Viêm gan: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

11/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Viêm gan là căn bệnh nguy hiểm, có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Ngày nay, bệnh viêm gan xuất hiện phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Một số loại bệnh viêm gan còn có khả năng lây truyền từ người sang người. Vậy triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, cách phòng ngừa căn bệnh này ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết sau.

Viêm gan: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm gan là bệnh lý nguy hiểm, có thể chuyển sang các biến chứng nặng, đe dọa đến tính mạng

Viêm gan là gì?

Viêm gan là tình trạng những tế bào mô gan bị viêm, tổn thương, làm suy giảm chức năng gan. Có nhiều tác nhân gây viêm gan, ví dụ như virus, rượu bia, bệnh gan nhiễm mỡ, một số bệnh lý di truyền,… Viêm gan có thể dẫn đến chứng suy gan, xơ gan, ung thư gan, thậm chí gây tử vong nếu không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời, đúng cách.

Phân loại bệnh viêm gan

Tùy vào thời gian bị bệnh, viêm gan sẽ được chia thành dạng cấp tính và mạn tính. Theo đó, nếu triệu chứng khởi phát một cách đột ngột và xuất hiện trong thời gian ngắn (vài ngày/tuần, dưới 6 tháng) thì được xem là bệnh viêm gan cấp tính. Ngược lại, trong trường hợp tình trạng tổn thương, viêm ở gan đã kéo dài hơn 6 tháng thì gọi là dạng bệnh mạn tính.

1. Viêm gan cấp tính

Đối với loại bệnh viêm gan cấp tính, triệu chứng (nếu có) sẽ bắt đầu biểu hiện sau 2 tuần – 6 tháng kể từ lúc tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh. Biểu hiện lâm sàng của viêm gan cấp tính sẽ thay đổi từ lúc không có dấu hiệu gì chuyển sang triệu chứng từ nhẹ đến nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong, cụ thể bao gồm ăn không ngon miệng, mệt mỏi, sốt, đau bụng, nước tiểu màu đậm, da ngứa, vàng mắt/da.

2. Viêm gan mạn tính

Viêm gan mạn tính là căn bệnh thường diễn tiến, phát triển âm thầm, không gây ra triệu chứng. Thông thường, bệnh được phát hiện thông qua hình thức khám sức khỏe định kỳ hoặc vào thời điểm xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan. Bệnh viêm gan mạn tính có thể biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu, vàng da, đau khớp, bàn chân/mắt cá/chân phù nề, xuất hiện máu trong phân/chất nôn.

Phân loại bệnh viêm gan

Viêm gan có thể được chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính tùy vào thời gian mắc bệnh

Nguyên nhân viêm gan

Viêm gan có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tìm hiểu đúng tác nhân gây bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ chữa trị tối ưu, phù hợp. Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh viêm gan điển hình:

1. Viêm gan do nhiễm virus

Virus gây bệnh viêm gan có nhiều loại, phổ biến phải kể đến là virus viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có những loại virus khác như herpes simplex virus, coronavirus 19, dengue virus, epstein barr virus, cytomegalovirus,… Hầu hết người bệnh không gặp triệu chứng lâm sàng rõ rệt, đặc biệt là trong giai đoạn mạn tính. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe hoặc thấy men gan tăng thông qua việc làm xét nghiệm, sau đó mới tiến hành tầm soát nguyên nhân.

2. Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng

Ký sinh trùng cũng có thể nhiễm vào gan đồng thời kích hoạt phản ứng miễn dịch, dẫn đến chứng viêm gan cấp tính cũng như làm tăng IgE huyết thanh. Bên cạnh đó, bệnh viêm gan mạn tính do nhiễm trùng mạn tính vẫn có thể xảy ra. Trong những loại động vật nguyên sinh, loài Leishmania, Trypanosoma cruzi, Plasmodium gây bệnh sốt rét đều có thể khiến gan bị viêm. Sinh vật đơn bào Entamoeba histolytica cũng gây ra tình trạng viêm, áp xe gan rõ rệt.

Ngoài ra, sán dây chó (Echinococcus granulosus) khi nhiễm vào gan sẽ tạo ra các nang sán, gây viêm. Sán lá gan Fasciola hepatica và Clonorchis sinensis sống bên trong ống dẫn mật cũng có thể gây viêm gan tiến triển, dẫn đến tình trạng xơ hóa gan.

3. Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn là dạng bệnh hiếm gặp xảy ra do tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công vào tế bào gan thay vì tấn công vi khuẩn, virus. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng viêm liên tục, tác động tiêu cực đến chức năng gan. Về lâu dài, gan có nguy cơ bị tổn thương nặng đến mức ngừng hoạt động. Bệnh viêm gan tự miễn có thể khỏi mà không cần chữa trị, thế nhưng hầu hết các trường hợp sẽ chuyển sang mạn tính.

4. Viêm gan do nhiễm độc

Rượu bia là thức uống có hại, khiến gan nhiễm độc. Lạm dụng rượu bia kéo dài sẽ khiến gan bị viêm, nhiễm mỡ, gây hoại tử tế bào gan hoặc xơ gan. Bên cạnh rượu bia, thuốc cũng có thể gây độc cho gan. Các tổn thương do nhiễm độc thuốc, rượu bia thường là tình trạng cấp tính. Thế nhưng nếu không chữa trị đúng cách, kịp thời, bệnh có nguy cơ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Nguyên nhân viêm gan

Lạm dụng rượu bia kéo dài có thể khiến gan bị nhiễm độc, tổn thương gây viêm, xơ gan,…

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan. Căn bệnh này cũng có thể lây truyền từ người sang người thông qua những con đường khác nhau, tùy vào tác nhân gây bệnh. Một người được xem là có nguy cơ bị viêm gan nếu:

  • Dùng chung kim: Sử dụng chung kim với người khác để tiêm ma túy, xỏ lỗ trên cơ thể hay xăm mình tiềm ẩn nguy cơ bị lây bệnh viêm gan.
  • Nhiễm HIV: Người nhiễm HIV sẽ có khả năng miễn dịch suy giảm, làm gia tăng nguy cơ bị lây virus viêm gan.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Đời sống tình dục không an toàn (bằng cả đường miệng hay hậu môn) đều tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh viêm gan A, E.
  • Dùng thuốc gây hại cho gan: Một số loại thuốc như methotrexate (rheumatrex, trexall) hoặc acetaminophen (typhenol,…) có thể tác động tiêu cực đến gan và gây viêm.
  • Sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bị viêm gan: Dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân với người bệnh viêm gan như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,… có thể bị lây bệnh.
  • Dùng nguồn nước, thực phẩm nhiễm bẩn: Người dùng thức ăn, nước uống bẩn có nguy cơ bị nhiễm bệnh viêm gan.
  • Có yếu tố khác: Người tiếp nhận hóa trị, điều trị ức chế hệ thống miễn dịch, em bé sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B, C,… cũng có nguy cơ bị bệnh.

Triệu chứng viêm gan thường gặp

Viêm gan có những triệu chứng khác nhau, từ hoàn toàn không biểu hiện dấu hiệu đến suy gan nặng. Dưới đây là triệu chứng viêm gan ở các dạng bệnh cấp tính, tối cấp và mạn tính:

1. Dấu hiệu viêm gan cấp tính

Bệnh viêm gan cấp tính thường do virus gây ra, đặc trưng bởi những triệu chứng toàn thân và thường có khả năng tự giới hạn. Dấu hiệu viêm gan siêu vi cấp tính sẽ có điểm khác nhau giữa các giai đoạn, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn tiền triệu ban đầu: Các dấu hiệu báo trước bao gồm triệu chứng không đặc hiệu, tương tự bệnh cúm, cụ thể là kém ăn, nôn, buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp,… Trong trường hợp bị viêm gan A, E thì người bệnh có thể gặp triệu chứng sốt. Ở cuối giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp triệu chứng đặc hiệu như phân màu đất sét, nước tiểu sẫm màu,…
  • Giai đoạn giữa: Vàng da và tròng trắng mắt sẽ xuất hiện sau khoảng 1 – 2 tuần, có thể kéo dài đến 4 tuần. Vào thời điểm này, những triệu chứng ở giai đoạn trước đó thường sẽ khỏi nhưng gan lại bị to, đau hoặc người bệnh thấy khó chịu tại vùng bụng bên phải. Người bệnh cũng có thể bị lách to, sụt cân không chủ ý.
  • Giai đoạn phục hồi: Tất cả những trường hợp bị viêm gan A, E dự kiến sẽ hoàn toàn khỏi sau 1 – 2 tháng. Hầu hết ca bệnh viêm gan B cũng tự giới hạn và khỏi sau 3 – 4 tháng. Ít có trường hợp bị bệnh viêm gan C sẽ hoàn toàn khỏi.

Viêm gan tự miễn và gan viêm do thuốc đều có biểu hiện rất giống với loại bệnh viêm gan siêu vi cấp tính. Với ca bệnh viêm gan do thuốc có thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng toàn thân như viêm thanh mạc, sốt, phát ban, tăng bạch cầu ái toan,…

Dấu hiệu viêm gan cấp tính

Vàng da và tròng trắng mắt có thể là triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính

2. Dấu hiệu viêm gan tối cấp

Ngoài những triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính, người bị viêm gan tối cấp còn gặp dấu hiệu như rối loạn đông máu (dễ gặp tình trạng chảy máu, bầm tím) và bệnh ở não (buồn ngủ, mất phương hướng, lú lẫn). Trường hợp tử vong do gan bị viêm dạng tối cấp thường là hệ quả của các biến chứng như suy thận, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết,…

3. Dấu hiệu viêm gan mạn tính

Triệu chứng của bệnh viêm gan mạn tính thường không xuất hiện sớm. Khi tình trạng viêm diễn ra nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể gặp dấu hiệu tương tự như khi bị viêm gan cấp tính, ví dụ như nôn, buồn nôn, mệt mỏi, đau khớp, chán ăn,… Triệu chứng vàng da cũng có thể xuất hiện nhưng muộn hơn.

Bệnh viêm gan mạn tính có thể dẫn đến tình trạng mọc tóc bất thường (rậm lông), nổi mụn trứng cá, vô kinh (ở phụ nữ). Nếu viêm gan mạn tính chuyển sang xơ gan, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu, sụt cân, vàng da, phù ngoại biên (sưng chân), cổ trướng (tích dịch ổ bụng),…

Bệnh viêm gan có lây không và lây qua đường nào?

Viêm gan tự miễn, do sử dụng rượu, thuốc lá, nhiễm độc,… không có khả năng lây nhiễm. Thế nhưng bệnh viêm gan gây ra bởi ký sinh trùng hay virus thì có thể lây truyền. Loại bệnh này thường lây qua đường máu, phân – miệng, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con, cụ thể như sau:

  • Đường phân – miệng: Con đường lây nhiễm này diễn ra khi một người dùng món ăn, thức uống có chứa virus viêm gan A, E hoặc ký sinh trùng.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Đường lây nhiễm này thường gặp ở bệnh viêm gan B, C. Bệnh thường truyền nhiễm trong giai đoạn chu sinh. Do đó, người mẹ cần tầm soát, chữa trị viêm gan C trước lúc mang thai, theo dõi nồng độ virus viêm gan B trong thai kỳ để có thể ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh cho con.
  • Đường máu: Con đường lây nhiễm này có thể xảy ra nếu vết thương hở của người khỏe mạnh tiếp xúc với vết thương hở hoặc máu của người bệnh, thông qua các vật dụng như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim tiêm,…
  • Đường tình dục: Viêm gan có thể lây qua dịch âm đạo, tinh dịch hoặc những chất dịch cơ thể khác. Con đường lây truyền này thường xảy ra ở người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su,…
Bệnh viêm gan có lây không và lây qua đường nào?

Bệnh viêm gan do virus hay ký sinh trùng có thể lây truyền qua một số con đường khác nhau

Bệnh viêm gan có di truyền không?

Bệnh viêm gan KHÔNG DI TRUYỀN. Bởi lẽ, bệnh di truyền là loại bệnh do bố mẹ truyền sang cho con thông qua tinh trùng hoặc trứng. Mầm bệnh đã có từ trong phôi (hợp tử). Lúc này, trên nhiễm sắc thể của trứng hay tinh trùng sẽ có sẵn gen bệnh hoặc do nhiễm sắc thể xuất hiện điểm bất thường, sai lệch. Trong khi đó, viêm gan là bệnh chủ yếu lây truyền qua vi khuẩn, virus hay xuất hiện do thói quen sinh hoạt không lành mạnh (lạm dụng bia rượu,…).

Mặc dù bệnh viêm gan không di truyền nhưng một số rối loạn di truyền có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này, điển hình là thiếu alpha-1-antitrypsin, bệnh wilson (gan dư thừa đồng) và hemochromatosis (gan dư thừa sắt). Bệnh wilson và sự thiếu hụt alpha-1-antitrypsin có xu hướng biểu hiện dưới dạng viêm gan trong giai đoạn sơ sinh, thời thơ ấu. Bệnh hemochromatosis thì thường biểu hiện ở độ tuổi trưởng thành.

Viêm gan có nguy hiểm không?

Nếu không được chữa trị kịp thời, biến chứng của viêm gan như xơ gan, ung thư gan,… sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Xơ gan và ung thư gan sẽ khiến người bệnh bị cổ trưởng, vỡ tĩnh mạch thực quản giãn, nhiễm trùng dịch báng, tổn thương thận cấp, mắc bệnh não gan,… làm gia tăng tỷ lệ tử vong. Dưới đây là những thông tin cụ thể về biến chứng xơ gan và ung thư gan:

1. Xơ gan

Viêm gan mạn tính kéo dài có thể gây ra tình trạng xơ gan. Đây là hậu quả việc gan bị các tác nhân gây hại tấn công trong thời gian dài khiến tế bào gan hư hỏng, chết dần rồi tạo ra mô sẹo không hồi phục được. Điều này làm gan bị chai cứng, suy giảm chức năng hoạt động.

2. Ung thư gan

Ung thư gan xảy ra khi các mô trong gan tăng trưởng bất thường, có thể lan rộng sang những vùng gan khác hay cơ quan khác. Viêm gan mạn tính có thể chuyển sang xơ gan, ung thư gan. Một số bệnh ung thư gan phổ biến phải kể đến là ung thư biểu mô tế bào gan, u nguyên bào gan,…

Viêm gan có nguy hiểm không? ung thư gan

Viêm gan mạn tính có thể chuyển sang ung thư gan nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh

Viêm gan nào nguy hiểm nhất?

Nhìn chung, các loại bệnh viêm gan đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Dưới đây là thông tin cơ bản về mức độ nguy hiểm của một số loại bệnh viêm gan:

  • Viêm gan A: Bệnh lý này ít nguy hiểm hơn so với những loại viêm gan khác. Vì bệnh không tiến triển sang giai đoạn mạn tính và cũng ít khi để lại di chứng. Thế nhưng chữa bệnh viêm gan A khỏi hoàn toàn là việc làm rất khó khăn.
  • Viêm gan B: Căn bệnh này dễ lây truyền từ người sang người và cũng dễ gây đột biến vì virus HBV có sức đề kháng mạnh. Viêm gan B được xem là loại bệnh viêm gan nguy hiểm hơn cả.
  • Viêm gan C: So với viêm gan B, mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan C được đánh giá là ít hơn mặc dù có triệu chứng tương tự. Cả hai loại bệnh này đều có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây suy gan, xơ gan, ung thư gan.
  • Viêm gan D: Đây là loại bệnh viêm gan không thể lây truyền một cách độc lập. Chỉ những ai từng bị viêm gan B mới có nguy cơ mắc bệnh viêm gan
  • Viêm gan E: Căn bệnh này tương đối nguy hiểm vì sẽ tác động tiêu cực đến những bộ phận khác trong cơ thể.

Chẩn đoán bệnh viêm gan

Để đưa ra phác đồ chữa bệnh viêm gan hiệu quả, chính xác, bác sĩ cần kết hợp kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết gan,… Cụ thể, những phương pháp chẩn đoán viêm gan được áp dụng gồm có:

1. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng luôn là bước đầu tiên để giúp bác sĩ chẩn đoán tất cả các dạng bệnh viêm gan. Thông qua việc xem xét tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình, bác sĩ sẽ giới hạn được các yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân gây bệnh. Những triệu chứng điển hình thường liên quan đến tổn thương tại gan như phù chân, cổ chướng, vàng da/mắt,… sẽ được xác định thông qua việc khám lâm sàng.

2. Siêu âm gan

Khi áp dụng phương pháp này để chẩn đoán viêm gan, bác sĩ sẽ dùng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong bụng. Siêu âm sẽ cho phép bác sĩ xem xét gan và những cơ quan lân cận kỹ lưỡng hơn, từ đó có thể tiết lộ ra các vấn đề như xuất hiện chất lỏng trong bụng, u gan, tìm thấy tổn thương gan (đang mở rộng), điểm bất thường ở túi mật,… Vì thế, siêu âm gan được xem là phương pháp hữu ích hỗ trợ bác sĩ xác định nguyên nhân khiến chức năng gan bất thường.

Chẩn đoán bệnh viêm gan, siêu âm gan

Thông qua phương pháp siêu âm, bác sĩ có thể biết được những tình trạng bất thường, tổn thương đang xuất hiện tại gan

3. Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng gan

Khi xét nghiệm chức năng gan, bác sĩ sẽ dùng mẫu máu để xác định khả năng hoạt động của gan. Nếu kết quả bất thường thì đó chính là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo gan có vấn đề. Mức men gan cao cho thấy gan hoạt động không bình thường hoặc đang bị tổn thương. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm những hình thức xét nghiệm máu khác để xác định nguồn gốc gây ra tình trạng bất thường.

4. Xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm sinh học phân tử

Những phương pháp xét nghiệm máu khác như xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm sinh học phân tử sẽ giúp bác sĩ xác định tác nhân gây bệnh viêm gan. Cụ thể, bác sĩ sẽ biết người bệnh có bị viêm gan truyền nhiễm hay không bằng cách kiểm tra sự hiện diện của virus hoặc tìm kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại virus. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh viêm gan tự miễn.

5. Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là thủ thuật lấy mẫu mô tại gan mang đi kiểm tra để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ tổn thương ở cơ quan này. Bác sĩ sẽ dùng kim để lấy mẫu qua da (không cần phẫu thuật). Đây là phương pháp xâm lấn nên chỉ được tiến hành ở cơ sở y tế uy tín.

Viêm gan có chữa được không?

Hầu hết bệnh viêm gan đều không thể chữa được. Thế nhưng, mỗi loại viêm gan sẽ có cách thức, hiệu quả và tiên lượng điều trị khác nhau để cải thiện tình trạng sức khoẻ. Một số loại bệnh viêm gan do virus có thể tự khỏi nếu điều trị nâng đỡ phù hợp. Người bị bệnh viêm gan virus cấp tính sẽ hạn chế được các tổn thương gan nếu tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ cũng như có chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học.

Đối với người nhiễm virus viêm gan B (HBV), hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể tiêu diệt được loại virus này một khi đã mắc bệnh. Người bệnh chỉ có thể dùng thuốc để tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế tình trạng tổn thương gan và làm giảm viêm. May mắn thay, hơn 90% trường hợp nhiễm virus viêm gan B đều có thể tự khỏi sau 2 – 4 tuần nhờ vào sự đào thải virus tự nhiên của hệ miễn dịch.

Với dạng bệnh viêm gan do rượu thì cũng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Hướng điều trị chủ yếu là tập trung vào việc khắc phục triệu chứng kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh hơn và dừng uống rượu bia.

Viêm gan có chữa được không? thay đổi lối sống

Người bị viêm gan do rượu phải dừng uống rượu bia kết hợp với lối sống lành mạnh để điều trị bệnh

Điều trị viêm gan

Tùy vào loại bệnh viêm gan và tình trạng nhiễm trùng cấp hay mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây cách chữa trị cơ bản dành cho một số loại bệnh viêm gan điển hình:

Bệnh viêm gan Phương pháp điều trị
Viêm gan A Viêm gan A thường không tiến triển sang giai đoạn mạn tính, hiếm khi người bệnh cần nhập viện. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị hỗ trợ, gồm các phương pháp như cung cấp nước qua đường tĩnh mạch (IV), áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh.
Viêm gan B Cấp tính: Ước tính 95 – 99% người bị viêm gan B cấp tính sẽ hồi phục mà không cần áp dụng cách chữa trị bằng thuốc kháng virus. Trường hợp cấp tính nặng sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định cho dùng thuốc.

Mạn tính: Người bị bệnh viêm gan B mạn tính sẽ được bác sĩ chỉ định cho sử dụng thuốc kháng virus. Những loại thuốc kháng virus như entecavir và tenofovir, PEG IFN sẽ không trực tiếp tiêu diệt virus viêm gan B mà chỉ ngăn không cho virus sinh sản, gây tổn thương gan nhiều hơn.

Viêm gan C Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để chữa bệnh viêm gan C dạng cấp tính và mạn tính. Thông thường, người bị căn bệnh này dạng mạn tính sẽ cần làm thêm các thử nghiệm để bác sĩ xác định xem nên áp dụng hình thức chữa trị nào là tối ưu. Người bị xơ gan do viêm gan C mạn tính cũng có thể được bác sĩ chỉ định cho làm phẫu thuật ghép gan.
Viêm gan D Viêm gan D rất khó để chữa trị và hiện vẫn còn thiếu những biện pháp điều trị hữu hiệu. Hiện nay, interferon alpha là thuốc được sử dụng để chữa bệnh viêm gan D nhưng lại gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế, loại thuốc này không được khuyến cáo cho người có tổn thương do xơ gan, mắc bệnh tự miễn dịch hay đang bị bệnh tâm thần.
Viêm gan E Hiện vẫn chưa có thuốc chữa viêm gan E đặc hiệu. Vì tình trạng nhiễm trùng thường diễn ra cấp tính nên người bệnh sẽ tự khỏi. Người bệnh được bác sĩ khuyến cáo cần tăng cường nghỉ ngơi, bổ sung đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh sử dụng rượu bia. Thế nhưng, mẹ bầu bị bệnh viêm gan E phải được theo dõi chặt chẽ.
Viêm gan tự miễn Thuốc corticosteroid như budesonide hoặc prednisone có vai trò rất quan trọng trong quá trình chữa viêm gan tự miễn giai đoạn sớm. Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch azathioprine (imuran) cũng có thể được dùng để chữa trị. Trong quá trình điều trị, thuốc cyclosporine (neoral), tacrolimus (prograf), mycophenolate (cellcept) có thể được sử dụng thay thế cho azathioprine.
Điều trị viêm gan bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để điều trị một số loại viêm gan

Cách trị viêm gan tại nhà

Người bệnh viêm gan TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN tự ý điều trị tại nhà khi chưa nhận được chỉ định từ bác sĩ. Trong mọi tình huống, bạn không nên tự ý mua các loại thuốc bổ gan như thảo dược đông y, thuốc bắc hoặc thuốc nam để giải độc, kháng viêm cho gan tại nhà. Thay vào đó, ngay sau khi nhận được sự tư vấn toàn diện từ bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm gan tại nhà như sau:

  • Uống nước: Người bệnh nên bổ sung từ 1.5 – 2 lít nước/ngày. Nước rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, hỗ trợ người bị viêm gan cải thiện sức khỏe.
  • Nghỉ ngơi: Người bệnh viêm gan thường thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi nên phải dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc, hoạt động quá sức.
  • Tìm cách chống lại chứng buồn nôn: Buồn nôn cũng là biểu hiện viêm gan mà người bệnh có thể gặp phải. Để có đủ năng lượng, hạn chế triệu chứng buồn nôn bạn hãy chia bữa ăn thành các bữa nhỏ hơn và thưởng thức nhiều lần trong ngày.
  • Giảm áp lực cho gan: Bệnh viêm gan sẽ khiến gan bị tổn thương, gặp khó khăn trong việc xử lý, đào thải các chất hóa học, độc tố. Do đó, người bệnh không nên uống rượu bia hay dùng những loại thuốc có hại cho gan để hạn chế gây ra thêm gánh nặng cho cơ quan này. Người bệnh nên chia nhỏ khẩu phần thành 4 – 6 cữ/ngày để giảm tải gánh nặng chuyển hóa cho gan.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm gan

Người bị viêm gan cần có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh phù hợp với thể trạng. Có như thế, các triệu chứng, biểu hiện viêm gan mới được cải thiện. Dưới đây là chế độ ăn cho người viêm gan, mời bạn đọc cùng tham khảo:

1. Viêm gan nên ăn gì?

Người bị viêm gan nên ăn các món hữu ích cho sức khỏe, phù hợp với thể trạng, cung cấp những dưỡng chất thiết yếu, quan trọng, tránh gây ra gánh nặng cho gan, cụ thể như sau:

  • Trái cây, rau củ: Để cải thiện triệu chứng viêm gan, tránh gặp tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu, người bệnh hãy bổ sung vào khẩu phần các loại rau quả như táo, quýt, cam, bắp cải, cà chua, bí, bầu, đu đủ, atiso, nho, bưởi, kiwi, quả mọng, rau họ cải, rau ngót, rau má, cà rốt,… Nghiên cứu cho thấy, axit retinoic (RA) – dạng hoạt tính sinh học của vitamin A giúp cải thiện tình trạng viêm gan. Vitamin A là vi chất có nhiều trong cà rốt, đu đủ, cà chua,…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Người bệnh viêm gan nên ăn ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp thêm chất xơ và năng lượng cho cơ thể. Món có ngũ cốc nguyên hạt phải kể đến là mì ống nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt,… Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ nhiều hơn sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính, ung thư gan. Điều này rất hữu ích với những người bị viêm gan mạn tính có nguy cơ chuyển sang xơ gan, ung thư gan.
  • Món có protein nạc: Người mắc bệnh viêm gan nên dùng thực phẩm có protein nạc như trứng, đậu nành, sản phẩm từ sữa ít béo,… để cung cấp năng lượng, tránh bị suy dinh dưỡng, teo cơ (đặc biệt là người bị viêm gan mạn tính). Người bệnh nên dùng protein nạc thay vì protein béo để giảm bớt gánh nặng cho gan trong quá trình chuyển hóa.
  • Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh từ bơ, hạt hướng dương, dầu ô-liu, quả hạch,… mang đến các axit béo không bão hòa đa/đơn giúp ích cho sức khỏe, tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ chất chống oxy hóa và những dưỡng chất quan trọng khác. Từ đó góp phần giúp người bệnh viêm gan chống lại tác hại của gốc tự do, tăng cường sức khỏe.
Chế độ ăn cho người bệnh viêm gan

Người bệnh viêm gan nên ăn trái cây, rau quả để không bị thiếu hụt khoáng chất, vitamin thiết yếu

2. Viêm gan kiêng ăn gì?

Để tránh làm chức năng gan thêm suy yếu, khiến triệu chứng viêm gan diễn ra nghiêm trọng hơn, người bị viêm gan cần kiêng dùng một số loại thực phẩm dưới đây:

  • Món quá bổ dưỡng: Thực phẩm giàu dưỡng chất như thịt các loại, hải sản,… không thể thiếu nhưng người bệnh cần tránh ăn quá nhiều. Vì nếu ăn món quá bổ dưỡng với lượng lớn, gan đang bệnh sẽ chịu nhiều áp lực, chuyển hóa kém dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Món ngọt, chứa nhiều đường: Người bị viêm gan không nên ăn nhiều đường, món quá ngọt. Vì dung nạp nhiều đường sẽ khiến gan không thể chuyển hóa hết làm đường huyết gia tăng, lâu ngày gây ra bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh không ăn được hoặc chán ăn thì có thể uống thêm đường glucose (tham khảo ý kiến của bác sĩ trước) để duy trì năng lượng.
  • Món quay, rán, chứa nhiều dầu, mỡ: Người mắc bệnh viêm gan không nên ăn các món này vì sẽ khiến quá trình chuyển hóa chất béo ở gan gặp thêm nhiều trở ngại. Lâu dần, mỡ gan sẽ tích tụ, làm suy yếu chức năng của tế bào gan.
  • Rượu bia: Người bị viêm gan không nên dùng đồ uống có cồn. Vì khi chuyển hóa rượu bia, gan sẽ bị nhiễm độc trực tiếp, làm tổn thương thêm nặng, dễ gây ra biến chứng.

Cách phòng ngừa bệnh viêm gan

Viêm gan tiềm ẩn nguy cơ gây ra các triệu chứng, biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Do đó, mọi người cần chủ động phòng ngừa bệnh viêm gan từ sớm thông qua các phương pháp dưới đây:

1. Tiêm phòng vắc xin

Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa bệnh viêm gan hiệu quả hàng đầu. Việc tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan A, B. Hiện nay, viêm gan C, D, E, G vẫn chưa có vắc xin ngừa bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh viêm gan, tiêm phòng

Tiêm vắc xin là phương pháp ngăn ngừa bệnh viêm gan A, B hiệu quả

2. Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây

Một người khỏe mạnh có thể bị viêm gan nếu tiếp xúc với bệnh phẩm chứa virus gây bệnh. Vì thế, mọi người cần chủ động phòng tránh lây nhiễm viêm gan bằng cách không sử dụng chung kim tiêm, tránh dùng chung vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…), quan hệ tình dục an toàn (không quan hệ với nhiều bạn tình, dùng bao cao su,…), ăn chín uống sôi,…

3. Lối sống lành mạnh

Mọi người cần áp dụng một lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa viêm gan. Bạn cần tránh/hạn chế dùng rượu bia, kiểm soát cân nặng, hạn chế căng thẳng, dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ,…

Nghi mắc bệnh viêm gan: Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh viêm gan hoặc tin rằng bản thân đã tiếp xúc với mầm bệnh viêm gan A, B, C. Bên cạnh đó, nếu bạn nôn quá nhiều hoặc cảm thấy bị ốm (sau khi đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan cao như tại khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Á) thì cũng cần đến cơ sở y tế thăm khám. Trường hợp người bệnh nôn ra máu, thấy phân có màu hắc ín/dính máu, bị mê sảng hoặc lú lẫn,… thì phải khẩn trương đi khám ngay.

Nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu bất thường ở trên, bạn có thể liên hệ đặt lịch khám, tư vấn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây là cơ sở y tế hàng đầu có chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị tân tiến, ví dụ như máy siêu âm có đàn hồi mô Aixplorer Mach 30,… các bác sĩ có thể giúp bạn tầm soát viêm gan hiệu quả, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời. Để đặt lịch thăm khám, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858 – 028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (Hà Nội).

Viêm gan là bệnh lý dễ lây truyền, có thể gây ra nhiều biểu hiện nghiêm trọng, chuyển sang biến chứng nặng hơn như xơ gan, ung thư gan, trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, tất cả mọi người cần chủ động phòng tránh, ngăn ngừa bệnh viêm gan từ sớm. Trường hợp chẳng may đã bị bệnh viêm gan thì bạn phải tuân thủ đúng theo phác đồ chữa trị của bác sĩ. Nếu có thắc mắc khác, bạn vui lòng liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome qua hotline 1900 633 599 để được tư vấn thêm.

Rate this post
16:04 13/07/2023