Viêm khớp dạng thấp: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

07/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể hủy hoại ổ khớp, khiến bạn mất dần khả năng vận động hoặc thậm chí, có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy, bệnh viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ra sao? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Viêm khớp dạng thấp: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng và nguyên nhân viêm khớp dạng thấp ra sao?

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis – RA) là một bệnh tự miễn (rối loạn miễn dịch) khiến các kháng thể trong máu tấn công vào màng hoạt dịch – lớp mô liên kết bao quanh khớp, có nhiệm vụ tiết dịch bôi trơn khớp; từ đó, gây viêm khớp.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính, có nghĩa là nó sẽ kéo dài suốt đời và thường tiến triển dần theo thời gian. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là các khớp ở bàn tay, cổ tay, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, vai và khuỷu tay.

Tại Việt Nam, các số liệu ước tính cho thấy, cứ mỗi 5 người mắc bệnh viêm khớp (arthritis) lại có 1 người bị viêm khớp dạng thấp (RA) – tương đương với khoảng 0.5% dân số nước ta bị viêm khớp dạng thấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 70% số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là phụ nữ và hơn một nửa là phụ nữ trên 55 tuổi.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

So sánh cấu trúc khớp khỏe mạnh với khớp bị tổn thương khi bị viêm dạng thấp

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường trải qua 4 giai đoạn tiến triển, bao gồm:

1. Giai đoạn I: Viêm bao hoạt dịch (synovitis)

Ở giai đoạn I, màng hoạt dịch – một lớp màng mỏng bao bọc quanh khớp bắt đầu viêm nhiễm, sưng to. Điều này gây ra sự tích tụ chất lỏng quá mức bên trong màng hoạt dịch, dẫn đến cảm giác đau và nóng rát khi chạm vào khớp hoặc cử động khớp. Trong giai đoạn này, các triệu chứng mới chỉ tiến triển ở mức độ nhẹ và thường ảnh hưởng đến khớp bàn tay / ngón tay / mắt cá chân / đầu gối.

2. Giai đoạn II: Tăng sinh mô xâm lấn do viêm (pannus)

Khi quá trình viêm tiến triển nặng, sự lắng đọng các mô sợi lên trên sụn tạo nên một mô mới gọi là mô viêm hạt (pannus). Sau khi được hình thành, màng pannus (chứa các tế bào viêm) bắt đầu phát triển và xâm lấn vào bề mặt của xương và sụn. Trong quá trình xâm lấn, màng pannus giải phóng ra các enzyme có khả năng phá hỏng tổ chức sụn, điển hình như stromelysin, elastase, collagenase… khiến sụn mỏng đi.

Trong ổ khớp, sụn chính là lớp “đệm” tự nhiên giữa hai đầu xương, cho phép chúng trượt lên nhau một cách mượt mà và giúp khớp chuyển động linh hoạt. Do đó, khi sụn bị xói mòn, mức độ đau và cứng khớp có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Giai đoạn III: Cứng xơ khớp (fibrous ankylosis)

Ở giai đoạn III, vùng khớp và sụn bị tổn thương bắt đầu lan tỏa và hợp nhất với mạng lưới collagen – mô sợi liên kết của xương, khiến xương có xu hướng “dính” vào nhau, làm giảm khả năng vận động của khớp. Trong giai đoạn này, các khớp của bạn có thể bắt đầu bị cong vẹo và biến dạng.

4. Giai đoạn IV: Cứng xương khớp (bony ankylosis)

Đây là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất trong tiến trình phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Lúc này, hai đầu xương trong khớp không chỉ tạm thời “dính” vào nhau mà đã thực sự hợp nhất với nhau ở cấp độ tế bào. Về cơ bản, khớp của bạn đã hoàn toàn biến mất nên bạn không thể uốn cong hoặc cử động hai đầu xương liên quan. Ở giai đoạn IV, cơn đau thực sự biến mất nhưng bạn cũng đã chính thức mất đi khả năng vận động.

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

Minh họa 4 giai đoạn tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau cùng với sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng và thời gian xuất hiện. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Đau khớp: Cơn đau thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể (ví dụ: cả hai khớp cổ chân, cả hai khớp đốt ngón tay…). Khớp thường bị đau khi thức dậy buổi sáng và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần;
  • Sưng khớp: Các khớp, đặc biệt là khớp đốt ngón tay, cổ chân và đầu gối, có thể trở nên sưng đỏ, phù nề và đem tới cảm giác nóng rát;
  • Cứng khớp: Cảm giác khớp khó chuyển động thường xuất hiện vào buổi sáng khi thức dậy và có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ;
  • Khô mắt và miệng: Nghiên cứu cho thấy, có đến khoảng 30% người bệnh viêm khớp dạng thấp mắc Hội chứng Sjogren, gây ra cảm giác khô ở mắt và miệng;
  • Nổi u cứng dưới da: Có khoảng 20% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nổi những nốt u cứng dưới da, còn gọi là nang viêm khớp dạng thấp (rheumatoid nodules), đặc biệt là ở những vị trí chịu áp lực lớn như cổ chân hoặc khuỷu tay;
  • Khó thở:viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn gây viêm nhiễm toàn thân; do đó, có thể ảnh hưởng đến phổi, gây khó thở.
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Minh họa người bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng nổi u cứng dưới da (hạt tophi)

Biến chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà còn có thể gây ra một loạt các biến chứng trong nhiều bộ phận khác của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh không chỉ gây xói mòn cấu trúc khớp mà còn có thể làm tổn thương đến cả sụn và xương; hoặc thậm chí, có thể dẫn đến các vấn đề về tim, phổi, xương, mắt và hệ thống nội tiết. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp:

  • Hủy hoại khớp: Viêm kéo dài có thể dẫn đến sự phá hủy sụn, xương và mô liên kết, gây ra sự biến dạng và mất hoàn toàn chức năng của khớp;
  • Nguy cơ nhiễm trùng: Tiêu thụ một số loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc các bệnh viêm nhiễm khác (cảm cúm. viêm mũi dị ứng, viêm hô hấp, viêm họng…);
  • Nguy cơ mắc bệnh mạn tính: Nghiên cứu cho thấy, viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo thường và bệnh mạch vành lên 1.5 – 2.0 lần so với người bình thường;
  • Bệnh ở phổi: Tình trạng viêm nhiễm quá mức có thể gây tổn thương phổi, để lại sẹo, dẫn đến khó thở và nhiều vấn đề hô hấp khác;
  • Bệnh loãng xương: Theo nghiên cứu, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ gãy xương do loãng xương cao hơn 30% so với dân số nói chung. Đặc biệt, tỷ lệ gãy xương hông có thể tăng lên đến 40%;
  • Bệnh về mắt: Các vấn đề như khô mắt, viêm giác mạc và các biến chứng khác có thể xuất hiện khi người bệnh mắc phải Hội chứng Sjogren – một biến chứng phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp;
  • Hội chứng ống cổ tay: Khi tình trạng viêm ảnh hưởng đến cổ tay, có thể gây áp lực lên dây thần kinh cổ tay, gây ra Hội chứng ống cổ tay, khiến cổ tay bị đau khi cử động;
  • Ung thư hạch: Theo Hiệp hội Viêm khớp Hoa Kỳ, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư hạch – một nhóm bệnh ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết;
  • Vấn đề tâm lý: Đối mặt với các cơn đau đớn và sự hạn chế vận động có thể gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu.

Trên đây là những biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp, giúp bạn trả lời cho câu hỏi viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không. Ngay khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc có bất kỳ triệu chứng nào liên quan, bạn nên đặt lịch hẹn đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp gần nhất để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Biến chứng viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể hủy hoại khớp từ sâu bên trong

Nguyên nhân và tác nhân gây viêm khớp dạng thấp là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân trực tiếp gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết đến. Song, các tác nhân (yếu tố rủi ro) gián tiếp thúc đẩy bệnh tiến triển, có thể bao gồm:

  • Tuổi tác: Mặc dù viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xuất hiện ở người sau độ tuổi trung niên. Độ tuổi trung bình xảy ra viêm khớp dạng thấp là 58. Hầu hết mọi người đều có thể khởi phát các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi từ 30 đến 60, nhưng nam giới thường khó có thể được chẩn đoán khi dưới 45 tuổi.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh (49 – 50 tuổi). Không những thế, mức độ đau và tần suất bộc phát triệu chứng cũng thường mạnh mẽ hơn ở nam giới;
  • Béo phì: Nghiên cứu cho thấy, tình trạng béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp lên hơn 25% so với mức cân nặng bình thường;
  • Nội tiết tố: Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở phụ nữ trong thời kỳ sau mãn kinh – khi nồng độ estrogen sụt giảm, làm tăng sự hiện diện của các protein gây viêm, được biết là góp phần gây ra RA. Điều này cho thấy rằng nội tiết tố, đặc biệt là estrogen, có thể đóng một vai trò trong việc phát triển bệnh.
  • Hút thuốc: Nghiên cứu cho thấy, hút thuốc có thể làm tăng 26% nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở những người hút thuốc từ 1 – 10 gói / năm và tăng gần gấp đôi (194%) nguy cơ mắc bệnh ở những người hút thuốc từ 21 – 30 gói / năm.
  • Gen di truyền (tiền sử gia đình): viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có thể di truyền. Tính đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy có đến hơn 30 gen liên quan trực tiếp đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh RA thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người khác.

Lưu ý:

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra là do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Do đó, việc sở hữu gen di truyền liên quan đến RA không chắc chắn khiến bạn mắc bệnh. Ngược lại, việc không sở hữu bất cứ gen nào liên quan đến RA cũng không đảm bảo rằng bạn sẽ không thể mắc phải căn bệnh này.

Nguyên nhân & tác nhân gây viêm khớp dạng thấp là gì?

Tuổi tác là yếu tố rủi ro thúc đẩy bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển

Phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (RA), các bác sĩ sẽ sử dụng một loạt các phương pháp, bao gồm lâm sàng khám, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh. Dưới đây là chi tiết về một số phương pháp chẩn đoán chính:

Phương pháp xét nghiệm Chỉ số / loại xét nghiệm Ý nghĩa / Mục đích
Khám lâm sàng Bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phỏng vấn chi tiết về triệu chứng, tiền sử y tế của bạn và tiền sử y tế gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp của bạn để xác định mức độ viêm, sưng và đau.
Xét nghiệm máu ESR (tốc độ lắng máu) Mức ESR cao phản ánh tình trạng viêm trong cơ thể; thường được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
CRP (protein phản ứng C) CRP cũng là một chỉ số đánh giá mức độ viêm. Mức CRP cao có thể chỉ ra tình trạng viêm nghiêm trọng.
Anti-CCP (kháng thể chống lại citrullinated vòng) – Là xét nghiệm đặc hiệu giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp;

– Nồng độ kháng thể anti-CCP cao hơn > 17 U/mL được xem là dương tính với bệnh viêm khớp dạng thấp;

– Thường được chỉ định cùng xét nghiệm RF.

RF (yếu tố dạng thấp) – Tìm kiếm các protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch, còn được gọi là yếu tố dạng thấp (RF);

– Không phải ai cũng có RF trong máu và một số người có RF vẫn khỏe mạnh.

– Chỉ một mình xét nghiệm RF không thể chẩn đoán bất kỳ vấn đề sức khỏe nào;

– Tuy nhiên, mức RF cao kèm theo các triệu chứng viêm khớp giúp bác sĩ nhận diện chính xác bệnh viêm khớp dạng thấp;

Xét nghiệm công thức máu toàn phần – Giúp loại trừ một số nguyên nhân (không phải viêm khớp dạng thấp) có thể gây ra các triệu chứng của bạn;

– Cung cấp chỉ số về sức khỏe tổng thể của bạn.

Chẩn đoán hình ảnh X-quang – Giúp phát hiện các dấu hiệu của sự xói mòn xương và biến dạng khớp (nhưng không thể thấy sụn và mô mềm liên quan);
– Thường được ứng dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh theo thời gian, ít khi dùng để chẩn đoán bệnh.
MRI (cộng hưởng từ) – Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về khớp, sụn, xương và mô mềm xung quanh (màng hoạt dịch, bao hoạt dịch, gân,…);
– Là phương pháp hàng đầu dùng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

Bằng việc kết hợp thông tin từ các kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán và xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp, từ đó đề xuất phương án điều trị phù hợp.

Phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Minh họa ảnh chụp MRI cho thấy rõ xương, sụn và mô mềm xung quanh khớp gối

Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp KHÔNG THỂ được chữa khỏi bởi đây là bệnh lý tự miễn (rối loạn miễn dịch) có tính chất mạn tính. Song, việc điều trị đúng cách có thể góp phần làm chậm tiến trình phát triển của bệnh, cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và hỗ trợ ngăn ngừa sớm các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Mục tiêu ngắn hạn của việc điều trị viêm khớp dạng thấp là giảm viêm, giảm sưng đau và hạn chế tổn thương ở các khớp. Xa hơn, mục tiêu quan trọng nhất của điều trị viêm khớp dạng thấp là làm chậm hoặc ngừng tổn thương khớp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến hiện nay:

  • Thuốc giảm đau và chống viêm không steroid (NSAIDs): Như ibuprofen, naproxen, paracetamol và codein. Chúng giúp giảm đau và kháng viêm tạm thời;
  • Thuốc chống viêm khớp dạng thấp tác dụng chậm (DMARDs): Là nhóm thuốc cơ bản được chỉ định trong phác đồ điều trị bệnh dài hạn. Chúng giúp giảm viêm và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, thuốc DMARDs cần mất vài tháng mới phát huy tác dụng. Một số loại thuốc DMARDs phổ biến bao gồm: methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide….
  • Chế phẩm sinh học (biological treatments): Là phương pháp tiêm vào cơ thể các chuỗi protein được bào chế riêng biệt để tác động vào từng phản ứng miễn dịch cụ thể gây ra viêm. Chế phẩm sinh học thường được dùng kết hợp với DMARDs, hoặc khi DMARDs không hiệu quả. Một số ví dụ điển hình bao gồm: adalimumab , etanercept và Infliximab;
  • Chất ức chế JAK (JAK inhibitors): Là thuốc giúp ngăn chặn sự hoạt động của janus kinase – một loại protein có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành viêm. JAK thường được chỉ định cho những người không thể dùng DMARDs hoặc chế phẩm sinh học. Một số ví dụ điển hình bao gồm: tofacitinib (Xeljanz), baricitinib (Olumiant), upadacitinib (Rinvoq);
  • Thuốc chống viêm chứa steroids: Là loại thuốc mạnh giúp giảm đau và viêm tức thời. Chúng thường được chỉ định sử dụng để giảm đau trong thời gian ngắn, chẳng hạn như khi trong khi bạn đang chờ thuốc DMARDs phát huy tác dụng. Một số ví dụ điển hình bao gồm: prednisone, giúp giảm nhanh chóng sưng và đau;
  • Vật lý trị liệu và tập luyện: Giúp hạn chế cứng khớp, cải thiện chức năng vận động và hỗ trợ lưu thông máu;
  • Phẫu thuật: Đôi khi được chỉ định để sửa chữa hoặc thay thế khớp bị tổn thương nghiêm trọng;
  • Điều chỉnh lối sống: Bao gồm việc thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất, giảm cân (nếu cần thiết) và nâng cao nhận thức bảo vệ khớp trước những nguy cơ chấn thương.

Trên thực tế, việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp điều trị thường được bác sĩ đề xuất dựa trên mức độ bệnh và tình hình sức khỏe tổng thể của mỗi bệnh nhân. Do đó, trong mọi tình huống, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Uống thuốc giảm đau là cách điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến

Chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đòi hỏi sự chú ý đến cả việc điều trị y tế, cải thiện lối sống lẫn hỗ trợ tinh thần. Cụ thể như sau:

  • Tuân thủ chỉ định: Người bệnh cần tuân thủ lịch trình dùng thuốc đã được bác sĩ chỉ định. Việc tuân thủ lịch trình dùng thuốc vừa góp phần bảo vệ khớp, vừa hỗ trợ làm chậm tiến trình phát triển của bệnh;
  • Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất kháng viêm (omega-3, vitamin và chất chống oxy) chứa nhiều trong rau lá xanh, củ quả sáng màu, hoa quả tươi, ngũ cốc, các loại đậu và hạt… có thể hỗ trợ cải thiện mức độ viêm và làm giảm tần suất bùng phát của các cơn đau khớp;
  • Duy trì vận động: Vận động nhẹ nhàng và thường xuyên như tập yoga, đi bộ, thể dục nhịp điệu… giúp giảm đau và tăng cường tính linh hoạt của khớp.
  • Điều chỉnh lối sống: Học cách bảo vệ khớp trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ và tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp.
  • Sử dụng liệu pháp nhiệt: Sử dụng liệu pháp nhiệt trị liệu để giảm đau cũng góp phần giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn, chẳng hạn như: tắm / ngâm bồn nước ấm hoặc chườm lạnh. Nếu nước ấm có xu hướng làm dịu các triệu chứng cứng khớp hiệu quả thì chườm lạnh lại tốt cho những cơn đau và sưng khớp cấp tính;
  • Giữ tâm lý tích cực: Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường gặp tình trạng trầm cảm và lo âu. Căng thẳng quá mức làm gia tăng nồng độ cortisol – một loại hóc-môn có khả năng kích thích viêm tiến triển. Do đó, người bệnh viêm khớp dạng thấp cần chủ động kết nối với gia đình, bạn bè và cộng đồng để luôn giữ được trạng thái tâm lý tích cực.
  • Tái khám định kỳ: Là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi người bệnh cần tuân thủ để kịp thời điều chỉnh phương án điều trị khi cần, giúp đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

Tóm lại, chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ dừng lại ở việc giảm đau, giảm viêm, mà còn phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện tâm trạng của người bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng liên quan đến viêm

Nghi bị viêm khớp dạng thấp: Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn nên sớm tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán ngay khi cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng viêm khớp dạng thấp sau:

  • Đau khớp: Thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể, như cả hai khớp ngón tay, cả hai khớp cổ chân, v.vv…
  • Sưng khớp: Các khớp có thể trở nên sưng to và xuất hiện các nốt u cứng khi chạm vào;
  • Đỏ và nóng ở khớp: Da xung quanh khớp trở nên đỏ và có cảm giác nóng rát;
  • Khó di chuyển: Sự linh hoạt của khớp bị giảm, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khoảng thời gian dài không vận động.
  • Triệu chứng khác: Mệt mỏi, sốt nhẹ và giảm cân không rõ lý do có kèm theo cảm giác đau ở ngực hoặc khó thở (do viêm lớp màng phổi).

Ngay khi gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội tiết để nhận nhận được sự tư vấn ban đầu. Nếu được gợi ý, bạn có thể tiếp tục tìm đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị chi tiết hơn.

Trên hành trình tìm kiếm một địa chỉ uy tín chuyên khám chữa bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn có thể cân nhắc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, trực thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tại đây, chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh tiên tiến, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và tận tâm, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tư vấn và đồng hành cùng bạn trong mỗi bước đi trên hành trình chăm sóc sức khỏe. Không những thế, Trung tâm còn sở hữu nhiều hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, bao gồm:

  • Hệ thống Cộng Hưởng Từ MAGNETOM Amira BioMatrix (Đức): Sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để thu được ảnh chụp chất lượng cao trong thời gian ngắn, giúp bạn rút ngắn thời gian thăm khám;
  • Hệ thống X-quang treo trần DigiRAD-FP (Hàn Quốc): Cho chất lượng ảnh chụp ổ khớp rõ nét gấp 3 lần máy chụp X-quang thông thường, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ tiến triển của bệnh.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp tại BVĐK Tâm Anh

Minh họa Hệ thống X-quang treo trần DigiRAD-FP tại BVĐK Tâm Anh

Để đặt lịch thăm khám viêm khớp dạng thấp tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội).

Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh viêm khớp dạng thấp. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được viêm khớp dạng thấp là gì, cũng như biết cách nhận biết sớm dấu hiệu viêm khớp dạng thấp tại nhà.

Tóm lại, viêm khớp dạng thấp có thể kiểm soát được nếu bạn biết cách nhận biết sớm và can thiệp điều trị đúng cách. Do đó, nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, hãy nhanh chóng tìm đến các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và mau chóng tìm được cách kiểm soát bệnh hiệu quả!

Rate this post
10:25 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Relationship between periodontitis and rheumatoid arthritis in Vietnamese patients. (2020). Acta Odontologica Scandinavica. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/00016357.2020.1747635
  2. ‌World Health Organization: WHO & World Health Organization: WHO. (2023, June 28). Rheumatoid arthritis. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rheumatoid-arthritis
  3. Harrold, L. R., Shan, Y., Rebello, S., Kramer, N., Connolly, S. E., E. Alemao, Kelly, S., Kremer, J. M., & Rosenstein, E. D. (2020). Prevalence of Sjögren’s syndrome associated with rheumatoid arthritis in the USA: an observational study from the Corrona registry. Clinical Rheumatology39(6), 1899–1905. https://doi.org/10.1007/s10067-020-05004-8
  4. Crowson, C. S., Liao, K. P., Davis, J. M., Solomon, D. H., Matteson, E. L., Knutson, K. L., Hlatky, M. A., & Gabriel, S. E. (2013). Rheumatoid arthritis and cardiovascular disease. American Heart Journal166(4), 622-628.e1. https://doi.org/10.1016/j.ahj.2013.07.010
  5. Haj, A., Mehdi Aleahmad, Mostafa Qorbani, Golbarg Mehrpoor, Afrashteh, S., Shayan Mardi, & Elahe Dolatshahi. (2023). Bone mineral density status in patients with recent-onset rheumatoid arthritis. Journal of Diabetes & Metabolic Disorders22(1), 775–785. https://doi.org/10.1007/s40200-023-01200-w
  6. Rheumatoid arthritis and cancer risk. (n.d.). Arthritis Foundation. https://www.arthritis.org/health-wellness/about-arthritis/related-conditions/other-diseases/arthritis-and-cancer-risk
  7. Crowson, C. S., Matteson, E. L., Davis, J. M., & Gabriel, S. E. (2012). Contribution of obesity to the rise in incidence of rheumatoid arthritis. Arthritis Care & Research65(1), 71–77. https://doi.org/10.1002/acr.21660
  8. Daniela Di Giuseppe, Discacciati, A., Orsini, N., & Wolk, A. (2014). Cigarette smoking and risk of rheumatoid arthritis: a dose-response meta-analysis. Arthritis Research & Therapy16(2), R61–R61. https://doi.org/10.1186/ar4498
  9. Júlia Emese Kurkó, Tímea Besenyei, Judit Laki, Glant, T. T., Katalin Mikecz, & Zoltán Szekanecz. (2013). Genetics of Rheumatoid Arthritis — A Comprehensive Review. Clinical Reviews in Allergy & Immunology45(2), 170–179. https://doi.org/10.1007/s12016-012-8346-7