Lọc máu là gì? Có những phương pháp lọc máu nào?

12/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Lọc máu là một chỉ định cần thiết đối với người bệnh suy thận cấp và mãn tính. Nếu không tìm được phương án lọc máu kịp thời, người bệnh có thể tử vong chỉ trong vòng vài ngày đến vài tuần ngay sau khi nhận được chẩn đoán suy thận. Vậy, lọc máu là gì? Chạy thận lọc máu có tác dụng gì? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp lọc máu chạy thận ra sao? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Lọc máu là gì? Có những phương pháp lọc máu nào?

Lọc máu là gì? Đâu là phương pháp lọc máu chạy thận phù hợp với bạn?

Lọc máu là gì?

Lọc máu (dialysis), hay còn được gọi là lọc thận hoặc chạy thận, là quá trình mô phỏng lại chức năng của thận thông qua việc phối hợp sử dụng nhiều thiết bị y tế khác nhau. Tác dụng của lọc máu là giúp người bệnh loại bỏ được độc tố, nước và muối khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể.

Bệnh gì cần lọc máu?

Lọc máu là một phương pháp điều trị thường được chỉ định cho:

  • Người bị suy thận cấp tính: Khi chức năng thận đột ngột ngừng hoạt động suy yếu mạnh trong vòng vài giờ hoặc vài ngày;
  • Người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối: Tức giai đoạn 5 của bệnh thận mạn tính (chronic kidney disease – CKD), khi chỉ số lọc cầu thận (eGFR) giảm xuống dưới mức 15 ml / phút;
  • Người mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3, 4 có biến chứng nguy hiểm: Là người có chỉ số lọc cầu thận nằm trong khoảng từ 15 – 59 ml / phút có kèm theo các biến chứng như: tăng urê huyết, tăng kali huyết, phù nề, nhiễm toan, viêm màng tim,…

Các phương pháp lọc máu

Hiện nay, y học có 2 phương pháp lọc máu chính, đó chính là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Cụ thể:

1. Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là quá trình kết nối hệ tuần hoàn của người bệnh vào hệ thống máy bơm chuyên dụng để tiến hành lọc máu tự động. Quy trình chạy thận lọc máu bao gồm:

  • Bước 1: Phẫu thuật đặt ống dẫn máu (catheter) tại cổ tay của người bệnh để “mở cổng” vào hệ tuần hoàn;
  • Bước 2: Chờ vài ngày / tuần để vết mổ hồi phục và sẵn sàng cho buổi chạy thận đầu tiên.
  • Bước 3: Bước vào buổi chạy thận, người bệnh được đo các thông số như nhịp tim, huyết áp, cân nặng, mức urê huyết thanh trước khi lọc máu;
  • Bước 4: Đội ngũ chuyên gia vận hành máy lọc thận tiến hành kiểm tra các thông số kỹ thuật để đảm bảo máy lọc thận hoạt động tốt trong suốt quá trình;
  • Bước 5: Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, chuyên viên vận hành trực tiếp kết nối máy lọc máu vào hệ tuần hoàn của người bệnh và khởi động quy trình;
  • Bước 6: Người bệnh có thể đọc sách, xem TV hoặc ngủ trong suốt quá trình chạy thận. Trong khi đó, các chuyên viên y tế sẽ túc trực để theo dõi chỉ số sinh hoá của người bệnh nhằm đảm bảo huyết áp, nhịp tim,… ổn định;
  • Bước 7: Quy trình lọc máu hoàn tất. Chuyên viên tháo 2 đầu kim tiêm dẫn máu trên tay người bệnh, sát trùng và dán lại bằng keo cá nhân;
  • Bước 8: Người bệnh được đo lại huyết áp, nhịp tim, cân nặng, mức urê máu,… để bác sĩ biết buổi lọc máu có diễn ra hiệu quả hay không;
  • Bước 9: Người bệnh được phép ra về trong ngày.
Các phương pháp lọc máu, chạy thận nhân tạo

Minh họa người bệnh đang lọc máu bằng phương pháp chạy thận nhân tạo

2. Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc)

Thẩm phân phúc mạc là quá trình lọc máu bằng cách kết nối ổ bụng của người bệnh vào túi chứa dung dịch thẩm tán. Khác với chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc không sử dụng hệ thống máy móc tự động mà chủ yếu dựa vào áp suất sinh hóa tự nhiên để hoạt động. Do đó, thẩm phân phúc mạc có chi phí rẻ hơn khá nhiều so với chạy thận, và thậm chí có thể được tiến hành ngay tại nhà.

Quy trình thẩm phân phúc mạc bao gồm 6 bước sau:

  • Bước 1: Người bệnh cần được phẫu thuật để gắn một ống dẫn dung dịch thẩm tán (catheter) vào ổ bụng;
  • Bước 2: Trước mỗi buổi thẩm phân phúc mạc, người bệnh cần rửa tay và sát khuẩn sạch sẽ để đảm bảo không làm nhiễm trùng các ống catheter khi dùng tay thao tác;
  • Bước 3: Treo cao túi chứa dịch thẩm tán để dung dịch tự động chảy vào ổ bụng;
  • Bước 4: Để yên cho dung dịch lọc máu trong khoảng 4 – 6 giờ;
  • Bước 5: Hạ túi chứa dung dịch thẩm tán thấp hơn khoang bụng để dung dịch chứa các chất dư thừa của máu tự động chảy ra khỏi bụng;
  • Bước 6: Tháo ống dẫn, sát trùng miệng ống và khóa van catheter để sẵn sàng cho lần thẩm phân sau.

Lưu ý: Quá trình thẩm phân phúc mạc cần được lặp lại 3 – 4 lần mỗi ngày và có thể được tiến hành trong lúc người bệnh sinh hoạt cá nhân hoặc làm những công việc nhẹ nhàng.

Các phương pháp lọc máu, Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc)

Minh họa người bệnh đang lọc máu bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc

Lọc máu hoạt động như thế nào?

Lọc máu, tùy theo từng phương pháp tiến hành mà cơ chế hoạt động cũng khác nhau. Cụ thể:

1. Phương pháp chạy thận nhân tạo

Cơ chế hoạt động: Thông qua nguyên lý khuếch tán.

Tần suất chạy thận: 3 – 5 giờ / lần x 3 – 6 lần / tuần

Mô tả hoạt động: Máu, sau khi được truyền từ cơ thể người bệnh vào một buồng thẩm tách (dialyzer), sẽ được tiếp xúc với dung dịch thẩm tán (dialysate) thông qua một màng lọc bán thấm. Trong đó:

  • Dung dịch thẩm tán: Là một dung dịch muối loãng có nồng độ ion thấp hơn nồng độ các chất máu;
  • Màng lọc bán thấm: Là một tấm lọc một chiều, chỉ cho phép muối khoáng và độc tố dư thừa từ máu chảy vào dung dịch thẩm tán; đồng thời, ngăn không cho tế bào máu (hồng cầu) rò rỉ hay để cho dung dịch thẩm tán thấm ngược vào máu.

Theo nguyên lý khuếch tán (ion chỉ di chuyển từ nơi có nồng độ cao sang nơi có nồng độ thấp), lượng muối khoáng và độc tố dư thừa từ máu sẽ có xu hướng hòa tan vào dung dịch thẩm tán. Nhờ đó, máu của người bệnh sẽ được lọc và cân bằng điện giải một cách triệt để.

Phương pháp chạy thận nhân tạo hoạt động như thế nào

Minh họa cơ chế hoạt động của phương pháp chạy thận nhân tạo

2. Phương pháp thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)

Cơ chế hoạt động: Tận dụng phúc mạc – lớp lót bên trong khoang bụng, để lọc máu thông qua hiện tượng siêu lọc (ultrafiltration).

Tần suất thẩm phân: 30 – 40 phút / lần x 3 – 5 lần / ngày;

Mô tả hoạt động: Dung dịch thẩm tán (chứa đường glucose hoặc dextrose nồng độ cao) được bơm vào ổ bụng thông qua một ống thông. Tại đây, nồng độ glucose cao giúp chất thẩm tán dễ dàng “thấm” qua phúc mạc để lọc máu; đồng thời, tạo điều kiện để các độc tố dư thừa trong máu xuyên qua phúc mạc, ngấm vào dung dịch thẩm tán và cân bằng điện giải.

Phương pháp thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) hoạt động như thế nào

Minh họa cơ chế hoạt động khi thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)

Lọc máu có đau không?

Bản chất việc lọc máu KHÔNG GÂY ĐAU. Tuy nhiên, việc cắm kim tiêm vào mao mạch để lấy máu có thể gây cảm giác nhói từ nhẹ đến vừa, tùy thuộc vào cảm nhận trên da của mỗi người. Một số người bệnh có thể không cảm thấy nhói, nhưng lại nhận thấy hiện tượng nhức buốt lan tỏa ngay vùng mô bên dưới đầu kim tiêm. Tuy nhiên, dị cảm này thường chỉ kéo dài vài phút rồi biến mất chứ không xuất hiện thường trực đến cuối buổi điều trị.

Trong mỗi buổi lọc máu, nếu bạn cảm thấy đau, bác sĩ có thể áp dụng nhiều biện pháp giảm đau khác nhau để cải thiện trải nghiệm lọc máu của bạn, chẳng hạn như sử dụng thuốc tê cục bộ hoặc điều chỉnh lại công suất máy lọc. Trong mọi tình huống, bạn cần liên tục trao đổi thông tin với đội ngũ y tế để giúp họ hiểu rõ hơn về cảm nhận của bạn; từ đó, điều chỉnh cường độ điều trị phù hợp.

Tác dụng phụ của lọc máu

Quá trình lọc máu luôn đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ tuần hoàn. Do đó, quá trình lọc máu có thể dễ dàng gây nên những tác dụng phụ như:

  • Mệt mỏi: Máu lưu thông quá nhanh / chậm có thể khiến tế bào không nhận đủ lượng oxy cần thiết, khiến cơ thể mệt mỏi;
  • Hạ huyết áp: Khi nối ống dẫn từ máy lọc vào hệ tuần hoàn, thể tích máu đột ngột sụt giảm gây hạ huyết áp nhất thời; có thể dẫn đến chóng mặt, buồn nôn và mất thăng bằng;
  • Khô ngứa da: Lọc máu quá nhanh có thể gây mất cân bằng điện giải và làm giảm độ ẩm trong da;
  • Chuột rút: Sự sụt giảm nhất thời nồng độ canxi trong máu có thể gây chuột rút;
  • Nhiễm trùng: Lọc máu là một thủ tục y khoa có xâm lấn. Do đó, luôn tồn tại một nguy cơ nhiễm trùng tại điểm lấy máu, đặc biệt là trong phương pháp thẩm phân phúc mạc;
  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Lọc máu có thể loại bỏ quá nhiều protein và vitamin nhóm B ra khỏi máu, gây rối loạn dinh dưỡng và suy nhược thể chất;
  • Tăng cân ngoài dự tính: Dung dịch thẩm tán dùng trong thẩm phân phúc mạc chứa nồng độ cao đường glucose, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tăng cân do lượng đường glucose dư thừa từ dung dịch thẩm tán thường được cơ thể chuyển hóa thành mỡ;
  • Tổn thương khác: Việc lấy máu để chạy thận nhân tạo nhiều lần có thể gây giãn hoặc hỏng mạch máu. Trong khi đó, thẩm phân phúc mạc nhiều lần dễ gây viêm phúc mạc, khiến lớp phúc mạc dày lên và để lại sẹo.
Tác dụng phụ của lọc máu

Mệt mỏi là biểu hiện thường thấy của người bệnh sau khi lọc máu

Nên chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng?

Mỗi phương pháp chạy thận đều có những ưu nhược điểm nhất định. Trên thực tế, việc chọn lựa nên chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám định kỳ, bác sĩ có thể cân nhắc thêm các yếu tố khác như đặc điểm bệnh lý, sức chịu đựng, điều kiện tài chính và nguyện vọng của người bệnh để lựa chọn ra phương án lọc máu phù hợp.

Dưới đây là bảng so sánh chi tiết điểm khác biệt của hai phương pháp lọc máu phổ biến hiện nay, giúp bạn dễ ra quyết định nên chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc:

Yếu tố so sánh Chạy thận nhân tạo Thẩm phân phúc mạc
Tần suất Tối thiểu 3 lần / tuần Mỗi ngày
Người phụ trách Chuyên viên y tế Bệnh nhân hoặc gia đình
Lịch trình Theo ngày cố định
(2-4-6 hoặc 3-5-7)
Linh hoạt, có thể được tiến hành tại nhà vào bất kỳ lúc nào, thậm chí ngay trong lúc ngủ hoặc đang ngồi làm việc
Mức độ tự do về thời gian Hạn chế Cao
Thời gian nghỉ dưỡng Có đến 4 ngày / tuần không cần lọc máu Phải lọc máu mỗi ngày, không có thời gian nghỉ dưỡng
Kỹ năng y tế của người bệnh Không yêu cầu Cần học cách để tự thực hiện
Rủi ro nhiễm trùng Thấp Cao

(do tự thực hiện)

Chi phí Cao Thấp hơn

(do thực hiện tại nhà)

Tình trạng tâm lý Cảm giác phụ thuộc hơn Cảm giác tự chủ hơn
Hiệu quả lọc Mạnh mẽ Nhẹ nhàng
Tác dụng phụ Mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu. – Viêm phúc mạc hoặc để lại sẹo phúc mạc;

– Suy dinh dưỡng do bị hao hụt protein sau khi thẩm phân;

– Tăng cân mất kiểm soát.

Lọc máu hết bao nhiêu tiền?

Tại Việt Nam, chi phí lọc máu có sự khác biệt tùy theo phương pháp tiến hành. Cụ thể:

Phương pháp Phí lọc máu khi không có BHYT Phí lọc máu có BHYT chi trả từ 80 – 100% chi phí
Chạy thận nhân tạo 7.800.000 – 12.000.000 VNĐ / tháng

(chạy thận 3 lần / tuần)

1.284.000 – 5.484.000 VNĐ / tháng (do BHYT chỉ chi trả tối đa 543.000 VNĐ / lần)
Lọc màng bụng bằng tay 5.000.000 – 10.000.000 VNĐ / tháng 0 – 2.000.000 VNĐ / tháng
Lọc màng bụng bằng máy 9.000.000 – 18.000.000 VNĐ / tháng, bao gồm:
– Phí mua máy lọc tại nhà, giá từ 140.000.000 – 160.000.000 VNĐ / máy;- Phí ống thông catheter, túi đựng dịch: 4.500.000 – 6.500.000 VNĐ / tháng
– BHYT không chi trả phí mua máy lọc tại nhà

– Người bệnh cần trả thêm từ 0 – 5.000.000 VNĐ / tháng cho chi phí vật tư (ống catherter, túi đựng dịch,…)

Lưu ý: Phí lọc máu kể trên chưa bao gồm những khoản phí phát sinh trong quá trình điều trị bệnh, chẳng hạn như: Phí khám bệnh ngoại trú, phí xét nghiệm, phí chẩn đoán hình ảnh, phí nằm viện nội trú, phí cho người chăm sóc, phí thuốc men, phí sinh hoạt – đi lại,…

Lọc máu hết bao nhiêu tiền?

Thẩm phân màng bụng có chi phí rẻ hơn nhiều so với chạy thận nhân tạo

Thời gian lọc máu bao lâu?

Thời gian chạy thận nhân tạo trung bình mất từ 3 – 5 giờ / lần, tương đương với khoảng 9 – 15 giờ / tuần. Trong khi đó, lọc màng bụng mất từ 4 – 6 giờ / lần và người bệnh phải lọc liên tục 4 lần / ngày, trong suốt 7 ngày / tuần.

Nhìn chung, thời gian lọc màng bụng tuy kéo dài hơn chạy thận nhân tạo, nhưng bù lại, người bệnh không cần đến bệnh viện 3 lần / tuần mà chỉ cần tái khám định kỳ 1 tháng / lần. Bên cạnh đó, quy trình lọc màng bụng tại nhà có thể được tiến hành trong lúc người bệnh ngủ, đọc sách, làm việc, sinh hoạt,… nên tạo cảm giác thoải mái, ít bị gò bó hơn so với chạy thận nhân tạo.

Người lọc máu sống được bao lâu?

Người lọc máu có thể sống được thêm từ 1 – 40 năm. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong trong 5 năm đầu tiên thường chiếm hơn 60% tổng số ca lọc máu. Nhìn chung, tiên lượng sống của người bệnh sau khi lọc máu phụ thuộc nhiều vào tần suất lọc máu, độ tuổi mắc bệnh, mức độ tuân thủ lịch trình lọc máu, chế độ dinh dưỡng và các biến chứng liên quan. Cụ thể:

  • Tần suất lọc máu: Chạy thận nhân tạo với tần suất 5 – 6 lần / tuần giúp cải thiện tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh từ mức 40% (chạy 3 lần / tuần) lên mức 58%.
  • Độ tuổi mắc bệnh: Người bệnh lọc máu khi tuổi đời càng trẻ thì thọ hạn sau lọc máu càng cao.
  • Mức độ tuân thủ lịch trình lọc máu: Người bệnh càng bám sát lịch trình lọc máu thì tiên lượng sống càng cao;
  • Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng giúp người bệnh làm chậm sự tiến triển của bệnh suy thận và ngăn ngừa sớm các biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, chế độ dinh dưỡng càng tốt thì tiên lượng sống càng cao;
  • Các biến chứng liên quan: Có đến 40% bệnh nhân suy thận tử vong do mắc các biến chứng liên quan đến tim mạch. Do đó, ngăn ngừa sớm các biến chứng tim mạch bằng cách điều chỉnh tần suất lọc máu, lối sống, vận động, ăn uống và sinh hoạt phù hợp cũng góp phần cải thiện đáng kể thời gian sống còn sau khi lọc máu.
lọc máu có tác dụng gì, sống được bao lâu

Sau chạy thận, người bệnh có thể sống được từ 1 – 40 năm

Chế độ dinh dưỡng cho người lọc máu

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho người suy thận lọc máu cần đáp ứng những tiêu chí sau:

Tiêu chí Điều kiện cần tuân thủ
Năng lượng 25 – 35 calo / kg cơ thể / ngày
Lượng nước tiêu thụ ≤1 lít / ngày
Đạm – Lọc máu 1 lần / tuần: 1 g đạm / kg cơ thể / ngày;

– Lọc máu 2 lần / tuần: 1.2 g đạm / kg cơ thể / ngày;

– Lọc máu 3 lần / tuần: 1.4 g đạm / kg cơ thể / ngày.

Chất béo Chiếm từ 25 – 35% tổng calo trong khẩu phần ăn. Trong đó, chất béo bão hòa không được chiếm hơn 7%.
Chất đường bột 200 – 275g / ngày
Natri <2000 mg / ngày
Kali 2000 – 3000 mg / ngày
Phốt pho 800 – 1000 mg / ngày
Canxi 800 – 1000 mg / ngày

Lưu ý:

  • Mỗi người bệnh có một đặc điểm bệnh lý và thể chất khác nhau nên việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cần được thực hiện dưới sự tư vấn của bác sĩ;
  • Bên cạnh việc ăn uống cân đối, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thức uống chứa cồn / caffein (rượu bia, cà phê, nước tăng lực,…); đồng thời, cần từ bỏ triệt để thói quen hút thuốc lá (nếu có).

Cần lưu ý điều gì khi lọc máu?

Khi thực hiện lọc máu, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình điều trị:

  • Tuân thủ lịch trình lọc máu: Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ lịch trình lọc máu, vì việc bỏ lỡ các buổi lọc máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
  • Liên tục học hỏi: Đối với bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, việc được đào tạo và hiểu rõ cách thức thực hiện quá trình lọc máu là điều kiện tiên quyết để có thể tự thực hiện an toàn tại nhà;
  • Tránh nhiễm trùng: Trong phương pháp lọc màng bụng, người bệnh cần sát khuẩn tay mỗi khi thao tác chèn và rút ống dẫn để tránh nhiễm trùng phúc mạc;
  • Giữ gìn đường truy cập máu: Đối với người lọc máu chạy thận, việc chăm sóc đường truy cập huyết quản ở cổ tay giúp hạn chế nhiễm trùng và tắc nghẽn khi lấy máu chạy thận;
  • Theo dõi tác dụng phụ: Một số bệnh nhân có thể trải qua các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, hoặc chuột rút ngay trong lúc lọc máu. Việc này cần được thông báo cho các bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị (nếu cần).
  • Kiểm soát thuốc: Bệnh nhân suy thận thường cần dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Việc quản lý thuốc đúng cách, để tránh gây tương tác với việc lọc máu, là điều rất quan trọng;
  • Quản lý biến chứng: Khoảng 40% bệnh nhân lọc máu thường mắc bệnh tim. Việc thường xuyên theo dõi nhịp tim, huyết áp và điều trị đồng thời các bệnh này giúp người bệnh kéo dài tiên lượng sống;
  • Đối với phụ nữ mang thai: Thai kỳ làm tăng sinh nhiều độc tố trong máu. Do đó, phụ nữ mang thai cần được lọc máu với tần suất nhiều hơn người bình thường.
Cần lưu ý điều gì khi lọc máu?

Giữ cho ống dẫn máu luôn sạch chính là ưu tiên hàng đầu để ngăn ngừa nhiễm trùng phúc mạc

Người đang lọc máu khi nào nên khám bác sĩ?

Người đang lọc máu cần gọi bác sĩ ngay lập tức khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Thay đổi huyết áp: Mức huyết áp trước khi lọc máu quá cao hoặc quá thấp so với sau khi lọc máu có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe tim mạch;
  • Thay đổi lưu lượng nước tiểu: Tiểu quá ít hoặc quá nhiều sau khi lọc máu chứng tỏ quá trình lọc máu diễn ra chưa ổn định;
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau khi lọc máu cũng là dấu hiệu bất thường do mất cân bằng điện giải, cần được can thiệp kịp thời;
  • Nhiễm trùng: Bao gồm các dấu hiệu sưng, đỏ, nóng rát hoặc rỉ dịch tại đường truy cập huyết quản ở cổ tay hoặc xung quanh ống dẫn ở bụng;
  • Triệu chứng bất thường khác: Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn cảm thấy sốt, khó thở, lạnh run, chuột rút,… sau khi lọc máu bởi đây có thể là dấu hiệu của rối loạn điện giải, bệnh tim mạch, thiếu máu hoặc nhiễm trùng.

Trên đây là những thông tin quan trọng về chủ đề lọc máu dành cho người suy thận. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được lọc máu có tác dụng gì, chạy thận lọc máu theo phương pháp nào thì phù hợp với lịch trình sinh hoạt, đặc điểm bệnh lý và điều kiện tài chính của bản thân. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
19:08 20/09/2023