Hạ canxi máu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

04/05/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Canxi là một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương, răng và nhiều bộ phận khác bên trong cơ thể. Khi mức canxi trong máu giảm xuống thấp hơn bình thường sẽ gây ra hiện tượng hạ canxi máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng hạ canxi và phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

hạ canxi máu gây bệnh gì

Hạ canxi máu thường gây ra những cơn chóng mặt bất ngờ

Hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu bị hạ xuống mức thấp hơn so với giới hạn bình thường. Cụ thể, khi xét nghiệm nồng độ canxi toàn phần, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ canxi hạ xuống dưới mức 8.8 mg/dL – tức nhỏ hơn mức 2.10 mmol/L, nghĩa là bạn đã bị hạ canxi máu. (1)

Nguyên nhân hạ canxi máu

Thông thường, hiện tượng tụt canxi máu xảy ra khi cơ thể bài tiết canxi quá nhanh hoặc hấp thu và chuyển hóa canxi quá chậm. Theo đó, bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, chuyển hóa và hấp thu canxi của cơ thể đều có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng hạ canxi máu (2) . Nguyên nhân hạ canxi máu bao gồm:

  • Suy tuyến cận giáp: Hiện tượng này xảy ra khi tuyến cận giáp không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp (PTH). Đây là loại hormone giúp tăng cường khả năng hấp thu và duy trì nồng độ canxi có trong xương. Vì thế, khi hàm lượng PTH thấp, tình trạng hạ canxi máu sẽ xảy ra.
  • Thiếu vitamin D: Vitamin D là dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể hấp thu canxi một cách hiệu quả hơn. Khi cơ thể thiếu vitamin D sẽ khiến cho quá trình hấp thu và tổng hợp canxi bị chậm lại dẫn đến hạ canxi máu. Thông thường, tình trạng hạ canxi máu do thiếu vitamin D thường xảy ra khi người bệnh bị rối loạn dinh dưỡng hoặc không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời.
  • Suy thận: Suy thận là căn bệnh xảy ra khi hàm lượng photpho trong máu tăng lên, khiến cho quá trình sản xuất vitamin D ở thận bị ngưng trệ.
  • Giả suy tuyến cận giáp: Đây là một hiện tượng rối loạn di truyền do cơ thể không thể phản ứng với hormone PTH. Hiện tượng rối loạn này khiến cho cơ thể không thể hấp thu hoặc tạo ra canxi từ đó rơi vào tình trạng hạ canxi máu.
  • Hạ magie máu: Hiện tượng này xảy ra khi lượng magie trong máu bị hạ xuống mức thấp bất thường. Lượng magie thấp sẽ làm giảm khả năng sản sinh hormone PTH và ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của cơ thể.
  • Viêm tụy: Căn bệnh này xảy ra khi tuyến tụy của cơ thể bị viêm gây tụt canxi máu.
  • Rối loạn di truyền: Các bệnh về đột biến gen – chẳng hạn như hội chứng DiGeorge là những hiện tượng rối loạn di truyền có thể gây hạ canxi máu.
  • Dùng thuốc: Các loại thuốc như thuốc trị loãng xương (bisphosphonates, denosumab), thuốc kháng viêm (corticosteroid), thuốc kháng khuẩn (rifampin), thuốc điều trị tuyến giáp (calcitonin), thuốc trị sốt rét (chloroquine), thuốc trị rối loạn chuyển hóa canxi (cinacalcet),…đều có thể gây hạ canxi máu.
Nguyên nhân hạ canxi máu, suy thận

Suy thận là một trong những nguyên nhân gây hạ canxi máu

Ai dễ bị hạ canxi?

Bất kỳ ai cũng có thể dễ bị hạ canxi nếu không được bổ sung đầy đủ canxi trong khẩu phần ăn hoặc có bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa và hấp thu canxi. Theo đó, căn bệnh hạ canxi huyết có thể xảy ra với mọi đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm:

  • Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, đặc biệt là những người có thói quen hút thuốc hoặc uống nhiều rượu.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng cần lượng canxi đủ để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và sữa mẹ.
  • Người lớn tuổi có thể hấp thu canxi kém hơn do quá trình lão hóa.
  • Những người không ăn đủ thực phẩm giàu canxi hoặc chế độ ăn không cân bằng, đặc biệt là những người ăn chay hoặc chế độ ăn kiêng khắt khe.
  • Những người có bệnh đường ruột hoặc dùng thuốc chống loãng xương có thể hấp thu canxi kém hơn.
  • Trẻ sơ sinh bị hạ canxi máu do rối loạn di truyền.

Triệu chứng hạ canxi

Những người bị thiếu canxi hoặc hạ canxi máu ở mức độ vừa và nhẹ thường không có triệu chứng hạ canxi cụ thể. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân thường nhận thấy:

  • Cơ bắp bị chuột rút, đặc biệt là ở lưng và chân.
  • Da bị khô và xuất hiện vảy.
  • Móng tay bị nứt nẻ, giòn và dễ gãy.
  • Tóc rụng thường xuyên và liên tục.

Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các triệu chứng thần kinh hoặc ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh như: lú lẫn, trầm cảm, ảo giác, ngứa ran ở môi / lưỡi / ngón tay / bàn chân, đau cơ, co thắt cơ trong cổ họng gây khó thở (co thắt thanh quản), cứng và co thắt cơ bắp – hay còn gọi là hội chứng Tetany, động kinh và nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim),…

Triệu chứng hạ canxi

Khi bị hạ canxi máu, móng tay sẽ trở nên giòn và dễ gãy hơn

Hạ canxi máu có nguy hiểm không?

Hạ canxi máu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe n nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong. Bên cạnh đó, tính trạng hạ canxi máu còn gây ra các triệu chứng thần kinh như lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình bị hạ canxi máu, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chẩn đoán hạ canxi máu

Để biết liệu cơ thể có đang bị hạ canxi huyết hay không, bạn có thể thực hiện các xét nghiệm nồng độ canxi trong máu. Từ đó, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây hạ canxi máu cũng như phương pháp chữa trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện các xét nghiệm sau đây để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng hạ canxi máu của mình mà không ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Chẳng hạn như:

  • Các xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm máu như xét nghiệm canxi toàn phần, xét nghiệm canxi ion hóa và các xét nghiệm khác để kiểm tra nồng độ magie, phốt pho, hormone tuyến cận giáp (PTH) và/hoặc vitamin D.
  • Xét nghiệm hình ảnh xương: Các xét nghiệm hình ảnh xương có thể được sử dụng để xem liệu cơ thể bạn có đang gặp các vấn đề về canxi trong xương hay không, chẳng hạn như bệnh nhuyễn xương hoặc bệnh còi xương.
  • Điện tâm đồ (điện tâm đồ): Thông thường, khi cơ thể bị hạ canxi máu, nhịp tim sẽ trở nên bất thường. Vì thế xét nghiệm này sẽ sử dụng các điện cực gắn vào ngực để đo nhịp tim, từ đó xác định cơ thể có bị hạ canxi máu hay không.
Chẩn đoán hạ canxi máu

Xét nghiệm canxi toàn phần giúp bác sĩ biết chính xác mức độ hạn canxi máu

Các bước sơ, cấp cứu hạ canxi máu khẩn cấp

Khi gặp người bị hạ canxi máu, những người xung quanh cần giữ bình tĩnh và đưa bệnh nhân đến nơi thoáng mát để nghỉ ngơi sau đó thực hiện các động tác sau:

  • Gọi cấp cứu: Dù người bệnh có bị ngất hay không thì hành động gọi xe cấp cứu là việc đầu tiên bạn cần làm để phòng tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy đến với người bệnh.
  • Giữ cho bệnh nhân tỉnh táo: Sau khi gọi cấp cứu, nếu bệnh nhân bất tỉnh, hãy vỗ nhẹ vào hai bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu bệnh nhân bị ngất lâu, hãy thử ấn vào huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng.
  • Bổ sung canxi cấp tốc: Bạn hãy kiểm tra túi đồ dùng cá nhân của người bệnh trong lúc chờ xe cấp cứu. Nếu tìm thấy viên canxi dạng sủi, hãy pha 1 viên vào 1 cốc nước 200ml, chờ thuốc tan hết rồi cho bệnh nhân uống. Nếu không, hãy nhanh chóng chạy đến hiệu thuốc gần nhất để tìm mua viên canxi sủi và bổ sung gấp cho bệnh nhân.

Lưu ý, nếu hai hàm răng của bệnh nhân cứng lại không mở được, bạn cần bắt buộc dùng thìa bón vào miệng bệnh nhân hoặc vỗ nhẹ hai bên má để bệnh nhân tỉnh lại và uống thuốc.

Cách điều trị hạ canxi máu như thế nào?

Việc điều trị hạ canxi máu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thông thường, đối với những trường hợp người bệnh bị hạ canxi máu ở mức độ nhẹ, bạn có thể bổ sung vitamin D để tăng cường khả năng hấp thu canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân phải áp dụng các phương pháp điều trị khác như:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi: Tăng cường tiêu thụ các loại sữa, phô mai, sữa chua, hải sản, rau xanh, các loại hạt và các loại đậu để bổ sung canxi kịp thời cho cơ thể;
  • Sử dụng thuốc canxi và vitamin D: Thuốc canxi và vitamin D thường được sử dụng để bổ sung giúp canxi cho cơ thể và điều trị tình trạng hạ canxi máu;
  • Điều trị dứt điểm bệnh lý nguồn: Nếu hạ canxi máu là do bệnh tật như suy giảm chức năng thận, tiểu đường hoặc viêm tuyến giáp thì các bác sĩ sẽ tập trung điều trị dứt điểm những căn bệnh này đế giúp tăng nồng độ canxi trong máu;

Trong mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe và lịch sử bệnh của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cách điều trị hạ canxi máu như thế nào?

Trong mọi tình huống, bác sĩ sẽ là người chỉ định phương pháp điều trị hạ canxi máu phù hợp với thể trạng bệnh nhân

Bị hạ canxi nên uống thuốc gì?

Khi bị hạ canxi máu, người bệnh có thể sử dụng các loại viên uống canxi sau đây để điều trị tình trạng bệnh.

  • Thuốc canxi: Các loại thuốc này thường chứa các hợp chất như canxi cacbonat, canxi gluconat, canxi citrate,…giúp bổ sung nhanh canxi cho cơ thể mà không cần phải ăn quá nhiều thực phẩm;
  • Bổ sung vitamin D: Những người bị hạ canxi máu mãn tính nên uống bổ sung vitamin D cùng với thuốc canxi để giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi đúng cách;
  • Thuốc tổng hợp hormon tuyến cận giáp: Nếu bạn bị suy tuyến cận giáp dẫn đến hạ canxi máu, hãy sử dụng thuốc tổng hợp hormon tuyến cận giáp để giúp cơ thể tăng cường sản xuất hormone PTH và khả năng hấp thụ canxi;
  • Canxi gluconate tiêm tĩnh mạch: Nếu tình trạng hạ canxi máu đặc biệt nghiêm trọng và bạn đang bị chuột rút hoặc co thắt cơ (tetany), thì bạn nên sử dụng phương pháp tiêm tĩnh mạch để truyền canxi gluconat vào trong cơ thể;
  • Các loại thuốc khác: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hạ canxi máu, mà bạn có thể sử dụng các loại thuốc phù hợp tương ứng để điều trị/hoặc kiểm soát nồng độ canxi có trong cơ thể.

Cách trị hạ canxi tại nhà

Khi gặp trường hợp người bị tụt canxi, đầu tiên bạn cần giữ bình tĩnh và đưa người bệnh vào nơi mát mẻ để nghỉ ngơi. Sau đó dùng tay vỗ nhẹ vào hai bên má để giữ cho người bệnh tỉnh táo. Nếu người bệnh bị ngất, bạn hãy dùng tay ấn mạnh huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng để người bệnh tỉnh lại.

Nếu người bệnh mang theo viên canxi dạng sủi, bạn hãy pha viên thuốc này với một cốc nước, đợi thuốc tan hết rồi đút cho người bệnh uống. Nếu hai hàm người bệnh bị cứng lại, hãy cố gắng đút bằng thìa hoặc đánh thức người bệnh dậy để giúp họ bổ sung canxi. Trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn, bạn nên đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị đúng cách và tránh những hậu quả không mong muốn.

Hạ canxi nên ăn gì, không nên ăn gì?

1. Hạ canxi nên ăn gì?

Người bị hạ canxi nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi, magie và vitamin D. Dưới đây là một số thực phẩm giàu canxi mà bạn có thể bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ điều trị chứng hạ canxi:

  • Sữa và chế phẩm từ sữa: Gồm sữa bò, phô mai, sữa chua, kem, sữa đậu nành,…
  • Các loại cá béo và hải sản: Cá hồi, cá mòi, cá chình, tôm, cua,…
  • Rau xanh: Gồm cải xoăn, cải bó xôi, bắp cải brussels (brussels sprouts), bông cải xanh (broccoli),…
  • Các loại hạt và đậu: Hạt hướng dương, hạt chia, hạt mè, hạt hạnh nhân, đậu phộng, đậu nành,…
  • Các nguồn khác: Đậu hũ, nước cam ép, bột mì được bổ sung canxi và một số loại nước khoáng có chứa canxi.
Hạ canxi nên ăn gì

Người hạ canxi máu nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh

Ngoài canxi, vitamin D và magie đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp và hấp thu canxi cho xương. Vì vậy, bạn cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và magie như sữa ít béo và không béo, cá mòi, cá hồi đóng hộp, đậu phụ, cải xoăn, bông cải xanh, ớt đỏ, dâu tây,…

2. Hạ canxi không nên ăn gì?

Ngược lại, người bị thiếu canxi không nên ăn các loại thực phẩm giàu phytate, oxalate, caffeine và muối cùng với thời điểm ăn các loại thực phẩm giàu canxi. Nguyên nhân là bởi cả 4 hợp chất trên hạn chế khả năng hấp thu hoặc tăng cường khả năng bài tiết canxi của cơ thể. Trong đó:

  • Oxalate: Có nhiều trong cải bó xôi, củ cải đường, đậu nành, cà phê, sô cô la, cà chua, cải xoăn, lạc, lúa mạch, dưa hấu,…
  • Phytate: Có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu như đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương, ngô,…Tuy nhiên, nếu bạn sơ chế đậu (hạt) kỹ, ngâm chúng lâu trong nước hoặc áp dụng các phương pháp lên men trong chế biến thì hàm lượng phytate có thể giảm đi đáng kể.
  • Caffeine: Caffeine có trong cà phê, trà, sô cô la và nước ngọt có ga.
  • Muối ăn: Việc tiêu thụ nhiều muối có thể tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Do đó, hạn chế lượng muối trong chế độ ăn giúp bạn giảm được nguy cơ bị hạ canxi máu.

Ngoài những thực phẩm này thì các thói quen xấu như hút thuốc và uống quá nhiều cà phê cũng ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi, bởi chúng có tác dụng như thuốc lợi tiểu nhẹ, đẩy canxi ra ngoài theo đường bài tiết trước khi nó có được cơ thể hấp thụ.

Mất bao lâu để khắc phục tình trạng hạ canxi?

Trung bình, bạn cần mất từ 8 – 12 tuần để khắc phục tình trạng hạ canxi. Tuy nhiên, thời gian để khắc phục tình trạng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạ canxi, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe tổng quát và liệu pháp chữa trị.

Trong trường hợp tình trạng hạ canxi của người bệnh không quá nghiêm trọng, người bệnh chỉ cần bổ sung thêm canxi từ các loại thực phẩm giàu canxi là được. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng hạ canxi nghiêm trọng, bạn thường được chỉ định để uống thuốc bổ sung canxi, vitamin D, magiê, hoocmon tăng trưởng,…để cải thiện tình trạng bệnh. Lúc này, việc khắc phục tình trạng hạ canxi cần phải được duy trì từ vài tháng đến vài năm để đạt được kết quả tốt nhất.

Mất bao lâu để khắc phục tình trạng hạ canxi?

Thời gian điều trị hạ canxi thường kéo dài trung bình từ 8 – 12 tuần

Phòng ngừa hạ calci máu

Một trong những phương pháp đơn giản nhất để phòng ngừa và điều trị tình trạng hạ calci máu đó là tăng cường uống sữa, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi hoặc/và kết hợp sử dụng các loại thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ. Thực phẩm giàu canxi như thịt, cá, trứng, sữa, phô mát,…thường có giá thành rẻ và an toàn hơn thuốc. Tuy nhiên, việc bổ sung canxi qua đường uống các loại thuốc lại giúp cơ thể hấp thụ canxi nhanh hơn, đồng thời giảm được rất nhiều gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày và ruột.

Do đó, tùy theo mức độ thiếu hụt canxi và tình hình sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với thể trạng. Ngoài ra, nếu nguyên nhân của tình trạng hạ canxi máu là do dùng các loại thuốc hóa học khác như thuốc điều trị sốt rét, thuốc điều trị loãng xương, thuốc kháng viêm,…thì người bệnh cũng thường được bác sĩ tư vấn thay đổi loại thuốc khác để phòng ngừa tình trạng hạ calci máu quay trở lại.

Hạ canxi máu: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nếu bạn phát hiện cơ thể xuất hiện các triệu chứng của hạ canxi máu sau đây:

  • Đau cơ và co giật;
  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Trầm cảm;
  • Buồn nôn;
  • Thường xuyên tiểu đêm;
  • Các vết xước hoặc vết thương chậm lành.

Ngoài ra nếu bạn đang mắc các bệnh lý như loãng xương, bệnh thận hoặc bệnh tuyến giáp, bạn cũng nên gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang để xác định mức độ hạ canxi máu và tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.

Tóm lại, hạ canxi máu là một căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vì thế, bạn nên cố gắng duy trì nồng độ canxi trong máu ở mức hợp lý bằng việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học với nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để phòng ngừa tình trạng hạ canxi nguy hiểm. Trong trường hợp bạn chưa biết cách phối hợp các thực phẩm giàu canxi vào thực đơn ăn uống sao cho hài hòa, hãy nhanh chóng liên hệ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn kịp thời.

5/5 - (2 bình chọn)
08:32 04/05/2023