Áp xe vú có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?

11/11/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bị áp xe vú là tình trạng phổ biến ở những mẹ đang nuôi con bú. Áp xe vú nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể gây nhiều biến chứng khôn lường. Vậy dấu hiệu áp xe vú là gì, nên xử trí như thế nào khi bị áp xe vú và làm thế nào để phòng tránh? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé các mẹ!

Áp xe vú là gì?

Trả lời thắc mắc áp xe vú là gì, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cho biết, Áp xe vú là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường xảy ra trong giai đoạn người mẹ cho con bú, cụ thể từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8 sau khi sinh. Một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai. (1)

Áp xe vú là hậu quả của viêm tắc tuyến sữa không được điều trị kịp thời, hoặc điều trị… chưa đến nơi đến chốn dẫn đến các mô vú bị viêm, nhiễm trùng. Lúc này, bên ngoài vú sẽ có tình trạng căng tức, sưng đỏ bên trong xuất hiện các nang chứa đầy mủ có mùi hôi tanh.

Áp xe vú được phân thành 2 loại là áp xe vú nguyên phát và thứ phát. Theo đó:

  • Áp xe vú nguyên phát là loại áp xe vú xảy ra trong 2 giai đoạn: giai đoạn tiết sữa và giai đoạn ngoài tiết sữa.
  • Áp xe vú thứ phát là loại áp xe vú xảy ra sau xạ trị, viêm tuyến bã.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây áp xe vú

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh áp xe ngực, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn Streptococcus và Staphylococcus aureus. Ngoài 2 loại vi khuẩn này, tình trạng tắc nghẽn ống dẫn ở núm vú do sẹo, nhiễm trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn kỵ khí… cũng có thể dẫn đến áp xe ngực. (2)

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây áp xe vú

Áp xe vú do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nhiễm khuẩn là nguyên nhân chủ yếu.

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố nguy cơ như: người mẹ cho con bú không đúng cách, mẹ cho con bú quá ít khiến sữa tích tụ trong vú mà không có cách xử lý, mẹ bị tắc ống dẫn sữa, điều trị viêm vú hậu sản kém hiệu quả, mặc áo ngực quá chật, núm vú bị trầy xước không được chăm sóc đúng cách… cũng góp phần dẫn đến áp xe tuyến sữa.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh áp xe vú

Bệnh lý áp xe vú thường xảy ra chủ yếu ở các chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể xảy ra/ hoặc có nguy cơ xảy ra ở:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ trẻ tuổi hút thuốc lá. (3, 4)
  • Người lớn tuổi.
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính như suy giảm miễn dịch, viêm khớp mạn tính, đái tháo đường (tiểu đường).
  • Phụ nữ thừa cân béo phì.
  • Phụ nữ có ngực lớn và không vệ sinh ngực sạch sẽ.

Trong số các đối tượng trên, những người lớn tuổi và người mắc các bệnh lý mạn tính hiếm bị áp xe vú hơn.

Triệu chứng và các dấu hiệu áp xe vú

Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cho biết, tùy từng giai đoạn bị áp xe vú mà người bệnh sẽ có các dấu hiệu áp xe ngực khác nhau. Cụ thể:

Giai đoạn viêm (hay giai đoạn đầu)

Ở giai đoạn này người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột, người uể oải mệt mỏi; đau đầu, khó ngủ, mất ngủ; tuyến vú đau nhức, vú sưng to; hạch ở nách cũng sưng to và đau, gặp khó khăn trong việc cử động vai và cánh tay.

Giai đoạn tạo áp xe (hay giai đoạn sau)

Đến giai đoạn này, tùy từng người, ở một hoặc nhiều thùy của tuyến vú có thể xuất hiện một hoặc nhiều ổ áp xe. Theo đó, người bệnh sẽ có các biểu hiện tăng nặng hơn so với giai đoạn đầu là nhiễm khuẩn lan rộng, sốt cao khó hạ, cơ thể rét run, khát nước, môi khô, vùng da trên ổ áp xe căng đau và sưng đỏ hoặc tím.

Triệu chứng và các dấu hiệu áp xe vú

Sốt cao đột ngột là một trong những dấu hiệu áp xe vú.

Ở giai đoạn tạo áp xe nếu người bệnh không có biện pháp can thiệp hoặc điều trị không đúng cách bệnh sẽ gây nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm, vì vậy, chị em không nên chủ quan cần sớm phát hiện các dấu hiệu áp xe tuyến vú và xử trí kịp thời.

Áp xe vú có nguy hiểm không?

Áp xe vú là tình trạng thường gặp ở các bà mẹ cho con bú và không gây nguy hiểm sức khỏe tức thời. Tuy nhiên, người mẹ nếu bị áp xe vú nhưng không phát hiện và điều trị sớm, để bệnh kéo dài có thể gặp các biến chứng áp xe vú nguy hiểm (từ nhẹ đến nặng) như sau:

 1. Vú mất chức năng tiết sữa

Khi tình trạng viêm tuyến vú xảy ra tuyến sữa sẽ bị tắc, do đó, chức năng tiết sữa của vú bị ảnh hưởng khiến vú không thể tiết sữa.

2. Nhiễm trùng lan rộng

Nhiễm trùng lan rộng cũng là một trong những biến chứng nguy hiểm của áp xe ngực với biểu hiện hạch bạch huyết sưng viêm, ở đầu núm vú có chảy sữa lẫn mủ, có thể hút được mủ nếu chọc ổ áp xe.

3. Viêm xơ tuyến vú mạn tính

Áp xe tuyến sữa nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, ngoài gây mất chức năng tiết sữa của vú, tình trạng nhiễm trùng lan rộng còn dẫn đến hậu quả là viêm xơ tuyến vú mạn tính. Chuyên gia cho biết, người bị viêm xơ tuyến vú mạn tính có nguy cơ tiềm ẩn ung thư vú khá cao.

 4. Hoại tử vú

Đây được xem là biến chứng áp xe vú nghiêm trọng. Hoại tử vú xảy ra do trực khuẩn hoại thư hoặc vi khuẩn có độc tính cao gây ra. Người bị hoại tử vú sẽ có các biểu hiện là tụt huyết áp, cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, vú sưng to, phù nề, hạch bạch huyết sưng đau, vùng da trên ổ áp xe bị hoại tử.

Áp xe vú: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tình trạng áp xe vú sẽ không diễn biến nghiêm trọng, nhanh chóng được đẩy lùi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Do đó, chị em phụ nữ, đặc biệt các bà mẹ đang nuôi con bú không nên chủ quan, cần theo dõi, chú ý các thay đổi (nhỏ nhất) xảy ra ở vú để có biện pháp can thiệp nhanh chóng hạn chế nguy cơ xấu xảy ra.

Áp xe vú: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu các triệu chứng áp xe vú tiến triển nặng chị em nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Vậy bị áp xe vú khi nào cần gặp bác sĩ? Bác sĩ Nguyễn Ngọc An Pha khuyên, để tránh các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt biến chứng hoại tử vú cũng như loại trừ nguy cơ ung thư vú tiềm ẩn, tốt nhất chị em nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện các dấu hiệu áp xe vú kể trên.

Trường hợp vú sưng to căng tức, sốt cao, người mệt mỏi, nhiễm trùng lan rộng, tình trạng mất sữa xảy ra… cần đi khám bác sĩ trong thời gian sớm nhất có thể. Bởi áp xe ngực nếu để lâu việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó thời gian điều trị cũng sẽ kéo dài hơn, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến việc nuôi con, chăm sóc con và chất lượng cuộc sống của người mẹ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh áp xe vú

Để chẩn đoán chính xác bệnh áp xe vú và có biện pháp xử trí, can thiệp phù hợp giúp người bệnh mau chóng cải thiện sức khỏe. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp sau:

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh các biểu hiện như sốt cao, vú sưng đau – nóng đỏ, rét run và thăm khám nhân mềm, ấn lõm ổ có chứa dịch, ấn hạch nách, kiểm tra xem có tình trạng sữa lẫn mủ vàng không.
  • Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, xét nghiệm công thức máu, chọc dò ổ viêm có mủ, xét nghiệm CRP, cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn, đồng thời loại trừ nguy cơ ung thư vú.

Cách điều trị bệnh áp xe vú

Cũng như việc chẩn đoán bệnh, tùy theo tình trạng sức khỏe người mẹ, mức độ bị áp xe vú mà bác sĩ sẽ áp dụng các cách điều trị phù hợp để cơ thể nhanh hồi phục, đảm bảo việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo đó, nếu mẹ bị áp xe ngực mức độ nhẹ/ hay giai đoạn đầu có thể cải thiện bằng chế độ ăn uống khoa học (ăn đa dạng các loại thực phẩm, chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, ninh mềm, dễ tiêu hóa…), kết hợp với việc nghỉ ngơi nhiều, cho con bú ở bên vú không bị áp xe. Đối với bên vú bị áp xe mẹ nên vệ sinh sạch sẽ, xoa bóp nhẹ nhàng, vắt/ hút sữa bỏ để thông tuyến sữa.

Trường hợp đã áp dụng cách trên nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện, trái lại các dấu hiệu áp xe vú tăng nặng hơn mẹ nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Việc điều trị áp xe vú như sau:

1. Dùng kháng sinh

Để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lan rộng, giúp người bệnh giảm đau nhức, nhanh chóng cải thiện triệu chứng và chữa lành áp xe các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Đây là cách điều trị áp xe tuyến sữa rất phổ biến.

Cách điều trị bệnh áp xe vú

Thông thường, người bệnh áp xe vú có thể được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị.

2. Chích rạch và dẫn mủ áp xe

Sau khi dùng kháng sinh, nếu tình trạng áp xe vú không được cải thiện, đối với áp xe vùng da nông bác sĩ sẽ chỉ định chích nặn mủ. Đối với áp xe sâu bên trong, bác sĩ sẽ thực hiện chích rạch tháo mủ và đặt ống dẫn lưu qua siêu âm mà không cần phẫu thuật. Sau tháo mủ, hàng ngày, bên vú bị áp xe sẽ được vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn thông qua bơm rửa kết hợp uống kháng sinh điều trị.

3. Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nếu bệnh nhân có ổ áp xe lớn. Tương tự như thủ thuật chích rạch, sau phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ đặt ống dẫn lưu để dẫn lưu mủ hàng ngày kết hợp dùng kháng sinh điều trị và giảm đau. (4)

Cần biết, việc phẫu thuật sẽ không hoàn toàn điều trị triệt để bệnh áp xe vú – mà vẫn có thể tái phát hoặc hình thành các ổ áp xe mới – nếu việc chăm sóc vệ sinh vú hoặc người bệnh không tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ.

Các biện pháp khắc phục áp xe vú tại nhà

Nếu tình trạng áp xe vú nhẹ và chưa gây biến chứng, mẹ có thể khắc phục tại nhà như sau:

  • Đối với bên vú không bị áp xe, nên cho trẻ bú hoặc vắt sữa cho trẻ bú;
  • Đối với bên vú bị áp xe nên vệ sinh sạch sẽ, massage, vắt hoặc hút bỏ sữa bên trong vú.

Bên cạnh đó mẹ cần thực hiện chế độ ăn uống, lối sống khoa học để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, và tốt nhất không nên mặc áo ngực cho đến khi tình trạng cải thiện hoàn toàn.

Phòng ngừa bệnh áp xe vú

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc An Pha, mặc dù áp xe ngực là bệnh xảy ra ở các chị em phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng và các chị em phụ nữ nói chung tuy nhiên, bệnh có thể được phòng tránh hoặc hạn chế mắc phải nếu chị em tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Trước và sau khi cho con bú người mẹ nên vệ sinh sạch sẽ núm vú, khu vực xung quanh vú.
  • Hạn chế tối đa việc trẻ cắn núm vú, hay tình trạng xây xát, nứt núm vú. Nếu bị xây xát cần vệ sinh thật kỹ và điều trị trong trường hợp cần thiết.
  • Cho trẻ bú thường xuyên, bú đủ và đúng cữ để tránh sữa ứ đọng trong vú gây ách tắc tia sữa.
Phòng ngừa bệnh áp xe vú

Để phòng tránh tắc tia sữa gây áp xe vú mẹ nên cho con bú đúng cách và thường xuyên.

  • Nên cho trẻ bú hết từng bên vú, nếu bên nào trẻ chưa bú “sạch” sữa mẹ có thể vắt hoặc dùng máy hút hút hết sữa ra. Việc này vừa tránh gây ứ sữa, tắc tia sữa vừa kích thích tuyến vú sản xuất sữa ổn định.
  • Không nên mặc áo ngực quá chật, quá bó sát làm xây xát núm vú
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống khoa học, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không thức quá khuya hay tinh thần luôn căng thẳng.

Áp xe vú và những câu hỏi thường gặp

Ngoài những thông tin chia sẻ trên, một số thắc mắc thường gặp về áp xe vú sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như giải tỏa được những lo lắng, nếu mắc bệnh.

1. Áp xe vú kiêng ăn gì?

Bên cạnh các phương pháp điều trị khác, việc thực hiện chế độ ăn uống khoa học là một trong những cách đẩy lùi và cải thiện tình trạng áp xe vú nhanh chóng ở các mẹ cho con bú. Theo đó, người mẹ nên kiêng ăn những thực phẩm dưới đây:

  • Các thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ nướng, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.
  • Các thực phẩm ngọt, chứa chất làm ngọt nhân tạo, nhiều đường kính.
  • Các thực phẩm đóng hộp, qua chế biến nhiều lần, sử dụng chất bảo quản.

2. Áp xe vú nên chườm nóng hay lạnh?

Chườm nóng khi vú bị sưng đau, căng tức, áp xe là không nên, vì khiến sữa xuống nhiều, nhanh và gây đau đớn hơn. Trong trường hợp bị áp xe vú, mẹ nên chườm lạnh để làm giảm cảm giác khó chịu.

3. Áp xe vú có tự khỏi được không?

Người mẹ nếu phát hiện các dấu hiệu áp xe vú sớm, bệnh vẫn ở mức độ nhẹ và có sự can thiệp kịp thời bằng cách vệ sinh sạch sẽ bên vú bị áp xe, cho trẻ bú thường xuyên ở bên vú lành, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi phù hợp… tình trạng áp xe tuyến sữa sẽ được cải thiện và bệnh có thể tự khỏi mà không cần đến bác sĩ điều trị.

Áp xe vú có tự khỏi được không?

Áp xe vú có thể tự khỏi nếu mẹ phát hiện sớm, giữ gìn vệ sinh đầu vú và cho bé bú bình hoặc bú ở bên vú lành

4. Áp xe vú có phải mổ không?

Như đã nêu trên, áp xe ngực nếu được phát hiện sớm và ở mức độ nhẹ có thể không cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần giữ vệ sinh và chăm sóc đúng cách sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, nếu phát hiện áp xe ngực chậm, để bệnh diễn tiến nặng tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị, hoặc thực hiện mổ/ phẫu thuật.

5. Mổ áp xe vú bao lâu thì lành?

Sau mổ áp xe vú, nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ như giữ vệ sinh, sát khuẩn vết mổ sạch sẽ và uống thuốc kháng sinh đúng liều lượng, thực hiện ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh bệnh sẽ nhanh chóng khỏi.

6. Chích áp xe vú có cho con bú được không?

Nếu mẹ bị áp xe ở cả hai bên vú, dù chỉ ở mức độ nhẹ thì việc cho con bú được khuyên là không nên. Trường hợp mẹ bị áp xe ở một bên vú với tình trạng diễn tiến nặng cần phải chích/rạch áp xe ngực để dẫn lưu mủ, lại càng không nên cho con bú. Tuy nhiên, nếu mẹ không đang uống kháng sinh, mẹ có thể cho bé bú trực tiếp hoặc vắt sữa cho con bú ở bên vú lành (không bị áp xe).

7. Áp xe vú có tái phát không?

Áp xe vú có thể tái đi tái lại, kể cả đã rạch/chích hoặc thực hiện phẫu thuật. Nếu mẹ không giữ gìn vệ sinh núm vú, chế độ ăn uống nghèo nàn và sống thiếu lành mạnh, mặc áo ngực quá chật, không cho con bú đủ cữ hoặc không cho con bú đúng cách khiến lượng sữa bị ứ đọng gây áp xe tuyến sữa thì bệnh hoàn toàn có thể tái phát nhiều lần.

Trên đây là tất cả những thông tin bạn cần biết về bệnh áp xe vú. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được “ áp xe vú là gì”, dấu hiệu áp xe tuyến sữa, cũng như hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và chữa trị khi bị áp xe vú phù hợp. Ngay khi thấy vú có dấu hiệu đau, căng, sưng bầu vú, nứt núm vú,… cần tạm dừng cho con bú và đến ngay Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám và điều trị kịp thời!

2/5 - (4 bình chọn)
10:26 16/03/2023