Viêm khớp: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

07/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Viêm khớp là tình trạng không chỉ gây nên những cơn đau đớn nhất thời mà còn có thể phá hủy ổ khớp vĩnh viễn, khiến người bệnh mất hoàn toàn chức năng vận động. Trong khi đó, hiểu rõ về các triệu chứng và nguyên nhân gây viêm khớp không chỉ giúp bạn phát hiện sớm bệnh lý, mà còn giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Vậy, bệnh viêm khớp là gì? Triệu chứng viêm khớp ra sao? Nguyên nhân gây viêm khớp bao gồm những yếu tố nào? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Viêm khớp: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh viêm khớp là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm khớp là gì?

Viêm khớp (arthritis) là tình trạng sưng hoặc đau xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trong cơ thể. Đây là một rối loạn sức khỏe khớp phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già. Tình trạng này có thể gây đau đớn, phù nề, giới hạn chức năng chuyển động của khớp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các loại viêm khớp

Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Mỗi loại viêm khớp sẽ có cơ chế gây bệnh và mức độ ảnh hưởng đến các mô xung quanh khớp (sụn, dây chằng, gân, dịch khớp…) khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp (osteoarthritis – OA) là tình trạng viêm khớp xảy ra khi phần sụn trong khớp bị mất đi tính toàn vẹn do hao mòn, chấn thương hoặc lão hóa. Trong ổ khớp, sụn chính là lớp màng trơn nhẵn bao phủ xung quanh hai đầu xương. Chúng hoạt động như một lớp “đệm” giảm chấn, chống ma sát, cho phép hai đầu xương trượt lên nhau và chuyển động một cách mượt mà bên trong khớp. Vì thế, khi sụn bị hao mòn, hai đầu xương bắt đầu ma sát vào nhau, gây đau và sưng khớp.

Đặc điểm

  • Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp tiến triển chậm, gây ra những tổn thương vĩnh viễn (không thể được chữa lành hoàn toàn) và cũng là loại viêm khớp phổ biến nhất hiện nay.
  • Bệnh này thường ảnh hưởng đến các ổ khớp phải hoạt động nhiều như khớp gối, khớp háng, khớp cẳng tay và khớp cột sống.
  • Thoái hóa khớp không chỉ liên quan đến sự mất toàn vẹn của sụn, mà còn có thể làm thay đổi sinh lý bệnh học trong toàn bộ ổ khớp, bao gồm sức khỏe mô liên kết, mô xương dưới sụn và tổ chức mềm xung quanh khớp (gân, dây chằng…).

Vì thế, việc phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời chính là “chìa khóa vàng” giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Các loại viêm khớp, thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp khiến lớp sụn đệm giữa hai đầu xương bị mất tính toàn vẹn

2. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis – RA) là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công vào màng hoạt dịch – lớp mô mỏng bao xung quanh ổ khớp, có vai trò sản xuất ra dịch bôi trơn khớp; từ đó, gây viêm khớp.

Đặc điểm

  • Khác với thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc và đặc biệt là các khớp nằm đối xứng nhau ở cả hai bên của cơ thể, chẳng hạn như cả hai đốt ngón tay, cả hai khớp cổ tay / khớp gối, v.vv…
  • Bệnh này không chỉ gây tổn thương cho các khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể, chẳng hạn như da, mắt, phổi, tim và mạch máu.

3. Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis – PsA) là một tình trạng viêm khớp xảy ra khi bạn bị mắc vảy nến – một bệnh về da mãn tính, khiến da bị tróc vảy và nổi những nốt ban đỏ. Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến cũng bắt nguồn từ sự rối loạn của hệ miễn dịch, khiến các kháng thể tấn công vào mô da và khớp, đồng thời khiến da và khớp bị viêm.

Đặc điểm

  • Không phải tất cả những ai mắc bệnh vảy nến đều mắc bệnh viêm khớp vảy nến mà chỉ có từ 10 – 30% số người bị vảy nến gặp phải tình trạng viêm khớp này;
  • Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc. Tuy nhiên, PsA thường xảy ra ở các khớp ở ngón tay và ngón chân, khiến chúng bị biến dạng và gặp nhiều đau đớn khi chuyển động;
  • Bên cạnh viêm khớp, người mắc bệnh viêm khớp vảy nến thường bị ngứa da và tróc da.

4. Lupus ban đỏ

Tương tự như viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ cũng là một bệnh lý rối loạn tự miễn, khiến hệ miễn dịch tự tấn công vào các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả màng hoạt dịch trong ổ khớp, dẫn đến viêm, đau và cứng khớp.

Đặc điểm

  • Trong quá trình mắc bệnh lupus, khoảng 95% bệnh nhân lupus sẽ có các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp nhưng ít khi gây sưng hoặc biến dạng khớp;
  • Bên cạnh viêm khớp, lupus cũng có thể gây ra các triệu chứng đặc thù khác như: phát ban đỏ hình cánh bướm trên da mặt, mệt mỏi, sốt, giảm cân, đau ngực, viêm phổi, viêm thận và các vấn đề với hệ thần kinh.
Các loại viêm khớp, lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn khiến người bệnh phát ban thành từng mảng đỏ

5. Bệnh gout

Viêm khớp do bệnh gout là một tình trạng viêm khớp xuất phát từ việc tích tụ axit uric quá mức trong máu, gây ra sự kết tủa của các tinh thể monosodium urate xung quanh khớp; từ đó, kích thích hệ miễn dịch và dẫn đến viêm khớp.

Đặc điểm:

  • Bệnh thường tiến triển âm thầm, bùng phát một cách đột ngột và thường bộc phát vào sáng sớm (sau giấc ngủ đêm);
  • Trong giai đoạn đầu, bệnh chỉ ảnh hưởng đến một khớp duy nhất (thường là khớp ngón chân cái);
  • Khi tiến triển nặng, viêm khớp do gout cũng có thể xuất hiện ở khớp gối, khớp cổ chân, tay, cổ tay và ngón tay;
  • Nếu không được điều trị, gout có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sưng đau mạn tính, tạo ra các nốt sần cứng (gọi là nốt tophi) xung quanh khớp, khiến tay chân bị biến dạng và đau đớn khi chuyển động.

Triệu chứng viêm khớp

Viêm khớp có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí khớp bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp mà bạn cần nắm rõ:

  • Đau khớp:dấu hiệu viêm khớp phổ biến nhất, thường xuất hiện đầu tiên ngay khi ổ khớp của bạn bị viêm. Tuy nhiên, mức độ, thời gian đau và đặc điểm cơn đau có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí viêm cũng như mức độ viêm;
  • Sưng to: Viêm khớp gây ra sự tích tụ chất lỏng quá mức trong ổ khớp, khiến các khớp sưng to lên;
  • Đỏ và nóng rát: Vùng khớp bị ảnh hưởng thường trở nên đỏ và nóng rát khi bạn cử động do ổ khớp bị chèn ép hoặc do lưu lượng máu đến khu vực bị viêm tăng lên;
  • Hạn chế vận động: Viêm khớp thường giới hạn biên độ chuyển động của khớp, đồng thời khiến khớp khó dịch chuyển (cứng khớp), đặc biệt là sau khi thức dậy vào buổi sáng;
  • Phát ra âm thanh lạ: Khi di chuyển khớp, có thể xuất hiện âm thanh cọt kẹt hoặc tiếng lạo xạo bất thường;
  • Mệt mỏi: Một số dạng viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ, có thể gây ra cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng kéo dài;
  • Triệu chứng khác: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà dấu hiệu viêm khớp có thể bao gồm các triệu chứng khác như: sốt, giảm cân, phát ban đỏ trên da hoặc các triệu chứng liên quan đến cơ quan khác của cơ thể.

Lưu ý:

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp có thể không kéo dài liên tục mà tạm thời biến mất rồi sau đó tái phát. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh viêm khớp như các dấu hiệu kể trên, bạn hãy nhanh chóng đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm khớp, đau khớp

Đau khớp là dấu hiệu viêm khớp điển hình

Nguyên nhân gây viêm khớp là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Bệnh tự miễn: Là tình trạng hệ miễn dịch bị rối loạn, khiến các kháng thể tự tấn công vào các mô khác nhau cơ thể. Bệnh tự miễn cũng là nguyên nhân viêm khớp phổ biến, gây bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ và bệnh viêm khớp vảy nến;
  • Bệnh gout: Trong bệnh gout, hàm lượng axit uric máu quá cao, kết tủa thành các tinh thể rắn (monosodium urate) bám trong khớp, gây ra viêm khớp;
  • Nhiễm khuẩn: Bệnh viêm khớp nhiễm trùng (infectious arthritis) có thể xảy ra khi một số vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập khớp, chẳng hạn như:
    • Khuẩn staphylococcus: Đây là những vi khuẩn phổ biến thường gây nhiễm trùng da, rồi theo đường máu gây viêm khớp;
    • Khuẩn cúm Haemophilus: Đây là những vi khuẩn có thể lây nhiễm vào thanh quản, khí quản và phế quản rồi sau đó gây viêm khớp;
    • Virus: Một số loại virus như HIV có thể lây nhiễm vào hệ tuần hoàn và gây viêm khớp.
  • Chấn thương: Viêm khớp cũng có thể xuất phát từ một chấn thương, như một vết cắt, vết thương do đâm thủng, hoặc tổn thương từ việc vận động thể thao hoặc tai nạn lao động;
  • Yếu tố khác: Một số bệnh lý khác như bệnh Lyme (bệnh viêm nhiễm do bọ ve đốt), bệnh viêm cột sống dính khớp,… hoặc dương tính với kháng nguyên bạch cầu người (HLA-B27) cũng có thể gây ra viêm khớp.

Nhìn chung, viêm khớp có thể xuất hiện một cách đơn độc như một bệnh lý riêng biệt hoặc như là một triệu chứng của một bệnh lý lớn hơn. Đáng chú ý hơn, trong nhiều trường hợp, bệnh viêm khớp có thể khởi phát do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ do một nguyên nhân duy nhất. Vì thế, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra viêm khớp là quan trọng để xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Các yếu tố rủi ro gây bệnh viêm khớp

Khác với nguyên nhân gây viêm khớp, các yếu tố rủi ro gây viêm khớp là những tác nhân không trực tiếp gây ra bệnh, nhưng chúng (sau khi kết hợp với nhiều tác nhân khác) có thể gián tiếp khiến bệnh viêm khớp bùng phát. Các yếu tố rủi ro gây viêm khớp có thể bao gồm:

  • Tuổi tác và thói quen lao động quá sức: Tiến trình lão hóa theo tự nhiên hoặc thói quen duy trì những hoạt động lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ gây thoái hóa khớp. Trong thoái hóa khớp, sụn – bộ phận bảo vệ các đầu xương trong khớp bị mất đi, khiến chúng ma sát vào nhau và hình thành viêm;
  • Yếu tố di truyền: Một số dạng viêm khớp có tỷ lệ di truyền cao, điển hình là bệnh viêm khớp dạng thấp;
  • Yếu tố môi trường: Nghiên cứu cho thấy, các yếu tố môi trường và sinh lý như hút / tiếp xúc với thuốc lá, uống rượu, tình trạng kinh tế xã hội và vấn đề môi trường tại khu vực sinh sống cũng có thể góp phần gây ra rủi ro viêm khớp;
  • Tác nhân sinh lý: Tình trạng thừa cân – béo phì, thay đổi cân nặng nhanh chóng trong một thời gian ngắn (người tăng cân nhanh, phụ nữ sau sinh / cho con bú,…), mắc bệnh lý mạn tính (tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…)… đều làm tăng nguy cơ bị viêm khớp.
nguyên nhân viêm khớp, lão hóa

Lão hóa là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh thoái hóa khớp

Chẩn đoán viêm khớp

Việc chẩn đoán viêm khớp thường dựa vào một sự kết hợp giữa lịch sử bệnh lý, quá trình khám lâm sàng và kết quả của hàng loạt các xét nghiệm cụ thể. Dưới đây là những bước chính trong quy trình chẩn đoán viêm khớp:

  • Lịch sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, bao gồm thời điểm cơn đau bắt đầu, mức độ nghiêm trọng, tần suất và thời gian kéo dài. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử bệnh học của cá nhân và gia đình.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp để đánh giá mức độ đau, sưng, cũng như mức độ và đặc điểm của tình trạng hạn chế vận động;
  • Xét nghiệm máu: Có nhiều xét nghiệm máu có thể giúp xác định nguyên nhân của viêm khớp, bao gồm:
    • Tổng phân tích máu toàn phần: Giúp kiểm tra dấu hiệu / mức độ viêm bằng cách kiểm tra số lượng bạch cầu;
    • Xét nghiệm ESR (tốc độ lắng máu) và CRP (C-reactive protein – protein phản ứng C): Là các chỉ số đặc hiệu phản ánh khớp đang bị viêm;
    • Xét nghiệm kháng thể: Như kháng thể RF (rheumatoid factor – kháng thể dạng thấp) và anti-CCP (kháng thể chống lại peptide citrullinated vòng), giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp;
    • Xét nghiệm axit uric: Nồng độ axit uric quá cao có thể chỉ ra nguyên nhân gây viêm khớp là do bệnh gút.
  • Chụp X-quang: Giúp xác định mức độ hao mòn / dấu hiệu thoái hóa của xương / sụn hoặc tình trạng tăng sinh xương quá mức (gai xương);
  • MRI và siêu âm: Có thể giúp xác định mức độ / vị trí tổn thương mô mềm (dây chằng, sụn, gân, màng hoạt dịch…) và tổn thương khớp mà X-quang không thể phát hiện.
  • Lấy dịch khớp: Bằng cách sử dụng một kim tiêm để trích lấy một mẫu dịch từ khớp. Dịch này sau đó được đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm sự hiện diện của các tinh thể monosodium urate (giúp chẩn đoán bệnh gout), vi khuẩn (giúp chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng) hoặc các yếu tố khác.

Dựa trên kết quả chẩn đoán của các bước trên, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp dành cho người bệnh.

Chẩn đoán viêm khớp, chẩn đoán hình ảnh, MRI

Minh họa ảnh chụp MRI khớp gối cho thấy rõ xương, sụn và mô mềm bên trong khớp

Viêm khớp có nguy hiểm không?

Viêm khớp NGUY HIỂM vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của từng biến chứng cụ thể lại phụ thuộc vào phân loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số biến chứng viêm khớp tiêu biểu mà bạn cần đề cao cảnh giác:

  • Hủy hoại khớp: Nhiều loại viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, có thể gây hủy hoại sụn và xương trong khớp, dẫn đến biến dạng khớp và gây đau đớn khi chuyển động;
  • Mất / giảm khả năng lao động: Tình trạng khớp bị đau đớn, biến dạng có thể làm mất một phần hoặc hoàn toàn chức năng vận động. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Dịch bệnh (CDC) ước tính, có khoảng 60% số người bị viêm khớp đang ở độ tuổi lao động (18 – 65 tuổi), gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc, học tập và cống hiến cho xã hội;
  • Tâm lý tiêu cực: Viêm khớp có thể gây ra tình trạng mất ngủ, trầm cảm hoặc lo âu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, tình hình tài chính bất ổn do khả năng lao động bị hạn chế cũng góp phần khiến tâm trạng của người bệnh bất ổn;
  • Tăng nguy cơ thừa cân – béo phì: Người bị viêm khớp thường bị hạn chế trong vận động. Điều này làm tăng nguy cơ bị thừa cân – béo phì;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính: Người bị viêm khớp, nếu rơi vào tình trạng thừa cân – béo phì, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh mạn tính (tiểu đường loại 2, tăng huyết áp, mỡ máu và bệnh tim mạch) lên đáng kể;
  • Tác động đến các cơ quan khác: Một số loại viêm khớp liên quan đến bệnh tự miễn, như lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp, có thể lan truyền các tác nhân gây viêm theo hệ tuần hoàn và ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan khác trong cơ thể, như da, mắt, phổi và hệ thống tim mạch;
  • Biến chứng từ thuốc: Một số thuốc điều trị viêm khớp có thể làm tăng nguy cơ suy gan / suy thận cấp tính, loãng xương hoặc tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do ức chế miễn dịch trong thời gian dài;

Vì thế, đối với những người mắc bệnh viêm khớp, việc theo dõi sát sao và điều trị kịp thời chính là “chìa khóa vàng” giúp kiểm soát triệu chứng, giảm thiểu biến chứng và tăng cường chất lượng cuộc sống.

Viêm khớp có nguy hiểm không?

Viêm khớp có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

Viêm khớp có chữa khỏi được không?

Bệnh viêm khớp KHÔNG THỂ được chữa khỏi. Song, việc điều trị đúng cách và kịp thời (uống thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, phẫu thuật…) có thể giúp bạn kiểm soát tốt các triệu chứng viêm khớp, ngăn ngừa sớm các biến chứng viêm khớp và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cách chữa viêm khớp

Mục tiêu chung của việc chữa trị viêm khớp là giảm đau, giảm viêm, ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, đồng thời cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm khớp phổ biến hiện nay:

  • Dùng thuốc giảm đau và kháng viêm: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn chứa acetaminophen (paracetamol) hoặc thuốc kháng viêm không steroids chứa ibuprofen và naproxen… có thể giúp giảm đau và kháng viêm hiệu quả;
  • Dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch:
    • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Như methotrexate và hydroxychloroquine, được sử dụng chủ yếu để ức chế viêm trong trường hợp viêm khớp dạng thấp;
    • Liệu pháp sinh học (biological therapy): Chẳng hạn như thuốc etanercept và infliximab, có thể can thiệp vào các chất gây viêm như TNF (tumor necrosis factor – yếu tố hoại tử khối u) để hỗ trợ giảm viêm, cải thiện triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và lupus ban đỏ.
  • Dùng thuốc kiểm soát bệnh gout:
    • Colchicine: Giúp giảm đau và viêm khi bệnh gout bùng phát;
    • Allopurinol và febuxostat: Giúp giảm sản xuất axit uric trong cơ thể;
    • Thuốc chứa corticosteroid: Chẳng hạn như prednisone, giúp giảm viêm và có thể được uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.
  • Vật lý trị liệu: Bao gồm các bài tập luyện chống cứng khớp và các biện pháp hiện đại khác (nhiệt trị liệu, nằm máy siêu âm…) để hỗ trợ giảm đau, cải thiện chức năng khớp và tuần hoàn máu;
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Sử dụng nạng hoặc gậy đi lại có thể giúp giảm áp lực và đau ở các khớp bị ảnh hưởng;
  • Phẫu thuật: Đối với các trường hợp viêm khớp nghiêm trọng hoặc khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả, việc thay khớp hoặc các phẫu thuật tái định hình khớp có thể được xem xét;
  • Chế độ ăn uống và lối sống: Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh (tiêu thụ ít các chất gây viêm), giảm cân (đối với những người thừa cân), không hút thuốc và tập thể dục đều đặn có thể giúp quản lý bệnh viêm khớp và giảm nguy cơ biến chứng.

Cuối cùng, trên hành trình chữa trị bệnh viêm khớp, điều quan trọng là bạn cần phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và đội ngũ y tế để cùng nhau xây dựng được một kế hoạch điều trị phù hợp, toàn diện và đem lại hiệu quả tối ưu.

Cách chữa viêm khớp

Dùng thuốc là cách kiểm soát bệnh viêm khớp phổ biến nhất hiện nay

Chế độ ăn cho người bị viêm khớp

Chế độ ăn uống là tác nhân quan trọng có thể gây ảnh hưởng đến triệu chứng của viêm khớp. Một số thực phẩm có thể giúp giảm viêm, trong khi một số khác có thể làm gia tăng tình trạng viêm. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống mà người bị viêm khớp cần lưu tâm:

1. Tăng cường thực phẩm chống viêm

Thực phẩm hỗ trợ kháng viêm là những món ăn giàu chất béo omega-3,6,9; vitamin (A, C, E, D, K…) và các chất chống oxy hóa (carotenoids, flavonoids, phenolic acids,…), chẳng hạn như:

  • Các loại cá béo: Như cá hồi, saba, cá ngừ, và cá mòi (chứa axit béo omega-3,6,9 có tính kháng viêm;
  • Rau lá sẫm màu hoặc củ quả sáng màu sắc: Như cải bó xôi, bông cải xanh, bí đỏ, cà chua, cà rốt, ớt chuông, khoai lang, dứa, quả bơ chín… (chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, hỗ trợ kháng viêm mạnh mẽ);
  • Dầu ô-liu: Ngoài hàm lượng omega-3 dồi dào, dầu ô-liu còn chứa oleocanthal, một chất có tính kháng viêm tự nhiên.
  • Các loại hạt: Cung cấp một hàm lượng axit béo omega-3 có đặc tính kháng viêm;
  • Các loại gia vị kháng viêm: Một số nguyên liệu tẩm ướp tự nhiên có đặc tính kháng viêm bao gồm: nghệ (chứa curcumin, glucosamine và chondroitin), tỏi (chứa allicin), gừng (chứa gingerol),… có thể giúp giảm đau và kháng viêm hiệu quả.
Chế độ ăn cho người bị viêm khớp

Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là cách hỗ trợ điều trị hiệu quả các triệu chứng của bệnh viêm khớp

2. Hạn chế thực phẩm gây viêm

  • Thực phẩm giàu đường: Đường thúc đẩy gia tăng số lượng các phản ứng viêm và mức độ viêm trong cơ thể. Do đó, người bị viêm khớp cần kiêng ăn thực phẩm giàu đường (hoa quả sấy khô, bánh kẹo ngọt, nước ngọt có ga, trà sữa, nước tăng lực…);
  • Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa: Tiêu thụ các thực phẩm này khiến mức độ cholesterol và chất béo trung tính (triglycerides) trong máu tăng cao, kích thích viêm và thúc đẩy tình trạng viêm khớp trở nặng.
  • Do đó, người bị viêm khớp cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu các loại chất béo kể trên, bao gồm: đồ chiên (rán), đồ ăn đóng hộp và thực phẩm chế biến sẵn (lạp xưởng, xúc xích, patê, thịt xông khói,…)
  • Thực phẩm giàu purin: Đối với người mắc bệnh gút, việc hạn chế thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật và các loại đậu có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ tăng axit uric máu và giảm viêm;
  • Thực phẩm chứa gluten: Một số người có thể phản ứng mạnh với gluten trong các loại ngũ cốc và chế phẩm từ ngũ cốc (bún, gạo, mì,…), làm tăng tình trạng viêm.

3. Tăng cường thực phẩm tốt cho xương

Bổ sung thực phẩm giàu canxi, phốt pho, kẽm, magiê, protein cùng vitamin D, K giúp tăng cường sức khỏe cho xương và sụn. Một số thực phẩm giàu các dưỡng chất tốt cho xương bao gồm: sữa tách béo, phô mai / sữa chua từ sữa tách béo, trứng, thịt nạc, thủy hải sản, các loại đậu / hạt / hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt.

4. Uống đủ nước

Uống đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày giúp dịch khớp luôn đủ độ nhớt, hỗ trợ chức năng khớp.

Lưu ý, trên đây chỉ là những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản dành cho người bệnh viêm khớp nói chung. Để biết cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học trong từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là đối với người bệnh viêm khớp do gút, bạn cần thảo luận trực tiếp với chuyên gia dinh dưỡng trước khi tự ý thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hàng ngày. Điều này giúp bạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đồng thời xây dựng được một chế độ dinh dưỡng khoa học, hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm khớp một cách hiệu quả.

Các biện pháp phòng bệnh viêm khớp

Mặc dù không có bất kỳ biện pháp nào có thể giúp phòng tránh tuyệt đối bệnh viêm khớp, nhưng vẫn có một số cách có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bệnh viêm khớp phổ biến, được nhiều chuyên gia cơ xương khớp khuyến nghị:

  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Giúp giảm áp lực lên khớp, ngăn ngừa thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối, hông và lưng.
  • Tập thể dục vừa sức: Vận động vừa sức giúp duy trì sự linh hoạt của khớp mà không làm tăng quá mức nguy cơ chấn thương. Bạn nên chọn các bài tập vừa sức như đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu và yoga;
  • Tránh vận động quá sức: Tránh các hoạt động có tác động mạnh lên khớp hoặc những hoạt động có tính chất lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài như đạp xe liên tục hoặc nhảy tiếp đất từ một độ cao nhất định;
  • Hạn chế chấn thương: Luôn bảo vệ khớp và dùng đồ bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm hoặc có tính đối kháng mạnh;
  • Dinh dưỡng: Ăn một chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm, protein, đặc biệt là canxi và vitamin D để hỗ trợ xương và khớp;
  • Hạn chế rượu và thuốc lá: Cả hai đều tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp và làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị viêm khớp;
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng nồng độ hóc-môn cortisol và thúc đẩy bệnh viêm khớp tiến triển nặng. Ngược lại, thực hành các phương pháp giải tỏa căng thẳng như thiền, nghe nhạc, đọc sách… giúp bạn duy trì tâm lý tích cực, hỗ trợ điều trị viêm khớp hiệu quả;
  • Kiểm tra sức khỏe: Thăm khám bác sĩ định kỳ, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp do tiền sử gia đình, giúp bạn nhanh chóng có biện pháp hành động kịp thời để ngăn ngừa bệnh viêm khớp từ giai đoạn sớm.

Lưu ý:

Bạn cần nhớ rằng phòng ngừa viêm khớp là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật. Ngay cả khi bạn đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa, việc theo dõi sức khỏe định kỳ vẫn là một nhiệm vụ rất quan trọng, giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng viêm khớp nào khởi phát.

Các biện pháp phòng bệnh viêm khớp

Kiểm soát cân nặng là biện pháp hỗ trợ ngăn ngừa viêm khớp hiệu quả

Nghi bị viêm khớp: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm khớp, bạn nên đi khám bác sĩ nếu gặp một hoặc nhiều trong số các triệu chứng sau:

  • Đau khớp kéo dài, dù mức độ đau là nhẹ hoặc nghiêm trọng;
  • Sưng ở một hoặc nhiều khớp;
  • Vùng khớp trở nên đỏ và nóng rát khi cử động hoặc khi chạm tay vào;
  • Gặp khó khăn hoặc đau khi di chuyển khớp;
  • Cảm giác cứng khớp, đặc biệt sau khi nghỉ ngơi hoặc khi thức dậy vào buổi sáng;
  • Kêu cọt kẹt hoặc cảm giác ma sát khi di chuyển khớp;

Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh viêm khớp. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết cách nhận biết sớm các triệu chứng viêm khớp cũng như những nguyên nhân gây viêm khớp phổ biến để có biện pháp bảo vệ sức khỏe toàn diện, tránh làm tình trạng viêm khớp tiến triển nặng hơn. Nutrihome chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
10:14 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Liao, K. P., Lars Alfredsson, & Karlson, E. W. (2009). Environmental influences on risk for rheumatoid arthritis. Current Opinion in Rheumatology21(3), 279–283. https://doi.org/10.1097/bor.0b013e32832a2e16
  2. Arthritis. (2023, October 5). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/chronicdisease/resources/publications/factsheets/arthritis.htm