Áp xe vú sau sinh: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

11/11/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Áp xe tuyến vú là hậu quả của việc viêm tuyến vú không được điều trị kịp thời, thường gặp ở phụ nữ sau sinh đang cho con bú. Áp xe vú sau sinh được xem là một loại nhiễm trùng nguy hiểm khi bầu vú tích tụ mủ gây ra tình trạng sưng viêm, tấy đỏ, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng sữa cho con bú, thậm chí có thể tiến triển ung thư vú.

Áp xe vú sau sinh là gì?

Áp xe vú sau sinh là tình trạng bầu vú viêm sưng, nóng, đỏ và đau do tình trạng tích tụ mủ trong vú gây ra bởi vi khuẩn. Thường gặp nhất là dạng tụ cầu, liên cầu và một số vi khuẩn khác như: phế cầu, trực khuẩn, vi khuẩn kị khí. Bị áp xe khi cho con bú là tình trạng thường gặp xảy ra trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

áp xe vú sau sinh có thể được hình thành ở trước tuyến vú, trong tuyến vú hoặc sau tuyến vú. Quá trình tiến triển của một ổ áp xe thường trải qua ba giai đoạn gồm giai đoạn viêm, giai đoạn tạo thành áp xe và cuối cùng là giai đoạn hoại tử.

Vì thế, nếu thấy các dấu hiệu viêm, nhiễm, sưng, đau hay bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của bệnh của áp xe ngực sau sinh, bạn cần phải đi khám ngay để tránh biến chứng nặng nề.

Áp xe vú sau sinh là gì?

Áp xe vú sau sinh là tình trạng dễ gặp ở những phụ nữ đang cho con bú

Tại sao sau sinh dễ bị áp xe vú?

Nguyên nhân hay gặp nhất của chứng áp xe vú sau sinh chính là viêm vú kéo dài (1). Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến các mẹ bị áp xe ngực khi cho con bú như do suy giảm hệ miễn dịch, nứt núm vú hay trầy xước vú. Khi đó, các vi khuẩn sẽ xâm nhập trực tiếp từ da vào tuyến vú, chạy qua các ống dẫn sữa… gây ra tình trạng viêm và hình thành nên ổ áp xe.

Tắc tia sữa sẽ dẫn đến áp xe ngực sau sinh vì sữa được tạo ra ở vùng nang sữa, sau đó sẽ theo các ống dẫn sữa đổ về khoang chứa sữa, dưới tác dụng kích thích từ động tác bú mút của bé, sữa sẽ chảy ra bên ngoài. Trên dòng chảy này, vì một lý do nào đó mà lòng ống dẫn sữa bị hẹp lại do chèn ép từ ngoài vào hay sự bít tắc trong lòng ống, sữa sẽ không thể thoát ra ngoài, lâu dần sẽ tạo thành hòn cục.

Trong khi đó, tuyến sữa vẫn tiếp tục hoạt động và sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, khiến chỗ tắc sữa ngày càng bị ứ đọng, căng cứng lên. Hiện tượng này dẫn đến chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lý, làm tình trạng tắc tia sữa ngày càng nặng thêm và dẫn đến viêm tuyến vú. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng áp xe vú sau sinh.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác gây ra áp xe vú sau sinh ở nhiều bà mẹ như:

  • Không biết day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh nở.
  • Không vắt bỏ sạch lượng sữa dư thừa khi bé bú không hết, gây ứ đọng sữa.
  • Không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch trước và sau khi cho con bú. (2)
Tại sao sau sinh dễ bị áp xe vú?

Tình trạng tắc sữa kéo dài hoặc thiếu vệ sinh đầu vú khi cho con bú khiến mẹ tăng nguy cơ bị áp xe vú

Những trường hợp có nguy cơ mắc áp xe vú sau sinh cao

Áp xe vú sau sinh là biến chứng thường gặp, tuy nhiên không phải bất cứ phụ nữ nào sau khi sinh đẻ cũng gặp phải. Dưới đây là những trường hợp được đánh giá có nguy cơ cao:

  • Tắc tia sữa: Phụ nữ đang cho con bú không biết cách thực hiện thông tia sữa sau sinh, không chú ý vắt bỏ sữa thừa khi con bú khiến sữa bị tắc lại, chèn ép các ống dẫn sữa khác và hình thành nên các ổ áp xe ngực khi cho con bú.
  • Áp lực trong và ngoài: Phụ nữ cho con bú mà sữa mẹ quá căng hoặc do răng của bé cắn vào núm vú đều có thể gây nứt núm vú … tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đầu nhũ hoa của người mẹ, khiến các mẹ bị áp xe ngực khi cho con bú. (3)
  • Rối loạn tâm sinh lý: Phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ nuôi con mà hay bị ốm đau, căng thẳng liên tục, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, phải thức đêm nhiều, lao động vất vả mà ít khi được nghỉ ngơi… đều khiến sữa bị ứ đọng trong tuyến vú và dễ gây áp xe vú sau sinh.
nguy cơ bị áp xe khi cho con bú

Tình trạng căng thẳng, trầm cảm sau sinh khiến nội tiết tố và tuyến sữa rối loạn cũng làm tăng nguy cơ bị áp xe vú

Dấu hiệu áp xe vú sau sinh

Nếu mẹ sau sinh có những dấu hiệu dưới đây, sẽ được chẩn đoán bị áp xe vú sau sinh:

  • Có cảm giác đau nhức sâu bên trong vú: Áp xe vú sau sinh là tình trạng trong vú có nang chứa dịch mủ và các lớp mô bị viêm. Do vậy, khi bị áp xe vú, mẹ sẽ không thể tránh khỏi cảm giác đau nhức sâu ở bên trong tuyến vú. Cảm giác đau sẽ tăng dần lên khi dùng tay ấn vào những vùng áp xe, cử động vai hay cánh tay.
  • Nhìn thấy vú bị sưng và căng to: Mẹ sau sinh có hiện tượng vú sưng và căng cứng hơn bình thường. Tình trạng sưng và căng ngực này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sờ thấy được các khối u bên trong vú: Triệu chứng phổ biến của tình trạng bị áp xe khi cho con bú đó là khi dùng tay sờ nắn ngực, mẹ đều có thể cảm nhận được một hoặc nhiều cục cứng bên trong vú. Tại vị trí những cục cứng này mẹ sẽ cảm thấy đau nhức và sưng đỏ.
  • Cảm giác buốt và nhói mỗi khi cho con bú: Nếu phụ nữ đang cho con bú hay gặp phải tình trạng viêm tuyến vú, tắc tia sữa hay áp xe tuyến vú, đều sẽ cảm thấy đau buốt mỗi khi cho con bú.
  • Da ngực nóng hơn và ửng đỏ: Nếu khối áp xe vú này không nằm ở sâu bên trong vú, mẹ sẽ cảm thấy vùng da ngực ở phần bị áp xe trở nên sưng tấy, có màu đỏ hơn hoặc màu vàng nhạt, thậm chí là hoại tử, mỗi khi dùng tay sờ sẽ cảm thấy nóng.
  • Mẹ bị sốt, có cảm giác ớn lạnh: Cơ thể mẹ có thể bị sốt từ 38 đến 40 độ, tùy từng tình trạng viêm nhiễm ở vú. Khi bị sốt, mẹ sẽ cảm thấy ớn lạnh và rùng mình.
  • Biến chứng hoại tử: Biến chứng nặng nề nhất của chứng áp xe vú sau sinh là hoại tử vú với các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng nề như: cơ thể mệt mỏi, vú căng to, sưng phù, da trên ổ áp xe vàng nhạt, tụt huyết áp, hạch bạch huyết sưng, có thể vỡ ổ áp xe chảy mủ hôi.
áp xe ngực sau sinh

Áp xe vú sau sinh gây viêm, đau, sưng, nhức và khiến đầu vú có mùi lạ

Bị áp xe vú sau sinh có nên cho con bú?

Bị áp xe có nên cho con bú không? Các mẹ KHÔNG NÊN cho con bú ở phần vú bị áp xe. Nếu tiếp tục cho con bú ở phần ngực bị áp xe, việc này sẽ:

  • Làm đầu vú mẹ bị tổn thương, khiến bệnh áp xe vú sau sinh trở nên trầm trọng hơn.
  • Làm con nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn từ ổ viêm (ổ áp xe) của mẹ.

Mẹ có thể cho con bú ở phần ngực KHÔNG bị áp xe (phần ngực lành lặn) để cung cấp nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ và tăng cường kết nối tình cảm giữa mẹ và con.

Đặc biệt lưu ý, trường hợp mẹ đang dùng thuốc điều trị áp xe vú thì HẠN CHẾ cho con bú cả 2 bên ngực.

Tóm lại, trong thời gian bị áp xe, các mẹ nên HẠN CHẾ việc cho con bú và chỉ được cho con bú khi:

  • Phần ngực cho con bú lành lặn, KHÔNG bị áp xe.
  • Mẹ KHÔNG dùng bất kỳ loại thuốc điều trị, kháng sinh nào khác.
áp xe ngực khi cho con bú

Khi bị áp xe, mẹ nên vắt sữa ra bình và hạn chế cho bé tiếp xúc phần vú đang bị bệnh

Cách chữa áp xe vú sau sinh phụ nữ cần biết

Áp xe vú sau sinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên hội chứng bội nhiễm nặng, có thể dẫn đến hoại tử và là một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư vú.

Khi bị áp xe vú sau sinh, bạn cần phải làm những việc sau đây:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, không cho bé bú bên vú bị áp xe.
  • Chỉ cho bé bú bên không bị áp xe hoặc vắt sữa ra bình cho bé bú ngoài để tránh tình trạng nhiễm khuẩn cho cả mẹ và bé.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng, chườm nóng và tiến hành vắt bỏ sữa để hỗ trợ thông tuyến sữa.

Đến ngay cơ sở y tế hoặc các bệnh viện thăm khám để được bác sĩ điều trị kịp thời bằng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau cũng như hạ sốt. Sau đó, bên vú bị áp xe sẽ được trích xuất và dẫn lưu, từ đó phá vỡ các ổ mủ theo 2 cách: (4)

  • Đối với trường hợp áp xe ngực sau sinh xảy ra ở vùng da nông (gần bề mặt ngoài của da), bác sĩ chỉ cần tiến hành thủ tục chích nặn mủ.
  • Đối với các ổ áp xe nằm sâu bên trong mô mỡ ngực, các mẹ sẽ được gây mê tại chỗ, sau đó tiến hành chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ nông nhất nhưng phải cách núm vú từ 2 đến 3cm.

Cuối cùng, sau khi tháo mủ, các bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu. Mỗi ngày, vú áp xe sẽ được bơm rửa các ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với việc dùng thuốc kháng sinh toàn thân.

Cách phòng tránh áp xe vú sau sinh

Để phòng ngừa bệnh áp xe vú sau sinh, các mẹ bầu cần phải chú ý đến những vấn đề sau đây:

  • Vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh phần bầu ngực sạch sẽ cả trước và sau khi cho con bú, đặc biệt chú ý đến phần núm vú. Dùng khăn sạch thấm nước ấm để lau đầu nhũ hoa. Thường xuyên vệ sinh tay, tắm giặt sạch sẽ bằng xà phòng để tiệt trùng.
  • Không để cho bầu ngực căng tức: Các mẹ cần tránh gây rạn nứt phần đầu núm vú. Phải hút sữa ra khi bé bú không hết. Ngay lúc phần sữa bé không bú hết khiến phần vú của các mẹ cương đau, hãy hút ra ngay cho rỗng tia sữa và làm giảm sức căng ở bầu ngực.
  • Đảm bảo dinh dưỡng: Bổ sung các loại dinh dưỡng cần thiết để sữa được thơm ngon hơn, kích thích tiết sữa và tránh tình trạng tắc tia sữa.
  • Hiểu đặc điểm của trẻ: Đối với những trẻ có sở thích vừa cắn vừa day đầu vú mẹ khi bú sữa, hay trẻ đang tuổi mọc răng (trẻ từ 7-8 tháng), thì tốt nhất mẹ nên vắt sữa ra riêng và trữ vào bình cho bé bú bình, như vậy sẽ đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Trên đây là dấu hiệu, cách điều trị cũng như các kiến thức cần thiết về bệnh áp xe vú sau sinh mà mẹ cho con bú cần lưu ý. Hy vọng qua bài viết này, các mẹ đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “bị áp xe có nên cho con bú không?” cũng như cách điều trị khi bị áp xe ngực sau sinh phù hợp. Nếu vẫn còn những thắc mắc cần giải đáp về chứng áp xe vú sau sinh, hãy liên hệ trực tiếp với Nutrihome để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)
10:28 06/01/2023