tiểu phẫu cổ tay để đặt ống dẫn máu (catheter) tại tĩnh mạch trung tâm, giúp bác sĩ kết nối hệ tuần hoàn vào máy lọc máu dễ dàng hơn.
  • Bệnh nhân suy thận mạn tính: Người bệnh chạy thận theo chu kỳ để điều trị suy thận mạn tính cần phải chi khoảng 650.000 VNĐ / lần lọc máu.

Chi phí chạy nhân tạo tại ở nước ta hiện đang rẻ hơn khoảng từ 2 – 10 lần so với những quốc gia có nền y tế phát triển. Điển hình như tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, chi phí trung bình cho mỗi lần chạy thận có thể lên tới 300 USD, tức khoảng 7.100.000 VNĐ. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, những khoản phí kể trên chưa bao gồm:

  • Phí vật tư phát sinh thêm;
  • Phí thăm khám ngoại trú;
  • Phí xét nghiệm;
  • Phí nằm viện nội trú (nếu có);
  • Phí thuốc men;
  • Phí sinh hoạt và đi lại,…

BHYT có chi trả cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo không?

Bảo hiểm Y tế (BHYT) CÓ CHI TRẢ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, hạn mức chi trả tối đa mà BHYT có thể hỗ trợ bạn là 543.000 VNĐ (khi lọc máu tại bệnh viện hạng I). Như vậy, nếu có BHYT:

  • Sau 01 lần chạy thận: Người bệnh cần phải tự chi trả thêm ít nhất từ 107.000 – 457.000 VNĐ;
  • Sau 1 tháng chạy thận (12 lần): Người bệnh cần chi trả thêm 1.284.000 – 5.484.000 VNĐ / tháng.

Chạy thận nhân tạo có chữa khỏi suy thận không?

Chạy thận nhân tạo KHÔNG THỂ chữa khỏi suy thận bởi đây là một bệnh lý mạn tính. Đối với người bệnh suy thận, phương pháp chữa khỏi bệnh duy nhất là ghép thận.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai bị suy thận cũng có cơ hội được ghép thận thành công, bởi những giới hạn lớn về mặt chi phí, người hiến tặng và khả năng tương thích giữa thận mới với hệ miễn dịch của người nhận cấy ghép. Lúc này, việc lựa chọn chạy thận nhân tạo giường như là một giải pháp “vàng”, giúp người bệnh tiếp tục duy trì sự sống đến cuối đời, hoặc ít nhất là đến khi tìm được quả thận mới phù hợp.

Chạy thận nhân tạo có chữa khỏi suy thận không?

Chạy thận không giúp người bệnh chữa khỏi suy thận

Chạy thận nhân tạo sống được bao lâu?

Hầu hết người bệnh suy thận có thể sống được thêm trung bình từ 1 – 10 năm sau khi được chạy thận nhân tạo. Trong một số ít trường hợp, người bệnh vẫn có thể sống được 20 – 30 năm. Chi tiết hơn, các số liệu báo cáonghiên cứu thống kê cho thấy:

  • Có đến 60.3% bệnh nhân suy thận tại các trung tâm lọc máu ở Mỹ tử vong trong vòng 5 năm, 19% tử vong trong vòng 5 – 10 năm và 20.7% có thể sống trên 10 năm.
  • Người bệnh suy thận càng già thì tuổi thọ sau khi chạy thận càng ngắn. Ví dụ, một người 20 tuổi có thể sống thêm 40 năm, trong khi một người 80 tuổi có thể sống thêm dưới 5 năm sau khi chạy thận.

Làm gì để tăng tuổi thọ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo?

Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, việc tăng tuổi thọ không chỉ phụ thuộc vào quá trình điều trị mà còn cả việc quản lý tổng thể lối sống và dinh dưỡng. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ sau khi chạy thận:

  • Gia tăng tần suất chạy thận: So với việc lọc máu 3 lần / tuần, chạy thận với tần suất 5 – 6 lần / tuần giúp cải thiện tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh lên từ 40% lên mức 58%; đồng thời rút ngắn 87% thời gian phục hồi sau điều trị. Để thực hiện điều này, bạn cần đầu tư một hệ thống máy chạy thận tại nhà để có thể lọc máu thường xuyên.
  • Tuân thủ chế độ điều trị: Lọc máu đúng hẹn và tuân thủ theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo rằng chức năng thận được duy trì tốt nhất;
  • Quản lý bệnh lý liên quan: Kiểm soát tốt các tình trạng y tế liên quan như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim bằng cách uống thuốc theo chỉ định hoặc gia tăng tần suất chạy thận. Nghiên cứu cho thấy, so với việc lọc máu 3 lần / tuần, việc gia tăng tần suất chạy thận lên 6 lần / tuần giúp:
    • Giảm 36% số lượng thuốc hạ huyết áp cần tiêu thụ;
    • Giảm 12% hội chứng phì đại tâm thất trái (dày thành tim);
    • Giảm 20% tình trạng hạ huyết áp đột ngột khi đứng lên hoặc ngồi xuống.
  • Quản lý chế độ ăn uống: Tuân thủ một chế độ ăn uống được điều chỉnh cho nhu cầu cụ thể của bệnh nhân suy thận, bao gồm kiểm soát lượng muối, kali, phốt pho protein và nước;
  • Quản lý cân nặng: Giữ cân nặng ổn định trong khoảng cân an toàn được đề xuất giúp ổn định huyết áp và duy trì sức khỏe thận;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra và can thiệp kịp thời.
Làm gì để tăng tuổi thọ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo?

Cải thiện chế độ ăn uống hỗ trợ kéo dài tiên lượng sống cho người chạy thận

Chế độ ăn cho người đang chạy thận nhân tạo

Sau điều trị lọc máu, việc điều chỉnh chế độ ăn cho người đang chạy thận nhân tạo đóng vai trò hỗ trợ quá trình lọc máu, giảm tải cho thận, ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến tim mạch / huyết áp / co cơ và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Cụ thể, chế độ ăn cho người suy thận lọc máu cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng sau:

Điều cần hạn chế Điều nên làm
Kiểm soát hàm lượng natri / kali / phốt pho / protein và chất lỏng tiêu thụ hàng ngày:

Nước: Vừa đủ 1 lít / ngày;

Natri: <2000 mg / ngày;

Kali: 2000 – 3000 mg / ngày;

Phốt pho: 800 – 1000 mg / ngày;

Protein: 1 – 1.4g / kg / ngày, tùy tần suất chạy thận.

– Đảm bảo khẩu phần ăn cung cấp từ 25 – 35 calo / kg cơ thể / ngày;

– Tăng cường tiêu thụ protein sau khi chạy thận theo chỉ định của bác sĩ vì người bệnh lọc máu thường gặp tình trạng thiếu hụt protein;

– Bổ sung thực phẩm chức năng chứa sắt và vitamin (nếu được bác sĩ chỉ định);

– Tìm những cách lành mạnh để thêm calo và kích thích vị giác vì bạn có thể mắc chứng chán ăn sau khi lọc máu.

 

Hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia, thực phẩm chứa cồn, nước giải khát chứa đường, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên (rán), chứa nhiều mỡ gia súc / gia cầm / dầu cọ / dầu dừa.

Xem thêm:

Trên đây là những thông tin quan trọng về chỉ định, lợi ích sức khỏe cũng như những lưu ý cơ bản khi bước vào quy trình chạy thận nhân tạo. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được chạy thận nhân tạo là gì để có kế hoạch chuẩn bị tâm lý, thể chất và tài chính phù hợp. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

5/5 - (1 bình chọn)
17:40 12/09/2023