Dinh dưỡng cho người bệnh gan

17/04/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Gan là cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể người, giữ nhiều chức năng quan trọng như: dự trữ, lọc máu, chuyển hóa, điều hòa nồng độ các chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể như đường (glycogen), vitamin và khoáng chất (A, D, E, K). Gan cũng sản xuất dịch mật, một dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt, gan còn là nơi khử độc cho cơ thể. Chính bởi phải đảm nhận cùng lúc nhiều chức năng quan trọng nên gan rất dễ mắc bệnh. 

Tại Việt Nam, ung thư gan và các bệnh về gan là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2. Bên cạnh phác đồ điều trị, dinh dưỡng khoa học là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gan.

Vai trò và chức năng của gan

Để có đầy đủ dưỡng chất duy trì hoạt động sống cho cơ thể, cứ mỗi 2 phút, toàn bộ máu trong cơ thể lại di chuyển qua gan một lần và gan sẽ đồng thời thực hiện hơn 500 “nhiệm vụ” khác nhau. Gan là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể người với các vai trò nổi bật như:

  • Vai trò dự trữ và lọc máu
  • Vai trò chuyển hóa và điều hòa nồng độ các chất dinh dưỡng
  • Vai trò tổng hợp protein và các yếu tố đông máu
  • Tiết mật
  • Vai trò khử độc

Các bệnh lý gan thường gặp: nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng

Gan phải đảm nhiệm nhiều chức năng nên là cơ quan rất dễ mắc bệnh. Những bệnh lý gan thường gặp gồm:

1. Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ có 2 nhóm bệnh xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân:

– Gan nhiễm mỡ do rượu bia: Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia là do chất cồn trong rượu bia làm gián đoạn quá trình oxy hóa acid béo, làm tăng tích lũy và giảm ly giải chất béo, gây mỡ hóa tế bào gan. 

– Gan nhiễm mỡ không do rượu bia: Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia thường khởi phát từ hội chứng rối loạn chuyển hóa (như béo phì, tiểu đường, đề kháng insulin, tăng lipid máu,…) hoặc do lối sống không khoa học (chế độ ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, lười vận động…) 

Triệu chứng, dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ thường không rõ ràng. 

Nếu không thể kiểm soát tốt lượng chất béo nạp vào cơ thể, bệnh gan nhiễm mỡ có thể biến chứng sang tình trạng nặng hơn là viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ thường bị nhiều người xem nhẹ

Gan nhiễm mỡ thường bị nhiều người xem nhẹ, nhưng đây lại là giai đoạn khởi đầu cho chuỗi bệnh lý nguy hiểm khác liên quan đến gan

2. Viêm gan

Viêm gan là tình trạng tổn thương gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm. Viêm gan chia thành 2 loại: viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính (kéo dài trên 6 tháng). Viêm gan mạn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính. 

Có 3 nguyên nhân gây viêm gan là:

–  Do vi sinh vật: như virus viêm gan A, B, C, D, E, G, CMV, EBV; ký sinh trùng sốt rét…

– Do độc chất: rượu bia, thực phẩm nhiễm độc, thuốc, kim loại nặng (chì, asen, thủy ngân), aflatoxins (có trong thực phẩm bị mốc)…

– Do tự miễn: hệ miễn dịch tấn công và hủy hoại tế bào gan.

Triệu chứng, dấu hiệu của bệnh viêm gan thường không rõ ràng ở giai đoạn sớm, dễ gây nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh viêm gan sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan.

3. Tăng men gan

Gan có rất nhiều loại men (enzyme) khác nhau để làm nhiệm vụ chuyển hóa. Khi tế bào gan bị tổn thương sẽ phóng thích các men này vào máu gây tăng men gan. 

Tăng men gan không phải là bệnh lý mà là triệu chứng báo hiệu của một số bệnh gan khác. Nguyên nhân gây tăng men gan là do các tác nhân như rượu bia, virus, thuốc… làm tế bào gan bị tổn thương và phóng thích các men gan vào máu. 

Triệu chứng/dấu hiệu của tăng men gan thường không rõ ràng. Và người bệnh chỉ tình cờ phát hiện men gan tăng cao khi đi khám sức khỏe.

> Xem thêm: Men gan cao nên ăn gì?

4. Xơ gan

Xơ gan là quá trình tổn thương gan lan tỏa mạn tính không hồi phục, đặc trưng bởi sự xơ hóa và hoại tử tế bào gan, hình thành nên những nốt bất thường ở gan.

Hình ảnh của gan bình thường và gan khi bị xơ hóa
Nguyên nhân gây xơ gan là do các tác nhân như virus viêm gan, rượu bia, nhiễm độc (thực phẩm, thuốc…) tấn công liên tiếp trong thời gian dài và kích hoạt tế bào hình sao sản sinh mô sợi hình thành các mô sẹo. Các nốt gan bất thường làm cho gan chai cứng dần, không có khả năng phục hồi.

Không giống như gan nhiễm mỡ và viêm gan, triệu chứng của xơ gan thể hiện khá rõ nét, bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon
  • Sụt cân và teo cơ
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau xung quanh vùng hạ sườn phải
  • Ngứa da
  • Vàng mắt, vàng da
  • Dễ chảy máu cam, chảy máu chân răng, dễ xuất hiện các vết bầm tím trên da
  • Rụng tóc
  • Sốt
  • Sưng ở mắt cá chân và bàn chân do tích tụ của chất lỏng (phù).

5. Ung thư gan

Ung thư gan gồm ung thư nguyên phát (khối u xuất hiện tại gan) và ung thư thứ phát (khối u xuất phát từ những cơ quan khác rồi di căn đến gan). Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan (hay còn gọi là carcinom tế bào gan – HCC) là ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất.  

Giống như xơ gan, triệu chứng của ung thư gan khá rõ rệt. Biến chứng nặng nhất của ung thư gan là tử vong. Đây là căn bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao đến 50% – 70% trong 5 năm qua.

 

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gan

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải sức ép lên lá gan, hạn chế tăng nặng tình trạng bệnh và góp phần cải thiện tích cực các bệnh lý về gan. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp duy trì hoạt động bình thường của gan, bảo vệ gan cũng như cung cấp nguyên liệu cần thiết cho việc sửa chữa và phục hồi tế bào gan.

Nguyên tắc dinh dưỡng trong các bệnh lý gan: 

Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gan phụ thuộc vào loại bệnh và tình trạng bệnh:

  • Đối với các bệnh lý gan cấp tính (viêm gan do thuốc, độc chất): Khi gặp các bệnh lý này, bệnh nhân thường có tình trạng biếng ăn, buồn nôn, mệt mỏi nhưng nhu cầu năng lượng lúc này tăng lên để chống đỡ bệnh tật. 
  • Đối với các bệnh lý gan mạn tính (gan nhiễm mỡ, xơ gan): Ở giai đoạn muộn, tình trạng cổ trướng là yếu tố làm giảm khả năng ăn uống của bệnh nhân đồng thời làm tăng hao hụt dưỡng chất của cơ thể. Bệnh nhân gan thường ăn uống kém và có tình trạng giảm hấp thu hầu hết các chất dinh dưỡng đặc biệt là chất béo. Các vitamin dự trữ tan trong chất béo giảm nghiêm trọng gây ra các biểu hiện khác như khô mắt, quáng gà, loãng xương… Dinh dưỡng trong bệnh lý gan mật mạn tính rất quan trọng để cung cấp năng lượng cho toàn cơ thể và để bổ sung lượng vi chất bị thiếu hụt.

Nhu cầu năng lượng cho người bệnh gan

Do có sự thay đổi về tiêu hóa hấp thu và chuyển hóa dưỡng chất trong bệnh gan nên nhu cầu năng lượng cần được tính toán phù hợp và cần theo dõi sát sự thay đổi để điều chỉnh chế độ ăn càng chặt chẽ càng tốt.

Nhu cầu năng lượng trung bình cho bệnh nhân gan khoảng 30-40 kcal/kg thể trọng/ngày (cao hơn nhu cầu dinh dưỡng của người bình thường để tăng sức chống chọi với bệnh tật). Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý về các thành phần nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm và cách ăn uống.

– Chất bột đường:

Ở người bệnh gan mật, tỷ lệ chất bột đường cần tăng 60-70% năng lượng khẩu phần. 

Người bệnh gan nên ăn gì và không nên ăn gì? Cần lưu ý lựa chọn các dạng tinh bột thô như: gạo, ngũ cốc, mì, ngô, khoai sắn….

– Chất đạm:

Ở giai đoạn bệnh gan cấp (viêm gan do độc chất, do thuốc, áp xe gan), gan còn có khả năng hoạt động bù, nhu cầu đạm cho cơ thể cần tăng. Lượng đạm hằng ngày có thể ở mức 1,2 – 2g/kg thể trọng/ngày. Ví dụ như người nặng 50kg cần ăn 60-100g đạm/ngày. 

Khi chức năng gan đã bị ảnh hưởng (gan nhiễm mỡ giai đoạn 3, xơ gan, ung thư gan, mức độ tổn thương tế bào gan đã nặng thì lượng đạm cần giảm còn 0,5 – 0,7g/kg/ngày. Ví dụ: người nặng 50kg cần ăn 25 – 35g đạm/ngày

THÀNH PHẦN ĐẠM TRONG CÁC LOẠI THỊT

Thịt (100g) Lượng chất đạm (g)

23

18
20
Heo 24
Cừu

16

 

Người bị bệnh gan nên ăn đa dạng nguồn đạm khác khau chứ không nên chỉ tập trung vào một loại đạm, ưu tiên sử dụng đạm từ động vật màu trắng: thịt gà, cá, mè, đậu…

Trong trường hợp chức năng gan giảm nghiêm trọng, lượng đạm cần giảm xuống mức tối thiểu 0.3 – 0.4g/kg/ngày và có thể phải dùng chế phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh gan.

– Chất béo:

Lượng chất béo cần giảm dần tùy theo chức năng còn lại của gan. Trung bình mỗi ngày có thể cung cấp khoảng 0.6 – 0.7g/kg/ngày. Ví dụ: người 50kg nên ăn 30 – 40g chất béo/ngày tương đương với 6 – 8 muỗng cà phê dầu ăn. 

Tuy nhiên, việc cung cấp quá ít chất béo, dưới 10% nhu cầu năng lượng lại khiến gan phải làm việc thêm để tạo chất béo nội sinh cung cấp cho cơ thể. Điều này làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Người bệnh nên lựa chọn các loại chất béo không no trong dầu thực vật và mỡ cá. Hạn chế tối đa các loại mỡ động vật và các chất béo thể trans có nhiều trong bơ thực vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán lâu…

– Vitamin và khoáng chất: 

Gan là kho dự trữ chính và hấp thụ các vitamin & khoáng chất như A, D, E, K nên đa số các trường hợp bệnh gan cần bổ sung vitamin này với liều lượng phù hợp theoi tình trạng thiếu hụt (cần được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định). 

Ngoài ra, người bệnh gan cũng cần bổ sung các vitamin tan trong nước như vitamin B9, vitamin B1 và vitamin B6. 

– Chất xơ và muối:

Nhu cầu chất xơ tối thiểu cho người bình thường trung bình là 20 – 25g/ngày, tương đương 300 – 400g rau các loại và 200 – 300g trái cây.

Thực phẩm chứa chất xơ và muối người bệnh gan nên và không nên ăn?  

Người bệnh gan nên lựa chọn các loại thực phẩm cung cấp tinh bột thô, chưa qua xay xát, giàu chất xơ, ít muối như gạo lứt, bánh mì đen. Không nên ăn các loại tinh bột ít chất xơ, nhiều muối như bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy…

Thực đơn dành cho người bệnh gan là điều mà bệnh nhân và người thân rất quan tâm. Tuy nhiên, các thực đơn có sẵn của người khác (thường thấy ở trên mạng) chỉ mang tính tham khảo, không nên áp dụng theo vì mỗi người bệnh sẽ có bệnh tình khác nhau, từ đó chỉ định về dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau. Người bệnh gan cần được thăm khám trực tiếp để xác định chính xác tình trạng và mức độ của bệnh, từ đó, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ thiết kế một thực đơn chuẩn xác và phù hợp về loại và lượng thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Sau khi tính toán khẩu phần, khâu tiết chế lên thực đơn và chế biến món ăn sao cho đảm bảo nguyên tắc dinh dưỡng là khâu vô cùng quan trọng. 

Tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn và đưa ra các phác đồ phù hợp cho từng người bệnh. Hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới giúp bác sĩ có các cơ sở khoa học nhằm đưa ra các chỉ định chính xác hơn. Bên cạnh đó, quy trình khám, tư vấn và điều trị về dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cụ thể và chế biến món ăn góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý gan.

Rate this post
16:45 17/04/2020