Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Lưu ý những gì?

13/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Đây là một câu hỏi phổ biến khiến nhiều người đau đầu nếu không may nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B hoặc phải chứng kiến người thân của mình mắc căn bệnh nguy hiểm này. Để giải đáp viêm gan B lây qua đường ăn uống không, các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ tiếp cận câu hỏi từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó cung cấp câu trả lời thỏa đáng cùng nhiều thông tin chính xác về các biện pháp phòng ngừa virus HBV, giúp bạn và gia đình an toàn trước nguy cơ lây nhiễm của mầm bệnh.

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Lưu ý những gì?

Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, khiến gan bị viêm, tổn thương nghiêm trọng và kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nhanh thành viêm gan mãn tính, gây ra xơ gan, suy gan, ung thư gan và thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Hiểu rõ về việc viêm gan B có lây qua ăn uống không sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe toàn diện và ngăn ngừa những rủi ro bệnh lý không đáng có. Vậy, viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B CÓ THỂ lây qua đường ăn uống nếu bạn chưa được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B đầy đủ, có vết thương hở trong miệng và chia sẻ chung dụng cụ ăn uống với người bệnh. Tuy số lượng ca lây nhiễm viêm gan B qua đường ăn uống không nhiều, có thể nói là hiếm gặp, nhưng bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Bởi lẽ, nước bọt cũng là một nguồn lây nhiễm quan trọng của căn bệnh viêm gan B và cần được cảnh giác cao độ.

Theo nghiên cứu, virus HBV có thể hiện diện ngay trong nước bọt của người đang mắc bệnh viêm gan B. Tuy nồng độ virus HBV trong nước bọt của người bệnh thấp hơn so với trong máu, nhưng chúng vẫn có thể lan truyền mầm bệnh khi tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở trong niêm mạc miệng của người khác.

Do đó, nếu bạn đang có vết thương hở trong niêm mạc miệng (lở miệng, viêm nướu, chảy máu chân răng, vừa lấy tủy răng,…) hoặc không chắc chắn là mình có vết thương hở nào trong khoang miệng hay không, thì tốt nhất, bạn tuyệt đối KHÔNG NÊN ăn uống chung với người bệnh viêm gan B để phòng ngừa mọi nguy cơ lây nhiễm có thể xảy đến.

Về bản chất lây nhiễm, khi ăn uống chung với người bệnh, virus viêm gan B chỉ có thể lan truyền thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp giữa nước bọt và máu. Nói cách khác, bệnh KHÔNG THỂ lây truyền thông qua con đường tiếp xúc giữa nước bọt với nước bọt trong khi ăn uống.

Vì thế, nếu bạn chắc chắn rằng niêm mạc miệng và cổ họng của bạn hoàn toàn lành lặn (không có vết thương hở), bạn vẫn có thể ăn uống chung với người bệnh viêm gan B mà không cần lo ngại bất cứ điều gì. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khoang miệng chúng ta rất dễ xuất hiện những vết nứt nhỏ li ti mà cơ thể không cảm nhận được. Do đó, để hạn chế mọi rủi ro lây nhiễm có thể xảy ra, các bác sĩ thường khuyên người nhà của bệnh nhân viêm gan B không nên ăn uống chung với người bệnh.

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không? Câu trả lời là CÓ bởi virus HBV vẫn tồn tại trong nước bọt của người bệnh

Ngoài lây qua đường ăn uống, viêm gan B lây qua đường nào?

Ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây qua đường ăn uống, viêm gan B còn có thể lây qua đường máu, đường quan hệ tình dục và đường từ mẹ sang con. Cụ thể:

1. Viêm gan B lây qua đường máu

Viêm gan B lây qua đường máu được định nghĩa là sự lan truyền virus HBV xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu và dịch tiết sinh học (nước bọt / sữa mẹ, nước mắt,…) của người bệnh với máu của người khác. Nếu thực sự quan tâm về câu hỏi “viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?”, chắc hẳn bạn sẽ rất bất ngờ khi biết bản chất của việc lây qua đường ăn uống của virus HBV cũng chính là lây qua đường máu trong niêm mạc miệng.

Cụ thể, tốc độ lây nhiễm của virus viêm gan B qua đường máu cao hơn từ 50 – 100 lần so với virus HIV / AIDS. Không những thế, virus hoàn toàn có thể sinh tồn khỏe mạnh ngoài cơ thể người bệnh lên đến 7 ngày và sẵn sàng lây nhiễm cho đối tượng khác. Khi lây nhiễm qua đường máu, virus HBV thường lan truyền mầm bệnh trong những tình huống sau:

  • Tiếp xúc với máu bị nhiễm virus: Điều này có thể xảy ra khi bạn sử dụng chung dụng cụ châm cứu, kim tiêm, bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống hoặc dao cạo râu với người bệnh.
  • Tiếp xúc với dịch thể chứa virus: Virus viêm gan B có thể tồn tại trong nước bọt, tinh dịch, dịch nhầy âm đạo, nước tiểu, nước mắt và sữa mẹ. Do đó, nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn hoặc có vết thương hở trên cơ thể, các dịch thể này có thể truyền virus trực tiếp vào máu và lây nhiễm mầm bệnh.
  • Mẹ truyền sang con: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B, cô ấy có thể truyền virus cho thai nhi trong quá trình sinh hoặc sau khi sinh.
  • Truyền máu: Khi thực hiện một số ca phẫu thuật cần được truyền máu, chẳng hạn như phẫu thuật cấy ghép nội tạng, người được phẫu thuật (người nhận máu) vẫn có thể nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B nếu được truyền máu nhiễm virus HBV từ người hiến tặng, dù trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
viêm gan B lây qua đường máu

Nếu không may để dịch thể từ người bệnh bám vào vết thương hở, bạn sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus viêm gan siêu vi B

2. Viêm gan B lây qua đường quan hệ tình dục

Viêm gan B lây qua đường tình dục được định nghĩa là quá trình truyền virus HBV thông qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa miệng / bộ phận sinh dục / hậu môn của người bệnh với miệng / bộ phận sinh dục / hậu môn của người khác. Lây truyền qua đường quan hệ tình dục cũng là phương thức lây nhiễm viêm gan B phổ biến nhất ở những bệnh nhân viêm gan B cấp tính trong độ tuổi trưởng thành.

Một khi nhiễm bệnh, virus viêm gan B có thể tồn tại trong các dịch tiết sinh học như tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt, nước mắt và máu. Do đó, bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào không an toàn nào (không sử dụng bao cao su) cũng đều có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HBV. Ngoài ra, hôn nhau và tiếp xúc với nước bọt của người nhiễm bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV, mặc dù nguy cơ này thấp hơn so với quan hệ tình dục không an toàn.

3. Viêm gan B lây từ mẹ sang con

Viêm gan B lây từ mẹ sang con được định nghĩa là quá trình virus HBV truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang đứa trẻ của mình trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú, khi bé có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc sữa mẹ nhiễm bệnh.

Nguy hiểm hơn, một khi đã nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, hầu hết (95%) những ca viêm gan B cấp tính ở trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng tiến triển nặng thành viêm gan B mạn tính. Lúc này, virus có thể ký sinh trong cơ thể trẻ đến suốt đời. Do đó, lây truyền từ mẹ sang con trong thời thơ ấu chính là nguyên nhân gây nên hầu hết những trường hợp viêm gan mạn tính ở người trưởng thành hiện nay.

Nếu bạn đang là mẹ bỉm nuôi con bằng sữa mẹ, có nhu cầu quan tâm đến việc viêm gan B có lây qua đường ăn uống không và muốn bảo vệ trẻ tối ưu, thì tốt nhất bạn nên cho trẻ tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh. Bởi lẽ, đối với trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ, nguy cơ lây truyền virus viêm gan B khi bú sữa mẹ là không đáng kể. Lúc này, người mẹ – dù có bị nhiễm bệnh hay không, cũng hoàn toàn có thể an tâm cho con bú sữa mẹ tùy ý mà không lo lây nhiễm bệnh.

viêm gan B lây từ mẹ sang con

Bản chất của việc lây truyền từ mẹ bầu sang thai nhi cũng chính là lây truyền qua con đường máu

Ai dễ bị lây nhiễm viêm gan B?

Bất kỳ ai cũng dễ bị lây nhiễm viêm gan B nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bởi lẽ, virus viêm gan B lây truyền chủ yếu thông qua tiếp xúc với máu, dịch nhầy sinh dục và các dịch tiết khác từ cơ thể người bệnh. Do đó, bất cứ ai có tiếp xúc gần với người nhiễm viêm gan B hoặc có nguy cơ tiếp xúc cao với máu và dịch tiết cơ thể của nhiều người lạ, đều dễ bị lây nhiễm viêm gan B. Trong đó, bao gồm:

  • Những người tiếp xúc gần với người nhiễm viêm gan B, như người sống chung phòng, bạn bè, người yêu, vợ chồng và con cái;
  • Những người thường quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau;
  • Nhân viên y tế hoặc nhân viên phòng thí nghiệm phải tiếp xúc với máu hoặc dịch thể chứa virus;
  • Những người sử dụng chung hoặc vô tình phải sử dụng chung đồ dùng cá nhân của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm mình,…
  • Những người sử dụng chung kim tiêm với người bệnh viêm gan B có tiền sử hút chích ma túy;
  • Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm viêm gan B.

Người nhiễm viêm gan B có cần cách ly không?

Người nhiễm viêm gan B KHÔNG CẦN cách ly. Bởi lẽ, virus HBV không lây lan qua những tiếp xúc thông thường như hắt hơi, ho hay tiếp xúc da kề da,… mà bệnh chỉ lây qua đường máu, đường từ mẹ sang con, đường quan hệ tình dục hoặc đường tiếp xúc trực tiếp giữa dịch tiết sinh học (nước bọt, nước mắt,…) của người bệnh với vết thương hở trên cơ thể người khác.

Nhìn chung, người bị nhiễm viêm gan B rất khó để có thể lây nhiễm cho người khác qua việc chia sẻ chung không gian ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HBV, bạn cần cẩn trọng với mọi hành vi làm tăng nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết sinh học của người bệnh, bao gồm:

  • Tránh tuyệt đối việc chia sẻ đồ dùng cá nhân (dao cạo râu, khuyên tai, bàn chải đánh răng, khăn tắm, kim xăm, kim tiêm,…) với người bệnh;
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống (tô, bát, nĩa, muỗng,…) với người bệnh;
  • Không hôn môi hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh.

Tóm lại, mặc dù người nhiễm viêm gan B không cần cách ly, nhưng bạn vẫn nên từ bỏ những thói quen chia sẻ chung vật dụng sinh hoạt hoặc/và quan hệ tình dục với người bệnh để tránh những tình huống lây nhiễm không đáng có. Bên cạnh đó, bạn cũng nên biết vận dụng và kết hợp nhiều biện pháp phòng tránh lây nhiễm viêm gan B mà Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome gợi ý dưới đây để bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Người nhiễm viêm gan B có cần cách ly không?

Người nhiễm viêm gan B không cần cách ly mà vẫn có thể sinh hoạt chung với người nhà một cách an toàn

Cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B

Đối với người chưa nhiễm viêm gan B, cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B hiệu quả nhất chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa càng sớm càng tốt. Trong khi đó, đối với người đã nhiễm virus viêm gan B, thực hiện xét nghiệm lâm sàng định kỳ và thay đổi thói quen sinh hoạt chính là cách phòng tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả. Cụ thể:

1. Tiêm vắc-xin viêm gan B

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B đầy đủ có thể giúp cơ thể ngăn chặn gần như tuyệt đối (98 – 100%) mọi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B. Cụ thể, WHO khuyến cáo:

  • Trẻ sơ sinh: Nên được tiêm liều vắc-xin 3 mũi ngừa viêm gan B, mũi đầu tiên tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó tiêm tiếp mũi 2 và mũi 3 lần lượt sau 4 tuần và 24 tuần kể từ mũi đầu để hoàn thành chuỗi tiêm chủng. Sau tiêm, trẻ sẽ có miễn dịch đề kháng với virus HBV kéo dài ít nhất 20 năm hoặc có thể tồn tại suốt đời mà không cần mũi tiêm nhắc lại.
  • Với người trưởng thành: Nếu đã tiêm chủng ngừa virus viêm gan B trong thời thơ ấu, bạn sẽ được xét nghiệm Anti-HBs (kháng thể chống kháng nguyên bề mặt) để xem miễn dịch từ lần tiêm vắc-xin trước có còn hiệu lực không. Nếu không, bạn nên thực hiện chuỗi tiêm chủng 3 mũi vắc-xin phòng bệnh viêm gan B càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe. Cụ thể, mũi đầu tiên nên được tiêm càng sớm càng tốt. Mũi 2 tiêm sau mũi đầu 1 tháng và mũi 3 tiêm sau mũi đầu 6 tháng.

Song, dù là trẻ sơ sinh, trẻ em hay người trưởng thành, một khi đã tiêm chủng đầy đủ thì mọi người hoàn toàn có thể yên tâm sinh hoạt chung với người bệnh viêm gan B mà không cần lo lắng về việc viêm gan B có lây qua đường ăn uống không.

2. Xét nghiệm viêm gan B để giảm lây truyền

Đối với người đang nhiễm bệnh viêm gan B cấp tính hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mạn tính, việc xét nghiệm định kỳ 3 tháng / lần các chỉ số HBV – DNA hoặc HbeAg (kháng nguyên e của virus HBV) sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tải lượng virus trong máu, từ đó đánh giá chính xác được mức độ sinh sôi, lây nhiễm của virus và đề ra phác đồ giảm lây truyền phù hợp.    

Xét nghiệm viêm gan B để giảm lây truyền, lây nhiễm

Xét nghiệm HBV DNA thường cho chỉ số đo lường hàm lượng virus trong máu đáng tin cậy hơn xét nghiệm HbeAg

3. Biện pháp phòng lây nhiễm viêm gan B khác

Ngoài việc tiêm vắc xin, vẫn còn rất nhiều các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B khác nhau được áp dụng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng những biện pháp phòng ngừa viêm gan B được chia sẻ dưới đây không thể thay thế được hiệu quả ngừa bệnh của việc tiêm vắc-xin, mà chỉ góp phần làm giảm những rủi ro lây nhiễm một cách có chừng mực.

Cụ thể, để ngăn ngừa viêm gan B một cách toàn diện, bên cạnh việc tiêm vắc-xin, bạn nên kết hợp thêm một hoặc nhiều biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với máu và dịch thể: Nếu bạn là chuyên viên y tế phải tiếp xúc nhiều với máu và dịch tiết sinh học từ cơ thể bệnh nhân, hãy đảm bảo khử khuẩn tay chân thường xuyên, mặc trang phục bảo hộ hoặc ít nhất, đảm bảo không có vết thương hở nào trên cơ thể được để lộ ra ngoài để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm qua đường máu.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Sử dụng bao cao su có thể giúp giảm đáng kể rủi ro lây nhiễm viêm gan B và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, nếu không may để nước bọt của người bệnh tiếp xúc lên vùng có vết thương hở trong lúc quan hệ tình dục, bạn vẫn có thể bị nhiễm virus viêm gan B.
  • Không chia sẻ dụng cụ chăm sóc cá nhân: Dụng cụ chăm sóc cá nhân thường tiềm ẩn nguy cơ dính vệt máu khô và dịch nhầy cơ thể từ người nhiễm bệnh. Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, bạn tuyệt đối không nên dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm mình, khăn tắm hay vật dụng ăn uống với người bệnh.
  • Hạn chế sử dụng chung dụng cụ y tế: Bạn tuyệt đối không nên sử dụng chung dụng cụ y tế (kim tiêm, máy đo tiểu đường, chỉ nha khoa) với người bệnh viêm gan B bởi nguy cơ lây nhiễm theo đường máu và nước bọt rất cao.
  • Cẩn thận khi du lịch: Khi đi du lịch, bạn nên hạn chế đến các khu vực có tỷ lệ viêm gan B cao như các bán đảo Tây Thái Bình Dương, châu Phi hoặc những vùng nông thôn hẻo lánh. Tốt nhất, hãy đảm bảo rằng bạn đã được tiêm vắc xin đầy đủ ít nhất 2 tuần trước khi du lịch để vắc xin thực sự phát huy tác dụng bảo vệ.
  • Xét nghiệm viêm gan B định kỳ cho mẹ bầu: Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé, vì viêm gan B có thể lây từ mẹ sang bé trong quá trình sinh nở hoặc cho con bú.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về cách phòng ngừa bệnh viêm gan B. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống không và chuẩn bị được cho mình những biện pháp phòng bệnh phù hợp.

Tóm lại, ăn uống chung có lây viêm gan B không? Câu trả lời là CÓ nếu bạn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Vì thế, bạn đừng chủ quan mà hãy tiếp tục nâng cao cảnh giác, nhận thức và kết hợp nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau như tiêm vắc xin, tránh tiếp xúc với máu và dịch thể từ người bệnh.

Đồng thời, bạn hãy luôn đảm bảo sức khỏe bản thân bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch. Bởi lẽ, sức đề kháng tự nhiên của cơ thể chính là “hàng phòng thủ” mạnh mẽ nhất giúp bạn phòng chống và tiêu diệt virus viêm gan B. Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết viêm gan B có lây qua đường ăn uống không, hay bệnh viêm gan B nên ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn và người thân thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
11:47 13/07/2023