Tắc tia sữa là một tình trạng phổ biến của mẹ sau sinh. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ nhàng nhưng dễ dàng bùng phát lên thành các ổ áp xe nguy hiểm khiến ngực mẹ căng tức, chảy mủ, phải nhập viện cấp cứu. Vậy, tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe? Đâu là cách phân biệt tắc tia sữa và áp xe chính xác để mẹ nhận biết sớm được các tình trạng bệnh? Hãy cùng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
Phân biệt tắc tia sữa và áp xe
Rất dễ để bạn phân biệt tắc tia sữa và áp xe vú sau sinh bởi đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
- Tắc tia sữa: Xảy ra khi lượng sữa trong bầu ngực của mẹ bị dồn nén, ứ đọng do ống dẫn sữa bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ, không cho sữa chảy ra ngoài. Sự bít tắc này gây ra áp lực khiến bầu ngực sưng nhẹ và đau buốt từ sâu bên trong.
- Áp xe vú: Là một bệnh lý nhiễm trùng tuyến vú do ống dẫn sữa bị tắc, tạo thành một môi trường cho vi khuẩn phát triển (ổ viêm). Áp xe tuyến vú khiến bầu ngực đỏ, sưng buốt, nóng rát, đau nhói và khiến mẹ bị sốt cao.

Đâu là cách phân biệt tắc tia sữa và áp xe vú chính xác?
1. Tắc tia sữa
Thông thường, sữa mẹ được sản xuất từ các tế bào nang sữa, theo ống dẫn sữa chảy đến các xoang sữa (còn được gọi là túi dự trữ sữa) nằm ngay bên dưới quầng vú và được lưu trữ tại đây. Khi bú, bé tạo ra chênh lệch áp suất khiến lượng sữa tại các túi dự trữ này chảy ra ngoài. Vì thế, dấu hiệu tắc tia sữa thường rất dễ được nhận biết.
Dấu hiệu
Khi bị tắc tia sữa, mẹ thường cảm thấy:
- Sữa chảy ra không đều: Sữa có thể không chảy ra, chảy ra nhỏ giọt hoặc chảy thành từng dòng yếu ớt thay vì có thể bắn ra thành tia như trước.
- Sữa bị rò rỉ mất kiểm soát: Thông thường, chỉ khi trẻ bú sữa mới chảy ra. Tuy nhiên khi bị tắc tia sẽ, áp lực sữa trong ống dẫn quá cao có thể khiến mẹ thỉnh thoảng bị rò rỉ sữa bất kỳ lúc nào, như khi đang ngồi, đang làm việc,…
- Kích thước ngực to lên: Khi bị tắc tia sữa, cơ thể mẹ thường không nhận ra được tình trạng này mà vẫn tiếp tục sản xuất sữa như bình thường, khiến khối lượng sữa bị tích tụ trong bầu ngực tăng dần lên; từ đó, mẹ sẽ cảm giác ngực mình ngày càng to hơn bình thường.
- Cảm giác căng tức: Lượng sữa không ngừng tăng lên lòng ống dẫn sữa khiến cả bầu ngực của mẹ bị căng tức, có thể nhìn thấy mạch máu đỏ nổi cộm dày đặc, nhất là xung quanh quầng ngực của mẹ.
- Sờ vào thấy đau và các ổ xơ: Dùng tay tự sờ nắn, nhấn sâu vào vòng 1, mẹ có thể cảm thấy một vài ổ chai được hình thành do sữa kết đông quá lâu trong bầu ngực mà chưa được chảy ra ngoài. Càng sờ lên khu vực quầng ngực thì mẹ càng thấy đau. Cảm giác buốt này có thể lan cả lên đầu ti của mẹ.

Nhấn vào phần ngực bị tắc tia sữa, mẹ thường cảm thấy cảm giác căng tức
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa, trong đó bao gồm:
- Tư thế cho bú sai cách: Nhiều mẹ đẻ mổ hoặc sinh thường vì dễ đau lưng, mỏi bụng mà thường chọn cách con bú trong tư thế mẹ nằm ngửa, con nằm sấp. Cách bế này rất dễ khiến tuyến sữa bị tắc do dòng chảy của sữa ngược chiều với trọng lực.
- Khớp ngậm không chặt: Nhiều trẻ ngậm ti mẹ không sát, không khép kín không thể bú kiệt sữa mà chỉ “mớm” được một lưỡng sữa ít ỏi, làm tăng nguy cơ gây tắc tia sữa cho mẹ.
- Tần suất cho bú quá ít: Thông thường, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi cần bú ít nhất 6 cữ mỗi ngày, trong khi trẻ 6 tháng tuổi trở lên cần bú tối thiểu 4 cữ mỗi ngày kết hợp cùng chế độ ăn dặm hợp lý. Cho bé bú ít hơn tần suất này dễ khiến sữa mẹ bị đông kết, gây ra hiện tượng tắc tia sữa.
- Mẹ không vắt sữa: Nhiều mẹ khi cho bú không chủ động bóp, nặn, miết ngực để sữa ra nhiều hơn mà chỉ để trẻ tự bú hoặc sau khi trẻ bú xong, không tiếp tục hút sữa, vắt sữa để sữa chảy ra hết mà đã vội mặc quần áo vào, điều này khiến lượng sữa còn sót lại gây ứ đọng cho lần bú sau.
- Mẹ không cho trẻ bú kiệt: Trẻ bú chưa xong một bên mà mẹ đã vội cho trẻ bú bên ngực khác cũng là một thói quen phổ biến gây tắc tia sữa.
- Tăng áp lực lên vú: Nhiều mẹ sau sinh muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng mà chuộng mặc các loại áo nịt ngực quá chật, các loại áo định hình ngực bó sát, hoặc nằm sấp khi ngủ quá nhiều cũng có thể gây tắc tia sữa.
- Tăng áp sữa: Là hiện tượng xảy ra khi hóc môn Prolactin phụ trách việc sản xuất sữa trong cơ thể mẹ hoạt động quá mức, khiến ngực chứa quá nhiều sữa, gây áp lực lên các ống dẫn sữa và dẫn đến tắc nghẽn.
- Thay đổi nội tiết tố: Nhiều thói quen sinh hoạt kém lành mạnh hoặc chứng trầm cảm sau sinh có thể khiến nội tiết tố hoạt động bất ổn, góp phần gây tắc ống dẫn sữa.
- Bệnh tật: Cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng hệ tiêu hóa có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố có thể góp phần làm tắc ống dẫn sữa.

Cho trẻ bú bình nhiều thay vì bú mẹ thuận tự nhiên cũng làm tăng nguy cơ mẹ bị tắc tia sữa
Điều trị
Dưới đây là một số bước mẹ có thể thực hiện để điều trị tắc tia sữa tại nhà:
- Cho bú & vắt sữa thường xuyên: Cho con bú thường xuyên là cách điều trị tắc tia sữa tự nhiên nhất mà mẹ có thể làm tại nhà. Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng thêm máy hút sữa để vắt cạn bầu ngực sau mỗi cữ bú, ngăn ngừa tình trạng ứ đọng sữa cũ cho cữ bú sau.
- Cho bú đúng cách: Khi cho trẻ bú, mẹ cần đảm bảo bé ngậm hết quầng vú trong miệng một cách khép kín. Trong lúc trẻ bú, mẹ nên nhẹ nhàng xoa bóp, miết bầu vú để giải phóng điểm tắc nghẽn và phòng chống tắc tia sữa.
- Chườm ấm vùng ngực: Mẹ có thể dùng một chiếc khăn ấm đặt lên vùng ngực bị tắc tia sữa để tăng cường lưu thông máu, làm mềm khối sữa đông kết và cải thiện tình trạng tắc tia sữa.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Thử nghiệm nhiều tư thế cho bú khác nhau để tìm xem tư thế nào có thể giúp thông ống dẫn sữa và cải thiện lưu lượng dòng sữa tốt nhất. Hãy ưu tiên các tư thế bú mà dòng sữa chảy ra thuận theo chiều của trọng lực để hạn chế tối đa tình trạng tắc tia sữa.
- Mặc quần áo rộng rãi: Mặc quần áo rộng rãi giúp giảm áp lực lên bầu ngực và ngăn ngừa tắc nghẽn.
- Dùng miếng lót thấm sữa: Các miếng lót thấm sữa mẹ hiện đang được bày bán rất nhiều trên thị trường có thể giúp mẹ ngăn ngừa áp lực từ áo lót tì đè lên ống dẫn sữa và cải thiện lưu lượng dòng sữa.
Trong trường hợp mẹ muốn dứt điểm tình trạng tắc tia sữa nhanh nhất hoặc đã áp dụng hết tất cả các cách điều trị trên mà chúng không hiệu quả, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ sản khoa gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số bác sĩ có thể kê cho mẹ thuốc giảm đau (ibuprofen), thuốc kháng sinh và đề xuất các phương pháp điều trị thông ống dẫn sữa khác để mẹ nhanh chóng lấy lại dòng sữa chảy “ồ ạt” cho con.
2. Áp xe vú sau sinh
Áp xe vú là một bệnh lý có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất là ở nhóm phụ nữ sau sinh và đang cho cho con bú. Áp xe vú khiến ngực của mẹ xuất hiện các ổ viêm chứa đầy mủ, nhiễm trùng, gây sưng to và đau đớn.
Thông thường, tiến trình phát triển của bệnh áp xe vú sau sinh thường bao gồm ba giai đoạn, bao gồm giai đoạn hình thành viêm, giai đoạn tạo thành ổ áp xe và nếu không được điều trị kịp thời, mẹ có thể bước sang giai hoại tử vú, phải cắt bỏ đi phần ngực bị nhiễm trùng.

Minh họa bên trong một ca áp xe vú điển hình
Dấu hiệu
Mẹ có thể nhận biết sớm bệnh áp xe vú sau sinh với các dấu hiệu sau:
- Ngực đau nhói, căng tức, phù nề, mưng mủ: Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và giai đoạn phát triển của ổ áp xe mà cơn đau của mẹ có cảm nhận khác nhau:
- Nếu ổ mủ chỉ mới ở giai đoạn viêm hay nằm sâu trong tuyến vú: Mẹ chỉ cảm giác nhói nhẹ, sờ vào mới thấy đau hoặc chỉ đau khi cử động cánh tay, da trên vùng viêm trông vẫn bình thường, hạch nách nằm cùng bên ngực bị áp xe cũng bị đau tương ứng.
- Nếu ổ mủ chuyển sang giai đoạn hình thành áp xe hoặc nằm gần khu vực ống dẫn sữa và xoang chứa sữa: Quầng vú của mẹ có thể bị sưng đỏ lên, lộ rõ mạch máu, cơn đau kéo dài liên tục, da quầng ngực nứt ra, đôi khi rò rỉ cả máu và dịch mủ ra bên ngoài.
- Mất sữa hoặc sữa biến chất: Khi bị áp xe, mẹ có thể bị mất sữa hoàn toàn do bị tắc tia sữa, hoặc nếu có sữa chảy ra thì thường hòa theo dịch mủ vàng khiến sữa có mùi lạ. Lúc này, mẹ tuyệt đối không nên cho bé uống phần sữa chảy ra từ phần ngực bị áp xe.
- Các biến chứng nhiễm khuẩn: Do ổ áp xe chứa quá nhiều vi khuẩn, mẹ có thể xuất hiện thêm các biến chứng nguy hiểm như bị sốt cao, thường xuyên có cảm giác ớn lạnh, uể oải, đau đầu dẫn đến mất ngủ, gương mặt hốc hác, làn da xanh xao, khô môi, khát nước, sức khỏe sa sút toàn diện, thậm chí có thể bị nhiễm trùng máu, suy thận và tử vong.
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh áp xe vú là do các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus) và tụ cầu khuẩn (Staphylococci) cư trú trên da của mẹ gây ra.
Ở một vài trường hợp khác, vi khuẩn từ miệng của trẻ sơ sinh, khuẩn phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn thương hàn hay nhóm các vi khuẩn kỵ khí cũng có thể gây ra bệnh áp xe vú sau sinh cho mẹ.
Để vi khuẩn có thể sinh sôi và gây ra bệnh áp xe vú, dưới đây là một vài căn nguyên thường gặp đến từ cách chăm con thiếu khoa học của mẹ, chẳng hạn như:
- Cho bú sai cách: Khi cho con bú, mẹ không biết cách day bóp bầu ngực để sữa xuống đều và khi con bú xong, mẹ không biết cách vắt kiệt phần sữa trẻ bú còn sót lại, dẫn đến tình trạng tồn đọng sữa tăng dần sau mỗi cữ bú, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, hình thành áp xe vú.
- Vấn đề vệ sinh: Sau khi bú xong, nhiều mẹ thường chỉ dùng khăn lau sơ đầu ti và vội mặc áo vào. Chính thói quen này khiến đầu ti bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn sẽ len lỏi vào đầu ti, làm nhiễm trùng ống dẫn sữa và hình thành ổ áp xe.
- Nứt đầu ti: Nhiều bé đến tuổi mọc răng thường hay “nhai” ti mẹ, khiến mẹ dễ bị nứt núm vú, trầy xước, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây áp xe vú. Nếu gặp trường hợp trẻ “nhai” ti mẹ quá nhiều, mẹ nên vắt sữa ra bình cho trẻ bú để ngăn ngừa sớm bệnh áp xe vú.
- Sức đề kháng kém: Nhiều mẹ sau sinh bị trầm cảm, mất ngủ, ăn uống thiếu chất, vì áp lực cuộc sống mà phải thức khuya để chăm con, dậy sớm để đi làm, thiếu thời gian nghỉ ngơi,…khiến hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, dễ bị các loại vi khuẩn tấn công, gây nên áp xe vú.
Điều trị
Có nhiều cách khác nhau để mẹ điều trị áp xe vú:
- Trường hợp áp xe nhẹ: Bác sĩ có thể cho mẹ uống thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh đồng thời tư vấn mẹ dùng máy hút sữa ra bình để trữ đông rồi cho bé bú dần.
- Trường hợp áp xe nặng: Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật gấp để hút mủ (phẫu thuật chọc hút dịch) hoặc rạch một đường nhỏ từ 4 – 5cm ngay phần chân ngực để đặt miếng gạc dẫn lưu mủ từ ổ áp xe ra khỏi bầu ngực.

Minh họa một ca phẫu thuật đặt gạc dẫn lưu mủ do áp xe vú gây nên
Tóm lại, tắc tia sữa là dấu hiệu báo trước của bệnh áp xe vú. Bệnh tắc tia sữa có thể chỉ gây khó chịu cho mẹ, trong khi áp xe vú vừa khiến mẹ sốt cao, vừa gây thiếu sữa cho con, cần được nhập viện điều trị kịp thời.
Bảng phân biệt tắc tia sữa và áp xe Vú
Điểm khác nhau |
Tắc tia sữa |
Áp xe vú |
Thời điểm khởi phát |
Xảy ra sớm, có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh áp xe vú |
Xảy ra sau khi tình trạng tắc tia sữa kéo dài mà không được điều trị hoặc khi bất kỳ tuyến nào trong vú bị nhiễm trùng |
Đối tượng |
Chỉ xảy ra ở phụ nữ (thường là mẹ đang cho con bú) |
Xảy ra chủ yếu ở phụ nữ nhưng có thể xảy ra ở nam giới |
Hình thành ổ viêm do vi khuẩn |
Không |
Có |
Cảm giác |
Căng tức ngực, sờ vào thấy đau hoặc nốt xơ |
Căng tức, đau nhói, phù nề, mưng mủ |
Gây sốt cao |
Không |
Có |
Có thể tự điều trị tại nhà |
Có thể |
Tuyệt đối không |
Tiếp tục cho con bú trực tiếp ở vùng ngực mắc bệnh |
Có thể |
Tuyệt đối không |
Tắc tia sữa dẫn đến áp xe: Đúng hay Sai?
Tắc tia sữa dẫn đến áp xe vú là một khẳng định hoàn toàn ĐÚNG. Tắc tia sữa sẽ dẫn đến áp xe nếu không được điều trị kịp thời. Lượng sữa tắc nghẽn dần đông kết thành một khối rắn, lắng đọng trong thành ống dẫn khiến tình trạng ứ đọng sữa càng trầm trọng hơn. Lâu dần, các tuyến sữa bị bịt kín trở thành “miếng mồi ngon” cho các loại vi khuẩn gây áp xe vú xâm nhập, bao gồm:
- Nhóm vi khuẩn hiếu khí: Tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), Chi liên cầu khuẩn (Streptococcus), Vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae), Vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium), Khuẩn E.Coli (Escherichia coli), Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas).
- Nhóm vi khuẩn kỵ khí: Vi khuẩn gây mụn (Propionibacterium), chủng Peptostreptococcus, Bacteroides, Lactobacillus, Eubacterium,…
Đặc biệt, khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus) là loại vi khuẩn gây áp xe vú nguy hiểm nhất bởi chúng rất “biến hóa” khi vừa là loại vi khuẩn hiếu khí, vừa là loại kỵ khí. Khuẩn tụ cầu vàng thường sinh sôi trên vùng da mũi, nách, bẹn,…của mẹ và có mặt trong cả không khí, đất, nước. Đây chính là loại vi khuẩn gây sưng viêm ở hơn 60% trường hợp bị áp xe vú sau sinh trên toàn thế giới.
Tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe?
Tắc tia sữa thường kéo dài từ 4 ngày đến 4 tuần thì chuyển thành áp xe vú. Tuy nhiên, không phải lúc nào mẹ bị tắc tia sữa cũng mắc bệnh áp xe. Nhiều mẹ có thể điều trị dứt điểm bệnh tắc tia sữa từ sớm nên không hề bị áp xe vú sau đó.
Trường hợp mẹ không thể khắc phục tình trạng tắc tia sữa triệt để thì khoảng thời gian từ lúc bị tắc tia sữa đến lúc bị áp xe vú có thể rất khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc tia sữa: Tia sữa tắc càng nặng thì xác suất mẹ bị áp xe vú càng cao, thời gian khởi phát ổ viêm sẽ sớm hơn bình thường.
- Mức độ vệ sinh & điều kiện sống của mẹ và bé: Không gian sống càng sạch sẽ, mẹ càng giữ gìn vệ sinh quầng vú kỹ thì thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn bình thường.
- Sức khỏe tổng thể và hệ thống miễn dịch của mẹ và bé: Nếu hệ miễn dịch của mẹ tốt, các kháng thể sẽ “đánh bại” được vi khuẩn xâm nhập và không hình thành ổ viêm. Nếu hệ miễn dịch của trẻ tốt, các vi khuẩn sẽ không “dùng” bé làm “vật chủ trung gian” để lây truyền mầm bệnh sang ngực của mẹ.
Tóm lại, theo Ths. BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Bác sĩ dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Nutrihome, câu hỏi “tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe?” không phải lúc nào cũng áp dụng cho tất cả mọi người. Ngay khi bị tắc tia sữa, điều quan trọng là mẹ cần chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt, không để bệnh chuyển biến thành áp xe.
Khắc phục dứt điểm tình trạng tắc tia sữa hoàn toàn là chuyện khả thi, mẹ không nên quá lo lắng mà gây tác động xấu đến sức khỏe. Nếu thấy không an tâm, mẹ có thể tìm đến bác sĩ để được điều trị tắc tia sữa từ sớm.

Sau khi trẻ bú xong, sử dụng máy hút để rút hết phần sữa thừa trong bầu ngực giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa hiệu quả
Cách phòng chống áp xe vú do viêm tắc sữa
Bệnh áp xe vú rất nguy hiểm bởi một khi đã mắc bệnh, tỉ lệ áp xe vú tái phát trong vòng 6 tháng được ước tính có thể lên tới 53%. Điều đó có nghĩa là cứ 10 người bị áp xe vú thì có hơn 5 người bị tái bệnh trở lại.
Vì thế, ý thức phòng bệnh áp xe vú được xem là điều vô cùng quan trọng với phụ nữ sau sinh. Mẹ nên áp dụng ngay các cách phòng chống áp xe vú do viêm tắc sữa dưới đây để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình:
- Cho bú thường xuyên: Cho con bú thường xuyên chính là cách khơi thông dòng chảy tự nhiên, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn sữa một cách hiệu quả, đồng thời đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Đảm bảo trẻ bú kiệt: Khi trẻ bú, mẹ nên tích cực dùng tay nắn, miết bầu ngực để sữa chảy ra hết, không còn lắng đọng trong lòng ống dẫn sữa. Đồng thời, mẹ nên để trẻ bú sạch sữa một bên ngực trước khi chuyển qua bên còn lại. Trẻ bú xong, mẹ có thể dùng thêm máy hút để vắt cạn sữa, phòng ngừa tắc nghẽn cho cữ bú sau.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Tiêu thụ 1.200 miligam lecithin mỗi ngày giúp sữa mẹ gia tăng hàm lượng chất béo, trở nên “nhờn” hơn nên ít bị đông kết, ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa hiệu quả (1). Lecithin có nhiều trong đậu nành, đậu hũ, hải sản, lòng đỏ trứng,…mẹ có thể cân nhắc ăn nhiều các loại thực phẩm này hoặc dùng thực phẩm bổ sung Lecithin theo chỉ định từ bác sĩ.
- Vệ sinh đúng cách: Thực hành vệ sinh tốt khi cho con bú, chẳng hạn như rửa tay trước khi chạm vào ngực, đồng thời giữ cho vùng núm vú luôn sạch sẽ bằng cách dùng thêm miếng lót thấm sữa đệm trong áo lót.
- Mặc quần áo thoải mái: Quần áo vừa vặn là quần áo không quá bó sát khiến ngực bị nhồi nhét, giúp mẹ hạn chế được tình trạng tắc tia sữa.
- Sinh hoạt lành mạnh: Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng giúp mẹ duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, giảm nguy cơ nhiễm trùng gây nên áp xe vú.
- Điều trị tắc tia sữa sớm: Nếu nghi ngờ bị tắc tia sữa, mẹ nên dứt điểm tình trạng càng sớm càng tốt bằng cách chườm ấm, dùng tay xoa bóp, miết nặn bầu ngực hoặc dùng máy hút sữa để hỗ trợ.
- Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt: Bất cứ khi nào mẹ thấy ngực của mình đỏ, đau, sưng, sờ vào thấy đau hoặc thấy nốt chai sần, mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Không tùy tiện sử dụng dịch vụ thông tắc tia sữa: Hiện nay, trên internet có rất nhiều dịch vụ được quảng bá là “thông tắc tia sữa tại nhà” được thành lập bởi những “điều dưỡng viên” không rõ nguồn gốc của bằng cấp. Tốt nhất, mẹ nên đến cơ sở y tế uy tín để an tâm thăm khám, tránh “tiền mất tật mang”.
- Tuân thủ chỉ định từ bác sĩ: Hãy làm theo các khuyến nghị từ bác sĩ từ việc uống đủ thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về tình trạng tắc tia sữa và áp xe vú sau sinh mà mẹ cần quan tâm. Trong mọi tình huống, tốt nhất là mẹ nên chuẩn bị một tâm thế thật vững vàng, biết cách phân biệt tắc tia sữa và áp xe vú để “bắt đúng mạch, trị đúng bệnh” từ sớm.
Có rất nhiều trường hợp, mẹ khi thấy sữa “nhỏ giọt” thì chủ quan không cần đến bác sĩ, đến khi tắc tia sữa dẫn đến áp xe thì mẹ phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, ngực căng phồng, trương lên vì mưng mủ. Do đó, biết cách phân biệt tắc tia sữa và áp xe vú là một trong những kiến thức quan trọng mà các mẹ sau sinh không thể bỏ lỡ nếu muốn có được một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật trọn vẹn.