Suy tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

10/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nhận biết kịp thời các triệu chứng suy tim, hiểu rõ nguyên nhân suy tim và áp dụng các phương pháp điều trị khoa học là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Vậy, hội chứng suy tim là gì? Đâu là dấu hiệu suy tim dễ nhận biết? Để phòng ngừa bệnh suy tim, bạn cần điều chỉnh lối sống như thế nào? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Suy tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán hội chứng

Hội chứng suy tim là gì? Tình trạng này có nguy hiểm không?

Tim là cơ quan quan trọng nhất trong hệ tuần hoàn. Nó có chức năng bơm máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau để nuôi sống mọi tế bào trong cơ thể, đồng thời giúp lấy đi carbon dioxide và các chất thải cần thiết ra khỏi tế bào.

Bệnh suy tim là gì?

Bệnh suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không thể cung cấp đủ máu để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Điều này làm cắt giảm lưu lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết được vận chuyển đến các tế bào, gây suy giảm chức năng của tất cả các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thường có xu hướng trở nặng theo thời gian và không thể được chữa trị dứt điểm.

Phân độ suy tim

Phân độ suy tim là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh suy tim. Có nhiều quy chuẩn khác nhau được sử dụng để đo lường mức độ suy tim, nhưng hai hệ thống quy chuẩn phổ biến nhất là của Hiệp hội Tim Mạch New York (NYHA) và Đại học Tim mạch Hoa Kỳ / Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA). Cụ thể:

1. Phân độ suy tim theo NYHA

Theo Hiệp hội Tim Mạch New York (NYHA), suy tim được chia thành bốn cấp độ dựa trên triệu chứng: I, II, III và IV, trong đó I là nhẹ nhất và IV là nặng nhất. Cụ thể như sau:

  • Cấp độ I: Không có triệu chứng suy tim và không có giới hạn hoạt động thể chất. Hoạt động thường ngày không gây ra mệt mỏi, khó thở, hoặc khiến tim đập dồn dập;
  • Cấp độ II: Có thể cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi và thực hiện hoạt động hàng ngày nhưng khi gắng sức lại nhanh thấy mệt mỏi, khó thở, tim đập dồn dập;
  • Cấp độ III: Có thể cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi nhưng gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động nhỏ như thay quần áo, đi tắm, nấu ăn, dắt xe,…
  • Cấp độ IV: Khó thở, mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi. Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng gây ra cảm giác không thoải mái và triệu chứng tăng nhanh theo mức độ hoạt động.

2. Các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Phân độ suy tim theo Đại học Tim mạch Hoa Kỳ / Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA) được chia thành bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn A: Người ở giai đoạn A có nguy cơ cao về suy tim nhưng chưa có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào của tổn thương cơ tim hoặc suy giảm chức năng tim;
  • Giai đoạn B: Người ở giai đoạn B đã có thể mắc một số bệnh tim, chẳng hạn như phình tim, bệnh mạch vành,… nhưng chưa xuất hiện triệu chứng suy tim;
  • Giai đoạn C: Người ở giai đoạn C đã có bệnh tim và đang trải qua triệu chứng suy tim, chẳng hạn như khó thở hoặc mệt mỏi sau khi hoạt động;
  • Giai đoạn D: Đây là giai đoạn suy tim cuối cùng và nghiêm trọng nhất. Người ở giai đoạn này có triệu chứng suy tim nặng, không thể được kiểm soát hoặc giảm bớt với điều trị tiêu chuẩn mà cần được điều trị chuyên biệt.
Phân độ suy tim, Các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Suy tim mức độ nặng vẫn có thể khiến người bệnh mệt mỏi dù ở trạng thái nghỉ ngơi

Phân loại suy tim

Tùy theo thời gian phát bệnh, khả năng phục hồi sau điều trị và vị trí phát bệnh mà bệnh suy tim mạn tính được phân chia thành nhiều loại khác nhau, cụ thể như sau:

  • Phân loại theo thời gian phát bệnh và khả năng phục hồi: Bao gồm suy tim cấp tính và suy tim mạn tính;
  • Phân loại theo vị trí phát bệnh: Bao gồm suy tim trái (left-sided heart failure), suy tim phải (right-sided heart failure) và suy hai tâm thất (biventricular heart failure).

1. Suy tim cấp tính

Suy tim cấp tính là tình trạng tim yếu đi một cách bất ngờ nhưng hiện tượng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn; sau đó, người bệnh vẫn còn có khả hồi phục sức khỏe như trước khi bị suy tim. Loại suy tim này có thể xảy ra với cả nhóm đối tượng chưa có tiền sử mắc bệnh tim mạch trước đó.

Suy tim cấp tính thường đem tới các triệu chứng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời, bao gồm khó thở, đau ngực, đau tim, sưng phù, tím tái chân tay hoặc thậm chí đột quỵ. Do đó, người bệnh suy tim cần được nhập viện cấp cứu ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm và ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

2. Suy tim mạn tính

Suy tim mạn tính là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong suốt một thời gian dài, thường xuất hiện một cách “âm thầm” và tiến triển nặng dần theo thời gian. Khác với suy tim cấp tính, suy tim mạn tính đòi hỏi người bệnh phải kiểm soát bệnh bằng cách tuân thủ chặt chẽ với kế hoạch điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ đến suốt phần đời còn lại.

Sau điều trị, người bệnh không thể khôi phục lại sức khỏe như trước khi mắc bệnh. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân suy tim mạn tính mức độ nặng còn phải thực hiện phẫu thuật cấy ghép máy trợ tim để hỗ trợ tim bơm máu hiệu quả hơn, giúp người bệnh duy trì sự sống.

3. Suy tim trái

Tâm thất trái là khu vực của tim có trách nhiệm bơm máu giàu oxy (máu đỏ tươi) ra khỏi tim, vào hệ tuần hoàn lớn để nuôi sống tế bào. Suy tim trái là tình trạng tâm thất trái của tim không thể bơm đủ máu ra khỏi tim để cung cấp máu cho cả cơ thể. Do đó, khi tâm thất trái bị suy giảm chức năng, cơ thể thường bị suy nhược, mệt mỏi, khó thở, đau đầu, rối loạn tiêu hóa,…

Phân loại suy tim

Suy tim trái là tình trạng tâm thất trái bị suy yếu

4. Suy tim phải

Tâm thất phải là khu vực của tim có trách nhiệm bơm máu đã qua sử dụng (giàu CO2) vào phổi để “nạp” thêm oxy. Do đó, suy tim phải là tình trạng tâm thất phải của tim không thể bơm đủ máu lên phổi để trao đổi oxy một cách hiệu quả. Khi tâm thất phải bị suy yếu, máu và chất lỏng sẽ tích tụ nhiều trong hệ thống mao mạch, gây sưng phù chân, tay, mắt cá chân và bụng.

5. Suy tim hai tâm thất

Trong suy tim hai tâm thất, cả hai bên tâm thất của tim đều bị ảnh hưởng. Điều này có thể gây ra các triệu chứng tương tự như suy tim cả bên trái và bên phải, chẳng hạn như khó thở, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh và sưng phù chân tay.

Tác nhân và nguyên nhân suy tim là gì?

Nguyên nhân chính gây suy tim là do tim bị tổn thương. Điều này có thể bao gồm:

  • Mạch máu ở tim bị hẹp / tắc nghẽn / viêm;
  • Mô cơ tim bị cứng / giãn / viêm;
  • Nhịp tim, điện tim và huyết áp bất thường.

Trong khi đó, tác nhân gây suy tim lại chính là những yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho tim bị tổn thương, trong đó bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh này làm tăng nguy cơ cao huyết áp, xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ,… Tất cả đều là tác nhân thúc đẩy suy tim tiến triển. Theo ước tính, tiểu đường là nguyên nhân gây nên 25% trường hợp suy tim mạn tính và 40% suy tim cấp tính;
  • Béo phì: Người béo phì có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp nên dễ mắc nhiều bệnh tim mạch có khả năng dẫn đến suy tim. Theo ước tính, béo phì là nguyên nhân gây ra 11% trường hợp suy tim ở nam và 14% ở nữ;
  • Bệnh tim: Bao gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành, bệnh lý van tim (hẹp van, hở van,…), bệnh rối loạn nhịp tim,…
  • Tăng huyết áp: Áp lực trong các mạch máu tăng cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, lâu dần có thể dẫn đến suy tim;
  • Tác nhân gây tổn thương cơ tim: Cơ tim có thể bị viêm do một số bệnh nhiễm trùng, lạm dụng rượu bia, thuốc và ma túy. Ví dụ, virus COVID – 19 có thể gây viêm cơ tim và thúc đẩy bệnh suy tim cấp tính;
  • Tắc nghẽn động / tĩnh mạch: Khi máu không thể lưu thông tự do trong hệ thống động mạch và tĩnh mạch, chẳng hạn như do bệnh rối loạn đông máu hoặc xơ vữa mạch máu, tim phải làm việc “vất vả” hơn để bơm máu, lâu dần dẫn đến suy tim;
  • Bệnh phổi: Các bệnh về phổi như tắc phổi mạn tính (COPD), hẹp phế quản, nhiễm trùng phổi,… có thể làm tăng áp lực trong các mạch máu của phổi, gây áp lực lên tim;
  • Các nguyên nhân khác: Bao gồm bệnh thiếu máu, cường giáp, sỏi thận; các phản ứng dị ứng với thuốc, thực phẩm; nhiễm trùng máu do virus tấn công, chẳng hạn như nhiễm HIV; lạm dụng rượu bia,…
Nguyên nhân suy tim là gì?

Béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy tim

Triệu chứng suy tim là gì?

Người bệnh suy tim có thể trải qua một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Xuất hiện cảm giác khó thở vào bất kỳ lúc nào, đặc biệt khi là khi sinh hoạt hoặc vận động;
  • Sưng (phù nề) mắt cá chân, bàn chân và bụng;
  • Dễ cảm thấy mệt mỏi, uể oải trong sinh hoạt hàng ngày;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều (lúc nhanh lúc chậm);
  • Khó tiêu, chán ăn, cảm thấy no nhanh;
  • Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Mất khả năng tập trung hoặc suy giảm trí nhớ;
  • Tăng tiểu tiện vào ban đêm.

Cần lưu ý rằng các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Phương pháp chẩn đoán bệnh suy tim

Bác bác sĩ thường chẩn đoán suy tim dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, sau đó bổ sung bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, cụ thể như sau:

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình, đồng thời thực hiện một cuộc khám lâm sàng. Điều này bao gồm kiểm tra các triệu chứng như khó thở, phù nề tay chân, tim đập nhanh,… Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số thử nghiệm thể lực thông qua các bài tập vận động nhỏ, diễn ra ngay tại phòng khám. Quá trình này giúp bác sĩ xác định được mức độ suy tim của bạn.

Phương pháp chẩn đoán bệnh suy tim, khám lâm sàn

Kiểm tra nhịp tim giúp bác sĩ hình dung được mức độ suy tim của bạn

2. Xét nghiệm cận lâm sàng

Sau khi thực hiện xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ sẽ tiếp tục yêu cầu bạn thực hiện một hoặc một số thủ tục xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Xét nghiệm máu: Giúp xác định nguyên nhân gây suy tim, như nhiễm trùng, thiếu máu hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Xét nghiệm máu cũng cho phép bác sĩ đo lường nồng độ của một số loại protein cụ thể được tạo ra bởi tim và mạch máu, chẳng hạn như galectin-3 và troponin. Trong bệnh suy tim, nồng độ của các loại protein này tăng lên nhiều hơn định mức thông thường.
  • Đo phân suất tống máu (ejection fraction – EF): Là một chỉ số đo lường phần trăm máu được bơm ra khỏi tim mỗi khi tim co lại. Nói cách khác, đó là tỷ lệ giữa lượng máu được bơm ra khi tim co lại và tổng lượng máu được giữ lại khi tim giãn nở tối đa. EF thấp (dưới 50%) có thể được xem là dấu hiệu sớm của suy tim.
  • Đo điện tâm đồ (ECG): ECG ghi lại hoạt động điện của tim và có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề về nhịp tim hoặc lịch sử về đau tim. Bởi lẽ, suy tim thường gây ra các bất thường trên điện tâm đồ;
  • Chụp CT (chụp cắt lớp) với chất đối quang: Trong kỹ thuật này, chất tạo cản (chất đối quang) được tiêm vào mạch máu trước khi thực hiện quét CT. Chất đối quang giúp làm nổi bật mạch máu trên hình ảnh CT, giúp bác sĩ xác định các bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tim, đặc biệt là những điểm xơ vữa, gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Siêu âm phổi: Là một phương pháp hiệu quả để đánh giá hoặc dự báo suy tim. Theo nghiên cứu, siêu âm phổi cho thấy độ nhạy lên tới 91.9% và độ đặc hiệu 100% trong chẩn đoán suy tim cấp tính.
  • X-quang ngực: Chụp X-quang ngực có thể giúp bác sĩ xác định kích thước và hình dạng của tim, đồng thời tìm kiếm các dấu hiệu của sự tích nước trong phổi. Bởi lẽ, tích nước trong phổi cũng là một dấu hiệu điển hình của suy tim;
  • Sinh thiết cơ tim (myocardial biopsy): Là một thủ thuật chiết tách mô cơ tim (myocardium) để đem kiểm tra dưới kính hiển vi, giúp phát hiện sớm các bệnh lý cơ tim có thể gây suy tim như bệnh viêm cơ tim (myocarditis), phì đại cơ tim (cardiomyopathy),…
chẩn đoán bệnh suy tim, xét nghiệm cận lâm sàn

Chụp CT với chất đối quang giúp bác sĩ quan sát rõ điểm tắc nghẽn mạch máu gây suy tim

Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Bệnh suy tim RẤT NGUY HIỂM vì có thể gây tử vong. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy tim cấp tính, đau tim, đau thắt ngực, đột quỵ,… và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và khoa học, người bệnh suy tim vẫn có khả năng sống được rất lâu với chất lượng cuộc sống tiệm cận giống như người khỏe mạnh.

Bệnh suy tim có di truyền không?

Suy tim CÓ THỂ DI TRUYỀN. Tuy nhiên, quá trình bộc phát bệnh suy tim đòi hỏi sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền với môi trường bên ngoài (ăn uống, vận động, sinh hoạt,…). Nói cách khác, các yếu tố di truyền chỉ có thể ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của cơ thể đối với các tác nhân thúc đẩy bệnh suy tim. Do đó, việc bạn sở hữu gen di truyền suy tim không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ bị suy tim. Ngược lại, không sở hữu gen di truyền gây suy tim cũng không đảm bảo bạn không thể mắc bệnh.

Dưới đây là danh sách một số mã gen di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ suy tim của bạn:

Mã gen Thứ tự nhiễm sắc thể Protein liên quan Tác động đến tim
TNT2 1 Troponin T Bệnh cơ tim giãn nở
TTN 2 Titin
DES 2 Desmin Bệnh cơ tim hạn chế
TNNI3 19 Troponin I
DSC2 18 Desmocollin Bệnh cơ tim loạn nhịp ở tâm thất phải
PKP2 12 Plakophilin 2

Bệnh suy tim có chữa được không?

Bệnh suy tim thường KHÔNG THỂ được chữa khỏi hoàn toàn (trừ một số ít trường hợp suy tim cấp tính). Đối với người bệnh suy tim mạn tính, tình trạng bệnh có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian. Lúc này, các biện pháp điều trị thường chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh chứ không thể giúp người bệnh hồi phục sức khỏe về tình trạng ban đầu (như trước khi mắc bệnh).

Bệnh suy tim sống được bao lâu?

Người bệnh suy tim có thể sống được vài chục năm sau khi nhận được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này. Theo một thống kê được thực hiện vào năm 2019, tiên lượng sống của người bệnh suy tim qua các mốc thời gian được ước tính như sau:

Thời gian sống sau khi nhận được chẩn đoán suy tim Tỉ lệ sống còn
1 năm 87%
2 năm 73%
5 năm 57%
10 năm 35%
Bệnh suy tim sống được bao lâu?

Người bệnh suy tim vẫn có thể sống tốt nếu được điều trị kịp thời và khoa học

Phương pháp điều trị bệnh suy tim

Điều trị suy tim là quá trình đòi hỏi bạn kết hợp giữa việc thay đổi lối sống với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tiến hành phẫu thuật (nếu cần thiết). Cụ thể như sau:

1. Thay đổi lối sống

  • Ăn uống khoa học: Hạn chế tối đa muối, rượu bia, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường; đồng thời, gia tăng lượng rau củ quả, đậu, hạt, trái cây, thịt nạc và các thực phẩm chứa omega-3;
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động vừa phải giúp tăng cường tuần hoàn máu và kiểm soát căng thẳng, hỗ trợ điều trị suy tim. Tuy nhiên, mức độ luyện tập thể dục cần được điều chỉnh thích hợp theo tình trạng bệnh lý của mỗi người;
  • Ngưng hút thuốc lá: Hút thuốc làm tổn thương tim, mạch máu và phổi. Theo thời gian, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và dẫn đến suy tim;
  • Giảm cân: Nếu bạn đang bị béo phì hoặc thừa cân, giảm cân ưu tiên hàng đầu giúp làm chậm quá trình tiến triển của tình trạng suy tim;
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Bao gồm việc kiểm soát huyết áp, mức đường huyết và nồng độ cholesterol trong máu.

2. Dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ

  • Thuốc giãn mạch: Giúp mở rộng các mạch máu và giảm áp lực lên tim;
  • Thuốc lợi tiểu: Giúp loại bỏ lượng nước dư và giảm phù nề;
  • Thuốc trợ tim: Làm tăng sức mạnh của cơ tim;
  • Thuốc chống tăng huyết áp: Giúp giảm huyết áp và tải lượng công việc lên tim;
  • Thuốc chống đông máu: Ngăn ngừa hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu chảy đến tim;
  • Thuốc kiểm soát cholesterol: Giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu.

3. Phẫu thuật

  • Thay van tim: Nếu nguyên nhân gây suy tim do van tim bị hỏng;
  • Cấy ghép máy trợ tim: Máy này giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, thường được dùng trong trường hợp suy tim nặng;
  • Cấy ghép tim: Trong trường hợp suy tim nặng và không thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị khác.

Mặc dù không có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn suy tim, nhưng việc kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và phẫu thuật (nếu cần thiết) có thể giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh suy tim

Máy trợ tim thường được cấy ghép vào cơ thể người bệnh suy tim mức độ nặng

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh suy tim

Chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh suy tim cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng để kiểm soát tốt triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, cụ thể như sau:

  • Giảm muối: Muối gây tăng huyết áp, khiến tim phải làm việc khó khăn hơn để bơm máu; đồng thời, làm trầm trọng thêm tình trạng phù nề tay, chân do tích tụ nước quá mức. Do đó, người bệnh suy tim không nên tiêu thụ nhiều hơn 5g muối / ngày;
  • Giữ cân nặng ổn định: Thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh suy tim tiến triển. Do đó, bạn hãy cố gắng giữ cân nặng trong khoảng cân nặng lý tưởng.
  • Tăng cường chất chống oxy hóa: Ăn nhiều rau củ quả, đậu, hạt, ngũ cốc và thực phẩm chứa omega-3 (thủy hải sản, cá béo, dầu thực vật,…) giúp tim chống oxy hóa, kháng viêm, làm chậm sự tiến triển của bệnh suy tim;
  • Giảm chất béo bão hòa: Hạn chế tối đa thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chẳng hạn như thức ăn chiên (rán), thịt đỏ, da gia cầm, thực phẩm đóng hộp,… để phòng ngừa xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến suy tim;
  • Uống vừa đủ nước: Người bệnh suy tim cần chú ý lượng nước nạp vào cơ thể. Suy nghĩ thông thường là cơ thể cần nhiều nước để chuyển hoá và lọc chất độc. Tuy nhiên đối với người suy tim, sức khỏe của tim đã suy yếu, uống càng nhiều nước làm tim càng suy nhanh hơn. Do đó, người bệnh suy tim cần uống vừa đủ từ 1 – 1.5 lít nước mỗi ngày tùy theo giai đoạn bệnh và theo chỉ định của bác sĩ;
  • Giảm cồn: Rượu bia có thể gây tăng huyết áp và làm giảm hiệu quả của một số thuốc điều trị suy tim. Do đó, người bệnh suy tim cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia;
  • Kiểm soát lượng đường: Đường huyết tăng cao thúc đẩy bệnh tim mạch vành tiến triển, có thể gây suy tim nặng hơn. Do đó, người bệnh suy tim cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu đường, bao gồm: nước giải khát công nghiệp, hoa quả sấy khô, bánh mứt, kẹo ngọt,…

Bệnh suy tim có thể ngăn ngừa được không?

Bệnh suy tim CÓ THỂ NGĂN NGỪA ĐƯỢC. Để phòng tránh bệnh suy tim, bạn cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể khiến tim bị tổn thương, trong đó bao gồm:

  • Kiểm soát soát huyết áp, cholesterol, đường huyết và cân nặng;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia, đường, muối và chất béo bão hòa;
  • Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để bảo vệ tim;
  • Duy trì một chế độ vận động vừa sức;
  • Hạn chế căng thẳng, ưu tiên các hoạt động thư giãn tâm lý (thiền, yoga, đi bộ, đọc sách, nghe nhạc,…);
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng / lần, đặc biệt là khi bạn đã bước qua độ tuổi 40.
Bệnh suy tim có thể ngăn ngừa được không?

Ăn nhiều rau củ quả và đạm cá béo hỗ trợ bạn ngăn ngừa suy tim hiệu quả

Nghi mắc bệnh suy tim: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu nghi ngờ mắc bệnh suy tim, điều quan trọng là bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh suy tim mà bạn cần nâng cao cảnh giác:

  • Khó thở: Diễn tiến nặng hơn khi bạn nằm ngửa hoặc vận động;
  • Sưng: Phù nề ở chân, mắt cá chân và bàn chân;
  • Mệt mỏi: Ngay cả khi bạn không làm gì hoặc sau khi thực hiện các công việc nhẹ (tắm rửa, rửa chén, thay quần áo,…);
  • Ho khan: Thường kéo dài và kèm theo cảm giác đau ngực;
  • Tăng nhịp tim: Cảm thấy tim đập mạnh hơn hoặc nhanh hơn bình thường;
  • Kém sức mạnh hoặc chóng mặt: Điều này thường xảy ra khi bạn đứng lên nhanh, ngồi bật dậy hoặc sau khi tập thể dục.

Lưu ý, những triệu chứng kể trên không nhất thiết phải xuất hiện cùng một lúc và không phải người bệnh suy tim nào cũng trải qua những triệu chứng giống nhau. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra và đánh giá chính xác.

Tóm lại, suy tim là một bệnh lý tim mạch nghiêm trọng. Việc nhận diện sớm các triệu chứng suy tim, biết cách chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn chọn được phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Cuối cùng, bạn đừng chần chừ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu suy tim bất thường, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Với sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh suy tim trở nặng và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

5/5 - (1 bình chọn)
08:37 10/10/2023