Tim mạch là một trong những hệ thống quan trọng nhất trong cơ thể, đóng vai trò chính trong việc duy trì sự sống. Hiểu rõ vị trí, cấu tạo và chức năng của hệ tim mạch là bước đầu tiên để bạn có thể tự bảo vệ và cải thiện sức khỏe tim mạch của mình. Vậy, hệ thống tim mạch là gì? Bạn cần làm gì để bảo vệ hệ tim mạch trước những bệnh lý phổ biến? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Hệ tim mạch là gì? Bạn cần làm gì để bảo vệ hệ thống tim mạch?
Hệ tim mạch là gì?
Hệ tim mạch (cardiovascular system), còn được gọi là hệ tuần hoàn, là một mạng lưới liên kết chặt chẽ, khép kín giữa tim và nhiều mạch máu khác nhau, bao gồm động mạch (arteries), tĩnh mạch (veins) và mao mạch (capillaries).
Chức năng của hệ tim mạch là gì?
Chức năng chính của hệ tim mạch là vận chuyển. Cụ thể, hệ tim mạch có thể vận chuyển dưỡng chất (vitamin, khoáng chất, điện giải, oxy, CO2…), nhiệt độ và nhiều tác nhân hữu hình khác (enzyme, nội tiết tố,…) một cách tuần hoàn trong cơ thể, giúp duy trì sự sống và đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường.
Dưới đây là bảng minh họa một số thành phần / yếu tố được hệ tim mạch vận chuyển cùng những lợi ích sinh học liên quan mà bạn cần nắm rõ:
Thành phần / yếu tố được hệ tim mạch vận chuyển |
Lợi ích sinh học |
Oxy và CO2 |
Máu mang theo oxy và các chất dinh dưỡng tới các tế bào và mô, đồng thời mang theo các chất thải, như carbon dioxide hoặc muối khoáng dư thừa để được bài tiết ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, hệ tim mạch có thể giúp cơ thể thực hiện chức năng trao đổi chất và duy trì sự sống |
Chất điện giải
(là các ion có điện tích, bao gồm Na+, K+, Ca2+, Mg2+, Cl-, HCO3-, PO4^3-…) |
Máu vận chuyển các chất điện giải đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể nhằm hỗ trợ:
– Điều chỉnh chức năng thần kinh và cơ bắp;
– Cân bằng nước, độ axit, tốc độ động đặc và áp suất trong máu;
– Hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương;
– Hỗ trợ hệ miễn dịch. |
Bạch cầu (kháng thể) |
Máu vận chuyển bạch cầu và những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể tiêu diệt các sinh vật gây bệnh (chẳng hạn như vi rút hoặc vi khuẩn) và ngăn chặn chúng lây nhiễm vào tế bào người. |
Hóc-môn (nội tiết tố) |
Máu vận chuyển nhiều nội tiết tố khác nhau, hỗ trợ cơ thể điều chỉnh các quá trình trao đổi chất quan trọng để cơ thể hoạt động bình thường. Ví dụ, máu vận chuyển:
– Hóc-môn insulin: Được sản xuất bởi tuyến tụy, thông qua hệ tim mạch mà lan truyền khắp cơ thể, cho phép các tế bào lấy glucose từ máu, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu;
– Hóc-môn cortisol: Được tiết ra từ tuyến thượng thận, cortisol giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa, giảm viêm và kiểm soát chu kỳ tỉnh thức/ngủ;
– Hóc-môn thyroxin (T4): Được tiết ra từ tuyến giáp, thyroxin quản lý tốc độ chuyển hóa và sản xuất năng lượng, có ảnh hưởng đến tốc độ hoạt động của hầu hết các quá trình trao đổi chất và nhiệt lượng trong cơ thể. |
Nhiệt độ |
Máu hỗ trợ phân phối nhiệt độ đồng nhất trong cơ thể, đảm bảo cơ thể luôn ổn định ở mức 37°C. |

Hệ tim mạch giúp vận chuyển hồng cầu, tế bào mang oxy nuôi sống cơ thể
Hệ thống tim mạch nằm ở đâu?
Hệ thống tim mạch được phân bố rộng khắp chiều dài cơ thể, từ bàn chân lên tới đỉnh sọ não và đi qua mọi bộ phận khác nhau trong cơ thể. Có thể nói, trên cơ thể người, không có bộ phận nào là có thể tồn tại mà không có sự tương tác với hệ tim mạch.
Các thành phần của hệ tim mạch
Hệ thống tim mạch bao gồm tim và mạch máu, cụ thể:
- Tim: Là cơ quan trung tâm của hệ thống tim mạch, nằm ở giữa xương lồng ngực với phổi, lệch một chút về bên trái của xương ức. Tim được bảo vệ bởi xương sườn và lồng ngực, có nhiệm vụ chính là bơm máu đi khắp cơ thể;
- Mạch máu: Là hệ thống các ống dẫn máu đi khắp chiều dài cơ thể, bao gồm động mạch (arteries), tĩnh mạch (veins) và mao mạch (capillaries), trong đó:
- Động mạch: Mang máu giàu oxy (máu đỏ tươi) từ tim và đến các bộ phận khác trong cơ thể; và mang máu giàu CO2 (máu đỏ thẫm) từ tim đến phổi
- Tĩnh mạch: Mang máu đỏ thẫm từ các bộ phận của cơ thể trở lại tim; và mang máu đỏ tươi từ phổi đến tim
- Mao mạch: Là hệ thống kết nối giữa động mạch và tĩnh mạch, cho phép oxy từ máu đi vào các tế bào và lấy CO2 từ các tế bào vào lại máu
Hệ thống tim mạch hoạt động như thế nào?
Hệ thống tim mạch hoạt động như một hệ thống vận chuyển máu khép kín, bao gồm hai pha chuyển động, đó là pha tâm thu và pha tâm trương. Trong đó:
- Pha tâm thu: Xảy ra khi cơ tim co lại, giúp bơm máu, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi toàn cơ thể. Cụ thể:
- Bơm máu: Hoạt động bơm máu bắt đầu từ tim, cơ quan trung tâm của hệ thống. Tim có bốn buồng cơ bản, bao gồm hai buồng trái (tâm nhĩ trái, tâm thất trái) và hai buồng phải (tâm nhĩ phải, tâm thất phải). Khi tim co lại, nó đẩy máu từ tâm nhĩ vào tâm thất ở cả hai bên và ra động mạch chủ và động mạch phổi để trao đổi chất và nuôi sống tế bào.
- Vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng: Máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ phổi vào tim; sau đó, tim bơm máu này qua các động mạch và đưa đến các bộ phận khác trong cơ thể. Động mạch tiếp tục được chia thành các nhánh nhỏ hơn cho đến khi trở thành mao mạch nhỏ, nơi oxy và chất dinh dưỡng được trao đổi qua màng tế bào để đi vào các mô của cơ thể.
- Pha tâm trương: Xảy ra khi cơ tim giãn ra, mang máu từ tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi trở về, lấp đầy các buồng tim. Cụ thể:
- Sau khi trao đổi oxy với tế bào, máu chuyển thành màu đỏ đậm do chứa nhiều carbon dioxide (CO2). Lúc này, dưới áp lực giãn cơ tim, máu giàu CO2 được mang trở lại tim qua các tĩnh mạch.
- Đồng thời máu đỏ tươi cũng được hút vào tim thông qua các tính mạch phổi.
Ngay sau đó, quá trình này lại bắt đầu với một pha tâm thu mới và một pha tâm trương mới, cứ thế lặp đi lặp lại liên tục để duy trì sự sống.

Minh họa đơn giản hệ tim mạch
Các bệnh thường gặp của hệ tim mạch
Bệnh tim mạch bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau, không chỉ liên quan đến những rối loạn ở tim, mà còn đề cập đến những vấn đề sức khỏe khác xảy ra với động mạch ngoại biên, mạch máu não và cả những phần còn lại hệ tuần hoàn. Dưới đây là danh sách một số bệnh tim mạch phổ biến:
- Bệnh mạch vành: Là một rối loạn có liên quan đến sự tắc nghẽn động mạch vành ở tim. Bệnh thường gây ra bởi sự tích tụ các mảng xơ vữa trong mạch máu, có thể dẫn đến một số triệu chứng nguy hiểm như đau ngực (angina) hoặc đau tim (heart attack);
- Tăng huyết áp: Điều này xảy ra khi áp suất máu trong các mạch máu cao hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ do nhồi máu cơ tim hoặc suy thận;
- Suy tim: Là tình trạng xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng, viêm, rối loạn nhịp tim hoặc tăng huyết áp.
- Rối loạn nhịp tinh (arrhythmias): Là tình trạng mà tim đập không đều (lúc nhanh lúc chậm) do rối loạn hệ thống dẫn truyền điện tim. Có nhiều mức độ rối loạn nhịp tim khác nhau; ở mức độ nghiêm trọng nhất, bệnh có thể khiến cơ tim rung lên thay vì co bóp nhịp nhàng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
- Bệnh van tim: Là tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều van trong 4 van của tim không hoạt động đúng cách, khiến máu không thể di chuyển theo một chiều nhất định, làm suy giảm hiệu quả trao đổi chất. Bệnh van tim là một nhóm bao gồm các bệnh điển hình như: hẹp van tim, hở van tim, dị dạng van tim bẩm sinh,…
- Bệnh tim bẩm sinh: Là các dị tật về cấu trúc tim hoặc mạch máu mà một người vừa sinh ra đã mắc phải. Ví dụ, hẹp van tim bẩm sinh, hở van tim bẩm sinh, hẹp động mạch chủ bẩm sinh,…

Bệnh mạch vành là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất, xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn
Các yếu tố nguy cơ tim mạch là gì?
Yếu tố nguy cơ tim mạch là những tác nhân không trực tiếp gây bệnh, nhưng có vai trò thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để bệnh tiến triển; do đó, chúng có thể làm gia tăng rủi ro mắc bệnh của bạn trong tương lai. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch phổ biến bao gồm:
- Tuổi tác tăng cao: Rủi ro mắc bệnh tim mạch tăng dần theo tuổi tác. Nguyên nhân là vì tiến trình lão hóa khiến thành mạch máu mất đi độ đàn hồi (cứng dần theo thời gian), gây xơ cứng động mạch, làm tăng huyết áp và gia tăng áp lực lên tim;
- Tiền sử gia đình: Nghiên cứu cho thấy, nếu có người trong gia đình bạn (cha, mẹ, anh chị em) mắc bệnh tim mạch, bạn cũng có nguy cơ cao hơn từ 40 – 75% mắc bệnh này so với người bình thường;
- Bệnh béo phì: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu thúc đẩy bệnh tim mạch phát triển, đặc biệt là bệnh tim mạch vành. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (CHD) của một người béo phì có thể tăng cao thêm 28% so với những người có cân nặng bình thường, ngay cả khi họ có huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol khỏe mạnh;
- Cholesterol cao: Nồng độ cholesterol cao trong máu có thể gây xơ vữa thành mạch, nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy bệnh mạch vành phát triển;
- Tăng huyết áp: Huyết áp tăng cao khiến tim phải hoạt động “vất vả” hơn để bơm máu, lâu dần kích thích bệnh tim mạch khởi phát;
- Đái tháo đường (tiểu đường): Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là vì người tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao, dễ gây viêm mạch máu, tăng huyết áp và hình thành mảng xơ vữa.
- Thiếu vận động: Không hoặc ít vận động có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong động mạch (các mạch máu mang máu đến các cơ quan của bạn). Nếu các động mạch mang máu đến tim bị tổn thương và tắc nghẽn, chúng có thể gây đau tim.
- Hút thuốc lá: Theo Trung tâm Kiểm soát & Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hóa chất trong khói thuốc lá làm cho máu đặc lại, vón thành từng cục máu đông bên trong thành mạch máu. Sự tắc nghẽn do khối máu đông gây nên có thể tạo nên những cơn đau tim và tử vong đột ngột (đột quỵ);
- Căng thẳng thường xuyên: Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng mạn tính gây tổn thương nội mô, kích hoạt trực tiếp các đại thực bào, thúc đẩy sự hình thành tế bào bọt và kích thích hình thành mảng xơ vữa gây bệnh tim mạch;
- Lạm dụng rượu bia: Uống rượu quá mức làm suy yếu cơ tim và tác động tiêu cực đến khả năng co bóp của cơ tim, điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Một dạng rối loạn nhịp tim đặc biệt nguy hiểm được gọi là bệnh rung tâm nhĩ, có liên quan chặt chẽ đến việc lạm dụng rượu bia, có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong;
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do kích thích viêm, thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.

Tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học là yếu tố nguy cơ quan trọng thúc đẩy bệnh tim mạch tiến triển
Khi nào nên khám, kiểm tra tim mạch?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người trưởng thành khỏe mạnh (từ 20 tuổi trở lên) nên kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ mỗi 2 năm / lần. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe tim mạch bất kỳ khi nào nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở tim, chẳng hạn như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, nhanh mệt mỏi và đổ mồ hôi mà không rõ nguyên nhân.
Cách kiểm tra tim mạch
Trong các buổi kiểm tra sức khỏe tim mạch, bên cạnh việc cung cấp thông tin (khai báo) về tiền sử bệnh lý, triệu chứng, thói quen ăn uống, sinh hoạt,… bạn có thể được bác sĩ yêu cầu tiến hành thêm một hoặc nhiều xét nghiệm như:
- Kiểm tra gắng sức: Là một xét nghiệm nhằm đo lường hoạt động của tim khi bạn tập thể dục, thường là khi bạn đang chạy trên máy chạy bộ hoặc trên máy đạp xe. Cách kiểm tra này giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc nhiều vấn đề khác;
- Điện tâm đồ (ECG): Là một xét nghiệm nhằm ghi lại hoạt động của hệ thống dẫn truyền điện tim, giúp phát hiện các vấn đề như tim đập không đều, thiếu máu cơ tim hoặc tiền sử đau tim;
- Xét nghiệm máu: Giúp đo lường mức độ cholesterol, đường huyết, viêm nhiễm và các yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh tim mạch phát triển;
- Siêu âm tim: Là một xét nghiệm sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim, giúp phát hiện các vấn đề bất thường về kích thước và hình dạng của tim, chẳng hạn như phù nề hoặc xung huyết;
- Chụp CT (chụp cắt lớp): Là một xét nghiệm sử dụng tia X-quang để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim và các mạch máu xung quanh. Nó có thể phát hiện ra dấu vết vôi hóa và sự tích tụ chất béo trong thành mạch máu;
- Chụp cắt lớp phát xạ (PET): Là một xét nghiệm sử dụng chất phóng xạ để “đánh dấu” đường lưu thông của máu trong tim, cho phép bác sĩ quan sát rõ hoạt động của tim trong thời gian thực, đánh giá hiệu suất của tim và phát hiện ra các vùng thiếu máu cơ tim;
- Chụp MRI tim: Là một xét nghiệm sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim, giúp phát hiện chi tiết các vấn đề bất thường về cấu trúc và hoạt động của tim, bao gồm cả van tim và mạch máu;
- Chụp động mạch (catheterization): Là một xét nghiệm sử dụng ống thông y tế (catheter), luồn vào động mạch và đẩy lên tim, giúp phát hiện điểm tắc nghẽn, mức độ xơ vữa và các vấn đề khác.
Lưu ý, mỗi cách kiểm tra tim mạch kể trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Do đó, tùy vào tình huống thực tế, bác sĩ của bạn sẽ là người quyết định xem phương pháp kiểm tra nào là phù hợp nhất dành cho bạn.

Minh họa ảnh chụp MRI hệ tim mạch giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc, hình dáng và kích thước của tim
Bệnh lý về tim mạch có chữa được không?
Hầu hết bệnh lý tim về mạch KHÔNG THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát tốt triệu chứng, cải thiện cuộc sống người bệnh; đồng thời làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng như đau tim, suy tim, đột quỵ. Các phương pháp điều trị bệnh tim mạch có thể bao gồm: thay đổi lối sống, uống thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật, cụ thể như sau:
- Thay đổi lối sống: Bao gồm điều chỉnh chế độ ăn để giảm chất béo bão hòa, cholesterol, muối, đường; hạn chế tiêu thụ rượu bia, cà phê, thuốc lá; tập thể dục đều đặn,… có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như béo phì, cholesterol cao và tăng huyết áp;
- Uống thuốc: Có nhiều loại thuốc khác nhau giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh tim mạch, chẳng hạn như:
- Thuốc hạ huyết áp: Giúp ngăn ngừa tăng huyết áp gây tổn thương mạch máu;
- Thuốc chống nhiễm mỡ máu: Giúp ngăn ngừa tình trạng tích tụ chất béo do cholesterol máu tăng cao;
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Can thiệp phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng cần can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật có thể là cách điều trị các vấn đề tim mạch hiệu quả. Ví dụ:
- Phẫu thuật nối tắt mạch vành: Giúp tạo ra một con đường mới cho máu lưu thông;
- Phẫu thuật thay van tim: Giúp thay thế hoặc sửa chữa phần van tim bị hỏng;
- Phẫu thuật tạo hình mạch: Giúp đặt một ống kim loại mảnh vào mạch máu (ống stent), giữ cho mạch máu mở và ngăn ngừa tắc nghẽn.
Lão hóa ảnh hưởng đến hệ tim mạch như thế nào?
Lão hóa có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:
- Gây xơ cứng mạch máu: Khi tuổi tác tăng, các mạch máu trở nên cứng và dày hơn, làm giảm khả năng đàn hồi của chúng. Điều này có thể gây tăng áp lực máu và là một yếu tố nguy cơ thúc đẩy tình trạng tích tụ mỡ trong các mạch máu, gây bệnh tim mạch vành;
- Gây suy yếu cơ tim: Lão hóa khiến cơ tim trở nên dày và yếu hơn, làm giảm khả năng bơm máu của tim;
- Nhiễu tín hiệu điện tim: Lão hóa có thể khiến quá trình phóng điện sinh học ở nút xoang, bộ phận kích thích cơ tim co bóp nhờ liên tục phóng thích các luồng điện sinh học, hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến các rối loạn nhịp tim;
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính: Lão hóa làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và máu nhiễm mỡ, gián tiếp thúc đẩy bệnh tim mạch tiến triển.
Lưu ý, tuy lão hóa làm tăng nguy cơ khởi phát các vấn đề về sức khỏe tim mạch nhưng chúng hoàn toàn có thể được ngăn ngừa hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, uống thuốc và tuân thủ theo các chỉ định quan trọng của bác sĩ.

Nguy cơ xơ vữa thành mạch có xu hướng tăng dần theo tuổi tác
Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe tim mạch?
Phòng bệnh là phương thức bảo vệ sức khỏe tim mạch hàng đầu được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, bạn cần:
- Xây dựng một chế độ ăn khoa học: Hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa. Đồng thời, kết hợp ăn một chế độ ăn giàu rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt và những nguồn đạm chất lượng cao như thịt nạc, cá, trứng, sữa tách béo,…
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần ở mức độ trung bình hoặc 75 phút mỗi tuần ở mức độ cao giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức bền của cơ tim, đồng thời điều hòa huyết áp và làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Để thực hiện mục tiêu này, bạn có thể tham gia bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim của bạn, chẳng hạn như: đi bộ nhanh, chạy, bơi lội, đạp xe, hoặc tập luyện với tạ;
- Bỏ hút thuốc lá: Cứ 4 người tử vong do bệnh tim mạch lại có 1 người tử vong có tiền sử hút thuốc lá quá nhiều. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia để có thể bỏ thuốc càng sớm càng tốt;
- Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát cân nặng giúp kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường và máu nhiễm mỡ; từ đó, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch một cách hiệu quả;
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết và cholesterol: Huyết áp, đường huyết và cholesterol chính là các yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh tim mạch. Hãy đảm bảo rằng bạn kiểm soát chúng hiệu quả bằng cách khám sức khỏe định kỳ, xây dựng một chế độ ăn khoa học, tập thể dục điều độ và uống thuốc điều độ (nếu có chỉ định từ bác sĩ);
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng liên tục, trong suốt một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, tìm cách để giảm stress, chẳng hạn như thiền, yoga, nghe nhạc, đọc sách,… giúp bạn phòng bệnh tim mạch hiệu quả.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả
Theo thống kê tại Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên lại có 1 người phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhằm đối phó với thực trạng này, Trung tâm Tim mạch trực thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ra đời với sứ mệnh giúp bạn phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch. Nhờ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, chúng tôi tự tin là cơ sở y tế hàng đầu cung cấp cho bạn một phác đồ điều trị bệnh tim mạch toàn diện, tối ưu chi phí và tối đa hiệu quả.
Để đặt lịch khám tổng quát hoặc điều trị bệnh lý hệ tim mạch tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858 – 028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (Hà Nội).
Tóm lại, tim mạch là hệ thống chịu trách nhiệm cho việc vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng cần thiết đến toàn bộ cơ thể. Với vai trò quan trọng đó, việc duy trì sức khỏe tim mạch không chỉ giúp cơ thể duy trì sự sống, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề gì bất ổn xảy ra với hệ tim mạch, hãy nhanh chóng liên hệ đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!