Điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

17/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Phẫu thuật là một phần quan trọng trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến giáp, nhưng dường như cuộc hành trình này không kết thúc ngay sau khi bạn rời phòng mổ. Trên thực tế, sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể phải tiếp tục xạ trị, uống thuốc, kết hợp với việc nghỉ dưỡng hợp lý để cơ thể nhanh hồi phục và ngăn ngừa ung thư tái phát. Vậy, người bệnh khi điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cần lưu ý những gì? Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp sao cho đúng? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp và điều trị thế nào?

Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần lưu ý những gì?

Quy trình các bước chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu không tuân thủ theo một quy trình chăm sóc khoa học. Để chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách, bạn cần tiến hành:

1. Chăm sóc vết mổ

Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp đúng cách có thể giúp vết thương mau lành, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn và giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng về cách chăm sóc vết thương vùng cổ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp mà người bệnh không nên bỏ lỡ:

  • Vệ sinh vết mổ: Bạn cần giữ cho vùng da xung quanh vết mổ sạch sẽ bằng cách thay băng gạc và sát trùng vùng da cổ với cồn y tế mỗi ngày. Trong vòng 7 ngày đầu sau phẫu thuật hoặc cho đến khi cắt chỉ, bạn nên hạn chế để vết mổ tiếp xúc trực tiếp với nước và khói bụi.
  • Cẩn thận khi tắm: Thông thường, bác sĩ có thể cho phép bạn tắm sau 3 – 5 ngày kể từ lúc phẫu thuật. Tuy nhiên, khi tắm, bạn nên tránh để nước tiếp xúc trực tiếp vào vết mổ bằng cách dùng khăn che kín vùng cổ. Nếu muốn dùng xà phòng để vệ sinh vùng da gần vết mổ, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu được cho phép, bạn chỉ nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi để chùi rửa thật nhẹ nhàng vùng da xung quanh vết mổ.
  • Làm quen với cơn đau: Sau khi mổ, vùng da cổ có thể bầm tím nhẹ trong 1 tuần và cảm giác đau nhức có thể kéo dài suốt 1 tháng sau đó. Đây là hiện tượng hết sức bình thường và mức độ cơn đau sẽ tự thuyên giảm theo thời gian.
  • Theo dõi vết thương: Theo dõi vết mổ hàng ngày để xác định bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như đỏ, sưng, đau, rát, hoặc nếu có mủ chảy ra từ vết mổ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
  • Bảo vệ vết mổ: Tránh chạm vào vết mổ với tay không sạch. Trong vòng 4 tuần đầu tiên sau mổ, khi ho, hắt hơi hoặc tắm vòi hoa sen, bạn không nên ngửa mặt lên trời để tránh làm căng vết mổ và gây đau. Nếu nhà có thú cưng, bạn nên hạn chế để thú cưng liếm hay cào vào vùng cổ.
  • Dưỡng da vùng cổ: Nếu muốn chăm sóc da vùng cổ, bạn có thể dùng các loại kem bôi chứa nhiều collagen, peptides và vitamin C để giúp da nhanh liền sẹo. Tuy nhiên, để tránh kích ứng, bạn nên chọn loại kem dưỡng da không chứa các chất kích ứng (phẩm màu, hương liệu,…) và chỉ được bôi thoa kể từ tuần thứ 5 sau phẫu thuật.
Quy trình các bước chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Chăm sóc vết mổ là một nhiệm vụ quan trọng sau phẫu thuật giúp vết thương nhanh lành

2. Cải thiện chế độ ăn sau mổ ung thư tuyến giáp

Sau mổ ung thư tuyến giáp, người bệnh cần tuân thủ 10 nguyên tắc dinh dưỡng sau để tối ưu hóa khả năng hồi phục của cơ thể:

  • Ăn đủ hàm lượng calo: Người bệnh nên ăn đủ 25 – 40 kcal / kg cơ thể / ngày. Trường hợp đau rát cổ họng kéo dài đến mức không thể ăn được nhiều, người bệnh nên cố gắng tiêu thụ ít nhất 50% khẩu phần ăn so với trước khi phẫu thuật để tránh bị suy dinh dưỡng.
  • Chia khẩu phần thành 8 – 10 cữ: Việc chia khẩu phần ăn mỗi ngày thành 8 – 10 cữ giúp người bệnh no lâu, đảm bảo dòng chảy năng lượng ổn định trong suốt ngày dài và hạn chế tình trạng đau rát cổ do phải ăn quá nhiều trong 1 cữ.
  • Ăn đủ 190 – 220g tinh bột phức hợp mỗi ngày: Người bệnh nên ưu tiên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (rau củ, trái cây tươi ít đường) và tinh bột phức hợp (các loại đậu, hạt, ngũ cốc) thay vì tiêu thụ quá nhiều tinh bột nhanh (gạo trắng, bánh mì, trái cây sấy khô,…). Điều này giúp người bệnh no lâu và ngăn ngừa biến chứng thừa cân, tiểu đường,… vốn có thể thúc đẩy ung thư tái phát.
  • Ăn đủ 25 – 38g chất xơ mỗi ngày: Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón – một triệu chứng phổ biến khi người bệnh phải uống nhiều thuốc kháng viêm sau phẫu thuật. Những nguồn chất xơ dồi dào tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp là rau lá canh, các loại khoai, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt.
  • Ăn đủ 60 – 70g protein mỗi ngày: Protein giúp cơ thể tăng cường khả năng sản xuất collagen để chữa lành các mô và tái tạo tế bào mới. Những nguồn protein tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp là thịt gia cầm bỏ da, cá, thủy hải sản, các loại đậu, trứng gia cầm và sữa tách béo.
  • Ăn đủ 30 – 40g chất béo tốt mỗi ngày: Chất béo tốt (omega 3, 6, 9) có thể giúp người bệnh kháng viêm và ngăn ngừa ung thư tái phát. Bạn có thể bổ sung chất béo tốt vào khẩu phần ăn bằng cách ưu tiên tiêu thụ dầu thực vật, mỡ cá béo, các loại hạt, quả bơ,… thay vì tiêu thụ dầu ăn công nghiệp và mỡ từ gia súc / gia cầm.
  • Lựa chọn thực phẩm khoa học: Ưu tiên lựa chọn các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như các món canh / súp / hầm / cháo, sẽ giúp người bệnh hạn chế cảm giác đau rát ở cổ so với việc tiêu thụ các thực phẩm cứng.
  • Kiểm soát thực phẩm giàu i-ốt: Tiêu thụ quá nhiều hay quá ít i-ốt đều có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp. Do đó, bạn cần tham vấn ý kiến trực tiếp từ bác sĩ về hàm lượng tiêu thụ vừa phải các loại thực phẩm giàu i-ốt trong khẩu phần ăn của mình. Thực phẩm giàu i-ốt thường bao gồm: hải sản, các loại rau lá xanh, sữa và muối tinh chế có bổ sung i-ốt.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1.5 – 2 lít nước giúp cơ thể thanh lọc độc tố, duy trì trạng thái hoạt động tốt nhất của cơ thể và rút ngắn thời gian phục hồi.
  • Kiêng thực phẩm xấu: Người bệnh cần tránh đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn cay, nóng, chua, lên men để qua đêm, nhiều dầu mỡ, muối, đường, chất bảo quản, đặc biệt là rượu bia và thực phẩm còn tươi sống (thịt sống, thịt tái, trứng lòng đào,…). Điều này giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn ngừa những biến chứng sức khỏe nguy hiểm (rối loạn tiêu hóa, thừa cân – béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp,…), vốn có thể kích thích ung thư tái phát.
Cải thiện chế độ ăn sau mổ ung thư tuyến giáp

Người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn nhiều đạm và rau củ quả

3. Thay đổi chế độ sinh hoạt sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật, người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt để hỗ trợ vết thương nhanh lành, giúp cơ thể mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, bạn cần:

  • Ngủ đủ giấc: Ngủ ít nhất 8 tiếng / ngày. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tuần đầu sau phẫu thuật bởi cơ thể cần ngủ đủ thời gian để hồi phục.
  • Vận động nhẹ nhàng: Ngay sau phẫu thuật, bạn hãy thử bắt đầu với những hoạt động nhẹ nhàng như đi dạo ngắn trong nhà để lưu thông máu huyết, giúp vết thương nhanh lành.
  • Tập chuyển động cổ: Ngay sau khi được tháo chỉ (thường là 7 ngày sau phẫu thuật), bạn có thể tập các bài tập chuyển động cổ nhẹ nhàng (quay sang trái, phải, lên, xuống,…) để cơ thể làm quen dần với các kích thích chuyển động tại vùng cổ.
  • Tập thể dục nhẹ: Khi cơ thể đã hồi phục (ít nhất là 4 tuần sau phẫu thuật), bạn có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng như yoga, chạy bộ, thể dục nhịp điệu để cải thiện sức khỏe tổng thể. Lưu ý, bạn không nên tập những bài tập nâng tạ hay vận động quá mạnh để tránh làm vết mổ chấn động quá mức.

Biến chứng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Tuyến giáp là một cơ quan hình cánh bướm nằm cạnh thanh quản, ở mặt trước cổ họng, chịu trách nhiệm tiết ra các hormone quan trọng (bao gồm hóc-môn điều chỉnh nồng độ canxi trong máu) vào hệ bạch huyết và lan truyền khắp cơ thể. Vì thế, sau phẫu thuật, người bệnh ung thư tuyến giáp rất dễ gặp những biến chứng tiêu cực liên quan đến giọng nói, hệ bạch huyết và nồng độ canxi (1, 2). Cụ thể:

1. Thay đổi giọng nói

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến các dây thanh quản, dẫn đến thay đổi giọng nói. Biến chứng này thường tạm thời và giọng nói thường được phục hồi sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biến đổi giọng nói có thể kéo dài lâu dài lâu hơn 1 tháng. Lúc này, các triệu chứng có thể bao gồm: giọng trầm khàn, yếu hoặc mất kiểm soát cao độ. Nếu gặp các triệu chứng kể trên, tốt nhất bạn nên chia sẻ với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Biến chứng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, thay đổi giọng nói

Tuyến giáp nằm gần thanh quản nên có thể ảnh hưởng đến giọng nói của người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

2. Thiếu hormone tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nếu toàn bộ tuyến giáp của bạn đã bị loại bỏ, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), gây ra tình trạng suy giáp (hypothyroidism). Lúc này, triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi, tăng cân, da khô, sa sút trí nhớ và trầm cảm. Để khôi phục lại nồng độ hormone, bệnh nhân thường phải kiểm tra định ký và dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp theo chỉ định của bác sĩ.

3. Nồng độ canxi trong máu thấp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nồng độ canxi trong máu có thể hạ thấp do tổn thương tuyến cận giáp (một tuyến nhỏ nằm bên trong tuyến giáp), nơi sản xuất hormone điều chỉnh hàm lượng canxi trong cơ thể. Điều này gây ra tình trạng tụt canxi huyết (hypocalcemia). Triệu chứng của biến chứng này thường bao gồm: cảm giác tê bì chân tay, chuột rút và co giật cơ bắp. Trong trường hợp nghiêm trọng, tụt canxi huyết có thể gây rối loạn nhịp tim. Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc bổ sung canxi và vitamin D để giữ cân bằng canxi trong cơ thể.

4. Phù bạch huyết

Phù bạch huyết là một biến chứng khá hiếm gặp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tình trạng này xảy ra khi các tia bạch huyết xung quanh tuyến giáp bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, chất lỏng có thể tích tụ và gây phù ở cổ. Triệu chứng bao gồm cảm giác khó chịu hoặc đau ở cổ, sưng cổ và có thể có khó khăn trong việc nuốt hoặc hít thở. Nếu nghi ngờ bản thân bị phù hạch bạch huyết, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ. Trong một số trường hợp, có thể cần thêm phẫu thuật để cải thiện tình trạng sưng phù.

5. Nhiễm trùng vết thương

Không riêng gì phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nhiễm trùng vết thương là một biến chứng có thể xảy ra sau bất kỳ hình thức phẫu thuật nào. Triệu chứng của vết thương nhiễm trùng thường bao gồm: đỏ rát, sưng đau, mưng mủ ở vết mổ; đôi khi kèm theo sốt và cảm giác mệt mỏi hơn bình thường. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào kể trên, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để tránh tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này, điều trị thường bao gồm việc dùng kháng sinh, bảo vệ và chăm sóc vết thương cẩn thận.

Biến chứng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, nhiễm trùng vết thương

Người bệnh cần thay gạc và sát trùng vết thương mỗi ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng

Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác để loại bỏ triệt để tế bào ung thư và khôi phục lại nồng độ hormone tuyến giáp cho cơ thể (3). Các lựa chọn điều trị sau phẫu thuật cho người bệnh ung thư tuyến giáp có thể bao gồm::

  • Xạ trị bằng I-131: I-131 là đồng vị phóng xạ của i-ốt. Khi uống viên thuốc chứa I-131, hợp chất này sẽ tìm đến tế bào ung thư tuyến giáp và tiêu diệt các khối u nhỏ nhất còn sót lại sau phẫu thuật.
  • Uống hormone tuyến giáp: Nếu toàn bộ tuyến giáp bị loại bỏ sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp, (Levothyrox 100mcg) để đảm bảo hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường.
  • Hóa trị liệu: Đối với các loại ung thư giáp tiến triển, đã di căn ra hệ bạch huyết, xương, phổi và không phản ứng với phương pháp điều trị bằng I-131, người bệnh có thể cần sử dụng các loại thuốc kháng ung thư khác để tiêu diệt triệt để khối u.
  • Xạ trị với tia X: Phương pháp này thường được dùng để điều trị ung thư giáp đã lan ra ngoài tuyến giáp, đặc biệt là khi tế bào ung thư không phản ứng với liệu pháp I-131.

Bên cạnh những liệu pháp điều trị trên, sau mổ ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể được chỉ định uống thêm thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau khoảng 7 – 10 ngày sau mổ; đồng thời kết hợp uống/tiêm canxi vào tĩnh mạch để ngăn ngừa hạ canxi huyết.

Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Levothyroxine là thuốc thay thế hóc-môn tuyến giáp phổ biến

Lưu ý điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, mỗi phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp khác nhau sẽ có những chỉ định và nguyên tắc khác nhau, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt để gia tăng hiệu quả chữa bệnh và giảm thiểu biến chứng liên quan. Cụ thể:

1. Lưu ý khi uống hormon tuyến giáp

Hóc-môn tuyến giáp là một loại nội tiết tố giúp kiểm soát tốc độ trao đổi chất và khả năng quản lý nhiệt lượng của cơ thể. Việc dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp (thường là thuốc Levothyroxine 100mcg) giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ thể ngay sau khi tuyến giáp bị cắt bỏ. Ngoài ra, việc duy trì một mức hormone tuyến giáp cao trong máu có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư giáp còn lại.

Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi uống thuốc hóc-môn tuyến giáp Levothyroxine 100mcg mà người bệnh cần biết:

  • Thời điểm uống: Thuốc Levothyroxine nên được uống mỗi ngày. Thời điểm tốt nhất để uống Levothyroxine thường là khi bụng đói. Do đó, bạn có thể uống thuốc từ 30 – 60 phút trước bữa ăn sáng hoặc 3 giờ sau bữa ăn tối cuối cùng (trước khi đi ngủ).
  • Cách dùng: Uống thuốc với 100 – 200ml nước. Không dùng levothyroxine với sữa vì sữa có thể làm giảm khả năng hấp thụ thuốc.
  • Liều lượng: Liều lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng của bạn đối với liệu pháp điều trị. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng dựa trên kết quả xét nghiệm máu của bạn.

Lưu ý:

  • Không ngừng dùng thuốc bất chợt: Việc tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột có thể gây ra các triệu chứng bất thường như hạ canxi huyết, khô da, mệt mỏi, suy nhược, dị cảm, chuột rút và co giật.
  • Tránh tương tác thuốc: Không nên dùng Levothyroxine với thuốc giảm cân chứa orlistat; thuốc bổ sung canxi, sắt; thuốc chống loét dạ dày chứa sucralfate và một số loại thuốc giảm mỡ máu (cholesterol) như colestyramine, colestipol hoặc colesevelem. Tốt nhất, bạn nên uống Levothyroxine cách thời điểm uống các loại thuốc kể trên ít nhất 4 giờ.
Lưu ý điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật

Người bệnh nên uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp lúc bụng đói

2. Lưu ý khi uống I-ốt phóng xạ I-131

Viên uống i-ốt phóng xạ (I-131) thường được sử dụng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp để tiêu diệt bất kỳ tế bào tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật (bao gồm cả tế bào ung thư đã di căn). Khi tiêu thụ I-131, người bệnh cần lưu ý:

  • Thời điểm uống: Thời điểm uống I-131 sẽ do bác sĩ quyết định, thường là sau 6 – 8 tuần sau phẫu thuật, khi các kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số hormone TSH (còn được gọi là hormone kích thích tuyến giáp) của bạn đã quay trở lại mức bình thường.
  • Liều lượng: Liều lượng I-131 sẽ được bác sĩ chỉ định phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Lưu ý: Do I-131 là đồng vị phóng xạ, người dùng cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp an toàn khi lưu trữ và tiêu thụ thuốc để giảm thiểu tiếp xúc phóng xạ cho người thân trong gia đình.

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp: Khi nào nên gọi bác sĩ?  

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng bất thường sau:

  • Triệu chứng liên quan đến vết mổ: Vết thương bỗng trở nên bỏng rát, sưng đỏ, mưng mủ, đau dữ dội không thuyên giảm sau khi dùng thuốc giảm đau; có thể kèm theo tình trạng sốt cao.
  • Triệu chứng liên quan đến mất cân bằng hormone hoặc canxi: Bạn thường cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, khó nuốt; dễ tăng cân hoặc giảm cân; cảm thấy lạnh hoặc nóng bất thường; tay chân hay bị run rẩy, tê bì, co thắt cơ bắp.
  • Biến chứng khác: Sưng hạch, đau hạch, khó thở, khó nói và biến đổi giọng nói.

Tái khám và theo dõi sức khỏe tuyến giáp định kỳ

Đối với người mắc bệnh ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Mục đích việc tái khám định kỳ là để:

  • Đảm bảo vết mổ không bị nhiễm trùng hay xuất hiện biến chứng;
  • Tiến hành cắt chỉ cho người bệnh sau 7 ngày;
  • Xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp (T3, T4, calcitonin,…) và hormone TSH (hormone kích thích tuyến giáp) để theo dõi sức khỏe người bệnh;
  • Siêu âm, chụp CT, MRI để giám sát hiệu quả điều trị và xác định ung thư có tái phát hay không.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thực hiện tái khám định kỳ theo lịch trình cụ thể:

  • Trong 2 năm đầu sau phẫu thuật: Người bệnh nên tái khám mỗi 3 tháng / lần; còn những người mắc bệnh u lành tuyến giáp thì nên được kiểm tra mỗi 6 tháng / lần.
  • Sau giai đoạn 2 năm đầu: Người bệnh nên tiếp tục tái khám mỗi 6 tháng trong vòng 5 năm tiếp theo, và việc kiểm tra này nên được thực hiện tại những cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Ung bướu phát triển.
Tái khám và theo dõi sức khỏe tuyến giáp định kỳ

Thường xuyên tái khám định kỳ giúp người bệnh phát hiện sớm tình trạng tái phát ung thư sau phẫu thuật

Câu hỏi thường gặp sau mổ ung thư tuyến giáp

Để giải đáp những câu hỏi phổ biến về quá trình chăm sóc vết thương sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, dưới đây là một số lời giải đáp và chia sẻ quan trọng từ chuyên gia mà người bệnh không nên bỏ lỡ:

1. Sau mổ tuyến giáp bao lâu thì uống phóng xạ?

Thông thường, sau mổ tuyến giáp khoảng 6 – 8 tuần là người bệnh đã có thể được cho uống thuốc phóng xạ i-ốt (I-131). Mục đích của khoảng thời gian chờ từ 6 – 8 tuần này là để:

  • Đảm bảo tuyến giáp đã “cạn kiệt” nguồn dự trữ i-ốt, trở nên nhạy cảm hơn với thuốc xạ trị I-131; từ đó, làm tăng hiệu quả xạ trị.
  • Chờ cho nồng độ hormone TSH (hormone kích thích tuyến giáp) hạ thấp về ngưỡng bình thường. Bởi lẽ, sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, nồng độ TSH trong cơ thể người bệnh luôn tăng cao vượt ngưỡng so với người bình thường. Đây được xem là một phản ứng nội tiết hết sức bình thường của cơ thể trước tình trạng hormone giáp bị suy giảm đột ngột.

2. Mổ tuyến giáp sau bao lâu thì lành?

Thông thường, sau mổ tuyến giáp, người bệnh cần mất từ 4 – 8 tuần để hồi phục hoàn toàn. Cụ thể:

  • 1 tuần sau phẫu thuật: Người bệnh hết bầm tím, sưng tấy da và được tháo chỉ khâu.
  • 2 – 4 tuần sau phẫu thuật: Vết mổ lành lặn, lên da non; cảm giác đau rát cũng thuyên giảm dần và biến mất.
  • 4 – 8 tuần sau phẫu thuật: Nếu được ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách, người bệnh có thể hồi phục toàn diện, bao gồm cả việc thực hiện dễ dàng việc nhai nuốt, chuyển động cổ và các vận động thể lực toàn thân khác (chạy bộ, chơi thể thao, nâng vật nặng,…).
Mổ tuyến giáp sau bao lâu thì lành?

Sau mổ tuyến giáp, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn trong 4 – 8 tuần

3. Tập nói sau phẫu thuật tuyến giáp thế nào?

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, một số người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nói do sự ảnh hưởng của vết mổ tới các dây thần kinh điều khiển cơ hoạt động của thanh quản. Do đó, việc tập luyện nói sau phẫu thuật cũng là một phần quan trọng của quá trình hồi phục . Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích về việc tập nói dành cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp:

  • Khởi đầu thật chậm: Sau phẫu thuật, bạn có thể cần nghỉ ngơi hoàn toàn trong 1 tuần đầu tiên trước khi bắt đầu tập nói. Khi bắt đầu nói, hãy bắt đầu phát âm từ từ, tránh ép buộc hoặc đẩy nhanh tiến trình quá sớm.
  • Tập nói rõ ràng: Tập luyện phát âm rõ ràng từng từ, chậm rãi và cẩn thận. Điều này có thể giúp bạn tập luyện cơ thanh quản và cải thiện khả năng phát âm.
  • Kiên nhẫn với bản thân: Hãy nhớ rằng việc hồi phục khả năng nói có thể mất 2 – 3 tuần. Do đó, bạn nên kiên nhẫn, tập trung và thực hành việc tập nói đều đặn mỗi ngày để hệ thống thân kinh và cơ bắp vùng cổ nhanh chóng được cải thiện. Lưu ý, bạn chỉ nên tập nói một cách vừa phải, không cố ép bản thân nói liên tục hơn 45 phút / ngày để tránh làm tổn thương thanh quản.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ: Nếu sau phẫu thuật 4 tuần, giọng nói của bạn đã lưu loát nhưng chất âm lại biến sắc, trầm khàn và rè đục, bạn cần liên hệ ngay bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Nếu còn gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đến khoa Ung bướu tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn chi tiết hơn. Tại đây, với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như hệ thống máy siêu âm tổng quát cao cấp Acuson Sequoia (Siemens, Đức),… các bác sĩ có thể giúp bạn nhận biết sớm những khối u tuyến giáp tái phát; từ đó, đưa ra phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả và kịp thời.

Để đặt lịch thăm khám sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội).

Trên đây là những lưu ý quan trọng về quy trình điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp an toàn, hiệu quả và khoa học. Chúc bạn mau chóng hồi phục và nhanh chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống!

5/5 - (1 bình chọn)
13:41 17/08/2023