Bệnh gút là một căn bệnh phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào kèm theo các triệu chứng gây đau nhức dữ dội. Song, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này, dẫn đến việc bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo ban đầu và chỉ chợt nhận ra khi tình hình sức khỏe đã trở nên nghiêm trọng. Vậy, bệnh gout là gì? Nguyên nhân bệnh gout đến từ đâu? Đâu là cách phòng tránh và kiểm soát bệnh hiệu quả? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Bệnh gút là gì? Bệnh gút có nguy hiểm không?
Bệnh gút là gì?
Bệnh gút (hay còn gọi là gout hoặc thống phong) là tình trạng viêm khớp xảy ra do sự tích tụ axit uric quá mức trong máu, dẫn đến việc hình thành và lắng đọng các tinh thể natri urat (muối của axit uric) xung quanh các khớp. Sự lắng đọng này kích thích hệ miễn dịch, thúc đẩy các phản ứng viêm và gây ra cơn đau ở các khớp bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn đầu, bệnh gút thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp tại một thời điểm (thường là khớp ngón chân cái). Trong giai đoạn bùng phát, bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc. Tuy nhiên, giữa hai giai đoạn bùng phát liên tiếp nhau, có những lúc bệnh gút tạm thời “biến mất”, không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, được gọi là giai đoạn thuyên giảm.
Theo các số liệu ước tính trên toàn cầu từ 2001 – 2021, bệnh gút là một trong những bệnh viêm khớp phổ biến nhất trên toàn thế giới, với tỷ lệ mắc bệnh từ 0.6 – 2.9 / 1.000 người / năm, tương đương với khoảng 0.06% – 0.29% dân số. Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả từ nghiên cứu COPCORD do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh gút là khoảng 0.14% dân số.

Minh họa sự tích tụ quá mức của tinh thể natri urat gây viêm khớp
Dấu hiệu bệnh gout
Dấu hiệu của bệnh gút có thể bao gồm:
- Đau đột ngột: Cơn đau thường bắt đầu vào buổi sáng sớm (sau khi ngủ dậy) và có thể trở nên cực kỳ dữ dội trong vòng vài giờ;
- Sưng và đỏ: Khớp bị ảnh hưởng thường phình to, sưng đỏ kèm theo cảm giác nóng rát;
- Khó chuyển động: Tình trạng sưng đau khiến khớp trở nên cứng và khó di chuyển;
- Tập trung ở khớp ngón chân cái: Trong phần lớn các trường hợp, bệnh gút xuất hiện lần đầu ở khớp ngón chân cái. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như cổ chân, gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay.
- Cơn đau kéo dài từ vài ngày đến vài tuần: Cơn đau do bệnh gút thường kéo dài đến 3 ngày (nếu được điều trị kịp thời) hoặc 14 ngày (nếu không điều trị) và sau đó có thể tự giảm đi mà không cần can thiệp.
- Cơn đau tái phát: Nhiều người chỉ trải qua một vài cơn đau gút trong đời. Nhưng nếu không được điều trị đúng lúc, bạn có thể trải qua nhiều cơn đau hơn trong tương lai.
Nguyên nhân bệnh gout và yếu tố rủi ro là gì?
Nguyên nhân chính gây bệnh gút là do sự tích tụ quá mức axit uric trong máu. Song, không phải tất cả những người có nồng độ axit uric máu cao đều khởi phát bệnh gút mà chỉ có từ 5 – 20% trường hợp tăng axit uric máu bị bệnh gút tấn công. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp gây bệnh, một số yếu tố rủi ro có thể thúc đẩy gia tăng axit uric máu, gián tiếp khiến bệnh gút bùng phát bao gồm:
- Gen di truyền (lịch sử gia đình): Nghiên cứu cho thấy, các đột biến trên gen HPRT và PRPS1 chính là nguyên nhân chính gây ra bệnh gút nguyên phát. Do đó, nếu các thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh gout, bạn cũng có khả năng cao bị gout trong tương lai;
- Dinh dưỡng thiếu khoa học: Việc tiêu thụ lượng lớn thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, nội tạng và các loại hải sản cũng như uống nhiều rượu, đặc biệt là bia, có thể làm tăng mức axit uric trong máu;
- Uống nhiều thuốc: Một số loại thuốc không kê đơn phổ biến như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau – hạ sốt… có thể gây tăng mức axit uric máu tạm thời, thúc đẩy bệnh gút bùng phát;
- Béo phì: Béo phì khiến thận lọc và đào thải axit uric ra khỏi máu kém hiệu quả. Mặt khác, béo phì còn là tác nhân khiến bệnh gút khởi phát sớm hơn. Nghiên cứu cho thấy, bệnh gút có thể khởi phát sớm hơn từ 3.1 – 11.0 năm ở những người béo phì, so với người bình thường;
- Bệnh lý nền: Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Lưu ý:
Trên đây chỉ là những yếu tố nguy cơ có khả năng thúc đẩy bệnh gút tiến triển. Việc bạn có một hoặc nhiều nguy cơ nêu trên không chắc chắn rằng bạn sẽ mắc bệnh gút trong tương lai. Song, việc hiểu rõ về chúng có thể giúp bạn phòng tránh và quản lý các triệu chứng bệnh gút hiệu quả hơn.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin là nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp
Đối tượng nào dễ mắc bệnh gout?
Những đối tượng dễ mắc bệnh gút bao gồm:
- Nam giới trung niên và cao tuổi: Độ tuổi trung bình khởi phát bệnh gút là 59.3 tuổi. Trong đó, nam giới, đặc biệt là những người từ 30 đến 50 tuổi, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh gút hơn so với phụ nữ tiền mãn kinh;
- Phụ nữ sau mãn kinh: Theo Hiệp hội Phụ nữ Thấp khớp (Hoa Kỳ), phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh gút cao gấp 2 lần so với phụ nữ chưa mãn kinh;
- Người có lịch sử gia đình mắc bệnh gút: Nếu có người trong gia đình bạn mắc bệnh gút, khả năng bạn mắc bệnh này cũng cao hơn người bình thường;
- Người tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purine: Thường xuyên tiêu thụ một chế độ ăn giàu thịt đỏ, nội tạng động vật, thủy hải sản, rượu bia,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút;
- Người lạm dụng thuốc: Tiêu thụ thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid,… có thể gây tăng mức axit uric trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút;
- Người béo phì: Mỡ thừa trong cơ thể thúc đẩy tình trạng kháng insulin, từ đó làm giảm bài tiết urat qua thận, dẫn đến tăng axit uric máu;
- Người mắc bệnh lý mạn tính: Người mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch có nguy cơ cao khởi phát bệnh gút hơn người bình thường.
Bệnh gout có di truyền không?
Bệnh gút CÓ KHẢ NĂNG DI TRUYỀN. Theo ước tính, khả năng di truyền của bệnh gút có thể lên đến 65%, và có khoảng 20% người bị gout cũng có người thân mắc phải căn bệnh này. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh gút của bạn sẽ càng cao hơn khi đó là người thân cấp 1, chẳng hạn như bố, mẹ và anh, chị, em ruột.
Bệnh gút có lây không?
Bệnh gút KHÔNG LÂY bởi đây không phải là một bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây nên. Nguyên nhân của bệnh gút chỉ liên quan đến sự kết hợp giữa các yếu tố sinh lý cá nhân (gen di truyền, giới tính, tuổi tác, bệnh lý nền…) với các tác nhân môi trường (dinh dưỡng, vận động, sinh hoạt,…). Do đó, bệnh gút không thể lây lan trực tiếp từ người này sang người khác thông qua bất kỳ con đường nào.

Người bệnh có thể điều trị bệnh gút tại nhà vì bệnh không lây lan
Phân loại bệnh gút
Bệnh gút có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng (tính chất) của bệnh. Dưới đây là 2 cách phân loại chính của bệnh gút:
1. Phân loại theo nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh gút nguyên phát: Đề cập đến những bệnh gout có nguyên nhân chính là do di truyền hoặc khởi phát không rõ ràng. Bệnh gút dạng này thường xuất hiện ở nam giới tiêu thụ nhiều rượu bia và thực phẩm giàu purin (thịt đỏ, nội tạng động vật, thủy hải sản,….);
- Bệnh gút thứ phát: Đề cập đến những trường hợp mắc bệnh gout đã xác định rõ nguyên nhân hoặc các yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển, chẳng hạn như ung thư hạch (đặc biệt là sau khi hóa trị), sử dụng quá nhiều rượu hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu;
- Bệnh gút bẩm sinh: Là trường hợp mắc bệnh gout ngay sau khi sinh do di truyền gen của bố mẹ.
2. Phân loại theo tính chất của bệnh
- Bệnh gút cấp tính: Là tình trạng đau đớn thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp. Triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và sau đó giảm mà không cần can thiệp;
- Bệnh gút mạn tính: Là những cơn đau ở nhiều khớp, có tính chất lặp đi lặp lại, thường xuất hiện sau nhiều năm không điều trị bệnh. Triệu chứng viêm có thể không giảm đi, dẫn đến sự hủy hoại khớp dần theo thời gian.
Các giai đoạn của bệnh gút
Bệnh gút thường được chia thành 4 giai đoạn dựa trên quá trình tiến triển của bệnh. Dưới đây là 4 giai đoạn tiến triển thông thường của bệnh gút:
Giai đoạn 1: Tăng axit uric máu không triệu chứng (asymptomatic hyperuricemia)
- Trong giai đoạn này, mức axit uric trong máu tăng cao nhưng không có triệu chứng nào của bệnh gút được biểu hiện;
- Không có viêm nhiễm hoặc đau ở các khớp;
- Dù không gây ra triệu chứng, việc tích tụ axit uric có thể gây hại cho khớp và thận;
- Điều trị thường không cần thiết ở giai đoạn này, nhưng việc giảm mức axit uric có thể giúp ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Giai đoạn 2: Viêm khớp cấp tính do gút (acute gouty arthritis)
- Thường gây ra cơn đau đột ngột, tại một khớp hoặc một số khớp, đặc biệt là ở khớp ngón chân cái;
- Các triệu chứng bao gồm đau dữ dội, sưng, đỏ và nóng rát;
- Cơn đau có thể kéo dài từ vài 3 – 14 ngày.
Giai đoạn 3: Gút giao thoa (intercritical gout)
- Là khoảng thời gian giữa 2 các cơn gút cấp tính liên tiếp;
- Không có triệu chứng gì xuất hiện trong giai đoạn này nhưng tinh thể axit uric vẫn tiếp tục lắng đọng và tích tụ trong cơ thể.
Giai đoạn 4: Gút mãn tính có sự hình thành hạt tophi (chronic tophaceous gout)
- Xuất hiện sau nhiều năm mắc bệnh mà không được điều trị;
- Viêm khớp có thể trở nên liên tục và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn;
- Hình thành các nốt u cứng dưới da, ngay tại vị trí các khớp, chứa các tinh thể sodium urat (gọi là hạt tophi);
- Các khớp có thể bị biến dạng, ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Minh họa nốt u cứng dưới da (hạt tophi) ở bệnh nhân gút giai đoạn 4
Chẩn đoán bệnh gút
Theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế về Thấp khớp (ILAR) và OMERACT 2000, một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gút cần phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Đầu tiên, trong dịch khớp được phát hiện chứa tinh thể urat, hoặc hạt tophi được chứng minh có chứa tinh thể urat. Sau đó, người bệnh cần phải xuất hiện ít nhất 6/12 triệu chứng sau để được chẩn đoán là mắc bệnh gút:
- Viêm khớp tiến triển nhanh, diễn ra tối đa trong vòng 24 giờ thì tự thuyên giảm;
- Có hơn 01 cơn viêm khớp cấp tính;
- Viêm chỉ xảy ra ở một khớp;
- Da vùng khớp bị viêm trở nên đỏ;
- Sưng, đau khớp ngón cái;
- Viêm khớp ngón cái chỉ xảy ra ở một bên;
- Viêm khớp một bên cổ chân;
- Xuất hiện các hạt tophi (các khối u chứa tinh thể urat) có thể nhìn thấy được;
- Nồng độ axit uric trong máu cao hơn bình thường;
- Sưng khớp không đối xứng;
- Phát hiện nang dưới vỏ xương trên phim X-quang mà không gây xói mòn xương.
- Kết quả cấy vi khuẩn trong dịch khớp âm tính.
Nếu người bệnh đáp ứng 6 / 12 tiêu chí trên, bác sĩ có thể chẩn đoán là họ mắc bệnh gút; đồng thời đưa ra nhiều phương pháp điều trị kịp thời để giảm đau, phòng ngừa và kiểm soát biến chứng.
Bệnh gút có nguy hiểm không?
Bệnh gút CÓ THỂ gây nguy hiểm. Nguyên nhân là vì nhiều bệnh nhân – khi không được điều trị kịp thời, thường xuyên hoặc điều trị đầy đủ, có nguy cơ cao đối mặt với sự khởi phát của hàng loạt biến chứng bệnh gout gây nguy hiểm, chẳng hạn như:
- Viêm khớp mạn tính: Các cơn đau lặp đi lặp lại với tần suất cao, gây tổn thương cấu trúc khớp vĩnh viễn (hủy hoại khớp);
- Hình thành nốt u cứng dưới da (hạt tophi): Làm biến dạng khớp, khiến người bệnh mất dần khả năng vận động;
- Làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý mạn tính: Bao gồm nhiều bệnh như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính và sỏi thận. Đặc biệt, trên 65% số ca tử vong của người bệnh gút đều được tìm thấy có liên quan đến các biến chứng tim mạch;
- Ảnh hưởng tinh thần và đời sống: Tình trạng đau đớn, khó vận động và dị dạng khớp khiến người bệnh trầm cảm, tự ti và đánh mất nhiều cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trên đây là những biến chứng của gout mà người bệnh cần nắm rõ. Để ngăn chặn từ sớm những biến chứng gout kể trên, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và can thiệp điều trị kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

Bệnh gout có thể gây biến dạng khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng vận động
Bệnh gút có chữa khỏi được không?
Bệnh gút KHÔNG THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI vì đây là một bệnh lý mãn tính. Tuy nhiên, với sự tiến bộ trong y học hiện đại, bệnh gút có thể được quản lý và kiểm soát hiệu quả, giúp giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa các cơn đau cấp tính tái phát và hạn chế tối đa biến chứng.
Khi người bệnh gút tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị, họ có thể:
- Kiểm soát và giảm thiểu triệu chứng của các cơn gút cấp tính;
- Giảm nguy cơ tái phát;
- Hạn chế sự hình thành nốt u cứng dưới da (hạt tophi) hủy hoại khớp;
- Giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến thận và các vấn đề khác.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lối sống, chế độ ăn cho người bệnh gout, và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là những yếu tố quan trọng giúp quản lý bệnh gút hiệu quả. Mặc dù không thể chữa khỏi, nhưng bệnh nhân có thể sống một cuộc sống gần như bình thường khi bệnh được kiểm soát tốt.
Cách trị bệnh gút
Mục tiêu của việc điều trị bệnh gút là nhằm giảm đau, giảm viêm mỗi khi cơn gút cấp tính bùng phát; đồng thời, ngăn chặn sự tái phát và làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh về lâu dài. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho bệnh gút được Trường Cao đẳng Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR) khuyến nghị:
1. Dùng thuốc
1.1. Điều trị cơn gút cấp tính
- Dùng thuốc kháng viêm – giảm đau không chứa steroids (NSAIDs): Sử dụng NSAIDs trong thời gian ngắn cho thấy hiệu quả điều trị tối ưu với tác dụng phụ tối thiểu trong việc kiểm soát các cơn đau cấp tính. Một số dòng thuốc NSAIDs điển hình, được FDA chấp thuận để điều trị bệnh gút bao gồm: indomethacin, naproxen và sulindac;
- Dùng thuốc kháng viêm – giảm đau chứa steroids: Được sử dụng khi bệnh nhân không thể sử dụng NSAIDs hoặc NSAIDs không cho thấy hiệu quả. Thuốc có thể được tiêm trực tiếp vào vùng khớp bị ảnh hưởng hoặc được uống dưới dạng viên;
- Dùng colchicine: Là dòng thuốc alkaloid có đặc tính kháng viêm mạnh, nhưng không có chức năng giảm đau. Colchicine thường có thể được chỉ định dùng chung với thuốc NSAIDs, miễn là chức năng thận hoạt động bình thường.
1.2. Điều trị bệnh gút mạn tính
Đối với người mắc bệnh gút mãn tính, việc điều trị là nhằm mục đích làm giảm nồng độ axit uric trong máu để ngăn ngừa các đợt viêm khớp bùng phát trong tương lai. Trong quá trình điều trị bệnh gút mạn tính, người bệnh thường được chỉ định uống các loại thuốc như:
- Thuốc ức chế sản xuất axit uric: Bao gồm allopurinol và febuxostat;
- Thuốc tăng cường đào thải axit uric: Bao gồm probenecid và lesinurad; giúp cơ thể tăng cường loại bỏ axit uric qua đường nước tiểu;
- Thuốc ức chế tinh thể natri urat: Điển hình là thuốc tiêm pegloticase, giúp chuyển đổi các tinh thể urat thành các hợp chất không thể bám trên khớp để tiếp tục gây viêm; đồng thời, hỗ trợ hạ thấp nồng độ axit uric máu đáng kể trong vòng 24 giờ sau tiêm.

Allopurinol là dòng thuốc điều trị bệnh gút thường được bác sĩ chỉ định
2. Thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng
Bao gồm việc tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau:
- Hạn chế thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản và nội tạng động vật;
- Hạn chế / tránh hoàn toàn việc uống rượu bia, thực phẩm / nước giải khát chứa đường fructose;
- Uống ít nhất 1.5 – 2 lít nước / ngày;
- Tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa ít purin và giàu chất chống oxy như trái cây, rau củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt;
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân – béo phì;
- Tránh việc tiêu thụ thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric như: các loại thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau – hạ sốt aspirin, thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B3,…
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và xây dựng lịch trình vận động vừa sức (đi bộ, tập yoga, đạp xe,…) để nâng cao sức khỏe tổng thể.
3. Can thiệp phẫu thuật
Trong trường hợp các nang cứng dưới da (hạt tophi) hình thành quá lớn, gây đau hoặc hủy hoại khớp, phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ chúng và chỉnh hình lại hoặc thay khớp mới.
Bệnh gút sống được bao lâu?
Theo ước tính, tỷ lệ sống còn sau 7 năm của người bệnh gút là 85%. Tuy nhiên, về bản chất, bệnh gút không trực tiếp ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh, mà các biến chứng do bệnh gút gây ra (tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì,…) mới có thể tác động nghiêm trọng đến tuổi thọ của bệnh nhân.
Trong số đó, bệnh tim mạch được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh gút, chịu trách nhiệm cho hơn 65% tổng số ca tử vong của bệnh nhân gút. Do đó, điều quan trọng là người bệnh gút cần phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị, điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng, cũng như thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để ngăn chặn sớm các biến chứng liên quan.
Cách phòng bệnh gout
Phòng ngừa bệnh gút là một hành trình dài, đòi hỏi bạn phải thay đổi chế độ dinh dưỡng và điều chỉnh lối sống khoa học, tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Thay đổi chế độ ăn uống
- Hạn chế thực phẩm giàu purin: Các thực phẩm như thịt đỏ (bò, lợn, cừu, dê…), thủy hải sản (như tôm, mực, sò,…), nội tạng động vật (như gan, tim,…), rượu bia và các loại đậu nên được giảm bớt trong chế độ ăn;
- Hạn chế thực phẩm giàu fructose: Đường fructose thúc đẩy gan tăng cường tổng hợp axit uric. Do đó, người bệnh nên kiêng tiêu thụ thực phẩm giàu fructose, chẳng hạn như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát chứa đường, hoa quả sấy khô, các loại mứt…;
- Uống đủ nước: Uống 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp thận lọc và đào thải axit uric hiệu quả hơn.
2. Điều chỉnh lối sống
- Tăng cường vận động: Vận động giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm thiểu rủi ro tăng axit uric máu – tình trạng có thể thúc đẩy bệnh gút tiến triển;
- Giảm cân: Nếu bạn béo phì hoặc thừa cân, việc giảm cân cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút;
- Tránh thuốc gây tăng mức axit uric: Lạm dụng thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau – hạ sốt và một số loại thuốc khác của thể làm tăng nồng độ axit uric máu. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc kể trên, hãy thảo luận với bác sĩ về các tùy chọn thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng phù hợp;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đối với những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gút, việc kiểm tra chỉ số axit uric máu định kỳ có thể giúp bạn phát hiện và ngăn chặn bệnh từ sớm.

Hạn chế thực phẩm giàu đường fructose giúp kiểm soát nồng độ axit uric máu
Nghi mắc bệnh gút: Khi nào đi khám bác sĩ?
Nghi ngờ mắc bệnh gút, bạn cần đi khám bác sĩ ngay khi cơ thể có một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Đau khớp đột ngột: Đặc biệt là ở ngón chân cái, thường xảy ra đột ngột vào ban đêm và có thể gây đau đớn dữ dội. Cơn đau có thể lan đến các khớp khác như khớp cổ chân, gối, cổ tay, và ngón tay;
- Khớp sưng, đỏ và nóng: Khi khớp bị viêm, chúng có thể trở nên sưng to, ửng đỏ và có cảm giác nóng rát khi chạm vào;
- Gặp khó khăn khi di chuyển: Nếu đau khớp làm bạn khó khăn trong việc di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt;
- Có lịch sử dùng nhiều thuốc: Trong thời gian gần đây, nếu bạn khả nghi đã sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau – hạ sốt hoặc thuốc chống viêm không steroid, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Khi gặp bác sĩ, bạn sẽ được đánh giá triệu chứng, tiến hành kiểm tra lâm sàng và có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh gút chính xác hơn. Việc sớm tìm đến bác sĩ giúp bạn nhận được phác đồ điều trị nhanh chóng, góp phần kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng một cách hiệu quả.
Nếu bạn hoặc người thân đang phải đối mặt với bệnh gút, hãy để Trung tâm Chấn Thương Chỉnh Hình, trực thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đồng hành cùng bạn trên hành trình thăm khám và chữa bệnh toàn diện. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, cơ sở vật chất tiên tiến cùng phương pháp chẩn đoán chính xác, chúng tôi luôn cam kết mang lại dịch vụ y tế chất lượng hàng đầu cho người bệnh.
Để đặt lịch thăm khám bệnh gút (gout) tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858 – 028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (Hà Nội).
Trên đây là những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề bệnh gút. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được bệnh gout là gì, nguyên nhân bệnh gout là gì để xây dựng được phác đồ phòng bệnh và kiểm soát bệnh hiệu quả. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!