Béo phì độ 1: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

08/03/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh béo phì có 3 cấp độ khác nhau. Trong đó, béo phì độ 1 luôn là cấp độ bệnh phổ biến nhất. Tuy đây chỉ là giai đoạn khởi phát của bệnh béo phì nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy, béo phì cấp độ 1 là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Từ năm 1975 đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì đã tăng gấp 5 lần (từ mức 4% lên 19%) trên toàn cầu. Tính riêng năm 2017, béo phì đã thực sự tiến triển thành một dịch bệnh khiến hơn 4 triệu người chết và kéo theo nhiều gánh nặng bệnh tật khác ở phạm vi toàn thế giới. Vậy, béo phì độ 1 là gì?

béo phì độ 1 là gì

Béo phì độ 1 là vấn nạn mất cân bằng dinh dưỡng phổ biến hiện nay

Béo phì độ 1 là gì?

Béo phì được định nghĩa là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Béo phì độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của béo phì. Một người trưởng thành được chẩn đoán là béo phì độ 1 khi chỉ số sinh khối (BMI) lớn hơn hoặc bằng 30.

Béo phì từng được coi là vấn đề chỉ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện nay béo phì đang gia tăng đáng kể ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ béo phì hiện tại ở người Việt trưởng thành là 15%. Trong đó, số lượng bệnh nhân béo phì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số ca béo phì trên toàn quốc.

Nguy hiểm hơn, bệnh béo phì là “cửa ngõ” dẫn đến nhiều bệnh tật nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí não của trẻ cũng như đe dọa đến sự phát triển kinh tế và sức mạnh của một quốc gia. Vì thế, nhận biết sớm được bệnh béo phì ở trẻ để kịp thời ngăn chặn là điều vô cùng cấp thiết.

béo phì cấp độ 1 là gì

Nhận biết sớm được bệnh béo phì giúp bạn kịp thời ngăn chặn những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh

Dấu hiệu nhận biết béo phì độ 1

Bệnh béo phì độ 1 rất khó nhận biết được bằng mắt thường bởi người béo phì độ 1 trông chỉ mũm mĩm, phốp pháp hơn người bình thường một chút. Hơn nữa, tỉ lệ và vị trí phân bố lượng mỡ thừa trên cơ thể theo giới tính là khác nhau. Vì thế:

  • Có người tuy gương mặt, bắp tay, bắp chân trông tròn trịa nhưng lại KHÔNG phải người béo phì độ 1.
  • Ngược lại, có người tuy gương mặt góc cạnh, tay chân thon gọn nhưng CÓ THỂ là người béo phì cấp độ 1.

Do đó, Bộ Y tế đã đưa ra 3 cách nhận biết bệnh béo phì độ 1 chính xác nhất, đó là:

STT Cách nhận biết béo phì độ 1 Điều kiện thỏa mãn béo phì độ 1
1 Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) 25 =< BMI < 30
2 Đo chu vi vòng bụng >= 90 cm (với nam) và >=80 cm (với nữ)
3 Công nghệ tia bức xạ DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) đo tỉ lệ mỡ và thành phần cơ thể 25 =< BMI <30

1. Hướng dẫn nhận biết béo phì độ 1 bằng chỉ số BMI

Với cách này, bạn cần lấy trọng lượng của mình (theo đơn vị kilogram) chia cho bình phương của chiều cao (theo đơn vị mét). Ví dụ, 1 người cao 165cm, nặng 80kg sẽ có chỉ số BMI = 80 / 1.652 = 29.38. Vì giá trị BMI là 29.38 – nằm trong khoảng từ 25 đến 29.99 nên người này được chẩn đoán là béo phì độ 1.

2. Hướng dẫn nhận biết béo phì độ 1 bằng chu vi vòng bụng

Bạn đứng thẳng lưng trong tư thế tự nhiên, hai chân cách nhau 10cm. Choàng thước dây qua vùng bụng, ngay tại vị trí đường giữa xương sườn thấp nhất với bờ trên xương chậu. Nếu chu vi vòng bụng >=80 cm (đối với nữ) và >=90 cm (đối với nam), nghĩa là bạn đã mắc chứng béo phì độ 1

3. Hướng dẫn nhận biết béo phì độ 1 bằng Công nghệ DXA

DXA sử dụng tia X ở hai mức năng lượng khác nhau để xác định tỉ lệ mỡ, đo thành phần cơ thể và mật độ xương. Hiện công nghệ này đang có mặt tại Bệnh viện Quân Y 108. Bạn có thể trực tiếp đến bệnh viện để được tư vấn chi tiết hơn.

Dấu hiệu nhận biết béo phì độ 1

Kết quả chụp từ máy DXA cho bạn biết tỉ lệ và sự phân phối mỡ, cơ bắp ở từng bộ phận khác nhau trên cơ thể

Nguyên nhân dẫn đến béo phì cấp độ 1

Nguyên nhân cơ bản nhất gây nên béo phì độ 1 là do mức năng lượng bạn ăn vào mỗi ngày LỚN HƠN lượng calo mà cơ thể bạn tiêu hao. Tình trạng mất cân bằng năng lượng này kéo dài liên tục trong suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng béo phì độ 1.

Nhìn rộng hơn, có nhiều nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng quá mức này, trong đó bao gồm:

  • Gen di truyền: Một số người có mã gen MC4R (mã hóa thụ thể melanocortin 4) khiến họ liên tục cảm thấy đói, phải ăn ngấu nghiến thường xuyên để vơi đi cơn đói và dễ trở nên béo phì.
  • Lười vận động: Cuộc sống bận rộn, ít tập thể dục thể thao mà ngồi hàng giờ trên máy tính khiến bạn dễ dư thừa năng lượng, tích mỡ bụng, gây béo phì độ 1.
  • Ngủ không đủ giấc: Thiếu ngủ, mất ngủ gây rối loạn nội tiết tố và nhịp sinh học của cơ thể, khiến bạn nhanh đói hơn bình thường và có xu hướng thèm các loại thực phẩm giàu calo như gà rán, khoai tây chiên,..để lấp đầy cơn đói, gây béo phì độ 1.
  • Không kiểm soát khẩu phần ăn: Nhiều bạn trẻ có thói quen thường xuyên uống trà sữa, nước giải khát có đường, ăn đồ nướng, chiên ngập dầu,…chứa quá nhiều calo, dẫn đến tình trạng béo phì độ 1.
  • Môi trường sống: Vì chia sẻ chung một thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng mà người thân của các bệnh nhân béo phì thường có nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn người khác.
  • Trong & sau thai kỳ: Phụ nữ khi mang thai thường được khuyến cáo tăng từ 10 đến 12kg để con phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau khi sinh con, mẹ rất khó giảm cân vì có xu hướng ăn theo “lề quen thói cũ” lúc chưa sinh, dẫn đến nguy cơ béo phì độ 1 cao hơn người bình thường.
  • Do lão hóa: Càng lớn tuổi, khối lượng cơ bắp của bạn càng giảm khiến cho tỉ lệ trao đổi chất của cơ thể kém đi, dễ gây nên sự tích tụ mỡ thừa.
  • Mắc bệnh lý: Một số bệnh lý như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng Prader-Willi, hội chứng Cushing,..khiến bệnh nhân bị rối loạn nội tiết tố, thường xuyên thấy đói hoặc căng thẳng quá mức, cần tìm thực phẩm để “giải” stress, thỏa mãn cơn đói nên bị béo phì độ 1.
Nguyên nhân dẫn đến béo phì cấp độ 1

Thường xuyên ăn uống thiếu kiểm soát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh béo phì độ 1

Những tác hại của béo phì độ 1 đối với sức khỏe

Theo Tạp chí Sức khỏe & Đời sống – cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ Y tế Việt Nam, béo phì độ 1 chính là “sát thủ” tiềm ẩn gây nên hơn 200 bệnh lý nghiêm trọng khác nhau, bao gồm bệnh mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, viêm khớp, thấp khớp, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ.

Không những thế, béo phì độ 1 còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng nguy hiểm liên quan như mù lòa, thoái hóa khớp phải cắt cụt chi. Nghiêm trọng hơn, béo phì độ 1 là tác nhân dẫn đến nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và ruột kết.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu không có sự can thiệp, trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì vào thời thơ ấu sẽ có xác suất cao tiếp tục bị béo phì lúc trưởng thành, làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong khi vấn nạn suy dinh dưỡng có dấu hiệu suy giảm rất chậm thì số ca béo phì tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, khiến nước ta đang phải đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng kép, làm suy yếu nguồn lực lao động hiện tại và tương lai cho cả quốc gia.

Phương pháp điều trị béo phì cấp độ 1

Quy trình điều trị béo phì cấp độ 1 đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022. Theo đó, bạn cần:

1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học

Để xây dựng được một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, bệnh nhân béo phì độ 1 cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thiết lập mục tiêu & tốc độ giảm cân

Ở người trưởng thành, điều trị béo phì độ 1 được xem là thành công khi bạn giảm cân về mức cân nặng lý tưởng (CNLT). Theo đó, cân nặng lý tưởng của bệnh nhân béo phì độ 1 được tính theo công thức:

CNLT (đơn vị kg) = (chiều cao tính theo mét)2 × 22

Với người béo phì độ 1, tốc độ giảm cân an toàn là chỉ cần giảm từ 5-15% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng (trung bình giảm từ 2 – 3kg / tháng).

Bước 2: Tính toán năng lượng & phân phối dinh dưỡng hợp lý

Lượng calo mà bệnh nhân béo phì cần ăn một ngày được tính như sau:

  • Với người lao động nhẹ (nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, bán hàng, người thất nghiệp):
Tổng lượng calo ăn 1 ngày = CNLT x (20 đến 25)
  • Với người lao động vừa (công nhân, nông dân, ngư dân, quân đội):
Tổng lượng calo ăn 1 ngày = CNLT x (25 đến 30)
  • Với người lao động nặng (công nhân hầm mỏ, nông dân đang thu hoạch vụ mùa, vũ công, vận động viên thi đấu thể thao):
Tổng lượng calo ăn 1 ngày = CNLT x (30 đến 35)

Trong đó, nhóm các chất dinh dưỡng cần được phân bố theo mức năng lượng như sau:

Chất dinh dưỡng Tỷ lệ phân bố
Chất béo < 30% tổng lượng calo ăn mỗi ngày
Chất đạm <20% tổng lượng calo ăn mỗi ngày
Chất bột đường 50 – 55% ổng lượng calo ăn mỗi ngày
Muối <5g
Canxi Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
Chất xơ 20-30g

2. Từ bỏ rượu

Khi điều trị bệnh béo phì, bệnh nhân tuyệt đối phải từ bỏ rượu bởi:

  • 1 gam rượu cung cấp tới 7 calo, tức cao gần gấp đôi mức năng lượng của 1 gam tinh bột hay 1 gam chất đạm.
  • Rượu khi vào cơ thể được chuyển hóa thành hợp chất acetate, góp phần ngăn chặn sự phân hủy mỡ trong cơ thể;
  • Rượu làm tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

3. Tăng cường tập luyện, vận động thường xuyên

Để điều trị chứng béo phì độ 1, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ em cần vận động tối thiểu 60 phút mỗi ngày và người lớn cần tối thiểu 150 phút vận động mỗi tuần (chia thành 3 đến 5 ngày tập). Trong đó, mỗi buổi tập nên được chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khởi động, giãn cơ, giãn khớp từ trên xuống dưới trong 5 – 10 phút
  • Giai đoạn 2: Tập bài thể dục chính thức từ 20 – 30 phút.
  • Giai đoạn 3: Thư giãn, làm nguội cơ thể trong 5 – 10 phút để kết thúc buổi tập.

Lưu ý:

  • Nếu không có điều kiện tập hơn 40 phút liên tục mỗi ngày, hãy chia ra tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút và lặp lại ít nhất 5 ngày trong tuần.
  • Bệnh nhân béo phì độ 1 nên ưu tiên lựa chọn các bài tập có tính nhịp nhàng như tập aerobic, đạp xe, đi bộ, bơi lội, dưỡng sinh,…
  • Nếu bệnh nhân béo phì là người cao tuổi, có tiền sử cao huyết áp và tim mạch thì có thể không cần tập luyện, vận động.
Phương pháp điều trị béo phì cấp độ 1

Tích cực tập thể dục giúp bệnh nhân béo phì độ 1 nhanh chóng lấy lại được vóc dáng và cân nặng như ý

4. Ngủ đủ giấc và uống đủ nước

Leptin và ghrelin là những hormone điều chỉnh cảm giác thèm ăn của cơ thể. Khi bạn ngủ không ngủ đủ giấc, việc sản xuất những hormone này bị “xáo trộn” khiến bạn đói thường xuyên hơn. Trong khi đó, nước có vai trò ngăn chặn sự thèm ăn, tăng cường quá trình trao đổi chất và khiến cho việc tập thể dục hiệu quả hơn.

5. Sử dụng thuốc

Khi đã áp dụng các biện pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng và tăng cường tập luyện thể thao trong vòng 3 tháng mà bệnh nhân béo phì độ 1 vẫn chưa giảm được 5% cân nặng hoặc BMI vẫn còn >=25, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn dùng thuốc Orlistat (thuốc ức chế việc hấp thu chất béo) và thuốc Liraglutide 3.0 mg (hỗ trợ cân bằng đường huyết và giảm cảm giác đói sau khi ăn). Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

6. Chỉ định phẫu thuật cho béo phì độ 1

Trường hợp bệnh nhân béo phì độ 1 đã thất bại với cả 5 phương pháp điều trị bên trên kèm theo nhiều bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến chứng béo phì, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một trong số các loại phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày: Đây là loại phẫu thuật điều trị béo phì phổ biến nhất, giúp giới hạn lượng thức ăn vào dạ dày đồng thời tạo cảm giác no lâu.
  • Phẫu thuật tạo hình ống đứng cho dạ dày: Phương pháp này làm giảm thể tích của dạ dày, khiến bạn ăn ít lại.
  • Phẫu thuật nối tắt: Phương pháp này nối thẳng ruột non vào phần ⅓ phía trên của dạ dày, giúp thu nhỏ thể tích bao tử, giúp bệnh nhân ăn ít hơn.
  • Phẫu thuật phân lưu mật tụy: Hỗ trợ làm giảm hấp thu dinh dưỡng ở ruột mà không cần cắt bỏ dạ dày, giúp bệnh nhân béo phì độ 1 giảm cân nhanh hơn.
  • Các phương pháp phẫu thuật khác: Gồm phẫu thuật đảo dòng tá tràng, nối tắt dạ dày với miếng nối, phẫu thuật khâu nếp dạ dày, tạo hình dạ dày, đặt bóng dạ dày,…

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về bệnh béo phì độ 1 mà bạn cần biết. Trong việc điều trị béo phì, điều quan trọng nhất là bạn cần một sức mạnh tâm lý đủ tốt để kiên trì tuân thủ theo kế hoạch và mục tiêu giảm cân đã đề ra.

Ngoài việc gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, tình trạng béo phì độ 1 còn làm suy yếu lòng tự trọng của mỗi cá nhân, khiến bệnh nhân tự ti hơn về ngoại hình và dễ mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Do đó, nếu bạn không may đang mắc chứng béo phì độ 1 và cần một “cứu cánh” đáng tin cậy, hãy nhanh chóng đến ngay Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc bạn nhanh chóng có được một thân hình như ý, khỏe đẹp toàn diện.

5/5 - (1 bình chọn)
11:09 10/05/2023