Táo bón cơ năng là gì? Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

09/12/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Theo một nghiên cứu được tiến hành năm 2022 tại Việt Nam, trong số các loại rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ nhỏ (7 – 48 tháng tuổi) thì táo bón cơ năng là chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất. Vậy làm thế nào để giúp cho trẻ phòng ngừa và điều trị dứt điểm chứng táo bón cơ năng? Trẻ bị táo bón cơ năng nên được điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được Nutrihome giải đáp trong bài viết sau đây.

Táo bón cơ năng là gì?

Táo bón cơ năng hay táo bón chức năng là một bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo ước tính, có hơn 3% trẻ em trên thế giới mắc chứng bệnh này, nhất là trong giai đoạn từ 7 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi. (1)

Táo bón cơ năng thường được đặc trưng bởi hiện tượng giảm nhu động ruột, có thể dẫn đến tình trạng đại tiện không tự chủ ở trẻ nhỏ. Trẻ bị táo bón cơ năng sẽ không thể đi ngoài được trong nhiều ngày, phân có dấu hiệu khô, cứng càng khiến cho quá trình đại tiện của bé trở nên khó khăn hơn và/hoặc bé luôn cảm giác tống phân ra ngoài chưa hết.

Khác với chứng táo bón bệnh lý, trẻ thường được chẩn đoán bệnh táo bón cơ năng theo nguyên tắc loại trừ (2). Chứng táo bón này thường được gọi tên khi bác sĩ thấy các dấu hiệu táo bón của trẻ xảy ra KHÔNG vì bất kỳ tác nhân vật lý (tắc nghẽn cơ học, khiếm khuyết giải phẫu) hay hóa học (tác dụng phụ của thuốc, nội tiết tố, bệnh toàn thân) nào.

Táo bón cơ năng là gì?

Trẻ bị táo bón cơ năng khi đi ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn vì phân cứng hơn bình thường

Phân loại táo bón cơ năng

Hiện nay tình trạng táo bón cơ năng ở trẻ nhỏ có thể được chia thành 3 loại, bao gồm:

1. Táo bón có nhu động ruột bình thường

Đây là một trong những dạng táo bón cơ năng phổ biến nhất hiện nay. Ở dạng táo bón này, các cơ ruột sẽ hoạt động co giãn với tốc độ bình thường, không quá nhanh cũng không quá chậm. Phân ở trong ruột cũng sẽ được di chuyển với tốc độ vừa phải.

Tuy nhiên chúng lại không được đẩy ra ngoài theo cơ chế bình thường mà thay vào đó sẽ tích tụ dần trong ruột. Lâu ngày phân sẽ trở nên khô và cứng gây nên tình trạng căng cứng và đầy bụng ở trẻ.

Để khắc phục các triệu chứng của dạng táo bón này, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ để cải thiện quá trình tiêu hóa trong ruột non và dạ dày. Từ đó giúp cho việc đi ngoài của bé trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

2. Táo bón cơ năng với nhu động ruột chậm

Dạng táo bón này xảy ra khi cơ ruột của trẻ có dấu hiệu co bóp đẩy thức ăn với tốc độ chậm hơn so với thông thường. Nguyên nhân có thể là do hệ thần kinh của trẻ bị tổn thương dẫn đến khả năng truyền tín hiệu kém đến các cơ ruột. Từ đó khiến cho nhu động ruột của trẻ chuyển động không đều gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và bài tiết ra khỏi cơ thể.

Dấu hiệu của loại táo bón này bao gồm:

  • Bé không cảm thấy muốn đi vệ sinh.
  • Bé đi ngoài ít hơn một lần một tuần.
  • Bụng chướng hoặc đau khi đi ngoài.
  • Đi ngoài ra phân thô ráp và rất cứng.

Không chỉ xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ mà dạng táo bón cơ năng này cũng khó điều trị hơn so với táo bón có nhu động ruột bình thường. Các phương pháp như sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc kết hợp cùng với các thực phẩm giàu chất xơ thường không hiệu quả để điều trị táo bón cơ năng có nhu động ruột chậm.

Thay vào đó phụ huynh nên cho trẻ vận động nhiều hơn, đồng thời tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ, điều độ mỗi ngày để chỉnh đốn lại nhịp sinh học của trẻ, biến việc đi ngoài thành phản xạ có điều kiện để ruột co bóp hiệu quả hơn, cải thiện chứng táo bón.

3. Rối loạn bài xuất phân

Dạng táo bón cơ năng cuối cùng mà các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu đó là rối loạn bài xuất phân. Theo đó để có thể đẩy phân ra khỏi cơ thể, trẻ sẽ cần đến sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cơ hoành ở bụng, cơ sàn ở khung chậu và cơ vòng co thắt ở hậu môn.

Vì thế nếu một trong các loại cơ ở trên gặp vấn đề thì trẻ sẽ không thể đi ngoài được dẫn đến phân bị ùn ứ trong ruột gây đau đớn và khó chịu.

Dấu hiệu của rối loạn bài xuất phân ở trẻ là:

  • Bé mất nhiều thời gian để rặn.
  • Cha mẹ phải giúp bé dùng ngón tay để lấy phân ra ngoài hoặc tiến hành thụt tháo hậu môn thường xuyên.
  • Thuốc nhuận tràng hoặc chất xơ không thể làm giảm triệu chứng táo bón cơ năng dạng này.

Đối với dạng táo bón cơ năng này, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi thăm khám và điều trị sớm nhất để giảm bớt tình trạng đau đớn cho bé và cải thiện chứng táo bón nhanh chóng.

trẻ bị táo bón cơ năng

Trẻ bị táo bón cơ năng dạng rối loạn bài xuất phân nên được đưa đi khám và điều trị sớm

Trẻ ở độ tuổi nào dễ bị táo bón cơ năng?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, táo bón cơ năng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ từ 7 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi. Trẻ mẫu giáo, đặc biệt là trẻ trong khoảng thời gian được gia đình và nhà trường tập đi vệ sinh thường dễ bị táo bón cơ năng nhất.

Nguyên nhân trẻ bị táo bón cơ năng

Theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Bác sĩ Dinh dưỡng tại Phòng khám Nutrihome, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ bị táo bón cơ năng. Trong đó:

  • Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón cơ năng. Theo đó, việc phụ huynh chỉ tập trung cho bé ăn nhiều tinh bột, đạm, thịt, cá hay uống sữa quá nhiều mà thiếu tập trung bổ sung chất xơ qua rau, củ quả, ngũ cốc, các loại hạt và đậu,… sẽ khiến cho trẻ rất dễ bị táo bón cơ năng.
  • Lười uống nước: Một số bé còn có thói quen lười uống nước, hoặc do mẹ pha sữa sai công thức khiến sữa quá đặc,…điều này sẽ khiến cho phân trở nên khô cứng và khó bị đẩy ra ngoài.
  • Nguyên nhân khách quan: Các nguyên nhân khách quan như mẹ đổi người giúp việc khiến bé chưa quen, bé thay đổi môi trường sống, bắt đầu đi học, ngại nhà vệ sinh ở trường học không sạch sẽ, không riêng tư,, vv..vv…cũng có thể khiến trẻ em ái ngại việc đi đại tiện.
  • Nguyên nhân tâm lý: Bé bị căng thẳng, hay bị cha mẹ thúc ép khiến bé sợ việc đi đại tiện, bé mê chơi game, chơi điện thoại nên nhịn đi ngoài…Thói quen nhịn đi ngoài kéo dài khiến cho phân ở trong ruột ngày càng lâu rồi bị dồn nén thành khối to. Từ đó dẫn đến tình trạng trẻ bị táo bón cơ năng và bị đau mỗi khi đi ngoài.
  • Các nguyên nhân khác: Trẻ bị dị ứng, mệt mỏi hoặc vùng hậu môn bị tổn thương cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho quá trình bài tiết bị cản trở, từ đó hình thành nên bệnh táo bón.
Nguyên nhân trẻ bị táo bón cơ năng

Bé mê chơi, làm việc riêng và có xu hướng giữ phân lại trong cơ thể quá nhiều, không thải ra hết khi đi ngoài cũng góp phần gây táo bón cơ năng

Dấu hiệu táo bón cơ năng ở trẻ

Hiện nay, y học thế giới sử dụng Tiêu chí chẩn đoán Rome IV để chẩn đoán cho bệnh táo bón chức năng ở trẻ em (3). Trong đó:

1. Táo bón cơ năng ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tuổi được chẩn đoán bị táo bón cơ năng nếu:

  • Đi ngoài ít hơn 2 lần / tuần và kéo dài trong suốt 1 tháng;
  • Hoặc trong 1 tháng liên tục xảy ra ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau đây:
    • Bé có tiền sử nhịn đi ngoài quá mức (rất lâu mới đi ngoài).
    • Bé có tiền sử khó đi ngoài, đi ngoài bị đau rát, bé phải rặn, gồng mình hoặc tốn rất nhiều thời gian mới thải được phân.
    • Bé đã từng có tiền sử thải ra phân có đường kính lớn
    • Cha mẹ phát hiện thấy sự hiện diện của một khối phân lớn trong trực tràng của bé.

Đối với trẻ đã biết đi vệ sinh, có thể sử dụng các tiêu chí bổ sung sau:

  • Ít nhất 1 lần / tuần trẻ không tự chủ được việc đi ngoài dù đã được dạy kỹ năng đi vệ sinh.
  • Bé có tiền sử thải ra phân có đường kính lớn gây tắc nghẽn nhà vệ sinh.

2. Trẻ trên 4 tuổi

Trẻ trên 4 tuổi được chẩn đoán bị táo bón cơ năng nếu:

  • Không đủ tiêu chuẩn để được chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo Tiêu chí Rome IV (4).
  • Đồng thời xuất hiện ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau đây xảy ra ít nhất 1 lần / tuần trong ít nhất 1 tháng:
    • Trẻ có tiền sử đi ngoài ít hơn 2 lần mỗi tuần.
    • Ít nhất 1 đợt đại tiện không tự chủ mỗi tuần.
    • Trẻ có tiền sử nhịn đi ngoài hoặc rất lâu mới đi ngoài.
    • Trẻ có tiền sử khó đi ngoài, bị đau khi đi ngoài.
    • Cha mẹ phát hiện một khối phân lớn trong trực tràng của bé, phân có đường kính lớn khiến cho việc đại tiện khó khăn, bé ngồi rất lâu trên bô mới có thể ị.
    • Bé có tiền sử thải ra phân có đường kính lớn gây tắc nghẽn nhà vệ sinh.
Dấu hiệu táo bón cơ năng ở trẻ

Cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu táo bón cơ năng ở con khi thấy trẻ phải gồng mình và mất rất nhiều thời gian mới có thể đi ngoài xong

Táo bón cơ năng ở trẻ kéo dài có nguy hiểm không?

Chứng táo bón cơ năng ở trẻ kéo dài thường rất nguy hiểm. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm như trĩ, nứt hậu môn, mót phân, sa trực tràng và các bệnh lý liên quan khác về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nếu cha mẹ thấy bé có bất kỳ dấu hiệu táo bón nào, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ đa khoa gần nhất để được chẩn đoán.

Điều trị và phòng ngừa táo bón cơ năng ở trẻ

Hầu hết các nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng táo bón cơ năng ở trẻ nhỏ là do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và lối sống hàng ngày. Chính vì thế nếu muốn phòng ngừa và điều trị dứt điểm căn bệnh này, các bậc phụ huynh cần tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ thay vì tự ý sử dụng các loại thuốc nhuận tràng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho bé tăng cường hoạt động thể chất và tập đi tiêu mỗi ngày để nhu động ruột khỏe và hoạt động hiệu quả hơn.

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp

Khi trẻ bị táo bón, cha mẹ nên lưu ý cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày đồng thời bổ sung thêm nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày của bé. Điển hình là bổ sung các loại rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc, bánh mì nâu, gạo lứt…

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho trẻ sử dụng thêm các loại thực phẩm giàu lợi khuẩn probiotic như sữa chua, sữa bơ,… để nhằm tăng cường men vi sinh và giúp cho đường ruột hoạt động trơn tru hơn.

Đối với trẻ vừa dứt bú mẹ chuyển sang uống sữa công thức, giai đoạn này trẻ thường rất dễ bị táo bón cơ năng. Cha mẹ nên tìm hiểu và tham khảo ý kiến từ bác sĩ để chọn được loại sữa phù hợp với độ tuổi cho bé.

Điều trị và phòng ngừa táo bón cơ năng ở trẻ

Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh để đi tiêu dễ dàng hơn

2. Tập thói quen đi tiêu

Ngoài việc điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng cho trẻ thì cha mẹ cũng nên tập cho bé thói quen đi tiêu vào các khung giờ cố định trong ngày. Trong đó thời điểm lý tưởng nhất để bé đi tiêu là vào buổi sáng sớm. Điều này sẽ giúp bé hình thành phản xạ ở dạ dày, giảm nguy cơ táo bón và kích thích nhu động ruột hoạt động ổn định hơn.

3. Định kỳ đưa trẻ đi tái khám

Sau khi phát hiện trẻ bị táo bón cơ năng và áp dụng các biện pháp điều trị ở trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để tái khám định kỳ từ sau 3-4 tuần. Mục đích là để nhằm đánh giá hiệu quả của việc điều trị cũng như tìm ra những lỗ hỏng cần thay đổi trong phác đồ điều trị và phòng ngừa táo bón cho trẻ.

Trẻ bị táo bón cơ năng: Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi cha mẹ phát hiện trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm như táo bón kéo dài hơn 3 tuần, táo bón kèm đau bụng dữ dội kéo dài 2 tuần không khỏi, có máu trong phân, trẻ liên tục quấy khóc, sụt cân nhanh. Lúc này quý phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để được khám và chữa trị kịp thời.

Tóm lại táo bón cơ năng không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm cho trẻ nhỏ với tiên lượng điều trị thành công khá cao. Tuy nhiên các phụ huynh vẫn không nên xem thường mà thay vào đó bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị sớm. Tuyệt đối không nên để kéo dài lâu bởi bệnh có thể chuyển biến nặng hơn thành mạn tính, gây khó khăn cho việc điều trị.

Trên đây là tất cả những thông tin mà bố mẹ cần biết về chứng táo bón cơ năng ở trẻ nhỏ. Hy vọng qua bài viết này, quý vị phụ huynh đã biết được mình cần thay đổi gì trong chế độ dinh dưỡng khi thấy trẻ có dấu hiệu khó đi ngoài. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc nhuận tràng cho trẻ uống mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Nutrihome xin chúc bố mẹ cùng các bé thật nhiều sức khỏe!

5/5 - (1 bình chọn)
09:15 13/01/2023