Tụt canxi máu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

12/04/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tụt canxi máu là tình trạng rối loạn dinh dưỡng có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh thường gây nên những cơn căng cơ, chuột rút và co giật cấp tính. Vậy nguyên nhân tụt canxi do đâu? Triệu chứng tụt canxi máu biểu hiện như thế nào? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị tụt canxi máu? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết sau.

tụt canxi máu

Tụt canxi máu có thể gây nên những cơn co giật cấp tính đe dọa đến tính mạng

Tụt canxi máu là gì?

Tụt canxi máu (tên khoa học là hypocalcemia) là hiện tượng rối loạn điện giải thường gặp khi lượng canxi trong máu của chúng ta ít hơn so với mức thông thường. Nói chính xác hơn, đây là tình trạng rối loạn sức khỏe xảy ra khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần ở dưới mức 8.8 mg/dL (<2.10 mmol/L) hoặc nồng độ canxi ion hóa dưới 4.7 mg/dl (1.17mmol/l). (1)

Nguyên nhân tụt canxi máu

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gân nên tình trạng tụt canxi, chẳng hạn như do rối loạn dinh dưỡng, bệnh lý tuyến giáp, di truyền,… (2). Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên chứng tụt canxi máu thường gặp ở người Việt Nam:

  • Ăn uống thiếu chất: Hạ canxi máu có thể xảy ra nếu bạn ăn uống thiếu chất, đặc biệt là không tiêu thụ đủ các loại thực phẩm giàu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày, chẳng hạn như sữa, trứng, hải sản, phô mát, sữa chua,…
  • Thiếu vitamin D: Vitamin D là một vi chất dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường hấp thụ và chuyển hóa canxi. Vì vậy, việc thiếu vitamin D – dù bất kỳ nguyên nhân gì – đều khiến quá trình hấp thụ canxi ở ruột kém hiệu quả, gây nên tình trạng tụt canxi máu.
  • Suy tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp có vai trò sản xuất ra hormone tuyến cận giáp (PTH) – một loại hormone giúp điều chỉnh lượng canxi trong máu. Do đó, suy tuyến cận giáp làm hạ mức PTH, khiến nồng độ canxi trong máu giảm theo, gây nên chứng tụt canxi máu.
  • Hạ magie máu: Nồng độ khoáng chất magie trong máu tụt xuống thấp một cách bất thường sẽ làm giảm chức năng của PTH; từ đó, gián tiếp gây nên chứng tụt canxi máu.
  • Bệnh về thận: Thận là cơ quan sản xuất calcitriol – một dạng vitamin D3 giúp tăng cường hấp thụ canxi qua niêm mạc ruột. Do đó, bất kỳ bệnh lý nào xảy ra ở thận – như suy thận hay sỏi thận – đều có khả năng làm cạn kiệt lượng canxi trong máu.
  • Viêm tụy: Tuyến tụy bị viêm sẽ kích hoạt một số phản ứng viêm gây phá hủy mạch máu xung quanh và làm “thất thoát” protein huyết tương. Từ đó, các phân tử canxi “gắn” vào protein huyết tương cũng bị “kéo” thoát ra ngoài mạch máu, gây nên chứng hạ canxi máu.
  • Giả suy tuyến cận giáp: Đây là một bệnh lý di truyền hiếm gặp khiến thận và xương không phản ứng với hóc môn PTH; từ đó, ngăn ngừa canxi được giải phóng từ xương và thận vào máu, khiến bạn bị tụt canxi máu.
  • Khuyết tật bẩm sinh: Bất kỳ khuyết tật nào ảnh hưởng nào đến tính toàn vẹn của tuyến giáp đều có thể là nguyên nhân gây nên chứng tụt canxi máu, chẳng hạn như ở một số người từ khi sinh ra đã bị thiếu hoàn toàn tuyến cận giáp hoặc ở một số người mắc hội chứng DiGeorge (bệnh thiếu một phần nhiễm sắc thể 22) khiến tuyến cận giáp có kích thước nhỏ hơn bình thường.
  • Đang dùng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh (rifamycin), thuốc chống động kinh (phenobarbital), thuốc điều trị vấn đề về xương như alendronate, ibandronate, risedronate, axit zoledronic,… đều có thể gây ra tình trạng tụt canxi máu.
nguyên nhân tụt canxi

Ít tiêu thụ các loại thực phẩm giàu canxi là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tụt canxi máu

Triệu chứng tụt canxi

Triệu chứng tụt canxi ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những biểu hiện hoàn toàn khác nhau (3). Dưới đây là những dấu hiệu tụt canxi phổ biến ở người trưởng thành và trẻ em mà bạn cần sớm nhận biết:

1. Triệu chứng tụt canxi thông thường ở người trưởng thành

Đối với người trưởng thành, các triệu chứng tụt canxi thường không quá rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi các triệu chứng đã biểu hiện ra bên ngoài, điều này đồng nghĩa với việc tình trạng bị tụt canxi đã trở nên nghiêm trọng. Khi đó, một số biểu hiện của chứng tụt canxi máu ở người trưởng thành bao gồm:

  • Thường xuyên gặp phải tình trạng rút cơ hoặc chuột rút;
  • Luôn có cảm giác mệt mỏi, lười vận động, cơ thể uể oải, lừ đừ, chậm chạp và dễ ngủ gật;
  • Thường xuất hiện dị cảm ở lòng bàn chân và bàn tay như cảm giác tê râm ran, châm chích, đôi khi bị mất cảm giác tạm thời;
  • Nhịp tim không ổn định đi kèm với đau thắt vùng bụng;
  • Tâm trạng thất thường, hay cáu gắt vô cớ, dễ nổi nóng hơn bình thường. Một vài trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
triệu chứng tụt canxi

Tụt canxi máu ở người trưởng thành thường gây ra những cơn căng cơ và chuột rút khiến người bệnh đau buốt

2. Triệu chứng tụt canxi thông thường ở trẻ em

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hiện tượng tụt canxi máu thường được nhận biết thông qua những biểu hiện bất thường như thường xuyên khó chịu, quấy khóc, dễ ngủ gật, biếng ăn, bỏ bú. Đối với những trẻ trên 5 tuổi thì thì biểu hiện của bé cũng có phần tương tự với biểu hiện thiếu canxi, tụt canxi ở người trưởng thành, đặc biệt là dấu hiệu co giật gân xương trên mặt và co rút cơ cổ tay:

  • Phản xạ gân xương trên mặt: Là phản xạ co giật cơ mặt không ý thức khi bạn dùng tay gõ lên nhẹ lên dây thần kinh thụ cảm ở mặt – vùng nằm gần ống tai của trẻ.
  • Phản xạ co rút cơ cổ tay: Giảm lượng máu cung cấp cho cánh tay của bé bằng cách bơm căng băng quấn đo huyết áp lên mức áp suất cao hơn HA tâm thu (áp suất động mạch) là 20mm thủy ngân. Tiếp tục duy trì áp suất này trong khoảng 3 phút, bạn sẽ thấy cổ tay của bé co lại đột ngột.
Triệu chứng tụt canxi thông thường ở trẻ em

Tình trạng tụt canxi máu có thể khiến cơ cổ tay của bé co lại đột ngột khi bơm căng băng quấn đo huyết áp

3. Triệu chứng hạ canxi cấp tính

Tình trạng hạ canxi cấp tính xảy ra khi chỉ số canxi trong máu ở mức đáng báo động, thấp hơn 7 mg/dL. Chúng ta có thể phát hiện triệu chứng tụt canxi cấp tính này qua các dấu hiệu sau:

  • Người bệnh co giật toàn thân;
  • Bệnh nhân có hiện tượng co giật cơ môi, cơ mặt và đau nhức cơ toàn thân.
  • Chân bị căng cứng cơ, có thể duỗi thẳng hoặc gập cong, cứng đờ lại như ở trạng thái đạp xe đạp.

Khi phát hiện bệnh nhân bị hạ canxi cấp cần ngay lập tức đưa đến bệnh viện để tiến hành cấp cứu kịp thời. Nếu không được phát hiện và xử lý đúng lúc thì những trường hợp bị hạ canxi cấp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh trung ương.

Bị tụt canxi có nguy hiểm không?

Canxi là một khoáng chất quan trọng cho sức khỏe xương khớp, tim mạch và hệ thần kinh. Bị tụt canxi rất nguy hiểm vì nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị co giật, suy tim, liệt dây thần kinh vận động, nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể gây đột quỵ và đe dọa tới tính mạng.

Ngược lại, nếu được cấp cứu kịp thời, tình trạng hạ canxi máu có thể được điều trị dễ dàng bằng cách bổ sung canxi để đưa nồng độ canxi trong máu trở lại mức bình thường. Lúc này, các triệu chứng nguy hiểm do bị tụt canxi sẽ hoàn toàn biến mất.

Bị tụt canxi có nguy hiểm không?

Tụt canxi máu có thể gây nên những cơn co giật bất ngờ rất nguy hiểm

Phòng ngừa tụt canxi huyết

Biện pháp phòng ngừa tụt canxi máu hiệu quả nhất là bổ sung canxi thông qua dinh dưỡng hoặc qua các loại thuốc bổ sung canxi đường uống hiện đang được bày bán trên thị trường. Theo đó, để ngăn ngừa sớm tình trạng tụt canxi, bạn cần:

  • Xây dựng thực đơn ăn uống giàu canxi: Khẩu phần ăn cần chứa nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, phô mát, hải sản, rau xanh và trái cây… để cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
  • Uống đủ liều: Khi dùng các loại thuốc bổ sung canxi, bạn cần đảm bảo uống đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định bởi uống canxi quá ít có thể không đem lại hiệu quả ngăn ngừa chứng tụt canxi huyết.
  • Không uống vượt ngưỡng: Trong mọi tình huống, bạn tuyệt đối không nên tiêu thụ hơn 2500 mg canxi / ngày hoặc hơn 500mg canxi / lần uống bởi tiêu thụ quá nhiều canxi có thể gây ra tình trạng kém hấp thu và bệnh sỏi thận.
  • Uống canxi đúng thời điểm: Acid tiêu hóa do dày tiết ra khi tiêu hóa thức ăn giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Vì thế, việc tiêu thụ các loại thuốc canxi nên được tiến hành ngay trong bữa ăn để tăng khả năng hấp thụ.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Không sử dụng những đồ uống chứa những chất kích thích làm giảm khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể như cà phê, đồ uống có cồn, các loại bia rượu…

Thực tế, không có bất kỳ phương pháp nào có thể giúp bạn ngăn ngừa được chứng tụt canxi máu một cách hoàn toàn triệt để. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp mà Nutrihome vừa chia sẻ bên trên có thể giúp bạn tăng cường đáng kể khả năng dung nạp canxi của cơ thể; từ đó, hỗ trợ ngăn ngừa phần lớn các nguy cơ gây nên tình trạng tụt canxi nguy hiểm.

Phòng ngừa tụt canxi huyết

Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi trong chế độ dinh dưỡng giúp ngăn ngừa tình trạng tụt canxi máu

Chẩn đoán tụt canxi máu

Hiện tại, các chuyên gia có thể áp dụng rất nhiều phương pháp hiện đại để chẩn đoán sớm tình trạng tụt canxi máu. Một số phương pháp chẩn đoán tụt canxi máu thường được sử dụng bao gồm:

  • Kiểm tra lâm sàng bằng cách xem xét tình trạng tóc, da, cơ bắp của người có nguy cơ hoặc nghi ngờ bị tụt canxi máu;
  • Kiểm tra thần kinh thông qua các phản xạ gân cơ để đánh giá tình trạng rối loạn tri giác, co giật,.
  • Xét nghiệm máu chuyên sâu nhằm kiểm tra nồng độ canxi toàn phần và canxi ion hóa trong máu. Đây là dạng xét nghiệm quan trọng, mang tính quyết định trong việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh tụt canxi.

Cách trị tụt canxi máu

Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị tụt canxi máu, các chuyên gia sẽ tư vấn giải pháp điều trị phù hợp nhất (4). Những phương pháp điều trị hiệu quả tình trạng tụt canxi máu thường được áp dụng là:

  • Tiêm tĩnh mạch: Phương pháp này thường được chỉ định với những bệnh nhân bị hạ canxi máu cấp tính. Thông qua việc tiêm trực tiếp dung dịch muối canxi clorid hoặc canxi gluconat vào mạch máu, bệnh nhân có thể được bổ sung lượng canxi bị thiếu hụt một cách nhanh nhất mà không cần phải thông qua hệ tiêu hóa.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc bổ sung canxi dưới dạng siro, viên sủi, viên nén hoặc viên nang có thể được kê thành liều để bạn uống bổ sung mỗi ngày, giúp nâng cao nồng độ canxi trong máu.
  • Điều trị bệnh lý: Nếu tình trạng tụt canxi máu là do bệnh lý nền gây ra như do suy thận, suy tuyến giáp,… thì trước tiên cần điều trị dứt điểm tình trạng bệnh.
Cách trị tụt canxi máu

Điều trị tụt canxi máu bằng các loại thuốc bổ sung canxi đa dạng như viên nén, viên nang hay dung dịch tiêm tĩnh mạch

Bị tụt canxi uống thuốc gì?

Bệnh nhân bị tụt canxi thường sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau trong đó có duy trì uống thuốc canxi định kỳ. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị tụt canxi thường được các sĩ chỉ định:

  • Thuốc bổ sung canxi đường uống: Thường chứa các hợp chất như canxi cacbonat, canxi lactate, canxi gluconat, canxi citrate,… và được đóng gói dưới dạng dạng viên nén, viên nang, viên sủi hoặc dạng lỏng (siro). Tất cả các loại thuốc này đều có thể giúp bạn khôi phục lại lượng canxi trong máu sau từ 1 – 3 tuần uống liên tục.
  • Thuốc bổ sung vitamin D3: Là các loại thuốc có chứa Cholecalciferol trong thành phần. Bổ sung Cholecalciferol cùng với thuốc canxi sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ canxi. Do đó, đây là một loại thuốc rất thích hợp sử dụng cho những người bị hạ canxi máu mãn tính.
  • Thuốc hormone tuyến cận giáp (PTH) tổng hợp: Nếu nguyên nhân gây tụt canxi máu của bạn là do suy tuyến cận giáp thì việc sử dụng PTH tổng hợp là điều cần thiết để cân bằng hàm lượng canxi cho cơ thể. Một số loại thuốc bổ sung PTH tổng hợp thường được bác sĩ chỉ định là Natpara và Forteo.
  • Thuốc bổ sung Magie: Đôi khi bạn sẽ bị hạ canxi máu do thiếu hụt magie do đó cần dùng thuốc bổ sung Magie dạng uống hoặc tiêm tĩnh mặc như magie lactat hoặc magie chloride.
  • Tiêm tĩnh mạch: Trong trường hợp bệnh nhân bị tụt canxi máu nghiêm trọng, bị chuột rút hoặc bị co thắt cơ (tetany), các bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung canxi qua đường uống hoặc truyền canxi gluconat tiêm tĩnh mạch.

Cách chữa tụt canxi tại nhà

Tụt canxi tại nhà có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Dưới đây là những điều bạn nên làm khi khi gặp có người thân bị tụt canxi tại nhà:

  • Bước 1: Bình tĩnh để đưa người bệnh đến nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát;
  • Bước 2: Tiến hành gọi xe cấp cứu. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, hãy cố gắng giữ cho bệnh nhân tỉnh táo bằng cách vỗ nhẹ hai má. Nếu bệnh nhân bị ngất đi, hãy ấn huyệt nhân trung (huyệt nằm giữa mũi và miệng) để đánh thức bệnh nhân;
  • Bước 3: Tiền hành cho bệnh nhân uống thuốc bổ sung canxi, tốt nhất là dùng các loại thuốc canxi dạng viên sủi, dễ hòa tan và có tác dụng nhanh. Nếu bệnh nhân bị ngất hay hai hàm bệnh nhân cứng lại thì hãy cố gắng đút thuốc cho bệnh nhân bằng thìa.
  • Bước 4: Khi xe cấp cứu đến, hãy để các chuyên viên y tế thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn của họ. Nếu được, bạn nên cho người bị tụt canxi nhập viện trong cùng ngày và ở lại bệnh viện đến hết hôm sau để theo dõi thêm các chuyển biến sức khỏe.
Cách chữa tụt canxi tại nhà

Trong lúc chờ xe cấp cứu, hãy pha cho người bị tụt canxi 1 viên sủi bổ sung canxi càng sớm càng tốt

Bị tụt canxi nên uống gì, ăn gì?

Khi bị tụt canxi, bạn nên tích cực ăn các loại thực phẩm giàu canxi và kết hợp uống thêm thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:

  • Thực phẩm giàu canxi: Là những loại thực phẩm như sữa, phô mát, sữa chua, rau xanh có màu đậm, ngũ cốc, nước cam, hải sản, trứng, các loại hạt (hạt vừng, hạt chia, hạt lanh, hạt phỉ, hạt hạnh nhân) và các loại đậu (đặc biệt là đậu nành).
  • Thuốc: Ngoài ăn bổ sung thực phẩm giàu canxi, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ điều trị như canxi chứa canxi cacbonat, canxi gluconat, canxi citrate để tăng cường hàm lượng canxi trong máu.
Bị tụt canxi nên uống gì, ăn gì?

Người bị tụt canxi cần uống nhiều sữa và ăn nhiều phô mát, sữa chua, rau xanh, các loại hạt và các loại đậu

Bên cạnh bổ sung canxi thông qua đường ăn uống, người bị tụt canxi cũng nên:

  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để cơ thể tăng cường tổng hợp vitamin D, hỗ trợ hấp thụ canxi tốt hơn;
  • Bổ sung thực phẩm chức năng vitamin D và magie để hỗ trợ hấp thu canxi;
  • Tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thức uống có cồn làm cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể.

Tụt canxi máu: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn phát hiện cơ thể mình có các dấu hiệu tụt canxi như:

  • Tê bì tay chân;
  • Thường xuyên bị chuột rút, co giật các cơ;
  • Móng tay và móng chân dễ gãy;
  • Khó thở, mệt mỏi và dễ bị chóng mặt;
  • Dễ rơi vào tình trạng bối rối, lo âu;
  • Nhịp tim không ổn định;
  • Làn da xanh xao và nhợt nhạt.

Khi nhận thấy mình có các triệu chứng trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Trong mọi tình huống, bạn không nên cố tránh né gặp bác sĩ bởi nếu tình trạng tụt canxi máu không được chữa trị dứt điểm, bạn có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn như tăng nguy cơ bệnh loãng xương và bệnh rối loạn tuyến giáp.

khám bác sĩ khi có dấu hiệu tụt canxi máu để biết nguyên nhân và điều trị

Đến gặp bác sĩ ngay khi bạn thấy mình có các dấu hiệu bị tụt canxi máu

Tụt canxi và những câu hỏi thường gặp

Có rất nhiều thắc mắc xung quanh cách điều trị, xử lý khẩn cấp khi gặp tình trạng tụt canxi máu. Dưới đây là lời giải đáp chi tiết cho những thắc mắc thường gặp!

1. Tụt canxi có nên truyền nước không?

Tụt canxi NÊN truyền nước biển bởi vì trong nước biển có chứa muối khoáng của canxi. Nhờ đó, việc truyền nước biển sẽ nhanh chóng giúp bạn điều chỉnh lại nồng độ canxi trong máu trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, việc ra quyết định có truyền nước hay không cũng cần sự chỉ định từ bác sĩ bởi không phải ai bị tụt canxi cũng cần được truyền nước biển. Trên thực tế, ngoài cách truyền nước biển, còn rất nhiều cách bổ sung canxi khác mà tùy theo tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp bổ sung canxi phù hợp.

2. Tụt canxi uống nước đường có đỡ không?

Tụt canxi máu uống nước đường KHÔNG HỀ giúp bạn cảm thấy đỡ hơn bởi bản chất của tình trạng tụt canxi là do hàm lượng canxi trong máu thấp hơn mức tiêu chuẩn. Việc uống nước đường chỉ làm tăng chỉ số đường huyết chứ không giúp cải thiện nồng độ canxi. Do đó, thay vì uống nước đường, bạn nên uống nhanh các loại viên sủi chứa canxi để cơ thể nhanh chóng khôi phục lại được nồng độ canxi khỏe mạnh.

Trên đây là những thông tin quan trọng về tình trạng tụt canxi rất phổ biến hiện nay. Mong rằng với những chia sẻ của Nutrihome, bạn đã có thể nhận biết sớm được các dấu hiệu bệnh cũng như biết cách xử lý nếu chẳng may trong gia đình có người thân bị tụt canxi máu. Nếu bạn lo lắng không biết mình có bổ sung đủ canxi chưa, hãy nhanh chóng đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Với hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại, Nutrihome có thể dễ dàng đo lường được hàm lượng canxi trong máu và chẩn đoán chính xác bạn có bị tụt canxi máu hay không; từ đó, đề ra phác đồ điều trị phù hợp để khôi phục lại sức khỏe.

5/5 - (2 bình chọn)
11:43 26/04/2023