Chế độ ăn cho người bị gout: Nên ăn gì và kiêng gì?

06/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Xây dựng chế độ ăn cho người bị gout luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm bởi việc tiêu thụ thực phẩm thiếu chọn lọc có thể khiến bệnh gút tiến triển nặng và bùng phát một cách mất kiểm soát. Vậy, chế độ ăn bệnh gout đòi hỏi bạn phải tuân thủ theo những nguyên tắc dinh dưỡng nào? Đâu là danh sách các loại thực phẩm cần có hoặc nên kiêng trong chế độ ăn cho người bệnh gout? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Chế độ ăn cho người bị gout: Nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ ăn cho người bị gout cần kiêng gì và ăn gì?

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh gút như thế nào?

Bệnh gút (hay còn gọi là bệnh thống phong) là tình trạng viêm khớp xảy ra do sự tích tụ axit uric quá mức trong máu làm lắng đọng các tinh thể natri urat trong ổ khớp, khiến khớp bị viêm, sưng và đau. Trong khi đó, axit uric lại là sản phẩm phụ của quá trình phân giải các purin, một loại hợp chất hóa học tồn tại trong nhiều thực phẩm. Do đó, chế độ ăn uống của bạn hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh gút bằng cách làm thay đổi nồng độ axit uric máu; từ đó, thúc đẩy hoặc ngăn ngừa bệnh gút bùng phát.

Lưu ý:

Điều chỉnh chế độ ăn cho người bị gout không phải là cách chữa trị bệnh gút. Song, nếu được tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng khoa học, bạn hoàn toàn có thể làm giảm tần suất tái phát các cơn đau khớp và làm chậm quá trình tổn thương khớp.

Mục tiêu của chế độ ăn cho người bệnh gout

Trong ngắn hạn, mục tiêu của chế độ ăn cho người bệnh gút là nhằm duy trì nồng độ axit uric trong máu ở ngưỡng an toàn (dưới 7.0 mg/dL đối với nam và 6.0 mg/dL đối với nữ); từ đó, giúp cải thiện các triệu chứng đau khớp liên quan đến bệnh gút. Về dài hạn, mục tiêu của chế độ ăn cho người bị gout không chỉ liên quan đến việc làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh mà còn tập trung giúp người bệnh duy trì thói quen ăn uống tốt để đạt được cân nặng khỏe mạnh và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể.

Mục tiêu của chế độ ăn cho người bệnh gout

Điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng của bệnh gút

Cơ cấu khẩu phần trong chế độ ăn cho người bị gout

Để xây dựng thực đơn trong chế độ ăn cho người bị gout, bạn cần đáp ứng các cơ cấu khẩu phần như sau:

Cơ cấu khẩu phần Khuyến cáo
Năng lượng – 25 – 35 kcal / kg / ngày nếu BMI từ 18.5 – 25.

– Người có bệnh lý nền hoặc thừa cân – béo phì (BMI >25) cần ăn theo chỉ định của bác sĩ.

Số bữa ăn – 5 cữ / ngày (3 cữ chính và 2 cữ phụ);

– Bữa sáng: Chiếm 30% tổng calo;

– Bữa trưa và bữa xế: Chiếm 25% tổng calo;

– Bữa tối và bữa trước khi ngủ: Chiếm 10% tổng calo.

Chất đạm – 60 – 75g đạm / ngày (12 – 15% tổng calo);

– Tổng lượng thịt / cá / hải sản không quá 150g / ngày);

Chất béo – 40 – 55g chất béo / ngày;

– Chất béo bão hòa không nên chiếm quá 30% tổng lượng chất béo ăn mỗi ngày;

Chất đường bột 300 – 350g ngày (60 – 70% tổng calo);
Vitamin C 500 mg / ngày
Muối ăn Dưới 5g / ngày
Purin Dưới 400 mg / ngày
Rau lá xanh và rau củ Từ 400g / ngày, đảm bảo cung cấp đủ 20 – 22g chất xơ / ngày
Hoa quả tươi 100 – 200g / ngày
Nước 1.5 – 2.5 lít / ngày

Chế độ ăn cho người bị gout: Ăn gì và kiêng gì?

Chế độ ăn cho người bị gout còn được gọi là chế độ ăn giảm acid uric. Để thực hiện mục tiêu giảm acid uric máu, bạn cần tập trung kiêng thực phẩm giàu purin, đường fructose và các chất gây viêm (chất béo bão hòa, carbohydrates tinh chế,…); đồng thời, tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng viêm. Cụ thể như sau:

1. Thực phẩm tốt cho người bệnh gout (purin <150mg)

Nhóm thực phẩm Đặc điểm Đại diện
Rau củ Khoảng 70% các loại rau củ chứa ít hơn 50 mg purin nên được xếp vào nhóm thực phẩm an toàn cho người bệnh gút. Cà rốt, củ cải, cà chua, bông cải trắng, bông cải xanh, bắp cải, ngô, dưa chuột, cà tím, khoai tây, cải bó xôi (cây trưởng thành), khoai lang, bí xanh, bí đỏ, tỏi, gừng, mướp,…
Hoa quả tươi Hầu hết các loại hoa quả đều chứa hàm lượng purin thấp. Song, người bệnh gút cần ưu tiên loại trái cây chứa ít đường fructose. Dâu, cam, dứa, kiwi, dưa lưới, bưởi, bơ, dưa gang, mận Hà Nội, quả mơ, mâm xôi, đào, dưa hấu, …
Trứng Hầu như không chứa purin hoặc chứa rất ít purin (dưới 13 mg purin) Trứng gà, trứng vịt, trứng cút, trứng cá,…
Sữa ít béo và các chế phẩm liên quan Sữa tách béo hoặc ít béo

Sữa chua, phô mát, kem tươi,…

Các loại đậu Một số loại đậu chứa hàm lượng purin trung bình, người bị gout không nên ăn quá nhiều. Tuy nhiên nếu chế biến đúng cách thì sẽ giảm được lượng purin này Đậu xanh luộc, đậu phộng luộc, đậu phụ,…
Ngũ cốc nguyên hạt Hầu hết đều chứa ít hơn 50 mg purin Lúa mạch, kiều mạch, bột mì, gạo lứt, bánh mì nâu,…
Cà phê – Tiêu thụ cà phê được chứng minh có thể hỗ trợ hạ thấp nồng độ axit uric máu khi tiêu thụ ở mức 470 – 710 ml / ngày.

Lưu ý:

  • Cơ thể mỗi người đều có những phản ứng khác nhau đối với các thực phẩm. Ví dụ, một số người bệnh gút có thể ăn được các loại đậu trong khi số khác thì có hiện tượng dị ứng, nổi mẩn hoặc tái phát các cơn đau khớp. Do đó, trên hành trình xây dựng chế độ ăn cho người bị gout, điều quan trọng là bạn cần lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp.
  • Nếu nghi ngờ hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin về một loại thực phẩm bất kỳ trước khi tiêu thụ, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác.
Thực phẩm tốt cho người bệnh gout (purin <150mg)

Chế độ ăn cho người bị gout cần ưu tiên chứa nhiều rau củ quả

2. Thực phẩm người bị gút nên nên ăn hạn chế

Nhóm thực phẩm Đại diện Giới hạn tiêu thụ an toàn
 

Thực phẩm giàu purin

Nội tạng động vật Không quá 100g / tuần.
– Thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, dê,…)

– Thịt gia cầm bỏ da (thịt gà, vịt,…)

Không quá 85g / cữ và 150g / ngày
Các loại thủy hải sản có kích thước lớn hoặc sống ở tầng nước sâu (cá trích, cá thu, cá bơn, cá mòi, cá ngói, cá ngừ, cá tuyết, sò điệp, hàu,…)
Thực phẩm giàu đường fructose – Hoa quả giàu đường fructose (nho, táo, lê, chuối, xoài, anh đào, lựu, kiwi,…)

– Bánh kẹo ngọt, nước giải khát công nghiệp,…

Không quá 25g fructose / ngày
Thực phẩm có tiềm năng gây viêm Thực phẩm giàu chất béo bão hòa:

– Đồ ăn đóng hộp;

– Đồ ăn chế biến sẵn (lạp xưởng, thịt xông khói, xúc xích,…);

– Dầu / mỡ động vật: Thịt ba chỉ, da gà, mỡ heo dùng trong chiên (rán).

 

Không quá 13 – 18g chất béo bão hòa / ngày
Thực phẩm nhiều muối:

– Đồ ăn chế biến sẵn;

– Các loại khô (khô bò, khô cá, khô mực,…);

– Các loại dưa muối chua.

Không quá 5g muối / ngày
Rượu bia Kiêng tuyệt đối hoặc tiêu thụ không quá 14 – 28g cồn / ngày.

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh gout

Trên hành trình kiểm soát bệnh gút, ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn cho người bị gout, điều chỉnh chế độ sinh hoạt cũng là một phần rất quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ sinh hoạt mà người bệnh gút cần cải thiện để kiểm soát bệnh tốt hơn:

  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Béo phì làm suy yếu khả năng đào thải axit uric của thận, góp phần thúc đẩy bệnh gút bùng phát. Do đó, nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, cần có một kế hoạch giảm cân khoa học càng sớm càng tốt;
  • Tăng cường vận động: Vận động giúp tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ thận bài tiết axit uric hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong cơn gút bùng phát, hãy tránh vận động quá mức ở vị trí bị viêm;
  • Tránh căng thẳng: Nghiên cứu cho thấy, nồng độ axit uric có thể tăng lên khi cơ thể gặp căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc thể chất. Do đó, học cách quản lý căng thẳng thông qua thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc,… có thể giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả;
  • Sử dụng giày thoải mái: Sau khi bị đau khớp chân do gút, bạn hãy giảm áp lực cho các khớp bằng cách mang giày rộng, mũi hở, không gò bó ở phần ngón chân để khớp mau lành;
  • Kết nối với cộng đồng: Tham gia vào các nhóm hỗ trợ dành riêng cho người bệnh gút có thể giúp bạn nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ từ những người cùng cảnh ngộ, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống;
  • Hạn chế sử dụng thuốc kích thích: Một số thuốc không kê đơn có thể gây tăng nồng độ axit uric máu, đặc biệt là thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau hạ sốt chứa aspirin. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Tuân thủ điều trị: Nếu bạn được kê đơn thuốc, hãy tuân thủ chế độ điều trị và không tự ý sử dụng thêm thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà chưa được bác sĩ chỉ định.
Chế độ sinh hoạt cho người bệnh gout

Tuân thủ chỉ định của bác sĩ giúp bạn kiểm soát bệnh tối ưu

Trên đây là những thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề chế độ ăn của người bị gout. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hình dung được chế độ ăn cho người bị gút nên được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào, cũng như biết rõ người bệnh gút nên kiêng gì, ăn gì và ăn với hàm lượng bao nhiêu thì tốt cho sức khỏe.

Tóm lại, xây dựng chế độ ăn cho người bị gout không chỉ giúp bạn giảm thiểu triệu chứng đau nhức mà còn phòng tránh nguy cơ tái phát. Để quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả, việc hiểu rõ những thực phẩm nên ăn và cần tránh là điều vô cùng quan trọng.

Vì thế, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào xoay quanh chủ đề chế độ ăn cho người bị gout, bạn hãy nhanh tay liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599 để được tư vấn sớm. Chúc bạn nhanh chóng kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống!

Rate this post
17:41 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Choi, H. K., & Curhan, G. C. (2007). Coffee, tea, and caffeine consumption and serum uric acid level: The third national health and nutrition examination survey. Arthritis Care & Research57(5), 816–821. https://doi.org/10.1002/art.22762
  2. ‌Johnson, R. J., Sautin, Y. Y., Oliver, W. J., Roncal, C., Mu, W., Sánchez-Lozada, L. G., Rodrı́guez-IturbeB., Nakagawa, T., & Benner, S. A. (2008). Lessons from comparative physiology: could uric acid represent a physiologic alarm signal gone awry in western society? Journal of Comparative Physiology B-Biochemical Systemic and Environmental Physiology179(1), 67–76. https://doi.org/10.1007/s00360-008-0291-7