Thiếu canxi: 13 dấu hiệu cảnh báo, nguyên nhân và chữa trị

12/04/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tình trạng thiếu canxi kéo dài có thể gây nên chứng co giật, hôn mê, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Vậy, triệu chứng thiếu canxi phổ biến nhất là gì? Đâu là dấu hiệu thiếu canxi nguy hiểm mà cơ thể đang âm thầm “cảnh báo” bạn? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Canxi là một khoáng chất cần thiết cho mọi sinh vật sống. Trong cơ thể con người, 99% khối lượng canxi nằm ở xương và răng, trong khi 1% còn lại nằm rải rác trong máu và tế bào (đặc biệt là các tế bào cơ). Vì thế, canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương, răng, cơ bắp, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh lý khác của cơ thể, bao gồm:

  • Hỗ trợ sự co bóp của cơ bắp và hoạt động của thần kinh;
  • Giúp huyết đồng tử giãn ra và co lại;
  • Tham gia vào quá trình đông máu;
  • Giúp điều hòa các tín hiệu trong cơ thể;
  • Hỗ trợ chức năng của nhiều enzyme trong cơ thể.

Một lượng canxi cần thiết trong chế độ ăn uống là rất quan trọng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt trong những năm gần đây chỉ cung cấp đủ 50% nhu cầu canxi cơ thể cần. Vì thế, tình trạng thiếu canxi hiện nay vẫn tiếp tục là một rối loạn dinh dưỡng hết sức phổ biến, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.

dấu hiệu thiếu canxi

Đâu là các dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng thiếu canxi trong cơ thể?

Thiếu canxi là gì?

Thiếu canxi là tình trạng bệnh lý xảy ra khi nồng độ khoáng chất canxi toàn phần trong máu bị hạ thấp xuống dưới mức 2.1 mmol/L hoặc 8.8 mg/dL. Trong khi đó, ở người khỏe mạnh, nồng độ canxi toàn phần trong máu luôn được duy trì ở mức từ 2.1 – 2.6 mmol/L (tương đương 8.8 – 10.7 mg/dL).

Nguyên nhân thiếu canxi

Nguyên nhân gây thiếu canxi phổ biến nhất thường là do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Theo Ths.Bs Nguyễn Anh Duy Tùng – Bác sĩ tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, những thói quen ăn uống dễ gây nên tình trạng thiếu canxi ở người trưởng thành khỏe mạnh là:

  • Ngại uống sữa: Người Việt Nam hiện chưa có thói quen uống sữa hay tiêu thụ các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, sốt mayonnaise,… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trong khi đó, sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tự nhiên dồi dào nhất cho cơ thể; từ đó, làm tăng nguy cơ bị thiếu canxi ở người Việt trưởng thành.
  • Ít ăn hải sản: Người Việt thường rất thích ăn thịt gia súc, gia cầm thay vì ăn các loại hải sản. Các loại thịt heo, bò, gà,… tuy giàu protein nhưng hàm lượng canxi lại rất ít – thường chỉ chiếm khoảng ¼ đến ⅕ hàm lượng canxi chứa trong hải sản như tôm, hàu, cua, ghẹ, cá,…
Nguyên nhân thiếu canxi

Bữa ăn trong gia đình Việt thường “vắng mặt” nhiều loại thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, các loại hạt và các loại đậu

Bên cạnh dinh dưỡng, 8 nguyên nhân phổ biến khác có thể gây nên tình trạng thiếu canxi ở cả trẻ em và người trưởng thành là:

  • Thiếu vitamin D: Vitamin D là một vitamin thiết yếu giúp cơ thể hấp thu và sử dụng canxi. Thiếu vitamin D khiến ruột không thể hấp thụ đủ canxi so với nhu cầu của cơ thể, gây nên tình trạng hạ canxi huyết.
  • Suy tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp sản xuất ra hormone parathyroid (PTH) – hay còn gọi là hóc môn tuyến cận giáp, giúp điều chỉnh hàm lượng canxi trong máu. Vì thế, nếu tuyến cận giáp bị suy giảm chức năng, nồng độ hóc môn PTH bị suy yếu sẽ khiến cho nồng độ canxi trong máu bị giảm theo.
  • Thiếu Magiê: Tuyến cận giáp của bạn cần khoáng chất Magiê để giải phóng hormone PTH. Vì thế, thiếu magiê cũng gây ra hiện tượng thiếu canxi tương tự như cơ chế của bệnh suy tuyến cận giáp.
  • Suy thận: Thận có vai trò quan trọng trong việc giữ lại canxi trong cơ thể bằng cách tiết ra hormone calcitriol. Nếu thận bị suy giảm chức năng, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ lại canxi của thận, gây nên bệnh thiếu canxi.
  • Suy tuyến yên: Tuyến yên sản xuất ra hormone calcitonin, giúp điều chỉnh mức độ canxi trong máu. Nếu tuyến yên không hoạt động đúng cách, có thể dẫn đến bệnh thiếu hụt canxi.
  • Thuốc: Một số loại thuốc đặc trị như thuốc điều trị loãng xương (bisphosphonates, denosumab), thuốc kháng viêm (corticosteroid), thuốc kháng sinh (rifamycin), thuốc hóc môn (calcitonin), thuốc điều trị nhiễm khuẩn (chloroquine), thuốc kháng virus herpes (foscarnet) và thuốc điều trị ung thư (plicamycin),…cũng có thể gây bệnh thiếu canxi.
  • Do rối loạn hấp thu: Một số người có thể không hấp thu canxi tốt từ thực phẩm, ví dụ như người bị bệnh không dung nạp gluten (celiac), đại tràng viêm loét hoặc đã phẫu thuật đại tràng.
  • Bệnh lý khác: Các bệnh lý như ung thư, bệnh thận, bệnh gan, viêm tuyến tiền liệt,…cũng có thể dẫn đến giảm mức độ canxi trong máu.

Khi không có đủ canxi, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương, gây ra sự suy giảm mật độ khoáng trong xương, khiến xương giòn, dễ gãy và gây ra chứng còi cọc ở trẻ em hoặc loãng xương ở người trưởng thành.

thiếu canxi gây loãng xương

Loãng xương gây đau nhức khớp và khiến việc đi lại trở nên khó khăn

Ai dễ bị thiếu canxi?

Mọi người đều có thể bị thiếu canxi nếu không được cung cấp đủ hàm lượng canxi theo đúng khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, 8 nhóm đối tượng có nguy cơ dễ bị thiếu canxi nhiều hơn so với người bình thường là:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Do tiến trình phát triển thể chất đang diễn ra mạnh mẽ – đặc biệt là về chiều cao – mà cơ thể của trẻ em và thanh thiếu niên cần “tiêu thụ” nhiều canxi hơn để phát triển xương; từ đó, làm gia tăng nguy cơ bị thiếu hụt canxi nếu trẻ không được ăn uống đủ chất.
  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu canxi do nhu cầu canxi của cơ thể tăng lên để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho xương và răng của thai nhi. Nếu phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ lượng canxi cho cơ thể, họ có thể gặp phải tình trạng thiếu canxi.
  • Người ăn chay: Người ăn chay thường bị thiếu canxi do không thể tiêu thụ được những thực phẩm giàu canxi có nguồn gốc từ động vật như sữa, phô mai, trứng, cá, thịt,…
  • Người có chế độ ăn uống không đủ canxi: Người bị dị ứng đường lactose trong sữa, dị ứng đạm sữa bò, người ăn không ăn đủ các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm sản phẩm từ sữa có nguy cao bị thiếu canxi hơn người bình thường.
  • Phụ nữ mãn kinh: Sự suy giảm nội tiết tố nữ (estrogen) ở phụ nữ mãn kinh gây ra hiện tượng xương bị mất dần mật độ khoáng chất, mất canxi từ xương và làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
  • Người già: Quá trình lão hóa làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể khiến người già dễ bị thiếu canxi, gây ra bệnh loãng xương.
  • Người bị rối loạn tiêu hóa: Tình trạng tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy mãn tính, có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi từ thực phẩm của hệ tiêu hóa.
  • Người mắc các bệnh lý khác: Người bị suy thận, suy tuyến giáp, suy tuyến yên hoặc người đang phải dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh để điều trị các bệnh viêm nhiễm, loãng xương, ung thư,…thường bị suy giảm khả năng hấp thụ canxi nên có nguy cơ cao bị thiếu canxi nhiều hơn người bình thường.
Ai dễ bị thiếu canxi?

Trẻ em và phụ nữ mang thai là hai đối tượng dễ bị thiếu canxi nhất

Dấu hiệu thiếu canxi nguy hiểm

Bệnh thiếu canxi ở mức độ vừa và nhẹ thường không khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng có thể bao gồm:

1. Người thiếu canxi thường gặp các vấn đề về cơ bắp

Các đầu dây thần kinh trong các tế bào cơ bắp của bạn giải phóng các ion canxi để báo hiệu cho cơ bắp của bạn co lại hoặc giãn ra khi thực hiện một chức năng vận động cụ thể. Vì thế, khi bị thiếu canxi, các vấn đề về cơ bắp mà bạn thường gặp là:

  • Chuột rút: Là triệu chứng phổ biến nhất khi bị thiếu canxi. Khi bị chuột rút, các bó sợi cơ liên tục bị co thắt (siết vào) một cách mất kiểm soát, khiến người bị chuột rút phải trải qua cảm giác đau buốt dữ dội. Nghiêm trọng hơn, người bị thiếu canxi có thể gặp các cơn co thắt cơ ở cổ họng, dẫn đến chứng khó thở có khả năng đe dọa đến tính mạng.
  • Rối loạn cử động: Thiếu canxi có thể làm giảm khả năng cử động của tay, chân, vai và gây ra các cơn đau ở tứ chi khi di chuyển; từ đó, làm tăng nguy cơ bị sẩy chân, té ngã. Mặt khác, thiếu canxi còn có thể gây nên chứng rối loạn nhịp tim và rối loạn huyết áp bởi cơ tim hoạt động kém ổn định khi nồng độ canxi trong máu bị hạ xuống mức quá thấp.
  • Co giật: Khi thiếu canxi ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị cứng cơ, co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ một cách không kiểm soát ở các bộ phận như cơ mặt, cơ cổ tay, cơ cẳng tay, cơ lưng, cơ chân, cơ miệng,….
  • Suy yếu sức mạnh: Thiếu canxi có thể làm suy giảm sức mạnh và khả năng hoạt động của các cơ bắp; từ đó, khiến bạn gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
triệu chứng thiếu canxi, chuột rút

Chuột rút là dấu hiệu nhận biết thiếu canxi phổ biến nhất

2. Triệu chứng thiếu canxi gây suy nhược, mệt mỏi và mất ngủ

Canxi có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone melatonin – một hormone giúp kiểm soát chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Khi thiếu canxi, cơ thể sẽ sản xuất ra ít loại hormone này, dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ và mất ngủ, gây suy nhược, mệt mỏi, sa sút trí lực và năng suất lao động.

3. Thiếu canxi ảnh hưởng đến da, tóc và móng tay

Thiếu canxi có thể gây nên các vấn đề về da, tóc và móng tay như:

  • Da khô và chảy xệ: Khi nồng độ canxi hạ thấp, da không thể tự duy trì độ ẩm và độ pH khỏe mạnh; từ đó, khiến da dễ bị khô và nứt nẻ. Mặt khác, canxi cũng tham gia vào quá trình sản sinh collagen và các sợi elastin đàn hồi của da. Thiếu canxi trong một thời gian dài có thể khiến da bị mất độ đàn hồi, chảy xệ và xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn.
  • Tóc mỏng và gãy rụng: Canxi rất quan trọng đối với việc duy trì một mái tóc chắc khỏe vì nó hỗ trợ quá trình tiết hormone androgen và enzyme biotin – 2 loại nội tiết tố có liên quan đến sự phát triển của nang tóc khỏe mạnh. Thiếu canxi có thể khiến cho nang tóc yếu hơn, làm tóc dễ gãy rụng hoặc khiến cho nang tóc nhỏ lại – làm tóc thưa (mỏng), mất đi sức sống.
  • Móng tay dễ gãy và chậm mọc: Thiếu canxi có thể làm cấu trúc móng tay mỏng hơn; từ đó khiến móng tay giòn và dễ gãy hơn.
biểu hiện thiếu canxi, da, tóc và móng tay khô xơ

Cấu trúc móng tay yếu, giòn, dễ gãy cũng là một triệu chứng thiếu canxi điển hình

4. Thiếu canxi gây thiếu xương và loãng xương

Khi bạn bị thiếu canxi, cơ thể sẽ từ từ “rút” ngược nguồn canxi từ xương ra để cân bằng lại nồng độ canxi trong máu, khiến xương bị suy giảm mật độ khoáng chất nghiêm trọng và hình thành nên bệnh loãng xương. Loãng xương là một căn bệnh khiến xương trở nên mỏng, giòn và dễ gãy. Các triệu chứng của loãng xương thường bao gồm các dấu hiệu gây đau nhức xương khớp, khó khăn trong việc di chuyển, chậm hoặc ngưng phát triển chiều cao, dễ gãy xương và gặp chấn thương khi va chạm nhẹ.

5. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt – hay còn gọi là hội chứng PMS (viết tắt của cụm từ Premenstrual Syndrome) – là một hội chứng khiến phụ nữ trải qua các cơn đau đầu, đầy bụng, chuột rút và thay đổi tâm trạng trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt.

Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng canxi và vitamin D bị hạ thấp trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân chính góp phần gây nên các triệu chứng của hội chứng PMS. Đồng thời, việc bổ sung một liều 500mg canxi mỗi ngày, trong liên tục 2 tháng cũng được chứng minh là đem lại hiệu quả cải thiện tâm trạng và các triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt.

6. Gặp các vấn đề về răng miệng

Canxi là một khoáng chất giúp duy trì sức khỏe răng miệng. Vì thế, tình trạng thiếu canxi có thể dẫn đến một số vấn đề về răng và nướu như:

  • Răng dễ bị sâu: Thiếu canxi làm cho men răng yếu đi, răng dễ bị vi khuẩn tấn công, gây sâu răng, ố vàng hoặc nứt mẻ.
  • Răng nhạy cảm: Thiếu canxi làm răng nhạy cảm với nhiệt độ nên bạn sẽ thường xuyên bị ê buốt răng khi ăn phải thực phẩm lạnh hoặc nóng.
  • Suy giảm chức năng nướu: Thiếu canxi thường khiến bạn dễ bị chảy máu nướu, viêm nướu hoặc tổn thương nướu khi bạn ăn đồ cay nóng.

Do đó, việc bổ sung canxi đủ lượng trong chế độ ăn uống là rất quan trọng để giữ cho răng miệng khỏe mạnh và tránh các vấn đề về sức khỏe răng miệng.

triệu chứng thiếu canxi, răng ê buốt

Răng nhạy cảm nên thường xuyên bị ê buốt khi ăn uống

7. Dị cảm

Khi gặp tình trạng thiếu canxi, nồng độ canxi trong máu thấp làm cho các tế bào thần kinh thụ cảm trên da hoạt động kém hiệu quả. Điều này có thể gây nên hiện tượng dị cảm, khiến người bị thiếu canxi thường xuyên có cảm giác tê bì chân tay, châm chích và ngứa ran ở vùng quanh miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân.

8. Người thiếu canxi thường xuyên ốm đau

Canxi đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Khi chúng ta bị sốt, sự gia tăng thân nhiệt kích thích cơ thể giải phóng canxi, làm cho khoáng chất này tràn đầy trong các môi trường nội bào và ngoại bào để giúp cơ thể tự bảo vệ mình trước vi khuẩn và vi rút.

Các tín hiệu từ các thụ thể canxi giúp hệ miễn dịch phân biệt được đâu là vi khuẩn, vi trùng từ bên ngoài cơ thể để tiêu diệt, đồng thời giúp ngăn ngừa hiện tượng tự miễn – một hiện tượng xảy ra khi tế bào miễn dịch “hiểu nhầm” các bộ phận của cơ thể là “kẻ ngoại lai”, tự tấn công chính mình và gây nên các bệnh tự miễn. Vì thế, thiếu canxi khiến bạn dễ bị mắc các bệnh như:

  • Bệnh viêm nhiễm: Gây nên do vi trùng, vi khuẩn gây nên như sốt siêu vi, cảm cúm, viêm mũi, viêm họng,…
  • Bệnh lý khác: Thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, chức năng thần kinh, sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ loãng xương và các bệnh tật khác liên quan đến xương.

9. Khó nuốt – Biểu hiện thiếu canxi phổ biến

Thiếu canxi có thể gây ra hiện tượng co thắt cơ và giảm sức mạnh cơ bắp, bao gồm cả cơ hoành và cơ thực quản trong hệ thống tiêu hóa. Điều này có thể làm cho việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn và gây nên hội chứng khó nuốt (dysphagia). Ngoài ra, thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như thực quản và dạ dày, dẫn đến nhiều vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Do đó, người bị thiếu canxi có thể có khó khăn trong việc tiêu thụ và hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe.

Khó nuốt - Biểu hiện thiếu canxi phổ biến

Chứng khó nuốt là một dấu hiệu thiếu canxi phổ biến ở người cao tuổi

10. Dậy thì muộn

Cùng với hormone tuyến giáp, nồng độ canxi trong máu cũng có ảnh hưởng đến việc điều hòa sản xuất hormone tăng trưởng GH (Growth Hormone) tại tuyến yên, giúp trẻ phát triển vượt trội trong giai đoạn dậy thì. Do đó, nếu trẻ bị thiếu canxi, sự bài tiết hormone GH cũng như sự phát triển của xương sẽ bị “trì hoãn” chậm lại, gây ra hiện tượng dậy thì muộn.

11. Cao huyết áp

Nghiên cứu cho thấy, hàm lượng canxi trong máu thấp có thể gây ra hiện tượng co rút lại của các tế bào cơ trơn thành mạch máu và khiến cho huyết áp tăng cao. Vì thế, việc bổ sung canxi đầy đủ thông qua chế độ ăn uống được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách kích thích sự giãn nở các mạch máu và giảm sự co bóp của chúng

Ngoài ra, thiếu canxi cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến thượng thận, khiến nồng độ hormone aldosterone tăng cao và góp phần gây tăng huyết áp. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng việc tăng huyết áp là một hiện tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Do đó, khi bạn bị cao huyết áp,đừng vội kết luận là do thiếu canxi. Tốt nhất, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hơn.

12. Các vấn đề về đại tràng

Canxi giúp điều tiết sự co bóp của cơ đại tràng. Khi thiếu canxi, các cơ bắp trong đại tràng có thể không co bóp ổn định, dẫn đến các triệu chứng như táo bón, đau bụng, khó tiêu hóa và khó hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra, thiếu canxi cũng có thể gây ra bệnh viêm đại tràng, khiến bạn thường xuyên bị tiêu chảy và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa.

Do đó, bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ dinh dưỡng là một việc làm cấp thiết, góp phần hỗ trợ điều hòa nhu động ruột, cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng và thậm chí, hỗ trợ ngăn ngừa chứng ung thư đại tràng hiệu quả. (1)

dấu hiệu thiếu canxi, mắc bệnh đại tràng

Thiếu canxi là nguyên nhân gây nên bệnh viêm đại tràng rất nguy hiểm

13. Vấn đề về thần kinh

Thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh bởi vì canxi là một trong những chất cần thiết để truyền tín hiệu thần kinh từ não đến cơ và các mô khác trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu canxi, tín hiệu thần kinh có thể không được truyền tải đúng cách, dẫn đến các hệ quả như:

  • Chậm hồi phục sau chấn thương: Khi cơ thể bị chấn thương gây tổn thương tế bào, hệ thống thần kinh trung ương sẽ gửi các tế bào canxi để bảo vệ chống lại các chấn thương tiếp theo. Vì thế, thiếu canxi thường khiến cơ thể mất nhiều thời gian để chữa lành vết thương, khiến bạn chậm hồi phục sau khi mắc bệnh.
  • Rối loạn thần kinh vận động: Thiếu canxi khiến hệ thần kinh vận động hoạt động kém hiệu quả, gây nên các triệu chứng rối loạn thần kinh vận động như run tay, run chân, khó điều khiển cơ bắp hoặc bị tê liệt tạm thời.
  • Chậm phát triển thần kinh thai nhi: Với mẹ bầu, tình trạng thiếu canxi có nguy cơ khiến con bị chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ hoặc đần độn.

Chẩn đoán thiếu canxi

Để biết mình có bị thiếu canxi hay không, bạn cần trực tiếp đến các cơ sở y tế uy tín, gặp các bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Thông thường, thủ tục chẩn đoán thiếu canxi sẽ bao gồm:

1. Xét nghiệm canxi toàn phần

Xét nghiệm canxi toàn phần được thực hiện bằng cách xét nghiệm máu. Thông qua kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ biết được nồng độ canxi toàn phần trong máu, bao gồm :

  • Canxi tự do: Là canxi tồn tại dưới dạng ion Ca2+ trong máu;
  • Canxi liên kết: Gồm 2 loại là canxi liên kết với protein huyết thanh (Albumin) và canxi liên kết với muối photphat hoặc citrate.

2. Xét nghiệm canxi ion hóa

Xét nghiệm canxi ion hóa chỉ đo lường nồng độ canxi tự do tồn tại dưới dạng ion Ca2+ trong máu. Xét nghiệm này khó thực hiện hơn xét nghiệm canxi toàn phần. Vì vậy, nó thường được chỉ định để xét nghiệm thêm nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có dấu hiệu của bệnh thận, bệnh tuyến cận giáp hoặc một số loại ung thư bất thường khác.

Canxi tự do và canxi liên kết – mỗi loại thường chiếm một nửa trong tổng lượng canxi huyết của bạn. Bất kỳ sự mất cân bằng nào xuất hiện có thể là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, xét nghiệm canxi ion hóa có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được các bệnh lý tiềm ẩn gây nên bệnh thiếu hụt canxi – điều mà xét nghiệm canxi toàn phần không thể phản ánh được.

3. Xét nghiệm khác

Trên hành trình chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chứng thiếu canxi của bạn, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm các thủ tục xét nghiệm khác như xét nghiệm định lượng vi chất magie / phốt pho / vitamin D, xét nghiệm đánh giá chức năng thận và xét nghiệm hóc môn tuyến cận giáp.

Chẩn đoán thiếu canxi, xét nghiệm

Xét nghiệm canxi toàn phần giúp bác sĩ biết được bạn có bị thiếu canxi hay không

Thiếu canxi gây bệnh gì?

Thiếu canxi gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng cho cơ thể. Nguy hiểm hơn, tình trạng thiếu canxi kéo dài còn có thể gây nên nhiều loại bệnh lý mãn tính không thể được điều trị dứt điểm. Cụ thể, thiếu canxi gây ra:

  • Bệnh về xương: Canxi là thành phần chính của xương, do đó, thiếu canxi có thể gây ra loãng xương, làm cho xương trở nên mỏng, giòn và dễ gãy hơn.
  • Bệnh răng miệng: Canxi cũng là thành phần chính của men răng. Thiếu canxi có thể gây ra các vấn đề về răng miệng, bao gồm sâu răng, răng nhạy cảm và viêm nướu.
  • Bệnh tim mạch: Thiếu canxi có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, bao gồm chứng tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim.
  • Co cứng cơ: Canxi là một khoáng chất chất cần thiết cho việc co bóp và nới lỏng cơ bắp. Thiếu canxi có thể gây ra các triệu chứng như co cứng cơ, chuột rút, co giật và khó thở.
  • Rối loạn thần kinh: Canxi là một chất cần thiết cho chức năng dẫn truyền thần kinh. Thiếu canxi có thể gây ra các hiện tượng dị cảm như tê bì chân tay, run chân tay, hoặc bị mất cảm giác tạm thời.
  • Rối loạn tiêu hóa: Thiếu canxi có thể gây ra một loạt các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm chứng viêm ruột tự miễn IBD (Inflammatory bowel disease), đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Mất ngủ: Thiếu canxi có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm việc khó ngủ và mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA).
  • Tình trạng miễn dịch kém: Thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Khi bị bệnh hoặc gặp chấn thương, cơ thể cũng lâu hồi phục hơn.
Thiếu canxi gây bệnh gì?

Người bị thiếu canxi thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm trùng

Phòng ngừa và điều trị thiếu canxi

Bệnh thiếu canxi rất dễ dàng để được phòng ngừa và điều trị. Nhìn chung, để phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu canxi, bạn cần:

  • Bổ sung canxi trong chế độ ăn uống: Ưu tiên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu canxi như sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành, phô mai hay các loại hạt.
  • Bổ sung vitamin D và magie: Vitamin D giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi ở ruột. Trong khi đó, magie hỗ trợ tiến trình sản xuất hóc môn tuyến cận giáp PTH, giúp điều hòa lượng canxi trong máu. Nhờ đó, bổ sung vitamin D và magie giúp bạn ngăn ngừa bệnh thiếu canxi từ sớm.
  • Bổ sung thuốc canxi: Dùng thêm các loại thuốc bổ sung canxi đường uống hoặc đường tiêm theo đúng chỉ định của bác sĩ như canxi lactate, canxi gluconate, canxi cacbonat,…để tăng cường nồng độ canxi trong máu.
  • Tránh lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc hóa học có thể làm giảm lượng canxi trong cơ thể, ví dụ thuốc điều trị loãng xương (bisphosphonates, denosumab), thuốc kháng viêm (corticosteroid), thuốc kháng sinh (rifamycin). Vì thế, bạn chỉ nên sử dụng các loại thuốc này theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Việc khám sức khỏe, thực hiện xét nghiệm máu và xét nghiệm đo lường hàm lượng canxi toàn phần có thể giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề thiếu hụt canxi để có biện pháp hành động kịp thời.

Thiếu canxi nên ăn gì, uống gì?

Nếu bị thiếu canxi, bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, magiê và cả vitamin D để có thể cải thiện được nồng độ canxi trong máu một cách nhanh chóng. Cụ thể, bạn nên bổ sung vào khẩu phần ăn:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Bao gồm sữa bò tươi, sữa công thức, sữa đạm whey protein, pho mát, sữa chua, kem tươi, bánh bông lan,…
  • Rau xanh: Bao gồm bông cải xanh, cải bó xôi, rau muống, cải cúc, cải xoăn, cải thìa, rau đay, rau ngót, cải thìa, cải rổ, cải lạc, rau dền
  • Hải sản: Bao gồm các loài cá biển như như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá trích,tôm, sò điệp, mực, ốc, hàu,…
  • Đậu và các sản phẩm từ đậu: Bao gồm đậu nành, đậu đen, đậu hũ, đậu xanh hoặc sữa đậu và các loại tương đậu tương ứng.
  • Các loại hạt: Bao gồm hạt hạnh nhân, hạt chia, hạt bí, hạt lanh, hạt điều, hạt óc chó, hạt sen,…
  • Các loại nấm: Bao gồm nấm mèo đen, nấm mèo trắng,
  • Các loại trái cây: Bao gồm cam, kiwi, chuối, dứa, đào, dừa, xoài,…
Thiếu canxi nên ăn gì, uống gì?

Canxi có nhiều trong sữa tươi, sữa chua, phô mát, rau xanh, cam, các loại hạt và các loại đậu

Ngoài thực phẩm, nếu bạn được bác sĩ yêu cầu bổ sung thêm canxi thông qua các loại thuốc, hãy ưu tiên tìm mua các loại thuốc canxi hữu cơ có chỉ số sinh khả dụng cao như như canxi lactate, canxi citrate và canxi gluconate thay vì các loại thuốc canxi vô cơ như canxi cacbonat. Đồng thời, đảm bảo bổ sung canxi đúng liều lượng theo đúng khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia như sau:

Tuổi Nhu cầu khuyến nghị canxi (mg / ngày)
Nam Nữ
10 – 19 1000 1000
20 – 49 800 800
50 – 69 800 900

Bảng nhu cầu khuyến nghị canxi từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Mất bao lâu để khắc phục tình trạng thiếu canxi?

Thời gian khắc phục tình trạng thiếu canxi sẽ phụ thuộc vào mức độ thiếu canxi của cơ thể cũng như cách điều trị:

  • Nếu thiếu canxi nhẹ: Bạn sẽ mất từ 1 – 3 tuần để thấy nồng độ canxi trong máu cân bằng trở lại sau khi áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp dùng thêm các loại thuốc bổ sung canxi.
  • Nếu thiếu canxi nặng hoặc do mắc bệnh lý: Bạn cần được điều trị liên tục từ 1 – 3 tháng dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ để có thể phục hồi cân bằng canxi trong cơ thể.

Thiếu canxi: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ đa khoa gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh thiếu canxi bất cứ khi nào bạn nhận thấy mình có một hoặc nhiều dấu hiệu thiếu canxi nguy hiểm sau:

  • Chuột rút, cứng cơ, đau nhói tứ chi khi chuyển động;
  • Hay run chân, run tay, co giật một cách mất kiểm soát bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể;
  • Suy nhược, mệt mỏi và mất ngủ;
  • Tóc dễ gãy, móng tay giòn, da khô và mất độ đàn hồi;
  • Còi cọc, xương giòn, dễ gãy hoặc bị mắc bệnh loãng xương;
  • Răng nhạy cảm, dễ bị sâu răng, chảy máu chân răng và viêm nướu;
  • Thường mệt mỏi, đau bụng, chuột rút từ 1 – 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt;
  • Hay bị tê bì chân tay, có cảm giác châm chích hoặc mất cảm giác tạm thời;
  • Nhịp tim rối loạn (quá nhanh hoặc quá chậm);
  • Xuất hiện các cơn tăng xông do chứng cao huyết áp;
  • Xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi;
  • Thường mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch suy yếu;
  • Chậm hồi phục sau bệnh tật và chấn thương.
khám bác sĩ khi có các dấu hiệu thiếu canxi

Hãy nhanh chóng đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán toàn diện

Trên đây là những thông tin quan trọng về 13 biểu hiện thiếu canxi nguy hiểm mà bạn có thể nhận biết sớm tại nhà. Trong mọi tình huống, bạn cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ lượng canxi mỗi ngày theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để ngăn ngừa tình trạng thiếu canxi từ sớm.

Nếu bạn đang băn khoăn không biết mình có đang bị thiếu canxi hay không, hãy nhanh tay gọi đến số hotline 1900 633 599 hoặc đến trực tiếp Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được xét nghiệm canxi toàn phần. Thông qua kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ thiết kế thực đơn dinh dưỡng toàn diện giúp bạn nhanh chóng khôi mục lại mức canxi khỏe mạnh cho cơ thể mà không cần phải uống quá nhiều thuốc. Hẹn gặp bạn tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cơ sở gần nhất!

5/5 - (1 bình chọn)
10:07 14/04/2023