Đau thần kinh tọa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

07/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Đau thần kinh tọa là một tình trạng rối loạn thần kinh phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều lầm tưởng rằng đau dây thần kinh tọa chỉ là những cơn đau nhức cơ xương khớp bình thường mà không hề biết rằng bệnh còn có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vậy, bệnh thần kinh tọa là gì? Người bị đau thần kinh tọa cần làm gì để nhanh chóng khỏi bệnh? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Đau thần kinh tọa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán

Đau thần kinh tọa là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh?

Dây thần kinh tọa là một trong những dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể người, đường kính có thể lên đến 2 cm với nhiều tính chất như sau:

Vị trí Bắt nguồn từ cột sống, chủ yếu từ các đốt sống ở vùng lưng dưới (gần thắt lưng), chạy xuống mông, xuyên qua hông và đi xuống bề mặt sau của chân.

Khi chạm đến vùng đầu gối, dây thần kinh tọa tiếp tục rẽ nhánh, phân chia thành các dây thần kinh khác để kết nối với các bộ phận xa hơn, bao gồm cẳng chân, bàn chân và ngón chân

Đặc điểm Mỗi người đều có hai dây thần kinh tọa, mỗi dây đều nằm đối xứng nhau, ở một bên cơ thể.
Chức năng Dẫn truyền các thông tin cảm giác từ phần thân dưới đến não và ngược lại, dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ não đến các mô cơ ở phần thân dưới, giúp não kiểm soát chức năng vận động của chân.

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa (sciatica) là tình trạng bộc phát những cơn đau có liên quan đến sự kích thích hoặc tổn thương của một hay nhiều dây thần kinh tại khu vực thần kinh tọa, dẫn đến các cơn đau ở vùng mông, hông và có thể lên xuống toàn bộ chân.

Các loại đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên nguyên nhân, vị trí và tính chất của cơn đau. Dưới đây là một số loại đau thần kinh tọa thường gặp:

  • Đau thần kinh tọa cấp tính (acute sciatica): Bao gồm những cơn đau đột ngột, chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian 4 – 8 tuần gần nhất. Các cơn đau thần kinh tọa cấp tính thường xảy ra do những tổn thương hoặc kích thích tạm thời, có thể được chữa khỏi bằng cách điều trị tại nhà;
  • Đau thần kinh tọa mãn tính (chronic sciatica): Bao gồm những cơn đau dai dẳng, kéo dài trên 8 tuần, thường khởi phát do những nguyên nhân mãn tính như thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống thắt lưng;
  • Đau thần kinh tọa xen kẽ (alternating sciatica): Là tình trạng cơn đau có thể di chuyển từ một bên cơ thể sang phần cơ thể còn lại một cách luân phiên nhau. Ví dụ, đau có thể xuất hiện ở bên trái mông và chân trong một khoảng thời gian, sau đó chuyển sang bên phải mông. Đau thần kinh tọa dạng này rất hiếm gặp, thường là kết quả của quá trình thoái hóa khớp cùng chậu.
  • Đau thần kinh tọa hai bên (bilateral sciatica): Là tình trạng cơn đau xuất hiện cùng một lúc ở cả hai bên cơ thể, từ mông xuống đến chân. Đau thần kinh tọa hai bên rất hiếm gặp, thường là kết quả của quá trình thoái hóa đốt sống hoặc đĩa đệm;
  • Đau thần kinh tọa dạng ví (wallet sciatica): Là tình trạng cơn đau xảy ra do một người thường xuyên bỏ ví ở túi quần sau mông rồi ngồi lên ví, khiến cột sống bị xiêu vẹo, gây áp lực lên dây thần kinh tọa và dẫn đến cảm giác đau.
Các loại đau dây thần kinh tọa

Cơn đau thần kinh tọa thường chỉ xuất hiện ở bên cơ thể

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Mặc dù được gọi tên là “dây thần kinh tọa”, tuy nhiên, chúng thực chất không phải là một dây thần kinh riêng rẽ mà là một bó sợi thần kinh lớn, bao gồm nhiều sợi thần kinh khác nhau, rẽ hướng từ năm rễ thần kinh phân nhánh ở tủy sống. Do đó, đau thần kinh tọa là một cơn đau phức tạp, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên bó sợi thần kinh tọa.

Điều này khiến cho triệu chứng đau thần kinh tọa xảy ra với mỗi người là hoàn toàn khác nhau, có thể biểu hiện ở mức độ và hình thức vô cùng đa dạng, trong đó bao gồm:

  • Đau: Cơn đau thường bắt đầu từ mông, lan xuống phần sau của đùi, qua bắp chân và đôi khi xuống tới bàn chân. Cơn đau có nhiều đặc điểm khác nhau, có thể là đau nhói cục bộ, đau ê buốt lan rộng hoặc đau theo nhịp mạch đập (cảm giác như bị điện giật từng cơn). Mức độ đau thường tăng lên khi phần thân dưới chuyển động, chẳng hạn như đứng lên, đi bộ, ho, hắt hơi,…
  • Dị cảm: Nhiều dị cảm có thể xuất hiện, chẳng hạn như tê buốt, châm chích hoặc có cảm giác như kiến bò, có thể xuất hiện dọc theo con đường của dây thần kinh tọa khi chúng bị chèn ép hoặc kích thích;
  • Yếu cơ, di chuyển khó khăn : Yếu cơ ở chân, đặc biệt là ở phần sau đùi, bắp chân hoặc chân, có thể xuất hiện, gây khó khăn trong việc di chuyển. Nguyên nhân là vì dây thần kinh tọa là bộ phận chịu trách nhiệm truyền dẫn tín hiệu điện não để điều khiển các cơ. Những cơn đau thần kinh tọa có thể làm gián đoạn các tín hiệu này, khiến bạn gặp khó khăn trong chuyển động;
  • Mất cảm giác: Mất cảm giác hoặc giảm cảm giác ở chân, bàn chân hoặc ngón chân có thể xảy ra vì thần kinh tọa là bộ phận chịu trách nhiệm dẫn truyền thần kinh cảm giác từ chân lên não;

Cần lưu ý rằng mức độ và tính chất của các triệu chứng có thể thay đổi dựa trên vị trí và mức độ chèn ép hoặc kích thích lên các dây thần kinh tọa. Một số người chỉ trải qua các cơn đau thần kinh tọa ở mức độ nhẹ, trong khi người khác có thể gặp những triệu chứng nặng hơn và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Những cơn đau thần kinh tọa thường lan tỏa từ hông, mông đến đùi

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Vấn đề về đĩa đệm: Là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm (herniated disks) hoặc thoái hóa đĩa đệm (degenerative disk disease). Khi các đĩa đệm giữa các đốt sống bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu hoặc bị teo nhỏ do thoái hóa, chúng có thể chèn ép vào dây thần kinh tọa, gây ra đau.
  • Vấn đề về cột sống: Một số bệnh lý cột sống như cong vẹo cột sống (scoliosis), trượt đốt sống (spondylolisthesis), hẹp ống sống (spinal stenosis), hội chứng chùm đuôi ngựa (cauda equina syndrome),… có thể chèn ép tủy sống và/hoặc các dây thần kinh phân nhánh ra khỏi nó, bao gồm cả dây thần kinh tọa, gây đau thần kinh tọa;
  • Viêm dây thần kinh tọa: Có thể do nhiễm trùng, viêm khớp, viêm mạch máu hoặc do các tác nhân gây viêm trong cơ thể gây ra;
  • Khối u: Một khối u phát triển gần dây thần kinh tọa có thể gây áp lực hoặc kích thích khu vực thần kinh tọa, gây đau thần kinh tọa;
  • Chấn thương: Tai nạn giao thông, ngã, hoặc các cú va đập mạnh có thể gây tổn thương cho dây thần kinh tọa, khiến bạn bị đau;

Lưu ý, mỗi nguyên nhân trên đây chỉ là một số trong số nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau thần kinh tọa. Mỗi người bệnh có thể bị ảnh hưởng do một nguyên nhân riêng và cần một phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cần biết chính xác nguyên nhân gây đau thần kinh tọa của bản thân, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí ban đầu là nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh tọa

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đau thần kinh tọa là gì?

Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa là những hoàn cảnh hoặc điều kiện làm tăng rủi ro mắc bệnh đau thần kinh tọa của bạn trong hiện tại và tương lai, trong đó bao gồm:

  • Tiền sử chấn thương: Một chấn thương ở cột sống hoặc phần lưng dưới có thể làm tăng nguy cơ phát triển đau thần kinh tọa;
  • Lão hóa và thoái hóa: Khi bạn lớn tuổi, sự hao mòn tự nhiên trên cột sống có thể dẫn đến việc hẹp khoang tủy, teo đĩa đệm, thoái hóa khớp đốt sống và các tình trạng khác, làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa.
  • Thừa cân – béo phì: Trọng lượng cơ thể tăng cao, gây ra áp lực dồn nén lên toàn bộ các đốt sống, đĩa đệm, cơ lưng và các dây thần kinh liên quan, làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa;
  • Cơ lưng và cơ bụng yếu: Cơ lưng và cơ bụng là hai nhóm cơ hỗ trợ cột sống chống đỡ trọng lượng cơ thể. Do đó, khi hai nhóm cơ này quá yếu, cột sống của bạn sẽ phải “gánh” phần khối lượng lớn hơn, làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh tọa và gây đau;
  • Vận động quá sức: Các công việc đòi hỏi bạn phải nâng vật nặng thường xuyên (công nhân xây dựng, người đam mê tập thể hình,…) hoặc chuyển động theo nhiều tư thế lạ (vũ công, nghệ sĩ múa,…) có thể làm tăng áp lực lên vùng lưng dưới, gây đau thần kinh tọa.
  • Ngồi sai tư thế: Trái ngược với những người vận động nặng, một số công việc văn phòng đòi hỏi bạn phải ngồi lâu một chỗ, đặc biệt là khi ngồi sai tư thế, không chuẩn công thái học, cũng có thể làm tăng nguy cơ gây đau thần kinh tọa;
  • Ít vận động: Người ít vận động thường có nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa do tuần hoàn máu kém lưu động hoặc do mỡ thừa tích tụ quá mức, gây chèn ép hệ thống dẫn truyền thần kinh, trong đó bao gồm thần kinh tọa;
  • Hút thuốc: Hợp chất nicotine trong khói thuốc lá có thể kích thích viêm, cản trở tuần hoàn máu và gây hại cho sức khỏe hệ thần kinh. Theo nghiên cứu, hút thuốc có thể làm tăng 35% nguy cơ đau thần kinh tọa và 45% nguy cơ nhập viện do phẫu thuật đau thần kinh tọa hoặc thoát vị;
  • Bệnh tiểu đường: Khiến nồng độ glucose trong máu liên tục tăng cao, kích thích viêm toàn thân, gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên ở tay, chân và bàn chân. Theo thời gian, các dấu hiệu viêm sẽ lan đến dây thần kinh tọa, khiến cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện đột ngột.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đau thần kinh tọa là gì?

Ngồi nhiều và ít vận động là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh đau thần kinh tọa phát triển

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không

Về mặt lâm sàng, đau thần kinh tọa là một bệnh lý KHÔNG GÂY NGUY HIỂM đối với sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bạn có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng đau thần kinh tọa làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như khởi phát các cơn đau buốt đột ngột, yếu cơ, tê chân và giảm khả năng vận động.

Khi xảy ra ở mức độ nhẹ, đau thần kinh tọa có thể được chỉ định uống thuốc tại nhà. Trong khi đó, ở mức độ nặng, người bị đau thần kinh tọa có thể cần tập vật lý trị liệu hoặc/và phẫu thuật bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình bị đau thần kinh tọa hoặc có bất kỳ triệu chứng nào liên quan, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác mức độ mắc bệnh; từ đó, lựa chọn ra phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp chẩn đoán đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Dưới đây là một số phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán đau thần kinh tọa:

1. Khám lâm sàng

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả đặc điểm của cơn đau, cách thức gây đau; thói quen vận động, sinh hoạt; đồng thời hỏi về thời điểm bắt đầu của triệu chứng cùng với các yếu tố có thể làm tăng cường triệu chứng.
  • Khám cơ thể: Bác sĩ có thể kiểm tra mức độ đau của chân khi chuyển động, độ nhạy cảm da và sức mạnh cơ chân của bạn. Họ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số động tác cụ thể để xác định vị trí và mức độ của đau, chẳng hạn như bài kiểm tra đi dạo, nâng cao đùi trong tư thế nằm ngửa, cúi hoặc khom lưng,…

2. Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: Dùng để xem cấu trúc của xương và tìm các dấu hiệu của bệnh thoái hóa đốt sống;
  • Chụp cắt lớp CT: Cung cấp thông tin chi tiết và toàn diện hơn chụp X-quang, giúp phát hiện các vấn đề ở xương và mô mềm (đĩa đệm, cơ, dây thần kinh,…). Điều này rất quan trọng khi bác sĩ cần xác định nguyên nhân của đau thần kinh tọa, ví dụ như một đĩa đệm bị thoát vị;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Giúp bác sĩ quan sát cả xương và mô mềm, bao gồm đĩa đệm và thần kinh, hỗ trợ tìm kiếm các dấu hiệu bất thường ở cả xương, mạch máu, tủy sống, đĩa đệm và dây thần kinh;
  • Đo điện cơ: Được sử dụng để đo hiệu suất hoạt động dẫn truyền điện của hệ thần kinh đến cơ. Phương pháp đo điện cơ đồ (EMG), giúp xác định nếu thần kinh tọa hoặc các thần kinh khác có bị tổn thương không, có hoạt động bình thường hay không.
Phương pháp chẩn đoán đau thần kinh tọa

Ảnh chụp MRI cột sống cho thấy chính xác vị trí dây thần kinh tọa bị chèn ép

Cách điều trị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể được điều trị thông qua nhiều phương pháp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra bệnh. Dưới đây là một số cách điều trị đau thần kinh tọa thường được sử dụng:

1. Điều trị không dùng thuốc

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập chuyển động chân cụ thể có thể giúp cải thiện độ linh hoạt của cơ bắp, giảm cứng khớp và hỗ trợ giảm đau. Một số bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa phổ biến bao gồm: đi bộ chậm, nằm ngửa và thực hiện động tác đạp xe với sự trợ giúp của một chuyên viên vật lý trị liệu, ngồi tại chỗ và co duỗi từng chân,…
  • Massage: Giúp giảm căng thẳng, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau và viêm;
  • Liệu pháp nhiệt: Đối với một số người, việc sử dụng các liệu pháp nhiệt như chườm lành hoặc sưởi ấm bằng tia hồng ngoại 20 phút mỗi ngày giúp kích thích tuần hoàn máu và giảm đau hiệu quả.

2. Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Như paracetamol (acetaminophen) hoặc các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) như ibuprofen;
  • Thuốc chống dị cảm: Giúp giảm đau dây thần kinh và chống co giật hiệu quả, chẳng hạn như gabapentin (neurontin) hoặc pregabalin (lyrica),…
  • Thuốc giãn cơ: Giúp giảm các triệu chứng đau do cơ bị co thắt, chẳng hạn như tolperisone và eperisone,…
  • Tiêm chất giảm đau: Tiêm chất giảm đau có thành phần chứa steroids vào khu vực xung quanh thần kinh tọa có thể giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả;

Điều trị có xâm lấn (phẫu thuật): Trong trường hợp thần kinh tọa bị chèn ép nghiêm trọng do một đĩa đệm bị thoát vị hoặc do một nguyên nhân cơ học khác, phẫu thuật có thể được cân nhắc để chữa trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh;

3. Các phương pháp khác

  • Châm cứu: Đối với một số người, châm cứu có thể giúp khơi thông kinh lạc, hỗ trợ giảm đau.
  • Dùng máy giảm đau: Máy giảm đau thần kinh tọa được sử dụng phổ biến hiện nay là dòng máy kích thích thần kinh TENS (therapeutic electrical nerve stimulation). Thiết bị này có thể giúp bạn giảm đau bằng cách truyền xung điện đến cơ bắp, xuyên qua da để kích thích hệ thần kinh và hỗ trợ giảm đau;

Lưu ý, trên thực tế, phác đồ điều trị đau thần kinh tọa có thể là sự kết hợp của nhiều phương pháp kể trên. Trong mọi tình huống, bác sĩ sẽ là người quyết định đâu là phương pháp điều trị cụ thể nên dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Cách điều trị đau thần kinh tọa

Tiêm thuốc giảm đau chứa steroids là cách điều trị đau thần kinh tọa ở mức độ nặng

Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không?

Trong hầu hết trường hợp, đau thần kinh tọa có thể chữa khỏi, nhưng vẫn có thể tái phát nhất là những trường hợp đau thần kinh tọa mạn tính. Cụ thể, hiệu quả chữa đau thần kinh tọa phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra bệnh:

Nguyên nhân gây bệnh Có thể chữa khỏi không? Cách chữa trị
Nguyên nhân cơ học (thoát vị / thoái hóa đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống, chấn thương…) Có thể – Uống thuốc;
– Phẫu thuật;- Tập vật lý trị liệu hoặc sử dụng các liệu pháp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng;- Điều chỉnh lối sống (sinh hoạt, vận động, ăn uống,…).
Nguyên nhân không cơ học (viêm nhiễm, chấn thương ngoại vi,…)
Đau không rõ nguyên nhân
Đau mạn tính (không phụ thuộc nguyên nhân) Không Mục tiêu chính của điều trị là giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách:

– Uống thuốc giảm đau;
– Phẫu thuật (nếu cần);

– Điều chỉnh lối sống (sinh hoạt, vận động, ăn uống,…).

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thần kinh tọa

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thần kinh tọa cần tập trung vào việc bổ sung nhiều dưỡng chất kháng viêm để hỗ trợ điều trị và giảm nhẹ triệu chứng. Để thực hiện mục tiêu giảm viêm hoặc ức chế viêm trong cơ thể, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thần kinh tọa cần chứa nhiều:

  • Chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, selenium, flavonoids, carotenoids, glucosinolates,… giúp giảm viêm và hỗ trợ quá trình phục hồi. Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: rau củ, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, hạt và trứng.
  • Chất béo không bão hòa: Các axit béo không bão hòa như omega-3, 6, 9 có thể giúp giảm viêm, tăng cường hiệu quả dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ cải thiện hiện tượng dị cảm. Các nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…), dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hạt cải) và quả bơ chín.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thần kinh tọa

Bổ sung nhiều chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, hỗ trợ tăng cường sức khỏe thần kinh và cột sống

Cuối cùng, bên cạnh việc bổ sung thực phẩm kháng viêm, người bệnh đau thần kinh tọa cũng cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thực phẩm gây viêm. Một số thực phẩm gây viêm bạn cần hạn chế tiêu thụ bao gồm:

  • Thực phẩm giàu đường: Hoa quả sấy khô, nước giải khát chứa đường, ngũ cốc tinh chế, bánh kẹo ngọt,…;
  • Thực phẩm giàu axit béo chuyển hóa và chất béo bão hòa: Thức ăn nhanh, thịt gia súc / gia cầm chứa phần mỡ, sữa nguyên kem, bơ động vật,…;
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Lạp xưởng, xúc xích, pa-tê, đồ ăn đóng hộp,…

Bệnh đau dây thần kinh tọa có thể phòng ngừa được không?

Bệnh đau dây thần kinh tọa có thể được phòng ngừa trong một số trường hợp nhất định. Ngược lại, đối với những tình huống đau thần kinh tọa không rõ nguyên nhân hoặc nguyên nhân là do chấn thương không thể đoán trước, bạn gần như không thể ngăn ngừa được những trường hợp này.

Mặc dù không phải tất cả trường hợp đau thần kinh tọa đều có thể phòng ngừa, nhưng có một số biện pháp hữu ích mà bạn có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này, trong đó bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp tăng cường sức khỏe cột sống, cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ chèn ép dây thần kinh. Tập thể dục cũng giúp tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của cơ lưng và bụng, góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh cột sống, có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa;
  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Béo phì tăng áp lực lên cột sống và có thể làm tăng nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa. Do đó, giữ cân nặng vừa phải giúp bạn hạn chế rủi ro tổn thương dây thần kinh tọa;
  • Nâng đồ đúng cách: Hạn chế tối đa việc nâng vật nặng quá sức. Khi nâng vật nặng, hãy đảm bảo phần lưng dưới của bạn luôn thẳng để tránh gây áp lực quá mức lên phần rễ thần kinh tọa ở gần vùng thắt lưng;
  • Hạn chế việc ngồi lâu: Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải ngồi lâu, hãy đứng dậy và vận động ít nhất mỗi giờ một lần. Bên cạnh đó, sử dụng gối đỡ lưng hoặc ghế công thái học để giữ lưng luôn thẳng cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa;
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây viêm: Bao gồm việc ăn uống khoa học, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với vùng có nhiều vi khuẩn, virus có thể gây viêm;
  • Quản lý yếu tố nguy cơ: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, hãy kiểm soát lượng đường trong máu của mình để giảm nguy cơ bị tổn thương thần kinh.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia và thuốc lá: Cả hai đều làm tăng nguy cơ ung thư, tổn thương mạch máu và dây thần kinh, bao gồm cả những mô mềm và mạch máu nằm xung quanh dây thần kinh tọa;
  • Tránh các tình huống có nguy cơ chấn thương: Điều này bao gồm việc sử dụng dây đai an toàn khi lái xe, đảm bảo an toàn lao động khi phải làm việc trên cao và lưu ý mặc đồ bảo hộ đầy đủ khi tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm.
Bệnh đau dây thần kinh tọa có thể phòng ngừa được không?

Tập thể dục và vận động đúng tư thế là cách hỗ trợ phòng ngừa bệnh đau thần kinh tọa hiệu quả

Nghi đau thần kinh tọa: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu nghi ngờ mình bị đau thần kinh tọa, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau:

1. Triệu chứng thông thường

  • Đau ở một bên hông hoặc mông và có thể lan xuống chân, thường chỉ ở một bên chân;
  • Đau lưng dưới không rõ nguyên nhân;
  • Cảm giác như có “dòng điện” kết nối với chân mỗi khi cơn đau bộc phát;
  • Tê, nóng rát, mất cảm giác hoặc nhức ở phần cẳng chân.

Đối với những triệu chứng như trên, nếu chúng không tự thuyên giảm sau một tuần điều trị tại nhà (như nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau không kê đơn), bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

2. Triệu chứng nghiêm trọng

  • Mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện (đi tiểu hoặc đại tiện không tự chủ);
  • Yếu hoặc mất cảm giác ở cả hai chân đến mức không thể đứng hoặc đi lại;
  • Đau nghiêm trọng hoặc cảm giác tê liệt ở phần dưới cơ thể;
  • Đau ở lưng dưới kết hợp với sốt.

Trên đây là những triệu chứng đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức, người bệnh cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám toàn diện.

Tóm lại, nhận biết và hiểu rõ đau dây thần kinh tọa không chỉ giúp bạn phòng tránh bệnh mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh tới cuộc sống hàng ngày. Việc nắm vững triệu chứng, nguyên nhân và biết cách trị bệnh khoa học chính là “chìa khóa vàng” giúp vượt qua những cơn đau thần kinh tọa một cách hiệu quả.

Rate this post
10:52 07/10/2023