Bệnh gan: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa

03/06/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh gan là một vấn đề sức khỏe có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh gan đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Nếu bạn đang trăn trở về những triệu chứng như: mệt mỏi, đau bụng, thay đổi màu sắc da, nước tiểu hoặc phân, thì đó có thể là những biểu hiện của bệnh gan đang cần được thăm khám càng sớm càng tốt.

Ngay trong bài viết sau, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome sẽ cung cấp cho bạn thêm những kiến thức sâu hơn về bệnh gan, từ cách nhận biết sớm các triệu chứng bệnh gan, đến các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng cải thiện sức khỏe gan và lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Bệnh gan: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh gan là một trong những nhóm bệnh lý phổ biến nhất tại Việt Nam

Bệnh gan là gì?

Bệnh gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương (từ nhiều nguyên nhân) khiến mô gan bị nhiễm mỡ, viêm, xơ hóa, dẫn tới rối loạn chức năng gan, mất chức năng gan hoặc tiến triển thành ung thư gan. Trong tiến trình phát triển bệnh gan, nếu không phải do nhiễm virus hoặc do di truyền, thì người bệnh thường bắt đầu khởi phát bệnh gan với tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó dẫn đến viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.

Một khi bị xơ gan hoặc ung thư, tình trạng bệnh thường không thể được đảo ngược, trở thành bệnh mạn tính và gây nên các khuyết tật vĩnh viễn, bao gồm nhưng không giới hạn ở các tác hại như: suy nhược cơ thể, rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa, cổ trướng, tích tụ độc tố trong não, lú lẫn, sa sút trí tuệ, thay đổi nhận thức, suy giảm hành vi hoặc thậm chí hôn mê. Vì thế, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh gan để kịp thời ngăn chặn và điều trị là một việc làm vô cùng quan trọng.

giai đoạn của bệnh gan

5 giai đoạn phát triển thường gặp của bệnh gan

16 dấu hiệu bệnh gan điển hình nhất

Gan là cơ quan duy nhất trên cơ thể tồn tại mà bên trong nó không hề chứa các dây thần kinh cảm giác. Do đó, bạn gần như không thể nhận biết sớm được các triệu chứng ban đầu của bệnh gan nếu như chúng chưa gây ảnh hưởng lên các bộ phận khác của cơ thể. Trong trường hợp gan khởi phát bệnh, một trong những cơ quan đầu tiên dễ bị ảnh hưởng nhất chính là làn da.

Biểu hiện ngoài da của bệnh gan thường rất dễ được nhận biết bằng mắt thường và là một trong những triệu chứng điển hình để chẩn đoán tình trạng bệnh. Tuy nhiên, đợi đến lúc bạn kịp nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên da thì lúc này bệnh gan đã tiến triển khá nặng. Do đó, bạn hãy tham khảo nhanh danh sách 15 biểu hiện của bệnh gan điển hình dưới đây để có thể nhận biết sớm được tình trạng bệnh. Cụ thể:

1. Dấu hiệu bệnh gan là mệt mỏi chán ăn

Gan là cơ quan giúp cơ thể chuyển hóa dinh dưỡng, lưu trữ năng lượng, loại bỏ độc tố, sản xuất và lưu trữ mật tiêu hóa, protein cùng các loại vitamin khác nhau. Vì thế, bệnh gan khởi phát chắc chắn làm cho hàng loạt các chức năng gan bị suy giảm, khiến việc tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và chán ăn.

2. Triệu chứng bệnh gan sớm là ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt

Khi gan bị bệnh, chức năng lọc độc tố của gan bị suy giảm. Điều này dẫn đến sự tích tụ của các chất cặn trong máu, bao gồm bilirubin – một phụ phẩm có màu vàng sẫm được sản sinh từ quá trình chết đi của tế bào hồng cầu khi đi qua gan. Thông thường, lượng bilirubin tích tụ trong máu càng nhiều thì da càng dễ mẩn đỏ (nổi mề đay) và càng ngứa. Bên cạnh đó, một số bệnh gan như viêm gan siêu vi C cũng có thể gây ra các vấn đề về da như nổi mề đay do có sự kích ứng của hệ thống miễn dịch.

Triệu chứng bệnh gan sớm là ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt

Ngứa và nổi mề đay là một triệu chứng bệnh gan ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp sống hàng ngày

3. Nước tiểu sẫm màu

Khi gan bị bệnh, chức năng xử lý và loại bỏ bilirubin (sắc tố có màu vàng sẫm được hình thành sau quá trình phá vỡ hồng cầu) bị ảnh hưởng. Thay vì được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua phân, bilirubin có thể lọt vào dòng máu, sau đó được thận lọc ra và loại bỏ qua đường nước tiểu. Điều này khiến nước tiểu có màu vàng tươi hoặc vàng sẫm.

4. Hơi thở có mùi cảnh báo cơ thể mắc bệnh gan

Người mắc bệnh gan thường trải qua một tình trạng gọi là fetor hepaticus – tức khi hơi thở có mùi “mốc” hoặc mùi hôi cụ thể, cố định trong suốt một khoảng thời gian dài mà không hề liên quan đến sức khỏe răng miệng. Điều này xảy ra do sự tích tụ của các hợp chất như mercaptans và dimethyl sulfide trong máu, sau đó được cơ thể thải ra qua phổi. Các chất này thường được gan lọc ra khỏi máu và loại bỏ qua đường nước tiểu, nhưng khi chức năng gan bị suy giảm, chúng có thể tích tụ ở phổi và khiến hơi thở có mùi.

5. Đau hạ sườn phải

Đau hạ sườn phải là dấu hiệu của bệnh gan rõ rệt nhất. Gan nằm ở phía trên, bên phải của bụng và ở dưới liên sườn. Khi gan bị viêm, phình to do tích nước hoặc bị tổn thương do bệnh tật, nó có thể gây ra đau ở vùng hạ sườn phải. Điều này xảy ra vì khi gan bị tăng áp, gây áp lực lên lớp màng bao quanh gan, nơi có nhiều dây thần kinh đau. Đau gan thường được mô tả với cảm giác đau căng tức, cảm giác như ở bụng phía dưới mạn sườn phải bị bơm căng gây đau nhức.

dấu hiệu của bệnh gan

Đau hạ sườn phải là dấu hiệu bệnh gan phổ biến

6. Màu phân thay đổi là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan

Gan chịu trách nhiệm sản xuất mật – một chất cần thiết để tiêu hóa và hấp thụ chất béo. Mật cũng giúp loại bỏ một số chất thải khỏi cơ thể, bao gồm bilirubin – một sắc tố màu vàng sẫm được hình thành sau quá trình phá hủy hồng cầu. Khi gan bị bệnh, khả năng sản xuất và tiết mật bị ảnh hưởng, dẫn đến sự thay đổi màu sắc của phân. Do đó, trên cơ thể người bệnh gan, phân có thể trở nên rất nhạt màu, hoặc ngược lại, trở nên vàng sậm và rất tối màu vì chứa nhiều bilirubin.

7. Nôn mửa dai dẳng

Gan là cơ quan giúp cơ thể sản xuất từ 500ml – 1000ml mật mỗi ngày. Mật sau khi được trữ ở túi mật, sẽ chảy xuống tá tràng tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ chất béo và hòa tan các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, v.v…Khi chức năng gan bị suy giảm, việc sản xuất mật cũng bị ảnh hưởng, khiến cơ thể khó tiêu hóa và hấp thụ chất béo, sinh ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân gan có thể bị cổ trướng và sưng tấy ổ bụng, gây chèn ép dạ dày và có thể dẫn đến nôn mửa.

8. Người mắc bệnh gan bị vàng da, vàng mắt

Vàng da, vàng mắt là biểu hiện bệnh gan dễ nhận biết nhất. Đối với người mắc bệnh gan, cơ thể sẽ đào thải bilirubin (một sắc tố có màu vàng sẫm được tạo nên sau quá trình phá vỡ hồng cầu ở gan) kém hơn người bình thường. Do đó, khi nồng độ bilirubin trong máu quá cao, người bệnh gan có thể bị vàng da và vàng mắt – một triệu chứng phổ biến của các bệnh gan.

biểu hiện bệnh gan

Vàng mắt là biểu hiện thường thấy do dư thừa bilirubin ở người có vấn đề về gan

9. Xuất hiện các vết bầm tím dưới da

Khi chức năng gan bị suy giảm, việc sản xuất các protein hỗ trợ đông máu cũng bị ảnh hưởng, khiến thành mạch máu suy yếu, dễ vỡ hơn khi gặp các tác động vật lý nhẹ, dẫn đến các vết bầm tím dưới da. Ngoài ra, một số bệnh gan cũng có thể gây ra sự giảm tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là loại tế bào máu giúp máu đông lại. Khi số lượng tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu và hình thành vết bầm cũng tăng lên.

10. Dấu sao mạch trên da

Dấu sao mạch (spider nevus) là một triệu chứng khiến da của người bệnh gan xuất hiện những vết xuất huyết đỏ nhỏ với nhiều tia mao mạch mỏng phân nhánh, tỏa ra từ trung tâm, giống như hình dạng của một ngôi sao (hoặc như hình mạng nhện). Chúng thường xuất hiện ở người bệnh gan do sự tăng estrogen trong cơ thể. Khi gan bị bệnh, khả năng lọc và loại bỏ hormone estrogen từ máu bị suy giảm. Điều này dẫn đến sự tích tụ estrogen, gây ra sự mở rộng của các mao mạch dưới da và hình thành dấu sao mạch.

biểu hiện của bệnh gan, Dấu sao mạch trên da

Dấu sao mạch trên da thường được xem là một dấu hiệu bệnh gan điển hình

11. Trướng bụng (cổ trướng)

Trướng bụng (ascites) là tình trạng gây tích tụ nước quá mức trong khoang bụng, thường xuất hiện ở người bị xơ gan và khoảng thời gian trung bình để khởi phát biến chứng này là 10 năm. Tình trạng xơ gan khiến cơ thể không thể sản xuất đủ albumin – một loại protein giúp giữ nước trong mạch máu. Khi lượng albumin giảm, nước có thể rò rỉ ra các mô xung quanh, bao gồm cả khoang bụng, gây ra hiện tượng cổ trướng. Theo nghiên cứu, một khi biến chứng cổ trướng xuất hiện, tiên lượng sống trong 2 năm tiếp theo của người bệnh gan chỉ còn khoảng 50%.

12. Sưng phù chân (phù nề)

Phù nề tay chân (oedema) thường là dấu hiệu bệnh gan khi bệnh đã trở nặng. Phù nề tay chân ở người bệnh gan thường xuất hiện do hai nguyên nhân chính:

  • Hàm lượng Albumin thấp: Gan chịu trách nhiệm sản xuất albumin – một loại protein giúp giữ nước trong mạch máu. Khi gan bị bệnh, nó không thể sản xuất đủ albumin, dẫn đến việc nước thẩm thấu vào các mô xung quanh, gây ra hiện tượng sưng phù.
  • Tăng áp lực cổ trướng: Ở người bị xơ gan, sự thay thế mô gan bằng sợi xơ gây ra tăng áp lực trong hệ thống mạch máu của gan. Điều này khiến máu không thể chảy qua gan như bình thường, buộc máu phải tìm đường khác để quay trở lại tim. Điều này cũng gây ra sự tăng lượng dịch trong hệ thống tuần hoàn, khiến một phần của dịch này có thể rò rỉ ra các mô xung quanh, bao gồm cả tay và chân, gây ra sưng phù.

13. Thay đổi tâm trạng và tính cách

Thay đổi tâm trạng và tính cách thường xuất hiện nhiều với những người bị mắc bệnh não gan – một tình trạng suy gan nghiêm trọng gây rối loạn chức năng não bộ thì các triệu chứng không chỉ dừng lại ở việc mệt mỏi, chán ăn,… mà còn có thể làm thay đổi nhận thức, hành vi, trạng thái tinh thần, tính cách và thậm chí khiến bệnh nhân chìm sâu vào hôn mê.

14. Hay nhầm lẫn và mất phương hướng

Người bệnh gan có thể gặp phải tình trạng suy nhược não bộ gọi là encephalopathy – một biến chứng của bệnh gan giai đoạn cuối khiến não không hoạt động bình thường. Khi gan không thể lọc độc tố khỏi máu một cách hiệu quả, các chất độc này có thể tích tụ trong máu và ảnh hưởng đến não.

Một trong những chất độc quan trọng là amoni – một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein. Gan thường chuyển hóa amoni thành ure để loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi gan bị suy giảm, amoni có thể tích tụ trong máu và chuyển đến não, gây ra các triệu chứng như nhầm lẫn và hay mất phương hướng.

dấu hiệu bệnh gan, Hay nhầm lẫn và mất phương hướng

Nhầm lẫn và mất phương hướng là biểu hiện có thể xuất hiện ở người bệnh suy gan

15. Một số biểu hiện bệnh gan khác

Ngoài 14 triệu chứng phổ biến trên, người mắc bệnh gan có thể gặp một số biểu hiện khác như: máu nhiễm mỡ, trong nước tiểu có váng mỡ, đau nhức xương khớp về đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân,… Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng triệu chứng bệnh gan ở mỗi cá nhân là không giống nhau, và không phải ai mắc bệnh gan cũng sẽ có những triệu chứng này.

Các bệnh gan thường gặp

Bệnh gan là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, các bệnh lý thường gặp nhất là:

1. Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ quá mức trong tế bào gan. Bệnh thường khởi phát do việc tiêu thụ một chế độ ăn uống chứa nhiều chất béo, đường hoặc rượu. Gan nhiễm mỡ có thể được phân loại thành hai loại bệnh, bao gồm: gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu (NAFLD) và gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD).

Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ thường không rõ ràng nhưng có thể bao gồm thừa cân, béo phì, mệt mỏi, đau khớp về đêm hoặc đau dưới sườn phải. Bệnh gan nhiễm mỡ thường được điều trị chủ yếu bằng cách thay đổi lối sống, giảm cân, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.

2. Viêm gan

Viêm gan là tình trạng tổn thương gan, thường do nhiễm virus (viêm gan A, B, C, D, E) hoặc lạm dụng rượu bia, hóa chất và dược phẩm. Viêm gan thường được chia thành 2 loại gồm viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính. Triệu chứng của bệnh viêm gan thường bao gồm mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, tiêu chảy, và buồn nôn. Phương pháp điều trị bệnh viêm gan thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Điều trị bằng thuốc kháng virus: Áp dụng cho bệnh viêm gan do nhiễm siêu vi.
  • Điều trị bằng cách thay đổi lối sống: Áp dụng cai rượu để điều trị bệnh viêm gan do rượu hoặc tăng cường vận động, ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý với những trường hợp viêm gan không liên quan đến rượu.
Các bệnh gan thường gặp, viêm gan virus

Viêm gan do virus là nguyên nhân gây nên 40% trường hợp xơ gan tại Việt Nam

3. Xơ gan

Xơ gan là bệnh lý gan mãn tính, trong đó gan bị tổn thương và thay thế bằng mô xơ (sẹo), gây rối loạn chức năng gan. Nguyên nhân chính gây xơ gan thường là do viêm gan siêu vi B, C, viêm gan do rượu hoặc do bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh xơ gan thường gây nên các triệu chứng suy nhược, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, cổ trướng, phù nề, xuất huyết dưới da. Để điều trị bệnh xơ gan, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc, thay đổi lối sống, hoặc nếu cần có thể phẫu thuật cấy ghép gan.

4. Ung thư gan

Tình trạng tổn thương gan trong suốt một thời gian dài sẽ gây đột biến nhiễm sắc thể, khiến tế bào gan liên tục tăng sinh một cách mất kiểm soát, hình thành nên khối u gan lành tính hoặc ác tính (ung thư). Nguyên nhân gây ung thư có thể do nhiễm virus, lạm dụng rượu bia, thuốc hoặc mắc các bệnh gan khác trong suốt một thời gian dài. Ung thư gan thường khiến người bệnh kiệt quệ về mặt thể chất. Phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc cấy ghép gan mới.

5. Áp xe gan

Áp xe gan là tình trạng xuất hiện các ổ nhiễm trùng gây sưng viêm, mưng mủ, làm tắc nghẽn và tăng áp suất trong hệ thống mạch máu gan. Nguyên nhân chính của bệnh áp xe gan phần lớn là do nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng ổ bụng rồi xâm lấn sang gan. Cách điều trị áp xe gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật dẫn lưu áp xe, uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm mỡ, thuốc giảm áp nội mạch, kết hợp với việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục, giảm cân (nếu cần thiết) và hạn chế rượu bia.

6. Suy gan

Bệnh suy gan là một tình trạng mất chức năng gan một phần hoặc toàn bộ, xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương hoặc bị hoại tử. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm viêm gan mãn tính, viêm gan virus, sử dụng cồn lạm dụng, bệnh tiểu đường, béo phì và sử dụng thuốc không đúng liều. Bệnh suy gan có thể được phân loại thành suy gan mạn tính và suy gan cấp tính.

Suy gan làm mất chức năng gan, tăng men gan, tổn thương mô gan và xuất huyết gan. Cách điều trị phổ biến bao gồm loại bỏ nguyên nhân gây suy gan, chữa trị các biến chứng, hỗ trợ chức năng gan bằng thuốc, ăn uống lành mạnh, hạn chế cồn và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định cấy ghép gan.

bệnh ga, suy gan

Người bệnh suy gan thường có da dẻ vàng vọt

Nguyên nhân gây bệnh gan là gì?

Có 7 nguyên nhân khác nhau gây nên các bệnh lý về gan. Việc hiểu rõ về các nguyên nhân khác nhau gây nên bệnh gan sẽ giúp bạn lên kế hoạch ngăn ngừa, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Cụ thể, 7 nguyên nhân gây bệnh gan gồm:

1. Virus gây viêm gan

Các loại virus gây viêm gan phổ biến bao gồm: virus HAV, HBV, HCV, HDV, HEV,… lần lượt gây nên các bệnh viêm gan siêu vi A, B, C, D, E. Các loại virus này gây viêm gan bằng cách xâm nhập vào tế bào gan và gây tổn thương cho gan. Các con đường lây nhiễm chủ yếu của các loại virus gây viêm gan bao gồm:

  • HAV: Lây qua tiếp xúc với phân hoặc nguồn nước bị nhiễm virus;
  • HBV, HCV, HDV: Lây qua tiếp xúc với máu hoặc chất nhầy của người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, HDV chỉ gây viêm gan nếu có sự hiện diện của HBV.
  • HEV: Thường lây qua uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm virus.

2. Bệnh gan do rượu, thuốc lá

Rượu và thuốc lá có thể gây bệnh gan vì chúng chứa nhiều chất độc hại như nicotine và cồn. Khi tiêu thụ, chúng tác động tiêu cực lên gan bằng cách tạo ra các gốc tự do và kích thích các phản ứng gây viêm. Tác động này gây tổn thương các tế bào gan, làm suy giảm khả năng đào thải độc tố và chuyển hóa chất béo ở gan. Theo thời gian, việc tiếp tục tiêu thụ rượu và thuốc lá có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan. Do đó, để duy trì một lá gan khỏe mạnh, bạn nên tránh tiêu thụ rượu và thuốc lá.

3. Bệnh gan do thuốc

Lạm dụng thuốc có thể gây viêm gan, xơ gan, viêm gan mạn tính do tác động tiêu cực lên gan trong thời gian dài. Các loại thuốc gây hại cho gan bao gồm thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol), thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và các loại thuốc điều trị ung thư. Do đó, để giảm thiểu tối đa các nguy cơ mắc bệnh gan khi dùng thuốc, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng an toàn và thời gian dung nạp thuốc phù hợp.

nguyên nhân gây bệnh gan, do thuốc

Lạm dụng thuốc quá liều cũng kích thích bệnh gan khởi phát

4. Bệnh gan do vi khuẩn, ký sinh trùng

Các loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn (Streptococcus milleri, Streptococcus faecalis,…), trực khuẩn (E. coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus vulgaris,…) hay ký sinh trùng như sán lá gan đều là những nguyên nhân gây nhiễm trùng máu và làm tổn thương gan phổ biến.

Nguồn lây của các loại vi khuẩn này thường tìm thấy trong các nguồn nước bị ô nhiễm, máu động vật (tiết canh), ống dẫn mật, thịt và gan của động vật bị nhiễm bệnh (chẳng hạn như gia súc, gia cầm) rồi sau đó lây sang người. Do đó, để ngăn ngừa bệnh gan do vi khuẩn và ký sinh, bạn cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân cẩn thận, tránh tiếp xúc với chất bẩn và sử dụng biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao.

5. Mắc bệnh gan do độc tố

Tích tụ độc tố có thể gây hại cho gan bằng cách gây mất cân bằng oxy hóa và hình thành các phản ứng viêm. Các loại độc tố gây hại cho gan phổ biến có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Hóa chất dược phẩm: Thuốc lợi tiểu, thuốc trị mụn chứa retinoids, corticoid hoặc thuốc giảm đau, hạ sốt,…
  • Hóa chất công nghiệp: Thuốc trừ sâu, kim loại nặng (chì, thủy ngân, cadimi,…) thuốc nhuộm, thuốc tẩy và các chất độc hại từ môi trường.

Gan phải xử lý và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, nhưng khi lượng độc tố tích tụ quá nhiều, gan có thể bị quá tải và bị tổn thương. Để bảo vệ gan khỏi độc tố, bạn cần tránh lạm dụng thuốc, thực hiện ăn chín uống sôi, đồng thời biết chọn lọc kỹ nguồn gốc thực phẩm để tránh tiêu thụ phải các loại hóa chất độc hại.

6. Béo phì gây bệnh gan nhiễm mỡ

Tiêu thụ quá nhiều rượu bia hoặc thực phẩm so với mức cần thiết nhanh chóng khiến bạn tăng cân. Khi tăng cân quá nhiều, chất béo không chỉ tích tụ bên ngoài cơ thể, dẫn đến béo phì mà còn bắt đầu lắng đọng bên trong các cơ quan nội tạng như gan. Đây cũng chính là lúc bệnh gan nhiễm mỡ khởi phát. Theo thống kê, có đến 50 – 90% người béo phì bị mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Đồng thời, sự hiện diện của bệnh béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh men gan cao lên gấp 2 – 3 lần, từ đó càng làm bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển nặng hơn.

nguyên nhân bệnh gan, béo phì

Hơn một nửa số người bị béo phì cũng mắc thêm bệnh gan nhiễm mỡ

7. Bệnh tiểu đường gây bệnh xơ gan, suy gan, gan nhiễm mỡ

Ở người bệnh đái tháo đường, tình trạng kháng insulin thường khiến cho 50 – 75% người bệnh bị mắc thêm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), khiến gan nhanh chóng bị viêm, xơ hóa, dẫn đến bệnh xơ gan, suy gan và thậm chí là hoại tử gan.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan cao

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gan nếu không chú ý ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm và nâng cao nhận thức của bản thân về các con đường có thể lây truyền mầm bệnh liên quan đến sức khỏe của gan. Cụ thể, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gan bao gồm:

  • Người tiêu thụ rượu bia nhiều và thường xuyên: Rượu được chuyển hóa trong gan tạo thành acetaldehyde – một chế kịch độc gây đột biến DNA, dẫn đến tổn thương gan, viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
  • Người tiếp xúc với máu và dịch nhầy: Máu và dịch nhầy của động vật hoặc người khác là con đường lây nhiễm lý tưởng của các loại virus gây viêm gan siêu vi A, B, C, D. Những đối tượng dễ bị mắc bệnh gan truyền nhiễm từ máu và dịch nhầy bao gồm:
    • Những người sống gần những nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều xác chết động vật;
    • Người thường ăn thịt sống, thịt tái, gan động vật hoặc tiết canh,…
    • Người quan hệ tình dục không an toàn;
    • Người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan hoặc chất thải y tế;
    • Những người làm ngành dịch vụ thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau mà không có bất kỳ biện pháp bảo hộ an toàn nào.
  • Người béo phì hoặc tiểu đường: Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra bệnh gan mỡ, dẫn đến viêm gan và xơ gan.
  • Người tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Một số hóa chất độc hại có thể gây ra tổn thương gan khi hít phải hoặc nuốt vào do bám trên thực phẩm mà chưa được rửa sạch.
  • Người có tiền sử bệnh gan trong gia đình: Các tình trạng di truyền hiếm gặp có thể gây ra bệnh về gan, bao gồm bệnh thiếu men alpha-1 antitrypsin, bệnh hemochromatosis (gan dư sắt) và bệnh wilson (gan dư đồng).
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh tự miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu khiến vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng dễ tấn công gan. Trong khi đó, bệnh tự miễn là tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch “hiểu nhầm” gan là “vật thể lạ” và tấn công vào gan để bảo vệ cơ thể.
  • Người sử dụng thuốc không an toàn hoặc không đúng cách: Một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều hoặc dùng lâu dài, chẳng hạn như các loại thuốc chứa retinoids, corticoids và steroids.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan cao

Tiêu thụ rượu bia nhiều, trong một thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về gan

Bệnh gan có nguy hiểm không?

Bệnh gan RẤT NGUY HIỂM vì theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng là nguyên nhân gây nên 2.000.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Trong đó, xơ gan và ung thư gan lần lượt là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 11 và thứ 16 trên toàn cầu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả báo cáo năm 2020 của WHO cho thấy, ung thư gan là nguyên nhân ung thư gây tử vong hàng đầu, chịu trách nhiệm cho hơn 25.272 ca tử vong mỗi năm. Bên cạnh đó, số liệu của WHO cũng chỉ rõ Việt Nam là nước có tỷ lệ xơ gan cao, chiếm khoảng 5% dân số. Trong đó xơ gan do virus chiếm trên 40% và xơ gan do tiêu thụ rượu bia chiếm khoảng 18%.

Bệnh gan có di truyền không?

Bệnh gan di truyền. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh gan đều di truyền. Cụ thể, một số bệnh gan di truyền bao gồm:

  • Bệnh gan mỡ không do rượu (NAFLD): Mặc dù các yếu tố môi trường như chế độ ăn uống và vận động đóng vai trò lớn trong việc phát triển NAFLD, nhưng nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng NAFLD là một bệnh có thể di truyền.
  • Bệnh hemochromatosis (gan dư sắt): Đây là một bệnh di truyền gây ra do sự tích tụ quá mức của sắt trong các cơ quan trên cơ thể, bao gồm gan. Nếu không được điều trị, điều này có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
  • Bệnh wilson (gan dư đồng): Đây là một bệnh di truyền hiếm gặp khiến cơ thể không thể loại bỏ đồng, dẫn đến tích tụ đồng trong gan, não và các cơ quan khác gây ngộ độc và rối loạn chuyển hóa gan.
  • Hội chứng Gilbert: Thông thường, khi các tế bào hồng cầu hết tuổi thọ (sau khoảng 120 ngày), chúng sẽ được gan phân hủy thành bilirubin. Trong khi đó, những người mắc hội chứng Gilbert có một gen bị lỗi khiến gan gặp vấn đề trong việc loại bỏ bilirubin ra khỏi máu.
  • Bệnh gan đa nang (polycystic liver disease – PLD): Một bệnh di truyền hiếm gặp khiến gen thay thế các mô gan bình thường bằng các nang gan chứa đầy dịch lỏng.

Như vậy, vẫn còn rất nhiều các bệnh gan khác KHÔNG di truyền và thường được gây ra bởi các yếu tố môi trường như: vi-rút, rượu, thuốc lá, chất độc, hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Bệnh gan có di truyền không?

Gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh có thể di truyền

Chẩn đoán bệnh gan

Chẩn đoán bệnh gan thường yêu cầu một loạt các xét nghiệm và quy trình khác nhau. Dưới đây là quy trình chẩn đoán bệnh gan thông thường:

  • Khai báo tiền sử bệnh và kiểm tra thể lực: Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý của bạn, bao gồm cả các triệu chứng bạn có thể đang gặp phải, thói quen ăn uống, lịch sử bệnh lý của gia đình, cá nhân và các loại thuốc bạn đang dùng. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra thể chất xem lá gan, ổ bụng, tay, chân,… của bạn để xem chúng có phình to hay không.
  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ kiểm tra chức năng gan của bạn, tìm hiểu nguyên nhân của bệnh, và xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các xét nghiệm máu thường bao gồm các chỉ số như AST, ALT, albumin, bilirubin và các xét nghiệm nhiễm khuẩn khác.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT hoặc MRI để nhìn rõ hơn về cấu trúc của gan.
  • Sinh thiết gan: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết gan, quy trình lấy một mẫu nhỏ tế bào gan để kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Chẩn đoán bệnh gan

Sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát được kết cấu bên trong gan

Bệnh gan có chữa được không?

Bạn gan CÓ THỂ được chữa trị dứt điểm hoàn toàn nếu tình trạng bệnh chưa chuyển tiến nặng thành bệnh xơ gan hoặc bệnh ung thư gan. Trong trường hợp bệnh đã trở nặng thành xơ gan hoặc ung thư, bệnh nhân chỉ có thể hồi phục hoàn toàn khi được cấy ghép lá gan mới.

Tuy nhiên, trong quá trình cứu chữa bệnh gan, sự thành công của quá trình điều trị còn phụ thuộc nhiều vào tiền sử bệnh lý, nguyên nhân phát bệnh, tuổi tác, giới tính, chế độ dinh dưỡng, lịch trình dùng thuốc, môi trường sống, thói quen sống và sinh hoạt hàng ngày, v.v….

Nhìn chung, nếu bệnh gan được phát hiện càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm, chẳng hạn như:

  • Với người xơ gan lâu năm đã có triệu chứng cổ trướng: Tiên lượng sống trong 2 năm tiếp theo giảm còn 50%.
  • Với người ung thư gan giai đoạn đầu được chỉ định ghép gan: Tiên lượng sống trong 5 năm tiếp theo giảm còn 60% – 70%.

Tóm lại, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và điều trị bệnh gan kịp thời chính là chìa khóa quan trọng trong “cuộc chiến” chống lại bệnh gan. Ngược lại, một khi bệnh gan đã chuyển tiến nặng thành xơ gan hoặc ung thư, quá trình điều trị lúc này chỉ tập trung vào việc trì hoãn sự tiến triển của bệnh và làm giảm các biến chứng khác (nếu không tìm được lá gan phù hợp để tiến hành cấy ghép).

Bệnh gan có chữa được không?

Bệnh gan hoàn toàn có thể chữa được nếu được thăm khám và điều trị kịp thời

Cách điều trị bệnh gan

Trị bệnh gan đòi hỏi phải được tiếp cận bởi một bác sĩ chuyên khoa và dựa trên chẩn đoán chính xác về loại bệnh gan mà bạn đang gặp phải. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thông dụng cho một số bệnh gan phổ biến:

1. Dùng thuốc trị bệnh gan

Thuốc trị bệnh gan là những loại thuốc được dùng để khắc phục các rối loạn liên quan đến gan. Cụ thể, khi điều trị bệnh gan, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một hoặc nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở: thuốc chống vi-rút, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ mỡ máu, thuốc tăng độ nhạy insulin để kiểm soát đường huyết, thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giải rượu, thuốc ức chế tự miễn, v.v…

2. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống gần như là một điều kiện bắt buộc để bạn có thể chữa trị hoặc hỗ trợ quá trình điều trị bệnh gan thành công (dù là bệnh gan do rượu hay không liên quan đến rượu). Thay đổi lối sống bao gồm việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động, cải thiện môi trường sống và thiết lập một lịch trình sinh hoạt khoa học theo lời khuyên từ bác sĩ.

3. Phẫu thuật ghép gan

Phẫu thuật ghép gan là quá trình thay thế gan bị bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Gan mới có thể đến từ người hiến tặng còn sống hoặc đã chết. Đây là liệu pháp cuối cùng khi các biện pháp điều trị khác không còn hiệu quả. Phẫu thuật này được chỉ định khi người bệnh mắc các bệnh gan nghiêm trọng như xơ gan mạn tính, viêm gan mãn tính, bệnh gan do rượu, hoặc ung thư gan.

Cách chữa bệnh gan tại nhà

Bệnh gan KHÔNG THỂ được chữa khỏi tại nhà mà không có sự can thiệp từ bác sĩ. Trong mọi tình huống, việc cứu chữa bệnh gan phải được tiến hành dưới sự thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, theo dõi và chỉ định từ phía chuyên gia. Việc tự ý dùng thuốc tại nhà hay tùy tiện thay đổi lối sống sai cách có thể gia tăng mức độ tổn thương gan và thúc đẩy bệnh gan tiến triển nặng hơn.

Cách chữa bệnh gan tại nhà

Bệnh gan không thể tự chữa khỏi tại nhà mà không có sự can thiệp từ bác sĩ

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò mang tính quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh gan. Việc hiểu rõ được người bệnh gan nên ăn gì, kiêng gì không những giúp giúp bệnh tình ngưng tiến triển nặng, bảo vệ được các mô gan khỏe mạnh, mà còn hỗ trợ các tế bào gan đã bị tổn thương nhanh chóng hồi phục. Cụ thể:

1. Người bệnh gan nên ăn gì?

Người bệnh gan cần ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, tập trung vào các thực phẩm chứa ít đường, ít gia vị với nhiều protein, chất xơ, chất béo không bão hòa, vitamin và các chất chống oxy hóa. Cụ thể, người bệnh gan nên ưu tiên tiêu thụ rau xanh, trái cây (loại ít đường), ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, cá hồi, thịt nạc, trứng, dầu ô-liu. Đồng thời, người bệnh cần ưu tiên chọn thực phẩm tươi sạch thay vì tiêu thụ đồ chế biến sẵn, đồ hộp.

2. Người bệnh gan kiêng ăn gì?

Việc quyết định người bệnh gan nên kiêng gì phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân khởi phát, triệu chứng và biến chứng hiện tại của bệnh. Ví dụ:

  • Nếu bệnh gan là do rượu: Người bệnh cần tuyệt đối kiêng tiêu thụ rượu bia.
  • Nếu bệnh gan không liên quan đến rượu: Người bệnh cần kiêng ăn tất cả những thực phẩm làm tăng mức độ tổn thương hoặc tích trữ mỡ tại gan, bao gồm việc kiêng ăn:
    • Chất béo bão hòa: Mỡ gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, thực phẩm chiên (rán) ngập dầu, bơ động vật, sữa nguyên kem, dầu cọ và dầu dừa;
    • Đường: Bánh kẹo ngọt, nước giải khát chứa đường và trái cây có hàm lượng đường cao (xoài, vải, nhãn, sung, đào, nho,…);
    • Tinh bột nhanh: Người bệnh gan nên thay thực phẩm giàu tinh bột nhanh (cơm trắng, bún, miến, phở, hủ tiếu, bánh mì,…) thành thực phẩm giàu tinh bột phức (ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nguyên cám, yến mạch, gạo lứt, lúa mì, các loại đậu và hạt,…).
    • Thực phẩm nhiều muối, rượu hay chất bảo quản: Chẳng hạn như các thực phẩm lên men, ủ muối chua, thực phẩm đóng hộp hay thịt xông khói.
    • Thực phẩm chưa chín: Thịt sống, thịt tái, lòng đỏ trứng tái hoặc tiết canh.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan, kiêng ăn gì

Người bệnh gan nên kiêng ăn đồ ngọt và thực phẩm chiên rán

Cách phòng ngừa bệnh gan

Phòng ngừa bệnh gan đòi hỏi một sự phối hợp toàn diện giữa việc tuân thủ theo một chế độ ăn uống khoa học với việc xây dựng một lối sống lành mạnh, tốt cho gan. Cụ thể:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Đầu tiên, bạn nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn chiên rán, nhiều đường, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp và rượu bia. Đồng thời, ưu tiên tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều tinh bột phức, chất xơ, chất đạm, chất chống oxy hóa và axit béo không bão hòa như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo vùng nước lạnh, trứng, các loại hạt và đậu.
  • Lối sống lành mạnh: Bao gồm việc vận động thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và duy trì cân nặng ổn định nhằm giúp bảo vệ và duy trì một lá gan khỏe mạnh.

Cuối cùng, để phòng ngừa bệnh gan, bạn nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan A và B, giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân và tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm vi khuẩn viêm gan. Tốt nhất, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào khởi phát tại gan.

Cách phòng ngừa bệnh gan

Tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ gan khỏi sự tấn công của vi-rút

Nghi mắc bệnh gan: Khi nào đi khám bác sĩ?

Người bệnh gan nên gặp bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào liên quan đến gan. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt;
  • Thay đổi màu sắc phân hoặc/và nước tiểu;
  • Da dễ bầm tím và xuất hiện các dấu sao mạch;
  • Ăn mất ngon, thường hay tiêu chảy, mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau hoặc sưng ở phần trên bên phải bụng;
  • Sưng, phù nề ổ bụng, tay và chân.

Đặc biệt, nếu các triệu chứng không giảm đi sau một tuần hoặc nếu tình trạng sức khỏe của bạn tiếp tục suy giảm, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Tóm lại, bệnh gan là một vấn đề sức khỏe cần được nhận biết, điều trị và phòng ngừa kịp thời. Hiểu rõ về các dấu hiệu và triệu chứng bệnh gan để nhận biết sớm tình trạng bệnh chính là “chìa khóa vàng” giúp nâng cao hiệu quả điều trị và khôi phục sức khỏe gan.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh gan, từ cách nhận biết bệnh qua các dấu hiệu như mệt mỏi, sự thay đổi trong màu sắc của da, đến cách điều trị và phòng ngừa bệnh gan một cách khoa học. Hy vọng rằng bài viết cũng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu bệnh gan, giúp bạn nhận biết sớm được các bất ổn tại gan để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho bản thân cho gia đình.

5/5 - (1 bình chọn)
11:56 07/03/2024
Nguồn tham khảo
  1. Perri G. A. (2013). Ascites in patients with cirrhosis. Canadian family physician Medecin de famille canadien59(12), 1297–e540.
  2. Divella, R., Mazzocca, A., Daniele, A., Sabbà, C., & Paradiso, A. (2019). Obesity, Nonalcoholic Fatty Liver Disease and Adipocytokines Network in Promotion of Cancer. International journal of biological sciences15(3), 610–616. https://doi.org/10.7150/ijbs.29599
  3. Marchesini, G., Moscatiello, S., Di Domizio, S., & Forlani, G. (2008). Obesity-Associated liver Disease. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 93(11_supplement_1), s74–s80. https://doi.org/10.1210/jc.2008-1399
  4. Asrani, S. K., Devarbhavi, H., Eaton, J., & Kamath, P. S. (2019). Burden of liver diseases in the world. Journal of hepatology70(1), 151–171. https://doi.org/10.1016/j.jhep.2018.09.014
  5. International Agency for Research on Cancer (IARC). (2022). Vietnam. Global Cancer Observatory (GCO). https://gco.iarc.who.int/media/globocan/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheet.pdf
  6. Sookoian, S., & Pirola, C. J. (2017). Genetic predisposition in nonalcoholic fatty liver disease. Clinical and molecular hepatology23(1), 1–12. https://doi.org/10.3350/cmh.2016.0109

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading