17 căn bệnh về xương khớp thường gặp nhất ở người Việt Nam

07/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh về xương khớp là một vấn đề sức khỏe phổ biến tại Việt Nam. Theo ước tính, có ít nhất 50% người trưởng thành trên 18 tuổi mắc phải các bệnh lý về xương khớp ít nhất 1 lần trong đời. Do đó, việc nâng cao nhận thức để hiểu rõ đặc điểm của các bệnh về cơ xương khớp là điều vô cùng quan trọng, giúp bạn đề ra được biện pháp phòng bệnh kịp thời. Vậy, đâu là những vấn đề xương khớp phổ biến tại Việt Nam hiện nay? Chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe xương khớp trước những tác nhân gây bệnh? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

17 căn bệnh về xương khớp thường gặp nhất ở người Việt Nam

Bệnh về xương khớp là một vấn đề sức khỏe phổ biến tại Việt Nam hiện nay

Bệnh cơ xương khớp là gì?

Bệnh cơ xương khớp (musculoskeletal disorders) là những rối loạn sức khỏe liên quan đến hệ thống vận động của cơ thể, bao gồm cơ bắp, xương, dây chằng, gân, khớp và các mô liên kết lân cận. Đặc điểm chung của các bệnh lý về xương khớp là chúng thường gây suy yếu khả năng vận động, dẫn đến những hạn chế tạm thời hoặc vĩnh viễn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Phân loại các bệnh lý cơ xương khớp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh lý về xương khớp rất đa dạng, bao gồm hơn 150 rối loạn khác nhau, có thể được phân loại dựa trên khả năng điều trị hoặc vị trí phát bệnh. Cụ thể:

1. Phân loại theo khả năng điều trị

Tùy theo khả năng chữa trị mà bệnh lý cơ xương khớp (BLCXK) có thể được phân loại thành BLCXK cấp tính hoặc mạn tính. Cụ thể:

  • BLCXK cấp tính: Là những tổn thương hoặc rối loạn phát sinh bất thường, đột ngột nhưng có thể chữa trị dứt điểm, chẳng hạn như gãy xương, bong gân, căng cơ, đứt dây chằng, lệch khớp,…
  • BLCXK mạn tính: Là những tổn thương kéo dài, khó có thể điều trị dứt điểm và thường để lại hậu quả vĩnh viễn, chẳng hạn như: thoái hóa khớp, thấp khớp, thoái vị đĩa đệm (đau thắt lưng mạn tính),…

2. Phân loại theo vị trí phát bệnh

Bệnh về xương khớp cũng có thể được phân loại dựa trên vị trí phát bệnh. Dưới đây là một phân loại cơ bản:

  • Bệnh lý xương: Bao gồm các bệnh liên quan trực tiếp đến xương, chẳng hạn như:
    • Loạn sản xương: Gồm loãng xương (osteoporosis), nhuyễn xương (osteomalacia),…
    • Bệnh lý tủy xương: Ví dụ như ung thư tủy (leukemia),…
    • Bệnh lý khối u xương: Ví dụ như ung thư xương (osteosarcoma);
  • Bệnh lý vùng cột sống:
    • Đau lưng: Bao gồm đau lưng cấp và mạn tính do quá tải cột sống, thoái hóa cột sống,….
    • Bệnh lý đĩa đệm: Đĩa đệm bị lệch do chấn thương, thoái hóa, gây thoát vị đĩa đệm.
    • Bệnh lý cột sống: Ví dụ như bệnh hoại tử xương sụn (scheuermann), bệnh viêm cột sống dính khớp (bechterew);
  • Bệnh lý cơ bắp: Liên quan đến các tổn thương hoặc rối loạn cơ bắp.
    • Viêm cơ: Ví dụ như bệnh viêm cơ cốt hóa (Myositis).
    • Bệnh lý do chấn thương: Như chuột rút, giãn cơ, rách cơ,…
    • Các bệnh di truyền ảnh hưởng đến cơ bắp: Như bệnh loạn dưỡng Duchenne.
  • Bệnh lý khớp:
    • Viêm khớp: Ví dụ như viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), viêm khớp do bệnh gout, thoái hóa khớp (osteoarthritis),…
    • Chấn thương khớp: Lệch khớp, khô khớp, vỡ khớp,…
  • Bệnh lý dây chằng, gân và các mô mềm xung quanh:
    • Viêm / giãn / rách một phần hoặc đứt toàn bộ dây chằng;
    • Viêm / giãn / rách một phần hoặc đứt toàn bộ gân;
    • Viêm bao hoạt dịch, tràn bao hoạt dịch, Hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome),…
Phân loại các bệnh lý cơ xương khớp

Bệnh lý cơ xương khớp có thể tiến triển ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể

Triệu chứng bệnh xương khớp

Bệnh về xương khớp có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng (dấu hiệu cảnh báo) phổ biến của bệnh về xương khớp:

  • Đau nhức: Gây đau nhức âm ỉ hoặc đau dữ dội ở khớp và xương. Cơn đau có thể xuất hiện cục bộ hoặc lan rộng mà không cần tới tác nhân kích thích từ bên ngoài. Nhiều lúc, cảm giác đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn di chuyển, nâng vật nặng hoặc thay đổi thời tiết;
  • Sưng viêm: Khớp hoặc khu vực xung quanh có thể trở nên sưng to, đỏ, đau buốt và nóng;
  • Cứng khớp, khó chuyển động: Cảm giác khớp khó di chuyển, đặc biệt sau khi thức dậy hoặc sau khoảng thời gian dài không hoạt động. Khả năng di chuyển khớp giảm đi, như khó uốn cong hoặc duỗi khớp;
  • Âm thanh lạ: Xuất hiện những tiếng kêu rệu rạo, cót két khi cọ xát hoặc di chuyển khớp;
  • Đau cơ: Cảm giác căng cơ thường trực trước hoặc sau khi vận động;
  • Đau khi tải trọng: Bạn thường cảm thấy đau khi đứng hoặc di chuyển, đặc biệt ở các khớp chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể như đầu gối, thắt lưng và hông;
  • Biến dạng khớp: Các khớp có thể trở nên biến dạng; ví dụ, ngón tay bị cong hoặc khớp hông bị lệch, khiến điệu bộ và vóc dáng bị thay đổi;
  • Yếu cơ: Sức mạnh cơ bắp suy giảm gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Mất thăng bằng: Cơ và khớp yếu dễ gây mất thăng bằng, khiến bạn tăng nguy cơ chấn thương do té ngã.

Lưu ý, trên đây chỉ là một số triệu chứng nổi bật của các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp. Đối với một số rối loạn cơ xương khớp hiếm gặp, bệnh thường gây ra thêm những triệu chứng đặc thù mà chỉ có bác sĩ là người hiểu rõ bản chất của vấn đề. Do đó, ngay khi phát hiện bản thân đang phải trải qua một trong những triệu chứng kể trên, bạn hãy nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ để được tư vấn chi tiết và can thiệp kịp thời.

Triệu chứng bệnh xương khớp

Đau khi chuyển động là triệu chứng phổ biến của các bệnh về xương khớp

Nguyên nhân gây ra các bệnh về xương khớp

Bệnh về xương khớp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh về xương khớp:

  • Lão hóa: Là sự thoái hóa tự nhiên của xương và khớp với thời gian, gây viêm khớp do thoái hóa (osteoarthritis) hoặc làm tăng nguy cơ chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày;
  • Chấn thương: Là những tổn thương do tai nạn, thể thao, ngồi sai tư thế hoặc thói quen sinh hoạt hàng ngày, có thể gây lệch khớp, gãy xương, bong gân, đứt dây chằng,…
  • Tác động từ hệ thống miễn dịch: Một số bệnh về xương khớp là kết quả của việc hệ thống miễn dịch tấn công vào các màng bao quanh khớp, điển hình là bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis);
  • Bệnh lý di truyền: Một số bệnh về xương khớp có yếu tố di truyền, như hội chứng Ehlers-Danlos hoặc bệnh xương thủy tinh (osteogenesis imperfecta);
  • Bệnh lý nhiễm trùng: Một số vi khuẩn hoặc virus có thể gây nhiễm trùng máu rồi gây ra bệnh viêm khớp do nhiễm trùng;
  • Rối loạn nội tiết: Các bệnh lý liên quan đến các hệ thống nội tiết, như bệnh Graves, gây cường giáp; bệnh Addison, gây suy tuyến thượng thận, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương và khớp;
  • Thiếu vitamin và khoáng chất: Thiếu hụt protein, canxi, phốt pho, vitamin D và K có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe xương;
  • Cân nặng quá mức: Cân nặng quá mức do thừa cân – béo phì có thể gây tăng áp lực lên các khớp chịu tải trọng lớn như như đầu gối và hông, thúc đẩy bệnh viêm khớp thoái hóa tiến triển;
  • Hoạt động lặp đi lặp lại: Vận động quá sức hoặc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài có thể gây tổn thương cho xương và khớp. Ví dụ, Hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome), gây nên do sự vận động cổ tay quá nhiều, khiến các dây thần kinh bị chèn ép.
  • Hóa chất và tác nhân môi trường: Tiếp xúc với một số hóa chất hoặc tác nhân môi trường có thể gây ra bệnh lý xương và khớp. Ví dụ, tiếp xúc với quá nhiều fluoride trong kem đánh răng có thể gây bệnh fluorosis, làm biến dạng xương ở trẻ nhỏ.

Đáng chú ý hơn, một số bệnh về xương khớp có thể xuất phát từ sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các nguyên nhân gây bệnh cơ xương khớp là điều vô cùng quan trọng, giúp bạn ngăn ngừa sớm các tác nhân gây bệnh.

Nguyên nhân gây ra các bệnh về xương khớp

Ngồi sai tư thế là nguyên nhân gây bệnh về xương khớp phổ biến ở người trẻ tuổi

Đối tượng dễ mắc bệnh cơ xương khớp

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp dựa trên các yếu tố về sinh lý, môi trường và lối sống. Tuy nhiên, có một số đối tượng dễ mắc bệnh về xương khớp hơn những người khác, trong đó bao gồm:

  • Người già: Quá trình lão hóa tự nhiên thường khiến cơ xương khớp yếu đi, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về cơ xương khớp khác;
  • Phụ nữ: Do sự khác biệt về nội tiết tố và tỷ trọng cơ xương trên cơ thể mà phụ nữ thường có xu hướng mắc bệnh về xương khớp nhiều hơn nam giới;
  • Người thừa cân và béo phì: Trọng lượng cơ thể tăng càng làm tăng áp lực lên các khớp chịu đựng trọng lượng cơ thể như đầu gối và hông, gây ra viêm khớp, thoái hóa khớp và các vấn đề liên quan;
  • Dân văn phòng: Người làm việc trong môi trường văn phòng thường phải ngồi lâu, ngồi sai tư thế hoặc không vận động nhiều, gây ra các vấn đề về cột sống và cơ;
  • Người lao động nặng: Những người tham gia vào các hoạt động lao động nặng hoặc lặp đi lặp lại thường dễ gặp phải các vấn đề xương và khớp sớm hơn so với những người vận động vừa sức;
  • Vận động viên: Vận động viên thường gặp phải chấn thương và tổn thương do hoạt động thể thao, dẫn đến các vấn đề về xương và khớp;
  • Những người có tiền sử chấn thương: Chấn thương trước đây có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương và khớp sau này;
  • Những người có tiền sử gia đình: Những người có gia đình mắc bệnh xương khớp thường có nguy cơ cao hơn mắc phải các bệnh tương tự;
  • Những người tiếp xúc với hóa chất hoặc tác nhân môi trường: Như đã đề cập trước đó, tiếp xúc với một số hóa chất hoặc tác nhân môi trường (rung động từ máy móc công nghiệp), chẳng hạn như tiếp xúc lâu dài với máy khoan, khói bụi công nghiệp, không khí nhiễm chì, nguồn nước nhiễm flo,… đều có thể gây ra bệnh về xương khớp.
Đối tượng dễ mắc bệnh cơ xương khớp

Người già là đối tượng có nguy cơ cao gặp nhiều vấn đề xương khớp

Các bệnh về xương khớp thường gặp nhất

Dưới đây là danh sách 17 bệnh về xương khớp phổ biến tại Việt Nam mà bạn cần lưu tâm:

1. Bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp (osteoarthritis) là tình trạng sụn trong khớp bắt đầu bị phá vỡ, khiến phần xương bên dưới bị tổn thương do ma sát. Dấu hiệu chính của bệnh thoái hóa khớp bao gồm: đau buốt, sưng viêm và giảm khả năng vận động. Nguyên nhân thường liên quan đến lão hóa, chấn thương, vận động quá sức hoặc do và áp lực quá lớn từ trọng lượng cơ thể.

2. Bệnh viêm khớp

Bệnh viêm khớp (arthritis) là tình trạng viêm và sưng ở một hoặc nhiều khớp, gây đau và hạn chế vận động. Triệu chứng chính bao gồm: đau, sưng đỏ và cứng khớp. Có nhiều loại viêm khớp, với nguyên nhân khác nhau như viêm khớp dạng thấp do hệ thống miễn dịch tấn công chính nó, hoặc viêm khớp thoái hóa do tổn thương mảng sụn. Các yếu tố khác như nhiễm trùng, chấn thương, di truyền và lão hóa cũng có thể gây ra bệnh.

3. Bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh lý mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công lớp màng mỏng bao quanh khớp, gây viêm, làm tổn thương xương, sụn và mô mềm xung quanh. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp thường không thể được xác định rõ, nhưng chủ yếu là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, hormone và tác nhân từ môi trường. Viêm khớp dạng thấp thường khiến người bệnh đau nhức và sưng viêm ở cả hai khớp đối xứng nhau trên cơ thể, ví dụ như cả hai đầu gối hoặc hai cổ tay.

4. Loãng xương

Loãng xương (osteoporosis) là bệnh lý làm suy giảm mật độ khoáng chất và cấu trúc trong xương; khiến xương yếu, giòn và dễ gãy. Bệnh này thường tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi người bệnh bị gãy xương hoặc có biểu hiện chậm phát triển thể chất (thấp lùn, còi cọc, nhẹ cân).

Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở xương cổ tay, cánh tay, cẳng chân và xương chậu. Nguyên nhân gây loãng xương phổ biến có thể là do lão hóa, rối loạn hấp thu dinh dưỡng, chế độ ăn uống thiếu khoa học, hút thuốc lá và lạm dụng thuốc. Bên cạnh đó, gen di truyền và lối sống cũng góp phần làm tăng nguy cơ loãng xương.

các bệnh về xương khớp, loãng xương

Bệnh loãng xương gây suy giảm mật độ khoáng chất bên trong xương

5. Gãy xương

Gãy xương là tình trạng một phần hoặc toàn bộ xương bị đứt đoạn. Dấu hiệu nhận biết gãy xương bao gồm: đau đột ngột tại chỗ gãy, sưng, bầm tím, khiến xương bị xô lệch và không thể vận động như ý. Nguyên nhân gây gãy xương thường là do tác động trực tiếp như sau một cú rơi, va chạm mạnh hoặc các tác động gián tiếp như xoắn cơ đột ngột. Bên cạnh đó, một số bệnh lý khiến xương suy yếu ( loãng xương, nhuyễn xương,…) cũng làm tăng nguy cơ gãy xương.

6. Bệnh gout (bệnh gút)

Bệnh gout là một loại viêm khớp do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, thúc đẩy axit uric kết tủa, bám vào khớp và gây viêm. Dấu hiệu nhận biết bệnh gout bao gồm: đau đột ngột, sưng đỏ và nóng ở khớp, thường bắt đầu từ khớp ngón chân cái. Nguyên nhân gây bệnh gout thường bao gồm: chế độ ăn giàu thịt đỏ, hải sản, rượu bia, hoặc do sự sụt giảm bài tiết axit uric qua thận (suy thận). Bên cạnh đó, gen di truyền và thói quen lạm dụng một số loại thuốc cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

7. Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng sụn chêm (đĩa đệm) giữa các đốt xương sống bị tụt ra khỏi vị trí bình thường và chèn ép vào dây thần kinh gần đó. Dấu hiệu nhận biết bao gồm: đau cục bộ, tê bì, yếu cơ tay chân hoặc đau lan tỏa theo đường dây thần kinh. Nguyên nhân gây thoát vị thường do tổn thương từ việc nâng vật nặng quá sức, lão hóa, ngồi sai tư thế hoặc chấn thương. Bệnh này thường gặp ở người làm việc văn phòng, lao động nặng hoặc vận động viên.

8. Bệnh gai cột sống

Bệnh gai cột sống (spondylosis) là tình trạng các mỏm xương phát triển lồi ra khỏi mép của từng đốt sống, chèn ép dây thần kinh. Bệnh thường gây ê buốt, tê cục bộ ở cột sống hoặc tạo thành những cơn đau lan dọc dây thần kinh, làm suy yếu tay chân. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do đĩa đệm bị mất nước, co lại, gây áp lực lên xương và kích thích gai xương tăng trưởng.

bệnh về xương khớp, bệnh gai cột sống

Gai cột sống hình thành do đĩa đệm bị thoái hóa

9. Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus – SLE) là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể, bao gồm cả mô xương khớp. Dấu hiệu nhận biết SLE bao gồm: mệt mỏi, đau khớp, sưng khớp, ban đỏ trên da, đặc biệt là vết ban hình cánh bướm trên mũi và má. Tác nhân thúc đẩy lupus ban đỏ tiến triển thường là do di truyền, môi trường (ánh nắng, thuốc lá, hóa chất,…) và sự mất cân bằng nội tiết tố.

10. Ung thư xương

Ung thư xương là bệnh lý xảy ra khi các tế bào trong xương bắt đầu tăng sinh một cách không kiểm soát. Dấu hiệu nhận biết bao gồm: đau nhức xương, mệt mỏi, sụt cân, sờ thấy nốt sưng hoặc khối u cứng ở vị trí ung thư. Nguyên nhân gây ung thư xương chưa được tìm hiểu rõ, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy ung thư xương thường là: phơi nhiễm tia phóng xạ, mắc bệnh di truyền, lạm dụng dược phẩm, rượu bia hoặc thuốc lá.

11. Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau xuất phát từ việc chèn ép hoặc kích thích thần kinh tọa, dây thần kinh lớn chạy từ cột sống lưng xuống mỗi chân. Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa bao gồm: đau buốt, tê từ mông xuống đùi, bắp chân và có thể lan đến bàn chân. Cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên. Nguyên nhân chủ yếu là do thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, thừa cân – béo phì, tuổi tác cao và ngồi một chỗ quá lâu cũng là những tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

12. Bệnh cơ xương khớp do chấn thương

Bệnh cơ xương khớp do chấn thương là hậu quả của việc các khớp, cơ, gân, dây chằng bị tổn thương sau tai nạn hoặc do va đập mạnh / đột ngột trong hoạt động thể thao. Những chấn thương này có thể dẫn đến tình trạng xô lệch, viêm, đau, sưng, đứt gãy một phần hoặc toàn bộ cơ / gân / dây chằng / xương và giới hạn chức năng vận động của người bệnh.

13. Tràn dịch khớp

Tràn dịch khớp (joint effusion) là tình trạng gia tăng lượng dịch bất thường trong khoang khớp, xảy ra như một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi khớp gặp phải tổn thương. Tuy nhiên, tràn dịch khớp kéo dài có thể gây biến dạng khớp, sưng viêm và đau đớn. Dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp là những vết sưng to, căng tròn bao trùm lấy toàn bộ bề mặt khớp. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp có thể do bệnh lý hoặc chấn thương.

các bệnh lý về xương khớp, tràn dịch khớp

Tràn dịch quá mức khiến một bên khớp sưng to so với bên còn lại

14. Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống (degenerative spine) là tình trạng cột sống mất dần cấu trúc và chức năng theo thời gian, gây áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh. Dấu hiệu nhận biết bao gồm cứng cổ, đau lưng với đặc trưng là những cơn ê buốt lan rộng tới chân hoặc cánh tay. Nguyên nhân chính gây thoái hóa cột sống là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Bên cạnh đó, một số tác nhân như tư thế ngồi sai, lao động quá sức và chấn thương cũng có thể góp phần thúc đẩy bệnh tiến triển.

15. Viêm đa cơ

Viêm đa cơ (dermatomyositis) là bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tự tấn công vào phần cơ bắp trong chính cơ thể, gây viêm cho nhiều nhóm cơ, đặc biệt là phần cơ cánh tay và đùi. Dấu hiệu nhận biết viêm đa cơ bao gồm đau buốt, nhức mỏi, yếu cơ, gây khó khăn khi vận động như leo cầu thang hoặc nâng vật nặng. Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm đa cơ vẫn chưa được biết, nhưng một số tác nhân môi trường, gen di truyền và virus có thể đóng vai trò thúc đẩy bệnh tiến triển.

16. Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống (scoliosis) là tình trạng cột sống bị biến dạng, uốn cong sang một bên mà không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu nhận biết gồm vai và hông không đều nhau, cột sống không thẳng khi nhìn từ sau gáy, một bên lưng cao hơn bên còn lại khi cúi xuống. Một số nguyên nhân phổ biến gây cong vẹo cột sống có thể do bệnh lý (bại não, loạn dưỡng cơ,…), chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật ở thành ngực trong thời thơ ấu hoặc ngồi sai tư thế trong suốt một thời gian dài,…

17. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome – CBS) là tình trạng dây thần kinh giữa (median nerve) bị chèn ép trong ống cổ tay, một khoang hẹp nằm sâu trong cổ tay. Dấu hiệu nhận biết CBS là cảm giác tê, ngứa ran, nhức hoặc đau ở ngón tay (trừ ngón cái). Cơn đau có thể lan tới cánh tay, bả vai và thường trở nặng vào ban đêm. Nguyên nhân chủ yếu gây CBS là do sự sưng, viêm của các mô xung quanh dây thần kinh giữa, xảy ra dưới sự tác động của chấn thương hoặc các hoạt động lặp đi lặp lại ở cổ tay, như gõ phím hoặc sử dụng chuột máy tính.

bệnh lý về xương khớp, Hội chứng ống cổ tay

Dân văn phòng có nguy cơ cao mắc Hội chứng ống cổ tay do sử dụng chuột và bàn phím liên tục trong thời gian dài

Các phương pháp chẩn đoán bệnh về xương khớp

Các phương pháp chẩn đoán bệnh về cơ xương khớp hiện nay rất đa dạng. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp phổ biến, giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân, mức độ và vị trí phát bệnh một cách chính xác:

  • Khám lâm sàng: Bao gồm việc đánh giá triệu chứng, kiểm tra vị trí đau, biên độ cử động của khớp, đồng thời quan sát các dấu hiệu sưng to hoặc biến dạng khác (nếu có);
  • Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm máu giúp xác định mức độ viêm, bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý khác;
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh và khớp trên khắp cơ thể; giúp xác định mức độ viêm gân / khớp / bao hoạt dịch hoặc khối u khốp;
  • Chụp X-quang: Giúp xác định biến dạng xương, tổn thương khớp hoặc dấu hiệu thoái hóa sụn khớp;
  • CT Scan (chụp cắt lớp vi tính): Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn X-quang và có thể được sử dụng để đánh giá xương và khớp;
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm xung quanh cơ xương khớp, giúp phát hiện thoát vị đĩa đệm, tổn thương dây thần kinh, tràn dịch và nhiều vấn đề khác;
  • Đo điện cơ và tốc độ dẫn truyền thần kinh (nerve conduction test): Đo khả năng dẫn truyền của các tín hiệu điện trong thần kinh, giúp xác định vị trí và mức độ dây thần kinh bị chèn ép;
  • Lấy mẫu dịch khớp: Là thủ thuật dùng kim tiêm để trích ly dịch khớp, sau đó đem đi xét nghiệm để tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn, viêm hoặc các tác nhân gây bệnh khác;
  • Nội soi khớp (arthroscopy): Sử dụng một ống nhỏ có gắn camera ở đầu để giúp bác sĩ quan sát trực tiếp mô bên trong khớp.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý cơ xương khớp kể trên có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp. Trên thực tế, tùy vào triệu chứng và bệnh lý cụ thể mà bác sẽ chỉ định phác đồ chẩn đoán phù hợp.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh về xương khớp

Khám lâm sàng giúp các bác sĩ đánh giá tổng quan mức độ bệnh

Điều trị các bệnh xương khớp

Điều trị các bệnh về xương khớp là quá trình người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để kiểm soát cơn đau, kháng viêm, làm chậm lại quá trình tổn thương, cải thiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của cơ xương khớp, đồng thời giảm thiểu tối đa các biến chứng liên quan.

Các bệnh về cơ xương khớp thường gây đau, sưng và làm giảm khả năng vận động. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh cơ xương khớp phổ biến thường được bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc giảm đau: Như paracetamol, ibuprofen, hoặc các thuốc giảm đau mạnh hơn để giảm nhẹ tạm thời các dấu hiệu gây đau;
  • Thuốc kháng viêm: Có thể chứa hoặc không chứa steroids. Thuốc thường được tiêm trực tiếp vào khớp hoặc dùng qua đường uống để giảm viêm nhanh chóng.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Thường được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp và một số bệnh tự miễn, giúp hệ miễn dịch ngưng tấn công vào mô cơ xương khớp đang bị tổn thương;
  • Thuốc giảm axit uric: Thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh gút, giúp giảm nồng độ axit uric trong máu;
  • Phẫu thuật chỉnh hình: Để cải thiện hình dáng, khôi phục chức năng của xương và khớp;
  • Vật lý trị liệu: Bao gồm nhiều liệu pháp hiện đại như sử dụng sóng siêu âm (ultrasound) và điện trị liệu (electrotherapy) để kích thích cơ; hoặc sử dụng liệu pháp áp lạnh(cryotherapy) và nhiệt trị liệu (thermotherapy) để giảm đau, cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ gia tăng hiệu quả hồi phục;
  • Phục hồi chức năng: Là việc xây dựng thói quen vận động thể chất cho người bệnh thông qua một hệ thống các bài tập khác nhau, giúp kích thích cơ bắp, tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai.
  • Châm cứu: Đôi khi giúp giảm đau, khơi thông các điểm tắc nghẽn tuần hoàn và xua tan cảm giác mệt mỏi;
  • Tiêm gel vào khớp: Giúp tăng độ dẻo dai của dịch khớp, chẳng hạn như tiêm dung dịch hyaluronic acid;
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung đầy đủ protein, canxi, phốt pho, vitamin C, D, K, magie, kẽm,… để cơ xương khớp nhanh phục hồi;

Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị kể trên trên, việc tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh cũng rất quan trọng, giúp bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân và có động lực để theo đuổi các mục tiêu khám chữa bệnh hiệu quả.

Điều trị các bệnh xương khớp

Thuốc kháng viêm có thể được tiêm trực tiếp vào ổ khớp để điều trị bệnh

Cách phòng ngừa các bệnh về xương khớp

Việc phòng ngừa các bệnh về xương khớp đòi hỏi bạn phải xây dựng một lối sống lành mạnh, bao gồm cả việc cải thiện chế độ ăn uống, vận động và sinh hoạt. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh về xương khớp phổ biến, được nhiều chuyên gia khuyến nghị:

  • Dinh dưỡng cân đối: Ưu tiên tiêu thụ các thực phẩm tốt cho cơ xương khớp, chẳng hạn như sữa, trứng, cá, thủy hải sản và rau củ quả chứa nhiều vitamin B, C, D, K, canxi, kẽm, magiê,…
  • Tập thể dục đều đặn: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga và các bài tập thể chất giúp cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp; qua đó, giảm thiểu nguy cơ chấn thương do tai nạn;
  • Giữ cân nặng lý tưởng: Tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì để giảm áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp háng và khớp đầu gối.
  • Đảm bảo an toàn lao động: Luôn sử dụng đồ bảo hộ khi tham gia các môn thể thao cường độ mạnh hay hoạt động có nguy cơ gây chấn thương cao để giảm thiểu tỷ lệ chấn thương;
  • Tối ưu công thái học: Thiết kế nơi làm việc và môi trường sống sao cho thân thiện với trục cơ xương khớp của cơ thể, chẳng hạn như ưu tiên sử dụng ghế có đệm lưng, bàn làm việc có độ cao phù hợp, nệm phòng ngủ có độ lún vừa phải;
  • Hạn chế hoạt động gây áp lực lên khớp: Tránh mang giày cao gót, khuân vác nặng hoặc thực hiện các hoạt động gây áp lực lên khớp liên tục, trong suốt một khoảng thời gian dài;
  • Ngừng hút thuốc: Độc tố trong khói thuốc có thể làm giảm lưu lượng máu đến xương, tăng nguy cơ ung thư xương và thúc đẩy chứng teo cơ;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh xương khớp để có biện pháp can thiệp kịp thời;
  • Luôn kết nối với bác sĩ: Gọi ngay cho bác sĩ để tìm kiếm sự trợ giúp ngay khi bạn cảm nhận thấy cơ thể xuất hiện các vấn đề xương khớp bất thường. Điều này giúp bạn giữ tâm thế chủ động, đối phó kịp thời với các vấn đề xương khớp phát sinh.
Cách phòng ngừa các bệnh về xương khớp

Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học là cách phòng ngừa bệnh xương khớp hiệu quả

Trên đây là những lưu ý quan trọng về cách phòng ngừa bệnh cơ xương khớp kèm danh sách 17 rối loạn cơ xương khớp phổ biến mà bạn cần quan tâm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề bệnh về xương khớp, bạn hãy đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được tầm soát, chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời. Nutrihome chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

1/5 - (1 bình chọn)
15:21 08/12/2023