Theo ước tính, có khoảng 13.41% tổng số ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam là do bệnh lý động mạch vành gây nên. Do đó, hiểu rõ về vị trí, cấu tạo và chức năng của động mạch vành là bước đầu tiên vô cùng quan trọng, giúp bạn có thể lựa chọn được cách bảo vệ động mạch vành một cách hiệu quả. Vậy, động mạch vành là gì? Đâu là những dấu hiệu “âm thầm” cảnh báo bệnh động mạch vành tim mà bạn cần lưu tâm? Để bảo vệ sức khỏe mạch vành, bạn cần tuân thủ theo những nguyên tắc nào? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Động mạch vành là gì? Cấu trúc của động mạch vành ra sao?
Động mạch vành là gì?
Động mạch vành là những mạch máu chuyên cung cấp máu giàu oxy cho tim. Do tim là cơ quan hoạt động không ngừng, ngay cả trong lúc bạn ngủ, nên việc cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho tim hoạt động xuyên suốt, hiệu quả là điều cực kỳ quan trọng.
Động mạch vành nằm ở đâu?
Động mạch vành chạy trên bề mặt tim, bao quanh toàn bộ trái tim để cung cấp máu giàu oxy cho tim. Động mạch vành bắt nguồn từ xoang valsalva, tức gốc (chỗ phình to ra) của động mạch chủ ngay sau khi rời khỏi tim. Động mạch vành thường có đường kính từ 3 – 4 mm, nhỏ hơn một chút so với đường kính của ống hút uống nước và kích thước này có thể thay đổi tùy theo giới tính, cân nặng và sắc tộc của bạn.
Chức năng của động mạch vành
Động mạch vành chịu trách nhiệm cung cấp máu giàu oxy và dưỡng chất cho cơ tim, giúp đảm bảo rằng cơ tim – bộ phận quan trọng giúp bơm máu đi khắp cơ thể – hoạt động ổn định và hiệu quả. Động mạch vành là một bộ phận quan trọng đối với sức khỏe tim mạch vì nếu lưu lượng máu qua động mạch này bị giảm hoặc tắc nghẽn, cơ tim sẽ bị thiếu oxy, dẫn đến tổn thương cơ tim, có thể gây ra đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (tử vong đột ngột).

Động mạch vành là hệ thống mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ tim duy trì hoạt động
Cấu trúc, vị trí của động mạch vành
Động mạch vành bao gồm 2 phần riêng biệt, đó là động mạch vành trái và động mạch vành phải. Mỗi động mạch vành trái / phải sau đó lại chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn, cụ thể như sau:
1. Động mạch vành trái (Left Main Coronary Artery – LMCA)
Giúp cung cấp máu cho tâm nhĩ trái, tâm thất trái và ⅔ vách ngăn liên thất (lớp ngăn cách giữa tâm thất trái và tâm thất phải). Động mạch vành trái được chia thành 2 nhánh khác nhau, bao gồm:
- Nhánh động mạch liên thất trước (Left Anterior Descending – LAD): Là một trong những nhánh lớn của LMCA, còn được gọi là động mạch LAD hoặc nhánh trước xuống trái:
- Vị trí: Chạy dọc theo mặt trước của tim, từ trên xuống dưới;
- Chức năng: Cung cấp máu cho mặt trước và mặt dưới của tâm thất trái cùng mặt trước của vách ngăn tim.
- Nhánh động mạch mũ trái (Left Circumflex Artery): Là một nhánh khác của LMCA, có kích thước nhỏ hơn động mạch LAD:
- Vị trí: Uốn lượn xung quanh mặt trái phía sau tim;
- Chức năng: Cung cấp máu cho tâm nhĩ trái, mặt bên và mặt sau của tâm thất trái.
2. Động mạch vành phải (Right Coronary Artery – RCA)
Bắt đầu từ gốc của động mạch chủ và chạy dọc theo mặt phải của tim. RCA được chia thành 2 nhánh nhỏ:
- Nhánh động mạch nón (Conus / Arteriosus Artery): Là nhánh đầu tiên của động mạch vành phải (RCA):
- Vị trí: Vị trí cụ thể của động mạch nón có thể thay đổi tùy thuộc vào từng cá nhân. Song, nó thường đầu từ phần đầu của RCA, chạy lên hướng tới cơ nón và một phần của buồng tim phải gần van động mạch chủ;
- Chức năng: Cung cấp máu cho cơ nón (phần cơ tim phía trên của buồng tim phải gần van động mạch chủ).
- Nhánh động mạch nhĩ phải trước (Anterior Right Atrial Arteries – ARAA):
- Vị trí: Bắt nguồn từ động mạch chủ lên trước (anterior ascending aorta – AAO);
- Chức năng: Cung cấp máu cho phần trước của tâm nhĩ phải, rãnh liên nhĩ và một phần của tâm nhĩ trái.
- Nhánh động mạch xoang (Sinoatrial Artery):
- Vị trí: Thường xuất phát từ động mạch vành phải nhưng trong một số người, nó có thể xuất phát từ động mạch mũ trái (phía bên động mạch vành trái);
- Chức năng: Cung cấp máu cho nút xoang nhĩ, bộ phận phát ra tín hiệu điện tự nhiên giúp tim bắt đầu co bóp và đặt nhịp đập cho toàn bộ tim.
- Động mạch liên thất sau (Posterior Descending Artery – PDA):
- Vị trí: Ở đa số mọi người, PDA là một nhánh của động mạch vành phải. Tuy nhiên, ở một số người, PDA có thể xuất phát từ động mạch mũ trái (phía bên động mạch vành trái);
- Chức năng: Cung cấp máu cho phần sau của vách ngăn liên thất và một phần của tâm thất phải. Động mạch này rất quan trọng vì nếu nó bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến mất máu ở một khu vực lớn của tim, gây ra cơn nhồi máu cơ tim.
- Nhánh bờ (Right Marginal Artery – RMA):
- Vị trí: Những nhánh này chạy dọc theo bờ (hoặc mép) của buồng tim phải. Tùy thuộc vào cơ cấu cụ thể của mỗi người, có thể có nhiều hơn một nhánh bờ;
- Chức năng: Cung cấp máu cho phần bên của tâm thất phải.

Minh họa cấu tạo động mạch vành
Các bệnh thường gặp ở động mạch vành
Bệnh động mạch vành là nhóm bệnh lý vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Một số bệnh động mạch vành thường gặp bao gồm:
- Bệnh mạch vành (Coronary Artery Disease – CAD): Bệnh này xuất phát từ việc tích tụ xơ vữa trên thành của động mạch vành, gây hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim.
- Hội chứng mạch vành cấp tính (Acute Coronary Syndrome – ACS): Là một nhóm các rối loạn gây ra bởi sự sụt giảm đột ngột của lưu lượng máu đến cơ tim, có thể gây biến chứng đau thắt ngực (angina) và nhồi máu cơ tim.
- Chứng phình động mạch vành (Coronary Artery Aneurysm): Là tình trạng một phần của thành mạch bị sưng bự lên hoặc giãn ra, thường là kết quả của tình trạng viêm hoặc tổn thương tại vị trí đó.
- Bất thường mạch vành bẩm sinh: Là các dị dạng động mạch vành xuất hiện từ lúc mới sinh, có thể bao gồm: động mạch vành đi sai đường, động mạch vành có độ rộng không đều hoặc sự kết nối không bình thường giữa các động mạch vành với các phần khác của tim.
- Co thắt mạch vành (Coronary Spasms): Sự co bóp đột ngột và tạm thời của động mạch vành, gây giảm hoặc tắc nghẽn lưu lượng máu đến cơ tim. Điều này có thể gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất (2020) của WHO, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong cao hàng thứ hai, chỉ đứng sau đột quỵ. Bệnh đã “âm thầm” cướp đi sinh mạng của hơn 91.000 người Việt mỗi năm, trong đó bao gồm cả những người trẻ tuổi. Do đó, không ngừng cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiểu biết về bệnh động mạch vành là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch vành bị tích tụ mảng bám xơ vữa quá mức gây hẹp hoặc tắc nghẽn dòng chảy của máu
Dấu hiệu sớm của bệnh động mạch vành
Dấu hiệu sớm của bệnh động mạch vành có thể không rõ ràng và khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở bệnh động mạch vành mà bạn có thể tham khảo:
- Đau thắt ngực: Là triệu chứng phổ biến nhất. Đau thắt ngực là cơn đau mang đến cho bạn cảm giác như có vật gì đè lên ngực hoặc bóp nghẹt lồng ngực. Cơn đau có thể đem đến cảm nhác nhói buốt, bỏng rát ở bên trái ngực (vị trí của tim) và có thể lan ra cánh tay, cổ, vai, hàm, lưỡi hoặc lưng.
- Khó thở: Cảm giác khó thở có thể diễn ra khi bạn nghỉ ngơi, đặc biệt trở nặng khi bạn tiến hành các hoạt động vận động hàng ngày;
- Rối loạn nhịp tim: Là sự sụt giảm đột ngột trong nhịp tim hoặc những cảm giác bất thường về nhịp đập của tim.
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Cảm giác mệt mỏi mà không có lý do rõ ràng, đặc biệt sau khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc vận động ở mức độ vừa và nhẹ;
- Buồn nôn và nôn mửa: Đôi khi kèm theo cảm giác áp lực ở ngực.
Cần lưu ý rằng không phải tất cả mọi người đều trải qua những triệu chứng giống nhau khi mắc bệnh động mạch vành. Một số người, đặc biệt là phụ nữ, có thể trải qua các triệu chứng khác nhau hoặc ít rõ ràng hơn. Do đó, việc hiểu và nhận biết các triệu chứng sớm của bệnh động mạch vành là điều kiện vô cùng quan trọng, giúp người bệnh có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp một cách kịp thời.

Đau thắt ngực là dấu hiệu sớm của bệnh động mạch vành
Làm thế nào ngăn ngừa bệnh động mạch vành?
Để ngăn ngừa bệnh động mạch vành, bạn cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động theo những nguyên tắc sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để kháng viêm, bảo vệ mạch máu (rau củ quả, đậu, hạt, ngũ cốc,…); đồng thời hạn chế tối đa thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol, chất béo chuyển hóa, muối và đường.
- Tập thể dục: Luyện tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần ở mức độ trung bình hoặc 75 phút mỗi tuần ở mức độ nặng giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, cải thiện sức mạnh cũng như sức bền của cơ tim và thành mạch máu;
- Giữ cân nặng ổn định: Béo phì là tác nhân thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng lên đáng kể Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành bị thừa cân hoặc béo phì. Do đó, nếu bạn thừa cân, hãy tìm cách giảm cân và sau đó duy trì cân nặng ổn định để bảo vệ sức khỏe tim mạch;
- Hạn chế rượu bia: Uống nhiều hơn 350ml bia hoặc 14g cồn mỗi ngày có thể góp phần gây ra bệnh tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh động mạch vành tiến triển. Do đó, để phòng bệnh, bạn cần uống rượu với liều lượng hợp lý hoặc không uống càng tốt;
- Không hút thuốc: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc là nguyên nhân đứng sau 18% số ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến bệnh động mạch vành. Do đó, nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách cai thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá càng sớm càng tốt;
- Quản lý huyết áp: Đo huyết áp định kỳ và tuân theo lời khuyên của bác sĩ về việc giữ áp huyết trong khoảng an toàn giúp bảo vệ mạch máu, bao gồm cả động mạch vành;
- Kiểm soát cholesterol và đường huyết: Duy trì mức cholesterol và đường huyết ổn định giúp kiểm soát tốt các phản ứng viêm có thể gây tổn thương, thúc đẩy bệnh động mạch vành tiến triển;
- Quản lý căng thẳng: Học cách giảm tải căng thẳng thông qua các hoạt động thư giãn như thiền, tập thể dục, nghe nhạc,… giúp điều hòa nồng độ cortisol, một loại hóc-môn khi tăng cao có thể kích thích viêm, làm tăng huyết áp và thúc đẩy bệnh tim mạch tiến triển;
- Duy trì giấc ngủ đủ và chất lượng: Theo Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ, thiếu ngủ có thể gây rối loạn nội tiết tố, tác động đến huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Do đó, bạn nên ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm và duy trì thói quen ngủ đều đặn để bảo vệ sức khỏe tim mạch;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ hoặc biểu hiện ban đầu của bệnh động mạch vành, giúp bạn phòng bệnh ngay từ sớm.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bạn chủ động trong việc phòng ngừa bệnh lý động mạch vành hiệu quả
Trong lĩnh vực khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lý động mạch vành, Trung tâm Tim mạch thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là cơ sở y tế luôn đứng đầu trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch chất lượng và chuyên nghiệp. Chúng tôi hiểu rằng việc tầm soát sức khỏe động mạch vành là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý liên quan động mạch vành.
Do đó, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã luôn không ngừng đổi mới để triển khai nhiều gói khám chuyên biệt dành cho động mạch vành, trong đó phải kể đến gói khám Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành có tiêm thuốc cản quang. Đây là một dịch vụ chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp bạn quan sát rõ điểm tắc nghẽn và nắm bắt chính xác tình trạng sức khỏe động mạch vành của mình.
Để đặt lịch tư vấn thăm khám bệnh mạch vành tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858 – 028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (Hà Nội).
Trên đây là những thông tin quan trọng về động mạch vành. Nhớ rằng, mọi vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe của động mạch vành đều tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe động mạch vành là một trách nhiệm quan trọng mà bạn cần thực hiện để duy trì được một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc dài lâu.