Chạy thận là gì? Quy trình chạy thận là như thế nào?

12/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 800.000 người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối cần phải chạy thận để duy trì sự sống vào năm 2020. Chạy thận là một chỉ định bắt buộc mà người bệnh thận cần phải thực hiện suốt đời. Trong suốt quá trình này, người chạy thận lọc máu thường phải kết hợp việc dùng thuốc với chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Vậy, chạy thận là gì? Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận là như thế nào? Dưới đây là những thông tin cơ bản về quy trình chạy thận lọc máu mà bạn cần quan tâm.

Chạy thận là gì? Quy trình như thế nào? Lưu ý những gì?

Chạy thận là gì? Chạy thận lọc máu bao gồm những phương pháp nào?

Chạy thận là gì?

Chạy thận là phương pháp sử dụng thiết bị chuyên dụng để lọc máu cho người mất chức năng thận, giúp người bệnh kéo dài thời gian sống. Trong kỹ thuật này, thiết bị lọc máu sẽ tiếp nhận máu của người bệnh để gạn tách và loại bỏ độc tố; sau đó, sẽ vận chuyển máu vào lại cơ thể.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của thận mà phác đồ chạy thận lọc máu ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau về tần suất thực hiện. Trong đó, người bị suy thận mạn giai đoạn cuối cần duy trì thực hiện lọc máu chạy thận định kỳ để duy trì sự sống.

Bệnh gì cần chạy thận?

Thông thường, người mắc bệnh suy thận cấp hoặc suy thận mạn cần được chạy thận. Lúc này, chức năng thận chỉ đạt dưới 15% khả năng, mức độ lọc cầu thận chỉ còn dưới 15 ml / phút. Điều này đồng nghĩa với việc thận đã mất gần như hoàn toàn chức năng hoạt động vốn có. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật chạy thận, người bị suy thận có thể kịp thời lọc máu, loại bỏ độc tố, trung hòa axit – bazơ, điều chỉnh huyết áp, cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.

Bệnh gì cần chạy thận?

Chạy thận lọc máu giúp đào thảo độc tố, kiểm soát huyết áp, cân bằng chất lỏng và khoáng chất cho người chỉ còn dưới 15% chức năng thận

Chạy thận hoạt động như thế nào?

Chạy thận đảm nhận mọi hoạt động của thận, giúp tối ưu quá trình thải – lọc trong cơ thể. Các hoạt động được thực hiện bởi phương pháp này cụ thể như sau:

  • Loại bỏ các độc tố và chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể;
  • Giữ lại các khoáng chất cần thiết trong máu, chẳng hạn như kali, natri, canxi và bicarbonate;
  • Điều hòa huyết áp luôn ở mức ổn định.

Các phương pháp chạy thận

Hiện nay, có 2 phương pháp phổ biến là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Cả 2 phương pháp này đều sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội và có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh.

1. Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là kỹ thuật lọc máu bên ngoài cơ thể người bệnh. Cụ thể, với kỹ thuật này máu của người bệnh được dẫn xuất vào hệ thống lọc của máy chạy thận nhân tạo. Khi đó, thiết bị lọc máu sẽ tiến hành loại bỏ độc tố, tạp chất và dung dịch dư thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ thể người bệnh.

Để tiến hành chạy thận nhân tạo, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tạo rò động tĩnh mạch (FAV) trước đó từ vài tuần đến vài tháng. Phẫu thuật này thường được thực hiện ở vùng cổ tay (thường ở tay không thuận) với mục đích nối động mạch và tĩnh mạch để làm tăng lưu lượng máu ở khu vực này. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp cho quá trình chọc kim lấy máu khi lọc thận diễn ra thuận lợi hơn.

Các phương pháp chạy thận, chạy thận nhân tạo

Quá trình chạy thận nhân tạo kéo dài suốt đời và cần được theo dõi y tế nghiêm ngặt

2. Lọc màng bụng

Ở kỹ thuật này, thay vì sử dụng máy chạy thận thì màng lọc chất thải và độc tố chính là màng bụng của người bệnh. Để tiến hành thực hiện lọc màng bụng, người bệnh sẽ được phẫu thuật đưa ống thông tĩnh mạch (catheter) vào màng bụng. Trong đó:

  • Ống thông tĩnh mạch (catheter): Là một ống nhựa dẻo trong suốt, đảm nhận nhiệm vụ đưa dung dịch lọc máu vào bên trong ổ bụng và tháo bỏ lượng dịch này ra khỏi cơ thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
  • Màng bụng: Là lớp màng bao quanh tất cả thành của ổ bụng, có thể lọc máu nhờ vào tính chất bán thấm. Màng bụng cho phép các chất hòa tan nồng độ lớn cùng với dịch lỏng dư thừa trong máu xuyên qua và đi vào khoang phúc mạc.

Phương pháp này có tính thuận tiện cao vì người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà, phù hợp với đối tượng sinh sống ở xa bệnh viện. Người bệnh thực hiện lọc màng bụng chỉ cần tái khám tại bệnh viện 1 tháng / lần để bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe và nhận thêm dịch lọc cho tháng kế tiếp.

Các phương pháp chạy thận, lọc màng bụng

Lọc màng bụng dễ nhiễm trùng nếu người bệnh không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh khi thực hiện

Chạy thận có tác dụng gì?

Chạy thận giúp kéo dài sự sống của người bệnh bằng cách lọc máu, kiểm soát huyết áp, duy trì sự cân bằng chất lỏng và điện giải (natri, kali, phốt pho,…). Đồng thời, chạy thận còn giúp làm giảm các triệu chứng như đau đầu, chán ăn, mất ngủ, nhức mỏi….; từ đó, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách đáng kể. Bên cạnh đó, đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đủ điều kiện ghép thận thì chạy thận còn là cầu nối giúp người bệnh duy trì sống đến khi ghép thận thành công.

Chạy thận có đau không?

Quá trình chạy nhận thường KHÔNG GÂY ĐAU, tuy nhiên người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở vị trí chọc kim tiêm và mệt mỏi sau mỗi đợt lọc máu. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như đau bụng, buồn nôn, đau đầu, chuột rút, đau nhức xương, mẩn ngứa, sốt cao…. Nếu cảm thấy các dấu hiệu bất thường xuất hiện trong khi chạy thận, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Tác dụng phụ của chạy thận

Ngoài gây mệt mỏi, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác, chẳng hạn như:

Tác dụng phụ của chạy thận nhân tạo

  • Huyết áp thấp: Người bệnh chạy thận nhân tạo thường bị hạ huyết áp do sự sụt giảm thể tích chất lỏng trong quá trình lọc máu. Hạ huyết áp thường gây ra cảm giác chóng mặt, buồn nôn, lâu dần sức khỏe có thể bị suy kiệt. Do đó, người bệnh cần tuân thủ khuyến nghị của bác sĩ về lượng chất lỏng cung cấp vào cơ thể để hạn chế nguy cơ bị hạ huyết áp.
  • Nhiễm trùng máu: Việc đặt catheter ở tĩnh mạch để lọc máu có nguy cơ cao gây nhiễm trùng máu. Điều này được lý giải là do các huyết tương như fibronectin, fibrinogen, laminin đã nhanh chóng bao bọc catheter nằm trong lòng mạch, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho tụ cầu khuẩn phát triển. Đồng thời, glycalises của tụ cầu vàng cũng giúp vi khuẩn xâm thực, khiến cho người bệnh dễ bị nhiễm trùng máu.
  • Chuột rút: Sự mất chất lỏng do quá trình chạy thận nhân tạo thường khiến người bệnh bị chuột rút cơ ở vùng cẳng chân. Trong một số trường hợp, tình trạng chuột rút có thể gây đau đớn hoặc mất cảm giác chân trong thời gian ngắn.
  • Ngứa da: Việc tích tụ phốt pho trong máu giữa các đợt chạy thận nhân tạo thường gây ra hiện tượng ngứa da. Khi đó, người bệnh có thể sử dụng kem dưỡng ẩm làm dịu vùng da bị ngứa.
  • Các tác dụng phụ khác: Khó ngủ, ngủ không sâu giấc, rối loạn cương dương ở nam, giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ, khô miệng, thường xuyên lo âu….

Tác dụng phụ của lọc màng bụng

  • Viêm phúc mạc: Nhiễm trùng do vi khuẩn là biến chứng thường gặp của quá trình lọc màng bụng. Khi dụng cụ lọc màng bụng không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và thâm nhập vào lớp phúc mạc, gây ra viêm nhiễm. Các dấu hiệu viêm phúc mạc điển hình như đau bụng, sốt cao, dịch thẩm tách đã sử dụng trở nên đục, ớn lạnh.
  • Thoát vị: Việc dịch lọc bị giữ lại trong bụng trong thời gian dài có thể gây căng các cơ ở vùng bụng, dẫn đến tình trạng thoát vị.
  • Tăng cân: Dịch thẩm tách được sử dụng trong quá trình lọc màng bụng có chứa các glucose hoặc dextrose. Khi thực hiện lọc màng bụng, một lượng đường có thể bị rò rỉ vào cơ thể, gây dư thừa khoảng vài trăm calo mỗi ngày. Do đó, trong quá trình thực hiện phương pháp này, người bệnh có nguy cơ cao bị tăng cân mất kiểm soát, gây hại đến thận.
Tác dụng phụ của chạy thận

Các tác dụng phụ của chạy thận điển hình như hạ huyết áp, nhiễm trùng, ngứa da, chuột rút….

Chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng nên chọn phương pháp nào?

Việc chọn chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như mức độ suy giảm chức năng thận, điều kiện y tế tại địa phương, sự hỗ trợ từ gia đình và thể trạng của người bệnh. Do đó, người bệnh suy thận cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để đưa ra quyết định điều trị phù hợp nhất.

Chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng đều mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh suy thận. Tìm hiểu những ưu / nhược điểm của 2 phương pháp này có thể giúp bạn có thể đưa ra quyết định điều trị thích hợp, cụ thể như sau:

Chạy thận nhân tạo Lọc màng bụng
Ưu điểm – Chỉ thực hiện 3 lần / tuần.

– Thực hiện tại bệnh viện và được bác sĩ theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

– Không để lại lỗ rò trên cơ thể như phương pháp lọc màng bụng.

– Được thực hiện tại nhà và có thể lọc màng bụng qua đêm bằng máy lọc tự động.

– Được phép uống nhiều nước.

– Có thể chuyển đổi nên thực hiện, chỉ cần có đủ dụng cục và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Nhược điểm – Luôn đảm bảo tuân thủ theo lịch trình cố định, làm gián đoạn nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

– Mỗi đợt chạy thận nhân tạo, người bệnh phải ngồi cố định trong khoảng thời gian từ 3 – 4 giờ.

– Chỉ được phép uống một lượng nhỏ chất lỏng mỗi ngày.

– Nhiều hạn chế trong chế độ ăn uống hàng ngày.

– Người bệnh sẽ sống với ống thông được tạo trong bụng.

– Có nguy cơ gây nhiễm trùng cao vì tần suất thực hiện nhiều lần và quá trình thực hiện không được giám sát y tế.

– Gây cảm giác khó chịu vì khoang phúc mạc chứa chất lỏng.

Chi phí chạy thận bao nhiêu tiền?

Chi phí chạy thận nhân tạo theo chu kỳ trung bình khoảng từ 700.000 VNĐ – 1.000.000 VNĐ / lần; trong khi đó, chi phí lọc màng bụng bằng tay thường rơi vào khoảng từ 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ / tháng. Tuy nhiên, nếu chọn phương pháp lọc màng bụng bằng máy tại nhà, người bệnh cần chi trả thêm khoảng 140.000.000 – 160.000.000 VNĐ để mua thiết bị và khoảng 4.500.000 – 6.500.000 VNĐ / tháng để mua vật tư tiêu hao (túi chứa dịch, ống thông catheter,…)

Tuy nhiên, nếu người bệnh tham gia bảo hiểm y tế thì gánh nặng chi phí có thể được giảm thiểu đáng kể. Tùy vào mức độ tham gia mà bảo hiểm y tế sẽ chi trả 80%, 95%, 100% chi phí chạy thận cho người bệnh.

Lưu ý: Ngoài những chi phí kể trên, người bệnh còn phải thanh toán thêm các khoản phí phát sinh khác, chẳng hạn như:

  • Chi phí trực tiếp phát sinh do khám ngoại trú: Người bệnh cần chi trả các khoản phí ngoài ý tế như thăm khám bệnh, ăn uống trong quá trình thăm khám, nhà trọ trong trường hợp người bệnh sinh sống xa bệnh viện, thuê người chăm sóc (trường hợp người thân không thể chăm sóc)…. Nếu lọc máu bằng phương pháp lọc màng bụng, người bệnh sẽ được giảm bớt gánh nặng chi phí này. Bởi vì khi đó, người bệnh chỉ cần đến bệnh viện tái khám 1 lần / tháng.
  • Chi phí gián tiếp từ việc giảm năng suất lao động: Bệnh thận gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động của người bệnh. Người bệnh chạy thận thường mệt mỏi vì vậy sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng công việc, dẫn đến thu nhập hàng tháng bị suy giảm đáng kể.
  • Chi phí hao hụt của người chăm sóc: Hầu hết người bệnh suy thận giai đoạn cuối đều cần có người chăm sóc xuyên suốt, như vậy thu nhập của người này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, người chạy thận nhân tạo cần được chăm sóc nhiều hơn người bệnh lọc màng bụng.
Chi phí chạy thận bao nhiêu tiền?

Chi phí chạy thận tương đối cao, để giảm thiểu chi phí người bệnh có thể tham gia bảo hiểm y tế và chọn phương pháp lọc màng bụng

Thời gian chạy thận bao lâu?

Thời gian chạy thận nhân tạo thường rơi vào khoảng 3 – 5 giờ / lần, còn thời gian lọc màng bụng mất 4 – 6 giờ / lần. Trung bình 1 tuần, người chạy thận mất 9 – 15 giờ để lọc máu; trong khi đó, người thẩm phân phúc mạc cần lọc máu 4 lần / ngày vào tất cả những ngày tuần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, bác sĩ có thể điều chỉnh tần suất lọc máu để tối ưu hiệu quả điều trị bệnh.

Ngoài ra, nếu người bệnh chọn phương pháp lọc màng bụng tự động thì máy sẽ hỗ trợ trao đổi dịch lọc theo chu kỳ 4 – 5 lần / đêm. Như vậy, người bệnh sẽ được lọc máu ngay trong giấc ngủ, tiết kiệm được thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Chạy thận có thay thế thận không?

Chạy thận KHÔNG THỂ thay thế hoàn toàn chức năng thận. Mặc dù chúng có thể mang lại nhiều lợi ích như loại bỏ độc tố, điều hòa điện giải, ổn định huyết áp…. nhưng máy lọc máu không thể thay thế chức năng sản xuất hormone của thận. Do đó, người bệnh chạy thận cần sử dụng một số loại thuốc bổ sung hormone kết hợp với chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để bảo vệ sức khỏe tối ưu.

Chạy thận có thay thế thận không?

Chạy thận chỉ đảm nhiệm một phần chức năng thận nhằm kéo dài tuổi thọ của người bệnh

Người chạy thận sống được bao lâu?

Theo thống kê, người chạy thận có thể sống thêm khoảng từ 5 năm đến 10 năm, thậm chí kéo dài đến 20 năm hoặc 30 năm nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, yếu tố tuổi tác cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của người chạy thận. Cụ thể, tuổi càng cao thì thời gian duy trì sự sống ở người bệnh càng ngắn. Theo nghiên cứu, bệnh nhân lọc máu từ 40 – 44 tuổi có thể kéo dài tuổi thọ thêm khoảng 8 năm và từ 4 – 5 năm đối với người bệnh từ 60 – 64 tuổi.

Trong một số trường hợp, người bệnh thực hiện chạy thận với mục đích làm cầu nối trong thời gian chờ thận thích hợp để ghép thận. Sau đó, nếu người bệnh được cấy ghép thận thành công thì thời gian sống sẽ được kéo dài đáng kể. Cụ thể, tuổi thọ của người được ghép thận có thể kéo dài từ 8 – 12 năm (tạng từ người đã mất) và 12 – 20 năm (tạng từ người còn sống).

Nếu không chạy thận sống được bao lâu?

Nếu không chạy thận, người suy thận giai đoạn cuối chỉ có thể duy trì sự sống thêm khoảng vài ngày đến vài tuần. Bởi vì lúc này, chức năng thận đã gần như mất đi hoàn toàn khiến cho độc tố và chất lỏng dư thừa tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều. Khi đó, người bệnh sẽ bị khó thở và suy kiệt nhanh chóng. Để giúp người bệnh cảm thấy dễ thở hơn, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc lợi tiểu để giải độc máu.

Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận

Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận cần dựa trên những nguyên tắc sau đây:

  • Cung cấp đủ năng lượng: Theo khuyến nghị, thực đơn ăn uống hàng ngày của người chạy thận cần đạt khoảng 30 – 35 Kcal / kg / ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cần thiết giúp cơ thể đáp ứng điều trị tối ưu.
  • Hạn chế nạp muối: Chế độ ăn nhiều muối sẽ gây khó thở, phù nề, tăng huyết áp và làm gia tăng trọng lượng giữa 2 kỳ lọc máu. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng dưới 5 g muối / ngày và nên tuân thủ theo những lưu ý từ bác sĩ.
  • Tránh các loại thực phẩm giàu natri: Người bệnh cần tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều natri vì chúng sẽ gây tổn thương thận và cản trở quá trình chạy thận lọc máu. Các thực phẩm giàu natri bao gồm: kim chi, dưa cải chua, thịt kho, mắm cá, cá khô, khoai tây chiên, hột vịt muối….
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều phốt pho: Theo nghiên cứu, người chạy thận lọc máu không nên nạp dư thừa lượng phốt pho cần thiết, chỉ nên nạp khoảng 700 mg / ngày. Bởi vì điều này có thể thúc đẩy hoạt động của tuyến cận giáp và gây rò rỉ canxi vào máu dẫn đến hiện tượng ngứa da, đau nhức xương khớp, đau mô quanh khớp…. Thực phẩm giàu phốt pho mà bạn cần hạn chế bao gồm: phô mai, lòng đỏ trứng, cacao, trái cây sấy khô, tôm khô, nội tạng động vật….
  • Bổ sung lượng canxi vừa đủ: Theo nghiên cứu, người chạy thận lọc máu nên bổ sung 1000 mg canxi / ngày và không nên bổ sung quá 2000 mg canxi / ngày để bảo vệ xương.
  • Hạn chế thực phẩm giàu kali: Khi chức năng thận bị suy giảm, hàm lượng kali trong máu sẽ tăng cao, gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Do đó, người cần hạn chế ăn thực phẩm giàu kali để bảo vệ hệ tim mạch. Các loại thực phẩm giàu kali điển hình như: rau muống, nấm rơm, bắp cải, su hào, chuối, bưởi, chocolate, hạt dẻ….
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Ở người chạy thận, sau mỗi lần lọc máu, hàm lượng protein / sắt cùng với các vitamin nhóm B sẽ bị hao hụt trong quá trình lọc máu. Do đó, việc bổ sung các loại vitamin B1, B6, B12, E, sắt, kẽm, acid folic giúp bù đắp dưỡng chất đã mất và bảo vệ những cơ quan khỏe mạnh.
  • Uống đủ nước: Theo thông tin từ các chuyên gia về thận, người lọc máu cần uống khoảng 960 ml nước / ngày. Lưu ý rằng, cần uống nước từng ngụm nhỏ, không uống quá nhiều nước trong 1 lần để tránh gây thêm áp lực cho thận.
  • Cung cấp đạm ở lượng vừa đủ: Theo nghiên cứu, người chạy thận lọc máu cần đảm bảo lượng đạm khoảng từ 1.0 – 2 g / kg / ngày để duy trì sự sống của các tế bào trong cơ thể. Như vậy, người bệnh 50 kg cần nạp khoảng 60 g đạm / ngày. Các loại thực phẩm giàu đạm điển hình là: thịt nạc heo, nạc bò, cá, trứng, sữa, các loại đậu và hạt.
Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chạy thận

Lưu ý khi chạy thận

Chạy thận mang lại nhiều hiệu quả điều trị tích cực cho người bệnh bị mất đi gần như toàn bộ chức năng thận. Thế nhưng, phương pháp này không đóng vai trò thay thế cơ quan thận trong cơ thể. Vì vậy, dù đã thực hiện lọc máu nhưng người bệnh vẫn nên kết hợp với đơn thuốc từ bác sĩ và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để tối ưu hiệu quả kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra, quá trình chạy thận lọc máu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai. Bởi vì khi mang thai lượng chất thải mà cơ thể sản sinh sẽ nhiều hơn bình thường. Khi đó, người bệnh cần phải thực hiện lọc máu nhiều hơn. Như vậy, nếu đối tượng chạy thận là phụ nữ mang thai, bác sĩ cần cân nhắc nhiều vấn đề trước khi đưa ra phác đồ điều trị.

Lưu ý rằng, quá trình lọc màng bụng cần được diễn ra trong không gian diệt khuẩn, đảm bảo vệ sinh để tránh tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt là vùng phúc mạc. Ngoài nhiễm trùng, một số biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải khi thực hiện kỹ thuật này điển hình như tràn dịch màng phổi, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu….

Người đang chạy thận khi nào cần gọi bác sĩ?

Người đang thực hiện quy trình chạy thận cần liên lạc với bác sĩ nếu như gặp phải các tình trạng sau đây:

  • Chóng mặt, ngất xỉu;
  • Khát nước bất thường;
  • Hạ huyết áp;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao, lỗ rò hoặc vị trí đặt ống thông bị rò rỉ dịch, máu;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Vùng bụng và háng có dấu hiệu phình to bất thường (thoát vị).
Người đang chạy thận khi nào cần gọi bác sĩ?

Người chạy thận lọc máu cần theo dõi những biểu hiện bất thường của bản thân để sớm yêu cầu được hỗ trợ y tế

Tóm lại, để quá trình chạy thận lọc máu đạt hiệu quả, người bệnh cần ưu tiên chọn bệnh viện uy tín, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp chạy thận mà bạn cần quan tâm. Nutrihome hy vọng rằng, thông qua bài viết này bạn đã trang bị được cho mình kiến thức cần thiết để điều trị bệnh hiệu quả. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
16:15 12/09/2023