Phẫu thuật ung thư tuyến giáp và những điều cần biết

14/08/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp gần như là một chỉ định bắt buộc đối với hầu hết những trường hợp mắc phải căn bệnh này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chữa trị, việc nâng cao hiểu biết và nhận thức đúng đắn về quy trình mổ ung thư tuyến giáp là điều quan trọng cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Vậy, đâu là phương pháp mổ ung thư tuyến giáp hiệu quả được nhiều chuyên gia khuyến nghị? Phẫu thuật ung thư tuyến giáp mất bao lâu để hồi phục hoàn toàn? Người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần chăm sóc sức khỏe sao cho đúng? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp và những điều cần biết

Đâu là phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp được nhiều chuyên gia khuyến nghị?

Phẫu thuật tuyến giáp là phương pháp ưu tiên trong điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hơn 90% trường hợp ung thư tuyến giáp hiện nay, thường được áp dụng cho người bệnh ung thư tuyến giáp thể nang, thể nhú, thể tủy và một số ít trường hợp ung thư tuyến giáp không biệt hóa. Mục đích chính của quá trình phẫu thuật là giúp người bệnh loại bỏ tế bào ung thư nhiều nhất có thể thông qua một trong ba thủ thuật sau:

  • Cắt bỏ một bên (thùy giáp trái hoặc thùy giáp phải) của tuyến giáp;
  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp;
  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp kết hợp với việc nạo vét hạch bạch huyết để ngăn ngừa ung thư di căn.

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là phương pháp điều trị thường được nhiều bác sĩ ưu tiên vì:

  • Nhanh chóng, chính xác và hiệu quả: Phẫu thuật cho phép các bác sĩ loại bỏ phần lớn khối u trực tiếp từ tuyến giáp chỉ trong một lần phẫu thuật, thay vì phải bắt người bệnh uống thuốc nhiều tháng hoặc đến bệnh viện xạ trị nhiều lần. Đây cũng chính là ưu điểm vượt trội của phẫu thuật so với hóa trị và xạ trị.
  • Tăng cường hiệu quả xạ trị: Phẫu thuật giúp gia tăng mức độ hiệu quả của quá trình điều trị với i-ốt phóng xạ diễn ra sau đó. Bởi lẽ, việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp giúp tia phóng xạ tập trung tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại dễ dàng hơn.

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp mất bao lâu?

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường mất từ ​​1 – 2 giờ để hoàn tất. Trong một số trường hợp phức tạp, thời gian phẫu thuật dự kiến có thể kéo dài đến 3 giờ. Nhìn chung, thời gian cần thiết để thực hiện phẫu thuật tuyến giáp có thể biến đổi tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Loại hình phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật rạch da thông thường, phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp hay một phần tuyến giáp,…
  • Đặc điểm bệnh lý: Kích thước, vị trí, mức độ di căn và tính chất của khối u càng phức tạp thì thời gian phẫu thuật càng lâu.
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân: Người bệnh càng có nhiều bệnh lý nền thì thời gian phẫu thuật càng lâu. Ví dụ, ở người bệnh tiểu đường, quá trình phẫu thuật thường kéo dài bởi bác sĩ cần thời gian để xử lý chứng máu khó đông của người bệnh và theo dõi chặt chẽ các chỉ số máu trong khi phẫu thuật.
  • Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật: Bác sĩ càng giàu kinh nghiệm thì thời gian phẫu thuật càng nhanh.
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp mất bao lâu?

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường mất từ 1 – 2 giờ để hoàn thành

Các loại phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Hiện nay, có 3 hình thức phẫu thuật ung thư tuyến giáp khác nhau, đó là: phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp, cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp và cắt bỏ hạch bạch huyết xung quanh tuyến giáp. Cụ thể:

1. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp

Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp (partial thyroidectomy) còn được gọi là phẫu thuật bán tuyến giáp (hemithyroidectomy) hay phẫu thuật cắt bỏ thùy giáp (lobectomy), thường được áp dụng khi:

  • Khối u hoặc các nốt sần chỉ xuất hiện ở một bên (trái hoặc phải) của tuyến giáp;
  • Ung thư tuyến giáp trong giai đoạn sớm (1 hoặc 2) và chưa có dấu hiệu di căn ra ngoài tuyến giáp.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp có thể được áp dụng trong các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang.

2. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, còn được gọi là phẫu thuật toàn giáp (total thyroidectomy), thường được áp dụng khi:

  • Khối u hoặc nốt lan rộng tới cả hai bên của tuyến giáp;
  • Ung thư ở giai đoạn 3, 4 hoặc có dấu lan rộng ra ngoài tuyến giáp;
  • Bệnh nhân có tiền sử hoặc nguy cơ cao phát triển ung thư ở cả hai bên của tuyến giáp (chẳng hạn như mắc Hội chứng đa u tuyến nội tiết tuýp 2).

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp có thể được áp dụng trong các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang; và cũng là chỉ định bắt buộc trong ung thư tuyến giáp thể tủy với thể không biệt hóa.

3. Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết

Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết, còn được gọi là thủ thuật nạo vét hạch cổ, thường được cân nhắc thực hiện trong điều trị ung thư tuyến giáp khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư: Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT, MRI,…) hoặc sinh thiết, người bệnh thường được chỉ định phẫu thuật loại bỏ hạch cổ khi kết quả sinh thiết hoặc hình ảnh chụp chiếu cho thấy sự hiện diện của tế bào ung thư.
  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn: Ung thư tuyến giáp thể nhú với thể nang ở giai đoạn muộn cùng tất cả trường hợp ung thư thể tủy và thể không biệt hóa đều được chỉ định nạo vét hạch cổ.
Các loại phẫu thuật ung thư tuyến giáp, Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết

Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp và nạo vét hạch cổ thường được chỉ định khi ung thư đã di căn hoặc có nguy cơ di căn cao vào hệ bạch huyết

Đây là 3 hình thức phẫu thuật ung thư tuyến giáp phổ biến hiện nay. Trên thực tế, việc quyết định lựa chọn phương thức phẫu thuật nào hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên môn của bác sĩ. Do đó, trong mọi tình huống, bạn cần thảo luận với bác sĩ để hiểu rõ hơn về các rủi ro và lợi ích sức khỏe liên quan trong từng phương thức phẫu thuật cụ thể; từ đó, có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, sức khỏe cũng như tài chính trước khi tiến hành phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Hiện nay, phẫu thuật ung thư tuyến giáp được chia thành 2 loại khác nhau, đó là: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật thường. Cụ thể:

1. Phẫu thuật nội soi tuyến giáp

Phẫu thuật nội soi tuyến giáp (endoscopic thyroidectomy – ET) là phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho phép các bác sĩ loại bỏ khối u tuyến giáp từ một vị trí cách xa vùng cổ nhằm không để lại sẹo sau phẫu thuật. Bên cạnh tính thẩm mỹ, mục tiêu của ET còn để giúp người bệnh giảm đau sau phẫu thuật, tăng cường khả năng phục hồi mà không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Chỉ định

Mổ nội soi thường được chỉ định cho các đối tượng:

  • U lành tính thuộc nhóm ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang hoặc thể tủy.
  • Các nốt sần / khối u có kích thước nhỏ hơn 6cm
  • Chưa từng phẫu thuật cổ.

Cách tiến hành

  • Người bệnh trước khi mổ nội soi sẽ cần ngừng ăn uống trước 8 giờ và ngưng uống trước 4 giờ;
  • Bệnh nhân nằm ở tư thế nằm ngửa, nâng vai lên để cổ duỗi thẳng;
  • Bác sĩ sẽ tiến hành đặt nội khí quản để gây mê toàn thân cho người bệnh;
  • Sau khi gây mê, bác sĩ tiến hành khử trùng vùng da sắp mổ, trải khăn lót y tế xung quanh và tiêm dung dịch Epinephrine pha loãng vào lớp màng xương ức để ngăn chảy máu khi nội soi;
  • Bác sĩ tiến hành rạch 3 vết:
    • 1 đường rạch dài 10 – 15mm men theo đường dẫn sữa mẹ, nằm ở đường giữa trước núm vú. Vết rạch này đóng vai trò là điểm quan sát.
    • 2 vết rạch hình cung dài lần lượt 10 và 7mm được thực hiện ở vị trí 5mm mép trên tính từ quầng vú 2 bên. Hai vết rạch này đóng vai trò là điểm phẫu thuật.
  • Tiếp theo, bác sĩ dùng dao siêu âm để bóc tách lớp cơ cổ và vỏ bọc ngoài tuyến giáp;
  • Khi tuyến giáp đã bộc lộ, bác sĩ sẽ tiến hành cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp kết hợp nạo vét hạch bạch huyết (nếu cần).
  • Lúc này, vị trí phẫu thuật được rửa liên tục bằng nước cất. Sau khi cơ ức đòn chũm được làm sạch hoàn toàn, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu ở mép trên quầng vú và tiến hành khâu vết thương từng lớp.

Ưu điểm

  • Phẫu thuật ung thư tuyến giáp kiểu nội soi không để lại một vết sẹo dài phía trước cổ; nhờ đó, làm tăng sự hài lòng về mặt thẩm mỹ sau phẫu thuật, đặc biệt là ở bệnh nhân nữ còn trẻ tuổi;
  • Làm giảm sự mất máu trong phẫu thuật;
  • Giảm mức độ đau, sưng, viêm sau phẫu thuật một cách rõ rệt;
  • Giảm nguy cơ tổn thương dây thần kinh thanh quản (hộp thoại)
  • Giảm nguy cơ tuyến cận giáp bị ảnh hưởng (các tuyến nội tiết tố nhỏ ở cổ kiểm soát nồng độ canxi trong xương và máu của bạn)

Nhược điểm

  • Phẫu thuật kéo dài hơn mổ truyền thống;
  • Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt với những rủi ro:
    • Xuất hiện bong bóng khí bị mắc kẹt dưới da (tạm thời);
    • Tê vùng da dưới xương đòn;
    • Cánh tay hoặc bàn tay bị yếu (tạm thời và hiếm gặp);
Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp, mổ nội soi

Minh họa cảnh người bệnh được chèn nội khí quản trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp

2. Phẫu thuật mở tuyến giáp (phẫu thuật thường)

Phẫu thuật mở tuyến giáp (conventional thyroidectomy – CT) là phương pháp điều trị ung thư có sự xâm lấn tối đa, cho phép các bác sĩ quan sát trực tiếp và rõ ràng hơn về các cấu trúc tuyến giáp và vùng lân cận, giúp giảm thiểu rủi ro gây thương tổn tới các cơ quan khu trú xung quanh như dây thanh quản và tuyến cận giáp.

Chỉ định

Nhìn chung, phương pháp mổ thường có thể được áp dụng trong tất cả các trường hợp phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bất kể kiểu hình ung thư và kích thước của khối u. Tuy nhiên, phương pháp này thường được chỉ định đặc biệt trong các trường hợp sau:

  • Khối u có tính chất di căn nhanh (ung thư thể tủy hoặc thể không biệt hóa);
  • Khối u có kích quá lớn (>6cm), có dấu hiệu chèn khí quản;
  • U đã di căn quá nhiều sang hệ bạch huyết.

Cách thực hiện

  • Người bệnh trước khi mổ nội soi sẽ cần ngừng ăn trước 8 giờ và ngưng uống trước 4 giờ;
  • Bệnh nhân nằm ở tư thế nằm ngửa, nâng vai lên để cổ duỗi thẳng;
  • Bác sĩ sẽ tiến hành đặt nội khí quản để gây mê toàn thân cho người bệnh;
  • Sau khi gây mê, bác sĩ tiến hành khử trùng vùng da sắp mổ và trải khăn lót y tế xung quanh;
  • Bác sĩ tiến hành rạch da theo một hình vòng cung dài 6m ở vị trí cách hố trên xương ức 3cm;
  • Các mô cơ bao phủ thùy tuyến giáp sau đó được tách ra từng lớp để thùy tuyến giáp lộ ra hoàn toàn;
  • Bác sĩ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ (nếu cần);
  • Bác sĩ đặt một ống dẫn lưu vào vết mổ để hút hết dịch thừa;
  • Vết mổ sau đó được khâu lại và ca phẫu thuật hoàn thành.

Ưu điểm

  • Đây là phương pháp đã được thử nghiệm nhiều lần, đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, đặc biệt là trong việc loại bỏ những khối u lớn hơn 6cm hoặc khối u đã di căn xa.
  • Thời gian phẫu thuật thường ngắn và chi phí thường rẻ hơn so với phẫu thuật nội soi.

Nhược điểm

  • Có thể để lại một vết sẹo khá lớn và rõ ràng trên cổ, điều này có thể gây ra mất tự tin về mặt thẩm mỹ cho một số bệnh nhân nữ.
  • Đau sau phẫu thuật có thể nhiều hơn so với phẫu thuật nội soi.
  • Dễ xuất hiện nhiều biến chứng sau phẫu thuật liên quan tới vết mổ (sưng tấy, nhiễm trùng, bung chỉ, hành sốt, sẹo lồi,…)
Phẫu thuật mở tuyến giáp (phẫu thuật thường)

Phẫu thuật mở tuyến giáp thường để lại sẹo sau khi điều trị

Chi phí phẫu thuật ung thư tuyến giáp bao nhiêu tiền?

Chi phí phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường dao động trong khoảng từ 4 – 30 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện. Trong đó, chi phí mổ thường dao động từ 4 – 10 triệu đồng, còn chi phí mổ nội soi dao động từ 10 – 30 triệu đồng. Lưu ý, khoản chi phí này chưa bao gồm:

  • Phí trước phẫu thuật: Gồm phí xét nghiệm sinh hóa, phí chẩn đoán hình ảnh, phí thăm khám của bác sĩ, phí ăn ở và đi lại trước phẫu thuật,…
  • Phí sau phẫu thuật: Gồm phí nằm viện nội trú, phí thuốc men – thực phẩm chức năng, phí sinh hoạt và đi lại sau phẫu thuật,…

Vết mổ tuyến giáp bao lâu thì lành?

Vết mổ tuyến giáp thường mất từ 1 – 2 tuần để khô mài và lành hẳn. Do đó, trong khoảng thời gian này, người bệnh cũng thường nhận được lịch hẹn tái khám từ bác sĩ để tiến hành cắt chỉ vết khâu. Sau phẫu thuật, vết mổ có thể đỏ và sưng đau một chút; điều này là hoàn toàn bình thường bởi các triệu chứng này sẽ thuyên giảm theo thời gian và bạn gần như sẽ không còn cảm thấy đau vào khoảng 4 tuần sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, thời gian để vết sẹo sau mổ trở nên mờ dần rồi biến mất có thể mất từ 6 – 12 tháng. Trong hầu hết trường hợp, nếu người bệnh được tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng khoa học và dưỡng da đúng cách, vết mổ tuyến giáp có thể trở nên khó nhận biết bằng mắt thường sau khoảng một năm. Ngược lại, dinh dưỡng và chăm sóc da sai cách có thể kích thích hình thành sẹo lồi hoặc tạo vết thâm vĩnh viễn do tăng sắc tố sau viêm.

Lưu ý khi chăm sóc để vết mổ tuyến giáp mau lành

Chăm sóc sau phẫu thuật là một quy trình vô cùng quan trọng giúp giảm thiểu biến chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Để vết mổ tuyến giáp mau lành, người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần lưu ý:

  • Giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo: Tránh làm ướt vết mổ trong ít nhất 24 – 72 giờ sau phẫu thuật. Sau thời gian này, bạn có thể nhẹ nhàng rửa vùng vết mổ với xà phòng nhẹ và nước ấm, nhưng hãy nhớ lau khô kỹ lưỡng.
  • Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng: Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào, chẳng hạn như sưng đỏ, đau, nóng hoặc có mủ từ vết mổ, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời có thể làm cho vết sẹo bị tăng sắc tố và trở nên đậm màu hơn. Bạn nên bảo vệ vết sẹo khỏi ánh nắng mặt trời trong ít nhất trong một năm sau phẫu thuật bằng cách sử dụng kem chống nắng hoặc mặc áo cổ cao.
  • Chăm sóc vết sẹo: Khi vết mổ đã khép kín và hoàn toàn khô mài, bạn có thể sử dụng kem hoặc dầu dưỡng da để giảm thiểu sự hình thành sẹo. Tuy nhiên, bạn cần thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng thuốc ngừa sẹo để được tư vấn về một số thành phần kích ứng (nếu có).
Lưu ý khi chăm sóc để vết mổ tuyến giáp mau lành

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C hỗ trợ vết thương mổ nhanh lành

Mổ ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Mổ ung thư tuyến giáp KHÔNG NGUY HIỂM bởi tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp là rất cao, có thể lên đến trên 99%. Ngoại trừ một số trường hợp mắc phải những dạng ung thư hiếm gặp như ung thư tuyến giáp không biệt hóa thì nhìn chung, sau phẫu thuật, tỷ lệ sống còn của người bệnh sau 5 năm là rất lạc quan. Cụ thể:

Loại ung thư tuyến giáp Tỉ lệ sống sau 5 năm theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ Mức độ phổ biến
Cục bộ Di căn khu vực lân cận Di căn xa (xương, phổi,…)
Ung thư tuyến giáp thể nhú (PTC) >99.5% 99% 74% 70 – 80%
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang (FTC) >99.5% 98% 67% 10 – 15%

 

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC) >99.5% 92% 43% 4%
Ung thư biểu mô tuyến giáp không biệt hóa (ATC) 39% 11% 4% 1%

Rủi ro và tác dụng phụ của phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Tương tự như với bất kỳ quá trình phẫu thuật nào khác, mổ cắt bỏ tuyến giáp có thể gây ra một số rủi ro và biến chứng phổ biến như:

  • Biến chứng do gây mê: Gồm đau đầu, buồn nôn, sốc phản vệ,…
  • Biến chứng liên quan đến vết mổ: Chảy máu, sưng đau, hành sốt, nhiễm trùng, đông máu gây khó thở, hình thành sẹo lồi,…

Không những thế, phẫu thuật ung thư tuyến giáp còn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho những mô mềm nằm gần tuyến giáp, chẳng hạn như:

  • Tổn thương dây thần kinh thanh quản gây biến đổi giọng nói tạm thời hoặc vĩnh viễn;
  • Tổn thương tuyến cận giáp (suy tuyến cận giáp) làm giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn nồng độ canxi trong máu; kích hoạt chuột rút và tê bì chân tay;
  • Tổn thương cơ gây khó nuốt vùng thực quản.

Khi xuất hiện biến chứng, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định:

  • Uống thuốc để giảm nhẹ triệu chứng: Đối với các trường hợp đau đầu, chảy máu, vết mổ sưng đau, hạ canxi huyết do suy giáp,…
  • Tái phẫu thuật để dứt điểm triệu chứng: Đối với trường hợp người bệnh khó thở, bị biến đổi giọng nói sau 1 tháng kể từ lúc phẫu thuật,…
Rủi ro và tác dụng phụ của phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, người bệnh được chỉ định uống Levothyroxine để bù đắp lượng hóc-môn giáp bị thiếu hụt

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức, nơi bạn được theo dõi trong vài giờ và có thể trở về nhà trong vòng 24 giờ kể từ lúc rời phòng mổ. Lúc này, quá trình chăm sóc tại nhà dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp mới thực sự bắt đầu, bao gồm các hoạt động như:

  • Kiểm soát các đơn đau: Trong vòng 1 tháng sau khi phẫu thuật, ăn uống có thể khiến bạn đau nhức vùng cổ. Lúc này, dù bác sĩ có kê thuốc giảm đau nhưng bạn cũng nên cải thiện chế độ dinh dưỡng để giảm mức độ đau khi nuốt thực phẩm;
  • Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Ưu tiên ăn thực phẩm mềm, nhiều chất xơ để dễ tiêu hóa; đặc biệt chú trọng thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, giúp vết thương mau lành;
  • Ngủ đủ giấc và uống đủ nước: Ngủ ít nhất 8 – 9 tiếng / ngày và uống đủ 1.5 – 2 lít nước để tạo điều kiện tốt nhất cho cơ thể nhanh chóng phục hồi;
  • Tập thể dục nhẹ: Tập thể dục nhẹ như đi bộ, yoga có thể giúp tăng cường miễn dịch, tăng cường trao đổi chất và kích thích vết thương nhanh lành. Lưu ý, bạn không nên vận động quá sức và tránh tham gia các bài tập có động tác kéo căng da vùng cổ;
  • Điều chỉnh lối sống: Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia bởi chúng có thể làm chậm quá trình chữa lành vết thương và làm tăng nguy cơ tái phát ung thư;
  • Thực hiện các cuộc hẹn kiểm tra định kỳ: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần thăm khám định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và tiến trình hồi phục. Các xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để theo dõi chức năng tuyến giáp và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần.
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp người bệnh phát hiện sớm tình trạng tái phát ung thư (nếu có).

Có phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp khác không?

Bên cạnh phẫu thuật, CÓ NHIỀU phương pháp khác để điều trị ung thư tuyến giáp, bao gồm:

  • Xạ trị trong: Xạ trị trong sử dụng thuốc phóng xạ chứa đồng vị i-ốt 131 để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, khi tế bào đã di căn nhiều nơi và không thể loại bỏ dễ dàng bằng cách cắt bỏ cơ học.
  • Xạ trị ngoài: Là cách dùng các tia phóng xạ như tia X hoặc tia gamma để “bắn phá” tế bào ung thư. Xạ trị với chùm tia ngoài thường được áp dụng khi khối u không đáp ứng tốt với xạ trị trong. Điều này thường xảy ra với ung thư tuyến giáp thể tủy và thể không biệt hóa bởi hai loại tế bào ung thư này thường không hấp thụ tốt tia phóng xạ từ i-ốt 131.
  • Hóa trị liệu: Là phương pháp điều trị ung thư sử dụng hóa chất (thuốc) để ức chế quá trình tăng sinh của mọi tế bào phân chia nhanh trong cơ thể, trong đó có bao gồm tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Là phương pháp sử dụng các loại thuốc chuyên dụng, có khả năng “nhắm” mục tiêu vào các loại protein hoặc DNA nhất định trong tế bào ung thư để tiêu diệt chúng mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh.

Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết đâu là địa chỉ phẫu thuật ung thư tuyến giáp uy tín, bạn hãy nhanh chóng đến ngay chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường trực thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh để được tư vấn kịp thời. Tại đây, với Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa Roche Cobas 6000 hiện đại, bạn có thể nhận được kết quả đo lường nồng độ hóc-môn tuyến giáp chi tiết, giúp đánh giá chính xác giai đoạn tiến triển của khối u; từ đó, xây dựng phác đồ phẫu thuật ung thư tuyến giáp hiệu quả.

Để đặt lịch tư vấn về phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội).

Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề mổ ung thư tuyến giáp mà bạn cần quan tâm. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được phẫu thuật ung thư tuyến giáp mất bao lâu để hồi phục, ưu nhược điểm của từng phương pháp mổ ra sao để có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và mau chóng khỏi bệnh!

5/5 - (3 bình chọn)
13:10 17/08/2023