Cách trị sỏi thận: 6 phương pháp và chỉ định điều trị cụ thể

15/09/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Sỏi thận là bệnh lý gây ra nhiều đau đớn và phiền toái cho người bệnh, nhưng không phải tất cả mọi người đều biết cách trị sỏi thận hiệu quả và an toàn. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận ra đời, giúp loại bỏ được nhiều loại sỏi khác nhau. Vậy, đâu là cách chữa sỏi thận phù hợp nhất dành cho bạn? Ngay trong bài viết sau, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ giới thiệu đến bạn 6 cách điều trị sỏi thận phổ biến nhất hiện này, kèm theo đó là chỉ định cụ thể, giúp bạn dễ dàng lựa chọn được phương pháp trị sỏi thận tối ưu cho riêng mình.

6 cách trị sỏi thận an toàn, khoa học [Kèm chống chỉ định cụ thể]

Đâu là cách trị sỏi thận tối ưu dành cho bạn?

Khi nào sỏi thận cần điều trị?

Không phải tất cả sỏi thận đều cần điều trị bởi một số loại sỏi thận có thể tự trôi ra ngoài thông qua quá trình bài tiết tự nhiên của cơ thể. Việc quyết định có cần điều trị sỏi thận hay không phụ thuộc vào kích thước, vị trí của sỏi cũng như triệu chứng mà chúng gây ra. Cụ thể, bạn cần xem xét điều trị sỏi thận ngay khi phát hiện:

  • Kích thước sỏi lớn: Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi qua đường tiết niệu một cách tự nhiên, nhưng sỏi lớn (thường lớn hơn 5mm) thì khó tự đi ra ngoài hơn và có thể cần can thiệp y tế để loại bỏ;
  • Sỏi không tự trôi trong niệu quản: Một số sỏi, mặc dù nhỏ, vẫn không thể tự đi qua hệ tiết niệu do số lượng sỏi quá nhiều, cần can thiệp y tế để loại bỏ;
  • Dấu hiệu tắc nghẽn: Sỏi có thể chặn đường lưu thông của nước tiểu, gây tắc nghẽn (bí tiểu), dẫn đến trào ngược niệu quản, gây tổn thương thận;
  • Dấu hiệu nhiễm trùng: Nếu sỏi gây ra nhiễm trùng, hành sốt, phù nề thận,… bạn cần được nhập viện điều trị ngay lập tức để tránh suy thận cấp tính;
  • Dấu hiệu khác: Chẳng hạn như đau ở lưng hoặc bên hông, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt hoặc khối lượng tiểu bất thường;

Tóm lại, nếu bạn nghi ngờ mình có sỏi thận hoặc đang trải qua triệu chứng liên quan, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết liệu mình có cần điều trị hay không, cũng như áp dụng cách trị sỏi thận nào là phù hợp.

Khi nào sỏi thận cần điều trị?

Tiểu buốt, tiểu rắt là những triệu chứng đáng ngờ cảnh báo sỏi thận

Hướng dẫn cách trị sỏi thận đúng khoa học

Dưới đây là danh sách 6 cách trị sỏi thận đúng khoa học, phổ biến, an toàn và hiệu quả mà bạn cần quan tâm:

1. Điều trị sỏi thận nội khoa

Điều trị sỏi thận nội khoa là phương pháp làm tan sỏi thận bằng những kỹ thuật không xâm lấn, chẳng hạn như: dùng thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc tan sỏi,… đồng thời kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để ức chế quá trình tạo sỏi.

Chỉ định

Điều trị nội khoa là một lựa chọn thích hợp cho những người có sỏi nhỏ dưới 5mm, chưa gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau nhức, bí tiểu, nhiễm trùng, hành sốt.

Quá trình thực hiện

  • Uống nhiều nước: Trong hầu hết trường hợp, uống nhiều nước là cách trị sỏi thận hiệu quả và dễ thực hiện nhất. Người bệnh sỏi thận cần uống ít nhất 1.8 – 3.6 lít nước / ngày để giúp sỏi dễ dàng được đào thải ra ngoài cơ thể;
  • Điều chỉnh chế độ ăn: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu oxalat, canxi, purines, methionine,… tùy thuộc vào từng loại sỏi;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu thường chứa hydrochlorothiazide, chlorthalidone hoặc indapamide, góp phần làm giảm hàm lượng natri / canxi trong nước tiểu; từ đó, hạ thấp nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat hoặc canxi photphat;
  • Thuốc giãn cơ tiết niệu: Còn được gọi là thuốc chặn alpha, có tác dụng giãn cơ, làm giảm các cơn đau do co thắt niệu quản và hỗ trợ sỏi thận di chuyển qua đường tiết niệu dễ dàng hơn;
  • Thuốc kiềm hóa nước tiểu: Bổ sung dung dịch kali citrate để gia tăng độ pH của nước tiểu, khiến sỏi thận khó hình thành hơn. Đôi lúc, người bệnh sỏi thận thường được chỉ định bổ sung thuốc chứa allopurinol để hạ thấp nồng độ axit uric trong bể thận, ngăn ngừa nguy cơ tạo sỏi;
  • Thuốc giảm đau: Có thể sử dụng paracetamol, ibuprofen hoặc các thuốc giảm đau khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều trị sỏi thận nội khoa

Trong điều trị nội khoa, người bệnh chỉ cần uống thuốc và điều chỉnh chế độ ăn theo chỉ định từ bác sĩ

Ưu điểm

  • Không xâm lấn, ít đau đớn;
  • Chi phí thấp hơn so với các biện pháp can thiệp.

Nhược điểm

  • Không phải lúc nào cũng hiệu quả, đặc biệt với những viên sỏi lớn;
  • Cần kiên nhẫn vì quá trình hòa tan và đào thải sỏi ra khỏi cơ thể có thể mất một khoảng thời gian dài;
  • Có khả năng sỏi tái phát nếu không thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn.

Lưu ý khi thực hiện

  • Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ;
  • Thường xuyên kiểm tra và theo dõi kích thước và vị trí của sỏi qua siêu âm hoặc X-quang;
  • Luôn theo dõi triệu chứng và tình trạng sức khỏe. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, tắc nghẽn, hoặc triệu chứng đau kéo dài, bạn cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

Tóm lại, nếu vẫn đang xem xét đâu là cách trị sỏi thận, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết phương pháp nào là phù hợp và hiệu quả nhất cho tình trạng sỏi của mình.

2. Phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích

Tán sỏi bằng sóng xung kích (Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy – ESWL) là một cách trị sỏi thận không xâm lấn, sử dụng năng lượng từ sóng rung ở tần số cao để phá vỡ sỏi thận. Sau khi thực hiện, sỏi trong thận sẽ được nghiền vụn thành từng mảnh nhỏ và được đào thải ra bên ngoài cơ thể thông qua con đường tiểu tiện tự nhiên.

Chỉ định

  • Sỏi thận và sỏi niệu đạo có kích thước dưới 2cm, tốt nhất là dưới 1.5cm;
  • Sỏi nằm ở những vị trí mà sóng xung kích có thể tiếp cận hiệu quả;
  • Ưu tiên người bệnh có thận khỏe, chưa bị tổn thương mô hoặc suy thận từ trước.

Chống chỉ định

  • Phụ nữ mang thai (vì sóng xung kích có thể ảnh hưởng đến thai nhi);
  • Những người bị rối loạn đông máu hay nhiễm trùng ở thận;
  • Những người gặp bất thường nghiêm trọng về xương;
  • Những những người mắc bệnh béo phì hoặc có đặt máy trợ tim.

Quá trình thực hiện

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn điều trị, được gây mê hoặc cho uống thuốc an thần và gây tê cục bộ;
  • Một chiếc đệm mềm chứa đầy nước có thể được đặt trên bụng hoặc phía sau thận của bạn để định hình vị trí của thận và hỗ trợ giảm chấn (hấp thụ sóng xung kích);
  • Một máy phát sóng xung kích được bên hông người bệnh, cạnh vùng thận và sóng xung kích được hướng thẳng vào sỏi;
  • Sau 45 – 60 phút, sỏi sẽ được phá vỡ thành các mảnh nhỏ, giúp chúng có thể tự đi ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu.
chữa sỏi thận, Phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích

Minh họa cơ chế hoạt động của phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích

Ưu điểm

  • Không xâm lấn (không cần phẫu thuật);
  • Đau đớn ít hơn so với các phương pháp xâm lấn khác;
  • Thời gian hồi phục nhanh.

Nhược điểm

  • Không hiệu quả với sỏi có kích thước lớn hoặc cứng;
  • Có thể cần nhiều lần điều trị để phá vỡ hoàn toàn sỏi;
  • Có khả năng gây ra các biến chứng làm tổn thương thận, dẫn đến tiểu ra máu, viêm niệu đạo;
  • Có thể gây bầm tím ở lưng hoặc bụng.

Lưu ý khi thực hiện

  • Sau khi điều trị, bạn sẽ có máu trong nước tiểu và có thể bị đau bụng hoặc đau nhức trong vài ngày;
  • Một số người có thể trải qua cơn đau quặn thắt dữ dội khi những mảnh sỏi trôi trong niệu quản và niệu đạo. Lúc này, uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước sẽ giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng kể trên;
  • Bệnh nhân nên được giám sát sau khi điều trị để đảm bảo rằng mọi mảnh sỏi đều được đào thải ra khỏi cơ thể. Thông thường, sau ESWL, có khoảng 50% số người bệnh sẽ hết sỏi trong vòng một tháng, số còn lại phải tiến hành trị liệu thêm nhiều lần;
  • Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần đặt một ống dẫn niệu (stent) để giúp sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn;
  • Bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ biến chứng nào sau khi điều trị, như đau kéo dài, sốt, khó chịu đi tiểu tiện,…

Như mọi biện pháp điều trị y tế khác, bạn nên thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng phương pháp ESWL để đảm bảo rằng đây là lựa chọn tốt nhất cho tình trạng sỏi của bạn.

3. Nội soi niệu quản và bàng quang

Nội soi niệu quản và bàng quang (ureteroscopy) là một kỹ thuật điều trị sỏi thận bằng cách luồn một ống dẫn mỏng (có gắn camera, đèn chiếu sáng và dụng cụ kẹp sỏi ở đầu ống) vào niệu đạo, xuyên qua bàng quang và đi vào thận. Phương pháp này giúp các bác sĩ có thể quan sát và can thiệp trực tiếp vào việc phá vỡ sỏi thận một cách trực quan.

Chỉ định

  • Sỏi nằm trong niệu quản hoặc gần cổ bàng quang;
  • Sỏi không thể được loại bỏ hoặc phá vỡ bằng phương pháp sóng xung kích;
  • Sỏi có kích thước nhỏ đến trung bình.

Quá trình thực hiện

  • Bệnh nhân thường được gây tê toàn thân hoặc gây tê cục bộ;
  • Một ống nội soi mỏng được đưa vào qua niệu đạo, đi lên niệu quản để tới vị trí của sỏi;
  • Khi đã xác định được vị trí sỏi, bác sĩ sẽ sử dụng các công cụ nhỏ đi kèm với ống nội soi để lấy sỏi hoặc sử dụng tia laser để phá vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ hơn.
điều trị sỏi thận, Nội soi niệu quản và bàng quang

Minh họa quy trình nội soi niệu quản chữa sỏi thận

Ưu điểm

  • Phương pháp có xâm lấn nhưng không cần phẫu thuật mở;
  • Có thể loại bỏ sỏi mà không cần phá vỡ chúng;
  • Hiệu quả cao, chỉ cần nội soi một lần là đã loại bỏ được toàn bộ sỏi.

Nhược điểm

  • Rủi ro nhiễm trùng;
  • Có khả năng gây tổn thương niệu quản;
  • Người bệnh có thể cần đặt ống thông tiểu sau khi điều trị để giúp niệu quản hồi phục và đảm bảo dòng nước tiểu thông suốt.

Lưu ý khi thực hiện

  • Người bệnh cần được đảm bảo không có nhiễm trùng niệu đạo hoặc bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào khác trước khi thực hiện;
  • Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi thực hiện nội soi để phát hiện sớm và xử lý bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra, đặc biệt là các dấu hiệu nhiễm trùng.

4. Tán sỏi thận xuyên da

Tán sỏi thận qua da (percutaneous nephrolithotomy – PCNL) là một phương pháp phẫu thuật loại bỏ sỏi thận thông qua một lỗ rò nhỏ được rạch ở phần da lưng hoặc bên hông bụng. Thông qua lỗ rò này, bác sĩ sẽ đưa vào thận các dụng cụ đặc biệt để xác định vị trí và loại bỏ sỏi khỏi thận.

Chỉ định

  • Sỏi thận có kích thước lớn (thường lớn hơn 1.5cm);
  • Sỏi ở những vị trí không thể được loại bỏ bằng sóng xung kích hay nội soi niệu quản;
  • Sỏi cứng, có kết cấu phức tạp.
cách điều trị sỏi thận, Tán sỏi thận xuyên da

Minh họa cơ chế hoạt động của phương pháp tán sỏi thận xuyên da

Quá trình thực hiện

  • Bệnh nhân thường được gây mê toàn thân;
  • Bác sĩ sử dụng hình ảnh siêu âm hoặc X-quang để xác định vị trí của sỏi;
  • Một lỗ rò nhỏ được tạo ra trên vùng da lưng, qua đó một ống nội soi được đưa vào thận;
  • Sỏi sẽ được phá vỡ (thường bằng sóng siêu âm hoặc laser) và mảnh vỡ sẽ được lấy ra ngay trong cuộc phẫu thuật.

Ưu điểm

  • Hiệu quả cao đối với sỏi thận lớn hoặc ở vị trí khó tiếp cận;
  • Có thể loại bỏ sỏi trong một lần điều trị.

Nhược điểm

  • Phẫu thuật có tính xâm lấn sâu hơn so với tán sỏi bằng sóng xung kích và nội soi niệu quản;
  • Thời gian hồi phục lâu hơn so với các phương pháp không xâm lấn. Bệnh nhân cần nằm viện từ 1- 2 ngày sau mổ để theo dõi thêm;
  • Có rủi ro nhiễm trùng, chảy máu và tổn thương các cơ quan xung quanh.

Lưu ý khi thực hiện

  • Trước khi thực hiện, cần làm các xét nghiệm để đảm bảo rằng bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các nguy cơ gây biến chứng phẫu thuật (máu khó đông, tăng huyết áp, tiểu đường,…);
  • Theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu hoặc suy giảm chức năng thận;
  • Thông thường, sau phẫu thuật, một ống thoát dịch sẽ được đặt ở vết mổ và người bệnh có thể được đặt ống thông tiểu để ngăn nhiễm trùng.

Tóm lại, tán sỏi thận xuyên da là một cách trị sỏi thận hiệu quả, nhưng do tính chất xâm lấn nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định thực hiện. Việc thảo luận với bác sĩ về tất cả các tùy chọn điều trị là rất quan trọng.

5. Phẫu thuật mở

Trong phương pháp phẫu thuật mở, bác sĩ sẽ rạch một vết mổ ở phần bụng hoặc bên hông của người bệnh để loại bỏ sỏi một cách trực quan nhất. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được đặt một ống thông nhỏ gần thận để thoát nước tiểu cho đến khi thận lành lại. Với những tiến bộ của y học hiện đại, phẫu thuật mở hiện là cách điều trị sỏi thận ít phổ biến vì có tính xâm lấn cao.

Chỉ định

  • Sỏi cực lớn hoặc sỏi ở vị trí đặc biệt phức tạp;
  • Sỏi gây tắc nghẽn và viêm nhiễm nặng;
  • Khi các phương pháp ít xâm lấn khác như tán sỏi bằng sóng xung kích, tán sỏi qua da hoặc nội soi niệu quản không khả thi;
  • Bệnh nhân có dị tật giải phẫu hoặc đã trải qua nhiều lần phẫu thuật trước đó tại vùng lân cận.

Quá trình thực hiện

  • Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân;
  • Bác sĩ sẽ tiến hành một đường mổ trên bụng hoặc lưng, tùy vào vị trí của sỏi;
  • Thận sẽ được mở ra và sỏi sẽ được lấy ra trực tiếp;
  • Sau khi loại bỏ sỏi, vết mổ sẽ được khâu lại.
Phẫu thuật mở, cách trị sỏi thận

Phẫu thuật mở là cách điều trị sỏi thận có tính xâm lấn cao nên ít được chỉ định hơn các phương pháp khác

Ưu điểm

  • Hiệu quả cao, có thể loại bỏ hoàn toàn sỏi trong một lần phẫu thuật;
  • Khả năng kiểm soát và xử lý biến chứng (nếu có) trong quá trình phẫu thuật tốt hơn các phương pháp ít xâm lấn.

Nhược điểm

  • Phẫu thuật mở là cách điều trị sỏi thận xâm lấn cao nhất, có thời gian phục hồi lâu nhất trong tất cả các phương pháp điều trị sỏi thận;
  • Sau khi hết thuốc gây mê, vết mổ gây đau đớn hơn so với các phương pháp ít xâm lấn khác;
  • Tăng rủi ro biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, chảy máu, hoặc tổn thương cơ quan lân cận.

Lưu ý khi thực hiện

  • Cần làm kỹ các xét nghiệm trước phẫu thuật để đánh giá tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng phẫu thuật của bệnh nhân;
  • Theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng;
  • Bệnh nhân cần được hướng dẫn về việc chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật, bao gồm hạn chế vận động và điều chỉ chế độ ăn uống khoa học.

Tóm lại, dù phẫu thuật mở là cách điều trị sỏi thận có hiệu quả cao, nhưng do tính chất xâm lấn của nó, bác sĩ thường chỉ xem xét phẫu thuật mở là lựa chọn cuối cùng, sau khi đã cân nhắc và thử nghiệm các biện pháp ít xâm lấn khác.

6. Kết hợp điều trị các bệnh lý khác phòng ngừa tái phát

Để phòng ngừa sự tái phát sỏi thận sau điều trị, ngoài việc đảm bảo uống ít nhất 2 – 3 lít nước / ngày, người bệnh còn có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm một số thủ tục y khoa sau:

Hướng điều trị Triệu chứng / Điều kiện áp dụng
– Ăn chế độ ăn nhiều muối (6 – 9g / ngày) và protein (1.2 g / kg / ngày)

– Kiểm soát canxi: 800 – 1000mg / ngày

Tăng nồng độ canxi trong nước tiểu mà không rõ nguyên nhân
– Kê đơn thuốc Allopurinol Nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng trên 4 mmol / ngày hoặc tăng oxalate mà không rõ nguyên nhân
– Bổ sung kháng sinh Cotrimoxazol hoặc Quinolone trong 2 – 3 tháng Sỏi thận do nhiễm trùng
– Uống trên 3 lít nước / ngày;

– Bổ sung 8 – 16g natri bicarbonat / ngày.

Sỏi cystin
– Phẫu thuật tuyến cận giáp Sỏi canxi hình thành do tuyến cận giáp hoạt động quá mức
Kết hợp điều trị các bệnh lý khác phòng ngừa tái phát

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong kế hoạch ngăn ngừa bệnh sỏi thận tái phát

Biến chứng của điều trị sỏi thận có thể xảy ra

Dù áp dụng cách điều trị sỏi thận nào, bạn cũng đều có nguy cơ gặp phải một số biến chứng liên quan đến đau rát, nhiễm trùng, chảy máu hay thậm chí tái phát bệnh sau khi đã loại bỏ những viên sỏi cũ. Chi tiết hơn, các biến chứng phổ biến sau điều trị sỏi thận có thể bao gồm:

  • Gây đau: Đau cục bộ ở vùng điều trị hoặc đau lan rộng khi các mảnh sỏi di chuyển qua niệu quản.
  • Nhiễm trùng:
    • Có thể xảy ra nhiễm trùng ở vùng điều trị hoặc nhiễm trùng niệu đạo;
    • Trong trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể lan sang máu gây nên septicemia (nhiễm khuẩn huyết).
  • Chảy máu:
    • Có thể xảy ra chảy máu nội mô sau khi tán sỏi hoặc sau phẫu thuật;
    • Trong một số trường hợp, cần phải tiến hành phẫu thuật hoặc thủ thuật khác để kiểm soát chảy máu.
  • Tổn thương các cơ quan lân cận: Các phương pháp xâm lấn có thể gây tổn thương cho các cơ quan xung quanh như niệu quản, bàng quang, ruột, hoặc dây thần kinh.
  • Sỏi không được loại bỏ hoàn toàn: Một số mảnh sỏi nhỏ có thể không được loại bỏ hoàn toàn và có thể trở thành tâm điểm cho sự hình thành sỏi mới.
  • Tắc nghẽn niệu quản: Mảnh sỏi sau khi bị phá vỡ có thể tạo ra tắc nghẽn ở niệu quản, gây đau và có thể cần uống thuốc giảm đau.
  • Tái phát sỏi thận: Nguy cơ hình thành sỏi mới sau điều trị là rất cao nếu nguyên nhân hình thành sỏi chưa được kiểm soát triệt để.
  • Biến chứng từ dụng cụ hoặc hóa chất khác:
    • Nếu sử dụng cách điều trị sỏi thận là nội soi: Có thể gây ra tổn thương niệu quản hoặc bàng quang.
    • Nếu áp dụng phương pháp tán sỏi thận xuyên da: Có thể gây rò nước tiểu xung quanh thận (urinoma) và dẫn đến viêm túi khí phổi;
    • Sốc phản vệ, dị ứng, đau đầu hoặc rối loạn tiêu hóa: Là những phản ứng phổ biến đối với thuốc gây mê hoặc các dược phẩm khác được sử dụng trong quá trình điều trị sỏi thận.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro và biến chứng, việc chẩn đoán chính xác, lựa chọn đúng cách điều trị sỏi thận và theo dõi chặt chẽ sau điều trị là rất quan trọng.

Biến chứng của điều trị sỏi thận có thể xảy ra

Đau rát và khó tiểu tiện là những biến chứng phổ biến sau điều trị sỏi thận

Bị sỏi thận không chữa thì sao?

Nếu sỏi thận không được chữa trị thì tùy thuộc vào kích thước, vị trí của sỏi và cơ địa của mỗi người, bệnh có thể gây nên các triệu chứng và biến chứng khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Cảm giác đau buốt dữ dội: Sỏi di chuyển xuống niệu quản có thể gây ra cơn đau buốt vô cùng mạnh mẽ. Đau thường xuất phát từ hông và lan xuống bên hông và phần trước bụng;
  • Tắc nghẽn: Sỏi có thể tạo ra tắc nghẽn ở niệu quản, gây áp lực lên thận và ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận;
  • Nhiễm trùng: Sỏi có thể là nơi trú ẩn cho vi khuẩn, dẫn đến viêm nhiễm ở niệu đạo, niệu quản, bàng quang, thậm chí cả thận (viêm thận). Nếu nhiễm trùng không được điều trị, vi khuẩn có thể lọt vào máu, gây nên nhiễm khuẩn huyết, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng;
  • Suy thận: Tắc nghẽn và áp lực lên thận kéo dài có thể gây tổn thương thận, làm giảm chức năng thận tạm thời (cấp tính) hoặc vĩnh viễn (mạn tính);
  • Tăng huyết áp: Sự tăng áp lực trong thận do tắc nghẽn và sự giãn nở của niệu quản có thể dẫn đến tăng huyết áp;
  • Hình thành sỏi lớn hơn: Nếu sỏi không di chuyển hoặc không được loại bỏ, chúng có thể tiếp tục tăng kích thước, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn trong tương lai;
  • Chạy thận lọc máu: Trong trường hợp hiếm hoi và diễn tiến cực kỳ nặng, sỏi thận không được điều trị có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối (suy thận), buộc người bệnh phải được lọc máu (dialysis) hoặc cấy ghép thận để duy trì sự sống.

Mặc dù không phải tất cả trường hợp sỏi thận đều cần điều trị (điển hình như những viên sỏi nhỏ và không gây triệu chứng có thể được theo dõi thay vì điều trị), nhưng bạn tuyệt đối không nên xem nhẹ việc tìm hiểu những biến chứng nguy hiểm mà sỏi thận có thể gây ra. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế để chọn lựa được cách trị sỏi thận phù hợp nhất.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của y học, chúng ta hiện đang có đến 6 cách trị sỏi thận an toàn và khoa học. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về ưu nhược điểm của từng cách điều trị sỏi thận, cũng như chỉ định cụ thể cho mỗi trường hợp. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và mau chóng tìm được một cách chữa sỏi thận phù hợp với bản thân mình!

Rate this post
13:06 15/09/2023