Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu

17/07/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phác đồ điều trị, chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không có một chế độ dinh dưỡng áp dụng chung cho tất cả, mà cần phải xây dựng chế độ riêng, thích hợp cho từng cá nhân.

Tìm hiểu về rối loạn Lipid

Bệnh nhân rối loạn Lipid máu

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu là tình trạng gia tăng cholesterol và triglycerid trong huyết tương hoặc giảm HDL-cholesterol gây tăng nguy cơ phát triển xơ cứng mạch. Các nguyên nhân có thể là nguyên phát (do gen) hay thứ phát. Việc chẩn đoán rối loạn lipid máu được tiến hàng bằng cách đo tổng cholesterol, triglyceride và lipoprotein trong huyết tương. Vấn đề điều trị, chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu bao gồm việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và sử dụng thuốc hạ lipid máu.

Vai trò của các chất dinh dưỡng liên quan đến bệnh rối loạn lipid máu

Chất béo (lipid)

Chất béo liên quan mật thiết đến tình trạng rối loạn lipid máu là các loại acid béo no, acid béo không no, acid béo thể trans và cholesterol.

  • Acid béo no: Có nhiều trong thịt mỡ, bơ động vật. Acid béo thể trans có nhiều trong thịt mỡ, thức ăn nhanh. Các acid béo này tác động xấu đến sự chuyển hóa cholesterol trong cơ thể, và có thể làm tăng cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và giảm HDL-cholesterol.

  • Acid béo không no: Bao gồm acid béo không no một nối đôi và acid béo không no nhiều nối đôi. Các loại acid béo không no có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát lipid máu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc chăm sóc bệnh nhân rối loạn mỡ máu bằng một chế độ ăn có nhiều acid béo không no một nối đôi, ít acid béo no và ít cholesterol sẽ giúp giảm chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, triglyceride và hạn chế tới mức thấp nhất sự giảm HDL-cholesterol.

  • Cholesterol: Được cung cấp từ hai nguồn chính, 1/3 là ngoại sinh, tức từ thức ăn đưa vào cơ thể; 2/3 là nội sinh, do cơ thể tự tổng hợp. Cholesterol đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sống của cơ thể như tạo tiền chất của vitamin D, tạo các nội tiết tố, tạo sắc tố mật, tham gia vào hoạt động thần kinh và tái tạo tế bào. Lượng cholesterol trong khẩu phần ăn hằng ngày có ảnh hưởng đến lượng cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol trong máu.

Chất bột đường (glucid)

Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Tuy nhiên, việc dung nạp quá nhiều chất bột đường cũng có thể gây nên rối loạn lipid máu (tăng triglyceride) do cơ thể chuyển hóa năng lượng thừa từ chất bột đường thành mỡ dự trữ.

Chất xơ

Chất xơ cũng được xem là một loại bột đường có trong thực phẩm, nhưng không được tiêu hóa, thường gặp nhất là cellulose, pectin, lignin… Tùy loại rau, lượng chất xơ trong rau chiếm khoảng 0,3-3,5%. Bên cạnh tác dụng làm tăng thể tích nước trong ruột và tăng nhu động ruột để giảm táo bón, chất xơ còn giúp làm giảm tái hấp thu cholesterol từ acid mật, muối mật và góp phần kiểm soát cân nặng.

Chất đạm (protid)

Chất đạm là nguồn cung cấp năng lượng và là nguyên liệu cho quá trình tái tạo mô, tế bào, kích thích tố cho cơ thể. Lượng chất đạm trung bình cần thiết cho người bình thường vào khoảng 0,8-1,2g/kg/ngày. Đáng chú ý, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, việc thay thế đạm động vật bằng đạm đậu nành trong quá trình chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu có tác động tích cực đến các chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride trong máu.

Nguyên tắc dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu

TS.BS Phạm Thị Thu Hương, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bác sĩ Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng NutrihHome khẳng định, không có một chế độ dinh dưỡng chung cho mọi người mà cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng, thích hợp cho từng bệnh nhân rối loạn lipid máu. Và một chế độ dinh dưỡng hợp lý là sự kết hợp giữa tình trạng bệnh lý, mục tiêu điều trị, sở thích và thói quen ăn uống của người bệnh một cách phù hợp nhất.

Rối loạn lipid

Dinh dưỡng rất quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn Lipid

Để đạt được các mục tiêu trên, người chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu cần lưu ý đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng như sau:

  • Giảm năng lượng ăn vào trong ngày nhằm kiểm soát cân nặng phù hợp với chiều cao.

  • Điều chỉnh giảm lượng chất béo xuống dưới 25% trong tỷ lệ các chất dinh dưỡng sinh năng lượng hằng ngày.

  • Nên chú ý thêm về chất lượng chất béo khi xây dựng thực đơn cho bệnh nhân rối loạn lipid máu với tỷ lệ cân đối giữa acid béo no, acid béo không no một nối đôi và acid béo không no nhiều nối đôi.

  • Giảm lượng cholesterol ăn vào dưới 200mg/ ngày.

  • Nên dùng dầu thực vật (đậu phộng, dầu ôliu, dầu đậu nành) thay cho mỡ động vật. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid béo no như mỡ, bơ và nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng…

  • Duy trì tỷ lệ năng lượng từ chất bột đường chiếm 55-65% trong khẩu phần ăn hằng ngày. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, bệnh nhân rối loạn lipid máu nên lựa chọn các loại thức ăn có chứa chất bột đường cấu tạo dạng phức hợp và có chỉ số đường huyết thấp như cơm, bún, khoai, các loại ngũ cốc…

  • Tăng lượng đạm (protein) ít béo từ thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt heo nạc, cá, nhóm họ đậu, gạo, khoai… Lượng protein nên chiếm khoảng 12-18% tổng năng lượng, bao gồm cả đạm động vật (thịt, cá, trứng…) và đạm thực vật (họ đậu, gạo, khoai…).

  • Nên sử dụng đa dạng các loại ngũ cốc, kết hợp rau củ quả giàu vitamin, chất khoáng vi lượng và chất xơ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bệnh nhân rối loạn lipid máu.

Tóm lại, rối loạn lipid máu là một bệnh lý khá phức tạp, có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Việc chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu đòi hỏi hết sức thận trọng. Các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới tại Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome sẽ cùng xây dựng thực đơn phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Đặc biệt, quy trình khám, tư vấn và điều trị về dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cụ thể và chế biến món ăn góp phần tích cực trong việc điều trị bệnh lý này.

Rate this post
06:24 17/07/2020