Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu kèm hướng dẫn chi tiết

10/11/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Việc bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu đóng vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển của trẻ sau này. WHO ước tính rằng 42% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới bị thiếu máu. Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020, gần 20% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ phổ biến nhất hiện nay, chiếm khoảng 50% các trường hợp. Trẻ bị thiếu máu xanh xao, tăng cân kém và thường xuyên bị bệnh. Vậy, bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu như thế nào cho đúng? Cách tiến hành ra sao? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau đây.

Thiếu sắt: Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ thiếu máu

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em. Song, một trong những nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất là do chế độ ăn thiếu chất sắt, chẳng hạn như:

  • Chỉ cho bé uống sữa (sữa mẹ và sữa công thức có hàm lượng sắt rất thấp) hoặc chỉ cho bé ăn tự do mà không chú trọng cho ăn các thực phẩm giàu chất sắt. Ví dụ chỉ cho bé ăn bột ăn liền, cháo dinh dưỡng thiếu các loại thức ăn nguồn gốc động vật.
  • Ở trẻ sinh non, thiếu cân lúc sinh và các trẻ sinh đôi thì hàm lượng sắt dự trữ được trong thai kỳ là khá ít nên cũng dễ bị thiếu sắt.
  • Trẻ hấp thu sắt kém do bị tiêu chảy kéo dài, loét dạ dày hay bị rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày và ruột.
  • Trẻ mắc các tình trạng mất sắt mạn tính, thường gặp trong bệnh nhiễm giun móc, loét tá tràng, polyp ruột, hành kinh (trẻ gái dậy thì), chảy máu cam,…
  • Trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt thường cao hơn trong khi lượng sắt cung cấp không đủ cũng có thể dẫn đến tình trạng do thiếu máu thiếu sắt.
bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu

Việc bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu đóng vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển của trẻ sau này.

Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi nếu có huyết sắc tố nhỏ hơn 110 g/l (gam/lít) thì được coi là thiếu máu. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt chủ yếu do các nguyên nhân sau:

1. Thiếu sắt khi còn trong bụng mẹ

Trước khi trẻ ra đời, trong bụng của mẹ, thai nhi đã có quá trình tích lũy một hàm lượng sắt nhất định. Lượng tích trữ sắt của trẻ sơ sinh bình thường, sinh đủ tháng là từ 250-3000mg, đủ cho nhu cầu tạo máu từ 3-4 tháng sau sinh.

Hàm lượng sắt tích trữ sẽ không đủ do trẻ đẻ non, trẻ sinh đôi, trẻ nhẹ cân, nhỏ so với tuổi thai, mẹ có dinh dưỡng kém, tiểu đường thai kỳ, mẹ nôn ói nhiều do không uống được thuốc sắt trong thời kỳ mang thai hoặc do mẹ bị thiếu máu trong thời gian thai kỳ,… đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, dẫn đến cần bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu.

2. Tăng nhu cầu sắt do tăng trưởng nhanh

Tốc độ tăng trưởng của trẻ diễn ra rất nhanh trong vài tháng đầu sau sinh. Bé có thể tăng từ 1.5-2.5cm mỗi tháng sau vòng 12 tháng đầu tiên sau khi sinh. Đối với trẻ sinh non, để bắt kịp cùng một mức độ tăng trưởng với trẻ khỏe mạnh, thì tốc độ tăng trưởng của bé cần phải diễn ra nhanh hơn. Lúc này thức ăn chủ yếu của bé là sữa, nhưng dù là sữa mẹ hay sữa bò thì hàm lượng sắt cũng khá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu tạo máu của trẻ.

3. Giảm cung cấp sắt từ chế độ ăn

Chế độ ăn của bé nghèo nàn, bé không ăn thịt, cá, chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất hằng ngày càng làm tăng nguy cơ thiếu sắt ở trẻ.

Trong tình huống này, bạn nên cho bé ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Đối với những trẻ bị thiếu máu cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt hoặc uống thuốc sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Mất máu

Sắt là nguyên tố có mặt trong các tế bào hồng cầu của máu, khi các tế bào này chết sẽ giải phóng ra một lượng sắt, và cơ thể sẽ hấp thu lại một phần trong đó. Do vậy, nếu bị mất máu, do tai nạn, chấn thương, vết thương hở hoặc bị chảy máu cam liên tục cơ thể bé sẽ mất một lượng sắt nhất định.

5. Bệnh lý khác

Bé bị mắc các bệnh lý như bệnh lý đường tiêu hóa, dạ dày, viêm dạ dày, ruột thiểu sản, bệnh celiac nhiễm khuẩn, nhiễm giun sán… đều có thể làm trẻ bị thiếu máu.

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu do thiếu sắt

Ở trẻ em thiếu máu do thiếu sắt phát triển chậm và ít gây ra các triệu chứng cấp tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu thường rất nghèo nàn, nó xảy ra từ từ, khó nhận biết. Thông thường, trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường trông xanh xao, rõ nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt, vành tai. Trẻ thường hành động chậm chạp hơn, luôn cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, hay thậm chí là buồn ngủ và ít đùa nghịch.

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Thiếu máu thiếu sắt khiến tay của bé bị xanh xao, nhợt nhạt nên dù là trẻ sơ sinh hay trẻ thanh thiếu niên thì bố mẹ đều có thể nhận biết dấu hiệu thiếu sắt này dễ dàng

  • Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt nhẹ: Bé không có triệu chứng gì rõ ràng, đôi khi chỉ đổ mồ hôi mỗi khi bú hoặc chậm tăng cân tháng này làm cha mẹ không để ý. Khi các triệu chứng xảy ra, cha mẹ sẽ thấy da của trẻ xanh tái, trẻ hay cáu gắt, thường xuyên quấy khóc, trẻ dễ bị kích thích, trẻ lớn hơn thì kém tập trung, hay quên hoặc học không nhớ… (1)
  • Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt trung bình đến nặng: Trẻ em bị thiếu máu nặng có thể có thêm các dấu hiệu và triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi cố gắng sức (vận động mạnh, chạy, nhảy), sút cân, có hiện tượng rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ… Bé dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và chậm phát triển tâm thần vận động. Trẻ em đi học thường kém tập trung, giảm trí nhớ dẫn đến kết quả học tập thường kém. Trường hợp trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng như bàn tay và bàn chân sưng tấy, suy tim, tim nhanh, ứ dịch ngoại bào, khó thở… Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt cũng có một số tình trạng rối loạn hành vi được gọi là “pica”, trong đó bé sẽ ăn các chất kỳ lạ, chẳng hạn như chất bẩn, các vật dụng kim loại… (2)

Nếu thấy con có những dấu hiệu bất thường như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín để được khám dinh dưỡng tổng thể, tìm ra nguyên nhân chính xác. Để nắm được chính xác thời điểm cần bổ sung sắt cho bé, cha mẹ hãy đưa con đến các trung tâm y tế để được xét nghiệm vi chất, xét nghiệm huyết học,… Làm xét nghiệm và phân tích các thành phần trong máu sẽ cho ra những kết luận đúng đắn nhất. Nếu kết quả là bé bị thiếu máu do thiếu sắt, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu.

Bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bao nhiêu là đủ?

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị bổ sung 3 tháng liên tục để phòng ngừa thiếu máu và thiếu sắt:

  • Từ 10 mg đến 12,5 mg sắt nguyên tố mỗi ở trẻ từ 6 đến 23 tháng tuổi được sinh đủ tháng. Với trẻ sinh non, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị bổ sung 2 mg / kg / ngày cho đến 12 tháng tuổi.
  • 30 mg sắt nguyên tố mỗi ngày cho trẻ em từ 24 đến 59 tháng tuổi.
  • 30 mg đến 60 mg mỗi ngày cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, bé gái trong thời kỳ kinh nguyệt, không mang thai, và trẻ sống tại vùng có tỷ lệ thiếu máu từ 40% trở lên.
  • Trẻ được chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt, cần bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ thiếu máu nên bổ sung sắt vào thời điểm nào trong ngày?

Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu tốt nhất là buổi sáng sớm, khi bụng bé vẫn còn rỗng. Người ta đã chứng minh rằng một số loại thực phẩm có thể ức chế 1/3 đến 1/2 sự hấp thụ sắt so với lúc bụng đói. Do đó, bố mẹ nên cho bé uống bổ sung sắt vào một giờ trước hoặc hai giờ sau bữa ăn với một ly nước hoặc nước trái cây để tăng khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể.

cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu

Cho trẻ bổ sung sắt vào sáng sớm, trước khi ăn để đạt mức hấp thụ sắt tối đa

Tuy nhiên đối với một số trẻ dễ kích ứng, có thể cho trẻ uống cùng hoặc ngay sau bữa ăn sáng 30 phút hoặc cho bé tập làm quen với liều lượng nhỏ để hạn chế được những tác dụng không mong muốn cho trẻ khi uống sắt như buồn nôn, chướng bụng, táo bón, đầy hơi, kích thích dạ dày hoặc đường tiêu hóa,…

Có nên bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu hàng ngày hay không?

WHO khuyến nghị bổ sung sắt hàng ngày trong 3 tháng liên tục để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ. Tuy nhiên, để an toàn và phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ, bổ sung như thế nào, trong bao lâu và liều lượng bao nhiêu cần thăm khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh việc dư thừa sắt trong cơ thể, gây ngộ độc và dẫn đến những hệ lụy không đáng có.

Trẻ thiếu sắt thiếu máu phải bổ sung sắt trong bao lâu?

Nếu dùng chất bổ sung sắt, huyết sắc tố có thể được cải thiện đáng kể trong vòng 4 tuần. Tuy nhiên, thông thường trẻ thiếu máu thiếu sắt phải uống bổ sung sắt trong ít nhất 3 tháng để bổ sung hoàn toàn mức hemoglobin và có thể lâu hơn để bổ sung mức ferritin (3). Để có thể bổ sung đúng và đủ sắt cho trẻ thiếu máu, các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu trong bao lâu và như thế nào là hợp lý.

Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu như thế nào cho đúng?

Có 2 cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu, đó là:

1. Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bằng thực phẩm

Vào giai đoạn từ 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể hấp thụ sắt từ những thực phẩm hàng ngày. Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt.

Trẻ bị thiếu máu nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt heo, thịt cừu, thịt bò, các loại hải sản, các loại gia cầm hay các loại nội tạng động vật. Đồng thời kết hợp với nguồn sắt từ thực vật như bông cải xanh, cải bó xôi, các loại đậu và trái cây. Cần chú ý, trong hai cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bên trên thì sắt có nguồn gốc động vật cho khả năng chuyển hóa và hấp thụ tốt hơn. Do vâỵ, mẹ nên đan xen thực phẩm và cách chế biến cũng như đảm bảo không chỉ giàu sắt, mà còn cung cấp các vi chất dinh dưỡng khác cho trẻ. Hạn chế việc ăn chay hoặc ăn đơn điệu quá mức.

Ngoài ra, phụ huynh nên tăng cường thêm vitamin C từ táo bưởi, cam, quýt,…để tăng hiệu quả bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu.

Trẻ thiếu máu nên ăn gì

Bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bằng cách sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt

2. Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bằng thuốc

Hầu hết nhu cầu sắt hàng ngày có được từ việc tái chế các hồng cầu già bởi các đại thực bào, chỉ 5-10% sắt đến từ chế độ ăn (4). Trẻ bị thiếu máu hầu hết vì mất máu do chấn thương, kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu trong ruột, trẻ gặp vấn đề sức khỏe như bệnh celiac gây giảm hấp thụ sắt, hoặc không có đủ chất sắt trong chế độ ăn uống. Lúc này, cho trẻ uống bổ sung sắt dưới dạng lỏng hoặc thuốc viên kết hợp vitamin C tăng cường hấp thu sắt và axit folic, vitamin B12 là điều cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu máu ở trẻ hiệu quả và nhanh chóng hơn. (5)

8 lưu ý khi bổ sung chất sắt bằng thuốc cho trẻ thiếu máu

  • Dù áp dụng bất kỳ cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu nào, bố mẹ cũng chỉ nên bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bằng thuốc khi có chỉ định của các bác sĩ.
  • Với đối tượng trẻ nhỏ, cần ưu tiên bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu dạng thuốc lỏng hay dạng siro, với đối tượng là trẻ thanh thiếu niên, bố mẹ có thể lựa chọn dạng viên nang (viên nén).
  • Các dạng thuốc lỏng và siro thường có khả năng làm sậm màu răng của trẻ khi sử dụng chúng trong một khoảng thời gian dài. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ súc miệng và đánh răng sau khi uống thuốc để làm giảm tác dụng không mong muốn này.
  • Chất sắt được hấp thu tối đa khi bụng đói. Do vậy, nên cho trẻ uống thuốc sắt vào thời điểm trước bữa ăn 1 giờ, hoặc sau bữa ăn 2 giờ đồng hồ. Nếu có thể, mẹ nên kết hợp bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu với vitamin C hay những thực phẩm giàu vitamin C để tăng hấp thu và bổ sung chất sắt.
  • Trường hợp trẻ bị kích ứng dạ dày do uống thuốc sắt khi đói (buồn nôn, nôn mửa, đau bụng,…), có thể chuyển sang sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn, hoặc khởi đầu bằng liều lượng thấp, sau đó tăng dần đến liều điều trị.
  • Với một số loại thức ăn, có thể tương tác làm giảm sự hấp thu sắt của cơ thể như: sữa, trà, coca, cà phê hay các loại nước có ga (6). Do vậy, nên hạn chế sử dụng những thực phẩm này 2 giờ sau khi bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu.
  • Thuốc sắt có thể làm bé đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, tác dụng phụ này của thuốc không gây hại đến sức khỏe trẻ.
  • Nếu trong nhà có sẵn thuốc sắt, mẹ cần để xa tầm tay của trẻ. Sắt có thể gây ngộ độc thuốc nếu quá dùng quá liều. Biểu hiện cấp tính của việc ngộ độc sắt thường là đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn mửa, có máu trong phân… Các triệu chứng đến trễ hơn gồm môi, móng tay và lòng bàn tay hay ngả sang màu xanh, lơ mơ, sắc mặt nhợt nhạt, co giật, thở nhanh và nôn. Nếu trẻ không may xảy ra trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Cách phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ

Để có thể phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

1. Đối với trẻ sơ sinh

  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung chất sắt dành cho bé trong năm đầu đời.
  • Tránh sữa bò đến khi trẻ được 12 tháng tuổi.
  • Thiết lập và thực hiện một chế độ ăn cân đối giàu sắt cũng như vitamin cho mẹ.
  • Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng sắt trong thời gian. thai kỳ.

2. Đối với trẻ nhỏ

  • Tăng cường ăn thịt nạc đỏ từ 3 đến 4 lần mỗi tuần.
  • Hạn chế cho bé dùng sữa bò, không quá 710 ml sữa mỗi ngày.
  • Tiến hành tẩy giun định kỳ hàng năm cho con trên 12 tháng tuổi.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C để cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.

3. Đối với thanh thiếu niên

  • Giáo dục, chỉ bảo cho con trẻ hiểu được tầm quan trọng của sắt.
  • Không cho trẻ uống trà, cà phê ngay sau ăn làm giảm hiệu quả hấp thu sắt của cơ thể.
  • Tăng cường ăn ngũ cốc và thịt gia cầm, cá.
  • Tiếp tục tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Trên đây là những lưu ý cần thiết và hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu hiệu quả nhất mà cha mẹ cần phải nắm vững. Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe phổ biến và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Hầu hết các trường hợp trẻ thiếu sắt không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Nếu có điều kiện, bố mẹ nên cho con kiểm tra thiếu máu định kỳ để sớm bổ sung sắt kịp thời. Qua bài viết này, đội ngũ Nutrihome hi vọng sẽ trang bị cho cha mẹ được những kiến thức bổ ích để vận dụng vào quá trình bổ sung sắt cho trẻ hiệu quả.

4/5 - (3 bình chọn)
10:39 06/01/2023